Mẩu chuyện đêm cuối năm

16:05 23/03/2010
VĂN NGUYỄNLy Ly tung chăn ngồi bật dậy, cặp mắt cô sáng quắc lên trừng trừng nhìn xuống mặt ông chồng già đang ngáy phò phò. Chẳng khác gì thây ma...

Minh họa: Ngô Lan Hương

Cô êm như mơ rời phòng ngủ...

Đêm khuya tĩnh mịch. Một bóng người gợi lên bóng dáng một con mèo rón rén lặng lẽ băng nhanh giữa những bức vách tường nhập, âm u. LyLy đã tới cửa chính nhà, khi cô vừa đặt tay lên nắm đấm cửa thì đột ngột một hồi chuông đồng hồ treo tường từ phía sau lưng vang lên, kêu ré lên. Đã nửa đêm, mới đó mà đã nửa đêm! Cô ngần ngừ, vò tóc bứt đầu. Vấn đề không phải là ai sẽ gặp, có một nơi rất tuyệt và một người rất tuyệt, mà chính cái chỗ từ đây đến đó. Phố đêm theo từ vựng học hiện đại, là tội lỗi tội ác. Nhưng ngôi nhà này giờ đây cũng không khác gì chốn ngục tù đối với người đàn bà trẻ này.

Lúc đó, trong lúc bước về phía cái điện thoại đặt trên cái tủ nhỏ ở phòng khách, cô ta như sực nhớ ra một điều gì đó, đứng khựng lại, cặp mắt sáng lên, nhìn ngược lên, xuyên thẳng lên cái trần nhà nhờ nhớ sắc vàng cam, u hoài, rồi bỗng kêu lên: Ồ!...

Vầng trăng hạ huyền lộng lẫy. Sương giăng giăng nom như một tấm voan kỳ diệu. Cái sân thượng ngày thường trơ bê tông cốt sắt đã thay da đổi thịt, trông như một vuông đất miên man mơ màng, thanh nhã, êm ả vỗ về ánh mắt Thượng đế.

Bất giác, hắn cảm thấy có ai đó xuất hiện, gương mặt mơ mơ màng màng của hắn chợt nhíu nhẹ, đôi mắt khem khép một vẻ thiền định của hắn khẽ mấp máy mấp máy, chỉ có thế, như thể một nhà sư đã dẹp xong cái lòng trần bất chợt trỗi lên tiếp tục đi vào cõi Niết Bàn, hắn tiếp tục theo dõi nỗi suy tư của đời mình.

Lyly run rẫy không thôi. Làn váy mỏng không những không ngăn nổi ngọn gió đêm vô hình cắt vào da thịt mà hình như còn mơn trớn, vuốt ve, rủ mời nó ở lại. Phòng ngủ thì quá ấm, ấm đến nóng, nóng đến ngột ngạt, ngột ngạt đến bức bối, đến phát sốt, phát điên lên, thế nhưng cái sân thượng này thì lại quá ư trống trải, trống rỗng, một cái trống chập chờn một cạm bẫy, một nỗi nguy hiểm chết người. Cô đã muốn quay trở lại, nhưng kỳ lạ làm sao, là đôi chân cô cũng đã không chịu tuân theo ý chủ, nó như đã trở thành một bộ phận gì đó riêng biệt, tách biệt khỏi cơ thể cô, nó cứ đứng ở đó, trong căn lầu nhỏ vẽ lên giữa màn đêm thanh vắng hình ảnh một chuồng bồ câu kiêu hãnh, và cũng từ chỗ đó, sau khung cửa ngập ánh trăng, cặp mắt săn đêm, đôi mắt mèo hoang của cô sáng rừng rực lên nom như một ngọn đuốc chăm chăm nhìn xéo xuống một thân thể trải dài ra trước mặt: Một pho tượng được nhà điêu khắc tài hoa là trời già vốn bị tuổi tác làm cho lẩm cẩm ném xuống cho người đẹp: Tên thanh niên đang nằm dang thẳng chân duỗi thẳng tay, dáng điệu thoải mái, ung dung tiên giới trên chiếc chiếu hoa loáng loáng sương đêm với chỉ cái quần lót đen.

