Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: Internet
Tôi cố tranh luận với anh ấy về nguyên tắc, rằng một quan niệm không rạch ròi về bản chất của các thể loại văn học như vậy sẽ đem lại những hậu quả nguy hiểm; trước mắt đang là sự xâm nhập một cách ồ ạt của lối viết người thực việc thực (thường được xem là ký) vào truyện ngắn và kể cả tiểu thuyết. Nhưng khi nó đã được phân biệt một cách rạch ròi, thì ở tâm lý của một số người đọc và người viết, tôi thường gặp một cái nhìn thiếu tín nhiệm đối với thể ký: ở đây, ký ký chỉ được xem là một loại thủ công nghiệp mang tính chất gia công; thậm chí, nó là phương tiện để các nhà văn của các thời đại “lấy ngắn nuôi dài”, nói chung, ký là một sản phẩm văn học thứ cấp (sous- littérature). Hiển nhiên, đấy là những thành kiến vô lý, bởi vì người ta chỉ cần nhìn vào sức sống của thể loại này trải qua cuộc hành trình dài hàng nghìn năm của lịch sử văn học thế giới. Pla-tôn vẫn thích dùng huyền thoại và ẩn dụ, nhưng trong một số tác phẩm của ông - thí dụ như trong Tê-ét (Théetes), khi ông miêu tả chân dung của Xô-crát và những người cùng thời, người ta đọc thấy những trang bút ký đích thực, có lẽ đó là những bút ký xuất hiện sớm nhất của văn học Hy Lạp. Ở phương Đông, bút ký là thể văn xuôi thịnh hành ngay từ buổi đầu của văn học Trung Quốc. Ngay trong những bộ sách kinh điển của nhà Nho (Tứ thư và Ngũ kinh) thì Mạnh Tử là bút ký chính luận, Xuân Thu là bút ký lịch sử; còn toàn bộ Luận ngữ được viết theo phong cách ký hẳn hoi, từ đối thoại đến chân dung tư tưởng, tính cách và hoàn cảnh của Khổng Tử và những môn đồ của ông. Kế đến Sử ký Tư Mã Thiên đang được xem là một thiên bút ký tuyệt tác. Những tác phẩm khác gọi là tiểu thuyết lịch sử như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc v.v… thực chất là biên niên sử của một thời đại và vì thế chúng gần với ký hơn là tiểu thuyết. Tục ngữ Tứ Xuyên (Trung Quốc) vẫn nói: “Chân Tam Quốc, giả Phong thần, Tây du hống tử chân” (truyện Tam Quốc là thực, truyện Phong thần là bịa, còn Tây du thì chỉ lừa được người chết). Có thể nói các nhà văn Trung Quốc đã sử dụng thể bút ký để tạo nên những tác phẩm văn học cổ điển đồ sộ nhất của họ. Ở ta, những tác phẩm ký xuất hiện sớm nhất có lẽ là Lam-Sơn thực lục của Nguyễn Trãi (bút ký lịch sử), đến Ô châu cận lục của Dương Văn An là một tập bút ký địa lý. Trải qua bốn thế kỷ phát triển của văn xuôi Việt Nam, từ Lê-Mạc-Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn, những tác phẩm lớn còn để lại vẫn thuộc về thể ký, với những tay bút đại gia như Lê Quý Đôn (Bắc sứ thông lục); Lê Hữu Trác (Thượng kinh ký sự), Nguyễn Khoa Chiêm (Nam triều Công Nghiệp diễn chí), Phạm Đình Hổ (Vũ trung tùy bút), Ngô gia văn phái (Hoàng Lê Nhất thống chí),v.v… Tôi chưa có dịp làm công tác nghiên cứu văn học sử, chỉ suy nghĩ theo trí nhớ qua những gì đã đọc được, và để đi đến những trang sách gần gũi tôi vừa đọc ngày hôm qua hôm kia, của Ê-ren-bua, của Nguyễn Tuân hoặc Nguyễn Thi. Trong cái sản phẩm của trí tuệ con người được gọi là văn học, tuổi của ký xem ra cũng đã già gần bằng thi