Mở khóa kéo

08:57 25/09/2012

LGT: Etgar Keret sinh ngày 20/8/1967 tại Ramat Gan, Israel. Nhà văn nổi tiếng với truyện ngắn và kịch bản phim, có ảnh hưởng lớn tới lớp nhà văn trẻ hiện nay ở Israel.

Ảnh: internet

Keret thành danh với tập truyện thứ hai, Ga’aguai le-Kissinger (1994; Nhớ Kissinger), gồm 50 truyện cực ngắn. Từ 1999, truyện của ông bắt đầu được dịch và đăng trên báo chí tiếng Anh. Có hơn 40 phim ngắn được dựng từ truyện của ông. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Truyện của Etgar Keret thường giản dị, dùng ngôn ngữ thường đàm, nhưng đan xen những diễn biến hằng ngày với sự việc kỳ quái trong con mắt thản nhiên của nhân vật. Tuy vậy, ông lại tuyên bố không gởi gắm một thông điệp nào trong truyện cả. Mấy tập truyện khác của ông là Hakaytana Shel Kneller (1998; Những trại viên hạnh phúc của Kneller), Anihu (2002), và Pitom Defikah Ba-delet (2010; Đột nhiên, một tiếng gõ cửa). Truyện sau đây được dịch từ Suddenly, a Knock on the Door (2012), bản tiếng Anh của Pitom Defikah Ba-delet.  


ETGAR KERET

Mở khóa kéo


Nó bắt đầu với một nụ hôn. Nó hầu như luôn luôn bắt đầu với một nụ hôn. Ella và Tsiki đang trên giường, trần truồng, chỉ có lưỡi của họ chạm nhau thì cô cảm thấy có cái gì cứa vào cô. “Anh làm em đau hả?” Tsiki hỏi, và khi cô lắc đầu, hắn nói thêm rất lẹ. “Em chảy máu kìa.” Và quả thế, miệng cô chảy ra máu. “Anh xin lỗi,” hắn nói và bắt đầu tìm kiếm điên cuồng trong nhà bếp, kéo một khay làm nước đá thỏi từ tủ đông ra và đập xuống mặt bàn bếp. “Này, cầm lấy,” hắn nói, trao cho cô vài thỏi nước đá với bàn tay run rẩy. “Ép vào môi đi. Cầm máu được đấy.” Tsiki luôn giỏi giang trong những chuyện thế này. Trong quân đội hắn từng là nhân viên cứu thương. Hắn cũng là hướng dẫn viên du lịch có tay nghề. “Anh xin lỗi,” hắn nói tiếp, trông tái xanh hơn, “Chắc anh cắn phải em rồi. Em biết đó, trong cơn mê cuồng.” “Hông ó ì âu,” cô mỉm cười với hắn, thỏi nước đá dính vào môi dưới của cô. “Âu ó chiện gì.” Dĩ nhiên đó là một lời dối trá. Bởi vì có chiện ì ó đã xảy ra. Đâu phải ngày nào người sống chung với bạn cũng làm bạn chảy máu, rồi nói trớ đi với bạn và bảo rằng hắn đã cắn nhầm phải bạn trong khi bạn cảm thấy rõ có cái gì đó cứa vào bạn.

Họ không hôn nhau nữa suốt mấy ngày sau đó, vì vết rách của cô. Môi là bộ phận rất nhạy cảm của cơ thể. Và sau đó khi có thể hôn nhau, họ phải rất cẩn thận. Cô thấy rõ là hắn đang che giấu điều gì đó. Và quả thế, đêm nọ, thừa lúc hắn ngủ với cái miệng há rộng, cô nhẹ nhàng luồn ngón tay vào dưới lưỡi của hắn - và tìm thấy cái đó. Nó là một cái khóa kéo. Một khóa kéo nhỏ xíu. Nhưng khi cô kéo nó, toàn bộ Tsiki của cô mở ra như một con hàu, và bên trong đó là Jurgen. Không như Tsiki, Jurgen có chòm râu dê, mớ tóc mai tỉa tót tỉ mỉ và một con cu không cắt bì. Ella ngắm anh ta trong giấc ngủ. Một cách rất, rất lặng lẽ, cô gấp lớp vỏ Tsiki lại và giấu nó trong ngăn đựng chén trong nhà bếp, sau thùng rác, nơi họ cất những túi để đựng rác.

