Ký ức sông quê...

09:45 16/11/2010

LÊ QUANG KẾT

Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

Vượt qua bạt ngàn núi rừng bí ẩn và hoang sơ của Trường Sơn hùng vĩ, dòng Hương bỗng phân vân khi đến địa danh A Sầu (A Lưới) và một nhánh rẽ xuôi theo hướng Đông Nam đã khai sinh con sông Bồ khiêm tốn dịu dàng làm đẹp thêm những làng quê Thừa Thiên yêu dấu.

Lũ chúng tôi lớn lên bên dòng sông ấy - một chặng dài tuổi thơ đầy ắp bi thương bởi chiến tranh và bao nhọc nhằn lo toan khác. Nhiều thứ đã vội quên trong ký ức chỉ riêng con sông Bồ thì cứ miệt mài chảy trôi theo năm tháng với bao kỷ niệm êm đềm, đằm thắm. Sông Bồ quê tôi như nỗi lặng thầm của bà mẹ dịu hiền che chở và ôm ấp những làng quê nghèo khó trải dài từ A Lưới, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền rồi hội ngộ với dòng Hương ở Ngã Ba Sình với bao giai thoại đầy thi vị.

Chuyến vượt sông Bồ năm xưa vẫn in đậm trong tôi - ký ức đẹp về một thời trai trẻ. Ngày đó chúng tôi tình nguyện giảng dạy miền núi, cùi cái chữ lên cho bà con dân tộc thiểu số - như người ta thường bảo - thuộc huyện A Lưới miền Tây Thừa Thiên - Huế. Bạn tôi, HĐK đã ví von: “Chúng tôi có những ngày đi bộ/ Chúng tôi có những ngày gian khổ/ Trong cuộc sống có người chưa biết chuyện xa hơn con đường phố…”. Ấy mà bên cạnh các anh chàng thư sinh trói gà không chặt còn có nhiều thiếu nữ xuân thì vừa tốt nghiệp sư phạm đã nhẹ nhàng qua sông - họ vốn là nữ sinh Huế một thuở với bao mơ mộng dệt thành thơ. Kiến thức của ngày tháng hướng đạo sinh đã giúp chúng tôi giăng dây kết bè đưa cả đoàn vượt sông trước cơn thịnh nộ của bão lũ. Tôi nhớ như mới hôm qua - những Bồng, Trà, Tiêm, Trâm, Tỵ, Thanh, Thương, Loan, Phụng, Khuyến, Tuyết… Các cô thời ấy đang thanh xuân tràn trề nhựa sống vậy mà giờ họ đã thuộc lớp “U 60”, tuổi làm mạ chồng và làm mệ của các cháu nhỏ. Các chị giờ đang nơi nào? Có nhớ về những ngày A Lưới? Những địa danh được ai đó Việt hóa: Hồng Quãng, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Nam, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Trung, Hồng Hạ, Hồng Tiến, Bắc Sơn, Hương Lâm, Đông Sơn và Hương Nguyên xa xôi của chàng Lê Tất Tưởng. Hay những tên vốn xa lạ đã thành thân quen với lũ chúng ta như: A Ngo, Nhâm, A Roàng, A Đớt rồi những ngôi trường mới được đặt tên: Hương Phong, Sơn Thủy, Phú Vinh… Khó ai quên được những ngày và một thời như thế. Riêng tôi, người rời A Lưới cuối cùng trong đợt miền núi đầu tiên ấy đã bỏ sông Bồ mà đi biền biệt. Xa quê xa sông xa bạn bè ngày tháng cũ, tôi như nợ nần - món nợ sông quê chồng chất dài theo tuổi tác cứ lần lữa hẹn hò mà có làm được gì đâu?

