Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27 - 7
DO YÊN
Đoàn cựu chiến binh chiến trường Trị – Thiên thăm bia tưởng niệm K8 tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế
Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Bình Minh (Thanh Hóa) trong bức thư đề ngày 28 tháng 10 năm 2014 đã viết: “Những chiến công vang dội và sự hy sinh quá lớn của cán bộ chiến sĩ K8. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa đã lùi xa và mấy ai còn nhớ đến. Nhưng chúng tôi CCB K8 vẫn còn nguyên vẹn những chiến thắng, sự hy sinh trong các trận đánh trên các chiến trường...
Để xứng đáng là người lính K8 và ấm lòng những đồng đội đã hy sinh chúng tôi sẵn sáng lên đường sát cành cùng đơn vị khi có lệnh của đoàn Gio An”.
Gần 50 năm sau trận chiến oanh liệt giữa một tiểu đoàn Quân giải phóng quần nhau với 7 tiểu đoàn Mỹ - Việt Nam Cộng hòa suốt cả tuần lễ, mấy ai biết đến phiên hiệu K8. Họ đã chiến đấu với lực lượng địch mạnh hơn cả chục lần, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, chấp nhận hy sinh không để lọt vào tay địch. Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ K8 và 200 bộ đội địa phương K10 đã hy sinh anh dũng trên trận địa Phước Yên.
Chúng tôi là K8
K8 là phiên hiệu của đơn vị nào? Tại sao họ phải tử chiến ở Phước Yên và tổn thất nhiều như thế? Nhiều người đã đặt ra câu hỏi này.
K8, tức là Tiểu đoàn 8 được thành lập tháng 9/1954, trước khi tập kết ra Bắc theo Nghị quyết của Liên khu ủy 5, họp ngày 27 và 28/71954. Trong quá trình chiến đấu, tiểu đoàn đã nhiều lần thay đổi phiên hiệu đơn vị, nằm trong đội hình chiến đấu của nhiều quân khu, quân đoàn và mặt trận. Cuối năm 1967, Tiểu đoàn 8 được biên chế về Trung đoàn 3 (Đoàn Gio An anh hùng như bức thư của CCB Đỗ Bình Minh), Sư đoàn 324, Quân khu IV và được điều động vào chiến trường Trị Thiên Huế, trực thuộc Quân khu Trị Thiên. CCB Đỗ Bình Minh viết: “Nói đến K8 là nói đến Pu chăm xi - căn cứ Mường Kheo trên đất bạn (Lào) hay tiếng đàn Ta lư mà tiếng trống trận trên đất Gio An, Quảng Trị đã làm cho quân thù khiếp sợ” .
Từ năm 1969, trung đoàn 3 được điều động vào chiến trường Quân khu V. Tiểu đoàn K8, nay là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V.
Những câu chuyện về K8 được các CCB như Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1943, quê Quảng Bình, hiện trú tại Huế), Lê Hà Học (SN 1947, quê Thanh Hóa, hiện trú tại phường 3, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Thắng (Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Bá Nuôi - cán bộ tác chiến nay còn sống tại thành phố Huế, xạ thủ B41 Đỗ Xuân Cường... kể lại với báo giới và tự viết bài như CCB Nguyễn Văn Thắng với bài viết “K8 bi tráng và anh hùng”.
CCB Nguyễn Đức Thuận, sinh năm 1943, quê ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông nhập ngũ ngày 12/10/1963. Năm 1966 được kết nạp Đảng tại Mặt trận Đường 9-B5. Ông đã được tặng 2 Huân chương Chiến công hạng I và hạng II; 6 Bằng khen của Trung đoàn và nhiều danh hiệu khác. Vào dịp Xuân 1968, ông tham gia Mặt trận Huế và sau đó hoạt động ở Quảng Điền, tham gia trận đánh Phước Yên. Trận đánh ấy, ông Thuận bị thương, nhờ được nhân dân chở che, chăm sóc nên không sa vào tay giặc. Ông được gia đình nữ đảng viên mật Nguyễn Thị Niềm đưa xuống hầm bí mật chăm sóc, điều trị. Sau đó, khi lành vết thương, qua liên lạc, ông tiếp tục hoạt động ở huyện đội Quảng Điền.Và ông cùng những người còn sống chính là nhân chứng của trận chiến đẫm máu năm xưa.
