Lăng Cô - Khu du lịch quốc gia sôi động đang hình thành

09:46 16/05/2019

PHƯỚC AN  

Vịnh Lăng Cô thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vịnh biển có bờ biển cát trắng phẳng lì dài hơn 10km, diện tích 42km2, được bao bọc xung quanh phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ và phía đông là đại dương bao la xanh thẳm.

Một góc Vịnh Lăng Cô - Ảnh: Nguyễn Trung Thành

Mười năm trước, ngày 16/5/2009, một sự kiện rất quan trọng đã diễn ra, hết sức ấn tượng: tại Setubal - Bồ Đào Nha, Vịnh Lăng Cô được kết nạp vào Câu lạc bộ Các vịnh Đẹp nhất Thế giới (Club of the Most Beautiful Bays of the World - world-bays). Đây là vịnh biển thứ 3 của Việt Nam (trước đó là vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang) được công nhận vịnh đẹp nhất thế giới.

Trong mười năm qua, tại đây các hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ - du lịch phát triển sôi động. Cùng với Chân Mây, Lăng Cô (Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) đã trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều dự án có quy mô lớn đã và đang được tiến hành xây dựng.

Một quy hoạch cho tương lai

Mới cách đây vài tháng, ngày 19/12/2018, tại Quyết định số 1774/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thuộc thị trấn Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế có tổng diện tích khoảng 9.490ha. Trong đó, diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.350ha. Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2025, Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến quan trọng hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên- Huế và khu vực miền Trung, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, đáp ứng các tiêu chí; phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế. Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương phấn đấu đến năm 2025, đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 600 nghìn lượt; đến năm 2030, đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 950 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 3.400 tỷ đồng và tạo việc làm cho 7.000 lao động trực tiếp.

Quy hoạch cho thấy các định hướng phát triển của vùng Lăng Cô - Cảnh Dương trong tương lai:

Về phát triển thị trường khách du lịch: Đến 2025, thị trường khách du lịch quốc tế sẽ tiếp tục củng cố, duy trì các thị trường truyền thống như Tây Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Đông Nam Á. Thị trường khách nội địa sẽ tiếp tục duy trì đón khách du lịch nội tỉnh và nội vùng, khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Sau 2025, tiếp tục khai thác các thị trường khách du lịch truyền thống, tập trung vào các phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Đối với khách du lịch quốc tế, từng bước tiếp cận thị trường khách du lịch Nhật Bản, Bắc Âu, Nga và Đông Âu. Đối với thị trường khách nội địa, từng bước chuyển dịch cơ cấu khách, chú trọng vào phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá và du lịch sinh thái chuyên đề biển, đảo.

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch, xác định sản phẩm du lịch chủ đạo: Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch golf; du lịch thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao, chú trọng các hoạt động thể thao nước và trên bãi biển, công viên chuyên đề, vui chơi giải trí có thưởng casino, đua ngựa; phát triển các sản phẩm du lịch phụ trợ như du lịch cộng đồng, tham quan kết hợp trải nghiệm tại các làng chài, làng nghề; sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo gắn với tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống, thắng cảnh.

Vịnh Lăng cô - Ảnh: Nguyễn Đăng Hạnh


Không gian phát triển du lịch sẽ tập trung phát triển 8 phân khu du lịch chính:

Phân khu du lịch đầm Lập An, diện tích khoảng 70ha: Là trung tâm dịch vụ du lịch của Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương, ưu tiên phát triển trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực trên cơ sở khai thác lợi thế mặt nước của đầm Lập An.

Phân khu du lịch sinh thái núi Giòn và núi Phú Gia (xã Lộc Vĩnh và Lộc Tiến, Phú Lộc), diện tích khoảng 50 ha: Là khu du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khu cảnh quan ven đồi. Tại đây, hạn chế xây dựng công trình kiên cố, quy mô lớn; chỉ xây dựng một số công trình quy mô nhỏ nhằm phục vụ phát triển du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm.

Phân khu du lịch biển Lăng Cô, dải ven biển Lăng Cô thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô và một phần diện tích xã Lộc Vĩnh, diện tích khoảng 540 ha: Là phân khu du lịch động lực của Khu DLQG; ưu tiên phát triển du lịch biển và du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân khu vực thị trấn Lăng Cô.

