Một giờ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy

09:40 22/09/2023

HÀ KHÁNH LINH - NGUYỄN KHẮC PHÊ

Chuẩn bị ra số kỷ niệm 10 năm giải phóng, Tòa soạn Tạp chí Sông Hương đã có kế hoạch phỏng vấn đồng chí Vũ Thắng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, nhưng chương trình làm việc trong tuần của đồng chí văn phòng đã xếp quá chật.

Ảnh: tư liệu SH

“Chỉ còn cách đến nhà riêng vào buổi tối”. Đồng chí Hồ, cán bộ văn phòng Tỉnh ủy gợi ý vậy. Tuy chỉ được báo trước không đầy mười phút, cửa phòng khách nhà đồng chí Bí thư đã rộng mở; đồng chí vui vẻ và thân mặt:

- Thông thường, các phóng viên soạn sẵn một số câu hỏi gửi đến trước cho chúng tôi, sau đó sẽ bố trí thời gian trả lời. Nay, Tạp chí Sông Hương không muốn theo cách đó, cũng là một cách.

 

PHÓNG VIÊN TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG: Có thể nhờ đó cuộc phỏng vấn sẽ sinh động hơn. Năm 1985 - năm có nhiều kỷ niệm lớn, những cái mốc lớn của thời gian, lịch sử. Nhưng những mốc lớn được dựng lên từ công việc hàng ngày. Vì vậy, xin mở đầu bằng một câu hỏi có chút tò mò: Những công việc đồng chí đã giải quyết, đã nghĩ đến trong một ngày qua?

ĐỒNG CHÍ VŨ THẮNG: Công việc hàng ngày có khi chỉ là sự vụ: giải quyết những vướng mắc của các cán bộ tham mưu, hay họp hành với Ban này, Ban nọ; rồi đi kiểm tra công việc các nơi, từ cây lúa, củ khoai, con cá. Lúc rảnh rỗi, tôi đọc sách, đọc nhiều loại: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật để bổ sung kiến thức đang cần cho công việc của mình. Tôi cũng thường đến thăm các đồng chí lão thành, các cán bộ về hưu, lắng nghe những ý kiến đóng góp với đường lối chính sách của Đảng...

Điều làm tôi suy nghĩ nhiều trong thời gian qua là cách nhận thức cho đúng dải đất mình đang sống. Dải đất này điều kiện thiên nhiên vốn thật khắc nghiệt. Lũ, bão, hạn hán, cát bay, đều dồn vào đây. Đây là chỗ đất hẹp, nên thời nào kẻ thù cũng chọn đó là nơi chia cắt. Rồi chiến tranh tàn phá ghê gớm để lại hậu quả rất nặng nề. Bảy mươi vạn trong số một triệu hai dân phải rời bỏ quê hương sau hòa bình mới trở lại. Nhưng vì thế mà nghĩ dải đất này nghèo, phải đi nơi khác mới làm ăn được là không đúng. Chúng ta có cái vốn quý nhất là con người thông minh, cần cù. Mỗi căn nhà, mỗi việc làm ở đây đều phải “tuyên chiến” với thiên nhiên nên đã tạo ra những con người can đảm, có bản lĩnh. Còn về tự nhiên thì quan trọng là nhìn cho đúng thế mạnh và giải quyết vấn đề cơ cấu cho thật hợp lý. Bình Trị Thiên thực ra không có dạng đồng bằng như các nơi, nếu chỉ chăm chăm vào lương thực, vào cây lúa thì không giàu được, tuy lương thực là rất quan trọng và chúng ta đã có thành tựu lớn: sản lượng tăng gần gấp đôi qua 10 năm. Cần phải khai thác tốt hơn vùng rừng, vùng biển, đầm phá và cả vùng đồi nữa... Điều tôi suy nghĩ nhiều nữa là làm sao xây dựng cho được một đội ngũ Đảng viên và cán bộ mới vững vàng, đáp ứng được nhiệm vụ mới.

(Chúng tôi không ghi hết những suy nghĩ, những trăn trở của đồng chí Bí thư trong việc tìm cách đưa Bình Trị Thiên đi lên từ một thực trạng có rất nhiều khó khăn. Chúng tôi hiểu, suy nghĩ - lao động của bộ óc, có lẽ là công việc quan trọng nhất của người lãnh đạo. Dường như thấy chúng tôi chưa được thỏa mãn vì chưa biết được tỉ mỉ công việc trong ngày của đồng chí Bí thư, đồng chí Hồ góp lời: “Kể công việc trong một ngày của đồng chí Bí thư, không biết chọn ngày nào cho thật điển hình. Như trong trận bão lũ lịch sử năm 1983, nước ngập hết đường số 1, đồng chí đã lặn lội ra tận Đồng Hới chỉ đạo giải quyết công việc kịp thời; hay như cái ngày đi vùng đầm phá, đồng chí đã ở lại suốt đêm trên nhà chồ: nơi có những người dân chưa hề biết bây giờ người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh có tên gọi là Bí thư Tnh ủy...

