Mùa phượng cháy

15:55 11/02/2009
NGUYỄN THẾ QUANG(Chuyện tình chưa kể của nhà thơ Hoàng Cầm)

Yêu nghề dạy học, yêu văn chương đã tạo cho tôi có cơ duyên gặp gỡ với một số nhà văn, nhà thơ. Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ mà tôi gắn bó và được làm bạn vong niên. Hay tin anh bị ngã gãy chân đã lâu nhưng mãi đến hôm nay trong kỳ nghỉ hè tôi mới từ Nghệ An ra thăm anh. Khi tôi đến căn nhà 43 Lý Quốc Sư vừa lúc cô cháu đang đẩy chiếc xe lăn ra ngõ. Người anh có gầy đi, tóc anh có bạc thêm nhưng đôi mắt vẫn tinh anh nhìn tôi vui vẻ:
- Thế Quang có vội không? Nếu rỗi đi dạo với mình một lúc.
Tôi vui vẻ gật đầu. Tôi và cô cháu gái từ từ đưa anh đi. Nhìn thấy anh mặt mày rạng rỡ như trẻ thơ được đi chơi phố lần đầu, thích thú ngắm sắc nước Hồ Gươm và khách bộ hành, tôi lặng lẽ ngắm nhìn anh một cách trìu mến. Chúng tôi đi về phía Hàng Gai, qua Hàng Bông. Đến ngã tư Hàng Bông và Quán Sứ anh bảo dừng lại, nhắc anh lên hè phố. Tôi chợt nhận thấy khuôn mặt anh trở nên lặng lẽ, đôi mắt anh trở nên sâu thẳm mênh mông ngước nhìn về ảnh tiệm Hồng Kông. Lát sau anh nói với tôi:
- Nơi đây vào những năm 1939 - 1943 là tiệm nhảy ASIA (Á Châu) nổi tiếng một thời. Ở đây lưu giữ một quãng đời thật đẹp mà cũng thật xót xa của anh.

Anh bồi hồi nhớ lại... Hồi ấy, từ vùng quê sông Đuống chàng thanh niên Hoàng Cầm mới 20 tuổi lên Hà Nội học thi Tú tài toàn phần. Anh ở trọ tại phố Sinh Từ cùng với Trúc Lâm... Người bạn cùng quê. Thỉnh thoảng anh cùng mấy người bạn rủ nhau tới tiệm nhảy. Ngồi ở góc tường Hoàng Cầm vừa rụt rè, vừa thích thú ngắm nhìn những đôi trai gái ngả nghiêng lượn quay trong tiếng nhạc. Sau một vài bận, một cô gái trẻ đẹp rời sàn nhảy đến bên anh. Cô ta có nước da nâu hồng, mái tóc mượt, một thân hình tròn lẳn với cặp đùi trông thật hấp dẫn.
- Cậu là dân quê à?
- Vâng! Em là trai Kinh Bắc.
- Thảo nào, nhìn mặt biết cậu là một kẻ tài hoa. Nào, vào nhảy với tớ.
Cô ta nắm lấy tay Cầm. Anh từ chối vì chưa biết nhảy. Lúc này anh mới nhìn rõ cô ta: Một khuôn mặt trái xoan có cái miệng rất xinh pha chút tinh nghịch diễu cợt và một đôi mắt màu nâu huyền thẳm sâu một nỗi buồn mênh mang. Mấy lần sau dù bận ôn thi nhưng Hoàng Cầm vẫn rủ bạn bè đến để ngắm nhìn vẻ đẹp của giai nhân. Cho đến một đêm trời lất phất mưa xuân cô ta rủ Cầm ra mé Hồ Gươm. Ngồi dưới gốc phượng vĩ gần Đền Ngọc Sơn, cô ta nắm lấy tay Cầm nóng hổi:
- Cầm đến ở với mình đi.
- Sao? Sao lại đến ở với chị? Ở với tư cách gì?
- Mình và Cầm xấp xỉ tuổi nhau. Mình thích Cầm - thích cái vẻ thông minh tài hoa nhưng vẫn còn chân chất đồng quê của Cầm.
Cầm chưa biết trả lời sao thì cô ta đã nói:
- Tuyết ở Hải Phòng, năm nay hai mươi tuổi. Bố mẹ bắt Tuyết lấy một kẻ thô lỗ đã có vợ con, tuổi xấp xỉ bố mình nhưng rất giàu, muốn biến Tuyết thành kẻ đào mỏ. Tuyết không chịu. Bố mẹ từ Tuyết. Tuyết lên đây làm gái nhảy để kiếm sống. Cầm về với Tuyết đi. Chúng ta sẽ sống với nhau như vợ chồng. Cuộc đời trong trắng của Tuyết phải dành trước hết cho một người trong trắng.

