Một thoáng hương trầm

09:36 09/02/2018

Nếp nhà lãng đãng khói hương như chiếc cầu nối với quá khứ. Hồn người tĩnh tại, thong dong hòa quyện miền tâm linh thăm thẳm. Nhưng không phải dịp Tết đến ta mới thấy nhẹ nhàng. Bất cứ khi nào đứng trước ban thờ tiên tổ, bao bộn bề, lo toan đều tự nhiên rũ bỏ, để gia tâm bảo vệ những gì tốt đẹp của tinh thần.

Bàn thờ gia tiên - nơi gìn giữ nề nếp gia phong

Đôi điều nhân nghĩa

“Ngẫm ra trong cuộc đời này, cuộc đời của mỗi con người đã được lập trình từ đâu đó, từ nơi rất cao, rất xa…”. Điều gì khiến đạo diễn Trần Văn Thủy phải thốt lên như thế? Liên hệ từ phim “Chuyện tử tế” đến cuốn “Trong đống tro tàn” hay nhiều tác phẩm khác của ông đều xoay quanh những ngẫm ngợi sâu xa về con người, về cuộc đời. Con sông thời gian cứ chảy siết dọc chiều dài lịch sử, nhìn lại những gì đã qua, bước ra vòng xoáy xôn xao của nhịp sống thường nhật, cuối cùng, với đạo diễn Trần Văn Thủy là… trở về. Về nhà, đối mặt với ban thờ tổ tiên, tưởng nhớ, trò chuyện với các bậc tiền nhân, lần về nội tâm nguyên sơ. Với ông, đó không phải hoài cổ mà hướng về phía trước.

Ai lần đầu đến thăm nhà đạo diễn Trần Văn Thủy chắc sẽ ngạc nhiên vì trước lúc trò chuyện với khách, bao giờ ông cũng thắp hương. Ông bảo, đã thành nếp, việc đầu tiên trong ngày là thắp hương, đứng trước ban thờ nói lên tiếng lòng, răn mình. Ban thờ gia tiên đặt ở phòng khách, để tổ tiên chứng kiến những điều mọi người làm với nhau. Biết vậy để không giả dối, để chân thành đối đãi. “Cuộc đời làm phim, khi xem lại tôi giật mình thấy không có bộ phim nào, kể cả cho đài truyền hình nước ngoài mà không có cảnh hương khói. Nó hoàn toàn tình cờ”.
 

Sự tình cờ xem ra nói lên bao điều về văn hóa Việt. Góc máy đặt ở đâu đều thu được hồn vía của mỗi gia đình là bàn thờ. Vì từ xưa, người Việt đã coi trọng và dành vị trí quan trọng nhất trong ngôi nhà làm ban thờ. Đó là hành trang tâm linh, biểu trưng của thế giới tinh thần, chứa đựng triết lý sống của dân tộc. Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra đã đi sâu vào tâm khảm bao thế hệ. Nhân nghĩa, luân lý, đạo đức đã hình thành nên ban thờ để rồi người sau lại mượn ban thờ để tiếp nối nhân nghĩa, luân lý, đạo đức từ lớp người đi trước. Như vậy, thờ cúng tổ tiên theo nghĩa nào đó là một đạo, nhưng đến với đạo ấy, người ta không cần sách vở, không cần truyền giáo, không cần hướng dẫn lễ nghi. Cứ sống đậm đà, nặng tình nặng nghĩa với người đã sinh thành, với người Việt, đó là gốc rễ của tình yêu thương, gốc rễ trong mỗi người.

Cội rễ đời người

“Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên và trên lễ đài của quốc gia, cổ vũ nó…”. Nhắc lại câu trong bộ phim “Chuyện tử tế”, đạo diễn Trần Văn Thủy muốn nói ban thờ tổ tiên là nơi nuôi dưỡng sự tử tế, bồi đắp nhân văn. Tử tế cho cộng đồng là hướng con trẻ và cả người lớn vào việc học làm người mà vạch xuất phát là trong mỗi gia đình. Nói tới ban thờ là đi tới câu chuyện giáo dục theo cách “sâu gốc bền rễ”. Vì rằng con người tử tế thì không quay lưng lại với tiên tổ, không thể coi thường vong linh của các bậc tiền nhân. Bởi thế, ban thờ là đầu nút gợi mở một vấn đề mang tính cốt lõi.