Hắn bỗng mở bừng mắt ra... Há hốc... Một khoảnh khắc làm đứng tim như chơi!... Cứ thế, kẻ trên người dưới kẻ đứng người nằm, bốn con mắt họ nhìn thẳng vào nhau, ngưng đọng. Những ánh mắt nhìn đã hiểu rõ tất cả, biết lấy mọi điều, nhưng dường như chúng chẳng hiểu, chẳng biết gì cả. Chúng cuộn vào hư vô, đã hóa đá. Chàng Ađam bất động không phải vì trái táo thơm ngon kia mà chính bởi cái tình cảm éo le của một tín đồ Phật giáo: Một nhúm vải cho chỗ kín và một nhúm vải cho trái tim. Còn nàng Eva thì đang tìm cái nàng thiếu, nàng ước muốn, thèm muốn, nàng đã quyết liều mình như chẳng có cho một cú cỡi gió cỡi mây, bởi thế nàng mới ra chốn này, bởi thế không vì lẽ gì mà cứ đứng đó lấy mắt ngó, nhưng rõ là nàng vẫn cứ đứng đó, rõ ràng là nàng vẫn chưa nắm được quyền điều binh khiển tướng, nàng chờ đợi một tín hiệu. Ôi, chỉ vài cái chớp mắt mà sao dằng dặc cả kiếp người thế nhỉ? Vậy rồi, dưới ánh trăng mơ cũng như dưới ánh mặt trời rực rỡ, sự tình cờ đã rõ rành rành: Chàng Ađam ngày nay đã tỏ ra rất khôn ngoan chẳng dại gì vì một chút sung sướng mà phải chịu đày xuống trần gian đầy rẫy bom đạn một lần nữa, chàng ta bỗng lăn nhanh như thể một cái củ khoai, rồi chàng ta đứng bật lên, rồi cứ thế chàng ta bước thẳng vào nơi từ đó chàng ta đi ra. “ Xầm!” cánh cửa mở ra sân thượng đóng mạnh lại. Màn đêm rung lên một cái, co giật, rồi tất cả trở lại sự im lặng vốn có.

Bây giờ cánh cửa đó lại mở ra, nhẹ thôi. Sương sa như mưa. Hắn đã mặc quần áo, một bộ còn thoảng mùi hôi, tươm tất lạ. Hắn đứng âm thầm nhìn người đàn bà đang ngồi bệt trên sân, đầu gục giữa hai cánh tay, những lọn tóc loăn xoăn rũ xuống những cuống hoa, rũ xuống che lấy nỗi ê chề, nhục nhã. Hắn lấy thuốc lá ra hút, rít từng hơi dài. Một đốm lửa chơi vơi trong đêm quạnh hiu.

Kẻ lữ hành đơn độc lặng lẽ hướng vào đó trên bước đường tìm về sa mạc chân lý, và vực thẳm là đây, từ người đàn bà sa đọa đó!...

LyLy bỗng cảm nghe một bàn tay âm ấm, nhẹ vuốt vuốt trên bờ vai tê tái, não nùng của cô.

- Tôi quá đáng khinh bỉ phải không?

- Chúng ta giống nhau ở những điểm như thế mà.

Quả là một câu một lưỡi móc! Cô hất mạnh bàn tay đó đi, lấy thế đứng vụt lên, quay ngoắt, đi như chạy vào nơi từ đó cô bước ra.

- Tạm biệt nhé, Ly!
...

- Chúc Ly một năm mới được bình an nhé!

- Vì tôi mà anh đi đó hả?

- Không đâu, hãy nhìn cái túi xách trên giường đó! Chuẩn bị về quê mà. Lâu lắm rồi không về... Không biết tết này ngoài ấy ra sao?

- Chắc buồn lắm, lũ lụt triền miên!

- Quê tôi tơi bời xơ xác, đã nghèo lại thêm cái eo. thiên tai tàn phá cũng chẳng thua kém gì bom nguyên tử! Còn Ly chắc cũng dân Trung chứ? Ly ở đâu?

- Quảng Ngãi! LyLy đáp gọn trong cái quay mặt khỏi cánh cửa dẫn xuống nhà để nhìn về kẻ vẫn còn ở ngoài sân thượng. Những lời nói đã làm cô cảm thấy dễ chịu hơn, có một mối đồng cảm mơ hồ nào đó nhè nhẹ dâng lên trong lòng cô, che đi... Và cũng có một điều gì đó nữa cũng che khuất luôn đi một câu nói thông lệ của cô khi ánh mắt cô chạm vào hắn, cô bỗng thấy ánh mắt cô nhìn vào hắn, ngỡ ngàng, kinh ngạc: Ai đây? Người nào đây?... Hắn đang đứng thẳng lưng, hai tay thọc vào túi quần, dáng điệu vừa thoải mái, tự tin, vừa phảng phất nỗi u buồn, trầm lặng, trông hắn đẹp lạ lùng, một vẻ đẹp dường như không phải dành cho cuộc đời thực.