ca, và cũng giống như thi ca, cho đến bây giờ, nó vẫn giữ được sức trẻ trung, khỏe mạnh, như ta có thể nhìn thấy trên sách vở, báo chí hàng ngày chung quanh, trong văn học của nhiều nước, như văn học Xô-viết chẳng hạn. Cái gì đã giúp nổi ký tồn tại vượt qua cuộc thử thách dài đằng đẵng dường ấy, nếu tự thân nó không đáp ứng một yêu cầu bản chất nào đó của nghệ thuật, hoặc bức thiết hơn, nếu nó không tự khẳng định được rằng ký không phải là thừa so với truyện ngắn cũng không phải là thiếu so với tiểu thuyết? Năm ngoái ở Hà Nội, tôi mới có dịp lần đầu đến thăm nhà văn Hồ Dzếnh. Nhớ lại một điều vẫn suy nghĩ về một tác phẩm cảm động của ông ngày trước, tôi hỏi ông: - Từ lâu tôi vẫn cảm thấy rằng Chân Trời Cũ thực chất là một tập bút ký; không hiểu điều ấy có đúng không? Ông ngước nhìn tôi hơi có vẻ ngạc nhiên, rồi lại cúi xuống, điềm đạm chiết một tý chè ra chiếc tách sứ kiểu xưa, tráng qua tráng lại, im lặng đợi chè ngấm. Xong ngụm chè đầu tiên, ông mỉm cười, nét mặt vui hẳn lên. Ông thong thả nói: - Tôi chưa nghe ai nói như vậy về cuốn sách của tôi cả. Vì vậy, tôi cảm ơn anh đã gọi nó bằng từ ấy. Đúng nó là bút ký, nhưng thời ấy người ta chưa quen dùng chữ, nên vẫn gọi nó là tập truyện. - Thưa cụ, nghĩa là tất cả những nhân vật, đều đã từng sống, từng gặp gỡ nhau như vậy, như đã thực có trong cuộc đời? Ông gật gù: - Nhân vật, hoàn cảnh, cả đối thoại, tất cả đều được viết lại đúng như những gì tôi còn giữ trong trí nhớ. Nhiều nhân vật của Chân Trời Cũ vẫn còn: em Dìn nay là một bà cụ già vẫn sống trong một bản làng ở Hà Tuyên. Một vài nhân vật khác, sau giải phóng tôi còn gặp lại ở Sài Gòn; hoặc hiện sống ở bên Pháp. Ông nói tiếp: - Hồi ấy tôi làm nghề dạy kèm cho một tiệm buôn ở Hà Nội, buổi tối thường chui xuống gầm bàn để có chỗ yên tĩnh mà viết. Năm ấy tôi mới hai mươi hai tuổi, chưa có một ý định triết lý nào cả để làm một nhà văn. Tôi chỉ ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe, về số phận trôi giạt của những con người mà tôi đã chứng kiến và đã làm tôi xúc động. Tôi gợi ý thêm: - Có cái gì có thể gọi là hư cấu ở trong ấy không? Ông lắc đầu: - Tôi chỉ hư cấu về mặt văn chương thôi. Dù mới viết lần đầu, tôi vẫn nghĩ rằng viết chuyện thực đi nữa, thì văn học vẫn phải cho ra văn học… Nhân thể, ông kể cho tôi nghe một kỷ niệm thực cảm động, câu chuyện đã làm tôi bồi hồi rất lâu sau khi bước ra khỏi nhà ông, trên đường về. Ông nói: “Viết xong, tôi mang theo bản thảo bên mình, ngồi đọc đi đọc lại trên tầu điện. Có một người ngồi cạnh tôi cũng ghé mắt đọc theo những trang chép tay của tôi. Tầu điện dừng, anh ấy xin mượn tập bản thảo của tôi hứa chắc chắn một tuần nữa sẽ mang đến trả tận nhà. Tôi đưa liền, vội vã không kịp hỏi tên, địa chỉ của anh ấy. Rồi tày chạy. Đúng tuần sau, anh ấy tìm đến, ngỏ ý muốn xuất bản cuốn sách của tôi, và xin phép để chính anh viết lời tựa. Anh tự giới thiệu tên là Thạch Lam. Anh hiểu, cái tên Thạch Lam đối với bọn tôi hồi ấy là thế nào. Anh ấy thế đấy! Viết xong lời tựa cho Chân Trời Cũ, thì ba tháng sau Thạch Lam qua đời. Chính trong lời tựa, Thạch Lam cũng giới