Ký ức sông quê...

09:45 16/11/2010

LÊ QUANG KẾT

Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

Vượt qua bạt ngàn núi rừng bí ẩn và hoang sơ của Trường Sơn hùng vĩ, dòng Hương bỗng phân vân khi đến địa danh A Sầu (A Lưới) và một nhánh rẽ xuôi theo hướng Đông Nam đã khai sinh con sông Bồ khiêm tốn dịu dàng làm đẹp thêm những làng quê Thừa Thiên yêu dấu.

Lũ chúng tôi lớn lên bên dòng sông ấy - một chặng dài tuổi thơ đầy ắp bi thương bởi chiến tranh và bao nhọc nhằn lo toan khác. Nhiều thứ đã vội quên trong ký ức chỉ riêng con sông Bồ thì cứ miệt mài chảy trôi theo năm tháng với bao kỷ niệm êm đềm, đằm thắm. Sông Bồ quê tôi như nỗi lặng thầm của bà mẹ dịu hiền che chở và ôm ấp những làng quê nghèo khó trải dài từ A Lưới, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền rồi hội ngộ với dòng Hương ở Ngã Ba Sình với bao giai thoại đầy thi vị.

Chuyến vượt sông Bồ năm xưa vẫn in đậm trong tôi - ký ức đẹp về một thời trai trẻ. Ngày đó chúng tôi tình nguyện giảng dạy miền núi, cùi cái chữ lên cho bà con dân tộc thiểu số - như người ta thường bảo - thuộc huyện A Lưới miền Tây Thừa Thiên - Huế. Bạn tôi, HĐK đã ví von: “Chúng tôi có những ngày đi bộ/ Chúng tôi có những ngày gian khổ/ Trong cuộc sống có người chưa biết chuyện xa hơn con đường phố…”. Ấy mà bên cạnh các anh chàng thư sinh trói gà không chặt còn có nhiều thiếu nữ xuân thì vừa tốt nghiệp sư phạm đã nhẹ nhàng qua sông - họ vốn là nữ sinh Huế một thuở với bao mơ mộng dệt thành thơ. Kiến thức của ngày tháng hướng đạo sinh đã giúp chúng tôi giăng dây kết bè đưa cả đoàn vượt sông trước cơn thịnh nộ của bão lũ. Tôi nhớ như mới hôm qua - những Bồng, Trà, Tiêm, Trâm, Tỵ, Thanh, Thương, Loan, Phụng, Khuyến, Tuyết… Các cô thời ấy đang thanh xuân tràn trề nhựa sống vậy mà giờ họ đã thuộc lớp “U 60”, tuổi làm mạ chồng và làm mệ của các cháu nhỏ. Các chị giờ đang nơi nào? Có nhớ về những ngày A Lưới? Những địa danh được ai đó Việt hóa: Hồng Quãng, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Nam, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Trung, Hồng Hạ, Hồng Tiến, Bắc Sơn, Hương Lâm, Đông Sơn và Hương Nguyên xa xôi của chàng Lê Tất Tưởng. Hay những tên vốn xa lạ đã thành thân quen với lũ chúng ta như: A Ngo, Nhâm, A Roàng, A Đớt rồi những ngôi trường mới được đặt tên: Hương Phong, Sơn Thủy, Phú Vinh… Khó ai quên được những ngày và một thời như thế. Riêng tôi, người rời A Lưới cuối cùng trong đợt miền núi đầu tiên ấy đã bỏ sông Bồ mà đi biền biệt. Xa quê xa sông xa bạn bè ngày tháng cũ, tôi như nợ nần - món nợ sông quê chồng chất dài theo tuổi tác cứ lần lữa hẹn hò mà có làm được gì đâu?

