Mùa phượng cháy

15:55 11/02/2009
NGUYỄN THẾ QUANG(Chuyện tình chưa kể của nhà thơ Hoàng Cầm)

Yêu nghề dạy học, yêu văn chương đã tạo cho tôi có cơ duyên gặp gỡ với một số nhà văn, nhà thơ. Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ mà tôi gắn bó và được làm bạn vong niên. Hay tin anh bị ngã gãy chân đã lâu nhưng mãi đến hôm nay trong kỳ nghỉ hè tôi mới từ Nghệ An ra thăm anh. Khi tôi đến căn nhà 43 Lý Quốc Sư vừa lúc cô cháu đang đẩy chiếc xe lăn ra ngõ. Người anh có gầy đi, tóc anh có bạc thêm nhưng đôi mắt vẫn tinh anh nhìn tôi vui vẻ:
- Thế Quang có vội không? Nếu rỗi đi dạo với mình một lúc.
Tôi vui vẻ gật đầu. Tôi và cô cháu gái từ từ đưa anh đi. Nhìn thấy anh mặt mày rạng rỡ như trẻ thơ được đi chơi phố lần đầu, thích thú ngắm sắc nước Hồ Gươm và khách bộ hành, tôi lặng lẽ ngắm nhìn anh một cách trìu mến. Chúng tôi đi về phía Hàng Gai, qua Hàng Bông. Đến ngã tư Hàng Bông và Quán Sứ anh bảo dừng lại, nhắc anh lên hè phố. Tôi chợt nhận thấy khuôn mặt anh trở nên lặng lẽ, đôi mắt anh trở nên sâu thẳm mênh mông ngước nhìn về ảnh tiệm Hồng Kông. Lát sau anh nói với tôi:
- Nơi đây vào những năm 1939 - 1943 là tiệm nhảy ASIA (Á Châu) nổi tiếng một thời. Ở đây lưu giữ một quãng đời thật đẹp mà cũng thật xót xa của anh.

Anh bồi hồi nhớ lại... Hồi ấy, từ vùng quê sông Đuống chàng thanh niên Hoàng Cầm mới 20 tuổi lên Hà Nội học thi Tú tài toàn phần. Anh ở trọ tại phố Sinh Từ cùng với Trúc Lâm... Người bạn cùng quê. Thỉnh thoảng anh cùng mấy người bạn rủ nhau tới tiệm nhảy. Ngồi ở góc tường Hoàng Cầm vừa rụt rè, vừa thích thú ngắm nhìn những đôi trai gái ngả nghiêng lượn quay trong tiếng nhạc. Sau một vài bận, một cô gái trẻ đẹp rời sàn nhảy đến bên anh. Cô ta có nước da nâu hồng, mái tóc mượt, một thân hình tròn lẳn với cặp đùi trông thật hấp dẫn.
- Cậu là dân quê à?
- Vâng! Em là trai Kinh Bắc.
- Thảo nào, nhìn mặt biết cậu là một kẻ tài hoa. Nào, vào nhảy với tớ.
Cô ta nắm lấy tay Cầm. Anh từ chối vì chưa biết nhảy. Lúc này anh mới nhìn rõ cô ta: Một khuôn mặt trái xoan có cái miệng rất xinh pha chút tinh nghịch diễu cợt và một đôi mắt màu nâu huyền thẳm sâu một nỗi buồn mênh mang. Mấy lần sau dù bận ôn thi nhưng Hoàng Cầm vẫn rủ bạn bè đến để ngắm nhìn vẻ đẹp của giai nhân. Cho đến một đêm trời lất phất mưa xuân cô ta rủ Cầm ra mé Hồ Gươm. Ngồi dưới gốc phượng vĩ gần Đền Ngọc Sơn, cô ta nắm lấy tay Cầm nóng hổi:
- Cầm đến ở với mình đi.
- Sao? Sao lại đến ở với chị? Ở với tư cách gì?
- Mình và Cầm xấp xỉ tuổi nhau. Mình thích Cầm - thích cái vẻ thông minh tài hoa nhưng vẫn còn chân chất đồng quê của Cầm.
Cầm chưa biết trả lời sao thì cô ta đã nói:
- Tuyết ở Hải Phòng, năm nay hai mươi tuổi. Bố mẹ bắt Tuyết lấy một kẻ thô lỗ đã có vợ con, tuổi xấp xỉ bố mình nhưng rất giàu, muốn biến Tuyết thành kẻ đào mỏ. Tuyết không chịu. Bố mẹ từ Tuyết. Tuyết lên đây làm gái nhảy để kiếm sống. Cầm về với Tuyết đi. Chúng ta sẽ sống với nhau như vợ chồng. Cuộc đời trong trắng của Tuyết phải dành trước hết cho một người trong trắng.