thiệu rằng tác giả chỉ thuật lại những gì mình đã sống”. Không có gì quan trọng đối với giá trị văn học của tác phẩm nếu Chân Trời Cũ đã được gọi là truyện hoặc ký. Điều đáng nghĩ là, thế mà có nhiều người vẫn cứ e ngại rằng văn ký không đủ khả năng đạt tới những điều gì đó sâu xa thuộc về con người. *** Lý do tồn tại thiết yếu của bút ký, ai cũng biết chính là nhiệm vụ thông báo của nó, thường được gọi là lượng thông tin chứa đựng trong thể ký. Trong lĩnh vực của mình, nhà văn bút ký trước hết được tin cậy như một nhà khoa học thông báo về các hiện tượng, trong thái độ tôn trọng sự kiện tính (facticité) của những gì đã xảy ra. Chính nhiệm vụ thông tin được cho phép này đã mở ra cho thể ký một khả năng tháo vát hiếm có so với những thể loại văn xuôi khác. Với ký, văn học đã có thể thâm nhập một cách nhẹ nhàng vào lĩnh vực của thông tin khoa học, và bằng ngôn ngữ riêng của mình, nó chuyên chở đến cho người đọc những hiểu biết cần thiết trên mọi lĩnh vực, kể cả chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu kiến thức thuần túy. “Kỷ niệm về đá” của Phot-xman viết về các loại khoáng sản; “Bốn mùa” của Pri-svin viết về thảo mộc và khí hậu, nhưng đấy lại là những tác phẩm văn học tuyệt vời. Lòng yêu nước chẳng hạn bao giờ cũng đúc kết lại nơi mỗi con người bình thường nỗi khát vọng sâu xa muốn hiểu biết một cách khoa học về toàn bộ những gì mà những bài học vỡ lòng về lịch sử và địa lý của Tổ quốc đã gợi nên từ tuổi ấu thơ, về cuộc sống ở những miền xa xôi của đất nước mà đời mình không đi tới được. Nhà văn Nguyễn Tuân là người luôn luôn biểu hiện mối quan tâm của ông về điều này. Đọc sách của ông (1), tôi mới có dịp biết về cái thượng nguồn dữ dội của con sông Đà, về ngọn gió khốc liệt vẫn quét qua đất Than Uyên và con người đã bằng cách nào để có thể bám trụ trên những mảnh đất hẻo lánh kia của Tổ quốc. Chỉ cần những thông báo như vậy của nhà văn cũng đủ đánh thức trong lòng người đọc biết bao điều sâu xa khác. Lê-ô-na Đờ-Vanh-xi đã từng nói rằng của cải và danh vọng chẳng là gì cả, chỉ có kiến thức mới là hạnh phúc tối thượng của đời người. Có lẽ đó là kinh nghiệm chính xác của một người đã từng có đủ cả mọi thứ nói trên - Và nếu văn học có khả năng đóng góp vào cái hạnh phúc tuyệt vời ấy, thì tại sao còn có người muốn xem thường nó một cách kiêu kỳ, lấy cớ rằng đấy là nhiệm vụ của khoa học. Tôi nghĩ rằng giữa thời đại chúng ta, nhà văn không thể tự cho phép mình xa lạ với mọi rung động khoa học. Nhiệm vụ thông báo của nó đặt ra cho nhà văn viết ký một yêu cầu riêng, có tính nguyên tắc từ phía người đọc: rằng những gì có ý nghĩa mà anh nói đến thì không chỉ là có lý, mà còn phải có thực, tất cả phải được đảm bảo bằng thực chứng. Để mượn một hình ảnh vui vẻ của Kăng khi ông phân biệt giữa yếu tính (essence) và tồn tại (existence) thì trong cả hai lĩnh vực, một tấm giấy bạc mười đồng đều có giá trị giống nhau (tức là không phải bên mười bên chín); nhưng điều khác nhau rất quan trọng là trong lĩnh vực tồn tại, tấm giấy bạc kia là cái mà người ta có thể đem tiêu được. Điểm trội hơn, cái đặc tính “đem