Sông Bồ chảy qua Thanh Lương, Bác Vọng Đông và Phước Yên rẽ thêm nhánh nhỏ - nơi đây có ngã ba sông và con đò Ba Bến. Tuổi nhỏ tôi nghe chuyện kể “Miếu Bà Tơ” mỗi khi lên đò. Cụ già râu tóc bạc trắng ung dung bên mái chèo giọng từ cõi xa xăm: “Đại trượng phu/ Không hề xé gan, bẻ cật/ Phủ cương thường/ Hà tất tiêu dao/ Bốn bể luân lạc tha phương/ Trời nam, nghìn dặm thẳm/ Non nước, một màu sương/ Chí chưa thành, danh chưa toại/ Trai trẻ bao lăm, mà đầu bạc/ Trăm năm thân thế, bóng tà dương/ Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi/ Trời đất mang mang/ Ai người tri kỷ…/ Lại đây cùng ta/ Chung cạn một hồ trường…”. Ngày đó tôi có biết chi mô, chỉ nghe rờn rợn đến tim óc. Sau này mới hiểu được đôi điều, người làng bảo: Cụ già chèo đò ở Ba Bến là người thừa tự cuối cùng của dòng họ mà Bà Tơ là dâu trưởng. Năm xưa, hội đua ghe làng Bác Vọng chiếm luôn cả hai giải Tiền và Phá, ghe làng chuẩn bị về đích bỗng đứt quai chèo - Bà Tơ đã nhanh tay rút dải lưng quần buộc lại, ghe làng giật giải. Nhiều người đương thời còn cả quyết - thánh hóa dân gian chuyện thực hư - cái dây tận bên trong sâu kín kia, hình như là “âm mao” thì phải?! Cả làng reo vui ăn mừng chiến thắng, tôn vinh lập miễu thờ Bà Tơ nay ngót hơn 300 năm lẻ. Đến bây giờ lớn khôn tôi vẫn chưa hiểu nổi - một ông già quê ngoài thất thập có thể ngâm ngợi như bậc hiền triết phương Đông “Nam Phương ca khúc - Hồ Trường” - một thiên cổ thi chỉ dành cho học giả uyên thâm văn học?

Có lần tôi trở về thơ thẩn bên sông. Chuyến đò xuôi dòng từ Phú Lễ, Hạ Lang bên kia là Phú Ốc, Văn Xá. Đò buông mái chèo chầm chậm nơi ba bến xưa, tôi thẩn thờ ngắm sông. Chiều sắp tàn. Con đò như hành thiền trên sông. Còn tôi mất hồn nhìn sự tĩnh tại lạ kỳ của dòng nước. Dòng nước trôi hay đang dừng lại, con đò đang di chuyển hay đứng yên, cả tôi cũng thế - đi hay ở, động hay tĩnh? Mặt sông tĩnh lặng nhưng dòng thủy lưu vẫn nhẹ trôi. Tôi bỗng nhớ câu Kinh nhà Phật đâu đó: Những có và không, những còn và mất, những đến và đi, hiện hình và tiêu tán, phải chăng cũng chỉ là chuyện của lẽ đời và của giới tự nhiên - thế thôi, chẳng ai lo liệu toan tính hay thay đổi được. Tôi đã gặp một con người như thế - cả đời chỉ sống bên lở của dòng sông. Ngày ngày lặn hụp đáy sông kiếm sống. Nhà chú sống phía bên lỡ sông Bồ, trận lụt năm kia trôi cả nhà cửa, chỉ còn con đò nhỏ làm nơi tạm cư cuộc sống vạn chài. Chẳng biết bây chừ chú có còn lặn cát kiếm cơm như ngày trước, gia đình đã kịp lên bờ định cư hay còn lênh đênh trên sông nước?


Minh họa: Phan Ngọc Minh


Hóa ra dòng sông nào cũng có linh hồn, thần thái riêng gắn bó với cuộc đời mỗi người. Nhà ngoại tôi trước mặt là con hói - một nhánh nhỏ của sông Bồ. Lũ chúng tôi ngày nào cũng lặn hụp bến sông. Bao giờ cũng thế cả bọn chạy ào lên bãi bồi Nam Phù, thả mình trên sông lớn rồi xuôi dòng về hói. Vậy mà có lần tôi đuối ở hói này. Mùa lụt năm ấy trên đường về tôi quyết định bơi qua hói. Mọi khi chỉ mấy sải tay là tới nhưng lần này tôi đuối sức mặc dòng nước cuốn trôi. Người đã địu tôi vào bờ là mụ Cai. Bà ngoại tôi bảo: ma rà kéo cháu đi, thần sông thần hói lôi cháu đi phải làm vắt cơm quả trứng để tạ tội với thần. Nhiều lần sau này mỗi lần về quê tôi cố tìm mụ Cai - ân nhân lớn đời tôi nhưng bặt vô âm tín, người làng quê vốn vô tâm chẳng quan tâm chi ơn nghĩa, coi chuyện đạo lý ở đời là lẽ tự nhiên - thế thôi. Một chân lý bất tuyệt đã được hiển ngôn - trước sự giận dữ và cuồng nộ của thiên nhiên, con người bỗng nhiên thấy mình cô đơn, bé nhỏ, bất lực hay là cái hữu hạn vô thường của đời người trước cái bất tận vô hạn của giới tự nhiên.

