Mặt trời

08:46 08/07/2022

HOÀNG THU PHỐ

1.
“Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)

Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Hiên nghỉ việc hai năm, dùng số tiền tiết kiệm để sống, chẳng làm gì, đơn giản chỉ là sống, lang thang và sống.

Điện thoại nhấp nháy sáng, Hiên để chế độ như vậy để bớt bị làm phiền, bớt những thứ quấy nhiễu mình từ đời sống xập xình chạy nhảy ngoài kia. Hiên thích khi nghĩ đến việc, một lúc nào đó từ bỏ những tiện nghi của thế giới này, không smartphone, không facebook, không gmail, không báo mạng, không tivi. Hiên sẽ tự do theo đúng nghĩa - trong suy nghĩ, có thể đi bất cứ đâu mà không cần đoái hoài điều gì cả (và không bận tâm xem có ai đó nhắc nhở, có ai đó có thể đang kiếm tìm, hay dõi theo mình ở bất kỳ nơi đâu trên những không gian ảo đó). Như có lần Hiên xem một bộ phim, kẻ đao khách lang bạt nửa đời chọn cách dừng lại ở lưng chừng thanh xuân, trú chân trên một ốc đảo mở một tửu quán giữa bạt ngàn mênh mông mặt trời với cát bỏng, sống lẳng lặng giữa lay lắt muộn phiền, vài thứ chờ đợi trong vô vọng, ngày tháng như đang dần trôi đi. Và mỗi năm khi cơn gió Đông đầu tiên táp vào cái chuông gió cũ kỹ xỉn mầu như thể tất cả đã lãng quên kẻ giang hồ tự quên mình đó, một người bạn không tên, không rõ tung tích, không biết quê hương, lại xuất hiện. Hiên không nhớ họ đã đối đáp trong câu chuyện bằng những gì, chỉ biết sau ba ngày ngồi với nhau và rượu, kẻ không quê hương đó lại bỏ đi, để lại những lửng lơ không giải thích nổi, và lời hẹn tái ngộ khi gió Đông thổi một lần nữa vào năm sau, không có tiệc chia tay, không những câu nói hay cái bắt tay của cuộc đưa tiễn vẫn thường thấy, kẻ ra đi thì biết ra đi, kẻ ở lại biết mình ở lại. Hiên có bao giờ đến đoạn phiêu du như vậy, có một nơi bơ vơ như một địa chỉ để đi và đến, một thứ biết sẽ không phải kiếm tìm, - và cứ như lịch đã hẹn, Hiên sẽ giã biệt những bùng nhùng đang vây lấy mình trong mỏi mệt rời rã này, lang thang bất chợt như bất cứ kẻ si tình ăn phải bùa mê nào, như cọng cỏ nẩy những mầu chồi xanh trên năm tháng đìu hiu mà không cần trông ngóng hay hy vọng quá nhiều vào điều gì, vào thứ gì mà thực ra chỉ là ảo vọng bên rìa đời sống.

Cuộc gọi nhỡ lần thứ ba, màn hình lưu lại thứ ánh sáng trong nhờ nhờ xanh hắt lên trước khi vụt tắt. Ngày đang tắt.

Tháng 7, vàng óng. Mùa hè, buổi chiều đang gió. Hiên cởi trần nằm như con cá ươn bị quăng lên bờ cỏ, chung quanh nào cơ man là nắng, mắt lim dim.

2.

Hiên đã mường tượng mình sẽ sống thế này từ bao lâu, hai năm, năm năm, mười năm trước, hay lâu hơn chút nữa. Chỉ biết giờ Hiên không quá buồn, không quá vồn vã, không phải Hiên lang thang như cái bóng, mà lặng lẽ, lặng lẽ từng ngày một, một chiếc lá trong ngày mưa hay nắng buông cành và cứ thế trôi, không còn gì là quan trọng, không còn vài mục tiêu phải đeo đuổi, nhưng đôi khi thấm ướt buồn thương và lạc lõng, Hiên nhớ bài thơ ông nhạc sĩ tóc dài lơ đãng (có thể là viết cho một người tình lầm lẫn).