tiêu được” của đồng bạc kia chính là sức nặng của nó; và đấy cũng chính là hiệu quả tâm lý ở người đọc bút ký, khác với truyện hoặc tiểu thuyết. Giá chỉ là hư cấu đi nữa thì, “Người mẹ cầm súng” vẫn là một tác phẩm hay. Nhưng tâm hồn người đọc đã có một chút gì khác đi, hình như lòng yêu thương và ngưỡng mộ đối với người anh hùng đã trở nên sâu nặng hơn, nỗi ước muốn được gặp mặt càng thúc giục hơn, khi người ta biết rằng một người mẹ như vậy đã sống thực, và đã đánh giặc ở một mảnh đất gọi là “xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh” có thực của Tổ quốc. Có lần tôi đọc, qua bản dịch của Hoàng Xuân Hãn, cuốn Nam Triều Công nghiệp Diễn Chí, viết về cuộc chiến tranh Nguyễn - Trịnh diễn ra dưới chân Lũy Thầy ba trăm năm về trước. Cuốn sách miêu tả lại một cách không thể nghi ngờ được những cuộc tàn sát khốc liệt của hai bên, những vũ khí dã man tôi chưa bao giờ hình dung nổi khi đọc nó qua sử sách… Cuốn sách kết thúc bằng chiến thắng của phe Nguyễn vào năm 1672, với một hình ảnh như thế này: “Nguyên soái Hiệp Đức (người chỉ huy quân Nguyễn) nhận thấy cán cờ của Bắc quân (đã bắt được) có nhiều dấu đạn bắn xuyên qua thành lỗ rỗ như tổ ong, thì lâm dâm nước mắt mà than rằng: “vật còn như vậy, huống chi là con người, than ôi!”. Tôi đã đọc bao nhiêu tiểu thuyết viết về chiến tranh, không thể nào nhớ hết. Thế nhưng sao cái ngọn cờ rách tả tơi còn lại của cuộc chiến tranh ô nhục kia, cùng với những giọt nước mắt của người tướng lĩnh thắng trận đã làm sửng sốt tâm trí tôi đến thế. Tôi bỏ chỗ ngồi, ra trước ban công, đứng nhìn lan man lên tàn lá xanh biếc của những cây long não bên kia đường. Trong giây phút đăm chiêu ấy, trong đầu óc tôi bỗng nẩy ra nôn nóng một ý đồ viết, phải viết một cái gì đấy về Nguyễn Huệ và nổi khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân trong thời đại ông; ý định ấy đã được thể hiện sau đó trong một tiểu luận gửi ở Nxb Thuận Hóa. Có lẽ cái mạnh của thể ký là ở chỗ đó; cùng với cảm xúc văn học, bút ký còn chứa đựng tất cả sức nặng vật chất của các sự kiện được giữ lại từ trong cái cõi thực vốn là bản gốc của tác phẩm. Sức nặng ấy được chuyền đi, không giống như một cảm giác mỹ học, mà như một quả táo Niu-tơn rơi xuống tâm hồn người đọc. Trung thành với sự ủy nhiệm ấy của người đọc - về sứ mệnh thông báo hiện thực -, nhà văn bút ký luôn luôn tự đặt mình trước những kỷ luật nghề nghiệp hết sức khắt khe: phong phú trong tư liệu, chính xác trong hiểu biết và trung thực trong tất cả những gì được rút ra từ thế giới nội tâm của người viết. Bút ký không được phép hư cấu, điều ấy luôn luôn được nhắc nhở như một mệnh lệnh đối với nhà văn. *** Nhưng làm thế nào để bút ký còn được thừa nhận như là văn học thực sự, trong khi hư cấu vẫn là một quá trình tất yếu của mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật? Làm thế nào để người viết bút ký còn đáng được gọi là nhà văn, trong khi anh ta đã bị tước mất quyền sáng tạo cơ bản nhất của mình? Làm thế nào để có thể hóa giải được mối mâu thuẫn gay gắt đến dường ấy, giữa hai bên đều có tính nguyên tắc? Tôi nghĩ rằng vấn đề