THÁI KIM LAN
"Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du“
Bức ảnh thuộc bộ hình "Bạch Yến vào Xuân" của tác giả Võ Nam Sơn
![]() |
Chuyện áo dài cũng như câu chuyện ngày xưa ấy, có bóng dáng người con gái áo trắng bước ra từ khu vườn dậy hương khuya, hay trong nắng Sài Gòn gay gắt anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… Câu chuyện mang tính phù du như mây trên trời, và thời trang dưới đất, mỗi ngày một đổi thay… Ấy thế mà trong cõi vô thường nhất của mây trôi, của áo mặc thì ÁO vẫn LÀ. Áo dài ấy vẫn LÀ. Bởi cùng với sự hiện hữu của con người, ÁO DÀI hiện hữu.
Bởi trong chữ xưa của câu chuyện áo lại có một chữ TÌNH, chưa hẳn là yêu mà là thương, cho nên Trịnh Công Sơn đã ví „tình yêu như thương áo, quen hơi ngọt ngào“. Áo và người quấn quýt với nhau, đến nỗi áo thay người mà nhắc nhở con người, nếu không thì sao lại „xếp tàn y lại để dành hơi“ như ông vua Tự Đức nhớ hoàng phi? Và sự nhớ nhung của nhân vật đời thường trong tiểu thuyết của Nhất Linh lại chính nằm trong hơi áo…
Và lịch sử của câu chuyện áo, của thời trang gắn bó với lịch sử của con người nói chung , câu chuyện áo dài của phụ nữ Việt nói riêng, bởi một thời nó đã là quốc phục trên mảnh đất hình chữ S này. Nói riêng hơn nữa đó là câu chuyện của mỗi người phụ nữ Việt Nam, về cội nguồn bản sắc văn hóa. Và đó cũng là câu chuyện của mỗi ai là phụ nữ Việt, và của tôi. Chiếc áo cũng như đất nước, con người, thăng trầm dâu bể theo với đổi thay…
Chiếc áo đầu tiên được mặc từ năm lên 10, vào dịp Tết, đã là niềm mơ ước đầu đời để trở thành… người lớn. Chiếc áo mới có hai vạt dài, cổ cao, nút thắt bên cánh tay mặt, chiếc quần trắng ấy được mẹ dịu dàng ý tứ mặc lên mình người con… Với cái vuốt tay trên áo cho thẳng thớm trên thân hình nhỏ bé, Mẹ và áo như đã nắn nót vóc dáng ngây thơ tự nhiên thành vóc dáng con gái, vóc dáng con người. Từ đó tà áo đã theo tôi trong những thập niên 50, suốt cả thời thiếu nữ, gắn bó keo sơn. Nó là niềm hãnh diện của thuở học trò áo trắng khi nó mượt mà chân chất với chất liệu vải quyến dung dị làm nên bộ đồng phục áo trắng quần trắng của nữ sinh trường Trung học Đồng Khánh Huế.
Trong dòng áo dài truyền thống như quốc phục của phụ nữ Việt Nam thời ấy, trong chiếc áo nữ sinh nền nã, tự tình bản sắc văn hóa phát sinh, tự tình ấy chảy theo với quê hương, với con người tự nhiên như mặt trời buổi sáng và trăng sao buổi chiều. Trong chiếc áo dài, cung cách đi đứng, ứng xử trong đời sống thường ngày, phong cách sống của người phụ nữ Việt Nam được uốn nắn phần nào. Chả là bà tôi, mẹ tôi, tất cả mọi phụ nữ Việt Nam của thế hệ trước vẫn mặc áo dài suốt ngày trong khi làm công việc nội trợ, quán xuyến trong ngoài cho gia nương đấy sao? Tà áo dài gắn bó với nếp gia phong của mỗi gia đình, của làng xóm, thành thị, thôn quê. Dáng dấp của Bà, của Mẹ, phong thái ung dung tự tại trong chiếc áo dài là tấm gương để con cháu noi theo, để láng giềng học theo. Dù sang giàu hay nghèo nàn, chiếc áo dài Việt Nam như có ảo thuật bí nhiệm có thể che đi khuyết điểm, nhấn mạnh ưu điểm của thể hình đàn bà, phô diễn được vẻ đẹp chưa khám phá hết của riêng mỗi người, làm cho người phụ nữ nào cũng trở nên đẹp, dù sang hay nghèo, dù khiếm khuyết hay toàn hảo ngoại hình sẵn có, bất ngờ mọi phụ nữ hầu như đều đẹp trong chiếc áo dài. Đẹp như nhau mà vẫn riêng biệt đặc sắc từng người, đó là phép lạ của chiếc áo dài, của tấm áo hai tà thướt tha như mây cuốn từ khi nó được sáng tạo (thời Nguyễn) cho đến ngày nay.
