Mái chuồng gà

15:53 17/09/2008
HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.

Trong vườn, ngoài những cây ăn quả và cây lưu niên được trồng từ đời ông bà nội, bây giờ theo lời khuyên của thầy thuốc bắc, mẹ nàng trồng thêm đủ loài hoa, loài cây có mùi hương dịu dàng, tốt cho sức khỏe. Để vào đến ngôi nhà, phải đi qua khoảng sân vừa rộng vừa sâu luôn được quét dọn sạch sẽ, khiến người ta có cảm giác đang trở lại với không gian của người Huế xưa.
Cha nàng vốn là con của một ông quan nhỏ nên thừa hưởng được đôi chút nho gia của một gia đình trí thức phong kiến. Ông là người thừa kế ngôi nhà và những cổ vật lưu truyền lại nhiều đời trong gia tộc. Trong số của gia bảo ấy, ông sở hữu một kho sách được sưu tầm, lưu giữ qua nhiều thế hệ, nhất là những tư liệu quý về đất Cố đô. Lịch sử những địa danh ở Huế hầu như đều có trong tủ sách của ông. Ông hay cho các nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu mượn sách rồi cùng họ tìm những điều cần cho một bài viết hay một bài nghiên cứu nào đó. Dần dần, ông trở thành nhà nghiên cứu lịch sử. Nhìn chung, cha nàng là người mang nặng những phong tục cổ. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều dưới sự điều khiển của ông. Dưới ông, chỉ có người con trai duy nhất (anh kế nàng) là có quyền trong nhà. Anh ta muốn gì được nấy, được quyền đòi hỏi, được quyền chửi bới bất kỳ ai. Nếu thích, anh ta có thể đuổi các chị, các em ra khỏi nhà dù chẳng có lý do gì. Anh ta hứa sẽ học thật cao, sẽ trở thành một nhà sử học để làm rạng danh dòng họ. Cả nhà tập trung tiền của lẫn tinh thần lo cho anh ta học. Nhưng, hết năm này đến năm khác, anh vẫn không vào nổi Đại học. Từ đó, anh chàng trở chứng theo đạo Thiên tiên thánh giáo và xem mình như một vị thánh, bắt mọi người trong nhà phải sống và làm theo anh ta.

Mẹ nàng, vốn là một nữ hộ sinh. Từ ngày nghỉ hưu, bà càng trở nên lầm lỳ ít nói, suốt ngày chỉ chú ý chăm sóc khu vườn. Gia đình nàng sống bằng đồng lương công chức, thu nhập thêm chủ yếu vào vườn cây, với sự tần tảo của mẹ mọi thứ không thiếu nhưng cũng chẳng thừa là bao. Ngôi nhà, thư viện sách quý không được khai thác hết, những người phụ nữ trầm lặng trong nhà chỉ vịn vào hai chữ “truyền thống” để bào chữa cho những sai lầm của cha nàng. Cha nàng nghĩ, mình có nhiều sách, tức là có nhiều chữ, chứ chưa bao giờ ông nhìn lại xem mình đã đọc được bao nhiêu và hiểu chúng như thế nào... Những gì ông cho là đúng thì ông làm theo... và hậu quả ai gánh không quan trọng, miễn là ông phải thắng, dù đối tượng ông “chiến đấu” là vợ, con, đồng nghiệp... Ông chỉ chịu thua một người, đó là “cậu ấm” nhà ông mà thôi, vì ông sợ sau này không ai thắp nhang cho ông.

Tuy không phải là con trai, nhưng đáng lẽ nàng cũng là người được ưu tiên trong gia đình bởi mình là con út. Song nhà nàng còn có một sự kiện lạ nữa, đó là chuyện về của nàng. Mẹ kể, khi sinh nàng, anh và các chị nàng đều còn nhỏ nên bà ngoại bảo em kế mẹ đến chăm sóc. Nào ngờ, “mía ngon” cha đốn cả bụi. Chẳng bao lâu dì có thai với cha, hai chị em chung một chồng. Vì vậy, nàng còn có một em gái cùng cha khác mẹ. Suốt nhiều năm qua, sở thích của nàng là hàng ngày được ra khỏi nhà, để không phải thấy cái sự nửa vời trong nếp sống của riêng gia đình mình. Nhưng ra đường, nàng không thích tiếp xúc với bạn bè, sợ sẽ cảm thấy nặng nề hơn cuộc sống mà nàng đang sống.