cũng đơn giản thôi, nếu người ta quan niệm một cách đầy đủ thế nào là hư cấu. Nếu hiểu hư cấu như một hoạt động tự do của trí tưởng tượng, thì đấy là điều cấm nghiêm nhặt đối với bút ký trong khi phát ngôn về thực tại. Ngoài ra, trong nhiều nghĩa và nhiều dạng khác, hư cấu vẫn tồn tại trong ký như một phẩm chất mỹ học, nhờ đó bút ký giữ vững tư cách văn học của mình để khỏi bị sa sút thành một thứ văn chương người thực việc thực hoặc đại loại. Từ thực tại bề bộn đến bản ghi chép tư liệu, để đi đến một tác phẩm ký, sự nắm bắt thực tế đã diễn ra dưới những cấp độ khác nhau: a/ nhìn thấy thực tại y như những gì đang trải ra trước mắt, đấy là hoạt động ý thức của một đứa bé đang tập đếm trên những đồ vật theo kiểu “con mèo, con chó có lông, cây tre có mắt…”; b/ bản ghi chép tư liệu là những gạch đầu dòng của một người sưu tầm; và c/ sau cùng mới chính là lao động nghệ thuật của nhà văn. Thao tác trí tuệ ở đây bao hàm một quá trình loại bỏ từ trong vô số những dữ kiện của thực tại, phải loại trừ những cái kia để chỉ giữ lại những cái này, lại loại trừ để giữ lại ít hơn, cái sau cùng còn lại mới là lượng thông tin có ý nghĩa mà nhà văn mang đến cho bạn đọc. Một cô bé Nhật bản muốn học nghệ thuật cắm hoa, em mang theo một bó hoa dại tình cờ hái được ở dọc đường. Mệnh lệnh đầu tiên của thầy giáo: hãy vứt bỏ đi một nửa những gì em mang đến, tiếp theo: hãy vứt bỏ thêm một nửa những gì còn lại; và sau đó em ngồi vào bàn để bắt đầu bài học của mình. Bài học hiền triết của Ikêbana (nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản) muốn nói rằng nỗ lực phá vỡ sự kềm hãm của cái vỏ vật chất của sự vật biểu hiện cùng lúc sự thăng hoa của ý thức, và từ đấy khởi đầu quá trình sáng tạo nghệ thuật. Cũng đã từ lâu, Rô-đanh (Rodin) từng khẳng định một điều tương tự. Trả lời câu hỏi “ông đã tạo nên những tượng cẩm thạch như thế nào?”, ông nói: “Thực là giản dị. Tôi lấy một phiến đá và cắt bỏ đi những phần thừa thãi của nó”. Nếu người ta thừa nhận rằng tượng là “hư cấu” của đá (bởi vì tượng không còn là phiến đá) rằng bình hoa Ikêbana trên bàn kia là “hư cấu” của đám hoa dại bên đường, thì rõ ràng là tác phẩm nghệ thuật, dù dưới dạng nào đi nữa, bao giờ cũng vẫn là một sản phẩm hư cấu của thực tại. Vì quen nghĩ rằng hư cấu có nghĩa là thêm vào thực tại một cái gì đó tự nó không có, nhiều người đã quên đi quá trình ngược lại của hư cấu, nghĩa là loại bỏ ra khỏi thực tại những gì bị xem như thừa thãi. Cho nên, dù chỉ ở dưới dạng cấu tạo bằng những gì đã có sẵn trong thực tế, thì với sự lựa chọn trong lúc quan sát, sự loại bỏ những yếu tố ngẫu nhiên và những chất thô, sự tổ chức các tài liệu theo một cấu trúc nào đó (giống như trong trò chơi ghép hình của trẻ em), một tác phẩm ký chỉ được sinh thành sau một quá trình hư cấu trong đó ý thức sáng tạo hoạt động kín đáo nhưng quyết liệt. Đấy là mới xét ở dạng tối thiểu. Mặt khác, ký không phải là không chứa đựng hư cấu theo nghĩa thường hiểu, tức là “hư cấu thêm”. Ai cũng biết, hoạt động sáng tạo luôn luôn đòi hỏi một điều kiện tiên khởi, ấy là sự tự do về tinh thần: Nhà văn sẽ không viết lách gì được nếu cảm thấy tâm hồn bị gò bó, không được đi lại thoải mái trong căn phòng vô hình của mình. Cũng như vậy, nhà văn viết bút ký không thể chịu để ngòi bút của mình bị giằng kéo bởi sức nặng vật chất của các sự kiện mà không tìm cách phóng túng hình hài. Chính vì thế, ngoài phương pháp thuật sự chính, người ta thường thấy nhà văn bút ký sử dụng xen kẽ nhiều loại bút pháp khác: Tùy bút, văn học tư liệu, đôi khi cả chính luận nữa. Cũng lý do ấy, người ta hiểu tại sao các nhà văn thường thích đứng ngôi thứ nhất để kể chuyện. Bằng cái “tôi” ở thể ký, nhà văn tìm cách thoát khỏi tình trạng quanh quẩn giữa những người thực và việc thực, để mở rộng hoàn cảnh văn học đến những chân trời xa xôi khác, bằng cảm xúc tưởng tượng, liên tưởng, hồi ức v.v… “Ông già ở A-gra (2), của Tô Hoài, là một bằng chứng điển hình về sức mạnh bổ sung mà cái tôi (của chính tác giả) có thể mang lại cho thể ký: ở đây, chính những kỷ niệm của thuở ấu thời đã làm nẩy bật lên tất cả ý nghĩa của hiện thực đang được miêu tả, hiện thực này vốn chỉ xuất hiện với tác giả bằng những hình ảnh mờ nhạt thoáng qua, tưởng chừng như vô nghĩa. Dù những kỷ niệm kia vẫn là có thực, nhưng ông già Ka-ra-ta-sanh và nhóm nhân vật vây quanh đã tồn tại ở một thế giới khác; thế giới ấy được tác giả mang đến đặt vào mặt phẳng của những sự kiện đang diễn ra; chính vì thế, xét về mặt cấu trúc toàn diện của tác phẩm, nó vẫn được xem là yếu tố hư cấu. Nói chung, qua vai trò trung gian của chủ thể, nhà văn thường tìm cách nối liền thế giới bên ngoài và thế giới bên trong thầm kín của mình, bổ sung vào những dữ kiện của thực tại bằng những dữ kiện của nội tâm (tưởng tượng, xúc cảm, hoài niệm, suy nghiệm v.v…), gắn liền cái hư và cái thực trong một thể thống nhất; và đấy chính là một cách thế vận dụng hư cấu trong bút ký. Rốt cuộc, dù ở dạng này hay dạng khác, cái “quyền hư cấu” vẫn quay trở lại trong tay nhà văn một cách không có gì cản nổi. Bút ký hoàn toàn có khả năng vừa thực hiện sứ mệnh thông tin của mình, vừa phá rào thoát khỏi người thực việc thực để đạt đến những yêu cầu giá trị nghệ thuật khác, như tính khái quát, tính hoành tráng v.v...; tất cả chỉ còn tùy thuộc bản lĩnh của người viết. Vả chăng, F.G. Lorca đã nói về thơ: “Chỉ cần miêu tả mọi dáng vẻ và hương vị của hoa hồng, người ta vẫn có thể gợi ra cảm giác về sự vô tận”. *** Tôi xin phép nói một ý nghĩ sau cùng. Đọc Nguyễn Du, tôi vẫn thường dừng lại, bồi hồi về những bóng trăng trong thơ ông. Trăng soi người biệt ly, “nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”; trăng gợi một kỷ niệm tình cũ đau buốt, “mày ai trăng mới in ngần”. Lãng đãng trên những trang Kiều, người ta vẫn gặp những vầng trăng thắm thiết, lay động lòng người nhiều khi đến quay quắt. Nhà văn Nguyễn Tuân trong khi phân tích sự giàu có về từ ảnh của truyện Kiều, đã có lần lưu ý người đọc rằng: Nguyễn Du đã từng 51 lần nói đến trăng. Ở nơi khác, trong Thanh Hiên thi tập, Nguyễn Du vẫn thường nói về trăng, có câu ý như thế này: - Lúc cùng đường, trăng lại đến thăm ta, Nhưng trăng đã theo ta suốt ba mươi năm