Môi freud

14:50 12/10/2018

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Nhiều năm sau này Vũ nhớ về Giao khi hai người ngồi bên nhau trên ban công lồng lộng gió trăng. Ban công nhìn ra sân với hàng cau già nhuốm tóc trăng sáng bạc, là những hình ảnh cuối cùng của một miền quê sắp bị đô thị hóa.

Minh họa: Nhím

Xa xa, dòng sông nhỏ lấp lánh, chảy chầm chậm qua đồng nội thoang thoảng hương buồn. Mùi hương ấy của Giao ban đầu chỉ là một làn sương mỏng mảnh, vương víu trên người. Vũ đến từ sau lưng, dang vòng tay rộng ôm lấy cả không gian buồn bã, êm đềm. Vũ chết lặng trong làn hương ấy. “Anh đã chạm vào giấc mơ của em”, Giao dịu dàng nói. Nàng mấp máy môi theo giai điệu bài Love paradise ngọt ngào dưới ánh trăng. Tiếng ca của nàng vút cao lên tận trời sâu, nơi trăng sao đương trôi trong nỗi mơ hồ. Vũ im lặng nghe tiếng hát, ánh trăng buông dịu trong đêm. Tấm thân ấy mềm trong vòng tay Vũ. Mùi buồn xích gần lại. Giao có đôi mắt to, màu huyền cánh gián, thu vén cả vòm trời trong một lần chớp mi.

Sau này Vũ mới biết, họ đã có cùng giấc mơ trong đêm trăng ấy. Vũ và Giao rơi xuống một bến cảng lạ lẫm. Hàng nghìn người di chuyển xuống tàu. Quanh đấy, lính tráng bồng súng cảnh giới. Giao đứng ngắm cánh hải âu chao liệng trên sóng biển, lẻ loi bay vút ra phía đại dương. Khoảng xa xăm phía trước chỉ độc một màu xanh biền biệt, kéo dài vô tận, giấu sau nó cả một miền Nam ẩn chứa nhiều điều mới lạ. Từng đoàn người gấp gáp lên con tàu chở người di trú mà người dân gọi là tàu“há mồm” giữa những lính hải quân Mỹ, Pháp nghiêm nghị bồng súng thực hiện nghĩa vụ quốc tế sau Genève. Giao còn lưỡng lự đứng bên cầu cảng, mắt nhìn theo cánh chim hải âu. Từng cơn gió chiều se se lạnh, mang mùi mặn nồng của biển cả phả vào người nàng. Giao vẫn đợi Vũ. Anh cũng quên hôm nay là ngày lập thu, lá đã rơi nhuốm vàng hè cũ. Vũ chắc không theo Giao vào Nam. Anh đã thất hứa với người yêu. Người lên tàu ngày mỗi đông, cha mẹ gồng gánh hành lí lên tàu cứ mãi giục Giao. Giao lờ đi tiếng gọi, chuyển hướng nhìn lên bầu trời đầy mây. Nhưng màu đen u ám chỉ đem lại cho nàng cảm giác ghê rợn. Mẹ chạy lại kéo áo lôi Giao lên tàu. Vừa kịp lúc Vũ tới. Ánh mắt Vũ nhìn Giao tiễn biệt. Anh chen chúc giữa đám người, đưa tay ra, chỉ kịp chạm nhẹ làn hơi ấm. Vũ nhớ về hơi ấm tỏa ra từ người yêu, trong cơn gió chiều nhẹ quẩy từng chiếc lá vàng vung văng trên mặt đất, vun thành một đống nhỏ nơi đôi tình nhân lặng yên bên nhau. Anh ở lại, cả nhà anh phải ở lại. Đất nước rồi sẽ hiệp thương, sẽ thống nhất. Vũ sẽ vào thăm Giao, chúng mình còn có cơ hội để làm đám cưới cơ mà. Xem như đây là chuyến nghỉ dưỡng thôi. Genève rồi, hòa bình rồi Giao à. Con tàu há mồm khép lại, nuốt Giao và những kỷ niệm trôi ra đại dương. Vũ đứng lặng trên bờ và mơ về ngày cưới mãi mãi nằm trong giấc mộng.  

Vũ rùng mình. Anh buông Giao ra, buồn bã. Hai người cùng hướng ánh nhìn ra ban công, một vì sao băng qua bầu trời rồi tan biến. Đêm đó, lần đầu tiên trước giấc ngủ anh biết đến đêm xanh, rằng bầu trời còn có những vì tinh tú diệu kì và một vầng trăng chất chứa cả những nỗi niềm làm ướt màu đêm.

Giấc ngủ vùi đến sáng, sang trưa Vũ mới dậy. Lò mò đi ăn cơm bụi, đọc sách đến khi chiều buông Vũ đi ra công viên, đứng lặng bên sông Hương. Vũ lao xuống làn nước xanh. Bơi thật xa, lấy dịu mát của nước để xóa cơn bi phẫn trên rong tóc tuổi buồn. Vũ đăm đắm nhìn trời, nhìn hàng cây xanh chạy một hàng dài dọc bờ sông. Màu xanh ấy thỉnh thoảng bị đứt khúc, lộ ra con đường nhựa đen bóng với vạch kẻ trắng lạc lỏng, vô hồn. Lâu lâu, bóng một người kẽo kẹt đạp xe đi về. Mặt úp trong lòng nước mát. Màu đen trộn trong ý nghĩ. Màu nước gợi nhớ về điều gì đó phiêu bồng, mùi mẫn xen lẫn bất cần và điên loạn. Vũ chợt nhớ Giao điên đảo, nhớ đôi môi hải đường chộn rộn lòng son.

Phải đến một tuần sau họ mới lại được gặp nhau. Vũ gầy xọm. Giao dường như bước ra từ một thế giới khác, lộng lẫy khác thường. Vũ chở người yêu đi khắp Huế. Tà dương nhuộm một màu vàng sậm trên mặt sông thăm thẳm. Bên bến Nghinh Lương Đình, dưới bóng cây nguyệt quế, Vũ bất ngờ ôm chầm lấy Giao. Anh nhớ em. Anh muốn nhảy vào giấc mơ của em. Giao cười. Anh nhảy đi nào. Vũ lại tìm thấy vị buồn trên môi người yêu dịu ngọt. Họ rơi về thuở xa xưa.

Giao bảo Vũ thổi sáo cho nàng nghe. Giao đứng bên bờ mặc gió sông lồng lộng thổi xòa tóc mun và nàng cất cao Tương tư khúc. Quạnh quẽ màn loan, tay ôm đàn tình tang tích tịch, cung réo rắc đau lòng riêng càng thêm chạnh, ngồi trông bạn, nào đâu bạn, mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi. Tình đau thương tình ôi! Tiếng ca của nàng, tiếng ca dòng sông xanh. Vũ thổi và Giao hát ngọt ngào một bến sông. Ơ, ba sinh kìa nợ chi tôi, đầy vơi lệ, vì ai tệ, đã nặng cùng nhau lời thệ hải còn ghi. Cao xanh kìa trớ trêu chi, ngán cho tình si, hiệp ly nào có ra gì! Chớp mắt hòa mình trong dòng sông mát. Nàng vẫy nước. Vũ ngại ngùng, ngắm người yêu bơi. Làn da nàng lấp loáng trong ánh nắng chiều. Vũ đỏ mặt. Giao cười nhoe trong làn nước. Ánh nắng càng ngày càng chói chang chiếu lên người Vũ. Bóng Giao căng tràn trong nước. Mắt Vũ thành một vực đen u tối. Vũ hét như xua đuổi cơn mơ. Mở mắt ra, mặt trời đã xuống núi tự bao giờ, bao quanh một màu đen đặc dòng Hương.

*

Giao rất thích ngồi trên những hòn đá khổng lồ trên núi. Bữa Vũ dắt nàng qua sườn Đông ngắm mặt trời. Anh ngồi bên người yêu trên tảng đá hình quả trứng nhìn một biển mây trắng đang ửng hồng. Ở đó, thấy Huế bé như bàn cờ, sông Hương như một chiếc khăn xanh ai đánh rơi trên đồng bằng mênh mông, ngút ngát. Mặt trời như một viên ngọc từ từ nhô lên, tỏa ánh sáng hân hoan. Từng ánh rẽ quạt làm vơi cái lạnh se se. Giao đột ngột đứng lên, hai tay dang ra như cánh én. Gió thổi, tóc xõa, váy trắng tung bay giữa bình nguyên mây. Mùi hương buồn bả phảng phất trong làn gió. Tia nắng nhỏ chiếu qua môi. Họ quyện vào nhau. Bây giờ, Vũ ngửi thấy hương của mây, của nắng và nỗi buồn thăm thẳm.

