THÙY AN
Truyện ngắn dự thi 1993
Sáng hôm nay trời mưa tầm tã, từng làn nước tuông tràn trên mặt đường, ào qua khe cống như con suối lớn cuốn theo đám lá vàng khô từ đêm trước nằm ngủ bên vệ cỏ.
Minh họa: Thái Vĩnh
Mưa vẫn rơi rơi hoài không dứt, mưa dạt dào trên mái ngói, mưa ngân vào lòng tôi những hồi ức xa xăm, mưa gợi nhớ những tháng ngày xưa cũ thời áo trắng học trò, quãng thời gian đẹp nhất của đời thiếu nữ. Đó là năm đầu tiên tôi bước chân vào đại học với bao ngỡ ngàng rất dễ thương.
Tôi còn nhớ ngày quen Châu, hôm ấy là một buổi sáng trời mưa rất lớn, và gió nữa, gió thổi loạn cuồng ngả nghiêng cành phượng vỹ, gió đập những hạt mưa lạnh châm vào thịt da, gió đẩy chiếc dù xanh tôi đang cố gắng níu lại làm bật ngược những chiếc gọng mong manh và suýt kéo tôi bay xuống cầu nếu không có một bàn tay rắn chắc giữ lại. Người con trai đỡ cây dù trên tay tôi xoay theo chiều gió rồi nói thật nhanh:
- Đi mau lên.
Trước khi đi, tôi chỉ kịp thấy một gương mặt đen thui và màu xám của chiếc áo mưa rộng thùng thình.
Qua khỏi cầu, gió nhẹ bớt, tôi nghe rõ tiếng bước chân đi theo tôi nhưng không dám quay lại. Tôi kéo kín chiếc cổ áo mưa, cầm chặt cây dù và đi một mạch vào trường. Sáng nay mưa to quá, tôi định đi xe buýt đến trường, nhưng khi đến bến thì người đông quá, sợ trễ học tôi đành phải đi bộ qua cầu.
Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm anh ơi!
Trong thi văn, cầu Tràng Tiền đẹp và nên thơ làm sao! Nhưng ai đã từng đi bộ qua cầu trong những ngày mưa gió mới thấy hết được "bộ mặt thật" của nó. Đường giữa rộng bao nhiêu thì đường dành cho người đi xe đạp hẹp bấy nhiêu, còn người đi bộ thôi khỏi nói - chỉ vừa khít hai bàn chân để dọc - họ phải lê bước hàng một như chơi rồng rắn.
Hôm nay tôi có giờ thực tập hóa học đầu tiên. Bước vào phòng thí nghiệm đầy những chai lọ thủy tinh, tường lát gạch men trắng bóng, tôi cảm thấy mình nhỏ bé, ngẩn ngơ, đến khi nghe tiếng các bạn bè lao xao tôi mới giật mình đi tìm chỗ ngồi. Vừa mở tập ra Thu Tâm nói nhỏ vào tai:
- Ê, mi quen với Châu Chấu hả?
Tôi chưa kịp ngạc nhiên, Minh Hiền ngồi cạnh đã nguýt dài, giọng Bắc của nó nghe thật chanh chua:
- Châu Chấu với chả dế mèn, tụi mày ồn ào quá, thầy ra kìa.
Thầy Kỳ hướng dẫn thực tập có nét mặt rất phương phi, da thầy trắng hồng như da con gái, thầy bước lên bục giảng nhìn chúng tôi thân mật:
- Hôm nay là giờ học đầu tiên của chúng ta, các anh chị sẽ chép chương trình học và phân nhóm.
Thầy quay vào trong đưa tay vẫy, một sinh viên cao nhồng chạy ra đứng cạnh thầy, trên tay cầm một chồng sách quay ronéo, tôi đã nhận ra anh chàng đen nhẻm ấy, thầy Kỳ giới thiệu:
- Đây là anh Châu, phụ tá của tôi, năm nay anh sẽ giúp đỡ sinh viên làm thí nghiệm, có gì thắc mắc anh chị cứ hỏi ảnh, điều cần thiết là anh chị phải chuyên cần để đạt kết quả tốt trong kỳ thi cuối năm.
