Khi họ hôn nhau mưa bắt đầu rơi trên mặt sông

10:02 15/01/2018

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Hắn câu cá bên bờ sông, trên một dải đất vươn ra lởm chởm đá, mọc vài cây bạch dương thưa thớt, có thể đứng vài người, nhưng lúc ấy chỉ có mình hắn.

Minh họa: Nhím

Tới nơi lúc sáu giờ sáng, sớm hơn thường lệ vì đó là chủ nhật trước ngày lễ, hắn sợ bọn đi câu sẽ kéo tới đông. Mùa này cá về nhiều, hắn câu một loại cá thuộc họ trout nhưng lớn và dài hơn, dữ hơn, ở chỗ dòng nước xiết, muốn thế phải ra ngoài xa. Khi mắc câu, lũ cá này chiến đấu quyết liệt. Bọn người đứng trong bờ không thể câu loại cá ấy.

Hắn rút đồ nghề ra, sửa soạn hộp mồi nhựa, hộp mồi giun đất sống, các lưỡi câu, kiểm soát dây câu, cần câu, mặc thêm cái áo khoác mỏng. Gió thổi, se lạnh, ngửa tay hứng vừa vặn một giọt mưa tròn, ấm, hắn biết trời sẽ mưa, nhưng cũng còn khá lâu. Đây là đoạn phía dưới chiếc cầu bắc ngang sông, cầu sắt đen dành cho xe lửa, có thể đi bộ, nhưng vùng này rất vắng, họa hoằn lắm mới có một gã đi câu băng sông thử vận may ở phía bờ kia. Nhưng hắn biết bờ bên này có nhiều cá hơn, đúng loại hắn muốn. Hắn kéo cao cổ áo, lôi từ trong túi thức ăn lunch box ra ly cà phê nóng cappuccino mua từ trạm xăng, nắp vặn chặt. Thả dây câu xuống, có phần lơ đãng, đang tận hưởng cái ấm áp thi vị trong buổi sáng mùa xuân mưa còn lắc rắc nhưng trời ấm dần, hắn nhìn thấy họ.

Từ xa hắn nhận ra đó là một người đàn ông cao lớn đi chậm chạp trên cầu từ bờ bên kia, và một người đàn bà thấp hơn, mảnh khảnh, đi ngược chiều với ông ta, từ phía bờ sông hắn ngồi. Người đàn ông mặc áo khoác kiểu thể thao màu tối sẫm, người đàn bà mặc áo len turtleneck cao cổ, không nhìn rõ màu. Họ đi ngược chiều nhau, chậm chạp tới gần, đứng im nhìn nhau một lúc, ôm lấy nhau thật chặt như hai người bạn lâu ngày không gặp rồi buông ra, và cùng đứng tựa vào thành cầu, cúi nhìn xuống phía hắn ngồi.

Nhìn chăm chú những cử chỉ của hai người, từ xa, có thể đoán họ đang im lặng. Có lẽ họ không nhìn thấy hắn, vì chỗ hắn đứng hơi khuất sau hai cây bạch dương và một bụi dâu lớn. Họ đứng trên cầu nhìn xuống mặt nước một lúc lâu, rồi người đàn ông khẽ xoay người, hướng về người đàn bà, cúi đầu xuống, người đàn bà thấp nhỏ chậm chạp ngửa mặt lên. Họ sắp sửa hôn nhau, hắn nghĩ, khẽ mỉm cười, ánh mắt hắn không rời khỏi thành cầu.

Khi họ hôn nhau, mưa bắt đầu rơi trên mặt sông, mới đầu rơi lấm tấm, rơi từng giọt từng giọt như từ trên mái tranh ngày xưa của mẹ hắn, nhỏ tí tách xuống dòng nước trước thềm nơi em gái vòi vĩnh bắt hắn xếp thuyền giấy thả xuống, có gắn một mẩu xà phòng hiệu Bông Lan ở đuôi thuyền làm chúng chạy nhanh hơn, mưa càng to thuyền giấy của chúng càng trôi vun vút, có khi mất tiêu làm đứa em gái khóc ré lên, cái con bé rất hay làm người khác bực mình, mới đầu mưa tỏa những vòng sóng trên mặt sông rộng yên tĩnh, về sau mưa rơi nhanh quá, rơi vun vút, nước nhấp nhô thành sóng cao, rồi mưa bôi xóa tất cả đất trời như một bức màn trắng, từ chỗ hắn ngồi nhìn lên hai người trên cầu kia không còn thấy rõ.

Mưa mỗi lúc một to, gió tạt mạnh, cuốn những lá phong lá bạch dương xoay vòng. Hắn kéo cái zipper lên, nâng cao hết mức cổ áo khoác, đứng thẳng, bấm ngón tay giữ chặt dây câu rồi văng mạnh tay, ném mồi ra thật xa, phía trên dòng nước, kéo rê dây theo dòng nước, kiểm soát ròng rọc, nhắp cần câu, thăm dò sức căng, rình những cái đớp mồi của cá.