Những người đến mượn sách của cha nàng, có người cứ mượn đi mượn lại hết cuốn này đến cuốn khác, cố ý được một lần bắt gặp ánh mắt buồn buồn, gợi cảm của nàng. Nhưng rồi tất cả đều vô nghĩa. Tình yêu trai gái cũng như tình yêu cuộc sống, và cả sự lãng mạn tuổi thanh xuân... với nàng chỉ như một thứ phù du. Nàng vẫn thường nói với mọi người, nàng thích được làm con trai, hoặc đừng có trên cõi đời này. Ra trường, công tác tại một thư viện, công việc cũng không là động lực cho nàng quên đi cuộc sống bất thường, với những nguyên tắc vô lý trong gia đình. Nàng sợ những lời răn dạy bảo thủ lặp đi lặp lại và những hành động trái ngược của cha; chán nhìn sự ngang tàng, đập phá của người anh; sợ phải nhìn người mẹ nàng yêu thương nhất trên đời cứ thui thủi ra vào như một cái bóng. Vì phải chứng kiến những gian truân của các chị gái, nên nàng có cảm giác chán nản khi nghĩ đến tình yêu.

Nhưng rồi nàng vẫn là nàng, một người con gái, chứ không phải là thánh... Làm sao có thể phá vỡ được quy luật tồn tại của một con người, quy luật ham sống và những nhu cầu quanh cuộc sống...
Ông ta xuất hiện, độ ngoài 40 tuổi, không có đặc điểm gì gây được chú ý trước mọi người, chỉ trông quen quen. Ông mượn cha nàng cuốn Phong tục cưới hỏi Huế xưa và nay, và tặng cha một cuốn tạp chí, thế thôi! Nhưng hôm sau, vừa đến cơ quan, ngang qua công trình đang xây mới, nàng nhận ra ông ta. Thì ra ông ta là người giám sát thi công. Nàng gật đầu chào và ông ta đáp lại. Trưa hôm ấy, nàng về nhà mượn cuốn tạp chí mà cha nàng đang để hờ hững trên bàn; lật phần mục lục tìm ra tên người đàn ông ấy là tác giả của một bài thơ. Đọc lướt qua vài lần, thả nhẹ cuốn sách lên giường, nàng nhâm nhi trong trí nhớ của mình:
Từng giọt
             từng giọt
                      thời gian
   nhiễu xuống giấc khuya
Bụi đường lắng sau ngày nháo nhác
Và thành phố ngủ yên trên tấm thảm màu
...

Ừ nhỉ
- nàng nghĩ - Thời gian tưởng như nhỏ giọt từng ngày, nhưng rồi thấm thoắt nàng đã gần đến tuổi ba mươi. Bụi đường của đất trời phủ xuống, sẽ có người chăm lo dọn dẹp, còn lớp bụi đời mình biết có ai săn sóc... Nàng nằm ườn người trên tấm phản hơn trăm tuổi của tổ tiên để lại. Một tay gối đầu, một tay cầm cuốn tạp chí úp lên ngực, mắt nhìn trần nhà gỗ lim đen bóng, nàng miên man nghĩ, đời người được mấy mươi năm, tuổi trẻ chỉ được phần tư cuộc đời, vậy mà ngôi nhà này, cái trần nhà này, tấm phản và cả nếp sống của những thế hệ ở đây vẫn chưa được thay đổi. Nàng lim dim đôi mắt, dòng suy nghĩ dần được thay bằng hình ảnh của người đàn ông đã luống tuổi, với nụ cười nhẹ nhàng dưới mái đầu rối và bộ quần áo bạc màu.

