Một thời áo trắng

09:30 02/02/2024

THÙY AN
   Truyện ngắn dự thi 1993

Sáng hôm nay trời mưa tầm tã, từng làn nước tuông tràn trên mặt đường, ào qua khe cống như con suối lớn cuốn theo đám lá vàng khô từ đêm trước nằm ngủ bên vệ cỏ.

Minh họa: Thái Vĩnh

Mưa vẫn rơi rơi hoài không dứt, mưa dạt dào trên mái ngói, mưa ngân vào lòng tôi những hồi ức xa xăm, mưa gợi nhớ những tháng ngày xưa cũ thời áo trắng học trò, quãng thời gian đẹp nhất của đời thiếu nữ. Đó là năm đầu tiên tôi bước chân vào đại học với bao ngỡ ngàng rất dễ thương.

Tôi còn nhớ ngày quen Châu, hôm ấy là một buổi sáng trời mưa rất lớn, và gió nữa, gió thổi loạn cuồng ngả nghiêng cành phượng vỹ, gió đập những hạt mưa lạnh châm vào thịt da, gió đẩy chiếc dù xanh tôi đang cố gắng níu lại làm bật ngược những chiếc gọng mong manh và suýt kéo tôi bay xuống cầu nếu không có một bàn tay rắn chắc giữ lại. Người con trai đỡ cây dù trên tay tôi xoay theo chiều gió rồi nói thật nhanh:

- Đi mau lên.

Trước khi đi, tôi chỉ kịp thấy một gương mặt đen thui và màu xám của chiếc áo mưa rộng thùng thình.

Qua khỏi cầu, gió nhẹ bớt, tôi nghe rõ tiếng bước chân đi theo tôi nhưng không dám quay lại. Tôi kéo kín chiếc cổ áo mưa, cầm chặt cây dù và đi một mạch vào trường. Sáng nay mưa to quá, tôi định đi xe buýt đến trường, nhưng khi đến bến thì người đông quá, sợ trễ học tôi đành phải đi bộ qua cầu.

Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm anh ơi!

Trong thi văn, cầu Tràng Tiền đẹp và nên thơ làm sao! Nhưng ai đã từng đi bộ qua cầu trong những ngày mưa gió mới thấy hết được "bộ mặt thật" của nó. Đường giữa rộng bao nhiêu thì đường dành cho người đi xe đạp hẹp bấy nhiêu, còn người đi bộ thôi khỏi nói - chỉ vừa khít hai bàn chân để dọc - họ phải lê bước hàng một như chơi rồng rắn.

Hôm nay tôi có giờ thực tập hóa học đầu tiên. Bước vào phòng thí nghiệm đầy những chai lọ thủy tinh, tường lát gạch men trắng bóng, tôi cảm thấy mình nhỏ bé, ngẩn ngơ, đến khi nghe tiếng các bạn bè lao xao tôi mới giật mình đi tìm chỗ ngồi. Vừa mở tập ra Thu Tâm nói nhỏ vào tai:

- Ê, mi quen với Châu Chấu hả?

Tôi chưa kịp ngạc nhiên, Minh Hiền ngồi cạnh đã nguýt dài, giọng Bắc của nó nghe thật chanh chua:

- Châu Chấu với chả dế mèn, tụi mày ồn ào quá, thầy ra kìa.

Thầy Kỳ hướng dẫn thực tập có nét mặt rất phương phi, da thầy trắng hồng như da con gái, thầy bước lên bục giảng nhìn chúng tôi thân mật:

- Hôm nay là giờ học đầu tiên của chúng ta, các anh chị sẽ chép chương trình học và phân nhóm.

Thầy quay vào trong đưa tay vẫy, một sinh viên cao nhồng chạy ra đứng cạnh thầy, trên tay cầm một chồng sách quay ronéo, tôi đã nhận ra anh chàng đen nhẻm ấy, thầy Kỳ giới thiệu:

- Đây là anh Châu, phụ tá của tôi, năm nay anh sẽ giúp đỡ sinh viên làm thí nghiệm, có gì thắc mắc anh chị cứ hỏi ảnh, điều cần thiết là anh chị phải chuyên cần để đạt kết quả tốt trong kỳ thi cuối năm.

Thu Tâm thì thầm:

- Châu Chấu đó, hồi sáng tao thấy anh chàng tò tò đi theo mi...

Châu hướng về đám sinh viên, tia mắt anh nhìn khắp lượt và dừng lại ở tôi. Tim tôi đập mạnh và bỗng nhiên cảm thấy buồn cười khi thấy sự tương phản màu sắc gương mặt thầy Kỳ và của Châu, tuy nhiên, Châu có đôi mắt thật sáng và hiền lành:

- Hôm nay chúng ta sẽ phân nhóm và đóng tiền mua sách.