Vũ thấy mình chở Giao quay trở về ngôi làng của anh vào cuối tuần. Làng Vũ có nghề đan bội, một nghề từng nuôi sống dân làng giờ gần như thất truyền. Ông nội Vũ là một nghệ nhân đan bội. Khi họ đến ông ngồi chẻ tre từng nan tre thoăn thoắt bên bóng chuối trước nhà. Ông bảo, từ cây tre, người ta chẻ ra thành hàng ngàn chiếc nan nhỏ, tùy theo mục đích sử dụng của bội để đan ra những kích cỡ khác nhau. Ở làng chỉ đan bội, giỏ hoa ngày tết. Ngày xưa, cứ mỗi sớm từng đoàn gồng gánh đưa bội đi bỏ cho các mối lái. Ông cụ nhớ về thời bé dại gánh bội đi giữa cơn mưa mùa đông lạnh giá, chân trần dẫm lên bùn ướt, mưa tái tê tạt ướt mặt mày nhưng phải ráng sức gồng gánh cho kịp chợ. Vũ nhìn những rọ con nằm xấp xó một góc vườn. Mùi của tre tươi ngàn ngạt cánh mũi. Ông ơi, đây là bạn gái của cháu. Vũ nhìn Giao mỉm cười. Ông nội nhìn đôi trẻ, lòng hồi tưởng những ký ức u hoài Gió thổi từng cơn mát rượi. Mấy bông hoa ngũ sắc rực rỡ trong nắng chiều, quanh đó những con bướm trắng lượn vòng. Trên sông, mây như thuyền con dạt về một phía chật kín cánh đồng xanh bên kia. Sông và xanh, Giao ơi, em hãy hát đi để ta bước ra ngoài giấc mộng. Vũ lắng nghe Dòng sông xanh hát, tiếng hát ngút ngàn từ phía trời xa, kéo theo cả vọng âm thao thiết. Lời ca ngân vang tiếng nước non, dẫn nguồn cho cả dòng sông xanh chảy bất tận vào lòng người. Cô có thể bay bổng ở những nốt cao và đáp xuống dễ dàng ở những nốt thấp trong âm vực một bài hát. Giọng họa mi ấy làm Vũ quên đi hiện hữu đầy khổ đau của thời gian, những vách ngăn đêm ngày như không còn tồn tại.

Có tiếng máy bay rè rè. Có tiếng người gọi nhau ý ơi. “Mình về thôi anh!”.

Hai người bước chầm chậm trên con đường thành Huế. Mùa thu đã về trên những cây ngô đồng hiếm hoi ở chốn kinh thành. Hoa liễu đã rộ nở, buông cành tơ xuống mặt sông lăn tăn chao sóng. Đàn chim di trú bay chấp chới trên bầu trời đầy những đám mây xốp. Tia nắng mong manh cố lách qua những đám mây rồi thả mình xuống dòng sông lơ thơ đốm bèo trôi. Vũ nắm tay Giao, nhẹ nhàng tựa làn khói mơ áp vào bàn tay thiếu nữ mềm mại. Nụ hôn ấm nồng quyện chặt, trong như tiếng sáo đang vi vút trên trời chiều.

Họ rơi vào một giấc mơ dữ dội. Một trận đánh ác liệt diễn ra ở một miền quê trong chiến tranh Việt Nam. Làng mạc tiêu điều, những căn nhà không người trơ vách đương rực cháy. Đó đây một vài xác trực thăng cháy sụm, những chiến xa đứt xích nằm chỏng chơ như quái vật không đầu, vài chiếc khác chúi mũi xuống những hố bom. Những chiếc dù tải hàng còn vương vãi theo hai bên đường. Một trường tiểu học bị tróc nóc. Một bé gái khoảng 16 tuổi mù hai mắt, gầy yếu xanh xao, cõng người con trai khoảng 17 tuổi trên lưng, bị cụt một chân. Người cụt chân ngồi trên lưng người mù mắt để chỉ đường chạy khỏi vùng pháo kích. Vũ ngồi trên lưng Giao lòng thấp thỏm không yên. Trái phá rơi xuống ầm ầm phía sau làng. Chiến tranh đã cướp mất sự lành lặn của hai cơ thể, hai tâm hồn thơ dại. Chạy theo họ là chị hàng xóm bế con vừa mới sinh chưa tới một năm. Một trái pháo rơi rất gần, mảnh pháo phá đổ gốc cây, găm mảnh vào khuôn ngực và chị ngã ra bất động. Đứa nhỏ không chết, cũng không bị thương, nó bò trên bụng mẹ khóc thét lên trong sự hãi hùng. Khóc mệt, nó lại gục đầu vào ngực mẹ để bú. Vũ bảo Giao dừng lại. Anh lò cò bế em bé ra khỏi mẹ. Pháo vẫn nổ dữ dội. Ngôi làng tàn lụi nhanh chóng trong khói lửa. Một lúc sau đứa bé cũng chết luôn trên tay Vũ, miệng bé giễu ra cả những quành máu mẹ. Giao nói như điên loạn: “Em sợ quá anh ơi! Mình sẽ chết phải không?!”. Vũ im lặng và họ tiếp tục chạy.