- Sao nhìn tôi dữ thế? Hắn cất tiếng trong cái nhếch môi.

- Anh khác thật, như một người em chưa bao giờ biết đến! Giọng LyLy vút cao trong nụ cười nở rộng.

- Chỉ cần đến một tiệm cắt tóc, vào một sốp thời trang thì ai cũng có thể trở nên khác mình, đẹp hơn, hoàn hảo hơn, nhưng cũng vẫn chính con người ấy, đúng không?

Hắn vừa nói vừa bước vào, rồi lách qua mặt người đàn bà, ánh mắt lướt qua cái túi xách tay bằng da đen căng phồng đặt ở đuôi cái giường sắt cá nhân, rồi ngồi như gieo người xuống đó làm cái giường kêu lên ken két, keg két.

Cái túi xách tay căng phồng ấy của hắn hình như đã thu vào nó hết thảy những gì có thể dùng được trong căn lầu rộng khoảng 35 m này. Một ngọn điện câm lặng phát ra một thứ ánh sáng trắng toát, cực mạnh. Trong đó, mọi thứ hiện ra đúng với hình thức, dáng vẻ đang có còn hơn dưới ánh sáng mặt trời. Căn lầu dăng dăng mạng nhện, những bức vách sỉn màu, tróc lở, một cái bàn gỗ nhỏ kê vào một ô cửa sổ... Một chiếc váy màu hồng phấn rực rỡ... Còn tên thanh niên thì nhả khói thuốc lá mờ mịt...


LyLy quay người lại, nhìn hắn, môi nhẹ điểm một nụ cười. Hắn có vẻ căng thẳng nhưng cô thì cảm thấy tỉnh như sáo, như vừa ngủ một giấc đẫy đà, nên chẳng có lý do gì để trở lại với phòng ngủ, với ông chồng ở độ tuổi 60 năm cuộc đời, đã ngáy, đang ngáy, sẽ mãi mãi ngáy cho đến khi không còn được ngáy nữa thì thôi. Cô bước về phía hắn, ngồi xuống giường, ở khoảng giữa hắn và cái túi xách hành lý của hắn, với câu nói cho vui nhà vui cửa:

- Anh về quê rồi vô lại nữa chứ?

Hắn khẽ lắc, chống tay ngồi duỗi dài ra, lưng tựa vào vách tường.

- Anh định lập nghiệp ở quê luôn à? Quê anh ở đâu vậy?

- Huế!

- Huế ư?... Trông anh khác người của sông Hương núi Ngự quá!

- Sao mới giống?

- Huế nhỏ nhẹ, kín đáo chứ mô mà dồng dổng ra giữa trời rứa!...

- Em có ở ngoài đó một thời gian, hồi còn là sinh viên. LyLy nói với nụ cười, nhưng bất chợt ánh mắt cô trở nên xa vắng, u ẩn. Cô định nói gì đó nữa, song ngập ngừng, lại thôi. Nhìn sang hắn, cô thấy hắn có vẻ nghĩ ngợi, rồi hắn chậm rãi nói:

- Tôi đã trôi nổi đây đó khá nhiều năm, đến mình cũng không còn nhận ra mình huống chi người khác... Hồi nhỏ tôi thường qua lại cầu Tràng Tiền không biết mai này về có tìm lại được những cảm giác đó không? Hình ảnh của chiếc lược ngà bắt qua dòng Hương Giang thơ mộng đã không còn nữa, phải không Ly?... Hình ảnh của một thanh niên Huế, dịu dàng, trầm lắng, lãng mạn, tài hoa đã là một thứ của hiếm. Tôi có biết vài bà vài cô cứ phàn nàn về anh chồng dân gốc Thần kinh của mình, còn Ly có lẽ đã gặp một anh chàng điển hình núi Ngự, phải không?