Quả là nếu được chứng kiến một ngày như thế của đồng chí Bí thư thì thật có ích: đành chờ dịp. Bây giờ thì phải đến cái đích cuộc phỏng vấn này).

PHÓNG VIÊN: Xin đồng chí cho biết một cách vắn tắt những thành tựu đáng kể của Huế - Bình Trị Thiên trong 10 năm qua?

ĐỒNG CHÍ VŨ THẮNG: Tỉnh ủy đang chuẩn bị để có sự đánh giá đầy đủ, chính xác. Nếu nói một cách vắn tắt thì cái đáng kể trong 10 năm qua là: Từ một tỉnh người ta cho là nghèo, mình khẳng định không nghèo: từ một nền kinh tế vốn là tự cung tự cấp đã chuyển sang sản xuất kinh doanh có ý thức. Từ một tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bao gồm những vùng đất của hai miền nhập lại, đã từng bước thống nhất được trên các mặt quan hệ sản xuất, tình cảm, lối sống. Vấn đề đoàn kết tuy chưa hết chuyện, nhưng chỉ là chuyện nhỏ; nhưng điều cơ bản nhất là trên đường lối chủ trương đã được thống nhất, đoàn kết. Chúng ta đã thay đổi được cơ chế bao cấp, xã huyện đã tự lo được cho dân, chứ không ỷ lại vào trên. Trong nồi cơm của dân đã bớt độn khoai sắn. Cũng có người phê bình chúng ta coi nhẹ màu, nhưng nhiều nơi dân ta vốn đã ăn độn 60 - 70 phần trăm màu, nay chỉ độn 30% thì là điều đáng mừng; vấn đề là phải nghĩ cách sử dụng chế biến tốt hơn. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, chúng ta vẫn tăng cường được cơ sở vật chất; công tác xây dựng cơ bản có kết quả lớn, đã thay đổi bộ mặt từ thành phố cho đến khắp các huyện, xã. Công tác an ninh, quốc phòng được chú trọng, nên 10 năm qua, nhân dân đã được sống yên ổn. Chúng ta đã có điển hình trên nhiều mặt: hợp tác xã 10 tấn, trường vừa học vừa làm, trường mẫu giáo, các lớp bồi dưỡng tài năng trẻ... Văn hóa văn nghệ lành mạnh, giữ dược truyền thống tốt đẹp của một vùng đất có chiều dày lịch sử, văn hóa...

PHÓNG VIÊN: Trên đây là những niềm vui có thực, mỗi chúng tôi cũng được chứng kiến. Nhưng trong những tháng năm qua, hẳn là đồng chí cũng có những nỗi buồn? Đặt câu hỏi này với đồng chí, có thể có người cho là kỳ quặc, nhưng có khi từ nỗi buồn, thấy rõ hơn chiều sâu của hiện thực, chiều sâu và vẻ đẹp của tâm hồn.

ĐỒNG CHÍ VŨ THẮNG: Tôi không ngại nói đến những nỗi buồn. Tôi chỉ lo là đường lối, cơ chế của Đảng về xây dựng xã hội mới rất đúng đắn, sáng tạo, rất mới đối với ta. Tôi lo là chưa lo được cho một số lớp dân cư tiến kịp trình độ chung, đó là bà con các dân tộc miền núi, những người đã góp công không nhỏ trong hai cuộc kháng chiến; rồi bà con thuyền chài quanh năm suốt tháng lênh đênh trên mặt đầm phá, họ không được học hành, cuộc sống thiếu văn hóa. Tôi buồn mỗi khi nghe tiếng rao hàng của những em bé trong đêm. Lẽ ra tuổi các em phải được học hành và vui chơi. Làm sao giữ cho tâm hồn các em được trong sáng khi ngày ngày phải chạy vạy từng đồng tiền kiếm sống?! Tôi cũng buồn vì một số đồng chí ta tự buông thả mình, mà sự nghiệp thì còn rất nặng nề, có ảnh hưởng không tốt đến lớp trẻ; buồn vì đất nước và dân tộc mình chỉ mong có hòa bình để xây dựng, nhưng kẻ thù phản bội nên cái khó cứ chồng chất. Việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau chưa làm được nhiều đang là món nợ làm tôi băn khoăn.

PHÓNG VIÊN: Trong những năm qua, một số văn nghệ sĩ, trí thức đã rời quê hương để đến những vùng đất khác của Tổ quốc. Đó có phải là một nỗi buồn nữa của đồng chí không?