Tuyết ôm lấy Cầm và đặt cái hôn nồng cháy lên môi anh. Với cốt cách đa tình và trước sức mạnh quyền uy của cái đẹp Hoàng Cầm ôm lấy Tuyết trong đôi tay cường tráng của mình. Thế nhưng sau phút giây ấy Hoàng Cầm vẫn còn tỉnh táo:
- Để Cầm về suy nghĩ thêm.
Anh vội vàng tìm hiểu về Tuyết. Những điều Tuyết nói là có thực.Vào tiệm nhảy hơn một tháng Tuyết nhanh chóng cuốn hút nhiều gã làng chơi nhưng chưa có một kẻ nào đi chơi riêng được với Tuyết. Cầm thương con người ấy có nhân cách, có cá tính mà bị đẩy vào một cảnh ngộ oái oăm. Vả lại vẻ đẹp phương Đông diệu huyền của Tuyết đã cuốn hút anh. Anh tâm sự với Trúc Lâm. Sau một hồi suy nghĩ, Lâm nói với anh:
- Được! Cô ta vừa đẹp, vừa có bản lĩnh, vừa có nội tâm khá. Nhận lời đi.
Cố nén thèm muốn, Hoàng Cầm để đến năm ngày sau mới gặp lại Tuyết. Thế nhưng nhìn khuôn mặt hoan hỉ của Cầm, Tuyết đã hiểu tất cả. Hai người lại đưa nhau ra gốc phượng vĩ. Và thật bất ngờ Tuyết tuyên bố:
- Tuyết yêu Cầm, hiến dâng tất cả cho Cầm, săn sóc Cầm chu đáo. Nhưng chúng ta chỉ sống với nhau đúng 6 tháng thôi nhé.

Quỷ quái thật - Cầm nghĩ, sao lại có nước này. Nhưng thôi, một ngày đã quý huống hồ gì 6 tháng. Sáu tháng ấy ta sẽ làm cho nàng thay đổi. Hoàng Cầm nhận lời dọn đến ở với Tuyết tại phòng nhỏ Tuyết thuê ở Ruedala Ciladelle (Phố Đường Thành bây giờ). Thế là bắt đầu những ngày tháng tuyệt đẹp. Khi Hoàng Cầm đi học, Tuyết ở nhà nghỉ ngơi. Khi Tuyết lên sàn nhảy Hoàng Cầm ở nhà học bài. Thời gian còn lại họ quấn quýt bên nhau. Càng gần nhau họ càng cảm thấy gắn bó, càng yêu nhau nồng đượm hơn. Thế nhưng đồng tiền của cô gái nhảy chẳng được là bao, phải nuôi thêm một gã bạch diện thư sinh mà thích chơi sang, cả hai rơi vào “khủng hoảng kinh tế”. Một đêm đi nhảy về, giữa lúc hai người xoắn xuýt bên nhau, Tuyết tuyên bố:
- Từ tuần sau trở đi, mỗi tuần hai đêm sau 10 giờ 30 Tuyết về. Cầm không được buồn. Cả cuộc đời Tuyết, Tuyết chỉ yêu mình Cầm. Tuyết phải đi thế này cũng để nuôi đủ Cầm ăn học nên người.