- Không có đâu, hồi đó em còn nhỏ dại ngây thơ lắm! LyLy nói với nụ cười, rồi cất tiếng cười giòn tan, réo rắt câu sau nói đùa tiếp theo, rồi một câu nữa và một câu nữa. Cô muốn cười đùa để hắn cười đùa, để xua đi cái lạnh vắng của đêm khuya, cái trần trụi, trơ cứng của căn lầu, thế nhưng hắn chẳng có vẻ gì là hiểu ý cô cả, vẻ mặt, dáng điệu hắn vẫn khinh khỉnh, dàu dàu, trông hết sức nặng nề, u ám, làm cô cụt hứng, phát bực lên.

- Cứ nghĩ rằng học hành là con đường duy nhất để thoát cảnh nghèo hèn, tăm tối, nhưng rốt cuộc chỉ tổ làm mê muội thêm. Hắn bỗng nói, rồi ngồi thẳng lên nhìn sang LyLy, hỏi về chuyện học hành trước đây của cô.

- Từ đó đến nay em vẫn chưa về nhà! LyLy kết thúc mẩu chuyện ngắn gọn về khoảng đời sinh viên dang dở của cô. Cô đã định không nói, đã cố vùi chôn nó, chỉ gợi lên nỗi buồn phiền vô ích, cô không hiểu vì sao lại nói, lại nói với cái tên sẽ trở lại mảnh đất ghi dấu sự thất bại đầu đời của cô, và thất bại này mở ra cho thất bại khác, một chuỗi xoắn ốc, một mũi khoan khoan dần xuống lòng địa ngục: Cô rời đất Huế ngay trong cái ngày tên tuổi bị gạt ra khỏi danh sách những cử nhân tương lai vì đã không vượt qua được kỳ thi gọi là chuyển giai đoạn trong thời điểm có cái gọi là đại học đại cương, đã gục xuống trước một hàng rào, trên chuyến tàu trực chỉ thành phố Sài Gòn này, và đây là một cái bẫy khổng lồ chực chờ bước chân loạng choạng của những người trẻ tuổi thất vọng, chán chường, bế tắc, và có lẽ giờ này cô đã ngủ vùi bên cạnh ông chồng đã quá đát của mình nếu như tên thanh niên người Huế đang nói lời chia sẻ với nỗi buồn riêng của cô đã làm cái điều mà gã nhân tình kinh niên, kẻ đã dụ dỗ cô vào nẻo đường bán phấn buôn hương cách đây mấy năm sẽ làm, từng làm, nghĩa là đè lên người cô ngay mỗi khi cô xuất hiện, tất nhiên chẳng ai cho không hay hưởng không cái gì cả

- Ly hút thuốc không. Hắn dừng lời, rồi hỏi khẽ khi thấy ánh mắt người đàn bà cứ chờn vờn trên điếu thuốc đang tỏa khói của hắn.

LyLy chầm chậm nhả khói. Đêm lạnh, lòng người cũng bất chợt lạnh... cô chỉ nghe rì rầm bên tai một giọng nói, trước mặt cô như hiện ra bóng dáng một cô gái ngồi lặng bên ô cửa, nước mắt ràn rụa nhìn quê nhà xa dần xa dần...

- Anh đi ư? Giọng cô ngỡ ngàng khi sực thấy người ngồi bên cạnh đứng lên.

Hắn khẽ gật, bước ngang qua mặt cô, tay quơ lấy cái túi xách.

- Còn sớm mà anh.

- Đi tới đó là vừa... Trước sau gì cũng phải đi thôi.

- Em biết.

Đôi mắt ngước nhìn lên của người ở lại làm người đi ngập ngừng, băn khoăn, rồi ngồi trở lại.

Họ im lặng một lúc khá lâu, mỗi người mỗi điếu thuốc, những làn khói hòa quyện vào nhau, mù mịt, rồi tan biến vào thinh không. Tiếng thạch sùng tặc lưỡi đâu đó.