Phò Nam là tên làng tôi, nhỏ nhắn và lặng lẽ bên bờ sông Bồ của xứ Quảng Điền nghèo khó. Điều hạnh phúc vô bờ là người làng tôi được sống cả hai bên lở và bồi của con sông quê, hình như duy nhất chỉ một làng quê đặc ân như thế: Phò Nam Làng và Phò Nam Phe. Thi vị hơn cả là làng có con đò đón đưa hai bờ, sẻ chia bao hạnh ngộ buồn vui. Những chuyến ghe chuyển sắn khoai, lúa bắp và các thứ qua lại tấp nập ngày vụ chiêm được mùa. Những ánh mắt lo âu, thẩn thờ trong cơn túng bấn những lúc giáp hạt thiếu ăn. Rồi chuyện lũ lụt trên sông Bồ làm người làng tôi phải ly hương tha phương khắp chốn… Và tôi cũng thế, bỏ làng bỏ quê cơm đùm gạo bới “lên dinh” trọ học. Ngày ra đi mạ mừng mừng tủi tủi còn người làng ngóng theo với niềm kỳ vọng ngày vinh quy. Thế mà chàng trai quê năm xưa giờ đã bạc tóc vẫn loay hoay với bao nặng nhẹ lẫn lộn chẳng làm nên trò trống gì - phụ lòng uổng công bao người trông đợi… Chiều nay từ nơi xa mắt dõi về quê cũ, tôi nghe lòng nặng trĩu. Cảm ơn giai điệu và ca từ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đưa tôi trở về với sông quê - dù rằng dòng sông của ông mãi tận trời Nam: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/ Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/ Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy/ Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già…”.

Tôi đã đọc được đâu đó triết lý về những dòng sông: Con sông xứ sở dù lớn nhỏ, dài ngắn, dù thơ mộng dạt dào hay u trệ khô cằn hay… là gì đi nữa - nó vẫn mang tải trên mình những nền văn hóa văn minh cho dân tộc, sông mang hạt phù sa tô điểm những miền gái đẹp và làm thay đổi bao chuyện giữa cõi đời đậm chất nhân bản mà tự con người không thể thay thế được. Lý Bạch đã có những câu thơ tuyệt vời treo trên lầu cao về dòng sông: “Quân bất kiến/ Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai/ Lưu bôn đáo hải bất phục hồi…”- Trương tiến tửu - Há chẳng thấy nước Hoàng Hà từ trời đổ xuống/ Chảy tuột biển đông chẳng quay về… - Hãy cạn chén! Hoàng Hà của ông như chàng lực sĩ cuồn cuộn tráng lệ chảy ra biển đông. Hay sông Dương Tử đi vào thơ ông như giải lụa thắt lưng trời “Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”. Viết ra như thế hẳn Tiên Thi yêu quê hương đất nước biết nhường nào? Sông Bồ của tôi không gì thể sánh bằng. Thế mà trong mỗi chúng tôi, ai cũng yêu sông Bồ theo kiểu của riêng mình. Có cụ già đã tới tuổi “cổ lai hy” lưu lạc tận trời Tây, dặn dò trăn trối: “Mai này qua đời, cháu con cố đưa tao về lại bên sông Bồ, ở đó tao có mọi thứ mà ở đây không thể có....”. Bạn tôi, bao năm lưu lạc ra vào lợi danh, cuối đời đã ung dung về dựng thảo am bên sông Bồ vui thú điền viên, tắm mát nơi bến sông quê. Nhiều đêm trong thao thức, chợp mắt tôi nghe thanh âm tiếng gọi đò vang vọng liên hồi như thầm nhắc. Những lúc như thế cõi lòng như rỗng không, tôi vẫn đau đáu hoài cảm nhủ lòng - dù chậm nhưng tôi sẽ trở về với Bồ giang yêu dấu…


(SDB 10-2010)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN KHẮC VIỆN
                    Trích hồi ký

    - 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!

  • Chiều 15-4-89, 14 giờ. Phòng họp của Hội VHNT Bình Trị Thiên đã chật hết chỗ, nhiều người ngồi lên bậc cửa sổ.