Phân khu du lịch kết hợp nhà ở đô thị phía Tây đầm Lăng Cô, phía Nam đầm Lập An, khu vực Hói Mít, Hói Dừa diện tích khoảng 130 ha: Là khu du lịch dịch vụ kết hợp phát triển đô thị; ưu tiên chỉnh trang khu dân cư, phát triển hệ thống nhà hàng, khu mua sắm kết hợp với tham quan mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản để phát triển du lịch cộng đồng.

Phân khu du lịch biển cao cấp, tại Bãi Cả, bãi Chuối và đảo Sơn Chà, nằm phía Đông Nam thị trấn Lăng Cô, diện tích khoảng 80ha: Là khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Tại khu vực này, ưu tiên bảo tồn cảnh quan, mật độ xây dựng thấp, việc tiếp cận bằng đường thủy và đường bộ.

Phân khu du lịch Cù Dù - Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, diện tích khoảng 310ha: phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển, du lịch cộng đồng và khu dịch vụ hậu cần phục vụ du lịch du thuyền từ cảng Chân Mây.

Phân khu cảng Chân Mây, phía Đông xã Lộc Vĩnh, diện tích khoảng 130ha: xây dựng cảng tổng hợp, cảng du lịch quốc tế đầu mối tiếp nhận và luân chuyển khách du lịch.

Phân khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, diện tích khoảng 40ha: Là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt về cảnh quan, các loài động thực vật của khu vực phía Nam đèo Hải Vân. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm về sinh thái, du lịch mạo hiểm và tham quan thắng cảnh, di tích.

Việc phát triển các tuyến du lịch quốc tế: theo đường hàng không sẽ kết nối các chuyến bay quốc tế qua sân bay Phú Bài (Huế) và Đà Nẵng kết nối với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; theo đường biển sẽ kết nối các tuyến hàng hải quốc tế thông qua cảng du lịch Chân Mây; theo đường bộ sẽ kết nối với các thị trường quốc tế như Lào, Thái Lan thông qua tuyến quốc lộ 9, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.

Tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng theo đường bộ: tuyến quốc lộ 1A kết nối Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với các địa phương trong cả nước; tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với các địa danh Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá), Thái Hoà, Tân Kỳ (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh), Phúc Trạch (Quảng Bình), Khe Sanh (Quảng Trị), đi Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam; tuyến đường di sản miền Trung; tuyến du lịch theo đường biển: kết nối Cảng Chân Mây với các cảng du lịch lớn như Hải Phòng, Tiên Sa (Đà Nẵng), Vũng Rô (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hoà), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu); tuyến du lịch nội tỉnh kết nối Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương với các di tích, điểm du lịch trong tỉnh như cố đô Huế, Thuận An, Phá Tam Giang, Đầm Cầu Hai, vườn quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, A Lưới, Hồ Truồi.

Lăng Cô 2 - Ảnh: Đặng Việt Hùng


Hàng loạt các dự án lớn đang xây dựng giữa biển trời Lăng Cô

Với những lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đến nay, Lăng Cô thu hút 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ với trên 55.000 tỷ đồng.

Trong đó, tiêu biểu như dự án Laguna Lăng Cô là khu nghỉ dưỡng phức hợp đẳng cấp đầu tiên ở Việt Nam do tập đoàn Banyan Tree Singapore đầu tư 875 triệu USD, hiện tập đoàn này đã quyết định tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ đô la.

Dự án này xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp đẳng cấp quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Khu nghỉ dưỡng rộng 280 héc-ta nằm kề bên Vịnh Lăng Cô, được bao bọc bởi bờ biển dài 3km tại Khu Kinh Tế Chân Mây với tầm nhìn hướng thẳng Biển Đông. Đây là một khu vực nổi tiếng với bãi biển nguyên sơ, khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và nằm ngay trên Con đường Di sản miền Trung huyền thoại với các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Laguna Lăng Cô là bước đột phá đầu tiên của Banyan Tree tại thị trường Việt Nam, mô phỏng lại nhiều nét đặc trưng của Laguna Phuket, khu nghỉ dưỡng phức hợp hàng đầu của Tập đoàn tại miền Nam Thái Lan. Dự án bao gồm các khách sạn, khu dịch vụ Spa mang thương hiệu Banyan Tree và Angsana, sân golf 18 lỗ do kiến trúc sư Nick Faldo thiết kế, các biệt thự riêng biệt và khu dân cư cao cấp, trung tâm hội nghị và hàng loạt các hoạt động giải trí cho khách hàng ở mọi lứa tuổi.

Dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô với vốn đăng ký 7.728 tỷ đồng đang khẩn trương xây dựng trên diện tích gần 300ha; bao gồm hệ thống khách sạn, khu resort, trung tâm hội nghị và các dịch vụ bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động vào quý I/2024, trong đó giai đoạn I của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Với thông điệp “Cùng thế giới thưởng thức vẻ đẹp Vịnh Lăng Cô”, Khu Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn-Lăng Cô hứa hẹn sẽ mang đến một địa chỉ du lịch và nghỉ dưỡng ấn tượng.

Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long - Thừa Thiên Huế với vốn đăng ký 3.730 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 100ha; với các dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân...

Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland với vốn đăng ký 1.103,9 tỷ đồng…là một khẳng định về sức hút của vùng đất này đối với loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Sở hữu một vị trí hướng ra biển, cây xanh, nước mát, mây gió và nắng nồng nàn trên thảm cát, đã tạo cảm hứng cho kiến trúc sư người Ý - Marco Ferrera thiết kế khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải, diện tích khu đất 7,7ha, tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Trên địa bàn thị trấn Lăng Cô hiện có hơn 53 resort, khách sạn, nhà nghỉ cung ứng trên 1.200 phòng. Các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí ngày càng phong phú và đa dạng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hiện nay, từ các nguồn vốn, huyện Phú Lộc đang tiến hành chỉnh trang diện mạo đô thị Lăng Cô, như xây dựng Trung tâm thương mại Lăng Cô vốn đầu tư 85 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng đô thị 4,5 tỷ; mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn - đường phía đông đầm Lăng Cô thành đường đi bộ với tổng vốn đầu tư hơn 165 tỷ đồng…

Một tương lai trù phú, phát triển xanh đang dần hiện thực bên Vịnh Lăng Cô, sau mười năm trở thành Vịnh đẹp nhất Thế giới.

P.A  
(SHSDB33/06-2019)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • (SHO). Nhiều ngày qua, báo chí và cộng đồng dân cư mạng đã bày tỏ lòng kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những tin tức, đề xuất về việc lựa chọn đường đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • (SHO). Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước về việc phối hợp hoàn thiện hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.

  • NGUYỄN VĂN DẬT 

    Quê hương là chùm khế ngọt
    Cho con trèo hái mỗi ngày.

                       (Đỗ Trung Quân)

  • KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP CẢNG CHÂN MÂY

    NGUYỄN HỮU THỌ
    (Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH Một Thành Viên Cảng Chân Mây)

  • LÊ XUÂN THÔNG 

    Vai trò của nhà Nguyễn với Phật giáo Ngũ Hành Sơn
    Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vốn đã là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời chúa Nguyễn, nơi hình thành sớm các đạo tràng với sự tu chứng của các bậc danh sư, và đặc biệt nhận được sự quan tâm hỗ trợ của triều đình.

  • PHAN THUẬN AN

    Một sự tình cờ đã xảy ra trong lịch sử cận đại Việt Nam: có hai tướng Ngô Văn Sở sống cùng một thời kỳ. Xin tạm gọi nhân vật thứ nhất là tướng Ngô Văn Sở ấy, và nhân vật thứ hai là danh tướng Ngô Văn Sở triều Tây Sơn.

  • NGUYỄN NHÃ TIÊN
                         Tùy bút

    Đi trong tiết trời ngập tràn gió lạnh mùa xuân Côn Sơn, con đường hun hút xuyên giữa cánh rừng thông thoảng nhẹ từng làn mây khói mỏng mảnh bay lượn lờ, như dẫn dắt con người vào một thế giới xa xăm thanh vắng.

  • NGUYỄN VĂN QUẢNG - ĐÀO LÝ

    Thành Hóa Châu là một tòa thành có vai trò rất lớn trong lịch sử, chính vì thế nó đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu từ rất sớm của các sử gia.