Họ vẫn thường xuyên gặp nhau tại cơ quan nàng trong thời gian ông ta thi công công trình. Nụ cười chào hỏi từ thân mật đến gần gũi. Rồi mời nhau ly cà phê tưởng cũng chỉ là chuyện bình thường. Nhưng ngay từ buổi ban đầu, nàng đã thích những cuộc gặp gỡ ấy, thích những bài thơ, trang báo của chàng thi sĩ dưới cái lốt một ông đốc công. Chàng không bao giờ kể, nhưng nàng tự cảm thấy rằng chàng đang không hạnh phúc với vợ, chàng có chung một tâm hồn với nàng. Chàng đưa nàng đến tham dự những cuộc vui, những đêm thơ với giới văn nghệ sĩ. Chàng thường cười và trả lời “Nàng thơ của tôi” khi ai đó có ý hỏi về nàng. Điều đó khiến nàng cảm nhận rằng, con người chàng là thơ, tâm hồn chàng là nàng. Dần dần, mối quan hệ của nàng thơ và chàng thi sĩ đã không còn là mối hoài nghi trước mọi người. Có người nói với nàng về gia đình chàng, nàng khẳng định “Đó là địa ngục, là nợ đời chàng”. Có người khuyên nàng hãy kết hôn với một người đàn ông chưa vợ, nàng trả lời “Chỉ cần tình yêu!”. Nàng không muốn tin rằng, rồi sự lãng mạn, tính thi vị của người nghệ sĩ cũng có điểm dừng.
                                               
Đã hơn một tháng, không một lần gặp mặt, không một dòng tin tức về người đàn ông ấy, nàng như muốn phát điên. Nàng đã chạy kiếm tìm khắp cả thành phố, rồi ngang qua nhà chàng không biết bao nhiêu lần trong một ngày, hòng có được một dịp may... Sau đó, nàng đọc được trên báo, người đạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác do Hội Nhà văn tổ chức, tác giả TT với tựa đề của truyện ngắn “Mái chuồng gà...”. Bao nhiêu đắng cay bỗng trở thành quá khứ. Nàng thấy mình như một đứa trẻ, nụ cười nhẹ nhàng nở trên bờ môi, nàng cười cho chính mình, nụ cười chứa đựng biết bao hạnh phúc. Nàng đọc ngấu đọc nghiến tác phẩm của chàng. Lần đầu tiên hơi thất vọng, nhân vật chính chẳng phải là nàng và nàng không phải là một nhân vật nào trong tác phẩm tâm huyết của chàng. Nàng đọc lần thứ hai, rồi lần thứ ba, lần thứ tư... Câu chuyện hay quá, cảm động quá, mọi người đã công nhận và tặng cho chàng giải nhất huống chi là nàng. Chuyện kể về một gia đình nghèo, người chồng là anh thi sĩ thất nghiệp, sống cùng người vợ bình thường như tất cả những người vợ nghèo bình thường khác. Từ những dòng văn, những câu thơ... chị đi theo anh trong sự lo âu của gia đình, bạn bè... - Ừ nhỉ, mình yêu ông ấy bằng những câu thơ của ông ấy cơ mà - Nàng nghĩ và đọc tiếp: “Chị đi theo anh, mang hạnh phúc lên đôi vai bé nhỏ, bỏ lại đằng sau lời khen chê. Anh đêm viết văn, ngày ra ga đi xe ôm. Chị hết mang thai, lại sinh nở, công việc chính hàng ngày là  loay hoay bên cái chuồng gà mục nát, không một tiếng than van, không một lần hối tiếc. Biết bao nhiêu lứa gà với hàng trăm con gà đã ở đó. Họ vượt qua vất vả nuôi hai đứa con trưởng thành. Kho báu họ để lại cho con là những tác phẩm của anh... Bằng tất cả tình yêu cùng một mái chuồng gà, họ đã xây dựng hạnh phúc trọn vẹn cho bốn con người trong mái ấm đơn sơ...” Chao ôi, người đàn ông ấy hạnh phúc biết bao nhiêu, nàng nghĩ vậy, và nước mắt lại rơi trên gối, nàng thương chàng thi sĩ của mình. Nàng hiểu, chàng đang mơ ước, giá như nàng gặp chàng sớm hơn, nàng tin rằng chàng sẽ đạt được ước mơ ấy. Nàng vùng dậy, rời xa câu chuyện... Việc đầu tiên là phải đi tìm chàng. Nàng sẽ ôm hôn chàng dù bên chàng đang có bao nhiêu người đi nữa. Nàng sẽ nói với chàng rằng, nàng vứt bỏ tất cả, gia đình, công việc, nàng không màng đến quá khứ của chàng... Nàng và chàng sẽ cùng tìm đến một nơi thật yên tĩnh, cùng nhau dựng một cái chuồng gà. Bên những con gà... nàng sẽ nâng niu từng câu thơ của chàng. Nàng sẽ làm tất cả những gì có thể...