- Sự trở về của tôi giống như sự sắp đặt của số phận vậy! Tên thanh niên bỗng cất tiếng. Cứ nghĩ sẽ sống mãi trong cảnh sống vô gia cư chết vô địa táng... Hồi nãy ở ngoài sân thượng chắc tôi trông khó coi lắm, phải không Ly? Tôi nằm trần ra như thế là bởi đang tắm đó! Hắn mỉm cười. Nghĩ cũng điên thật, tôi muốn nhờ sương gió trăng sao tẩy rửa, gột rửa mình, tôi muốn cho thật sạch sẽ, thật thơm tho như những ngày đầu bước chân đi... Không biết rồi ở quê sẽ làm được những gì? Người ta đổ vào đây còn mình thì ngược trở ra... Mai lên tàu, mốt tới quê, hôm kia đã đón giao thừa ở nhà... Cứ như trong mơ vậy! Ly có thích đón giao thừa không? Tôi thích lắm! Nhớ hồi nhỏ... Những giao thừa đã qua thật tồi tệ... Có lẽ giao thừa năm nay tôi chỉ có một mình, tôi thích được ở một mình trong những thời điểm như thế, ngồi nhìn lên bầu trời tĩnh lặng, huyền bí, suy nghĩ, tôi thường nghĩ mình sẽ làm cái gì đó khác hơn những thứ đã làm trong năm cũ, thế nhưng mọi việc rồi vẫn cứ y như thế... Vướng vào một thứ gì đó thì sao mà quá dễ dàng!... Nhưng lần này chắc là phải khác đi, tôi đã dứt khoát từ bỏ thành phố này rồi, tôi muốn làm lại cuộc đời, không biết là cuộc đời thì có thể làm lại được không nữa, đúng ra tôi chỉ thay đổi cách kiếm tiền, kiếm tiền một cách lương thiện để cho tâm hồn thanh thản, sống một cuộc sống bình thường, giản dị và nhẫn nhục, chịu đựng như những người dân quê tôi... Nhưng thật không thể hiểu nổi! Ly có biết khi mới vào đây tôi đã ở trong căn nhà này không? Từ đây đến trường học, rồi từ đây ra hè phố, rồi cũng từ đây trở lại với những năm tháng hồn nhiên! Thật khó hiểu! Định mệnh hình như đã đặt tôi vào một trò chơi?.. Ly có biết không, thời tôi còn ở đây căn nhà này chỉ là một cái vỏ thôi, nhưng là một cái vỏ chứa đầy tiếng cười, nó có cả một gia đình đông đúc, và những người quen thân... Hình như tiền bạc chảy vào càng nhiều càng mạnh thì càng làm xói mòn, xói lở?... Thật đáng xấu hổ! Cách đây mấy ngày tôi đã tình cờ gặp lại người đã từng là bà chủ của căn nhà này, đúng ra là bà đã nhận ra tôi, ở nơi nào khác, hoặc như người ta hay nói một xã hội công bằng văn minh thì bà ấy đã có thể có một gia tài nho nhỏ hay ít ra cũng không đến nổi xơ xác, tàn tạ như hiện tại, sau khi ly dị... Chỉ mới vài năm không gặp mà như đã trăm năm! Nhưng chính bà đã mở mắt ra cho tôi đó... Bà đã tạo điều kiện cho tôi về, bà thương tôi chẳng khác gì con đẻ của bà... Bà đã rời căn nhà này trong sự ép buộc, trong phẫn uất, đau khổ!

Nói tới đó, hắn đột ngột câm bặt, tay búng mạnh điếu thuốc đang hút vào bức tường trước mặt...

- Cuộc đời chó má thật! Hắn bỗng gầm lên, rồi đứng vụt lên. Ly, xuống mở cửa cho tôi! Giọng hắn hằn học, nói xong không nhìn vào người đàn bà, và cũng không đợi cho cô ta tỏ ý gì, đã cùng với cái túi xách bước thẳng về phía cánh cửa dẫn xuống phía dưới nhà.

LyLy cảm thấy tức giận...

- Anh nói cho rõ ràng rồi đi! Tôi có phải gây ra cảnh bất hạnh cho bà ấy đâu!

- Chính cô đấy, những kẻ như cô!

- Anh im đi!

- Có mở cửa không?

- Ai đưa anh đến đây thì đợi người đó mở cửa!

- Được! Tôi tự đi đây. Hắn vừa nói vừa xoay người, cái túi xách đen vẽ lên một đường đen loang loáng, và cũng không nhìn người đàn bà, bước xéo qua mặt cô ta về phía cánh cửa mở ra sân thượng.

Hắn định trèo xuống như đã từng trèo lên, chẳng biết vì cái nỗi gì hắn lại làm cái chuyện của dân nhập nha trong một đêm cuối năm lạnh lẽo, ướt át, cực kỳ tịch mịch, bình yên thế này, nhưng rõ là hắn muốn giỡn mặt tử thần. Bịch! Hắn đã ném cái túi xách xuống ban công tầng lầu...

