Mai Văn Hoan từ “Ảo ảnh” đến “Giếng tiên”

17:14 10/06/2009
NGÔ MINHĐến tập thơ chọn Giếng Tiên (*), nhà thơ - thầy giáo Mai Văn Hoan đã gửi đến bạn yêu thơ 5 tập thơ trữ tình, trong đó có hai tập thơ được tái bản. Đó là tập đầu tay Ảo ảnh, in năm 1988, tái bản 1995 và tập Hồi âm, in năm 1991, tái bản năm 2000. 15 năm xuất bản 7 đầu sách (2 tập tiểu luận) và đang có trong ngăn kéo vài tập bản thảo tiểu luận nữa, chứng tỏ sức sáng tạo sung mãn đáng nể trọng của một thầy giáo vừa dạy học vừa sáng tác văn chương.

Nhà thơ Mai Văn Hoan lúc mới vào nghề

Thời buổi tự bỏ tiền in thơ này, hầu hết nhà thơ chỉ dám in 500 cuốn đã "toát mồ hôi hột" vì không bán hết, thế mà thơ Mai Văn Hoan in tập nào cũng 1000 cuốn, rồi tái bản thêm ngàn cuốn nữa, vẫn bán hết, mặc dù anh ít khi bán theo cách bắt ép các giám đốc doanh nghiệp hay thủ trưởng cơ quan phải bấm bụng mua, như nhiều tác giả thơ các tỉnh lẻ thường làm. Thơ Mai Văn Hoan thường gửi bán ở các nhà sách ở Huế, Đà Nẵng. Có khi vợ nhà thơ còn treo tòng ten thơ của chồng bên cạnh những gói lạc rang, mực nướng, bánh phồng tôm v.v... trong quán xép của mình ở bên đường Ngô Quyền - Huế. Thế mà cũng có rất nhiều người mua. Một điều lạ lùng nữa là hơn chục năm nay, thơ Mai Văn Hoan luôn được các bạn trẻ là sinh viên, học sinh đang tuổi yêu đương thuộc lòng và chép tặng nhau trong sổ tay học trò. Nhiều cô giáo dạy văn cũng mê thơ tình Mai Văn Hoan. Có cô còn cao hứng họa lại từng bài một sau khi đọc tập thơ Giai điệu thời gian của nhà thơ. Đám cưới nào có Mai Văn Hoan dự là người ta "bắt" nhà thơ phải đọc thơ! Nói theo chữ của các nhà phê bình thì thơ Mai Văn Hoan có độc giả, là thứ thơ có hiệu quả.

Tại sao thơ Mai Văn Hoan có nhiều người thuộc và nhiều người mua đọc? Đọc tập thơ chọn Giếng tiên, ta có thể cắt nghĩa được phần nào sự cuốn hút bạn trẻ của thơ Mai Văn Hoan. Trước hết, thơ Mai Văn Hoan là thơ làm để tặng, chứ không phải làm để khoe chữ nghĩa, cấu trúc hay làm để vô Hội Nhà văn! Gặp người đẹp mê thơ, thế là anh bị "hớp hồn", thậm chí không gặp người đẹp, chỉ nhận được những lá thư gửi từ "Quy Nhơn bé nhỏ" thôi, anh cũng tương tư đầy ắp cả một tập thơ! Gặp cái liếc mắt cũng thao thức suốt đêm làm bài thơ tặng. Tặng được rồi, được người đẹp khen rồi, lại thấy chưa đủ, lại thao thức làm thêm bài khác. Vì làm để tặng, để chinh phục trái tim người đẹp, nên thơ Mai Văn Hoan thường dùng lối tự sự, ngôn từ dân dã, dễ hiểu, đa số thơ anh viết theo lối bắt vần của thơ truyền thống như lục bát, năm chữ, bảy chữ...: Sao biển sẽ thay tôi / Ngắm nhìn em trang điểm / Sao biển sẽ thay tôi / Ngồi bên em trò chuyện... (Sao biển) (Để có bài thơ này, tác giả đã mang một cánh sao biển từ Huế, nhảy xe đò đi về hơn 1200 cây số trong hai ngày nghỉ cuối tuần để tặng sinh nhật người đẹp. Sống chết vì yêu, vì thơ như thế mới đáng đồng tiền bát gạo!). Chính vần nhịp bằng trắc đó là thứ bùa ngải giúp thơ dễ len vào cõi sâu kín hồn người. Để đạt được sự truyền cảm trực tiếp đến người đọc. Mai Văn Hoan rất chú trọng cấu tứ thơ. Thơ anh có tứ mạnh, tạo ra thích thú đối với người đọc. Ví dụ, bài thơ Ngọn gió và biển cả tả nhà thơ bị "tiếng sét ái tình": Tôi lặng đứng nhìn theo em xao xuyến / Như ngọn gió vừa đi qua mặt biển/ Biển trào lên những đợt sóng xô bờ. Ai cũng tưởng bài thơ sẽ kết thúc ở sự nhớ nhung, tiếc nuối, nhưng hình tượng thơ đoạn kết lại phát triển ngược lại, rất ấm áp tình đời:
                        Tôi đâu biết chính em là biển cả
                        Âm thầm trách tôi - Ngọn gió vô tình!

