Một góc nhìn chiến tranh của Văn Xương

10:35 16/09/2009
LÊ VĂN THÊSau sáu năm (kể từ 2002) nhà văn Cao Hạnh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, (cuối năm 2008); Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị mới có thêm một nhà văn được kết nạp. Đó là Văn Xương.

Nhà văn Văn Xương - Ảnh: vanxuong.quangtri.gov.vn

Văn Xương tên thật là Văn Bốn. Anh chính thức cầm bút chưa đầy chục năm nhưng sức viết khá mạnh, đã cho ra đời 2 tập truyện “Hoa gạo đỏ bên sông” NXB Hội Nhà văn năm 2006 và “Hồn trầm” NXB Lao động năm 2008.

Văn Xương là cựu chiến binh, hiện đang là cán bộ dân sự nhưng có thể nói anh là “Nhà văn quân đội” viết về đề tài chiến tranh, đề tài người lính là chủ yếu. Ký ức về chiến tranh, di hoạ của chiến tranh luôn ám ảnh không nguôi trong anh. Sống trên mảnh đất Quảng Trị một thời máu lửa ác liệt nhất đất nước, có dòng sông Hiền Lương và vĩ tuyến 17 chia đôi Tổ quốc suốt 21 năm, đi đâu cũng bắt gặp những địa danh gắn liền với những chiến công oai hùng, lừng lẫy: đường 9 Khe Sanh, Thành Cổ, Cửa Việt, Gio Linh, Dốc Miếu,... Chiến tranh đã để lại ở đây 72 nghĩa trang, hàng chục ngàn người bị chất độc da cam đang quằn quại về thể xác, và nỗi đau mất mát đến tột cùng. Vẫn còn đó dưới lòng đất vô vàn vật liệu nổ, hàng ngày gây chết chóc cho con người và có thể cả trăm năm sau chưa thể tháo gỡ hết. Bởi vậy cây bút Văn Xương đặt xuống trang giấy là không khí chiến tranh và nỗi đau sau cuộc chiến. Chiến tranh đã được Văn Xương biểu hiện ở đỉnh cao của sự gây cấn, quyết liệt, sự đối đầu của hai phía, một mất một còn. Khốc liệt ở chiến trường, khốc liệt ở hậu phương, len tới từng gia đình, từng ngõ ngách đời sống. Nhân vật của anh là những người lính cầm súng, là chiến sĩ lái xe, các cô TNXP mở đường, là người mẹ, người em gái ở hậu phương... Văn Xương nhìn chiến tranh ở một diện rộng. Từ tiền tuyến đến hậu phương, phía ta và phía địch, thời chiến và thời hậu chiến.

Đa phần những tác phẩm viết về chiến tranh của Văn Xương là những “bài thơ tình” thời chiến bằng văn xuôi. Cuộc đời và phong cách sống của Văn Xương in khá đậm nét trong văn chương của anh. Trong lời giới thiệu tập “Hoa gạo đỏ bên sông” nhà văn Cao Hạnh có nhận xét: “Trông anh bảnh bao như chàng thư sinh, hay nói, hay cười, nét mặt rạng rỡ niềm vui”. Tôi còn thấy Văn Xương khá đa mang, đa cảm, đôi lúc còn có biểu hiện rất lãng tử. Ngồi trên bãi biển Cửa Tùng, anh bị hút hồn vì cái màu xanh ngút mắt, cái mênh mang của biển lớn quên cả thời gian. Khi vui anh hát say sưa như một ca sĩ, khi nâng cốc thì luôn miệng cười, nói chuyện trên trời dưới biển, tất cả đều là bạn. Đó là bề nổi của cuộc đời. Phần chìm không phải như thế. Văn Xương đi học phổ thông và nhận bằng cử nhân trong thân phận một kẻ nghèo, vượt khó, tự lực cánh sinh là chính. Đã từng bốn năm cầm súng ở biên cương, nơi đầu sóng ngọn gió, vào thời buổi cái chết có thể chụp xuống đầu bất cứ lúc nào. Trở về đời thường Văn Xương làm rất nhiều việc khác nhau để cống hiến, để mưu sinh. Đức tính luôn lạc quan, yêu người, yêu cuộc sống đã cống hiến cho bạn đọc sự bình dị và ngọt ngào trong diễn xuất và lời văn. Đó là lời người yêu nói với người yêu, mẹ nói với con, đồng đội nói với nhau. Đó là những đoạn tả dòng sông miền Cỏ May, hồ Thiên Thu, suối bản Tà Cơn, tả mây trời, hoa cỏ, ráng chiều tím hoàng hôn... Thao thiết đến cháy lòng.