Còn CCB Lê Hà Học (SN 1947, quê Thanh Hóa, hiện trú tại phường 3, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) đứng lặng hồi lâu trước dòng sông Bồ, đôi mắt ông mờ đi trước khói hương nghi ngút. Trận ấy ông bị thương nặng, bị địch bắt lại cùng với một số đồng đội. Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Huế, chúng đưa ra giam tại nhà tù Phú Quốc. Trong hồ sơ lưu trữ tại nhà tù Phú Quốc, những người lính K8 bị khép vào tội “xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa”. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, những chiến sĩ K8 cùng nhiều tù binh tại nhà tù Phú Quốc được giải thoát. Những người sống sót năm xưa giờ tứ tán khắp nơi. Người mất, người về quê, người lưu lạc đâu không rõ. Hơn nửa thế kỷ rồi nhưng như CCB Lê Hà Học chỉ gặp lại được 3 người là đồng đội năm xưa. Ông tâm sự: “Giá như, một lần nào đó, những người sống sót có thể về đây thắp cho anh em ngã xuống ở Phước Yên một nén hương, để những người nằm lại dưới dòng sông Bồ không phải chạnh lòng…”.
![]() |
Cựu chiến binh Lê Hà Học thắp hương tưởng nhớ các đồng đội ngã xuống trên quê hương Phước Yên |
Đặc biệt nhất là CCB Đỗ Xuân Cường được cho là hy sinh trong trận Phước Yên, đã quay về gặp đồng đội năm 2013. CCB Ngô Quang Quy - người lính trong nhóm cảm tử mở đường máu cho đơn vị hiện sống ở Thanh Hóa bất ngờ gặp lại xạ thủ B41 Đỗ Xuân Cường là đồng đội do tự tay mình chôn cất, không tin điều ấy là sự thật. CCB Đỗ Xuân Cường trong trận đó là xạ thủ B41, thuộc E3, F324. Trong trận Phước Yên, Đỗ Xuân Cường khi ấy tròn 19 tuổi, xung phong làm cảm tử mở đường máu phá vây cho đơn vị, được truy điệu sống và được đồng đội chôn cất sau khi hy sinh. Theo ông kể lại, khi mở đường máu ông bị bắn trọng thương rồi được địch bắt giữ, cứu chữa. Tháng 5/1969, người tù Đỗ Xuân Cường bị giải đến nhà lao Phú Quốc.
Tử chiến ở Phước Yên: “Thề chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng.”
Xuân 68, từ Mặt trận Đường 9, Sư đoàn 324 được lệnh cử 2 Trung đoàn là E1 và E3 tăng cường cho mặt trận Huế. Sau 1 tuần hành quân, mãi đến ngày 19/2, K8 mới có mặt ở Huế, chủ yếu ở Thành Nội và tham gia giữ cửa An Hòa. Đến ngày 23/2 rút khỏi Huế về đóng quân ở vùng Khe Trái (Hương Trà). Tuy nhiên, tại đây, K8 bị B52 dội bom làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Thế nhưng chưa đầy một tháng sau, lại được lệnh: Tổ chức cho K8 luồn sâu xuống vùng đông huyện Quảng Điền, phối hợp với lực lượng địa phương củng cố chính quyền cách mạng ở đồng bằng, đồng thời kéo giãn địch ra, tạo điều kiện cho tổng tấn công nổi dậy đợt II.
Hành quân trong bối cảnh như vậy nên K8 gặp vô vàn hiểm nguy. Ngày 20/3, rời hậu cứ Khe Trái, nhưng mãi đến ngày 26/3, K8 mới có mặt ở làng Thanh Lương (nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Sau 2 ngày đóng quân, Mỹ phát hiện được liền huy động máy bay, xe tăng vừa ném bom vừa rải quân bao vây. Cuộc giao tranh kéo dài 5 ngày, mãi đến đêm 4/4, K8 mới mở được đường máu. Vào lúc này, trên hướng của Đại đội 2, trong khi cán bộ đại đội và phái viên cấp trên đang họp bàn tìm cách đối phó với địch, không khí cuộc họp vô cùng căng thẳng, thì xạ thủ B41 Đỗ Xuân Cường bước vào trình bày phương án mở đường máu cho đơn vị rút ra ngoài. Muốn thực hiện phương án đó, phải có một tổ từ 2 đến 3 người xung phong vượt qua vòng vây quân địch. Nghe Cường trình bày, cả cuộc họp lặng đi. Xét thấy không còn cách nào tốt hơn nên mọi người chấp thuận phương án của Cường. Hai chiến sĩ Đỗ Xuân Cường và Ngô Quang Quy xung phong thực hiện. Tất cả đạn B41 của đại đội gom lại còn được 14 quả, chất đầy hai sọt của Cường và Quy. Cường xông ra giữa vòng vây quân thù. Theo sau Cường là Quy với giỏ đạn trên lưng. Trên đường mở đường máu từ Phước Yên qua Quốc lộ 1A lên Hương Sơn, Hương Thạnh, Cường đã bắn 14 quả đạn B41 diệt nhiều thiết giáp và bộ binh địch, thu hút địch về phía mình. Tốp mở đường máu vừa phản công vừa rút về địa bàn thôn An Ninh Thượng (nay thuộc phường Hương Long, thành phố Huế). Chớp thời cơ đó, lực lượng còn lại của K8 tổ chức phá vòng vây.