Tuyết ôm lấy Cầm và đặt cái hôn nồng cháy lên môi anh. Với cốt cách đa tình và trước sức mạnh quyền uy của cái đẹp Hoàng Cầm ôm lấy Tuyết trong đôi tay cường tráng của mình. Thế nhưng sau phút giây ấy Hoàng Cầm vẫn còn tỉnh táo:
- Để Cầm về suy nghĩ thêm.
Anh vội vàng tìm hiểu về Tuyết. Những điều Tuyết nói là có thực.Vào tiệm nhảy hơn một tháng Tuyết nhanh chóng cuốn hút nhiều gã làng chơi nhưng chưa có một kẻ nào đi chơi riêng được với Tuyết. Cầm thương con người ấy có nhân cách, có cá tính mà bị đẩy vào một cảnh ngộ oái oăm. Vả lại vẻ đẹp phương Đông diệu huyền của Tuyết đã cuốn hút anh. Anh tâm sự với Trúc Lâm. Sau một hồi suy nghĩ, Lâm nói với anh:
- Được! Cô ta vừa đẹp, vừa có bản lĩnh, vừa có nội tâm khá. Nhận lời đi.
Cố nén thèm muốn, Hoàng Cầm để đến năm ngày sau mới gặp lại Tuyết. Thế nhưng nhìn khuôn mặt hoan hỉ của Cầm, Tuyết đã hiểu tất cả. Hai người lại đưa nhau ra gốc phượng vĩ. Và thật bất ngờ Tuyết tuyên bố:
- Tuyết yêu Cầm, hiến dâng tất cả cho Cầm, săn sóc Cầm chu đáo. Nhưng chúng ta chỉ sống với nhau đúng 6 tháng thôi nhé.

Quỷ quái thật - Cầm nghĩ, sao lại có nước này. Nhưng thôi, một ngày đã quý huống hồ gì 6 tháng. Sáu tháng ấy ta sẽ làm cho nàng thay đổi. Hoàng Cầm nhận lời dọn đến ở với Tuyết tại phòng nhỏ Tuyết thuê ở Ruedala Ciladelle (Phố Đường Thành bây giờ). Thế là bắt đầu những ngày tháng tuyệt đẹp. Khi Hoàng Cầm đi học, Tuyết ở nhà nghỉ ngơi. Khi Tuyết lên sàn nhảy Hoàng Cầm ở nhà học bài. Thời gian còn lại họ quấn quýt bên nhau. Càng gần nhau họ càng cảm thấy gắn bó, càng yêu nhau nồng đượm hơn. Thế nhưng đồng tiền của cô gái nhảy chẳng được là bao, phải nuôi thêm một gã bạch diện thư sinh mà thích chơi sang, cả hai rơi vào “khủng hoảng kinh tế”. Một đêm đi nhảy về, giữa lúc hai người xoắn xuýt bên nhau, Tuyết tuyên bố:
- Từ tuần sau trở đi, mỗi tuần hai đêm sau 10 giờ 30 Tuyết về. Cầm không được buồn. Cả cuộc đời Tuyết, Tuyết chỉ yêu mình Cầm. Tuyết phải đi thế này cũng để nuôi đủ Cầm ăn học nên người.