Sông Bồ chảy qua Thanh Lương, Bác Vọng Đông và Phước Yên rẽ thêm nhánh nhỏ - nơi đây có ngã ba sông và con đò Ba Bến. Tuổi nhỏ tôi nghe chuyện kể “Miếu Bà Tơ” mỗi khi lên đò. Cụ già râu tóc bạc trắng ung dung bên mái chèo giọng từ cõi xa xăm: “Đại trượng phu/ Không hề xé gan, bẻ cật/ Phủ cương thường/ Hà tất tiêu dao/ Bốn bể luân lạc tha phương/ Trời nam, nghìn dặm thẳm/ Non nước, một màu sương/ Chí chưa thành, danh chưa toại/ Trai trẻ bao lăm, mà đầu bạc/ Trăm năm thân thế, bóng tà dương/ Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi/ Trời đất mang mang/ Ai người tri kỷ…/ Lại đây cùng ta/ Chung cạn một hồ trường…”. Ngày đó tôi có biết chi mô, chỉ nghe rờn rợn đến tim óc. Sau này mới hiểu được đôi điều, người làng bảo: Cụ già chèo đò ở Ba Bến là người thừa tự cuối cùng của dòng họ mà Bà Tơ là dâu trưởng. Năm xưa, hội đua ghe làng Bác Vọng chiếm luôn cả hai giải Tiền và Phá, ghe làng chuẩn bị về đích bỗng đứt quai chèo - Bà Tơ đã nhanh tay rút dải lưng quần buộc lại, ghe làng giật giải. Nhiều người đương thời còn cả quyết - thánh hóa dân gian chuyện thực hư - cái dây tận bên trong sâu kín kia, hình như là “âm mao” thì phải?! Cả làng reo vui ăn mừng chiến thắng, tôn vinh lập miễu thờ Bà Tơ nay ngót hơn 300 năm lẻ. Đến bây giờ lớn khôn tôi vẫn chưa hiểu nổi - một ông già quê ngoài thất thập có thể ngâm ngợi như bậc hiền triết phương Đông “Nam Phương ca khúc - Hồ Trường” - một thiên cổ thi chỉ dành cho học giả uyên thâm văn học?

Có lần tôi trở về thơ thẩn bên sông. Chuyến đò xuôi dòng từ Phú Lễ, Hạ Lang bên kia là Phú Ốc, Văn Xá. Đò buông mái chèo chầm chậm nơi ba bến xưa, tôi thẩn thờ ngắm sông. Chiều sắp tàn. Con đò như hành thiền trên sông. Còn tôi mất hồn nhìn sự tĩnh tại lạ kỳ của dòng nước. Dòng nước trôi hay đang dừng lại, con đò đang di chuyển hay đứng yên, cả tôi cũng thế - đi hay ở, động hay tĩnh? Mặt sông tĩnh lặng nhưng dòng thủy lưu vẫn nhẹ trôi. Tôi bỗng nhớ câu Kinh nhà Phật đâu đó: Những có và không, những còn và mất, những đến và đi, hiện hình và tiêu tán, phải chăng cũng chỉ là chuyện của lẽ đời và của giới tự nhiên - thế thôi, chẳng ai lo liệu toan tính hay thay đổi được. Tôi đã gặp một con người như thế - cả đời chỉ sống bên lở của dòng sông. Ngày ngày lặn hụp đáy sông kiếm sống. Nhà chú sống phía bên lỡ sông Bồ, trận lụt năm kia trôi cả nhà cửa, chỉ còn con đò nhỏ làm nơi tạm cư cuộc sống vạn chài. Chẳng biết bây chừ chú có còn lặn cát kiếm cơm như ngày trước, gia đình đã kịp lên bờ định cư hay còn lênh đênh trên sông nước?


Minh họa: Phan Ngọc Minh


Hóa ra dòng sông nào cũng có linh hồn, thần thái riêng gắn bó với cuộc đời mỗi người. Nhà ngoại tôi trước mặt là con hói - một nhánh nhỏ của sông Bồ. Lũ chúng tôi ngày nào cũng lặn hụp bến sông. Bao giờ cũng thế cả bọn chạy ào lên bãi bồi Nam Phù, thả mình trên sông lớn rồi xuôi dòng về hói. Vậy mà có lần tôi đuối ở hói này. Mùa lụt năm ấy trên đường về tôi quyết định bơi qua hói. Mọi khi chỉ mấy sải tay là tới nhưng lần này tôi đuối sức mặc dòng nước cuốn trôi. Người đã địu tôi vào bờ là mụ Cai. Bà ngoại tôi bảo: ma rà kéo cháu đi, thần sông thần hói lôi cháu đi phải làm vắt cơm quả trứng để tạ tội với thần. Nhiều lần sau này mỗi lần về quê tôi cố tìm mụ Cai - ân nhân lớn đời tôi nhưng bặt vô âm tín, người làng quê vốn vô tâm chẳng quan tâm chi ơn nghĩa, coi chuyện đạo lý ở đời là lẽ tự nhiên - thế thôi. Một chân lý bất tuyệt đã được hiển ngôn - trước sự giận dữ và cuồng nộ của thiên nhiên, con người bỗng nhiên thấy mình cô đơn, bé nhỏ, bất lực hay là cái hữu hạn vô thường của đời người trước cái bất tận vô hạn của giới tự nhiên.

