NGUYỄN NHÃ TIÊN
Chưa bao giờ tôi được lội bộ đùa chơi với cỏ thỏa thích như bao lần khai hội Festival ở Huế. Đêm, giữa cái triều biển người nối đuôi nhau từ khắp các ngả đường hướng về khu Đại Nội, tôi và em mồ hôi nhễ nhại, hai đôi chân rã rời, đến nỗi em phải tháo giày cầm tay, bước đi xiêu lệch.
Khúc sông quê. Ảnh: Nguyễn Văn Dũng
Vậy mà cứ ham hố bước, cả hai luyên thuyên nói cười, ngớ ngẩn, tưởng như cỏ trên công viên ven bờ sông Hương biết nâng mình bay bổng, tưởng như những con đường Lê Lợi dài ra, Trần Hưng Đạo cũng dài ra, và cầu Phú Xuân thì thăm thẳm bến bờ. Dường như đêm Festival Huế có một hấp lực đến độ làm người ta dễ quên đi sự hiện hữu để hò reo đuổi bắt cùng những giấc mơ. Cũng có thể là Huế có một quyền lực siêu nhiên ban phát cho ta một thứ men tình yêu diệu kỳ. Thứ men tỏa ra từ những linh hồn, giác hồn cây lá, từ hoa bướm, thổ nhưỡng, dòng sông... Tất cả hòa quyện nhau thành một thứ diệu lực có khả năng nuôi dưỡng sức vóc cho những bàn chân lứa đôi lãng mạn bước tới tận... chân trời.
Hầu như đêm khai mạc Festival nào ở Huế cũng giàu có những chương trình. Trống hội Thăng Long, nghệ sĩ các nước tham gia chào khán giả bằng các vũ điệu và âm nhạc đặc trưng của từng dân tộc. Làm sao có thể chia thân ra để một đêm vừa trong vườn Nội Phủ, vừa trong Duyệt Thị Đường, lại vừa ở Thái Bình Lâu, hoặc còn nhiều sân khấu khác tưng bừng giữa hoàng cung. Làm sao để tai mắt ta có dịp no say các màn quảng diễn nghệ thuật từ bốn phương hội tụ về Huế. Không thể chia thân đi khắp mọi nơi, nên tôi và em bỗng tìm ra một thú vui: lội bộ lòng vòng cùng Festival Huế. Lội bộ và mặc tình cho ý tưởng la đà với sông nước và cỏ xanh, với bao nhiêu là dát vàng dát bạc như loài ngọc khoáng ánh lên trên nền trời cơ hồ nói với ta về những giấc mơ không hồi kết thúc. Cầu Trường Tiền chưa bao giờ lộng lẫy sắc màu như đêm nay. Có vẻ như người nghệ sĩ thiết kế tạo nên những sắc màu hàm ý muốn biến hóa một chiếc cầu thực nối hai bờ Nam - Bắc sông Hương thành một chiếc cầu hư ảo, một chiếc cầu bảy màu. Một chiếc cầu siêu thực trong thơ: “Làm gì Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/ Tôi bước hoài đếm không xiết mênh mông” (NNT).
Đi trong đêm Festival Huế rồi em cũng thành... mênh mông nốt. Lúc thì như giọt sương trên cỏ, khi thì em rêu xanh như cổ tích hiện về. Lẽ ra tôi phải cầm chặt tay em tung tăng theo dọc con đường bờ sông, và tin đó như một thực tại máu xương - đêm nay em và Huế là có thực. Vậy mà, không biết vì lơ đễnh, hay vì tin vào một thứ ảnh ảo huyền nhiệm nào đó đã làm nên cơn say hoan lạc dẫn tôi đi lớ ngớ ngược xuôi, xóa nhòa biên giới mọi con đường. Hình như em cũng thế, mặc tình nghễnh ngãng nô đùa với cỏ, rồi chạy ào xuống bờ sông, săm soi cái rừng chong chóng được xếp bằng giấy cắm đầy dọc theo bờ. Lũ chong chóng cũng ngộ nghĩnh như bầy trẻ thơ dại, cánh xoay tròn hồn nhiên cùng cơ man những gió và gió. Nghệ thuật sắp đặt nào đó sẽ chết nếu như thiếu đi giống loài gió thổi hoang dại như thế, nếu như thiếu đi một dòng sông Hương đầy ắp huyền thoại biết hớp hồn người như thế, nếu như thiếu đi một tình yêu cao cả biết đốt cháy mình tận hiến cho cái đẹp như thế. Tôi không rõ lắm, có phải vì tình yêu mà sinh ra lễ hội hay không, nhưng chắc rằng, từ lễ hội, sẽ có vô vàn những tình yêu được sinh khai. Và chính nó mới là phần linh hồn hằng cửu nuôi sống lễ hội, tươi xanh và ngát hương trong mọi tâm thức con người.