*
Sau trận vây ở Thanh Lương, K8 cứ thế tiếp tục chuyển quân và rạng sáng ngày 26/4 thì tới làng Phước Yên. Phước Yên là một ngôi làng nằm ven sông Bồ, một thời là thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, cách thành phố Huế khoảng 15km về phía đông bắc (thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền). Biết K8 đang xây dựng phong trào cách mạng trong nhân dân, bọn địch tìm mọi cách để phát hiện dấu vết của đơn vị. Thông tin chính xác từ bọn tề điệp báo về: “K8 đang ở Phước Yên” đã làm cho địch hí hửng. Chúng thực hiện một kế hoạch bủa vây, ép K8 đầu hàng.
Trong khi đang đào công sự trong sáng 26/4, bất ngờ địch đổ quân. Chúng huy động 2 Tiểu đoàn Kỵ binh bay của Mỹ cùng 5 Tiểu đoàn của Sư đoàn I Bộ binh Việt Nam Cộng hòa, được xe tăng và máy bay yểm trợ quyết “tiêu trừ cho được Cộng quân”.
Cuối tháng 4, cánh đồng làng Phước Yên trơ gốc rạ, tứ bề trống hoác. Địch tiến hành bao vây, canh giữ các chốt và dùng giây kẽm gai để bịt những nơi không có người canh giữ. Sau mỗi đợt không kích, pháo kích, địch dùng trực thăng cho loa phóng thanh kêu gọi buộc bộ đội ta quy hàng. Đáp lại là từng loạt AK, từng quả đạn cối. Cuối cùng, địch tập trung binh lực tấn công. Bom đạn xuống làng Phước Yên với mật độ dày đặc. Cán bộ, chiến sĩ K8 đã quần nhau với 7 tiểu đoàn địch có hỏa lực mạnh hơn gấp hàng chục lần, đã tiêu diệt hơn 200 tên Mỹ. Tuy nhiên, K8 cũng bị tổn thất nặng nề, hơn hai phần ba quân số bị thương vong.
K8 lợi dụng những bờ tre, nương các bờ tường tổ chức kháng cự. Nhận tin K8 bị vây, Quân khu cử K1 của Trung đoàn I do tiểu đoàn trưởng Võ Chót, sau là Thiếu tướng, phó Tư lệnh Quân khu IV chỉ huy về đánh giải vây. Nhưng do không phối hợp được trong - ngoài nên đến khuya phải rút.
Không thể khoanh tay chịu chết, Tham mưu trưởng E3 tăng cường là ông Lương đã cùng chỉ huy K8, gồm: Tiểu đoàn trưởng Viễn, Tiểu đoàn phó Khải, Chính trị viên Tiến, Trợ lý hậu cần Tiểu đoàn Sinh… cùng các cán bộ đại đội cùng bàn và tìm cách rút. Quân số K8 có đến gần 600 quân là do được Trung đoàn 3 tăng cường thêm B trinh sát, Đội phẫu, Đội thông tin, Sở chỉ huy nhẹ của Trung đoàn do ông Lương chỉ huy.