ĐỒNG CHÍ VŨ THẮNG: Điều đó chưa đáng là một nỗi buồn. Bởi vì một số người ra đi để gia đình được đoàn tụ. Đồng thời lại có nhiều người xin về đây. Việc “đổi chỗ” ấy là lẽ thường và cũng hợp lý. Còn một số, tôi biết, họ đi khỏi đây để rồi rời bỏ luôn cả Tổ quốc. Cũng có người có quan niệm sống khác với lối sống, với hoàn cảnh sống ở đây; điều đó do chính họ tự suy nghĩ, định liệu. Tôi cũng tự thấy mình, tuy trong lòng rất quý trọng những người biết đem chất xám phục vụ Tổ quốc nhân dân, nhưng có lẽ do phương pháp nào đó chưa thật thích hợp, nên chưa thật sự gần gũi, chưa biết cách thu hút anh chị em trí thức, nhất là các nhà khoa học - khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

PHÓNG VIÊN: Xin đồng chí cho biết ý kiến về công tác sửa chữa và bảo tồn những di tích lịch sử và văn hóa?

ĐỒNG CHÍ VŨ THẮNG: Vừa rồi, nhân Hội nghị khoa học bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa lần thứ nhất, tôi rất mong đồng chí Bộ trưởng Bộ văn hóa vào dự, nhưng rất tiếc đồng chí bận công việc đột xuất đã không vào được - UNESCO vẫn tiếp tục giúp đỡ chúng ta, nhưng khả năng đưa đến cho chúng ta vừa qua cũng hạn chế. Các di tích lịch sử và văn hóa trên quê hương ta là tài sản quý của quốc gia, nhiều di tích có tầm cỡ quốc gia. Không chỉ những di tích ở Huế, mà việc dựng tượng đài ở sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9... cũng phải được coi là công trình của cả nước. Tôi rất mong là Trung ương sẽ có sự đầu tư thích đáng - cả về vật chất và trí tuệ. Còn chúng ta, chúng ta phải làm hết khả năng của mình; trước mắt cần phải tập trung làm tốt việc kiểm kê, xác định di tích, đồng thời tăng cường công tác giữ gìn, phục hồi các di tích một cách có kế hoạch, hợp với khả năng mình.

PHÓNG VIÊN: Sách văn nghệ gần đây đồng chí đã đọc những cuốn nào? thích những cuốn nào?

ĐỒNG CHÍ VŨ THẮNG: Tôi không dành được nhiều thời gian để đọc sách văn nghệ, nhưng Tạp chí Sông Hương và sách của Nhà xuất bản Thuận Hóa tôi đọc gần hết. Nhìn chung, “Sông Hương” là tạp chí hay và đứng đắn. Tạp chí không bó hẹp trong giới hạn lãnh thổ địa phương mà biết mở ra đón nhận những tác phẩm tốt của bạn bè gần xa. Chỉ tiếc là số lượng phát hành còn quá ít so với yêu cầu của độc giả. Cuốn “Nguyễn Huệ - Phú Xuân” và cuốn hồi ký của Trung tướng Trần Quý Hai vừa phát hành là những cuốn sách gợi nhiều suy nghĩ bổ ích. Sách dịch như truyện “Bầy Sói” của Va-xin Bư-cốp đặt ra những vấn đề nhân bản, rất phù hợp với chúng ta... Tôi rất mừng là Bình Trị Thiên có một đội ngũ văn nghệ sĩ chững chạc, đứng đắn đã cho ra đời nhiều tác phẩm tốt. Tuy vậy, món nợ tinh thần đối với nhân dân còn rất lớn.

PHÓNG VIÊN: Để kết thúc cuộc gặp gỡ này, xin đồng chí có mấy lời với bạn đọc Sông Hương.

ĐỒNG CHÍ VŨ THẮNG: Tuy Tạp chí Sông Hương mới ra đời, nhưng đã được sự cổ vũ động viên rất lớn của độc giả khắp nơi trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Tôi rất mừng và lấy làm vinh dự; đó là niềm vinh dự chung của một vùng đất. Tôi mong bạn đọc và các cộng tác viên tiếp tục xây dựng, giúp đỡ cho tạp chí ngày một lớn lên đúng với tầm vóc của nó - tiếng nói của một trung tâm văn hóa của cả nước. Tôi mong Ban biên tập cố gắng hơn nữa để “Sông Hương” có nhiều thể loại mới phản ánh sinh động cuộc sống mới. Tôi nghĩ các nhà văn cần phải tìm tòi sáng tạo và đi trước thời gian. Viết về quá khứ, về hiện tại, về những cái đã có là cần thiết; đồng thời phải biết hướng về tương lai, góp sức xây dựng cuộc sống tương lai.

PHÓNG VIÊN: Thay mặt Ban biên tập và bạn đọc Sông Hương, xin cám ơn đồng chí về cuộc gặp gỡ bổ ích và thú vị hôm nay.