Vũ nghiện những giấc mơ. Vì cuộc đời u buồn, những giấc mơ cũng trở nên tẻ nhạt. Giao mang đến cả một thế giới, lẫn mơ và thật. Chiều nay, Vũ nằm chờ Giao đến, rồi cả hai lang thang về phía Tây thành phố. Vũ nằm mãi, cho đến khi có ai đó gõ cửa trong xa vắng. Lỗ tai anh nhói lên những âm thanh lạ. Mắt Vũ choáng váng. Anh lọ mọ đi ra cửa lớn. Gió lồng lộng thổi. Ai đó bật lên bản nhạc của Lê Tín Hương. Phong sương dạn dầy, tuổi xuân đọa đầy. Cứ như thể Vũ bước đi trên con đường nhập nhòa đen trắng. Anh đã mặc nhiều tấm áo đời, áo rách tả tơi, hồn xiêu táng. Tiếng gỗ va vào nhau ngày mỗi mạnh, khó chịu, bức bối.

Tối hôm đó, Vũ chạy về nhà Giao, lên ban công nơi hai người đã hôn nhau lần đầu.

Hôn anh. Hãy hôn anh đi!

Không, mình chia tay đi. Giao buồn bã nói. Những cơn mơ làm em hao kiệt, còn anh trở thành một gã lảng đãng đến mệt mỏi.

Vũ nhìn thấy đôi môi nhiệt đới đắm say phả những hạt mặt rời hồng thắm trên ký ức xanh. Anh bất ngờ chạy lại, đưa bàn tay có tờ giấy gió lên miệng người yêu, ấn lên đôi môi nhiệt đới để lưu lại khuôn hình của một ký ức.

Đêm trừ tịch, Vũ cầm tờ giấy gió vĩnh cửu in hình môi nhiệt đới đi vào miền hiu quạnh. Đàn bà hư ảo, Vũ thốt lên. Và đàn ông cũng hư ảo. Những mảnh ghép đã lướt qua nhau, trong định phận tưởng chừng chắc chắn. Vô vàn cánh cửa được mở ra, Vũ lạc lối trong những cánh cửa sâu hun hút, bất tận. Những giấc mơ được bọc tơ, treo trên khoảng không gian mờ mờ sau tấm cửa. Vũ chọn hái những giấc mơ ngọt ngào, rồi đeo lên người, lang thang vô định. Những cái kết có hậu trong những câu chuyện luôn đẩy người ta về phía trước để tìm kiếm hy vọng. Vũ chọn những cái kết đẹp trong giấc mơ của mình. Giá như có ai gọi Vũ lúc này, giá như hơi ấm của Giao thoang thoảng đâu đây và giá như những giấc mơ là sự thật không chối cãi. Vũ xé những giấc mơ ngọt ngào. Kia cánh rừng đầy hương mật, dòng suối xanh và những thiên sứ đang vẫy vùng. Kia cánh đồng lúa chín với những hạt vàng lóng lánh nắng mai. Giao đã đứng đợi Vũ từ lâu lắm, đôi môi hồng như đốm lửa, đôi môi sẽ kể cho người yêu nghe những chuyện êm đềm của cuộc đời sóng gió.

L.V.T.G  
(TCSH355/09-2018)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM THỊ HOÀI

    Ngày mười lăm tháng hai năm một ngàn chín trăm tám mươi bảy, tòa án nhân dân thành phố H. mở phiên tòa xử một trường hợp đặc biệt.

  • NHẬT CHIÊU 

    Đúng là công viên rồi. Nhà của nhà thơ ở gần đây thôi. Chỉ cần xuống trạm xe buýt gần công viên, đi bộ năm phút là đến nhà tôi, đó là lời dặn dò của nhà thơ mà tôi còn nhớ như in.

  • NHỤY NGUYÊN

    Tôi thấy mình như quả bóng bị hút vào khoảng không, dính lên trần nhà, thoáng nhìn xuống, chính lúc này tôi đã rú lên.

  • ĐỨC BAN

    Giáo sư Lê Văn đến công tác tại tỉnh H. Ở đó ông được nghe một câu chuyện về vị vua Hàm Nghi thời nhà Nguyễn, trước khi bị giặc Pháp bắt đưa đi an trí bên châu Phi xa xôi, đã để lại cho dân làng Gia Ninh heo hút trong rừng sâu ba con voi vàng và một bộ long bào.