  • HỒ VĨNH

    Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh sinh ngày 15/6/1905 tại Phú Hội, thành phố Huế. Thuở thiếu thời ông là người ngay thẳng, vui tính, thích văn chương nghệ thuật; ông bước vào nghề báo từ năm 1929 và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ tại Huế và hoạt động báo chí do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Trong lịch sử xây dựng tổ chức văn nghệ trên đất Cố đô Huế 70 năm qua, nơi ghi dấu nhiều sự kiện, nhiều kỷ niệm nhất hẳn là ngôi nhà 26 Lê Lợi, bên bờ nam sông Hương.

  • Đó là đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điếu văn linh mục Phạm Bá Trực.

  • Từ Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc, của chế độ cũ - mới để tham gia chính quyền cách mạng.

  • HOÀNG VŨ THUẬT
                    Bút ký

    Hồi ấy tôi cũng là ông giáo làng, sáng đi tối về. Chiến tranh như cái máy ủi đã san phẳng bất cứ thứ gì dựng lên trên mặt đất.

  • Văn Cao là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt và hoà trộn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành di sản âm nhạc quý báu của nước nhà. Trong đó, có tác phẩm Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam – mà ông là tác giả.

  • PHAN QUANG
                Hồi ký

    Vua Hàm Nghi ghé làng tôi. Vua nghỉ lại ở nhà tôi. Điều đó xảy ra một trăm năm về trước. Và nhà ấy là nhà của ông nội tôi.

  • Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Ngân Giang viết như một dòng sông tuôn chảy điều hòa. Bà là một hiện tượng trên thi đàn Việt Nam: người làm thơ liên tục dài năm nhất (từ 1922 tới khi bà qua đời- 2002), có số lượng thơ thuộc loại nhiều nhất (hơn 5.000 bài) có nhiều bài được truyền tụng (như Trưng nữ vương, Xuân chiến địa...)

  • KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1949 - 2015)

    PHẠM HỮU THU 

    Trước khi ông Lê Sáu, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế qua đời, tôi may mắn được ông kể cho nghe nhiều chuyện, phần lớn là những ân tình mà đồng bào, đồng chí đã dành cho cách mạng trong những năm ác liệt của chiến tranh, nhất là những tấm gương lặng lẽ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

  • PHAN NAM SINH

    Thầy tôi mất trưa hôm 16/1/1959 tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Sau khi cùng các anh chị tôi lo xong đám tang cho ông, mẹ tôi thu dọn tất cả số sách báo, sổ tay ghi chép, di cảo... của ông để lại vào trong hai chiếc va li loại lớn được ông mang về từ lần đi Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn.

  • Nhiều người Huế ngày trước thuờng ngâm nga câu hát: “ Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Cô đi về đâu tan buổi học rồi?/ Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao/ Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba / Cô về Vĩ Dạ hay ngược Kim Luông/… Tôi mơ một bóng khi về đơn côi/ Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi/ Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi”.

  • BÙI KIM CHI 

    Vào Thành nội, hai con đường nhỏ hai bên hông trường trung học Hàm Nghi có lá phượng bay, có vòm nhãn che đường làm nền cho ngôi trường uy nghi, bề thế nằm ở giữa. Trước cổng trường có con đường nhỏ chạy ngang qua với hai hàng mù u lấp lánh nắng vàng tươi chụm đầu vào nhau nghe và thủ thỉ chuyện học trò.

  • THÁI KIM LAN

    Từ xa nhận được hung tin Thầy nhập viện trong tình trạng nguy cập, tôi nôn nóng muốn về, hi vọng được gặp lại Thầy.

  • HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ

    LÊ TRỌNG SÂM

  • 90 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM(21/6/1925 - 2015)

    THANH NGỌC

    Sự hình thành và phát triển của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế kể từ khi ra đời đến nay đã gắn bó rất chặt với đời sống báo chí. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi những mầm xanh của VHNT rất cần được gieo trồng trên cánh đồng báo chí. Điều khác nữa, Huế - vùng đất từng là “thủ đô văn hóa” của cả nước, nơi báo chí phát triển cực thịnh mấy chục năm từ trước 1945 đến 1975, các nhà văn hoạt động mạnh mẽ trên lĩnh vực báo chí là lẽ đương nhiên.

  • TRANG ĐOAN

    “Một tiếng lôi đình kinh vũ trụ
    Tấm gương trung nghĩa động thần minh.”[1]

     

  • Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 19/5 kênh VTV1 đã trình chiếu bộ phim tài liệu: Hồ Chí Minh - Bài ca Tự do. Có thể khẳng định: đây là một trong những bộ phim tài liệu đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi đã từng được xem.

  • NSND Trà Giang chia sẻ ký ức và cảm xúc về bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ năm 1962.