Cầm sững người. Nhìn vào khuôn mặt Tuyết bắt gặp đôi mắt vừa buồn thăm thẳm, vừa nồng cháy yêu thương, Cầm vội ngoảnh mặt đi rồi ôm chặt Tuyết vào lòng.
Thế nhưng mỗi lần Tuyết đi, Cầm lại ra hè phố đứng dưới gốc phượng vĩ nhìn theo vừa xót xa, vừa giận đời, vừa giận mình và càng thương Tuyết vô hạn. Chính trong những giờ phút ấy Hoàng Cầm nghĩ nhiều về thân phận của người con gái. Cần thèm khát ở họ một vẻ đẹp khác mạnh mẽ, lớn lao. Hình ảnh Kiều Loan đã hiện hình dần trong những tháng ngày ấy, trong căn phòng của đôi uyên ương bất ngờ ấy.
Cho đến một đêm, khi Tuyết đã ngủ say, Hoàng Cầm nhè nhẹ ngồi dậy viết. Anh viết mải mê đến gần sáng mới chợp mắt. Tuyết tỉnh dậy thấy Cầm còn ngủ mê mệt. Nhìn tập giấy mở trên bàn, Tuyết vội đọc:
Kiều Loan:
Ta đứng trơ đây bên má phấn
Mà thương thiên hạ sống bơ vơ
Chiến tranh đẫy túi phường buôn máu
Danh nghĩa chồi lên những sọ dừa...

Tuyết bàng hoàng. Chàng trai này tài hoa quá! Thật là tuyệt vời khi mình có được báu vật này. Tuyết ngắm nhìn Cầm say mê, đôi môi căng mọng sức xuân như hé cười. Mặt trời đã lên cao, Tuyết lay Cầm dậy:
- Hoàng! Hoàng! Dậy đi:
Cầm mở mắt, ngạc nhiên:
- Em gọi Hoàng nào thế? Có ai ở đây à?
- Không. Tuyết gọi Cầm đấy. Cái tên Hoàng Cầm nghe nó cay đắng thế nào ấy. Đời cay đắng quá nhiều rồi, gọi thêm làm chi nữa.
Nhìn chồng giấy viết dở, Tuyết ôm lấy Cầm:
- Từ nay đối với Tuyết, Cầm là ông Hoàng của Tuyết.

Từ đó hai người càng yêu, càng quý nhau hơn. Khi Hoàng Cầm đậu Tú tài toàn phần xong, Cầm càng mãn nguyện. Hai người lại ngồi với nhau dưới gốc phượng già. Cầm nói với Tuyết bao nhiêu dự định, bao nhiêu ước mơ. Cầm tin là Tuyết sẽ bỏ ý định ban đầu và sống với Cầm suốt đời. Tuyết ngồi nghe hương vị ngọt ngào trong ước mơ của Cầm cố nén một tiếng thở dài. Không phải đến trường, Hoàng Cầm dồn tất cả tài hoa và công sức chăm sóc Tuyết.
Tuyết rạng rỡ trong hạnh phúc.
Một sáng tháng 7 năm 1940 ấy thức dậy đi điểm tâm ở hiệu về, Tuyết bỗng hỏi Cầm:
- Hoàng có nhớ hôm nay là ngày gì không?
- Chủ nhật... Chúng mình đi...
Chợt nhìn thấy vẻ nghiêm trang trên khuôn mặt Tuyết, Cầm dựng lại.
- Đúng! Hôm nay là chủ nhật. Hôm nay cũng là ngày chúng ta sống với nhau vừa tròn 6 tháng. Đã đến lúc chúng ta chia tay.

Đất trời như đổ sụp, Hoàng Cầm ôm níu lấy Tuyết “Không! Không! Anh không thể xa em”. Tuyết nhẹ nhàng vuốt mái tóc Hoàng, kiên quyết gỡ tay Hoàng ra:
- Thôi! Ông Hoàng thân yêu của Tuyết, đã đến lúc phải rời bỏ ngai vàng của mình rồi.
Hoàng Cầm vừa đau khổ, vừa tha thiết tìm mọi cách để thuyết phục Tuyết. Tuyết vẫn tỉnh táo không lay chuyển. Anh ngồi ủ rũ ở góc phòng đau đớn nhìn Tuyết sắp gọn đồ đạc của hai người vào hai chiếc va li. Trưa hôm ấy Tuyết mời cơm chia tay mấy người bạn. Cô ấy vẫn nhanh nhẹn tươi cười, còn Hoàng Cầm lặng lẽ cắm đũa nhìn, Ngọc Lan tinh nghịch:
- Ông Hoàng Kinh Bắc, phải vui lên, ăn nhiều vào cho người đẹp vui chứ.
Hoàng lại cố nuốt buồn thương, cố ăn cho Tuyết vui. Thức ăn ngon nhạt thếch trong miệng anh.