Văn chương ngọt ngào nhưng không phù phiếm. Nội dung của các truyện chứa đầy những cảnh hy sinh, mất mát, là những hố bom thiêu huỷ cả 10 cô gái thanh niên xung phong, sự thiếu ăn, thiếu mặc nghiêm trọng của những người lính Trường Sơn, là những sự ra đi mãi mãi không về, là tượng đài Thành Cổ ngút ngàn hương khói và nước mắt của những người tới tưởng niệm, là sự vò võ đợi chờ gần như hoá đá vọng phu... Đọc văn của Văn Xương thấy cái giá của hoà bình đắt quá, to lớn quá, nỗi đau đeo đẳng dài lâu quá.

Thường thì tiếng đàn bầu, sáo trúc, sáo tre chỉ ngân lên cho đôi lứa và làng quê thanh bình. Chiến tranh phải là nhịp điệu ầm ầm dữ dội. Văn Xương có một cách viết sáng tạo, những lời văn gân guốc xen kẽ sự ngọt ngào. Chẳng khập khiễng tí nào. Trong thực tế, dù quyết liệt bằng mấy cũng có phút bình yên giữa hai trận đánh. Đó là khoảnh khắc ở Trường Sơn, trên đầu là địch, là bom, bốn bề là địch, là đạn “Các cô ấy hát. Hát say sưa. Hát với tất cả nỗi lòng... Tôi thổn thức gục đầu vào lòng anh... Chúng tôi quyện vào với nhau, chìm tan trong nhau” (Một thời kỷ niệm). Viết về sự hy sinh của các cô gái, những chàng trai chiến sĩ, về những mối tình vĩnh viễn chia ly, kết thúc vẫn là “Hoàng hôn buông tím ngát chân trời, gió heo may se sắt thổi, những đám mây tím buồn cuối thu bồng bềnh trôi, bên kia sông ngẩn ngơ tím một con đò” (Dòng sông miền cỏ may).

Đi qua chiến tranh khá lâu nhìn lại, với vốn sống của chính mình, với tư tưởng hội nhập, đổi mới của thời đại, tác phẩm của Văn Xương có hậu và nhân hậu hơn.

Một thời, không ít tác giả nhìn chiến tranh một chiều, một phía đã đen là đen tuyền, đã đỏ là đỏ rực, không tì vết. Văn Xương có một thời gian hơn ba mươi năm nhìn lại, chiến tranh và người lính hai phía được miêu tả chân xác hơn. Trong hàng vạn chiến sĩ cách mạng quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh vẫn có ai đó, ở một thời điểm nào đó run sợ trước cái chết. Ninh đã “lạy trời đừng có tên con” khi đại đội trưởng gọi 10 đồng chí đánh lô cốt và “bàng hoàng, chết lặng đi, run run xóc lại khẩu súng” khi nhận nhiệm vụ cầm chắc cái chết (Dòng sông miền cỏ may). Anh lính bên kia chiến tuyến không chỉ sống đời sống thú vật, chỉ biết chém giết, đốt phá. Khi cái sự được sống chỉ còn tính bằng phút, người lính dù ngụy chợt thấy” Bóng má nơi bờ tre, hàng cau đầu ngõ, nơi rặng dừa, khóm chuối sau vườn... Người lính dù thấy mình bé cỏn con đang nằm gối đầu lên tay má. Nghe má ru, nghe má thì thào, vỗ về xiết bao hiền dịu, yêu thương mà cũng chất chứa xiết bao nỗi niềm...” (Hoài vọng).

Tính nhân bản trong tác phẩm của Văn Xương khá đậm đà. Nhiều nhân vật là con người viết hoa, có tính cộng đồng, thương yêu và đùm bọc lấy nhau. Linh đã chết thay cho Ninh (Dòng sông miền cỏ may), cô gái đã chết thay cho người lính trinh sát (Lung linh sóng nước). Dẫu một thời có đối mặt với nhau, chĩa súng vào nhau, hoà bình rồi, những người chiến thắng xoa dịu vết thương lòng, cùng nhau chung sống. Thật là cảm động và đẹp đẽ biết bao khi hai thương binh của hai phe đối địch nâng đỡ nhau rồi ngã. “Họ không ngồi dậy, cứ thế nằm sóng xoài bên nhau nhìn xuống dòng sông, rồi cùng nhìn lên bầu trời ngời ngời ánh trăng...”. Đứng trước tượng đài Thành Cổ “hai chiếc nạng gỗ được bỏ về hai phía, họ đứng sát nhau, kề vai nhau, cùng chắp tay thành kính trong khói hương ngút bay. Bóng họ như hoà làm một dưới ráng chiều của hoàng hôn đỏ thẫm” (Đối mặt thời gian). Vốn sống, sự từng trải, tư duy có độ chín của Văn Xương đã tiếp cận được truyền thống nhân ái của dân tộc “đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại; bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đó cũng là quan điểm phù hợp với xu hướng lớn nhất của thời đại, chung sống hoà bình, thương yêu và cứu trợ lẫn nhau.