Cầm sững người. Nhìn vào khuôn mặt Tuyết bắt gặp đôi mắt vừa buồn thăm thẳm, vừa nồng cháy yêu thương, Cầm vội ngoảnh mặt đi rồi ôm chặt Tuyết vào lòng.
Thế nhưng mỗi lần Tuyết đi, Cầm lại ra hè phố đứng dưới gốc phượng vĩ nhìn theo vừa xót xa, vừa giận đời, vừa giận mình và càng thương Tuyết vô hạn. Chính trong những giờ phút ấy Hoàng Cầm nghĩ nhiều về thân phận của người con gái. Cần thèm khát ở họ một vẻ đẹp khác mạnh mẽ, lớn lao. Hình ảnh Kiều Loan đã hiện hình dần trong những tháng ngày ấy, trong căn phòng của đôi uyên ương bất ngờ ấy.
Cho đến một đêm, khi Tuyết đã ngủ say, Hoàng Cầm nhè nhẹ ngồi dậy viết. Anh viết mải mê đến gần sáng mới chợp mắt. Tuyết tỉnh dậy thấy Cầm còn ngủ mê mệt. Nhìn tập giấy mở trên bàn, Tuyết vội đọc:
Kiều Loan:
Ta đứng trơ đây bên má phấn
Mà thương thiên hạ sống bơ vơ
Chiến tranh đẫy túi phường buôn máu
Danh nghĩa chồi lên những sọ dừa...

Tuyết bàng hoàng. Chàng trai này tài hoa quá! Thật là tuyệt vời khi mình có được báu vật này. Tuyết ngắm nhìn Cầm say mê, đôi môi căng mọng sức xuân như hé cười. Mặt trời đã lên cao, Tuyết lay Cầm dậy:
- Hoàng! Hoàng! Dậy đi:
Cầm mở mắt, ngạc nhiên:
- Em gọi Hoàng nào thế? Có ai ở đây à?
- Không. Tuyết gọi Cầm đấy. Cái tên Hoàng Cầm nghe nó cay đắng thế nào ấy. Đời cay đắng quá nhiều rồi, gọi thêm làm chi nữa.
Nhìn chồng giấy viết dở, Tuyết ôm lấy Cầm:
- Từ nay đối với Tuyết, Cầm là ông Hoàng của Tuyết.

Từ đó hai người càng yêu, càng quý nhau hơn. Khi Hoàng Cầm đậu Tú tài toàn phần xong, Cầm càng mãn nguyện. Hai người lại ngồi với nhau dưới gốc phượng già. Cầm nói với Tuyết bao nhiêu dự định, bao nhiêu ước mơ. Cầm tin là Tuyết sẽ bỏ ý định ban đầu và sống với Cầm suốt đời. Tuyết ngồi nghe hương vị ngọt ngào trong ước mơ của Cầm cố nén một tiếng thở dài. Không phải đến trường, Hoàng Cầm dồn tất cả tài hoa và công sức chăm sóc Tuyết.
Tuyết rạng rỡ trong hạnh phúc.
Một sáng tháng 7 năm 1940 ấy thức dậy đi điểm tâm ở hiệu về, Tuyết bỗng hỏi Cầm:
- Hoàng có nhớ hôm nay là ngày gì không?
- Chủ nhật... Chúng mình đi...
Chợt nhìn thấy vẻ nghiêm trang trên khuôn mặt Tuyết, Cầm dựng lại.
- Đúng! Hôm nay là chủ nhật. Hôm nay cũng là ngày chúng ta sống với nhau vừa tròn 6 tháng. Đã đến lúc chúng ta chia tay.

Đất trời như đổ sụp, Hoàng Cầm ôm níu lấy Tuyết “Không! Không! Anh không thể xa em”. Tuyết nhẹ nhàng vuốt mái tóc Hoàng, kiên quyết gỡ tay Hoàng ra:
- Thôi! Ông Hoàng thân yêu của Tuyết, đã đến lúc phải rời bỏ ngai vàng của mình rồi.
Hoàng Cầm vừa đau khổ, vừa tha thiết tìm mọi cách để thuyết phục Tuyết. Tuyết vẫn tỉnh táo không lay chuyển. Anh ngồi ủ rũ ở góc phòng đau đớn nhìn Tuyết sắp gọn đồ đạc của hai người vào hai chiếc va li. Trưa hôm ấy Tuyết mời cơm chia tay mấy người bạn. Cô ấy vẫn nhanh nhẹn tươi cười, còn Hoàng Cầm lặng lẽ cắm đũa nhìn, Ngọc Lan tinh nghịch:
- Ông Hoàng Kinh Bắc, phải vui lên, ăn nhiều vào cho người đẹp vui chứ.
Hoàng lại cố nuốt buồn thương, cố ăn cho Tuyết vui. Thức ăn ngon nhạt thếch trong miệng anh.

