VIỄN PHƯƠNG Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 Những gì hùng vĩ nhất khi ở lại với thời gian thì sẽ trở thành những dấu mốc tồn tại vĩnh hằng trong lịch sử. Tiểu đoàn 804 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và tự đi vào lịch sử như một giá trị vĩnh cửu. Sứ mệnh lịch sử và sự hoàn thành nó của những chiến sĩ 804 sẽ hiện hữu vĩnh hằng với thời gian.
Những chàng trai hào hoa đến từ những vùng quê “nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá”, họ đã đến bên nhau và gọi tên nhau là đồng chí, cùng nhau dệt nên huyền thoại K4. “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...” họ đã hát lên như thế dưới chiến hào, trên những nẻo đường vất vả gian lao, trong khúc quân hành của cả một dân tộc đứng lên cùng ra trận. Và để rồi hôm nay đây, khi những bậc hậu bối nhìn lại sự vĩ đại của cha anh mà dấy lên lòng tự hào và ngưỡng mộ.
Âm vang lịch sử
Tiểu đoàn 804 là tiểu đoàn bộ binh chủ lực do Bộ Quốc Phòng lập ra ngày 30/4/1964 tại Nghệ An, theo yêu cầu của chiến trường phân khu bắc của Quân khu 5 (về sau được gọi là K4). Cán bộ chiến sĩ K4 lúc đầu có 590 người, trong đó có 160 đồng chí là đảng viên, 80 đồng chí là cảm tình Đảng, số còn lại là đoàn viên thanh niên... Trong đó có 25 đồng chí là chiến sĩ miền Nam tập kết nay được trở lại quê hương chiến đấu và là lực lượng nòng cốt cho đơn vị. K4 là đơn vị giữ vững địa bàn giáp ranh, nhất là các đường dây về thành phố Huế, Phú Vang, Phú Lộc, đánh một số trận theo chỉ đạo của tỉnh, quân khu và chuẩn bị lực lượng tham gia giải phóng Huế - Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1975.
Qua 11 năm huấn luyện và trưởng thành, K4 đã đánh trên 50 trận quy mô cấp tiểu đoàn, hàng trăm trận quy mô cấp trung đội, đại đội với các hình thức tác chiến như: tập kích, tấn công, chống càn và giữ chốt... trên các địa hình rừng núi, giáp ranh đồng bằng và đô thị. Trong chiến đấu, với ý chí căm thù giặc và tình yêu tổ quốc, K4 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là nỗi ám ảnh cho quân thù. K4 đã đi vào lòng nhân dân Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy như một huyền thoại về những người anh hùng giải phóng dân tộc.
Trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, K4 là đơn vị bộ binh cơ động, thuộc lực lượng chủ công mặt trận phía Nam Huế. Tham gia tấn công giành lại thành phố ngay từ những ngày đầu và đã giành thắng lợi trong việc làm chủ thành phố. K4 là đơn vị ở khu tam giác chống địch phản kích, giữ vững thành phố 26 ngày đêm cho tới khi được lệnh rút khỏi thành phố về vùng giải phóng Phú Vang. Tại Phú Vang, trong sự che chở của đồng bào, K4 đã thực hiện nhiều trận chống càn có kết quả, giữ vững trận địa và bảo toàn được lực lượng và sau đó rút về hậu cứ an toàn. Thời gian này là những ngày đầy gian khổ nhưng kiêu hùng của K4.
Trong thời gian hiệp định Paris được ký kết (1973), K4 được bổ sung thêm C5 bộ binh và một số đơn vị hỏa lực như B1, B2..., nhiệm vụ của K4 lúc này là giữ vững địa bàn giáp ranh từ đồi La Hy (Hương Thủy) tới Dinh Lộc (Phú Lộc) bảo vệ đường dây về các vùng sâu trên tuyến chốt Nam Bắc đường 14 có một số điểm tranh chấp giữa ta và địch như ở B2 khu Ba Mỏm. Cũng trong thời gian này K4 được giao nhiệm vụ thực hiện mũi tấn công binh vận. Tổ chức gặp trực tiếp đối phương, vừa hòa hoãn vừa làm công tác tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam với các hình thức như: làm nhà hòa hợp, gặp trao đổi trực tiếp, tổ chức bữa cơm hòa hợp, văn nghệ hòa hợp... Tháng 4 năm 1974, K4 được giao đánh phối hợp với chủ lực quân khu trong chiến dịch Nam Bắc đường 14. Với lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh K4 đã giành được điểm cao 300, riêng điểm cao 273 đã giành và giữ liên tục gần 60 ngày đêm cho tới khi được lệnh rút lui an toàn. Đây là đợt hoạt động lớn và trải qua nhiều gian khổ.
Trong chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, K4 được lệnh tham gia hai đợt tiếng công.