Trong quan niệm xưa nay, thờ cúng tổ tiên của người Việt mang nét đẹp của nền văn hóa dân tộc. Hạt nhân của xã hội là gia đình, giá trị bồi đắp sức mạnh bền vững của gia đình hội tụ ở nơi linh thiêng nhất là ban thờ. Bàn thờ có vị trí như thế nào đối với đời sống tinh thần của mỗi người thì cũng tác động đến cộng đồng như thế. Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đức, ở không gian ấy, người ta không bao giờ để xuất hiện cái xấu xa, độc ác, nham hiểm hay tư túi, mà chỉ tập trung vun xới những gì tốt đẹp nhất. Coi trọng bàn thờ gia tiên là nỗ lực gìn giữ nền nếp gia phong, để thế hệ sau hiểu được nhân, lễ, nghĩa, các phẩm hạnh của người đi trước. “Biểu tượng là bàn thờ nên nó vừa quen thuộc, gần gũi, vừa thiêng liêng, không thể xâm phạm. Biểu tượng đó là giáo dục”.

Dù nghèo, dù giàu, dù giản dị hay sang trọng, dù cuộc sống còn tất bật hay đã an nhàn, thảnh thơi thì vào ngày Rằm, mồng Một, trên bàn thờ gia tiên thế nào cũng phải có nén hương như sợi dây thiêng liêng kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai của mỗi gia đình. Lời khẩn cầu tỏa lan theo từng vòng xoáy khói hương, thể hiện ước vọng hồn nhiên và vô điều kiện. Cái thiện, nhân văn, tính gia huấn nhờ đấy mà nhân lên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đức cho rằng: “Khi không biết đâu là đúng sai, phải trái, không biết hành xử thế nào, thì ta quay về gia đình, về với cái lõi của bản thân để nhìn nhận, biết ứng xử đúng đắn. Giờ đây, khi giá trị đạo đức đang gióng lên hồi chuông báo động, khi cuộc sống quá bon chen, gấp rút, chúng ta càng cần tìm về, xây dựng lại lối sống và cách ứng xử như thế”.

Trong một tọa đàm về bàn thờ Việt, các khách mời không hề bàn về ban thờ theo cách vốn được nhiều người quan tâm như gắn với nghi lễ thờ cúng hay cách đặt ban thờ cho hợp phong thủy… Câu chuyện ban thờ lại hướng về đạo đức, về chuyện tử tế mà đạo diễn Trần Văn Thủy đã tìm ra sợi dây liên hệ bằng cách gọi: “Điều căn cốt của con người”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì bắt đầu bằng so sánh: So với kinh tế, văn hóa đang ít được quan tâm quá (!), để rồi khẳng định, suy đến cùng thờ cúng tổ tiên là giá trị đạo đức của con người, là giá trị ngàn đời của dân tộc. Những yếu tố ấy khó định lượng nhưng lại minh chứng rõ ràng dân tộc ấy phát triển bền vững hay không. “Bàn thờ trong gia đình Việt, đừng coi là chuyện hình thức. Quan tâm, phát huy đặc sắc ấy là tăng thêm sức mạnh dân tộc. Người xưa nói phú quý sinh lễ nghĩa nhưng đôi khi chính lễ nghĩa mới sinh ra phú quý là vậy”.

Theo Hải Đường - ĐBND

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Tiếng Việt (và chữ Việt) là ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  • Nếu thực sự coi “bảo tàng là thiết chế văn hóa” phản ánh “lịch sử như một dòng chảy trong truyền thống văn hóa” thì hệ thống bảo tàng nước ta cần được sắp xếp lại để hạn chế sự trùng lặp về nội dung và cả hình thức trưng bày, nhất là giữa các bảo tàng địa phương vì đều được xây dựng theo chung một “kịch bản” nặng về chiến tranh mà còn nhẹ về văn hóa – xã hội.

  • Sự sùng bái tôn ti trật tự trong nhà là một thứ áp bức đè nén “tự nhiên” mà người ta không ý thức ra nữa, thậm chí còn được tôn vinh, nó khuyên dụ người ta phủ nhận cách thức nhìn nhận mỗi cá nhân như một nhân cách độc lập và tự do, với những phẩm chất gì, năng lực gì, đức hạnh gì, nó chỉ giục người ta nhăm nhe soi mói vào “địa vị-thân phận” của mỗi người, cái được xem như “cốt yếu” mà thôi.