Khuya 29/4, bằng tinh thần quả cảm, cán bộ, chiến sĩ K8 đã tổ chức chiến đấu và mở đường máu vượt qua vòng vây. “Thề chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng”, trong vòng vây bom đạn tầng tầng lớp lớp của kẻ thù xâm lược, K8 đã giữ trọn lời thề. Dàn quân ra cánh đồng là một điều bất lợi trong chiến đấu khi đối đầu với kẻ địch đông đảo cùng sự hỗ trợ của máy bay, xe tăng, trọng pháo. Nhưng để tránh những tổn thất cho dân làng, K8 đã chấp nhận hứng chịu hy sinh là điều được lường trước.
Dù đã diệt hơn 200 lính Mỹ nhưng sau 5 ngày giao tranh, K8 đã bị tổn thất nặng nề. Điểm lại, số sống sót chỉ còn đúng 46 người, trong đó có Tiểu đoàn trưởng và cán bộ tác chiến Quân khu.
Phước Yên - đó là nỗi đau của những người lính K8 còn sống sót. Nhưng Phước Yên cũng là biểu tượng cho tinh thần quật cường, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của Tiểu đoàn 8.
Đề xuất xây dựng khu chiến tích K8
Trận chiến trên cánh đồng Phước Yên những ngày tháng 4/1968 của K8 là một bản bi hùng ca, nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Sau khi thành lập Ban liên lạc, những cán bộ chiến sĩ của K8 năm xưa thường tổ chức gặp gỡ. Và họ thống nhất, chọn ngày 28/4 hàng năm làm ngày giỗ chung cho trên 500 đồng đội đã hy sinh ở Phước Yên. Vào năm 2007, một đài tưởng niệm do Cựu chiến binh K8, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Quảng Điền, Bộ Tư lệnh Quân khu IV góp sức dựng lên ngay trên chính vị trí mở đường cho K8 thoát khỏi vòng vây đẫm máu. Những nhát cuốc vỡ đất đầu tiên cho một công trình đã phát lộ những hài cốt liệt sĩ. Và đến một ngày tháng 5/2011, trong khi thi công công trình giao thông nội đồng tại Đập Hóp, cánh đồng Phước Yên, cách đài tưởng niệm không xa, công nhân thi công công trình đã phát hiện thêm nhiều hài cốt liệt sĩ của K8. Một số nhân chứng cho biết dáng hình của các liệt sĩ hy sinh vẫn trong tư thế không buông tay súng. Tin tức này chấn động nhân dân và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến ngày 2/6/2011, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ truy điệu, an táng 29 hài cốt anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận Phước Yên tại Đền tưởng niệm liệt sĩ K8, K10 - thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Tại lễ truy điệu, các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Sau lễ truy điệu, 29 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền.
Tại sao một tiểu đoàn cảm tử, với bao chiến tích cùng trận huyết chiến bi hùng ở làng Phước Yên như thế sao vẫn chưa được nhiều người biết đến và vinh danh? Còn biết bao nhiêu chiến sĩ K8 đã hy sinh trong trận chiến đấu ấy? Hài cốt các anh, những ai đã tìm thấy, những ai vẫn còn nằm trong lòng Đất Mẹ?... Nhiều CCB nghẹn ngào cho biết còn có những người nằm dưới sông Bồ, làm sao quy tập được?
Nhiều ý kiến cho rằng dù đã có một đài tưởng niệm được xây dựng nhưng để xứng tầm với trang sử bi hùng trong đấu tranh giữ nước, ở đây cần được xây dựng một khu chiến tích lịch sử đấu tranh cách mạng được xếp hạng và đặc biệt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ hiện còn nằm lại rất trên cánh đồng Phước Yên. Đây cũng là tâm nguyện của nhiều cựu chiến binh nói chung và người dân. Mong muốn của Đại tá Nguyễn Đức Thuận, một chiến sĩ của K8 may mắn còn sống xót sau trận chiến mà còn là nguyện vọng cháy bỏng của những gia đình liệt sĩ, CCB K8, cũng như chính quyền, nhân dân huyện Quảng Điền và Trung đoàn 38 anh hùng hôm nay.
Ngày về thăm lại trận địa xưa, những người lính K8 ngày nào vẫn sôi trong mình khí thế chiến đấu: “Chúng tôi, những người lính còn sót lại sau cuộc chiến với tuổi đã trên dưới 70, tuy sức khỏe hạn chế nhưng tinh thần vẫn hăng hái như 50 năm về trước, quyết vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ”.
D.Y
(TCSH341/07-2017)
............................................