Đến quán cà phê nơi chàng hay ngồi với bạn bè, nàng thấy ngay chiếc xe gắn máy cũ kỹ dựng ở góc sân. Hình như có một giây tim nàng ngừng đập. Nàng cảm thấy đúng là ông trời đã sắp đặt cho mình... Nàng muốn tạo cho chàng một bất ngờ, nên rón rén đến bên khung cửa sổ. Tiếng nói cười, tiếng chúc tụng lôi nàng về với thực tế.
- Chúc mừng em, nhân vật số một trong tác phẩm thành công của anh chàng không dùng lược...
Giọng nói quen thuộc của cô L - nàng nhận ra ngay, dù tiếng cười đang phần nào át đi âm thanh nhẹ nhàng của nhà văn nữ rất nổi tiếng này. Nàng bỗng thấy mình cần phải im lặng, cần phải lắng nghe. Họ tiếp tục chúc mừng chàng... Nàng ghé mắt nhìn qua khe cửa. Những chiếc bàn cà phê nhỏ được xếp thành một hàng dài. Gần hai mươi người trong căn phòng, chỉ có vài người nàng chưa gặp bao giờ. Bên cạnh chàng thi sĩ của nàng là một phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, cũng trạc tuổi ông ấy; bên kia là hai đứa bé, một trai, một gái đang độ tuổi học sinh. Nàng đưa tầm mắt nhìn trở lại phía người phụ nữ. Một mụ già nhà quê! - Suy nghĩ đầu tiên nàng dành cho người phụ nữ ấy - Nước da ngăm đen, mái tóc, quần áo, và cả cách trang điểm... chẳng phù hợp với những con người trong đó... Nàng giật bắn người, ông ấy khoác tay lên vai bà ta.
- Cảm ơn em. Người đã cho anh tất cả, những bài thơ, những trang sách và cả những đứa con tuyệt vời.
- Lãng mạn quá! -. Mọi người vừa cười vừa xì xào. - Hôm nào bà N phải khao chúng tôi thịt gà được nuôi dưới  mái chuồng gà ấy mới xứng đáng cơ.
...

Để nguyên quần áo, nàng thả mình trên chiếc phản ban nãy vừa nằm với niềm hạnh phúc tràn trề. Lại nhìn lên trần nhà, nàng tưởng tượng ra một mái chuồng gà, rồi khuôn mặt của người phụ nữ ấy, những đứa trẻ... Đơn giản thế thôi ư! Nàng làm được mà. Không! Ông ấy không yêu vợ, buổi lễ đó chỉ là che mắt mọi người, chỉ là thủ tục mà thôi... Đầu óc nàng quay cuồng với hàng ngàn lời bào chữa cho chính mình. Nàng lật người xuống phản, nước mắt rơi xuống những phách gỗ trơn bóng theo thời gian. Cái tấm phản đáng ghét cũng không thèm hút nước mắt của nàng. Nàng bỗng thấy ghét cay ghét đắng cái màu đen bảo thủ của những hình khối vô tri vô giác, lại được hết đời này đến đời khác trong dòng họ nâng niu, giữ gìn. Đúng, nó chỉ là những phách gỗ vô tri vô giác, song biết bao thế hệ đã nằm lên đây, bao con người đã ra đời tại đây, và cả những người trước khi từ biệt cõi trần cũng nằm ở đây...

Vùng dậy khỏi tấm phản cũ kỹ, nàng lao ra đường, tìm một bó hoa thật đẹp, nàng sẽ tặng cho nhà văn vừa đoạt giải với tư cách một người hâm mộ, rất trân trọng trước mọi người, nhưng cũng vừa đủ để hẹn ông đến quán cà phê của họ.
Dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo, sau thành công của một tác phẩm, người nghệ sĩ cùng hơi men... đón nhận tất cả, trước sự dâng hiến của người con gái gọi ông là thần tượng... Tỉnh dậy sau cơn say, cũng như nhiều lần khác, ông vuốt tóc nàng và muốn nói điều gì đó. Nhưng nàng lại tìm cách đưa ông trở về với thế giới của thần tiên. Nàng đã bất chấp sự khùng điên của cha và anh, bất chấp việc mình làm sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu người khác, mục đích của nàng là có được chàng...