Thu Tâm thì thầm:
- Châu Chấu đó, hồi sáng tao thấy anh chàng tò tò đi theo mi...
Châu hướng về đám sinh viên, tia mắt anh nhìn khắp lượt và dừng lại ở tôi. Tim tôi đập mạnh và bỗng nhiên cảm thấy buồn cười khi thấy sự tương phản màu sắc gương mặt thầy Kỳ và của Châu, tuy nhiên, Châu có đôi mắt thật sáng và hiền lành:
- Hôm nay chúng ta sẽ phân nhóm và đóng tiền mua sách.
Châu nói giọng Hà Nội, tiếng trầm và ấm áp, tôi có cảm giác những sợi mưa giăng ngoài cửa sổ bớt lạnh lẽo hơn.
Minh Hiền đứng dậy:
- Thưa thầy, chúng em có phải đóng tiền ngay bây giờ không ạ?
- Nếu chưa có thì để tuần sau cũng được - Châu cười - Xin đừng gọi tôi là thầy, các anh chị cứ xem tôi như một người anh là được rồi, đồng ý chứ?
Thu Tâm nghiêng mặt vào vai tôi:
- Châu Chấu cười có duyên ghê, hàm răng trắng bóc.
Tôi cũng nhận thấy thế nhưng không dám nói ra. Đám con trai ngồi sau lưng tôi hát nho nhỏ và cười cợt với nhau:
"Hynos Cha Cha Cha... Răng em tốt nhất trên đời, nhờ Kem Hynos tốt nhất mà thôi, anh yêu Kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen..." (Bài hát quảng cáo kem đánh răng Hynos thường phát vào buổi trưa trên Đài phát thanh hồi đó).
Châu đem sách phát cho từng bàn, tôi kín đáo quan sát anh, ngoài nước da đen ra, Châu không có gì đáng chê, dáng dấp, gương mặt, đôi mắt, nụ cười, trông anh cũng bô trai ra phết.
Buổi trưa đi học về trời còn mưa nhỏ, tôi ngán phải qua cầu nên ra đầu đường đón xe buýt, Thu Tâm đạp xe chạy ngang la toáng lên:
- Thùy ơi, Châu Chấu sắp xuất hiện.
Tôi nghe tiếng chân bước chậm lại và biết rằng Châu đang ở sau lưng tôi, vẫn im lặng, miệng anh chàng dính mủ mít chắc? Nhớ đến... câu nói cộc lốc của Châu hồi sáng: "Đi mau lên" mà bực mình, nên khi xe buýt đến tôi nhảy vội lên chẳng buồn nhìn xem Châu đi về hướng nào. Khi xe về đến bến, "những bước chân âm thầm" của Châu lại lẽo đẽo theo, thế này thì không được, tôi quay lại xụ mặt xuống. Vẫn giọng nói trầm ấm:
- Cho phép tôi được đưa Thùy về (A, lại dò được tên tôi trên bảng phân nhóm!)
Tôi định lắc đầu nhưng tôi thấy đôi mắt Châu "thê thảm" quá, tôi không nỡ từ chối nên lặng lẽ bước đi, Châu vẫn nhẫn nại theo sau. Qua khỏi cầu Gia Hội, suốt con đường trước mặt là giang sơn riêng của tôi, không thể cho bà con lối xóm trông thấy tôi đi với Châu được dù là kẻ trước người sau, tôi dừng lại:
- Anh đưa Thùy đến đây được rồi.
Không một lời phản đối. Châu nghiêng mình:
- Vậy Thùy về nhé.
Châu quay trở lại và đi về phía chợ. Nhìn theo cái dáng cao lênh khênh của anh, tôi thầm hỏi, không biết anh ta ở đâu mà lại leo lên xe buýt theo tôi đến tận nơi này!