  • PHẠM DŨNG

    Các đại biểu về dự hội nghị văn thơ đều biết chị. Vì chị là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng và cũng bởi chị có một cách sống, như nhiều người nhận xét, kiêu ngạo và trác táng.

  • LÊ MINH PHONG   

    Huế trở lạnh. Đó là một điều hết sức quý giá với tôi. Buổi chiều, tôi mông lung bước trên hè phố khi tiếng chuông nhà thờ đang bay như những cánh chim trên không trung. Tất nhiên đó là những cánh chim không rõ hình thù.

  • NGUYỄN HIỆP

    Bước đi của ông nghiêng bên này, ngả bên kia, bóng nhảy qua nhảy lại thành hai chiếc bóng của một người.

  • NGUYỄN HUY THIỆP

    1. Gây chuyện
    Trong số người quen của tôi, tôi rất nể phục nhà nghiên cứu văn học K. Anh am hiểu các vấn đề lý luận văn học ở ta, lĩnh vực mà thú thực tôi không hiểu gì mấy. Những bài viết của K. có thời được nhiều người ví như "ngọn roi" quất vào "con ngựa sáng tác văn học" giúp nó phi nhanh hơn và không trật đường.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ    

    1. Gã có thói quen mỗi buổi sáng thức dậy, gã thường tợp một ngụm Tequila và nhìn chăm chăm vào bức tường. Sau đó mới rời khỏi nhà, đến công sở. Nơi nào gã đến cũng có một bức tường tương tự như thế. Chỉ thiếu mỗi Tequila. Những bức tường xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chỉ Tequila là không thể. Gã phải đến quán rượu. Ghé quầy bar của lão họa sĩ già.

  • LGT: Trần Bảo Định là một “tác giả mới”, từng là cựu sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, năm 2014, tròn 70 tuổi, mới công bố tập truyện ngắn đầu tay Kiếp Ba Khía (Nxb. Văn hóa văn nghệ) với giọng điệu Nam Bộ khá độc đáo, nên sách vừa in ra đã bán hết.

  • NGUYỄN THANH ĐẠM 

    Ba ngày nữa kết thúc chương trình hợp tác một năm dạy tiếng Pháp tại trường Đại học Đà Lạt, Lavande bần thần trước thời gian vụt trôi nhanh quá.

  • TỐNG NGỌC HÂN

    Đường vào Sài Cang là một con dốc không có tên vì xem ra chưa có cái tên nào xứng với nó. Vừa cao, vừa dài, vừa hẹp, lại vừa quanh co gấp khúc.

  • PHẠM NGỌC CẢNH NAM

    Thay vì cúi xuống đặt mũi dao đúng vào nơi quy định, giữa lỗ tròn của tấm khăn mổ trắng lóa thì anh lại bất giác nhìn lên mặt bệnh nhân.

  • PHẠM THANH THÚY

    “Em mang thuốc đau đầu này. Anh uống đi.”
    Nàng đưa cho anh viên thuốc, cùng chai nước lọc.

  • THÁI NGỌC SAN

    Hình ảnh của Hảo trên sân ga làm cho tôi đau đớn. Nàng giống như một nữ tu kín trong ngày ép xác, cả người trùm kín trong chiếc áo khoác và tấm khăn choàng nỉ đen, hơi sương giá tháng ba như những mũi kim găm vào da thịt làm mặt nàng tím ngắt.

  • TRẦN THÚC HÀ

    Đoàn Mã Kỳ đã tìm thấy vùng núi thiêng. Đến được đấy còn phải đi một quãng xa. Mã Kỳ chọn đám đất trống, tầm nhìn quang, buông tay nải, tựa lưng vào gốc cây lớn, cởi dép cỏ, duỗi đôi chân sần sùi vết xước còn tươm máu nghỉ sức.

  • NGUYỄN THỊ KIM HÒA

    I.
    “Linh hồn tội lỗi hãy rửa sạch trong dòng nước thịnh nộ của các thần
    Trái tim tội lỗi hãy tẩy xóa trong luồng gió thịnh nộ của các thần.”

  • LÊ THỊ KIM SƠN  

    Dì luôn hỏi nó “Vậy có ác hôn con? Có ác hôn con? Lũ chim ngoài kia được bay tơi bời vui vẻ, mình bắt nhốt con này trong lồng vầy có tội nó hôn con?”.

  • TRIỀU NGUYÊN

    Ông Tự ngước mắt lên nhìn bàn thờ. Cái bát hương đặt chính giữa từa tựa chiếc bình sứ lớn, hình như được trang trí bằng một cái đầu con rồng thì phải.