(Tác giả ảnh: Võ Nam Sơn)
Năm 1965, khi tôi sang Đức du học, "gia tài" tôi mang theo là sáu bộ áo dài bằng lụa nội hóa. Ngày khai giảng đầu tiên, tôi cùng bốn nữ giáo viên khác cùng du học đến trình diện ở trường. Chúng tôi không ai hẹn mà cùng mặc áo dài. Những đồng nghiệp ngoại quốc dự khai giảng ngỡ ngàng khi thấy trang phục của chúng tôi. Họ trầm trồ trước vẻ uyển chuyển thướt tha và ngợi khen đây là một trang phục rất lạ, đẹp, lịch sự và thích hợp với dáng dấp mảnh khảnh của phụ nữ Á Đông. Trong khung cảnh lạ ở xứ người, giữa rừng người ăn mặc theo mốt Tây phương sang trọng kiêu sa, mặc chiếc áo dài, tôi có cảm giác mình tự tin và vững chãi, và không nói phô trương, còn vượt xa họ về vẻ lịch sự, trang nhã. Hơn một lần, tôi nhận thấy chiếc áo dài thân thiết như chính quê hương. So với những lúc ăn vận trang phục Tây phương ngượng nghịu, phụ nữ Việt dù mốt đến đâu cũng không thể đẹp như trong chiếc áo dài, bởi vì nó phù hợp với cử chỉ, dáng dấp, thể hình phụ nữ Việt, nó làm nổi bật ngoài vẻ duyên dáng đặc biệt chỉ có ở phụ nữ Việt. Tôi còn nhớ, dạo ấy, khi nhìn sang những người bạn gái đồng hành trong chiếc áo dài lịch sự và trang trọng, tôi càng ý thức điều đó nhiều hơn, và vui làm sao khi mọi cặp mắt đều chú ý đến họ như những bông hoa hiếm đẹp giữa trăm nghìn người xa lạ.
Chính trong thời gian ở nước ngoài, áo dài dù không còn được mặc thường xuyên, dù đã thay đổi cách ăn mặc để thích nghi với đời sống thường nhật, áo dài vẫn LÀ chiếc áo đến từ trái tim thuần chất, gần gũi và quen hơi hơn tất cả những Âu phục hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới trong tủ áo của mình. Những khi cần giao tiếp, tổ chức tiệc tùng, tiếp tân khách quý ngoại quốc trong những buổi lễ quan trọng, đứng trước tủ áo để lựa chọn chiếc áo cho mình thích hợp với buổi lễ,- cùng với hướng mắt tìm kiếm, tôi nghe lòng mình vẫn nghiêng về chiếc áo dài.
Và mỗi lần như thế „ÁO DÀI“ ĐANG LÀ, đang giúp tôi đắc lực nhất, thể hiện sức mạnh chinh phục của nó đối với những người khách chung quanh bằng vững chãi và tự tin, tự chủ là người Việt giữa muôn người. Với áo dài, phụ nữ Việt được có một mốt thời trang vẫn luôn LÀ à la mode, vẫn luôn hợp thời ở mọi lúc mọi nơi, không sợ bị lệch thị hiếu (goût) thẩm mỹ, bởi vì chính áo dài là chứng tích của thẩm mỹ chân thực.
Thời trang là những đám mây phù du vờn quanh cõi vô thường, áo dài và số phận của nó đã trải qua nhiều cuộc bể dâu như chính đất nước. Thế nhưng từ vườn khuya tăm tối của dĩ vãng, áo dài trở về, áo xưa lại về, trong phù du mà trở nên miên viễn, vẻ đẹp của chiếc áo không phôi pha, LÀ MÂY- muôn vẻ như „trên trời có đám mây xanh ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng“- như nỗi mong, nỗi nhớ, nỗi thương yêu, khát vọng vẻ đẹp, khắc ghi tình tự Việt Nam.
T.K.L.
Huế 7/3/2017
(Phụ nữ chủ nhật số ra ngày 12.03.2017).