Vậy là chúng tôi quen nhau. Châu người Bắc di cư, đang học năm cuối MPC, anh hiền lành, ít nói nhưng rất chân thật.. Anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học hành như giải những bài tập lý hóa, sưu tầm các mẫu thí nghiệm và đặc biệt bằng những dung dịch hóa học tự pha chế, anh đã ép cho tôi những cành hoa không phai sắc, bìm bìm xanh biếc, cúc Nhật vàng mơ, bâng khuâng tím ngắt, tỉ muội trắng ngần... và trong một cuộc triển lãm các mẫu thực vật khô, nhóm của tôi đã đạt giải nhất khiến cho các anh chị ở lớp trên phải ganh tức lên.
Suốt năm dự bị, Châu vẫn hiện diện bên tôi âm thầm và lặng lẽ, tôi rất có cảm tình với anh, xem anh như một người bạn thật tốt nhưng linh cảm bén nhạy của một người con gái, tôi biết Châu đã yêu tôi. Có một lần trong giờ thực tập hóa, tôi nhờ Châu lấy giùm axít, vì axít còn quá ít trong bình nên Châu phải dùng miệng để hút lên. Không biết vì cảm xúc hay sao anh đã hút hơi mạnh đến nỗi một ít axít đã phụt vào miệng anh. Châu buông ống hút chạy vội vào phòng trong, để tôi đứng lại sững sờ hoảng hốt cho đến khi Thu Tâm đẩy vào vai tôi:
- Vào xem thử coi, cũng tại mi hết, còn đứng đó nữa.
Tôi vào trong thấy Châu đang ngồi tựa lưng vào ghế, dùng khăn tay che miệng lại. Tôi ái ngại:
- Anh Châu, anh có... đau không?
Châu nhìn tôi lắc đầu, mắt ánh lên vẻ trấn an, tôi đến gần anh:
- Miệng anh có bị chi không?
Châu lại lắc đầu.
- Cho Thùy coi đi...
Châu để hé chiếc khăn và khi thấy môi anh đỏ ửng sưng lên, tôi đưa hai tay ôm lấy ngực và cảm thấy mình có lỗi, tôi òa khóc. Châu bối rối, anh đặt tay lên vai tôi giọng run run:
- Nín đi Thùy, anh không sao cả, anh không đau đâu, mai mốt anh sẽ lành ngay thôi.
Sau buổi ấy, mỗi lần nhìn Châu với đôi môi bỏng rộp, bạn bè trêu chọc tôi không ngớt, chúng nó bảo rằng tôi đã tặng Châu "nụ hôn cháy bỏng" đó để mở đầu cho một thiên tình sử tuyệt vời do chúng nó tưởng tượng ra.
Có một hôm, khi hai đứa đang nhuộm phẩu thức thực vật, Thu Tâm đã nói với tôi:
- Xem bộ Châu trồng cây si mi nặng lắm đó, sao mi cứ tỉnh bơ vậy?
- Tao chỉ xem anh như một người anh thôi.
Thu Tâm phản đối:
- Không được, đừng để Châu nuôi hy vọng tội nghiệp, mi phải từ chối ngay Thùy à.
- Nhưng anh ấy đâu có nói gì với tao?
- Mi phải hiểu chứ, tốt nhất là mi tìm cách xa dần anh ấy đi.
Rồi nó pha trò:
- Mi tàn nhẫn quá có ngày bị ăn axít đó.
Minh Hiền ngồi bên được dịp đanh đá:
- Axít với chả Bazơ, bọn con gái Huế chúng mày cứ suốt ngày yêu với đương, rõ vớ vẩn.