Anh trở lại phòng đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Con người này thật kỳ lạ. Anh có cảm giác những ngày nồng cháy vừa qua như trong một giấc mơ quá ngắn. Nghe tiếng bước, anh biết Tuyết đã vào phòng, cánh cửa đã khép lại. Cầm vẫn đứng im. Không có tiếng động. Lát sau anh ngoảnh lại: Tuyết đang đắm đuối nhìn anh rồi bỗng lao tới ôm lấy anh nức nở. Con người thực của Tuyết đã bừng dậy.Anh líu ríu:
- Ở lại đi em. Chúng ta sẽ sống với nhau trọn đời.
Tuyết vẫn khóc. Đôi bàn tay thon thả vẫn ôm riết lấy anh. Nước mắt Tuyết thấm đẫm vạt áo trước ngực anh. Bây giờ lại đến lượt anh động viên Tuyết. Lát sau Tuyết trở nên tỉnh táo:
- Hoàng có những dự định lớn, con đường Hoàng đi có nhiều việc lớn phải làm. Tuyết không thể mang đến sức mạnh cho cả cuộc đời Hoàng. Tuyết có những đam mê mà Hoàng cũng không thể mang lại cho Tuyết. Muôn vàn cảm ơn Hoàng đã đem đến cho Tuyết một tình yêu hồn nhiên, đằm thắm, trong sáng mà có lẽ đẹp nhất, duy nhất trong đời Tuyết.
Đặt lên môi Hoàng một chiếc hôn dài nồng cháy như chiếc hôn ban đầu nhưng có pha thêm vị mặn chát của nước mắt, Tuyết đứng dậy, mở cửa, gọi xích lô đưa Hoàng trở lại căn phòng nhỏ ở phố Sinh Từ.
Suốt chiều hôm ấy Hoàng thấy trong ngực mình lúc nào cũng như có lò lửa đang cháy, bổi hổi. Đêm vừa xuống, Hoàng xăm xăm đến tiệm AISA. Nhìn vẻ mặt bơ phờ, tuyệt vọng của chàng trai si tình, bà chủ tiệm an ủi:
- Cậu đừng buồn! Đời ai trong thời buổi loạn lạc này thì cũng như bèo dạt mây trôi cả thôi. Tuyết đi, cũng vì yêu cậu, muốn cậu thành đạt. Giờ này cô ấy đang ngồi trên chuyến tàu tốc hành vào Sài Gòn. Cậu đừng buồn và luôn nhớ đến Tuyết. Cô ấy chỉ mong có vậy.
Hoàng cúi đầu cảm ơn bà rồi đi ra đường. Anh bước đi mà không biết đi đâu. Đến khi chợt dừng lại mới hay mình đã đến dưới gốc phượng già. Anh lặng lẽ ngồi. Những làn gió thổi ào qua mặt Hồ Gươm. Hoa phượng tàn rơi đầy trên vai áo.

Trời đã về chiều, Hoàng Cầm bảo chúng tôi đưa anh về. Qua phố Hàng Gai anh lại bảo đi lên phía Đền Ngọc Sơn. Chúng tôi dừng lại trên chiếc ghế đá dươi gốc phượng vĩ già đang dang những cánh tay đỏ rực hoa trên mặt hồ. Những hàng liễu vẫn xanh mướt xoả tóc soi mình trên mặt nước. Tôi hỏi anh:
- Ngày nào anh cũng mong nhưng không có tia hồi âm nào. Sáu mươi lăm năm nay, bao thăng trầm vậy mà mỗi khi nhớ đến Tuyết anh cứ tưởng như mới hôm qua. Hơi thở thơm tho của Tuyết vẫn như ấm nóng trên ngực anh. Từ ngày ấy, anh thường ra ngồi dưới gốc phượng vĩ này. Màu đỏ rực của hoa nhắc anh về một tình yêu nồng thắm trong sáng. Màu đỏ ấy cũng cháy trong anh nỗi đau của một kiếp người, về những kiếp người rất tốt, rất đẹp mà không có được hạnh phúc giữa cuộc đời. Cả những khi Thu sang, Đông về, Xuân đến hoa phượng không nở nhưng trong anh vẫn rực rỡ mùa hoa phượng cháy năm ấy.
Tôi nắm lấy tay anh. Chiều hè đã tàn nhưng nắng vàng vẫn lung linh trên mặt hồ đỏ rực hoa phượng.
      N.T.Q

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • MINH CHUYÊNCảnh làng mới Trà Tân cuối chiều mùa đông. Con suối chảy qua nước trong veo, róc rách. Phía tây con suối cách làng chừng nửa tầm mắt là rừng Sắc Rông, đủ các loại cây tầng tầng, lớp lớp. Cánh rừng đang chìm trong sương chiều. Rừng hoang vắng, huyền bí. Người ta kể sau ngày chiến tranh chấm dứt, rừng Sắc Rông càng trở nên bí ẩn. Người chỉ có vào mà không có trở ra. Vậy mà mấy tháng gần đây lại thường xuyên xuất hiện một người đàn bà ở đó.