Anh trở lại phòng đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Con người này thật kỳ lạ. Anh có cảm giác những ngày nồng cháy vừa qua như trong một giấc mơ quá ngắn. Nghe tiếng bước, anh biết Tuyết đã vào phòng, cánh cửa đã khép lại. Cầm vẫn đứng im. Không có tiếng động. Lát sau anh ngoảnh lại: Tuyết đang đắm đuối nhìn anh rồi bỗng lao tới ôm lấy anh nức nở. Con người thực của Tuyết đã bừng dậy.Anh líu ríu:
- Ở lại đi em. Chúng ta sẽ sống với nhau trọn đời.
Tuyết vẫn khóc. Đôi bàn tay thon thả vẫn ôm riết lấy anh. Nước mắt Tuyết thấm đẫm vạt áo trước ngực anh. Bây giờ lại đến lượt anh động viên Tuyết. Lát sau Tuyết trở nên tỉnh táo:
- Hoàng có những dự định lớn, con đường Hoàng đi có nhiều việc lớn phải làm. Tuyết không thể mang đến sức mạnh cho cả cuộc đời Hoàng. Tuyết có những đam mê mà Hoàng cũng không thể mang lại cho Tuyết. Muôn vàn cảm ơn Hoàng đã đem đến cho Tuyết một tình yêu hồn nhiên, đằm thắm, trong sáng mà có lẽ đẹp nhất, duy nhất trong đời Tuyết.
Đặt lên môi Hoàng một chiếc hôn dài nồng cháy như chiếc hôn ban đầu nhưng có pha thêm vị mặn chát của nước mắt, Tuyết đứng dậy, mở cửa, gọi xích lô đưa Hoàng trở lại căn phòng nhỏ ở phố Sinh Từ.
Suốt chiều hôm ấy Hoàng thấy trong ngực mình lúc nào cũng như có lò lửa đang cháy, bổi hổi. Đêm vừa xuống, Hoàng xăm xăm đến tiệm AISA. Nhìn vẻ mặt bơ phờ, tuyệt vọng của chàng trai si tình, bà chủ tiệm an ủi:
- Cậu đừng buồn! Đời ai trong thời buổi loạn lạc này thì cũng như bèo dạt mây trôi cả thôi. Tuyết đi, cũng vì yêu cậu, muốn cậu thành đạt. Giờ này cô ấy đang ngồi trên chuyến tàu tốc hành vào Sài Gòn. Cậu đừng buồn và luôn nhớ đến Tuyết. Cô ấy chỉ mong có vậy.
Hoàng cúi đầu cảm ơn bà rồi đi ra đường. Anh bước đi mà không biết đi đâu. Đến khi chợt dừng lại mới hay mình đã đến dưới gốc phượng già. Anh lặng lẽ ngồi. Những làn gió thổi ào qua mặt Hồ Gươm. Hoa phượng tàn rơi đầy trên vai áo.