chân trời góc biển. (Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến Hải giác thiên nha tam thập niên) Tôi sống ở Huế, vẫn có ấn tượng rằng chốn yên tĩnh này là nơi có những đêm trăng đẹp nhất trên đời. Hàn Mặc Tử cũng đã nói về trăng Huế bằng những lời lẽ không ai quên được; nhưng đấy vẫn là thế giới của riêng ông; bệnh cùi vẫn gây ra những ảo giác lạ lùng về trăng như vậy. Đọc hai câu thơ trên của Nguyễn Du, tôi chợt bàng hoàng nghiệm ra rằng, biết bao lâu nay, hóa ra tôi chỉ là một gã dạ hành đi tham quan ánh trăng. Và tôi tự hỏi khi nghĩ về thơ và đời của Nguyễn Du: “Nếu không có ba mươi năm chân trời góc biển kia, thì làm sao có được những vầng trăng dường ấy?” Bóng trăng còn vậy huống nữa tất cả cuộc sống và con người. Cái nghề viết ký nó thật là vất vả giống như nghề lính đặc công, muốn đánh là phải “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”. Không đi đến tận thực tế thì không thể viết được, mà cũng đừng nên viết. Nhưng vẫn là chưa đủ, nếu người viết tự hài lòng với bấy nhiêu “lượng thông tin” đã thu nhặt được trong một chuyến đi. Với nhà văn viết ký, cũng như với bất cứ người lao động nghệ thuật nào khác, vẫn còn mãi câu hỏi tự vấn nầy: “Trước khi chảy qua ngòi bút, những điều ấy đã chảy qua trái tim của anh như một dòng máu chưa?” Vẫn còn mãi như vậy, câu chuyện vốn liếng cuộc đời và tấm lòng. 3-1983 H.P.N.T. (1/5&6-83) ------------- 1. Sông Đà, Tác phẩm mới, 1978. 2. Trái đất tên người – tác phẩm mới - 1978 |
NGUYỄN THỊ XUÂN YẾNLà một nội dung mở, tín hiệu thẩm mỹ (THTM) đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn học đã bàn luận khá rộng.
ĐẶNG VIỆT BÍCHTrong mười hai con giáp, từ lâu, người ta đã nhận thấy chỉ có mười một con là động vật có thật, được nuôi trong gia đình, là gia cầm (như gà - dậu), là gia súc (trâu - ngưu) hoặc động vật hoang dã (như hổ - dần)... Còn con Rồng - Thìn thì hoàn toàn là động vật thần thoại.
Vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Dịch thuật Giới thiệu Văn học Việt Nam ra thế giới, quy tụ trên một trăm dịch giả trong và ngoài nước đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Pháp, Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc... Đây được xem là bước khởi đầu cho việc quảng bá tốt nhất văn học Việt ra thế giới.
NGUYỄN THANH HÙNGTiếp nhận văn học thực sự diễn ra dưới ảnh hưởng của đặc điểm cuộc sống trong cộng đồng lý giải tác phẩm. Có được ý nghĩa phong phú của văn bản nghệ thuật là nhờ sự tiếp nhận của các thành viên độc giả tạo ra. Chính những ý nghĩa ấy chứ không phải bản thân văn bản, thậm chí không phải cả dụng ý của tác giả là điểm khởi đầu cho "chiều dài thương lượng" về giá trị của tác phẩm văn học trong lịch sử.
HỮU ĐẠTKhi giảng dạy thơ ca của bất cứ nhà thơ nào, ngoài những bài được đưa vào sách giáo khoa việc giới thiệu thêm những bài thơ khác trong sự nghiệp sáng tác của tác giả là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi giới thiệu cần có những cách phân tích và đánh giá đúng đắn mới phát huy được việc mở rộng kiến thức cho học trò. Nếu không sẽ gây ra những tác dụng ngược lại.