Bọn cá này rất tinh khôn, chúng thường thử nhắp mồi trước, hồi lâu, ít khi chịu cắn ngay. Khi chúng cắn, lập tức quẫy đuôi kéo đi, dây câu căng thẳng, cần cong vút, tay cầm nặng chịch. Bọn cá rất nặng cân, mạnh mẽ, khi bị mắc câu trở nên hung dữ, thật ra cũng như con người, khi họ sợ hãi bao giờ cũng trở nên hung dữ, và khi hung dữ là lúc họ sợ hãi nhất, bọn cá lại đi từng đàn, thi nhau rỉa cắn làm đứt mồi, hoặc cắn đứt dây tha luôn móc câu mang đi. Nếu bạn muốn giữ cho chúng mắc câu thật lâu, phải đi dọc theo bờ nước, đôi khi phải chạy qua những bụi rậm và những bãi đá rêu trơn trượt. Té ngã hay trầy xước là chuyện thường. Dây câu bây giờ căng thẳng. Cần câu rung bần bật. Chờ cho dây rút xuống thẳng băng dưới mặt nước, hắn rùn tay lại, nghiêng người đi, bước chậm chạp ngược chiều nước chảy, giữ cho lưỡi câu tiếp tục bị cắn chặt. Hắn chuẩn bị kéo. Con cá này phải lớn lắm. Chắc thế.

Một tiếng động lớn vang lên trước mặt hắn, chỗ dòng nước chảy xiết. Một người đã nhảy từ trên cầu xuống. Biến mất ngay giữa những vòng xoáy sâu. Hắn hất cái cần câu xuống đất, để mặc cho con cá kéo đi phăng phăng, cởi áo khoác, định để nguyên quần áo nhảy xuống. Hắn nhớ rằng mình bơi không giỏi, sẽ đuối sức nếu không bơi đúng hướng, và có thể nạn nhân đã trôi xa hơn hắn tưởng, hay ngược lại, mắc vào một vật và dừng lại. Hắn nhìn chăm chú xuống mặt sông, tìm dấu hiệu, như một cánh tay đưa lên. Tuyệt không tăm tích. Chỗ này nước chảy xiết quá. Hắn đâm luống cuống. Hắn quay người chạy theo dải đất vào bờ, định chạy dọc bờ sông, xuôi dòng, hy vọng thấy được dấu vết. Hắn vấp phải dây câu, đang bị kéo căng, quấn luôn vài vòng, té ngửa. Lòm còm ngồi dậy, hắn nhìn lên. Trên cầu chỉ còn lại một người. Người đàn ông cao lớn, áo khoác màu đen sẫm, đứng bất động cúi đầu nhìn xuống, cái bóng phủ lên nền trời mù mù nhiều mây. Và hắn nhận ra đây là lần thứ hai hắn trông thấy ông ta, không, hắn trông thấy cả hai người. Lần thứ nhất, cách đó bảy năm. Người đàn ông và người đàn bà ấy, chính là họ, đang đứng bên nhau, từ trên cao nhìn xuống, và hắn đứng trên bãi cát mịn vàng óng ánh dưới chân cầu, đang mãi ngắm những con chim hải âu bay lượn, khi tình cờ ngẩng lên, hắn nhìn thấy người đàn ông đang xoay mặt về phía người đàn bà, cúi đầu xuống, người đàn bà chậm chạp ngẩng đầu lên, họ sắp sửa hôn nhau, trên một chiếc cầu khác, cao hơn, ở một xứ sở khác, tất nhiên, rất xa, khi họ hôn nhau thì mưa bắt đầu rơi xuống trên mặt sông.

N.Đ.T  
(SHSDB27/12-2017)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN THANH HIỆNNgày nay, mỗi lần nhắc đến hát bội, dân làng Lâm Thượng lại nhớ chuyện ông hương cống Duật, người soạn tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân, nổi tiếng một thời.

  • NHƯ BÌNHCây gạo cụt đầu làng chết câm bao năm. Thân cổ thụ xù xì hóa đá đứng lù lù trước cổng làng, lặng lẽ không đếm xỉa đến thời gian. Mùa xuân năm đó bỗng dưng bật trồi lên ba cái nhánh. Ba nhánh gạo đâm tõe lên trời rùng mình thản nhiên xòe ra những chấm lá xanh.

  • HOÀNG THÁI SƠNTổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp cao su Nam Mê Công xiết chặt tay Long:- Hẳn anh không ngờ có cuộc hội ngộ này?

  • KIM NHẤTĐám ma bà Gái thật là buồn! Ngoài một số bà con trong xóm nghèo cùng mấy đứa nhóc lượm nhôm nhựa với bà thì chẳng có ai là họ hàng thân thích.