“Tôi thả con thuyền giấy
con thuyền giấy trôi.
Tôi thả một bông hoa
bông hoa trôi.
Tôi thả một chiếc lá
chiếc lá trôi.
Tôi giữ chặt em
em vẫn trôi…”
(**)

Hiên đang thả năm tháng của mình, nó cũng trôi!

Quán cà phê dưới chân đồi mưa, nhiều dương xỉ, thẫm ướt, Hiên chờ một cuộc gọi, một hẹn gặp mà không biết nên trông đợi gì ở nó, hay đã quá lâu Hiên không còn trong cảm giác chờ đợi một ai cả, như lúc này.

Trời chiều sẽ mưa nhiều hơn, những đám mây xám mầu nước trôi chầm chậm qua các đỉnh đồi, phía trên cái hồ nhiều rong tảo bên kia đường, như sà xuống, như mỏi mệt cần trút bỏ. Xa xa chỗ ngã rẽ là mầu vàng đang cũ dần của mảng tường gắng gượng với thời gian, nó cũng mỏi mệt như Hiên vậy, cái ngôi trường phổ thông mà nếu vào mùa hè là rực nắng với phượng vỹ lòa xòa và ve.

...

Mẹ bảo Hiên đi xem mặt, một cô gái có công việc ở đây, cùng trong thành phố nhỏ hẹp mê man mưa này, lần thứ ba trong năm.

“Kém con sáu tuổi, công việc ổn định, đã là công chức nhà nước”. Ổn định, Hiên không hiểu ngữ nghĩa mà cụm từ này cần biểu đạt, Hiên chỉ cảm giác mọi thứ như những đoạn khúc, không thể đoán định được trong hiện tại này mình nên làm gì, tiếp sau là tương lai mình sẽ ước mong gì, hay có nuối tiếc ở quá khứ đã qua không? Đời sống là bất trắc, làm sao biết trước mà lo liệu được, Hiên chỉ sống, muốn sống thôi, đâu có gì khác ngoài sống, hiện tại, tương lai hay quá khứ là thứ gì ai đã đặt tên, nó mông lung mờ mờ ảo ảo như những màn mưa trước mặt, như cô gái đang ngồi trước mặt Hiên váy mầu trời nhạt, chân đẹp, hơi gầy, mắt sắc lúc này.

“Anh không có ước mơ, vì không biết ước mơ là gì!” Hiên nói khi bỏ ánh mắt vào khoảng không.

Khi người ta gặp nhau tình cờ, có thể là một duyên cớ, sợi dây vô hình mong manh nhưng bồng bột đam mê, để trìu mến, đắm say, và gắn kết hai mảnh đơn côi tách biệt, hai tâm hồn sẽ rực rỡ bay giữa mặt trời bềnh bồng, mà quên đi thời gian, quên đi những thứ vẫn thường hiện hữu. Có thể khi còn trẻ, họ còn may mắn có được những hạnh ngộ tình cờ ấy. Nhưng khi bất chợt điều gì đó nhắc họ tuổi tác đã đong đầy, thứ đang treo nặng trên đôi vai, rồi một ai đó sẽ gạt đi những tình cờ đẹp đẽ đó, gọi tên vài sắp đặt, những dàn xếp mà người trưởng thành tự biến thành gánh nặng. Chẳng ai có thể sắp đặt lại đời sống - mà khi nghĩ mình đang sắp đặt đời sống, có thể phần nào đó trong mình đã chết rồi. (Nó chắc không hề giống cái bước chân “về thu xếp lại” của người nhạc sĩ ngày nào đã từng lơ đãng ước ao).