Người đàn bà vừa ra đến nơi, cô ta hốt hoảng kêu lên “ Anh điên hay sao vậy?” trong cái vội vã sải bước về phía tên thanh niên, và chụp mạnh vào một cánh tay hắn, kéo lại.

- Thả ra! Hắn quát sau cái trụ người lại, rồi bất thần đẩy mạnh một cái làm cô ta văng ra, loạng choạng, trượt té trên sàn bê tông đẫm sương, còn hắn cũng bị mất thế, chới với, và nếu không kịp ghìm cái chân đã ở bên ngoài dãy lan can bao quanh sân thượng có lẽ giờ đang nằm bẹp dưới vỉa hè sáng choang choang ánh đèn cao áp.

Điều đó làm trán hắn toát mồ hôi hột, hắn đưa bàn tay run rẩy không thôi quẹt ngang dòng mồ hôi hòa với nước trời ròng ròng trên mặt, đôi mắt hoảng loạn hướng xuống phía dưới đường nhẹ khép, rồi lẳng lặng rút cái chân định mệnh trở về phía trong sân, và thế rồi bỗng dưng ngồi thụp xuống, đưa hai tay ôm lấy đầu.

LyLy lồm cồm ngồi lên, cô định đứng dậy, song rồi cô vẫn cứ ngồi nguyên đó, hai tay vòng qua đầu gối, mắt đăm đăm nhìn vào gã thanh niên. Cô cảm thấy một nỗi mệt mỏi, ủ ê, rã rời, chán ngán bao trùm...

Thật ra cô tìm đến chốn này không phải là chỉ để thỏa mãn tình dục, mà sâu xa hơn, nguyên nhân xuất phát, cái tạo ra một sức mạnh để mặc kệ việc gì đến thì đến đưa đi đâu thì đi, chính là cô muốn mượn nó, nhờ đến nó, qua tên thanh niên kia hay bất kỳ ai, để quên đi, xóa đi, vùi chôn đi những cảm giác, cảm nhận, những ý nghĩa về cái trống rỗng xác xơ, nỗi đọa đày cay đắng, nỗi buồn đến độ muốn bỏ đó tất cả mà đi vẫn thỉnh thoảng nổi lên, trỗi dậy một cách không thể kiểm soát được từ sâu thẳm của trái tim cô, đưa ma rước quỷ vào tâm hồn cô. Một cái vòng luẩn quẩn, đen tối: Tránh cái tồi tệ này lại đụng phải cái tồi tệ khác còn nguy hại hơn. Tuy nhiên đêm nay cô đã gặp được một con người không như bao nhiêu con người khác cô từng biết đến, hiểu qua.

Hắn bỗng đứng lên, nhìn lướt qua cô, rồi lẳng lặng bước vào nơi hắn hùng hổ lao ra.

Cô nhìn theo hắn, rồi đứng lên. Cô cảm thấy ê ẩm khắp người, cái chân trái đau buốt ở khớp gối. Cô khẽ cúi xuống xoa xoa bóp bóp vào đó, rồi khập khểnh đi vào nơi tên thanh niên vừa vào. Đã khá lâu rồi cô không bị đau như thế này, có cảm giác về điều này, cô cũng đã bị xô té một cách phũ phàng không ít lần nhưng không phải là xuống cái sân thượng sắt thép mà là ở chốn đèn màu phù hoa.

Giờ đây hai người đã đang ở trước cổng ngôi nhà đồ sộ, im lìm. Đã hơn 3 giờ sáng. Xung quanh hãy còn vắng tanh, lạnh giá, trên hàng cổ thụ u trầm trải dọc theo quãng phố, sương rơi thành từng giọt như mưa. Nhưng ở một nơi nào đó, những âm thanh tiếng động, nhịp điệu của một ngày mới, của cuộc sống, sự sống đã rì rào lắng đọng.

- Thôi, anh đi nghe Ly. Người đàn ông trẻ bỗng nhìn thẳng vào mặt người đàn bà trẻ nói dịu dàng, rồi khẽ xốc lại cái túi xách đen mịt trên tay, quay người, chầm chậm bước đi.

Bóng hắn trải dài, trải dài...

Giọng người đàn bà bỗng cất cao:

- Em sẽ nhớ mãi đêm nay! Nhưng anh à, em chưa biết tên anh?