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGNgày xưa nhà mẹ nghèo hung, cơm không có ăn, khố không có mặc, suốt ngày lang thang trong rừng đào củ mài củ sắn kiếm cái cho vào bụng. Có ngày không tìm được chi, bụng đói lắc lư.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTrước ngày Huế khởi nghĩa 23/8/1945, có một sự kiện khiến cả thành phố náo nức vui mừng: đó là việc lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ Huế ngày 21/8 thay cho cờ quẻ ly. Người chiến sĩ được đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp giao nhiệm vụ quan trọng ấy là chàng thanh niên 25 tuổi Đặng Văn Việt (ĐVV).

  • NGUYỄN QUANG HÀTạp chí văn nghệ của 6 tỉnh Bắc miền Trung gồm: Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, Sông Hương có một cam kết thú vị, luôn luôn trong nỗi chờ mong là mỗi năm anh chị em trong tạp chí thay nhau đăng cai luân phiên, mỗi năm gặp nhau một lần, ở thời điểm thích hợp nhất do tạp chí đăng cai tự chọn.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀOTháng bảy, nồng nàn hương lúa mới trên những ruộng lúc mới vừa mùa gặt tháng 5, mùi rơm rạ kéo tôi ra khỏi thế giới của những đường phố xênh xang, đầy bụi và chật người. Tôi leo lên một tầng gác và nhìn về hướng quê tôi, hình dung đủ thứ nhưng nhớ vẫn là khói lam chiều với dáng mẹ tôi gầy cong như đòn gánh.

  • VĨNH NGUYÊNPhải nói tôi có ý định dông một chuyến xe máy ra Bắc đã lâu mà chưa có dịp. Nay có điều kiện để đi song tôi vẫn băn khoăn, không hiểu chuyến đi này mình sẽ gặp những ai đây? Hay là phải thở dài dọc đường xa với những cảnh đời khốn khó? Thôi thì tôi chỉ biết đi và đi.

  • VÕ MẠNH LẬP                Ghi chépNhân vật Mười Hương nhiều người đã biết đến qua sách báo và đặc biệt là vùng đất Nam Bộ - Sài Gòn.

  • DƯƠNG THÀNH VŨTrong đêm mỏng yên tĩnh dịu dàng, một mình một cõi với ly rượu trắng, cùng mùi hương của hoa rộn ràng, huy hoàng phát tiết; tôi miên man nhớ tới cõi người đến- cõi người đi nơi xa chốn gần, thời gian tuyến tính lẫn thời gian phi tuyến tính.

  • NHẬT HOA KHANH Mười năm những mấy ngàn ngày... (Tố Hữu: Mười năm )

  • TRUNG SƠNĐoàn văn nghệ sĩ Thừa Thiên - Huế (TTH) lên đường “đi thực tế” một số tỉnh phía Bắc vào lúc lễ giỗ Tổ ở đền Hùng (10 tháng 3 âm lịch) vừa kết thúc. Tiền có hạn, thời gian có hạn chưa biết sẽ tới được những đâu, nhưng ai cũng “nhất trí” là phải lên Phú Thọ thăm Đền Hùng, dù lễ hội đã qua.

  • ALẾCHXĂNG GRINTại Luân Đôn, mùa xuân năm 1921, có hai ngài trung niên ăn mặc sang trọng dừng chân ở góc đường, nơi phố Pakađilli giao nhau với một ngõ nhỏ. Họ vừa ở một tiệm ăn đắt tiền đi ra. Ở đó, họ đã ăn tối, uống rượu vang và cùng đám nghệ sỹ của nhà hát Đriuđilenxky đùa cợt.