Các bài thơ Ngựa bất kham hay Phiên toà đặc biệt cũng được cấu tứ bất ngờ và có hậu như thế. Chữ nghĩa trong các bài thơ này của Mai Văn Hoan không có gì là đặc biệt cả, chỉ là một câu chuyện tếu trong tình yêu: - Hôm qua về khuya em bị mẹ la/ Nghe nàng nói chàng biết mình có lỗi... Nên Chàng lặng lẽ ra trước vành móng ngựa... Nàng trở thành "quan chánh án" nghiêm minh. Nhưng rồi họ lại quên mất "tội lỗi", lại thức khuya làm mẹ đợi vì "bị can" "chánh án" hôn nhau. Rồi tứ thơ được đẩy tới, bất ngờ vỡ ra thành một "chân lý" tình yêu không ai cưỡng được, làm người đọc thích thú:
                        Cả "chánh án" lẫn "bị can" đều biết mình có lỗi
                        E hôm sau phải lập lại phiên toà!

Có người cho rằng thơ Mai Văn Hoan dễ dãi, đơn giản. Theo tôi, đằng sau sự giản dị đó là một trái tim đa cảm, nồng cháy, là sự run rẩy trong từng câu thơ. Sự nồng cháy đó tạo ra những nhịp sóng điện từ lan truyền mà chỉ có những trái tim yêu của những người trong cuộc mới cộng cảm được: Chỉ cần một que diêm / Thế là thành ngọn lửa / Cớ sao em lần lữa / Điếu thuốc vẫn còn nguyên! (Điếu thuốc và que diêm). Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, thơ Mai Văn Hoan "có lực đẩy của ngọn gió tàng hình, mở ra cánh cửa giấu kín bao bí mật của tình cảm". Trong thơ tình Mai Văn Hoan có nhiều câu thơ ám ảnh người đọc như: Chính tôi cũng không ngờ / Yêu vầng trăng se giá (Trăng mùa đông); Họ biết đâu tượng đá chết hai lần (Tượng đá); Hoa vàng qua bướm vàng không nỡ đậu (Màu hoa ấy) v.v... Duy nhất Mai Văn Hoan có một lần rất tỉnh táo trong thơ, trái ngược với khí chất đam mê tửu sắc của anh, nhưng đó là sự tỉnh táo của một tình cảm hơn hơn tình yêu trai gái, là tình người. Câu thơ thật thà mà đọc lên thấy xót xa, đồng cảm:
                        Nên bây giờ tôi quyết định chia tay
                        Dẫu điều đó có làm em đau khổ
                        Tôi sẵn sàng chịu bao lời phẫn nộ
                        Để cứu em thoát địa ngục đời tôi
                                                            (Tự thú)

(Lần đầu tiên tôi thấy có người dùng thành công từ quyết định, một từ của hành chính ở trong thơ!). Thơ Mai Văn Hoan được các "nàng" cất giữ như của quý, vì trong từng bài thơ, câu thơ có tên tuổi từng người đẹp cụ thể, như: Cô bé HIỀN và THANH mảnh làm sao; PHƯƠNG ấy nhiều HOA sao tôi không biết; Đêm thầm gọi HỒNG NHUNG ơi!.Chiếc bình hoa anh cắm / Chỉ một nhành CÚC thôi v.v. và v.v.... (Những chữ in hoa là tôi nhấn mạnh để nhắc bạn đọc những tên NGƯỜI ẩn hiện trong thơ Mai Văn Hoan!). Đó là sự bí ẩn đằng sau mỗi câu thơ mà chỉ tác giả hay người được tặng thơ "bật mí", người viết bài này mới biết, nếu không họ sẽ cùng nhau mang xuống mồ!