  • Chuyện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH) đã cho mang cây sứ “trăm năm tuổi” ở điện Kiến Trung về trồng vào vườn nhà của một “sếp”đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

  • Mới đây, Hồ Đắc Thanh Chương - trường THPT chuyên Quốc học Huế đã xuất sắc trở thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16. Khi nói về dự định của mình, Thanh Chương cho biết, với phần thưởng 35.000 USD, em sẽ đi du học, sau đó trở về quê hương.

  • Bài viết này không có tính chất học thuật chuyên sâu, để tưởng nhớ giáo sư Cao Xuân Hạo - người thầy mà tôi không có cơ hội được học.

  • NGUYỄN TRI

    Cử tri cả nước đang chuẩn bị cho ngày hội lớn, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

  • Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của văn học Pháp - “Hoàng tử bé” - đã được viết nên từ trải nghiệm có thật của nhà văn khi ông bị rơi máy bay trên sa mạc Sahara khi đang trên đường bay tới Việt Nam. Tác giả đã bị mất nước, bị ảo giác và suýt mất mạng…

  • Năm 2015, doanh thu ngành văn hóa phẩm của nước ta đạt 2.000 tỉ đồng, tổng lượng bia các loại được tiêu thụ ước tính đạt hơn 3 tỉ lít, tương đương 66.000 tỉ đồng, trung bình mỗi người Việt bỏ ra 2,5 giờ/một ngày để lướt facebook.

  • “Nhập gia tùy tục” nên việc nghe bạn bè quốc tế khen về người Việt Nam thân thiện, cuộc sống ở Việt Nam thú vị có lẽ đã “nhàm”. Sự thật, họ đã bị nghĩ về văn hóa Việt Nam như thế nào?

  • Một số nhà khoa học giải thích vì sao lại quyết định trao những tư liệu, hiện vật quý giá của đời mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) chứ không phải nơi nào khác.

  • Ths Trần Trung Hiếu: "Việc môn Sử bị xé nhỏ và gán ghép theo kiểu “ba trong một” trong Dự thảo đó chưa từng xảy ra. Nếu điều đó xảy ra, đây là một trong những sai lầm lớn nhất của Bộ GD&ĐT từ ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nay!".

  • Nếu một hôm đẹp trời, có ai đó giao cho ta cầm trịch một giải thưởng văn chương ở xứ này, cho ta toàn quyền tự quyết trong việc phát giải, thì phản ứng đầu tiên của ta sẽ là gì? Từ chối? Hay hăng hái nhận lấy trọng trách và sau đó đi mua một bộ giáp sắt cùng nón bảo hiểm, mặc vào mọi lúc mọi nơi để chuẩn bị hứng đá dư luận?

  • Trong căn phòng nhỏ chật kín tài liệu ở một con phố nhỏ tại Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam PGS, TS Phạm Văn Tình đã dành thời gian trò chuyện sôi nổi với chúng tôi về hiện tượng “lệch chuẩn” trong sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay. Đây là vấn đề ông rất tâm huyết khi nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.

  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp đối với hoạt động của các nhà xuất bản.

  • Ngày 9/9, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết vừa nhóm họp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Mỗi năm tỉnh sẽ chi tiền để hỗ trợ từ 3-5 nhà vườn đặc trưng.

  • Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện cao nhất niềm tin của nhân dân theo Đảng, trở thành bài học sâu sắc trong giai đoạn hiện nay.

  • Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt, hoàn cảnh lịch sử cùng cách bảo tồn còn hời hợt khiến những kho mộc bản quý giá một thời đang ngày càng mai một và im lìm.

  • Không chỉ bị tàn phá bởi thời gian, nhiều công trình, di tích - nhất là các đình, chùa - còn bị biến dạng qua các công cuộc bảo tồn, trùng tu mà ở đó những người trông coi di tích và những người làm công đức tự cho mình quyền được can thiệp vào chuyên môn, còn chính quyền sở tại thì cấp phép trùng tu, tôn tạo một cách đại khái, dễ dàng, trong khi vai trò của các nghệ nhân lại chưa được coi trọng đúng mức.

  • Quảng Trị được coi là một bảo tàng chiến tranh lớn, ở đó có những bảo tàng chiến tranh nhỏ, nơi ghi dấu ấn đau thương và hào hùng đã đi vào lịch sử.