  • NGUYỄN QUỐC ANHNgày ngày cuốc đất, gánh phân, cào cỏ. Ngày ngày đã diễn ra như thế, đơn điệu và buồn tẻ. Buổi tối, những đồi chè từ màu xanh chuyển sang màu xanh thẩm, những đêm đông thì đen đặc mông lung, vô tận.

  • HỒNG NHU1.Ngài thủy tổ khai canh dòng họ Âu ở Tường Niêm xuất thân là một người lính trong đạo quân Trung Nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa vào trấn thủ Thuận Quảng.

  • NGUYỄN VIỆT HÀCô đến và vẫn như mọi khi, anh đang vẽ. Trời xam xám mầu của gió mùa Đông Bắc những đợt vớt vát cuối.

  • PHAN VĂN LỢINhững ngày cuối năm 1970. Hướng chiến dịch của mùa khô mới đã được xác định. Địch sẽ huy động một lực lượng lớn các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ phối hợp với quân ngụy Lào, có sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ để tiến hành một cuộc hành quân quy mô dọc đường Chín nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược của ta, sau đó sẽ nống ra đánh phá đường giao thông và các kho tàng hậu cần của tuyến đường Trường Sơn vùng Trung - Nam Lào.

  • THẠCH QUỲ1.Ở góc đường phố Lê Ngọa Triều có một quán rượu nép dưới bóng cây ngô đồng xum xuê như chiếc lọng xanh. Bên cạnh quán rượu là dãy hàng hoa. Hoa hồng, hoa cúc, hoa mi-mô-da cắm đầy trong các xô nhựa.

  • NGUYỄN NGỌC LỢIBóng chiều phủ xuống núi rừng một màu xám ảo mờ. Đã hết một ngày quần quật của đám phu đãi vàng. Lúc này trên xà lan đang diễn ra bữa cơm chiều. Đám phu ngồi bệt trên mảnh sàn nhớp nhúa, bưởng trưởng cách đó một đoạn có mâm có chiếu.

  • LÝ BIÊN CƯƠNGNgười đàn bà ấy sợ bóng tối, sợ đêm về.

  • NGUYỄN THIÊN VIỆTSau khi tốt ngiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân làm biên tập viên của một tờ báo địa phương. Thế rồi khát vọng bay nhẩy và mong muốn kiếm ít vốn đã đưa tôi sang Liên Xô hợp tác lao động.

  • NGUYÊN QUÂNTheo chân những con người một thời bỏ chạy mất dép, giờ lũ lượt quay trở về với nhãn mác sang trọng Việt Kiều yêu nước và cùng lúc với sự khai mở cánh cửa hướng ra bên ngoài của nền kinh tế vốn rất cạn kiệt, trì trệ sau cuộc chiến tranh dai dẳng.

  • TÔN NỮ THANH TỊNHAnh nhìn đầu tiên của cô gái làm tôi xao xuyến. Đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trái xoan điểm nụ cười duyên, mái tóc đen mượt phủ ngang vai. Dáng nhẹ nhàng, thanh thoát trông như một nhành lan.

  • NGUYỄN HOÀNG ĐỨCA, không biết có phải cậu ta không, trông oách quá. Chợt cái thân hình mập ú xúng xính trong chiếc Veston ngoại lượn xoáy một vòng rất kiểu cách trên đôi giày bóng như quang dầu nơi khúc quặt góc hồ.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBỏ dép, tôi thả bộ trên cát ướt. Bàn chân chạm lên những xác cua còng, vỏ sò... có hơi kến một chút nhưng tôi được tiếp nhận sức sống dồi dào từ lòng đại dương thấm vào da thịt. Lâu lắm tôi mới lại đi trên bãi biển như thế này và hơn thế lại với một người đàn ông.

  • NGUYÊN QUÂNGã vẫn lầm bầm, cái điệu nói nuốt âm trong cổ họng càng làm tôi điên tiết. "Mẹ kiếp! đồ cơ hội!". Tôi chợt khoái trá, dù tôi biết chắc chắn rằng cái khoái trá ấy chẳng lọt đến đôi tai vểnh ngược rất khó ưa của gã nhà đò.

  • VĨNH NGUYÊNEm nằm trên tấm ra trắng. Dưới tấm ra còn lót đệm nước mát. Mắt nhắm. Lồng ngực phập phồng theo nhịp thở đều.

  • CAO GIÁNG HƯƠNGXin chúc mừng thành công của em. Chúc mừng em, người đạt huy chương sáng giá trong hội diễn...

  • NGUYỄN HÀO HẢITầu đi Vinh khởi hành lúc 9 giờ tối. Hoàng vội vã đi ra ga sau khi chạy ra phố mua sắm thêm một số đồ lặt vặt cho chuyến đi nghỉ mát ngoài dự kiến của anh.