Hiên biết khi nói ra những điều này với cô gái, mọi thứ sẽ kết thúc, kết thúc ngay khi nó chưa kịp bắt đầu. Cũng không sao, một buổi xem mặt, một thứ thất bại nữa, nhưng Hiên đã làm theo những gì mọi người dàn xếp, và giờ có lý do để nói với mẹ vì sao cuộc gặp gỡ đó dừng lại, nó không thể đi tiếp. Như Hiên, biết quãng này đời sống mình như vậy, cần vậy.

3.

- Hay chúng mình cưới nhau?

- Hiên chưa nói yêu em bao giờ, làm sao cưới được?

“Đâu cần phải nói ra điều đó. Hiên giữ trong này”. Hiên đặt tay vào ngực mình, nhìn Thi, mặt trời ngả vàng, chiều dài hơn chờ đợi.

Thi bỏ nhà theo chân ai vào mùa mưa năm ấy, khi mưa phùn lắc rắc, khi cây xoan đào nở những chùm phơn phớt hồng treo trên sương mù. Khi Hiên vẫn chưa một lần nói yêu Thi. Thi bảo không đến được với nhau, thì làm bạn! Hiên nghe như kẻ ngây ngô dài dại, như bấy lâu nay ở mãi trong mộng mị. Một cái gì nhỏ nhoi vỡ, đi mất, nằm lại; lốp bốp trước mặt những âm thanh khô khốc, làm bạn (đến lúc này Hiên vẫn giật mình khi có cô gái nào đó bảo chúng mình sẽ làm bạn) thật lạ, làm sao có thể vùi đi từng đấy tháng năm chỉ để đổi lại hai chữ cái trống không, như cái giá một món đồ ai đã mặc cả khi nó không còn chút giá trị nào trong lòng nhau nữa.

Cha đã chặt cây xoan đào trước nhà, (ông bảo nó chẳng tích sự gì, chẳng đem lại điều gì, chỉ thi thoảng làm người ta mất thời gian xem nó ra hoa quãng độ sương mù), cũng không còn đọc thơ vào những buổi chợ muộn hay hút thuốc cho khói bay len qua song cửa ngày xưa Hiên hay ngóng mẹ về.

Có thể cha nói đúng. Thứ tình cảm Hiên dành cho Thi cũng chẳng tích sự gì, nó không giúp ích cho ai, không cho Thi, và không cho cả Hiên nữa. Thi thoảng nó đẹp, nhưng vô nghĩa!

Ai đó bảo có một thứ tình yêu. Ai đó cố gắng để quên vùi nó đi. Cũng có người vất vả hơn là tìm cách thù hận nó bằng tất cả những thời gian mình có. Nó có thật không?! Hay chỉ là khoảnh khắc mù lòa của số phận khi tất cả bị dối lừa và say ngủ. Để rồi khi tỉnh dậy (theo bất cứ phương cách nào cuộc sống mang lại) chúng ta sẽ nhìn thẳng vào nhau và bảo, tình yêu là cái gì nhỉ?! Có thực nó tồn tại không? Đấy, cái mà giờ Hiên đang thấy nó lởn vởn trong đầu mình, như thế. Như quãng nào Hiên đã tự hỏi, người con gái tên Thi (là tên cô gái trong lời hát, dĩ nhiên không phải Thi của Hiên trong một năm tháng nào, nhẹ nhàng ra đi như giữa hai đứa chưa có gì xảy ra) có biết tình yêu là gì không? Thi đã sống những tháng năm nào với điều ảo mộng ngọt ngào ấy, có phải bùa mê, liều thuốc tinh thần đưa chân kẻ mê đắm tới cửa tử, chẳng có niềm giải thoát nào chôn sau những trò đùa tai hại của những tháng năm mình sống ấy.

“Khi con tim yêu đương là sống với đau thương/ Khi con tim yêu đương là chết với u sầu” yêu để chết, để mà chết đi thì yêu làm gì?! Hiên không biết người viết nhạc ấy (chắc phải bi thương và đẹp lắm) gom nhặt những điều gì mà viết ra những hình ảnh rưng rưng cô đơn chua xót bằng vậy. Biết đâu, con người đẹp nhất cũng là trần tục bi ai, biết đâu khi bước tới cánh cửa để chối bỏ đi thứ tình yêu đớn đau kia, Thi cũng mang linh hồn mình trôi vào xanh thẳm, không hận thù gì nữa, chỉ có chú chim là thấy nàng khóc một mình. Một giọt lệ trong lành, phai úa, muộn màng.