(Bài viết được tổng hợp từ các bài báo của các tác giả Trịnh Văn Dũng, Phạm Hữu Thu, Hoàng Lam lời kể của các CCB Nguyễn Đức Thuận, Đỗ Bình Minh, Lê Hà Học, Đỗ Xuân Cường…).
PHAN THỊ THU QUỲ(Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”)
LÊ KHAI Bút kýAnh đưa tôi một tờ giấy cuộn tròn và nói: Tuần qua tôi đi tìm mộ liệt sĩ ở Truồi (huyện Phú Lộc). Tìm một mộ mà phát hiện ra tám mộ. Buồn! Tôi làm bài thơ. Anh xem và chữa giúp. Cả đời tôi chưa quen làm thơ. Anh chào tôi rồi vội vã về vì đang có việc cần.
HÀ KHÁNH LINH Trích Hồi ký… Mùa xuân 1967, địch tăng cường đánh phá suốt ngày đêm, ngày một ác liệt hơn. Các trạm khách dọc tuyến đường 559 không ngày nào không bị đánh trúng hoặc B52 hoặc bom tọa độ, hoặc pháo tầm xa. Ngày nào cũng có thương vong. Có những đơn vị trên đường hành quân vào Nam chưa đến địa điểm tập kết đã bị đánh tơi tả, chỉ còn sót lại vài người. Các cơ quan đơn vị đóng chung quanh khu vực phần nhiều đã bị đánh trúng.
TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ Tạp bútNhư nhân duyên, như định mệnh, cuộc đời tôi như thu hết vào trong một chung trà. Tuổi thơ đã qua, bây giờ và sẽ mãi mãi, cuộc đời tôi luôn vương vấn một hương trà. Tôi thường hay nói đùa cùng bằng hữu rằng sinh ra và lớn lên được ướp trong hương trà, tôi cũng chỉ mơ một ngày về thiên cổ được vẫy tiễn linh hồn bằng một chén trà ngon, được chôn theo cùng là một bộ ấm trà quý nhất và được vẫn cùng người “hồng nhan tri kỷ” đồng ẩm tương phùng ở thế giới bên kia!!!
TRẦN KIM HỒĐảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh - khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Mât Cồn Cỏ, miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến; đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17.
PHẠM NGUYÊN TƯỜNGHai cái máy lạnh hai cục trong căn phòng 40m2 của nhà hàng Hoa Chuối cộng với cả trận mưa chiều đột ngột tầm tã không làm dịu được sức nóng từ tấm thịnh tình của gần 50 cộng tác viên thân thuộc của tạp chí Sông Hương tại thủ đô Hà Nội.
TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, 60 năm qua là một chặng đường đặc biệt. Chưa bao giờ dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thử thách đến như thế, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù đến như thế. Pháp rồi Nhật, Tưởng và Anh; hết Mỹ đến Khơmer “đỏ”... Kẻ thù và đau khổ nhiều đến mức tưởng chừng như đất nước Việt Nam được tạo hoá sinh ra là để cho các loại kẻ thù nhòm ngó, tìm mọi cách thôn tính.
NGÔ MINHTừ tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ ký kết cho đến cuối năm 1964 đôi bờ giới tuyến Hiền Lương lặng im tiếng súng, nhưng đây là 11 năm diễn ra cuộc đối đầu văn hóa nóng bỏng, quyết liệt nhất giữa ta và địch.
PHAN THỊ THU QUỲ Trên bờ Hương Giang êm đềm, có ngôi nhà nhỏ tôi được sinh ra ở đó. Hằng ngày tung tăng cắp sách đến trường Đồng Khánh, tôi cũng nhảy nhót trên bờ Hương Giang. Lớn lên tôi hoạt động nội thành thường đến hò hẹn bên cây phượng vỹ trước cửa Thượng Tứ, nơi đó là địa điểm giao nhận những “gói nhỏ”, để nhận công việc và để nhớ mật hiệu. Cho nên trên bờ Hương Giang tôi đã ngắm dòng sông thơ mộng với tôi gắn bó biết bao từ tuổi ấu thơ cho đến bước vào đời.
NGUYỄN VĂN VINH Bút ký Thôn Hiền An, xã Vinh Hiền là một thẻo đất cát bạch sa cuối phá Tam Giang phía Bắc vào. Như một ốc đảo ba bề, bốn bên là nước, nếu không có đường 49B chạy dọc phá đến cùng đường, tận biển. Và mỗi ngày, hai chuyến xe đò chở khách cùng mấy chục chuyến đò ngang phá qua lại Lộc Bình đem chút xôn xao thị tứ, phố chợ về với thôn, xã thì Hiền An càng xa xôi heo hút.