Trong Giếng Tiên, ngoài mảng thơ tình, còn có một mảng thơ sâu sắc khác mà lâu nay bạn đọc ít gặp trong các tập thơ của Mai Văn Hoan. Đó là những bài thơ về đất nước, về thời niên thiếu của Bác Hồ ở trường Quốc Học, viết về cha, mẹ, bạn bè, về nhân tình thế thái, hay thơ thù tạc như các bài Người bước vào lớp học, Tìm mộ bài. Trước nhà tù Lao Bảo. Mộ gió, Phủ Tùng Thiện Vương, Trước mộ Trần Tế Xương, Thăm nhà thơ Xuân Hoàng, Viếng mộ Trịnh Công Sơn v.v... Dọc mảng thơ này mới hay, Mai Văn Hoan cũng luôn trăn trở suy tư chuyện đời. Năm 2000, do bức bách phải dời chỗ ở khỏi trường Hai Bà Trưng, vợ chồng Mai Văn Hoan phải vay gần trăm rưỡi triệu để dựng cái nhà hai tầng ở Trường Bia, gần núi Ngự Bình. Nợ nần đến giờ vẫn chưa trả hết, nhưng bù lại anh có bài thơ Độc tọa với Ngự Bình viết trên sân thượng ngôi nhà mới, rất khẩu khí: Xưa tiên thơ Lý Bạch / Độc tọa với Kinh Đình/ Nay ta lên sân thượng/ Độc tọa với Ngự Bình. Trong khuya, một mình, ngồi trầm ngâm như núi: Đó là dáng dấp của những bậc kẻ sĩ xưa đang nghĩ chuyện đời:
                        Một đời không luồn cúi
                        Chẳng vướng bận chức quyền
                        Chỉ trầm ngâm như núi
                        Rượu thơ với bạn hiền

Trong bài thơ ĐạoĐời tặng sư thầy MĐTTA ở Huyền Không Sơn Thượng, Mai Văn Hoan ngẫm về Đời và Đạo rất thâm trầm và nhân bản: Tôi ngụp trong cõi thế / Sư ở chốn Huyền Không / Ta chỉ là hạt bụi / Giữa đất trời mênh mông... Với từng cặp đối ảnh giữa đạo và đời, ý thơ đã chạm đến cõi vô vi trời đất: Thơ Thiền - sư thoát tục / Thơ tình - tôi đa mang / Thỉnh thoảng trên sách báo / Sư cùng tôi chung trang / Bây giờ mới gặp mặt / Danh đã biết lâu rồi / Không không và sắc sắc / Bên nhau đạo với đời. Vâng đạo với đời vẫn bên nhau, vẫn chỉ là một, ở ngay trong tâm của nhà thơ!

Mai Văn Hoan là thạc sĩ văn chương, anh rất am tường lý luận văn học, anh lại dạy các lớp chuyên văn của một trường chất lượng cao nổi tiếng của Huế: Trường Quốc Học, nhưng quan niệm về thơ của anh lại rất giản dị: Cứ ném thơ ra giữa cuộc đời, nếu nó là thơ thì nó sống, nếu không là thơ thì nó chết! Bài thơ viết trong quán cà phê anh viết tặng một người đẹp"... hồn nhiên như một bông cẩm chướng", nhưng chưa hề quen biết. Viết xong bài thơ, anh chép vào vỏ bao thuốc lá rồi bỏ lại trên bàn, chân cứ bước ngập ngừng khi đến cửa / Trên môi còn đắng ngọt vị cà phê. Thế mà bài thơ đã đến được nơi cần đến. Người đẹp đọc thơ rồi tìm đến anh, rồi hai người say nhau, tất nhiên anh lại có thêm nhiều bài thơ mới. Trong bài thơ Một lứa bên trời viết tặng bạn thơ đồng hương Lê Xuân Đố, Mai Văn Hoan cũng bộc bạch quan niệm của mình về thơ: Hiện đại hay cổ điển/ Siêu thực hay đa đa / Nếu trái tim lãnh cảm / Cũng vứt đi thôi mà / Cứ nói điều gan ruột / Hay, dở có thời gian / Mong sao đừng bỏ cuộc / Dù còn chút hơi tàn. Đúng là thơ phải có nơi đến, có hiệu quả thơ mới sống lâu với cuộc đời. Muốn thế người thơ phải sống chết với thơ. Đó là quan niệm, tất nhiên thơ Mai Văn Hoan không phải bài nào cũng hay, không phải bài nào cũng đến được trái tim độc giả như anh mong muốn. Thơ anh dân dã, thiệt thà, có khi nôm na trong câu chữ, nhiều khi nặng về diễn tả, không kiệm lời, nên những người thích thơ siêu thực hay trường phái cách tân, coi "làm thơ là làm chữ", làm thơ là làm cấu trúc, thì không thích. Đó là chuyện thường tình, vì mỗi nhà thơ có một đối tượng độc giả riêng của mình. Trộm nghĩ thơ làm cho con người gần nhau hơn, yêu nhau hơn đã là quý lắm rồi!