Trời đã về chiều, Hoàng Cầm bảo chúng tôi đưa anh về. Qua phố Hàng Gai anh lại bảo đi lên phía Đền Ngọc Sơn. Chúng tôi dừng lại trên chiếc ghế đá dươi gốc phượng vĩ già đang dang những cánh tay đỏ rực hoa trên mặt hồ. Những hàng liễu vẫn xanh mướt xoả tóc soi mình trên mặt nước. Tôi hỏi anh:
- Ngày nào anh cũng mong nhưng không có tia hồi âm nào. Sáu mươi lăm năm nay, bao thăng trầm vậy mà mỗi khi nhớ đến Tuyết anh cứ tưởng như mới hôm qua. Hơi thở thơm tho của Tuyết vẫn như ấm nóng trên ngực anh. Từ ngày ấy, anh thường ra ngồi dưới gốc phượng vĩ này. Màu đỏ rực của hoa nhắc anh về một tình yêu nồng thắm trong sáng. Màu đỏ ấy cũng cháy trong anh nỗi đau của một kiếp người, về những kiếp người rất tốt, rất đẹp mà không có được hạnh phúc giữa cuộc đời. Cả những khi Thu sang, Đông về, Xuân đến hoa phượng không nở nhưng trong anh vẫn rực rỡ mùa hoa phượng cháy năm ấy.
Tôi nắm lấy tay anh. Chiều hè đã tàn nhưng nắng vàng vẫn lung linh trên mặt hồ đỏ rực hoa phượng.
      N.T.Q

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN THỊ THANH SUNGLGT:Bà Nguyễn Thị Thanh Sung sinh năm 1949 tại An Cựu (Huế), cựu học sinh Đồng Khánh, cựu giáo sinh trường Sư phạm Qui Nhơn, dạy tiểu học ở Quảng Tín (Quảng Nam ngày nay). Năm 1973, lấy Bill Fleming cố vấn an ninh tại Toà Lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế. Năm 1974, bà  theo chồng qua định cư ở Mỹ. Bill vẫn tiếp tục phục vụ trong Bộ Ngoại Giao. Hiện bà sống cùng gia đình tại Potomac, Maryland .

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG(Rút từ tuyển tập Hồn mai – tuỳ bút – NXB Thuận Hoá và Công ty Văn hoá Phương Nam phối hợp thực hiện, năm 2008)

  • TRẦN ĐƯƠNG(Viết theo lời kể của một số cán bộ và sinh viên, học sinh Việt Nam, từng công tác và học tập tại Liên Xô)

  • LÝ HẠNH                Đất trời đã bước vào độ cuối xuân, vẫn còn những cơn mưa bụi lất phất và cái rét dìu dịu thả xuống nhân gian như những sợi tơ trời.

  • ĐỖ KIM CUÔNG Câu chuyện của 27 năm về trước...

  • PHƯƠNG LAN                     LTS: Sông Hương nhận được tin và bài về một phụ nữ "nuôi mộ liệt sĩ" đã 15 năm, nay muốn trả lại cho gia đình của liệt sĩ nhưng không biết nhắn gửi vào đâu. Vì câu chuyện nghĩa cử đầy cảm động này và vì không chỉ là thông tin nên Sông Hương xin in luôn cả bài viết sau đây, mong bạn đọc xa gần, trong điều kiện có thể được thì nhắn tin sớm cho gia đình người liệt sĩ này.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGĐã từ lâu lắm, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ đông đủ như thế này. Nhận ra nhau rồi mới giật thót mình nhìn lại; ai cũng tưởng chỉ mới hôm qua, và cái khoảng mơ hồ dẫn đến hôm nay, sao đã làm tóc mọi người bạc đi nhiều thế.

  • LÊ QUÝ LONGThông lệ cứ mỗi buổi sáng uống xong cốc càphê tôi đến mở phòng tranh. Ngày 1 tháng 11 năm 1999 chừng tám giờ sáng, ngoài đường nước đã lên phủ khắp mặt nhựa. Suốt đêm qua cho đến lúc này trời vẫn mưa to.

  • ĐỖ KIM CUÔNG Ấn tượng dai dẳng trong tôi mỗi khi nhớ về Huế vẫn là những trận mưa rả rích kéo dài lê thê hết ngày này sang ngày khác. Mưa có khi cả tháng trời. Mưa ngày rồi lại mưa đêm. Có lúc những cơn mưa rào kéo sầm sập như thác đổ. Lúc mưa nổi bong bóng nước. Mưa rừng càng buồn nản hơn.

  • ĐỖ KIM CUÔNG Cái ấn tượng không lấy gì làm vui vẻ và đẹp đẽ của tôi về chị xảy ra vào những ngày đầu tiên khi tôi trở thành người lính của đại đội 3, K10, thuộc công trường V về trụ bám ở vùng giáp ranh Hương Trà.