  • PHONG LÊQuê tôi là một xã nghèo ven chân núi Mồng Gà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Hà Nội, việc về thăm quê, đối với tôi không mấy khó khăn. Hồi là sinh viên thì mỗi năm hai lần, lần nghỉ hè lần nghỉ Tết. Khi đã là cán bộ, có gia đình thì mỗi năm một lần, cả nhà dắt díu về, với hai hành trình là tàu hoả từ Hà Nội vào Vinh, rồi là xe đạp từ Vinh về nhà.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ ông hay, nổi tiếng, nhiều người ái mộ. Thời buổi “nhuận bút không đùa với khách thơ”, kinh tế khó khăn, gia đình ông vẻ như cũng “rất ư  hoàn cảnh”.

  • ĐẶNG NHẬT MINHGia đình tôi ở Huế có một cái lệ: cứ vào dịp trước Tết tất cả nhà cùng nhau lên núi Ngự Bình quét dọn, làm sạch cỏ trên những nấm mộ của nhũng người thân đã khuất. Sau đó trở về nhà thờ của dòng họ, cùng nhau ăn một bữa cơm chay. Cái lệ đó người Huế gọi là Chạp. Ngày Chạp hàng năm không cố định, có thể xê dịch nhưng nhất thiết phải trước Tết và con cháu trong gia đình dù đi đâu ở đâu cũng phải về để Chạp mộ.

  • DƯƠNG PHƯỚC THUMùa xuân năm Đinh Mùi, 1307, tức là chỉ sau có mấy tháng kể từ ngày Công chúa Huyền Trân xuất giá qua xứ Chàm làm dâu, thì những cư dân Đại Việt đầu tiên gồm cả quan binh gia quyến của họ, đã rời khỏi vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã theo chân Hành khiển Đoàn Nhữ Hài, vượt qua ngàn dặm rừng rậm, núi cao, biển rộng đến đây cắm cây nêu trấn yểm, xác lập chủ quyền quốc gia.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhững ngọn gió heo may cuối cùng đã tắt. Nắng buổi sáng hanh vàng ngoài bến sông. Hàng cây trên phố Huế đã chừng như thay lá, lung linh một màu lá tơ non, mỏng như hơi thở của bầy con gái trường Hai Bà Trưng đang guồng xe đạp đến trường. Mùa xuân đã về bên kia sông. Đã về những cánh én nâu đen có đôi mắt lay láy màu than đá. Đã về những đóa hoa hoàng mai, vàng rưng rức như một lời chào ngày tao ngộ...

  • TÔ VĨNH HÀCon chó Giắc nhà tôi đẹp nhưng mà hư quá. Tôi hét nó nằm thì nó cứ giương mắt ra, rồi ngồi. Tôi không cho nó chạy vào nhà vì sợ nó làm bẩn cái nền nhà vừa lau thì nó đi vòng cửa sau, khi tôi ra cửa trước. Bực nhất là ngày lễ - nói chung là những ngày có việc, bất cứ ai vào nó cũng sủa rộn ràng. Tôi thì không muốn xóm giềng để ý. Vậy mà chó có biết cho tôi đâu...

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGGhi chép 1.Tôi tự đặt ra một “hạng mục” đinh cho chuyến đi thực tế sáng tác ở A Lưới lần này, và hạ quyết tâm thực hiện bằng được, đó là: phải lên được Đồi Thịt Băm!

  • LGT: Liên Thục Hương là một nhà văn Trung Quốc đương đại, tự ví mình là con mèo đêm co mình nằm trên nóc nhà, nhìn cuộc sống thành phố tấp nập đi qua đáy mắt. Liên Thục Hương còn ký bút danh Liên Gián, có số lượng bản thảo lên tới hơn hai triệu chữ. Năm 2003, “Bài bút ký đầy nước mắt” đã được post lên mạng và năm 2004 nó đã được dựng thành phim và bộ phim ngắn này làm tiền đề cho tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng của Trung Quốc. Sông Hương xin giới thiệu câu chuyện này qua bản dịch của nữ nhà văn Trang Hạ.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂNAnh em Nguyễn Sinh Khiêm - Nguyễn Sinh Cung sống với gia đình trong ngôi nhà nhỏ trên đường Đông Ba. Ngôi nhà giản dị khiêm tốn nằm lui sau cái ngõ thông với vườn nhà Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh. Nhưng chỉ cần đi một đoạn ngang qua nhà ông Tiền Bá là đến ngã tư Anh Danh, người ta có thể gặp được các vị quan to của Triều đình.