TRẦN HOÀI Ghi chépThung lũng A Lưới chạy dài theo hướng Bắc Nam đến vài chục km. Đó là một thung lũng đẹp, là một vị trí quân sự chiến lược, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong cuộc kháng chiến vừa qua...
LÊ BÁ ĐẢNGBạn của tôi rất nhiều. Năm ba bạn mà tôi nhắc nhở ra đây phần nhiều là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư còn nghệ sĩ thì chất cả đống.
NGUYỄN THẾ QUANGMùa hạ, trời Bát Tam Boong trong xanh. Những hàng cây thốt nốt lặng lẽ kiêu hãnh xòa những tán lá xanh che mát cả khu đồi. Trong căn nhà của sở chỉ huy Sư 179 quân đội Cămpuchia, trung tá Nguyễn Văn Du chuyên gia của bộ đội Việt Nam cởi thắt lưng ra treo khẩu K54 lên vách. Anh vui mừng trước khả năng chiến đấu ngày càng tốt của quân đội bạn. Trận đánh trả lực lượng quân đội Thái Lan bảo vệ sáu nghìn dân tị nạn ở chòm Rumthumây diễn ra nhanh chóng.
TỐ HỮU Trích chương V, hồi ký Nhớ lại một thời
VÕ MẠNH LẬP Ghi chépTrong những ngày tháng ba, hai lẻ sáu trời Hà Nội đẹp và dễ chịu. Cái nắng vàng phủ tràn thành phố, tôn màu của cây thêm xanh biếc, ngói trên các mái nhà như thắm thêm lên, đường phố đi lại thanh thoát và đặc biệt có chút se lạnh vào sáng sớm như sợi tơ vương của hơi thở cuối mùa đông còn lưu sót lại.
NGUYỄN QUANG HÀ Bút kýMã Yên là tên trên bản đồ của một ngọn núi, còn dân địa phương thì gọi đó là núi Yên Ngựa. Núi Yên Ngựa là một trong những ngọn núi ngoài cùng về phía Đông của dãy Trường Sơn.
NGUYỄN QUANG HÀ Bút kýNắng chiều vàng trải dài trên những hàng bia trắng như mơ, như kỳ ảo. Đi trong nghĩa trang tôi có cảm giác mình như đang ngỡ ngàng, có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ khi hàng hàng những bia trắng dài kia không có một nét mực ghi tên. Đó là những tấm bia vô danh.
NGUYỄN TRI TÂMNgười kể chuyện phải lục tìm những tấm ảnh lưu niệm để nhớ chính xác hơn. Sau tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, tướng Hoàng Văn Thái kí tên và ghi rõ “Thân tặng đồng chí trung tá Lương Văn Chính, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, huyện đội trưởng huyện đội Điện Biên. Kỉ niệm ngày lên thăm Điện Biên 3-4-1984”.
TẤN HOÀIHưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhĐêm đó, Bác nghỉ lại tại Cọt Mạ - một thị trấn nhỏ của Trung Quốc, thị trấn nhỏ như một bản miền núi miền nam Trung Quốc, có một cái chợ nhỏ, cách biên giới Việt Nam khoảng trên bốn cây số. Tất nhiên, đó là một cơ sở của cách mạng Trung quốc. Hôm sau, Bác về nước cùng với những đồng chí Việt Nam đi đón Bác trong đó có Dương Đại Lâm, Lê Quảng Ba, Bằng Giang. Những người này về sau trở thành cán bộ lãnh đạo của khu tự trị Việt Bắc. Bác về đúng vào tháng 2 năm 1941. Bác đã ghi trên một phiến đá trong hang Cốc Bó, nằm trong khu vực Pác Bó. Gia tài Bác chỉ có một chiếc va li cũ đan bằng mây, bên cạnh một chiếc máy đánh chữ mà Bác luôn luôn xách bằng tay.
HOÀNG QUỐC HẢI Bút kýVì sao khi Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) được nước, cung điện nơi thành Hoa Lư các vua Đinh, vua Lê dựng như “điện Bách Bao thiên tuế, cột điện dát vàng, dát bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc...”, lâu đài điện các như thế, tưởng đã đến cùng xa cực xỉ.