Phò Nam là tên làng tôi, nhỏ nhắn và lặng lẽ bên bờ sông Bồ của xứ Quảng Điền nghèo khó. Điều hạnh phúc vô bờ là người làng tôi được sống cả hai bên lở và bồi của con sông quê, hình như duy nhất chỉ một làng quê đặc ân như thế: Phò Nam Làng và Phò Nam Phe. Thi vị hơn cả là làng có con đò đón đưa hai bờ, sẻ chia bao hạnh ngộ buồn vui. Những chuyến ghe chuyển sắn khoai, lúa bắp và các thứ qua lại tấp nập ngày vụ chiêm được mùa. Những ánh mắt lo âu, thẩn thờ trong cơn túng bấn những lúc giáp hạt thiếu ăn. Rồi chuyện lũ lụt trên sông Bồ làm người làng tôi phải ly hương tha phương khắp chốn… Và tôi cũng thế, bỏ làng bỏ quê cơm đùm gạo bới “lên dinh” trọ học. Ngày ra đi mạ mừng mừng tủi tủi còn người làng ngóng theo với niềm kỳ vọng ngày vinh quy. Thế mà chàng trai quê năm xưa giờ đã bạc tóc vẫn loay hoay với bao nặng nhẹ lẫn lộn chẳng làm nên trò trống gì - phụ lòng uổng công bao người trông đợi… Chiều nay từ nơi xa mắt dõi về quê cũ, tôi nghe lòng nặng trĩu. Cảm ơn giai điệu và ca từ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đưa tôi trở về với sông quê - dù rằng dòng sông của ông mãi tận trời Nam: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/ Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/ Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy/ Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già…”.

Tôi đã đọc được đâu đó triết lý về những dòng sông: Con sông xứ sở dù lớn nhỏ, dài ngắn, dù thơ mộng dạt dào hay u trệ khô cằn hay… là gì đi nữa - nó vẫn mang tải trên mình những nền văn hóa văn minh cho dân tộc, sông mang hạt phù sa tô điểm những miền gái đẹp và làm thay đổi bao chuyện giữa cõi đời đậm chất nhân bản mà tự con người không thể thay thế được. Lý Bạch đã có những câu thơ tuyệt vời treo trên lầu cao về dòng sông: “Quân bất kiến/ Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Lưu bôn đáo hải bất phục hồi…”- Trương tiến tửu - Há chẳng thấy nước Hoàng Hà từ trời đổ xuống/ Chảy tuột biển đông chẳng quay về… - Hãy cạn chén! Hoàng Hà của ông như chàng lực sĩ cuồn cuộn tráng lệ chảy ra biển đông. Hay sông Dương Tử đi vào thơ ông như giải lụa thắt lưng trời “Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”. Viết ra như thế hẳn Tiên Thi yêu quê hương đất nước biết nhường nào? Sông Bồ của tôi không gì thể sánh bằng. Thế mà trong mỗi chúng tôi, ai cũng yêu sông Bồ theo kiểu của riêng mình. Có cụ già đã tới tuổi “cổ lai hy” lưu lạc tận trời Tây, dặn dò trăn trối: “Mai này qua đời, cháu con cố đưa tao về lại bên sông Bồ, ở đó tao có mọi thứ mà ở đây không thể có....”. Bạn tôi, bao năm lưu lạc ra vào lợi danh, cuối đời đã ung dung về dựng thảo am bên sông Bồ vui thú điền viên, tắm mát nơi bến sông quê. Nhiều đêm trong thao thức, chợp mắt tôi nghe thanh âm tiếng gọi đò vang vọng liên hồi như thầm nhắc. Những lúc như thế cõi lòng như rỗng không, tôi vẫn đau đáu hoài cảm nhủ lòng - dù chậm nhưng tôi sẽ trở về với Bồ giang yêu dấu…


(SDB 10-2010)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Sau ba năm đi giang hồ Trung Quốc. Nguyễn Du trở về, ở tại Thăng Long từ cuối năm 1790 cho đến năm 1794. Đó là ba năm «Chữ tình chốc đã ba năm vẹn», lưu lại trong Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương.

  • Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau: “Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 Octobre 1940). Thêm một ngày đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu

  • Với giọng văn sinh động, pha chút hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò: “Chuyện kể về thầy trò thời xưa”, “Những tấm lòng cao cả” hay bộ văn học teen “Cười lên đi cô ơi”… sẽ đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc và hoài niệm.

  • Trong tất cả các Ni sư Phật giáo mà tôi được biết và chịu ơn hoằng pháp vô ngôn, có lẽ người gần gũi với tôi nhất trong đời là Cố Đại Trưởng lão Ni chúng – Sư Bà Cát Tường - nguyên trụ trì chùa sư nữ Hoàng Mai ở Thủy Xuân – Huế.

  • LTS: Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh năm 78 tuổi sức khỏe không còn như buổi thanh niên, nhưng ngòi bút của ông vẫn còn cái sung sức của một người đã từng yêu du lịch và làm nghề hướng dẫn khách du lịch toàn Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những trang hồi ký đầy lý thú của Thanh Tịnh.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975.

  • Vậy là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã về cõi thiên thu giữa một sáng mùa thu Hà Nội lay phay gió mù u!...Trước khi chưa kịp được vuốt mắt, dường như đôi đồng tử của ông vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh đau đáu về con sông Cụt quê nhà.

  • Với một tướng lãnh võ biền, thì mục tiêu cuộc dẹp loạn là đánh tan loạn quân, rồi ca khúc khải hoàn, ăn mừng chiến thắng.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG

    Đời của nó như thể bềnh bồng
    Cái chết của nó như thể an nghỉ

                               F.Jullien
    (Dẫn nhập cuốn “Nuôi dưỡng đời mình - tách rời hạnh phúc” - Bửu Ý dịch, 2005)

  • THANH TÙNG

    Hiệp định Genève ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ đã trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Nhiều cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc vợ Nam, khi vợ được ra Bắc thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu, đời vợ chồng như chuyện vợ chồng Ngâu.

  • Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại. Không còn gì ngượng bằng đọc một bài người ta đem dẫn toàn những câu thơ dở và những câu ca dao dở mà lại đi khen là hay”. (Vũ Ngọc Phan, trích từ Hồi ký văn nghệ, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 4 năm 1983, trang 168).

  • VƯƠNG TRÍ NHÀN

    I
    Hè phố Hà Nội vốn khá hẹp, chỉ có điều may là ở cái thành phố đang còn lấy xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu này, người đi bộ có phần ít, phía các phố không phải phố buôn bán, vỉa hè thường vắng, bởi vậy, nếu không quá bận, đi bộ lại là cái thú, người ta có thể vừa đi vừa nghỉ, thoải mái.

  • Gặp người thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, tôi có dịp biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện hơn 30 năm về trước khi tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được tái bản lần đầu.

  • THẾ TƯỜNG
                   

    "Quê hương là chùm khế ngọt
    cho con trèo hái cả ngày"

  • Một nhà báo Pháp sắp đến Việt Nam để tìm lại một di sản chiến tranh, nhưng ở một khía cạnh nhân văn của nó - đó là những con người, địa điểm từng xuất hiện trong các bức ảnh mà nữ phóng viên chiến trường nổi tiếng Catherine Leroy ghi lại trong cuộc tấn công Mậu Thân vào thành phố Huế. 

  • Thanh Minh là bút danh chính của Nguyễn Hưu(1), người làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

  • LTS: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết.

  • Thực tế lịch sử gần 70 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và là kết quả tất yếu từ công lao to lớn của Bác chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.

  • Tháng Bảy âm. Tháng cô hồn. Mồng một âm đã rả rích mưa báo hiệu cho một tháng âm u của Tiết Ngâu. Sắp rằm, tâm trí chợt như hửng ấm khi tiếp được cái giấy Hà Nội mời dự lễ khánh thành nhà bia và Khu tưởng niệm đồng bào ta bị chết đói năm 1945. Chợt nhớ, công việc này đã manh nha từ hơn mười năm trước…

  • LTS: Nguyễn Hưu, bút danh Thanh Minh, sinh năm 1914, quê huyện Can Lộc, hoạt động báo chí và văn học từ những năm 1934 - 1935. Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả Hán - Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà quản lý văn hóa văn nghệ có nhiều thành tựu và cống hiến. Ông là Hội trưởng Hội văn nghệ Hà Tĩnh đầu tiên. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [21.8], VHNA sẽ lần lượt đăng một số bài viết về ông.