- Tên gì cũng được mà... Một tên người Huế lưu lạc vậy nhé, Ly!

- Anh người Huế lưu lạc gì ơi, nhớ nghe, em không phải là Ly, em tên là LyLy.

Câu nói làm kẻ đang bước đi đứng lại, rồi nhè nhẹ quay người lại, rồi với ánh mắt đăm đăm nhìn vào người đàn bà đứng cách mình vài mét, hắn nói nhẹ nhàng:

- Anh biết chứ, anh biết rất rõ, nhưng em à, khi nào rảnh rỗi em hãy đến một nơi yên tĩnh, thử gọi tên mình lên nghe nhé! Tạm biệt...

LyLy!...LyLy!...LyLy!... Bóng tên thanh niên người Huế lưu lạc đã mất hút sau ngã ba, nhưng người đàn bà vẫn còn sững sờ, bất động, ánh mắt chết cứng theo một đường thẳng băng, xuyên qua mọi thứ án ngữ, che khuất tầm nhìn. Hắn đã đến và hắn đã đi, và hắn vừa gây ra vừa để lại, ôi cái câu nói cuối cùng này... Phải chăng ấy là, anh yêu em, không còn hơn thế nữa... Nhưng hắn là ai? Cô không hề biết gì về hắn cả, hắn được ông chồng cô đưa về đây đã gần 2 tuần lễ, thông báo ngắn gọn: Đây là con trai của một người bạn thân đã qua đời của anh. Chỉ có thế, ông ta không những không nói về hắn mà còn hầu như không chuyện trò gì với hắn, xem hắn như một pho tượng biết di chuyển, như cực chẳng đã lắm, như bị ai bắt buộc phải đưa hắn về nhà, còn hắn cũng vậy, như thể vừa câm vừa điếc, chán đời trầm trọng, chỉ đến bữa ăn mới lừ đừ như ông từ giữ đền xuất hiện trước mặt mọi người, hắn gợi lên một cảm giác khó chịu, xốn xang, một vật đen, một vết vằn vện giữa những đồ nội thất sang trọng trong ngôi nhà 3 tầng tráng lệ này, trước đêm nay, cô mong hắn biến đi đâu thì đi cho rảnh mắt, cô đã nhớ ra hắn như người ta sực nhớ đến một món đồ bị lãng quên trong xó tủ... LyLy...LyLy... cái tên này dành cho ai đây? Cái gì đây? Một đồ vật, một con chó, con mèo hay là một con người? LyLy, tới đây! LyLy biểu đây! LyLy cho mày cái này đây! LyLy ngoan nào...

Những tiếng bước chân gấp gáp đột ngột vang lên, rồi một giọng nói nặng nề, bực dọc, ngái ngủ cất lên giữa khung cảnh băng giá, lặng câm:

- LyLy, sao đứng dậy? Có chuyện gì thế?

Người đàn bà bỗng quay phắt người lại, trừng trừng nhìn xuống khuôn mặt tròn tròn, láng láng, xam xám, hằn lên những vết cắt ngang dọc trông như một cái bánh đúc của người đàn ông đứng tuổi vừa xuất hiện, và bỗng quát lên:

- Tôi không phải là LyLy! Các người đã kêu tôi là LyLy! Tôi là Ly, cha mẹ đặt tôi tên Ly, Nguyễn Thị Ngọc Ly!

- Em... em làm sao thế, LyLy?

- Ông câm đi! LyLy đã chết rồi, đã chết thật rồi! Nghe rõ chưa?... Tôi đến đây không giấy tờ văn tự, không tình cảm không yêu thương, ông cần tôi tôi cần ông, bây giờ tôi không cần ông nữa, tôi không cần bất cứ thứ gì của ông nữa, của các người nữa! Tôi đi đây, tôi về nhà tôi đây... Tôi là Ly... Trời ơi, tôi là Nguyễn Thị Ngọc Ly... Nguyễn... Thị... Ngọc... Ly... Ly...Y...

Giọng người đàn bà trẻ vang dài vang xa, vang vọng nôn nao thổn thức, cứa vào khu phố đang chuyển mình về sáng, nhỏ dần, nhỏ dần, chìm đi trong một tiếng rao gọi khỏe khoắn: Bánh mì nóng đây!...

Huế, 12- 99
V.N
(133/03-2000)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...

  • NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.

  • NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...