Dường như đêm Festival Huế, đêm của cuộc hội ngộ Đông - Tây kỳ vĩ, của rừng người khắp mọi nơi hội tụ về cùng Huế thức không ngủ. Thức mộng mị hay là thức chung nhau một giọng nói phúng dụ, mang âm sắc của tất thảy huyền thoại để mọi niềm cảm xúc trào dâng thành một thứ ngôn ngữ chung. Chính những khoảnh khắc vi diệu ấy, mỗi thực thể đơn lẻ bị phân tán trong sức cộng hưởng âm vang của hạnh phúc. Tôi đã đọc được thứ hạnh phúc mang mầu sắc lễ hội ấy (cũng có khi là tôn giáo, xứ sở, lý tưởng) vào một sớm mai tinh mơ tại sân ga Đà Nẵng, đã hiện lên trong từng ánh mắt của hàng trăm nam nữ trai trẻ háo hức bước lên tàu đi Huế cho kịp đêm khai mạc Festival. Và, giờ đây tôi đang đọc trong bao la mắt em sự hoan ca của niềm hạnh phúc đó. Đấy cũng có thể nói là thứ lửa dẫn đường cho mọi cuộc lãng du hoan lạc cùng những giấc mơ phía chân trời. Đi mà nhẹ như gió, đi mà quên đôi bàn chân trụi trần trên cỏ, quên luôn vóc dáng mình liêu xiêu đẫm ướt mồ hôi. Mất hút giữa Huế rồi, tan giữa lòng Huế rồi mà vẫn còn đi tiếp.
Không phải ai cũng được giáp mặt hết thảy những sân khấu trong Đại Nội để được thưởng thức hầu hết các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Để no say con mắt xem “đám cưới ngày xưa”, hoặc một phiên chợ quê nào đó, hoặc một phố ẩm thực ở đâu đó. Dòng sông người trên các đường phố cứ trôi đi cùng với nhịp điệu thời gian, tưởng chừng như chạm tay vào được. Có vẻ như hơi thở của những tâm hồn đang ca múa kia, tất cả lẫn vào gió thổi, vào hoa đèn, hòa quyện vào những đôi mắt làm nên một thứ ánh sáng đầy ắp sự huyền hoặc. Hình như có những bước chân lạc ngõ lạc đường nhưng lại chẳng hề hay biết mình bước lạc chút nào. Những con đường thần thoại hoang đường đê mê từng bước bàn chân cứ như thế trôi về... vô tận! Mọi ý niệm về thời gian tuồng như không có mắt nơi này.
Bước đi một cách phiêu bồng như thế đó, nên cứ lòng vòng đêm Festival Huế, nhiều khi lui tới chỉ một con đường, chỉ loanh quanh một vạt cỏ, vậy mà cứ thấy là lạ, cứ thấy Huế đẹp ra, vừa mơ hồ lại vừa bí ẩn. Con mắt tôi có nhầm chăng mà sao đi giữa Huế thấy em đẹp gấp nghìn lần, thơ dại gấp nghìn lần. Có cảm giác như em và tôi thần kinh đều căng ra như những sợi dây đàn, chỉ cần một chiếc lá rơi vô tình, hay một sợi tóc bay qua vô tình chạm vào là dễ dàng gióng lên xao xuyến bao cung bậc. Hình như tôi đã đọc đâu đó nói đến ý niệm này: trước mọi chấn động vô bờ, tư tưởng sẽ lặng câm. Không biết có phải thế không, nhưng quả là lúc này đây, những âm thanh tự nội liên hồi động vọng, liên hồi thành sóng vỗ trong tôi. Và em cũng vậy, lúc thì dào dạt chừng như đua với cỏ mà hồn nhiên, khi thì con mắt lãng mạn thôi thúc như muốn vói tay ôm vào lòng giống loài ngọc khoáng bồng bềnh trên sông.
Ngày mai, ngày kia, rồi chúng ta sẽ chia tay Huế như bao lần chia tay khác. Và thời gian lại ra đi cùng cái nhịp điệu chuyển dịch lở bồi muôn thuở. Có điều thời gian sẽ khó mà tước đoạt của chúng ta một khi Huế đã tan vào, thấm vào tâm hồn như một thực thể máu xương xanh tươi cùng ký ức. Biết vun đắp ký ức cũng là cách biết gìn giữ Huế. Cho dù là vun đắp một “Khúc tưởng niệm” như tên gọi một vở vũ kịch của nữ biên đạo Ea Sola từng góp mặt cùng Festival Huế. Chính người nghệ sĩ tài hoa này đã gieo vào ký ức nhân loại từ cánh đồng Việt Nam qua những vở vũ kịch “Hạn hán và cơn mưa”, hoặc “Ngày xửa ngày xưa”. Huế rồi sẽ vun đắp cho tôi đêm nay, đêm có em hồn nhiên tháo giày cầm tay lội bộ, rượt đuổi cùng dòng sông Hương như chạy ngược về một thời tuổi thơ xa lắc. Đó là một tiết mục không hề có trong các chương trình lễ hội Festival Huế ngợp đầy ánh sáng, mà chỉ là cọng cỏ cành sương thấm đẫm vào tâm hồn tôi thơm lừng cỏ dại Huế ơi!
N.N.T
(SHSDB39/12-2020)
BỬU Ý
Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.
LÊ QUANG KẾT
Ký
Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).
VŨ THU TRANG
Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.
TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.
HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
Đoản văn
Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!
LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ
BÙI KIM CHI
Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.
KIM THOA
Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
(Hàn Mạc Tử)
NGUYỄN VĂN UÔNG
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
(Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)
HOÀNG THỊ NHƯ HUY
Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.
LÊ QUANG KẾT
Tùy bút
Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.
TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.
LÊ QUANG KẾT
Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.
HUY PHƯƠNG
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên
(Tố Hữu)
PHAN THUẬN AN
Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.
MAI KIM NGỌC
Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.
HOÀNG HUẾ
…Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…
QUẾ HƯƠNG
Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.
THU TRANG
Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.
TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ
Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.