  • ĐẶNG NHẬT MINHCha mẹ tôi là những người Huế. Quê nội tôi ở An Cựu và quê ngoại ở làng Lại Thế. Tôi nghe bà tôi kể: đám cưới cha mẹ tôi là một đám cưới chạy tang.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNNgày thoát ly lên rừng (mùa hè 1966), tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường được Thành ủy cho ở trong một cái nhà lá dựng ở lưng chừng một ngọn đồi sau dãy núi Kim Phụng. Đến bữa có người phục vụ bưng cơm lên ăn. Thật thoải mái, không phải lo sinh nhai, không phải lo giữ lời ăn tiếng nói sao cho hợp pháp, không còn sợ bị bọn mật vụ, CIA đến viếng nhà, đến trụ sở đấu tranh "hỏi thăm sức khỏe".

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGMột hôm nhân rỗi việc, tôi ngồi thả câu nơi một bến đá quen thuộc ven sông Hương. Chỗ này cá nhiều ăn không kịp giật. Bỗng cái phao của tôi trôi đi vùn vụt như thể có người kéo. Tôi vung mạnh tay, một chú cá chép mắc câu nhảy đành đạch trên mặt cỏ. Bất ngờ nó thở hổn hển và nói với tôi bằng tiếng người: rằng nó là con vua Thuỷ Tề, đi tuần thú dọc sông Hương, đã bị tôi bắt được. Nó năn nỉ xin tôi thả ra, sau đó nó sẽ đền ơn bằng cách thực hiện cho tôi ba điều ước.

  • TRẦN HOÀNG PHỐKỷ  niệm  45  năm  thành  lập Đại  học  Huế  (1957-2002)1. Mặt trời, mặt trăng vẫn rạng rỡ soi, có lẽ cả ngàn năm trên cái giải đất Phú Xuân-Huế cỏ hoa thơ mộng, diễm kiều và tịch lặng này.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN Tôi đỗ vào Đại học Sư phạm Huế năm 1962. Lúc ấy tôi đã có Chứng chỉ Dự bị (Propédeutique) bên trường Đại học Văn khoa.

  • THOMAS MANNMANN, PAUL THOMAS, nhà văn Đức (1875- 1955). Sinh tại Lüberk trong một gia đình thương gia lớn. Cha là Johnann Heinrich Mann - một thượng nghị sĩ, đồng thời là thương gia. Mẹ là Julia con gái của một chủ trang trại người Đức và một phụ nữ gốc Bồ Đào Nha.

  • TRUNG SƠNĐó là truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” của cây đại thụ trong làng văn Việt : nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc, thể hiện rõ phong cách “truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” nên đã hai lần được lấy làm tên các tập truyện ngắn của ông. (Lần đầu, do nhà Mai Lĩnh xuất bản năm 1934 và lần thứ hai do Nhà xuất bản Văn học in năm 1988).

  • XUÂN TÙNGNgày đầu xuân ở nước ta có nhiều phong tục đã được tồn tại lâu đời như tục xông đất, hái lộc, mừng tuổi: Vào những ngày đầu xuân, các tầng lớp nho sĩ còn có tục khai bút, cho chữ... vừa là thú vui, vừa là cung cấp cho những người thích xin chữ, xin câu đối về treo. Việc làm này mang một ý nghĩa văn hóa thú vị.

  • PHẠM THỊ CÚCMột ngày đẹp trời chúng tôi “lên đường” bằng... ô tô, đi câu cá ở một cái hồ xa xôi tận miền đông bắc nước Mỹ.

  • VĨNH NGUYÊNTrước mặt tôi là thăm thẳm sâu hút chập chùng xanh đến rợn người mà thích thú làm sao! Hồ Truồi trong vắt dưới chân như ta có thể rơi tòm xuống đó nếu không may để sẩy bước hụt. Và, sau lưng tôi là chót đỉnh Bạch Mã gần kề như chỉ còn một tầm tay với. Nơi đây, mang cái tên lộng lẫy: Vọng Hải Đài!