VĨNH NGUYÊNTrước mặt tôi là thăm thẳm sâu hút chập chùng xanh đến rợn người mà thích thú làm sao! Hồ Truồi trong vắt dưới chân như ta có thể rơi tòm xuống đó nếu không may để sẩy bước hụt. Và, sau lưng tôi là chót đỉnh Bạch Mã gần kề như chỉ còn một tầm tay với. Nơi đây, mang cái tên lộng lẫy: Vọng Hải Đài!
NGUYỄN VĂN DŨNGTôi không tin rằng một cô gái đẹp thì lúc nào cũng đẹp. Sông Hương cũng thế. Sông Hương là quà tặng ưu ái của Thượng đế dành cho kẻ phàm trần.
NGUYỄN HỮU THÔNGĐêm thêm như một dòng sữa.Lũ chúng em, âm thầm rủ nhau ra trước nhà.Đêm thơm, không phải từ hoa,Mà bởi lòng ta thiết tha tình yêu thái hòa.Đời vui như men sayNgọt lên cây trái..
NGUYỄN XUÂN TÙNGSống lạc quan yêu đời, luôn luôn làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành động để tự thắng mình trong mọi hoàn cảnh là một phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGỞ Huế hình như không có mùa thu, mùa thu chỉ ghé lại thành phố giữa một mùa nào đó, mùa hè chói chang hay mùa đông rét mướt. Vì thế, bao giờ người ta cũng đón chào mùa thu bằng nỗi vui mừng đến với một người thân đi xa mới về để lại vội vã ra đi, bằng một cái mà nhạc sĩ tiền chiến Đặng Thế Phong gọi là “Con thuyền không bến”. Trên sông Hương, hình như thường có nỗi bơ vơ chờ sẵn những tâm hồn lãng tử quen xa nhà từ vạn cổ.
TRẦN THÙY MAI“Khuôn mặt em đâu phải chữ điền, Trúc không che ngang mà che nghiêng”
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGCái tin anh Phương mất đột ngột đến với tôi lúc 11 giờ đêm, qua giọng rã rời nghẹn ngào của nhà thơ Lương Ngọc An báo Văn nghệ, lúc tôi đang “dùi mài kinh sử” ở khu ký túc xá trường Đại học Y Hà Nội để lấy cho xong cái bằng Thạc sỹ.
Hành trìnhĐã từ lâu tôi cứ muốn đi núi Tuý Vân để tìm hiểu xem sao nó được vua Thiệu Trị liệt vào hàng thứ 9 trong “Thần kinh nhị thập cảnh”.
Trước năm 1945, mỗi lần đi qua Ái Tử, tôi không khỏi lo sợ… Một sự lo sợ mơ hồ. Còn vì sao mà sợ thì cũng chẳng biết.
Ngay lần đầu tiên gặp ông đã đầy kỷ niệm. Đại đội tôi giao quân bên bờ một con suối đẹp cách sông Hương không bao xa. Anh Nguyễn Châu trưởng ban quân lực Thành đội nhận quân xong, ông đến bắt tay từng người.
Tôi vừa đến vùng Bắc Tây Nguyên được mấy hôm thì gặp địch càn quét. Hôm đó tôi định vào cơ quan xã Đaktô để làm việc không ngờ gặp địch dọc đường, tôi tạt vào rừng và nhắm hướng trở lại đơn vị, nhưng càng đi càng lạc sâu vào rừng thẳm.
Rời Bắc Hải chúng tôi bảo nhau từ giờ trở đi sẽ chỉ ở khách sạn chứ ở nhà người quen có cái vui nhưng cũng gây phiền toái cho bạn bởi chúng tôi đi chơi bất tử chẳng có giờ giấc nhất định nào.
Có một lão ngư kiêm lão nông suốt mấy chục năm trời vắt mồ hôi thành muối, tưới mồ hôi thành sông hồ mà mảnh vườn nhà vẫn cằn khô, chiếc thuyền nhà vẫn không tanh mùi cá biển. Quang cảnh vườn nhà cứ một mùa xanh lại ba mùa rụng lá, khô cành. Vợ chồng con cái chỉ thấy mắt chẳng thấy mồm. Xung quanh hàng xóm cũng chung hoàn cảnh.
Đấy là vào khoảng cuối chiến dịch Điện Biên Phủ – 1954. Đơn vị chúng tôi (đại đội 410 – đội 40 – TNXP Trung ương) được điều đi nhận nhiệm vụ mới.
1. Cô bạn cùng cơ quan nghe nói tôi “có tay nuôi người”, lại quen biết giao du rộng rãi nên có ý nhờ tìm một người giúp việc nhà cho vợ chồng cô em gái.