Cuộc sống với Jurgen không dễ dàng gì. Chuyện tình dục thì kỳ quái, nhưng anh ta uống rượu rất dữ, và khi uống, anh ta quậy um sùm và vướng vào đủ thứ tình trạng khó gỡ. Và hơn hết, anh ta thích làm cho cô cảm thấy có lỗi vì cô là lý do khiến anh ta rời châu Âu và đến sống ở đây. Mỗi khi có chuyện tồi tệ xảy ra ở đất nước này, dù trong cuộc đời thật hay trên ti vi, anh ta đều nói với cô, “Coi cái đất nước của em đi đến đâu kìa. “Tiếng Hebrew của anh ta thật tệ, và cụm từ “của em” trong giọng anh ta luôn nghe có vẻ rất kết án. Cha mẹ cô không thích anh ta. Mẹ cô, vốn thật sự rất thương Tsiki, đã gọi Jurgen là thằng ngoại bang. Cha cô luôn hỏi han anh ta về công việc và Jurgen thường cười nửa miệng và nói, “Công việc cũng giống như ria mép thôi, bác Shviro ạ. Nó lỗi mốt từ lâu lắm rồi.” Điều này chẳng ai thấy buồn cười cả, cha của Ella lại càng không, ông té ra cũng nuôi ria mép.

Sau cùng, Jurgen bỏ đi. Anh ta trở lại Dusseldorf chơi nhạc và sống bằng phúc lợi. Anh ta chẳng bao giờ có thể thành công trong nghề ca sĩ ở đất nước này, anh ta bảo vậy, bởi vì mọi người không thích giọng phát âm của anh ta. Dân ở đây bị thiên kiến. Họ không ưa người Đức. Ella nghĩ rằng ngay cả ở Đức thứ nhạc kỳ quái và ca từ bình dân của anh ta chẳng giúp anh ta thành công lắm. Anh ta thậm chí còn viết một bài về cô. Nó được đặt tựa “Nữ thần” và cả bài chỉ nói chuyện làm tình trên đê chắn sóng và chuyện, khi cô đạt đỉnh điểm thì nó “giống con sóng vỡ tung trên tảng đá” ra sao - một câu trích trong bài là vậy.

Sáu tháng sau khi Jurgen bỏ đi, cô cần tìm một túi đựng rác và thấy lớp vỏ Tsiki. Cô nghĩ, có lẽ mở khóa kéo của hắn là một sai lầm. Có thể lắm. Với những chuyện như vậy thì thật khó nói chắc. Cũng tối đó, khi đang đánh răng, cô hồi tưởng lại nụ hôn đó, và cảm giác đau khi bị cứa. Cô súc miệng với rất nhiều nước và nhìn vào gương. Cô vẫn còn mang vết sẹo, và khi nhìn kỹ vào nó, cô thấy một khóa kéo nhỏ xíu bên dưới lưỡi của mình. Ella sờ mó nó với vẻ lưỡng lự, và cố tưởng tượng chính mình bên trong thì ra sao. Nó khiến cô đầy hy vọng, nhưng cũng gây chút ưu tư - chủ yếu là về đôi bàn tay bị tàn nhang và một nước da khô. Có thể cô có một hình xăm đóa hồng, cô nghĩ vậy. Cô vẫn luôn muốn có một hình xăm, nhưng chẳng bao giờ có gan làm vậy. Cô nghĩ việc đó hẳn là đau lắm.

Phạm Viêm Phương dịch
(SH283/09-12)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật

  • CORMAC MCCARTHY

  • Rivka Galchen là nhà văn, biên tập viên tờ The New Yorker, với nhiều đóng góp về truyện ngắn và tiểu luận phi hư cấu cho tạp chí này từ năm 2008. Nữ nhà văn thường viết về khoa học và y học.