Vì hoàn cảnh mà nàng phải chuyển ra khỏi nhà của cha mẹ. Nàng thuê phòng trọ ở riêng và để hàng ngày trông ngóng chàng. Song cứ mỗi lần chàng đến, nàng lại tuôn ra những lời lẽ chua cay, độc địa. Chàng thì vẫn im lặng, tay vuốt nhẹ thằng bé. Như có sự linh cảm của mối quan hệ huyết thống, thằng bé cứ cười sặc sụa với ba nó, hai tay quờ quạng, hai chân dãy lia lịa tỏ vẻ vui mừng.
Chàng cũng phải đứng dậy ra về, sau chừng ấy thời gian như thường lệ. Cứ mỗi lần chàng đến, nàng lại cố ý nói nhiều hơn một chút, nặng nề hơn một chút... Để rồi tận sâu thẳm trong lời tâm sự với ông là tiếng kêu gào, nỗi đau khổ, sự hụt hẫng mà chưa bao giờ nàng thấy vơi đi. Dù cho đôi mắt sưng húp và nhòa mờ của nàng có đổ bao nhiêu nước mắt, nỗi đau buồn cũng không bao giờ rửa sạch được. Cô đơn ngập phòng, thời gian cũng không dần lấp nổi chua chát. Ông ấy vẫn ra đi, ông ấy về với nơi có cái chuồng gà mục nát, có mụ già nhà quê, có những đứa con được khai sinh bằng họ của ông với niềm vinh dự, mong chờ của cha mẹ ông... Với ông, nơi ấy có những năm tháng ông đã vượt qua bao gian truân, nơi cho ông một gia đình và những nhân vật chính trong cuộc đời nghệ sĩ của mình.

Nàng càng chờ đợi càng vô vọng. Mà đợi sao được nữa. Chàng phải bừng tỉnh sau giấc mơ dài để trở về với cuộc sống hiện thực. Trở về với những gì cố hữu của mình. Chàng quỳ phục dưới chân người vợ đầy lòng nhân ái và yêu chàng bằng cái tình yêu của một đời người. Chàng gục ngã trước sự sửng sốt và cả lòng vị tha của vợ. Nàng căm thù vì chàng luôn im lặng trước những sự nổi loạn của cha và anh nàng, im lặng trước sự gào thét của nàng. Chỉ có thằng bé, mắt lúc nào cũng mở thao láo, đôi mắt ngây thơ chờ đợi những giây phút hiếm hoi mỗi ngày, có khi là vài ngày hoặc lâu hơn nữa... ba nó mới có cơ hội đến thăm nó. Nó không vướng bận những gì sẽ đến với mình, không biết sẽ được mang họ của ai, và có thể còn nhiều điều không biết khác... Nhưng rồi nó sẽ biết nó vô tội.
H.L

(nguồn: TCSH số 226 - 12 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI BÁ TÂN

    1
    Ở công ty S.B, khi được hỏi ai là điển hình tốt của công nhân đèn biển những năm gần đây, mọi người nhất trí nêu tên Nguyễn Thiếu Sơn, đảo trưởng đảo đèn Hòn mực. Sau đây là một số ý kiến nhận xét về anh ta.

  • LÊ THỊ KIM SƠN

    (Cho những điều hạnh ngộ ngắn ngủi)

  • TRẦN THÚC HÀ
             Tặng H.T.V

    Ông đã về hưu. Ông có căn phòng làm việc rộng rãi đầy đủ tiện nghi tại nhà riêng, khi cần thì ông ngồi vào bàn.

  • NGÔ THÚY NGA

    1.
    Làng yên bình gối đầu lên chân một mỏm núi mà thở nhẹ nhàng. Làng cười nhẹ như gió bên nhánh sông thầm thì lời bìm bịp gọi nhau. Làng tôi đấy! Có núi, có sông, có cánh đồng mà đàn cò dang cánh, rộng thênh thang. Có tuổi thơ của chị em tôi và những chị em khác nữa.

  • HẠO NGUYÊN 

    1.
    - Thế mà đã chín mùa hoa văn nở.  Tôi năm nay bốn mươi chín tuổi. Ở cái  tuổi này, một vài người đã biết rõ con  đường mình đi sẽ về đâu.

  • LÊ HÙNG VỌNG

    Vừa đặt bàn tay lên cái nắm đấm và một thoáng nhìn vào bên trong phòng khách qua lần cửa kính, tôi chợt nhận ra là vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời này tôi đã không hề gặp may.

  • NGUYỄN QUANG LẬP

    Rốt cuộc ông đã bật nẩy được hai hòn đá lớn, một vuông một tròn, nằm kẹp chặt cái hũ gạo nhỏ như quả bầu khô đã hơn hai năm nay.