Cách đây mấy năm, Mai Văn Hoan đã có lần làm thơ tưởng tượng về một Ngày thi ca: Tôi là gã si tình không biết / Cái ngày nào là ngày của thi ca / Nhưng tôi tin đó là ngày rất tuyệt / Như cái ngày trời đất mới sinh ra (NGÀY THI CA). Tiên tri của anh đã thành hiện thực, khi Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày Rằm Nguyên Tiêu hàng năm làm NGÀY THƠ VIỆT NAM. Và lá cờ thơ đã được kéo lên trên nóc chiếc thuyền rồng sang trọng trên sông Hương linh ứng, đúng như ao ước của nhà thơ - nhà giáo Mai Văn Hoan!

Huế, Rằm Trung Thu, Quý Mùi
    N.M
(177/11-03)

--------------------------
(*) GIẾNG TIÊN - thơ Mai Văn Hoan, NXB Thuận Hoá, 2003.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN HIỆP

    Dù muốn dù không thì hình thức được lựa chọn là đối tượng của nhà văn. Vậy các nhà văn “khó đọc” của ba miền Bắc, Trung, Nam chọn hình thức nào để xác lập lối viết?

  • NGUYỄN HIỆP

    Dù muốn dù không thì hình thức được lựa chọn là đối tượng của nhà văn. Vậy các nhà văn “khó đọc” của ba miền Bắc, Trung, Nam chọn hình thức nào để xác lập lối viết?

  • LƯƠNG THÌN

    Có những cuốn sách khi đọc ta như được dẫn dắt vào một thế giới huyền bí của tâm hồn, trái tim và khơi dậy lên bao khát khao mơ ước. Làm dâu nước Pháp của nữ nhà văn Hiệu Constant (Lê Thị Hiệu, Nxb. Phụ Nữ, 2014) là một cuốn tự truyện như thế.

  • VƯƠNG TRỌNG

    Thật khó xác định chính xác thời gian Nguyễn Du ở Phú Xuân, nhưng trước khi ra làm quan dưới triều Gia Long, Nguyễn Du chỉ đến Phú Xuân một lần vào năm 1793, khi nhà thơ vào thăm người anh là Nguyễn Nễ đang coi văn thư ở Cơ mật viện, điều này chúng ta biết được từ bài thơ của Nguyễn Nễ nhan đề “Tống Tố Như đệ tự Phú Xuân kinh Bắc thành hoàn” (Tiễn em trai Tố Như từ Phú Xuân trở về Bắc).

  • NHỤY NGUYÊN  

    Con người khá trầm tĩnh Lê Huỳnh Lâm không thuộc típ quan hệ rộng. Những ai đến với anh và anh tìm đến (dẫu chỉ thông qua tác phẩm) rồi in đậm dấu ấn phần nhiều lớn tuổi; là một sự thận trọng nhất định.

  • LÊ THỊ BÍCH HỒNG

    Với ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp, hơn 30 năm qua, Hứa Vĩnh Sước - Y Phương lặng lẽ thử nghiệm, không ngừng lao động sáng tạo, miệt mài làm “phu chữ” để ngoài một tập kịch, bảy tập thơ, ba tập tản văn, anh đã bổ sung vào văn nghiệp của mình hai trường ca đầy ấn tượng, đó là Chín tháng (1998) và Đò trăng (2009).

  • THÁI KIM LAN

    Thường khi đọc một tác phẩm, người đọc có thói quen đọc nó qua lăng kính định kiến của chính mình, như khi tôi cầm tập thơ Ký ức hoa cẩm chướng đỏ của Phan Lệ Dung và lướt qua tựa đề.
     