Cách kết thúc trong nhiều chuyện của Văn Xương làm người đọc nhớ lại cái hậu của cổ tích và văn nôm khuyết danh “Tống trân cúc hoa”, “Phạm công cúc hoa”, “Tấm cám...”. Người hiền, người trung thực dẫu chết đi vẫn được biến thành quả thị rồi từ đó lại bước ra rực rỡ trong tâm tưởng mọi người.

Văn Xương không viết truyện theo cách truyền thống, hoặc theo trật tự thời gian, hoặc theo trật tự không gian: từ gần tới xa hoặc ngược lại. Thời gian của truyện được thể hiện theo hoài niệm “nhớ đâu nói đấy”, hoặc theo ngôn ngữ và sự xuất hiện của nhân vật “Chuyện của ai người ấy kể”. Không gian nhiều khi được miêu tả cặn kẽ làm nền cho sự phát triển của truyện, nhiều khi chỉ tả điểm xuyết, minh hoạ, bổ sung. Những yếu tố bịa bao giờ cũng được bay bổng từ nền hiện thực khiến người đọc luôn tưởng rằng: ông ấy đang kể chuyện ông ấy đã từng chứng kiến. Những yếu tố huyền thoại cũng mạnh dạn được đưa vào. Đấy là những nàng tiên thiên nga và chiếc hồ thần thoại, là chiếc lá khô lộc vừng biết bay theo gió để chỉ hài cốt liệt sĩ... Yếu tố huyền thoại không nhiều, hình như Văn Xương đang thể nghiệm để thăm dò hiệu quả nhưng cũng phải nói rằng đó là sự thể nghiệm thành công, huyền thoại đúng chỗ và phù hợp làm tăng chất thơ trong truyện, gia tăng sự tưởng tượng bay bổng của người đọc, giảm sự căng thẳng mỗi khi mâu thuẫn đạt đến đỉnh cao. Yếu tố huyền thoại vì vậy không phù phiếm, làm mới cách viết.

Là “Nhà văn quân đội”, Văn Xương còn là “Nhà văn Quảng Trị” nhiều nhân vật của anh sống và hoạt động ở những địa danh thực của Quảng Trị. Trong văn của anh, tên sông, tên núi, tên làng của Quảng Trị luôn được nhắc đến. Ngôn ngữ trọ trẹ, mộc mạc răng, tê, mô, rứa, dẫu ở xa mà đọc vẫn biết là người quê mình. Trong một bài tuỳ bút nổi tiếng của nhà văn Nga Ilia Urenbua viết trong thời chống phát xít Đức có câu: “lòng yêu nhà trở thành lòng yêu Tổ Quốc...”. Ở đây, lòng yêu nước của Văn Xương bắt nguồn từ lòng yêu đất, nước và con người Quảng Trị. Văn Xương đã chọn đúng cho mình một mảnh đất anh hiểu và gắn bó như máu thịt của chính mình. Vì vậy văn chương có hồn, có sức sống, bẻ đôi câu văn thấy có máu chảy bên trong.

Nhìn tổng thể, truyện Văn Xương vẫn lộ ra vài nhược điểm cần lưu ý. Văn Xương quá lưu luyến với những ý tưởng, những tình tiết hay, những sự kiện độc đáo nên đã sử dụng rồi vẫn để nó xuất hiện ở truyện sau, tập sau. Cần thiết “cắt ái” là việc phải làm.

12.2008
L.V.T
(246/08-09)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN KHẮC PHÊNhà văn Nguyễn Quang Hà, trong lời bạt cuốn tiểu thuyết mượn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Cao Bá Quát (“Trường giang như kiếm lập thiên thanh”) làm nhan đề, đã xem đây là “những kỷ niệm đầy yêu thương suốt dọc đường chiến tranh” của mình.

  • VỌNG THẢO(Về tập sách "Vì người mà tôi làm như vậy" của Hà Khánh Linh – NXB Hội Nhà văn – 2002)

  • NGUYỄN THỊ GIANG CHIF.Kafka là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX, một hiện tượng văn học rất phức tạp, có ảnh hưởng rộng lớn đối với tiến trình phát triển của văn học thế giới, đặc biệt là ở phương Tây.

  • YÊN CHÂU(Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:                “Những lo toan năm tháng đời thường                Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

  • VỌNG THẢO... " Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. Hai con cá ấy là lễ vật dâng Thần Đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút linh thiêng hòa nhập làm một của đôi vợ chồng mới cưới, ngay trong lòng nước... Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được há miệng. Hai chú cá liền bơi đi...".