  • Ray Bradbury (1920 - 2012) là nhà văn lừng danh của Mỹ, tham gia văn đàn và thế giới điện ảnh sôi nổi trong suốt hơn 7 thập kỷ. Ông đã viết 27 tiểu thuyết và hơn 600 truyện ngắn. Truyện ngắn The Veldt (Thảo nguyên châu Phi) là một tiên đoán về mặt trái của công nghệ đang phần nào chạy theo những nhu cầu phi nhân bản của con người.

  • JACK LONDON

    Ngày đã trở nên lạnh lẽo và u ám, rất lạnh và rất u ám khi người đàn ông rẽ sang lối khác từ đường mòn Yukon và đi lên một bờ đất cao nơi có một đường mòn mờ mờ, ít người qua lại dẫn về hướng đông, xuyên qua rừng cây vân sam với những thân cây chắc khỏe.


  • SHIMAZAKI TOSON

  • Hirabayashi Hatsunosuke (1892 - 1931), sinh ra tại làng Fukada, quận Taken, Tokyo, tốt nghiệp Khoa tiếng Anh Đại học Waseda. Ông hoạt động như một nhà lý luận của phong trào vô sản thời kỳ đầu.


  • TED HUGHES

  • ARESS MOHAMED

    Trong lòng con thuyền đang lênh đênh trên mặt biển là 12 người, 7 đàn ông, 4 phụ nữ và 1 đứa trẻ. Đứa bé hình như đang thiếp đi trong vòng tay mẹ nó. Tính đến nay, con thuyền đã trôi được bốn ngày.

  • MACARIO D. TIU (Philippines)

    Hồi đó tôi chỉ có 3 tuổi nhưng tôi nhớ rất rõ đám cưới của anh Peter và chị Linda. Tôi nhớ nhất là được đùa giỡn trên chăn gối tinh tươm của chiếc giường dành cho đôi tân lang và tân giai nhân. Tôi sau đó mới biết là đùa giỡn như vậy sẽ giúp cho họ mau có con trai đầu lòng. Tôi được chọn để đùa giỡn vì tôi tráng kiện và mập mạp.

  • ROGER DEAN KISER (Hoa Kỳ)

    Tôi bước vào nhà hàng Huddle House ở Brunswick, Georgia và ngồi ngay quầy vì hết sạch chỗ. Tôi cầm thực đơn lên và bắt đầu xem những món ăn khác nhau và cố quyết định sẽ ăn sáng hay nhịn tới trưa luôn.

  • IVAN BUNIN

    Ivan Bunin (1870 - 1953), nhà văn Nga đầu tiên được trao giải Nobel, năm 1933. Ông nổi tiếng với ‘một nghệ thuật nghiêm cẩn’, mà với nó ông ‘tiếp tục những truyền thống cổ điển Nga trong sáng tác văn thơ’.

  • BĂNG TÂM

    Sinh sống trong suốt chiều dài thế kỷ XX, Băng Tâm là một khuôn mặt tiêu biểu của văn học Trung Quốc, ảnh hưởng lớn đến các nhà văn thời đại bà, với nhiều thể loại khác nhau, kể cả văn học dành cho tuổi trẻ. Tên thật là Tạ Uyển Oánh (谢婉莹), bà lấy bút danh là Băng Tâm (冰心) với mong muốn giữ một lý tưởng thanh khiết, mượn từ ý thơ của Vương Xương Linh: Tâm hồn như một khối băng trong một chậu ngọc.


  • KATHERINE MANSFIELD

  • L. CHOIJILSUREN (Mông Cổ)

    Vụ mùa năm đó bội thu khác thường. Mùa thu dài lê thê và chim chóc dường như không muốn rời tổ. Chúng bay theo hình cánh cung trên cánh đồng bao la từ sáng đến tối, như muốn chào đón người từ mặt trận trở về.


  • ISABEL MILES (Anh)