Châu nói giọng Hà Nội, tiếng trầm và ấm áp, tôi có cảm giác những sợi mưa giăng ngoài cửa sổ bớt lạnh lẽo hơn.

Minh Hiền đứng dậy:

- Thưa thầy, chúng em có phải đóng tiền ngay bây giờ không ạ?

- Nếu chưa có thì để tuần sau cũng được - Châu cười - Xin đừng gọi tôi là thầy, các anh chị cứ xem tôi như một người anh là được rồi, đồng ý chứ?

Thu Tâm nghiêng mặt vào vai tôi:

- Châu Chấu cười có duyên ghê, hàm răng trắng bóc.

Tôi cũng nhận thấy thế nhưng không dám nói ra. Đám con trai ngồi sau lưng tôi hát nho nhỏ và cười cợt với nhau:

"Hynos Cha Cha Cha... Răng em tốt nhất trên đời, nhờ Kem Hynos tốt nhất mà thôi, anh yêu Kem, anh yêu luôn anh By Chà da đen..." (Bài hát quảng cáo kem đánh răng Hynos thường phát vào buổi trưa trên Đài phát thanh hồi đó).

Châu đem sách phát cho từng bàn, tôi kín đáo quan sát anh, ngoài nước da đen ra, Châu không có gì đáng chê, dáng dấp, gương mặt, đôi mắt, nụ cười, trông anh cũng bô trai ra phết.

Buổi trưa đi học về trời còn mưa nhỏ, tôi ngán phải qua cầu nên ra đầu đường đón xe buýt, Thu Tâm đạp xe chạy ngang la toáng lên:

- Thùy ơi, Châu Chấu sắp xuất hiện.

Tôi nghe tiếng chân bước chậm lại và biết rằng Châu đang ở sau lưng tôi, vẫn im lặng, miệng anh chàng dính mủ mít chắc? Nhớ đến... câu nói cộc lốc của Châu hồi sáng: "Đi mau lên" mà bực mình, nên khi xe buýt đến tôi nhảy vội lên chẳng buồn nhìn xem Châu đi về hướng nào. Khi xe về đến bến, "những bước chân âm thầm" của Châu lại lẽo đẽo theo, thế này thì không được, tôi quay lại xụ mặt xuống. Vẫn giọng nói trầm ấm:

- Cho phép tôi được đưa Thùy về (A, lại dò được tên tôi trên bảng phân nhóm!)

Tôi định lắc đầu nhưng tôi thấy đôi mắt Châu "thê thảm" quá, tôi không nỡ từ chối nên lặng lẽ bước đi, Châu vẫn nhẫn nại theo sau. Qua khỏi cầu Gia Hội, suốt con đường trước mặt là giang sơn riêng của tôi, không thể cho bà con lối xóm trông thấy tôi đi với Châu được dù là kẻ trước người sau, tôi dừng lại:

- Anh đưa Thùy đến đây được rồi.

Không một lời phản đối. Châu nghiêng mình:

- Vậy Thùy về nhé.

Châu quay trở lại và đi về phía chợ. Nhìn theo cái dáng cao lênh khênh của anh, tôi thầm hỏi, không biết anh ta ở đâu mà lại leo lên xe buýt theo tôi đến tận nơi này!

Vậy là chúng tôi quen nhau. Châu người Bắc di cư, đang học năm cuối MPC, anh hiền lành, ít nói nhưng rất chân thật.. Anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học hành như giải những bài tập lý hóa, sưu tầm các mẫu thí nghiệm và đặc biệt bằng những dung dịch hóa học tự pha chế, anh đã ép cho tôi những cành hoa không phai sắc, bìm bìm xanh biếc, cúc Nhật vàng mơ, bâng khuâng tím ngắt, tỉ muội trắng ngần... và trong một cuộc triển lãm các mẫu thực vật khô, nhóm của tôi đã đạt giải nhất khiến cho các anh chị ở lớp trên phải ganh tức lên.

Suốt năm dự bị, Châu vẫn hiện diện bên tôi âm thầm và lặng lẽ, tôi rất có cảm tình với anh, xem anh như một người bạn thật tốt nhưng linh cảm bén nhạy của một người con gái, tôi biết Châu đã yêu tôi. Có một lần trong giờ thực tập hóa, tôi nhờ Châu lấy giùm axít, vì axít còn quá ít trong bình nên Châu phải dùng miệng để hút lên. Không biết vì cảm xúc hay sao anh đã hút hơi mạnh đến nỗi một ít axít đã phụt vào miệng anh. Châu buông ống hút chạy vội vào phòng trong, để tôi đứng lại sững sờ hoảng hốt cho đến khi Thu Tâm đẩy vào vai tôi:

- Vào xem thử coi, cũng tại mi hết, còn đứng đó nữa.