  • VŨ NGỌC KHÁNH.(Đọc sách Phan Bội Châu- Toàn tập do Chương Thâu sưu tầm, biên soạn. Nhà xuất bản Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây- 2000)

  • VỌNG THẢO(Đọc “Quỷ trong trăng’ của Trần Thuỳ Mai)Đối với người cầm bút, trong những ý niệm thuần khiết nhất của trí tưởng tượng, mỗi người đều có những nhận thức và ám ảnh khác nhau. Riêng Trần Thuỳ Mai, ý niệm thuần khiết trong trí tưởng tượng của chị là một bến bờ xa vắng, nơi ẩn chứa những hạn cuộc huyễn hoặc và khát khao tận cùng trước giả, thật cuộc đời. Đó cũng là điều chị đã gửi gắm trong tập truyện mới: “Quỷ trong trăng” (NXB Trẻ - 2001), tác phẩm văn xuôi được giải tặng thưởng hàng năm của Liên hiệp Hội VHNT Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THỊ LÊ DUNGBao đời nay, thơ vẫn là một hằng số bí ẩn bảo lưu chất trẻ thơ trong tâm hồn con người. Nó gắn với đời sống tâm linh mà tâm linh thì không hề có tuổi, do vậy, nên dù ở chu kì sinh học nào, người ta cũng sống với thế giới thi ca bằng trái tim không đổi màu.

  • TẠ VĂN SỸĐọc tập thơ CÁT MẶN của LÊ KHÁNH MAI, NXB Hội nhà văn - Hà Nội 2001

  • LÊ THỊ MỸ ÝĐọc tập truyện ngắn "NGƯỜI ƠI" - Lê Thị Hoài - NXB Thuận Hoá 2001

  • HỒNG DIỆUVâng. Thơ của nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) viết ở Huế, trong đó có thơ viết về Huế và thơ viết về những nơi khác.

  • HÀ VĂN LƯỠNGBài viết này như là một nén nhang tưởng niệm nhà văn Aitmatov vừa qua đời ngày 11-6-2008)

  • UYÊN CHÂU(Nhân đọc “Mùa lá chín” của Hồ Đắc Thiếu Anh)Những ai từng tha phương cầu thực chắc chắn sẽ thông cảm với nỗi nhớ quê hương của Hồ Đắc Thiếu Anh. Hình như nỗi nhớ ấy lúc nào cũng canh cánh bên lòng, không dứt ra được. Dẫu là một làn gió mỏng lướt qua cũng đủ rung lên sợi tơ lòng: Nghe hương gió thổi ngoài thềm / Trái tim rớm lệ trở mình nhói đau (Đêm nghiêng).

  • LGT:Rainer Maria Rilke (1875 – 1926) người Áo, sinh tại Praha, đã theo học tại Praha, Muenchen và Berlin triết học, nghệ thuật và văn chương, nhưng không hoàn tất. Từ 1897 ông phiêu lưu qua nhiều nước Âu châu: Nga, Worpswede (Ðức) (1900), Paris (1903) và những nước khác trong và sau thời thế chiến thư nhất (Thụy sĩ, Ý…). Ông mất tại dưỡng viện Val-Mont vì bệnh hoại huyết.

  • Giới thiệu tập thơ đầu tiên của anh Khúc ru tình nhà thơ Ngô Minh viết: “Toàn từng làm thơ đăng báo từ trước năm 1975. Hơn 20 năm sau Toàn mới in tập thơ đầu tay là cẩn trọng và trân trọng thơ lắm lắm”.

  • 1. Trước khi có cuộc “Đối thoại với Cánh đồng bất tận” trên báo Tuổi trẻ tháng 4. 2006, Nguyễn Ngọc Tư đã được bạn đọc biết đến với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi XX (lần 2) năm 2000, được tặng thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000, giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001…

  • Nhân ngày 9/5 chiến thắng phát xít Đức.

  • ...Đưa người ta không đưa qua sôngSao có tiếng sóng ở trong lòng?...

  • Những năm đầu sau ngày miền giải phóng, có mấy lần nhà thơ Xuân Diệu vào các tỉnh Nam Trung Bộ và dừng ở Nha Trang ít ngày. Đến đâu Xuân Diệu cũng nói chuyện thơ, được người nghe rất hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ.

  • Có nhiều khi trong đời, “trôi theo cõi lòng cùng lang thang” như Thiền sư Saigyo (Nhật Bản), bất chợt thèm một ánh lửa, một vầng trăng. Soi qua hương đêm, soi qua dòng văn, soi qua từng địa chỉ... những ánh lửa nhỏ nhoi sẽ tổng hợp và trình diện hết thảy những vô biên của thế cuộc, lòng người. “Trong mắt tôi” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã là ánh lửa ấy, địa chỉ ấy.