  • HOÀI NAM

    Nguyễn Du (1765 - 1820) là một trong số những nhà thơ lớn, lớn nhất, của lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Đó là điều không cần phải bàn cãi.

  • ĐỖ LAI THÚY   

    Trước khi tầng lớp trí thức Tây học bản địa hình thành vào đầu những năm 30 thế kỷ trước, thì đã có nhiều thanh niên Việt Nam sang Pháp du học.

  • TRẦN NHUẬN MINH   

    Truyện Kiều, bản thánh kinh của tâm hồn tôi. Tôi đã nói câu ấy, khi nhà thơ, nhà phê bình văn học Canada Nguyễn Đức Tùng, hỏi tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất tác phẩm nào của nhà thơ nào, trong toàn bộ sáng tác hơn 50 năm cầm bút của tôi, in trong tập sách Đối thoại văn chương (Nxb. Tri Thức, 2012).

  • YẾN THANH   

    “vùi vào tro kỷ niệm tàn phai
    ngọn lửa phù du mách bảo
    vui buồn tương hợp cùng đau”

                     (Hồ Thế Hà)

  • Sự hưởng ứng của công chúng thời bấy giờ đối với Cô Tư Hồng* của Đào Trinh Nhất, bất chấp những giai thoại xung quanh cô chủ yếu được thêu dệt nên bởi những định kiến đạo đức có phần khắc nghiệt, cho thấy sự chuyển biến rất nhanh trong nhận thức của đại chúng, hệ quy chiếu của đạo đức truyền thống, cho dù được bảo đảm bởi những bậc danh nho, đã không còn gây áp lực đối với tầng lớp thị dân mới.

  • NGÔ THẢO

    Việc lùi dần thời gian Đại hội, và chuẩn bị cho nó là sự xuất hiện hàng loạt bài phê bình lý luận của khá nhiều cây bút xây dựng sự nghiệp trên cảm hứng thường trực cảnh giác với mọi tác phẩm mới, một lần nữa lại đầy tự tin bộc lộ tinh thần cảnh giác của họ, bất chấp công cuộc đổi mới có phạm vi toàn cầu đã tràn vào đất nước ta, đang làm cho lớp trẻ mất dần đi niềm hào hứng theo dõi Đại hội.

  • Tiểu thuyết "Sống mòn" và tập truyện ngắn "Đôi mắt" được xuất bản trở lại nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà văn (1915 - 2015).

  • NGÔ ĐÌNH HẢI

    Tôi gọi đó là nợ. Món nợ của hòn sỏi nhỏ Triệu Từ Truyền, trót mang trên người giọt nước mắt ta bà của văn chương.

  • NGÔ MINH

    Nhà thơ Mai Văn Hoan vừa cho ra mắt tập thơ mới Quân vương &Thiếp (Nxb. Thuận Hóa, 6/2015). Đây là tập “thơ đối đáp” giữa hai người đồng tác giả Mai Văn Hoan - Lãng Du.

  • DƯƠNG HOÀNG HẠNH NGUYÊN

    Nhà văn Khương Nhung tên thật là Lu Jiamin. Cùng với sự ra đời của Tôtem sói, tên tuổi ông đã được cả văn đàn thế giới chú ý.

  • NGUYỄN HIỆP

    Thường tôi đọc một quyển sách không để ý đến lời giới thiệu, nhưng thú thật, lời dẫn trên trang đầu quyển tiểu thuyết Đường vắng(1) này giúp tôi quyết định đọc nó trước những quyển sách khác trong ngăn sách mới của mình.

  • Hà Nội lầm than của Trọng Lang đương nhiên khác với Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam. Sự khác biệt ấy không mang lại một vị trí văn học sử đáng kể cho Trọng Lang trong hệ thống sách giáo khoa, giáo trình văn chương khi đề cập đến các cây bút phóng sự có thành tựu giai đoạn 1930 – 1945. Dường như người ta đã phớt lờ Trọng Lang và vì thế, trong trí nhớ và sự tìm đọc của công chúng hiện nay, Trọng Lang khá mờ nhạt.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Trước khi đưa in, tôi có được đọc bản thảo tiểu thuyết Phía ấy là chân trời (1), và trong bài viết Đóng góp của văn xuôi Tô Nhuận Vỹ (tạp chí Văn Học số 2.1988) tôi có nói khá kỹ về tiểu thuyết nầy - coi đây là một thành công mới, một bước tiến trên chặng đường sáng tác của nhà văn, cần được khẳng định.