Tôi vào trong thấy Châu đang ngồi tựa lưng vào ghế, dùng khăn tay che miệng lại. Tôi ái ngại:

- Anh Châu, anh có... đau không?

Châu nhìn tôi lắc đầu, mắt ánh lên vẻ trấn an, tôi đến gần anh:

- Miệng anh có bị chi không?

Châu lại lắc đầu.

- Cho Thùy coi đi...

Châu để hé chiếc khăn và khi thấy môi anh đỏ ửng sưng lên, tôi đưa hai tay ôm lấy ngực và cảm thấy mình có lỗi, tôi òa khóc. Châu bối rối, anh đặt tay lên vai tôi giọng run run:

- Nín đi Thùy, anh không sao cả, anh không đau đâu, mai mốt anh sẽ lành ngay thôi.

Sau buổi ấy, mỗi lần nhìn Châu với đôi môi bỏng rộp, bạn bè trêu chọc tôi không ngớt, chúng nó bảo rằng tôi đã tặng Châu "nụ hôn cháy bỏng" đó để mở đầu cho một thiên tình sử tuyệt vời do chúng nó tưởng tượng ra.

Có một hôm, khi hai đứa đang nhuộm phẩu thức thực vật, Thu Tâm đã nói với tôi:

- Xem bộ Châu trồng cây si mi nặng lắm đó, sao mi cứ tỉnh bơ vậy?

- Tao chỉ xem anh như một người anh thôi.

Thu Tâm phản đối:

- Không được, đừng để Châu nuôi hy vọng tội nghiệp, mi phải từ chối ngay Thùy à.

- Nhưng anh ấy đâu có nói gì với tao?

- Mi phải hiểu chứ, tốt nhất là mi tìm cách xa dần anh ấy đi.

Rồi nó pha trò:

- Mi tàn nhẫn quá có ngày bị ăn axít đó.

Minh Hiền ngồi bên được dịp đanh đá:

- Axít với chả Bazơ, bọn con gái Huế chúng mày cứ suốt ngày yêu với đương, rõ vớ vẩn.

Hôm ấy về nhà tôi thức trắng đêm. Đúng rồi, phải nghe lời Thu Tâm thôi, phải xa lánh Châu nhưng làm sao được khi suốt ngày nhìn thấy anh. Tuy một tuần tôi chỉ gặp anh một buổi trong giờ thực tập Hóa nhưng vì anh làm giảng nghiệm viên tại đó nên mỗi lần lên trường tôi đều gặp anh. Châu đã lo lắng săn sóc cho tôi trong những ngày đầu tiên tôi bỡ ngỡ bước chân vào đây, những sáng những chiều miệt mài trong phòng thí nghiệm, gạo bài bên giảng đường C với một chương trình học nặng nề khó hiểu, những vị giáo sư giỏi ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ nên mỗi lần ghi bài họ giảng là muốn điên cái đầu, về nhà phải chép lại, sửa lại văn phạm mới học nổi, và những lần đó Châu đã tận tình giúp đỡ tôi. Quả thật, có Châu bên cạnh, tôi rất vững lòng. Vậy thì tôi không yêu Châu hay chưa yêu Châu? Tôi không trả lời được với lòng mình nên tôi cũng không thể làm theo lời Thu Tâm ngay được. Châu luôn luôn đem lại niềm vui cho tôi như sáng hôm nay chẳng hạn, có vị giáo sư người Anh từ Sài Gòn ra giảng một loạt bài về ngành "Động vật có xương sống", ông đã bắt mỗi sinh viên phải làm một bộ xương để cuối năm lấy điểm thực tập. Thay vì làm xương cá, ếch hoặc chim, đau khổ thay cho tôi lại bốc xăm trúng bộ xương... mèo! Không phải tôi không biết làm nhưng thật sự tôi không dám làm, tôi không có can đảm bắc nồi nước sôi lên để thả vào đó một con mèo còn sống như tôi đã từng học trong lý thuyết. Ôi! loài mèo vốn dễ thương dịu dàng như một cô gái đẹp, tôi nỡ lòng nào? Vậy là tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Không hiểu ai nói lại mà Châu biết chuyện này, anh đến tìm tôi:

- Thùy yên tâm đi, anh sẽ làm cho Thùy một bộ xương mèo tuyệt đẹp.