HOÀNG TẤT THẮNG (Vì sự trong sáng tiếng Việt)
ĐẶNG MẬU TỰU- PHAN THANH BÌNH5 năm hoạt động mỹ thuật sôi nổi, đầy trăn trở và suy nghĩ đã trôi qua, Phân- Chi hội mỹ thuật Thừa Thiên Huế đã có nhiều cơ hội để nhìn lại đánh giá những gì mà mình đã làm được.
VŨ ĐỨC PHÚCChữ Hán trong hàng chục thế kỷ là chữ dùng chính thức của quốc gia Việt . Trong các thế kỷ ấy văn thơ chữ Hán khi thì là văn thơ duy nhất, khi thì là bộ phận chủ yếu hoặc quan trọng, không thể thiếu, của lịch sử văn học Việt bên cạnh văn thơ chữ Nôm.
PHẠM QUANG TRUNGHội Nhà văn Việt Nam, bên cạnh tính chính trị- xã hội, trước hết là một tổ chức nghề nghiệp. Muốn có sức mạnh, cơ cấu và hoạt động của Hội phải tương thích với đặc thù nghề viết văn.
NGUYỄN VĂN HOASuốt những năm phổ thông, do phải kiểm tra hoặc phải thi cử nên bắt buộc tôi phải thuộc các bài thơ có vần trong sách giáo khoa. Trên ba mươi năm rồi tôi vẫn thuộc những bài thơ đó. Mặt khác thời tôi học phổ thông ở vùng Kinh Bắc hiệu sách có rất ít sách thơ bán và lúc đó cũng không có tiền để mua. Nguồn duy nhất là sách giáo khoa.
VÕ TẤN CƯỜNGLịch sử văn minh của nhân loại đã trải qua những phát kiến, khám phá vĩ đại về khoa học kỹ thuật và vũ trụ nhưng sự bí ẩn của tâm linh con người thì vẫn luôn là thách thức chưa thể giải mã.
Mối quan hệ của Chủ nghĩa Siêu thực với hội họa vẫn là một câu hỏi chưa được sáng tỏ, vấn đề khó khăn này đã được các nhà lịch sử mỹ thuật hé mở hơn khi chú ý ở khía cạnh hình tượng xảy ra trong các giấc mơ và coi đó là một hành vi đặc biệt của “phong cách” nghệ thuật hiện đại.
Cách đây vài hôm, tôi nói chuyện với một vị nữ tiến sỹ ở Viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật. Bà là một trưởng phòng nghiên cứu có thâm niên, rất thông thái về văn hoá. Trong lúc vui chuyện tôi nói rằng mình có ý định tìm hiểu về mối quan hệ giữa văn hoá và ngôn ngữ. Bà bảo không thể đặt vấn đề như vậy, vì ngôn ngữ là một thành tố của văn hoá.
TRẦN HUYỀN SÂMVăn học là dòng sông chở đầy dư vị của cuộc đời, mà văn hóa là một trong những yếu tố kết tinh nên hương sắc ấy.
LÊ ĐẠTTình không lời xông đất để sang xuânTrước hết xin giải quyết cho xong một vấn đề đã được giải quyết từ rất lâu tại các nhà nước văn hóa phát triển.
HỮU ĐẠTMột trong những đặc điểm dễ nhận thấy về phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều chính là tính sáng tạo qua việc dùng từ. Có thể bàn đến nhiều trường hợp khác nhau, trong đó chữ Xuân là một ví dụ khá điển hình.
NGUYỄN THANH HÙNGLý do để có thể còn viết được những cái như là hiển nhiên rồi, thật ra có nhiều. Nói về văn thơ tức là nói về cuộc đời, về sự sống dù chỉ nói được một phần rất nhỏ của cả một vũ trụ đang trong cơn say biến đổi, mà đã thấy choáng ngợp lắm rồi.
THANH THẢOThơ như những ngọn đèn thuyền câu mực trong biển đêm. Lấp lóe, âm thầm, kiên nhẫn, vô định.
ĐÔNG LA. (Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Nxb Văn Học")
NguyỄn Thu TrangNghệ thuật ẩm thực của người Việt đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt . Bàn về ẩm thực và những gì liên quan thì quá rộng, thế nên ở đây chúng tôi chỉ mạn phép bàn đến một khía cạnh nhỏ của nó mà thôi.