(H.K.L. và N.K.P. thực hiện)
(TCSH12/04-1985)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN  HỮU TẤN
               Bút ký dự thi

    Mỗi khi nhớ tới câu hát “thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ… con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa” thì trong lòng lại nghe nhớ huyễn hồ tàn xanh mát rượi mấy con đường ở Huế.

  • NGUYỄN ĐÌNH BẢY
    (Nguyên Giám đốc Sở Công an TT Huế kể)

    NGUYỄN QUANG HÀ ghi
                                  Hồi ký

  • Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công an nhân dân

    NGUYỄN QUANG HÀ

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                        Ghi chép

    Tôi nhớ làm lòng, như một quyển sách hay gối trên đầu giường, về kỷ niệm trở về mảnh đất xưa đã từng nuôi chúng tôi thời chiến tranh.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

              Bút ký dự thi

  • TÔ NHUẬN VỸ

    Cứ sắp đến Tết và vào những ngày Tết người ta hay bàn soạn và bàn luận về các món ăn, về sự ăn uống ngày Tết. Không có ăn thì chẳng còn là ăn Tết mà.

  • VÕ MẠNH LẬP

    1. Trong huyết mạch giao thông quốc lộ có hai cái đèo chắn ngang dải đất miền Trung như những bức tường để phân định địa giới của Bình Trị Thiên, đó là Đèo Ngang nằm vắt qua dãy núi Hoành Sơn và đèo Hải Vân cắt ngang dãy núi Bạch Mã nằm ở phía Nam từng được mệnh danh Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

  • TRANG THÙY
           Bút ký dự thi

    Mạ tôi kể rằng, mạ theo học nghề hương từ lúc mới 10 tuổi ở chùa Tường Vân. Do thương mạ chăm chỉ chịu khó mà không biết chữ nên mạ vừa được dạy nghề làm hương vừa được Hòa thượng Thích Chơn Trí dạy cho biết chữ.

  • LINH THIỆN

    Thấm thoắt mà đã bốn mươi năm, kể từ ngày ba chở tôi đi thi đại học trên chiếc xe đạp cọc cạch. Hồi ấy, rất ít người có xe máy.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Một ngày vào hạ tuần tháng 5.1983 có một sự kiện làm cho giới văn nghệ sĩ, báo chí, và những người quan tâm đến đời sống văn hóa văn nghệ lấy làm hoan hỉ phấn chấn, đó là sự ra đời của Tạp Chí Sông Hương số 1 phát hành trên phạm vi cả nước.

  • ANH THƠ
              Hồi ký (trích)

    "Tiếng chim tu hú" là tập II của "Từ bến sông Thương” - hồi ký dài của Nữ sĩ. Tác phẩm này sẽ ra mắt bạn đọc một ngày sắp tới. Đoạn dưới dây là các chương 3 và 4 của phần "Đường lên xứ Lạng”.

  • VÕ MẠNH LẬP

    Quê hương của cựu chiến binh Huỳnh Hồng ở Thừa Thiên Huế, nhưng sau ngày nghỉ hưu, anh lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng.

  • TẾ HANH

    Trước Cách mạng tháng 8-1945 tôi chỉ gặp Thanh Tịnh có một lần mặc dầu tôi sống đến 8 năm ở Huế và Thanh Tịnh là một nhà văn nổi tiếng sinh trưởng ở Huế.

  • HÀ KHÁNH LINH

    Những ngày nửa đầu tháng 12/2021 dư luận rộ lên sự cố Quốc Ca Việt Nam bị tắt tối 6/12/2021 khi chuẩn bị khai trận bóng đá tuyển Việt Nam với tuyển Lào vòng bảng AFF Cup 2020 - vì vấn đề… bản quyền (!)…

  • L.T.S.: Một nét đặc trưng của đời sống văn hóa đô thị nói chung là sự hiện diện những tổ chức văn hóa nghệ thuật tự nguyện: nhóm, hội, thi xã, tao đàn v.v...

  • NGUYỄN ĐẮC THÀNH

    Tết ở quê, người làng luôn tự túc mọi thứ. Giản đơn, bình dị, không khoa trương, nhưng luôn đem lại một không khí rất khác, ấm cúng, sum vầy.

  • NGUYỄN ĐÌNH HỒNG

    Tiếng súng của Nam Bộ - Sài Gòn đi đầu chống thực dân Pháp làm nức lòng cả nước, sôi sục căm thù bọn xâm lược.

  • THANH TÙNG  

    Nhạc sĩ Phạm Duy không phải người Huế, nhưng qua những lần dừng lại ở Huế ông đã cho ra đời nhiều giai điệu trữ tình và nhiều hình ảnh đẹp, sâu lắng, trong đó thấp thoáng nhiều bóng hồng xứ Huế.