4.

“Ai cũng thích buồn như gã làm thơ, chỉ có gã làm thơ là biết buồn thì âu sầu thế nào. Nên mãi chẳng ai hiểu cả, có mỗi gã làm thơ là buồn thôi, một thứ buồn thật thà. Nó bay bay, như góp mặt yếm thế nhưng người đời thấy đẹp (hay trong mắt họ kẻ cô đơn chưa khi nào là thứ có thể gây đau khổ cho ai, làm hại đến ai). Nhưng họ đâu biết nỗi buồn thì có thật”.

Hiên đọc những dòng này khi mùa hè đang trôi ngoài ô cửa, những vệt bụi trắng nhờ ánh lên lấp lánh, bữa trước Lam hẹn sẽ qua rồi lên phố, có một tiệm sách nằm sâu trên đường Âu Cơ, cây cối um tùm. Lam bảo thử đi trốn, nếu không giả vờ đi trốn thì làm sao sống với cuộc đời này. Ngắm sen nở nốt, có khi gọi chai rượu vào chiều muộn, thủ thỉ, rồi thế nào cũng kêu chán, kêu cuộc đời sao bần thần như vậy, Lam sẽ ném chén xuống cái ao loang loáng nước, thế là hết một ngày. Trong lúc mập mờ say, Lam bấu những ngón mũm mĩm có tưa hồng của máu vào vai Hiên lảm nhảm:

- Sẽ lụi tàn, Lam sẽ lụi tàn. Như cái mặt trời đỏ kia đang vùi mình xuống vùi mình xuống sâu hơn, Hiên chẳng thể làm gì với cuộc đời Hiên, cuộc đời em, chúng ta bị rơi giữa những khoảng trống mơ mộng, chẳng có điểm nào tựa nương, bấu víu, như những đốm lửa bị ném lên trời. Khi sa xuống thì ai cũng biết kết cục của nó. Và, em buồn hơn nữa, vì em lụi tàn mà không có tình yêu của Hiên.

- Nhưng mà, cứ mãi thế này và già đi được sao?!

5.

Một biển hồ trên núi, đâu quãng đầu nguồn sông Hồng, ba mặt là núi, quanh năm mây mù che phủ, nếu nhìn từ trên cao cũng không cho người ta hình ảnh nào về vùng nước quanh năm bị những tảng mây lừ đừ làm mất dấu, không mấy người biết về cái hồ lạ lẫm ấy, Lam nghe từ một bà già gặp đâu đó trong một phiên chợ ở thị tứ xa xôi mạn giáp Bảo Hà. Bà cụ đã leo lên những ngọn núi đó, đã nhìn xuống thung lũng xanh rợp của nước, lúc đó bà còn trẻ, trẻ như Lam bây giờ, và bà tiếc mình đã không nhảy xuống, một lần từ đỉnh núi, trên nữa là mây, ở khoảng lửng lơ là bà, phía dưới lặng lẽ xanh, xanh như giấc mơ của bà vào mùa thu, bà chỉ ước mình trẻ lại, để một lần nữa leo bằng đôi chân này, ngắm cái quang cảnh trần gian ngút ngàn không sao cưỡng lại trong mê đắm, và bà sẽ nhảy, nhất định sẽ nhảy, không một đắn đo, như cánh chim hớp ngọn mặt trời và lặng yên lao mình vào hố thẳm, sẽ không còn những tiếc nuối dầu dãi bà gom lại và tha thẩn bày bán trước mặt Lam thế này, để đếm thời gian trôi.