  • NHỤY NGUYÊN

    Làng cổ Phước Tích quyến rũ với phong cảnh nhà vườn xanh mát. Cây thị gần ngàn năm tuổi tỏa bóng bên ngôi miếu cổ là một phần hồn vía của làng cùng nhiều mẩu chuyện thú vị về những di chỉ Chăm.

  • MẠNH TIẾN

    Rời Mèo Vạc về Đồng Văn, ngồi sau lưng anh xe ôm người Hmông, tôi vượt Mã Pì Lèng trong một sáng mùa hè mưa rả rích. Cung đường núi hiểm trở, liên tục gấp ngược khủy tay. Cheo leo. Một bên thăm thẳm đá, cao vun vút. Một bên hun hút sâu, những thung lũng.

  • NGUYỄN VĂN DẬT

    Theo gia phả của thợ đúc xứ Đàng Trong để lại thì từ thời Lê Trịnh mà thợ đúc xứ Kinh Bắc ra đi theo Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp vì nhiều lý do mà trong gia phả nguyên bản bằng chữ Hán được soạn từ thời Cảnh Hưng (1740-1786), rồi tục soạn các đời tiếp Gia Long, Tự Đức đã ghi như sau:

  • LÊ TRÍ DŨNG

    Tôi vẫn phải thưa với bạn đọc rằng suy nghĩ dọc đường thì bao giờ cũng trục trà trục trặc, lục cà lục cục, lủng cà lủng củng và nó cũng gập ghềnh theo nhịp bánh xe lăn, nhất là lúc qua ổ trâu, ổ gà...

  • NGUYỄN QUANG HÀ - NGUYỄN VĂN DŨNG

    Muốn nhìn bức tranh thiên nhiên dựng khung cảnh hoành tráng của Bạch Mã, phải lùi đủ độ xa mới thật chiêm ngưỡng hết dáng vẻ uy nghi của nó.

  • NGUYỄN QUANG LẬP

    Thế rồi Ăm Hươn chống gối đứng dậy, lảo đảo tiến về vách trái nhà sàn đan dày bằng tre ca lay. Nơi đó có cái ca dóc như một búp măng ám khói, đang treo rủ ngược xuống, Ăm Hươn tiến tới gần, dướn lên, với tay lấy ca dóc nhưng không được. Lại dướn lên.. lại không được.

  • NHẤT LÂM 

    Trời đã sang thu, ngồi bên sông Héc Gieng chảy qua thị trấn Na Rì lộng gió mà uống rượu về đêm thì thật quá thú. Khúc sông này hẹp, bãi cát vàng hun dưới trăng, và bên kia sông là dãy núi trùng điệp chạy mãi tận Cao Bằng.

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Các dân tộc thiểu số anh em sống nép mình bên những dãy Trường Sơn hùng vĩ ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, có rất nhiều nét văn hóa độc đáo và riêng biệt. Trong đó có nét đẹp của nghệ thuật làm đẹp mà những chủ nhân của nó hiện ít nhiều còn giữ lại hoặc hồi tưởng qua kí ức.

  • LÊ QUANG THÁI

    Chi thứ 5 trong 12 chi là THÌN, tượng cho con Rồng, chữ Hán viết LONG (龍), còn đọc là “thần”, có nghĩa lý như chữ “Thần” (宸), dị âm đồng nghĩa. Chữ này còn có nghĩa là cung vua. Cung điện sơn màu đỏ là vì thế.

  • VŨ TRƯỜNG AN

    Xưa nay, biểu tượng rồng thường được ứng với những bậc thiên tử, còn những người dân bình thường, chỉ có thể ví với thảo cỏ hay là hàng tôm tép, con bống, con cò..., ví mình với rồng dễ phạm tội “khi quân”.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG (Ghi chép)

    Ngày 02 tháng 5 năm 2011, Ban tổ chức Trại sáng tác văn học Quy Nhơn (do hai tạp chí Văn nghệ Quân đội và Sông Hương đồng tổ chức dưới sự tài trợ của Binh đoàn 15) đã tổ chức một chuyến đi thực tế tại Đức Cơ-Gia Lai, nơi có 3 công ty lớn của Binh đoàn đang làm ăn tại đó. Nhân tiện, tôi rẽ ngang vào Plei-Ku, nơi có 3 người đồng nghiệp cũng là học trò của tôi.

     

  • NGÔ MINH Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011)