Hôm ấy về nhà tôi thức trắng đêm. Đúng rồi, phải nghe lời Thu Tâm thôi, phải xa lánh Châu nhưng làm sao được khi suốt ngày nhìn thấy anh. Tuy một tuần tôi chỉ gặp anh một buổi trong giờ thực tập Hóa nhưng vì anh làm giảng nghiệm viên tại đó nên mỗi lần lên trường tôi đều gặp anh. Châu đã lo lắng săn sóc cho tôi trong những ngày đầu tiên tôi bỡ ngỡ bước chân vào đây, những sáng những chiều miệt mài trong phòng thí nghiệm, gạo bài bên giảng đường C với một chương trình học nặng nề khó hiểu, những vị giáo sư giỏi ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ nên mỗi lần ghi bài họ giảng là muốn điên cái đầu, về nhà phải chép lại, sửa lại văn phạm mới học nổi, và những lần đó Châu đã tận tình giúp đỡ tôi. Quả thật, có Châu bên cạnh, tôi rất vững lòng. Vậy thì tôi không yêu Châu hay chưa yêu Châu? Tôi không trả lời được với lòng mình nên tôi cũng không thể làm theo lời Thu Tâm ngay được. Châu luôn luôn đem lại niềm vui cho tôi như sáng hôm nay chẳng hạn, có vị giáo sư người Anh từ Sài Gòn ra giảng một loạt bài về ngành "Động vật có xương sống", ông đã bắt mỗi sinh viên phải làm một bộ xương để cuối năm lấy điểm thực tập. Thay vì làm xương cá, ếch hoặc chim, đau khổ thay cho tôi lại bốc xăm trúng bộ xương... mèo! Không phải tôi không biết làm nhưng thật sự tôi không dám làm, tôi không có can đảm bắc nồi nước sôi lên để thả vào đó một con mèo còn sống như tôi đã từng học trong lý thuyết. Ôi! loài mèo vốn dễ thương dịu dàng như một cô gái đẹp, tôi nỡ lòng nào? Vậy là tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Không hiểu ai nói lại mà Châu biết chuyện này, anh đến tìm tôi:
- Thùy yên tâm đi, anh sẽ làm cho Thùy một bộ xương mèo tuyệt đẹp.
Ban đầu tôi mừng rồi đâm thắc mắc:
- Mèo đâu anh có, đừng giết mèo nhà anh, tội lắm.
Châu cười rất tươi:
- Khỏi lo, hàng năm cứ vào mùa này, tụi bên phòng Động Vật xách túi đi bắt trộm mèo về lóc thịt thiếu gì, anh sẽ xin cho Thùy một con.
- Ô, Thùy không dám luộc mèo đâu.
- Anh sẽ luộc và làm hết cho Thùy, Thùy chỉ có việc ghi tên Latin vào thôi, vui lên nào.
Mỗi lần Châu cười, gương mặt anh thật rạng rỡ. Tôi có yêu Châu không? Lý trí tôi lên tiếng tán đồng nhưng trái tim tôi thì im lặng hình như nó chưa rung lên đến tần số cảm ứng. Vậy tôi phải xử sự sao đây!
Cuối năm đó, tôi đậu thi viết rồi đến thực tập, trong khi chờ kết quả vào vấn đáp, tôi nhận được thư Châu. Châu báo tin anh bận đi Nha Trang có công chuyện, anh chúc tôi... thi đậu thật cao và hẹn sẽ về sau khi tôi thi xong. Nhưng Châu đã không về nữa, anh bị "động viên" và rồi tôi mất liên lạc với anh.
Mùa hè qua đi, tôi bước lên năm thứ hai với tuổi mười chín tràn đầy mộng ước, khuôn viên trường vẫn chan hòa ánh nắng, giảng đường C rộng thênh thang vẫn mát rượi dưới những hàng cây diệp hồng, nhưng bên tôi đã vắng bóng Châu. Từ đó, tôi thường nghĩ đến câu danh ngôn: "Sự xa cách đối với tình yêu cũng như gió đối với lửa, gió dập tắt những ngọn lửa nhỏ và làm bùng lên những ngọn lửa lớn".
Mưa vẫn rơi tầm tã, đã có những đợt gió thổi qua khe cửa mang hơi lạnh tràn về. Mưa như mưa Huế...
Phú Nhuận, ngày mưa rất lớn
11/1992
T.A
(TCSH56/07&8-1993)
QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.
ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.
TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.
NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.
ĐOÀN LÊ Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.
NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.
LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.
NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.
ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.
HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.
TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.
THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn” Trịnh Công Sơn
THÁI KIM LAN(tiếp theo)
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...
VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.
I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.
Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...
Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.
Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.
Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.