Thế là Lam đi, Lam hỏi Hiên có muốn đi chuyến cuối cùng với mình, Lam hay có những dự cảm kỳ lạ.

Hiên chỉ cười trừ, nếu cứ chạy đến một vùng đất, một chân trời, hay một xa xôi để trốn chạy, ai sẽ lãng quên ta, hay chính ta sẽ lãng quên mình. Rồi sau đó thì sao, mọi thứ sẽ lặp lại, sẽ y nguyên, cũ. Hiên đã không đi, đã lần chần trong lần hẹn.

Tin báo về muộn ba ngày, Lam chết trên đỉnh đèo khi kiệt sức. Lam đã đúng, cuối cùng thời khắc lụi tàn đã đến, nó chỉ đến theo một cách, mà Hiên chẳng có một cơ hội để ngần ngại trong phút giây mà thương xót được.

Lam chết một mình, giữa đỉnh đèo, bữa ấy, những con nắng cuối của mùa hạ đang reo, không một ai ở bên, hay có thể đúng hơn là không thứ gì ngăn cản Lam ra đi được, gió, cây rừng, vài vạt mặt trời còn sót lại, những kẻ chứng kiến chỉ vẻn vẹn có vậy. Không biết Lam có buồn lắm không, hay trong thứ chập chờn lãng đãng trôi cuối cùng ấy Lam có thể sẽ biết, con người vốn dĩ là cô độc, sớm hay muộn cũng phải đón nhận nó, thường trong những giây phút hữu hạn ta đều trốn chạy, nhưng có khi đến chặng cuối con đường chỉ có nó là bạn, nó chỉ đến theo một cách khác, quanh quẩn, và độc nhất.

Hiên hút thuốc trở lại từ ngày Lam chết. Cũng chẳng biết để làm gì, chỉ bỗng dưng thấy nhơ nhớ một cái gì vẫn thường bên mình, thủ thỉ, như hơi thở lẩn khuất gần gũi, mà bình thường chẳng cần để ý vẫn biết nó ở nguyên đấy, chờ đợi, như thứ gì của mình, hiển hiện, thân thuộc, và có thể tìm đến bất cứ lúc nào, tựa nương một chút, nghỉ ngơi một chút mà chẳng phải giãi bày gì, tranh cãi gì. Có gì rỗng hoác trong này mà không thể khỏa lấp, Hiên thấy mình vật vờ như chiếc bóng, đi lại, nằm ngồi, hít thở, chỗ nào cũng chẳng cho mình cảm giác yên lòng, cảm giác mà Lam đã từng luôn đem lại. Mọi thứ đang vô cớ trở nên xa lạ, xa lạ hơn, giống những khuôn mặt tưởng chừng là thân quen nhưng giờ nó thiếu đi một hơi thở, một bàn tay động chạm, và Hiên cứ ngắm mãi cái cảm giác mọi thứ lùi dần vào xa lạ trong quên lãng ấy. Lam đã làm gì trong khoảnh khắc cuối cùng trên cái đỉnh đèo ngập nắng. Hiên đã thử qua đó vài lần, tưởng tượng cái cảnh Lam bơ phờ bụi đường ngắm ánh sáng tưới tắm mình một lần sau cuối, nhưng không tìm ra vết dấu nào, một thứ gì gợi lại trong Hiên về Lam, về ngày tháng Lam đã sống, vui đùa, tồn tại, và cô đơn trong cõi sống này.

Đến tận bây giờ Hiên cũng không dám hỏi bản thân, Hiên có yêu Lam không? Nó là thứ gì khó đoán, chông chênh, và dễ vuột mất. Nhưng có thực nó quan trọng, với những người đang sống như Hiên. Có thể, khi chúng ta chưa gây cho nhau quá nhiều nỗi đau, đó cũng là cách để kết thúc. Một kết thúc mơ tưởng chẳng ngọt ngào.

H.T.P
(TCSH45SDB/06-2022)

--------------------------
(*) Lời thoại trong một bộ phim.
(**) Thơ Văn Cao.

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...