  • Ảo hóa

    Người lữ khách đi qua sa mạc, thấy một chiếc kèn nằm lăn lóc nhưng chói sáng giữa nắng trời gay gắt. Ông dừng lại, lấy nước uống, nghỉ chân, nhặt chiếc kèn lên xem.

  • HUỲNH MAI 

    Ở một con sông lớn, nước xanh trong, mát lạnh và dòng chảy hiền hòa. Tôi nằm ngửa, dang hai tay, thuỗn đôi chân không quẫy đạp, thế mà toàn thân cứ trôi bềnh bồng.

  • NGUYỄN QUANG TUYẾN

    Phi trường Huế phải ngưng hoạt động sáu tháng để tu sửa. Đường băng được kéo dài theo chuẩn phi trường Quốc tế để máy bay lớn, lên xuống đón lượng du khách số đông đến du lịch Cố đô Huế.

  • NGUYÊN QUÂN

    Về lại trên cái vùng đất xưa nổi tiếng là ma thiêng nước độc và hiện tại tuy vẫn rất heo hút nhưng cũng mang đầy đủ sinh khí của một vùng dân cư, tôi vẫn không tin rằng có một thứ quyền lực siêu nhiên nào đó đã nhúng tay vào chơi trò mộng du với những cô gái thanh niên xung phong thời ấy. Nhưng cũng chẳng giải tỏa được sự tồn nghi trong lòng, dù sau nhiều năm dài vẫn cố đi tìm lời giải…

  • LÊ VI THỦY

    Ánh sáng màu đỏ. Đỏ như máu đang ngoạm dần lấy thân thể. Những đứa trẻ khóc thét, ngón tay bám víu gần như tuyệt vọng rời khỏi bố mẹ chúng. Những ngọn đồi trồi lên mặt đất, to dần, to dần, mặt đất rung vỡ.

  • ĐOÀN LÊ

    Em dắt dẫn tôi vào chuyến đi đột ngột này. Tôi biết. Ra sân bay lúc ba rưỡi sáng, tôi một mình bước trên những đường phố Hà Nội vắng ngắt, lành lạnh sương đêm.

  • HẠO NGUYÊN

    1.
    Em đi loanh quanh ngôi nhà của tôi, nhìn mọi đồ vật với vẻ mặt ngạc nhiên. Em đứng lại trước một bức tranh. Đó là bản sao bức “Tiếng thét” của Edvard Munch. Khuôn mặt em biểu cảm một nỗi cô đơn không tả xiết.

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

    Bà Thu đứng trước chiếc gương lớn. Bà nhìn hai bờ ngực còn căng mộng, phớt chút màu hồng phấn được khéo léo trang điểm trước lúc đi đám cưới, bà tâm đắc với của nả đang có của mình.

  • QUẾ HƯƠNG

          Truyện ngắn

  • VĨNH QUYỀN

    Không ai biết chàng từ đâu đến, tên họ thế nào. Bản thân chàng cũng không có gì đặc biệt để cư dân kinh kỳ vốn quen chạm mặt khách tứ phương phải quan tâm.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Đợt rét đậm cuối năm không ngăn được cây lá quanh vườn nhú mầm non và hai cây mít bên cổng lại nẩy những “dái” mít được bao bọc bởi lớp nhụy vàng mềm mại, trông dễ thương và ngon lành, đến mức muốn… cắn một miếng như hồi nhỏ ở quê. Bên đường Lê Lợi dọc sông Hương, những tờ lịch năm 2014 khoe màu rực rỡ, tươi rói đã lại giăng giăng khắp các cửa hàng…

  • NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

    Công chúa Ngọc Anh bước ra khỏi cổng chùa Thiên Mụ thì dừng bước. Gót hài hoa di nhẹ lên bậc đá dẫn xuống đường. Nàng thẫn thờ nhìn dòng Hương xanh ngăn ngắt phía dưới đang lững lờ trôi. Giây lát, đôi mắt trong veo lại hướng lên phía dãy núi điệp trùng.

  • TRẦN HẠ THÁP

    1.
    Nguyên Biệt nhô đầu lên khỏi lèn đá thì sự cố xảy ra. Gã đang mang bầu nước lấy ở suối về. Một vệt màu sậm hình vòng cung bay ra như ánh chớp.