Ban đầu tôi mừng rồi đâm thắc mắc:

- Mèo đâu anh có, đừng giết mèo nhà anh, tội lắm.

Châu cười rất tươi:

- Khỏi lo, hàng năm cứ vào mùa này, tụi bên phòng Động Vật xách túi đi bắt trộm mèo về lóc thịt thiếu gì, anh sẽ xin cho Thùy một con.

- Ô, Thùy không dám luộc mèo đâu.

- Anh sẽ luộc và làm hết cho Thùy, Thùy chỉ có việc ghi tên Latin vào thôi, vui lên nào.

Mỗi lần Châu cười, gương mặt anh thật rạng rỡ. Tôi có yêu Châu không? Lý trí tôi lên tiếng tán đồng nhưng trái tim tôi thì im lặng hình như nó chưa rung lên đến tần số cảm ứng. Vậy tôi phải xử sự sao đây!

Cuối năm đó, tôi đậu thi viết rồi đến thực tập, trong khi chờ kết quả vào vấn đáp, tôi nhận được thư Châu. Châu báo tin anh bận đi Nha Trang có công chuyện, anh chúc tôi... thi đậu thật cao và hẹn sẽ về sau khi tôi thi xong. Nhưng Châu đã không về nữa, anh bị "động viên" và rồi tôi mất liên lạc với anh.

Mùa hè qua đi, tôi bước lên năm thứ hai với tuổi mười chín tràn đầy mộng ước, khuôn viên trường vẫn chan hòa ánh nắng, giảng đường C rộng thênh thang vẫn mát rượi dưới những hàng cây diệp hồng, nhưng bên tôi đã vắng bóng Châu. Từ đó, tôi thường nghĩ đến câu danh ngôn: "Sự xa cách đối với tình yêu cũng như gió đối với lửa, gió dập tắt những ngọn lửa nhỏ và làm bùng lên những ngọn lửa lớn".

Mưa vẫn rơi tầm tã, đã có những đợt gió thổi qua khe cửa mang hơi lạnh tràn về. Mưa như mưa Huế...

Phú Nhuận, ngày mưa rất lớn
11/1992

T.A
(TCSH56/07&8-1993)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THÙY MAIKhi mới vào tu học, tôi được giao chăm sóc vườn hoa trước chùa. Tên vườn là Vô Ưu, nghĩa là không phiền não. Vậy mà tôi đã bắt đầu ưu phiền từ đó. Tiết mạnh xuân, thầy tôi cho dựng thêm mấy nếp nhà cỏ men hồ. Đệ tử dạo này đã hơn mười người, phải có chỗ để tĩnh tâm, tụng niệm. Mỗi nếp nhà được đặt một cái tên. Nhà tôi ở ngay bên khóm hoa súng tím, gọi là Lăng Hoa Cốc.

  • DƯƠNG ĐỨC KHÁNHCho đến thời buổi này, cái chợ làng Thanh vẫn đông một khúm lèo tèo dưới tán cây sen cổ thụ vào buổi chiều xế. Vẫn làng tàng, xập xệ như cái tên gọi xưa nay: Chợ Kệ!. Cái tên chẳng ăn nhập gì đến tên làng, tên đất nhưng nó gắn liền với bản chất xuề xòa, nhân hậu của những lớp người quê bao đời nghèo khó.

  • LINH CHI         Quê Hoàng, một làng quê chiêm trũng miền Trung, đẹp và yên bình. Hoàng rất yêu quê nhà không chỉ bởi vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn, mà bởi đó còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ hoang tưởng non nớt thuở xa xôi của Hoàng.

  • NGUYÊN QUÂNNhững buổi chiều nắng ráo, gã thường ra ngồi ở đây, dọc theo hai triền sông, nở đầy những bông hoa dại - loài hoa vươn dài, xòe những chiếc lông màu tím như cái đuôi chồn. Trong bóng chiều dần dần ngả màu tối, gã vẫn ngồi ngắt từng cánh... từng cánh hoa ném xuống dòng sông.

  • VĂN ANMặt trời đã khuất sau rặng núi xa xa, bầu trời chỉ còn sót lại những vệt sáng yếu ớt như những chiếc nan quạt hắt lên từ phía chân trời.

  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.

  • LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.

  • HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.

  • TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)

  • TRẦN HẠ THÁP    (tiếp theo)

  • VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...

  • PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.

  • NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.

  • TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...

  • QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.

  • NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.

  • ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.