Đợt một là từ ngày 8 tháng 3 đến ngày 13 tháng 3. K4 được giao nhiệm vụ vượt phá Tam Giang về huyện Phú Vang đánh và giải phóng từ Thanh Lam Bồ lên Trường Lưu, Đức Thái, một bộ phận C2 tiến sang làng Viễn Trình. Sau khi chiếm được địa bàn, đơn vị phải chống càn nhiều ngày để giữ vững được địa bàn. Khí thế chiến đấu của K4 đã được tỉnh và quân khu đánh giá cao.
Đợt hai là từ ngày 23 tháng 3. K4 được giao tiếp tục trở lại Phú Vang đánh và giải phóng hoàn toàn huyện Phú Vang. Vào lúc 10 giờ ngày 25 tháng 3, K4 đã tập kết ở Ngả Ba Sam cùng các đơn vị tiến vào giải phóng hoàn toàn thành phố Huế ngày 26 tháng 3 năm 1975.
Đây là đợt tiếng công dài ngày diễn ra trên diện rộng và K4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau khi có nhiều thương vong.
Như vậy, khi tổ quốc tấu lên khúc nhạc khải hoàn ngợi ca non sông thống nhất thì K4 đã góp phần mình cùng với nhân dân cả nước tạo nên khúc ca khải hoàn đó. Những dấu chân của các chiến sĩ K4 vẫn còn in trên chiến trường Trị Thiên Huế. Với những hi sinh và sự cống hiến máu xương của mình cho non sông, K4 đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng vũ trang Thừa Thiên Huế năm 1975.
Tình đồng đội hôm nay
K4 đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Thừa Thiên Huế như một huyền thoại. Huyền thoại về những người anh hùng giải phóng dân tộc, huyền thoại về tình quân dân trong những ngày tháng gian nguy và ác liệt. Huyền thoại đó đã được dệt nên bởi những người không tiếc máu xương trong bom đạn. Huyền thoại đó chứa ẩn những dấu tích không thể phai mờ.
Gần đây, nhân một số chuyến trở lại chiến trường xưa các chiến sĩ trong tiểu đoàn K4 năm xưa đã được sống lại tình quân dân như những ngày cam go cộng khổ thời đạn bom. Hiện nay ở huyện Nam Đông, hậu cứ của K4 huấn luyện để chuẩn bị giải phóng Huế tháng 3 năm 1975 có một làng đặt tên là “Làng K4”, và một con đập nước được mang tên là “Đập K4”. Sự định danh đó là để minh chứng cho một điều: tình quân dân là vĩnh cửu.
Có những người lính K4 năm xưa nằm lại trên chiến trường, họ đã không được nhìn thấy ngày non sông khải hoàn thống nhất. Nhưng máu họ đã đổ xuống để cho cờ tổ quốc thêm hồng tươi, để cho đất nước vắng bóng quân thù. Họ đã nằm lại trong núi rừng để nghe tiếng ru của đại ngàn. Nhưng họ không hề cô đơn, những chiến sĩ may mắn hơn họ nay đã trở lại để đưa họ về với quê hương, để được thấy máu xương của mình đã rơi cho những điều không hề vô nghĩa. Những người lính K4 năm xưa nay đã trở lại để tìm hài cốt của những đồng chí thân yêu đã ngã xuống trên những vùng chiến thuật họ đã kinh qua.
Có những hài cốt được tìm thấy và được đưa về quê hương nhưng cũng có những người anh em vẫn không được tìm thấy và vẫn phải nằm lại nơi đại ngàn. Đó là một nỗi đau mà không gì có thể thấu hiểu và sẻ chia được. Hiện nay trong nghĩa trang liệt sỹ huyện Phú Vang vẫn còn hơn một ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó có nhiều chiến sỹ của K4.
Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ. Nỗi đau của dân tộc càng ngày càng nguôi ngoai. Trong thế nước vững mạnh hôm nay, những chiến sỹ K4 đã hội về bên nhau cùng nhau cất lên những bản hùng ca đã làm nên tên tuổi một thời của họ. Những bản hùng ca họ đã mang theo trong hành trang của những ngày gian khó. Ngày 30 tháng 4 năm 2011, một ngày thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, những người anh em K4 đã tụ về bên nhau để kỷ niệm 47 năm thành lập K4 (30/4/1964 - 30/4/2011) và để kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam 30/ 4/1975 - 30/4/2011. Những chàng trai hòa hoa, dũng khí K4 năm xưa nay tóc đã bạc, nhưng thời gian vẫn không thế đánh mất vẻ hào sảng của họ. Họ gặp nhau trong tiếng gọi đồng chí thân thương. Những giọt nước mắt đã rơi xuống khi nhìn thấy những người anh em đã cùng nhau chiến đấu trong bom đạn quân thù, những cái bắt tay quấn riết, những tiếng gọi thân thương khi họ chợt nhận ra đồng đội của mình đã già... tất cả những điều đó làm cho buổi gặp mặt có một bầu không khí cực kỳ cảm động, cực kỳ ý nghĩa.
Trong buổi gặp mặt truyền thống, có những người lính K4 đã để lại một phần nào đó trên cơ thể của mình trong chiến trường, cũng có những người lính K4 mang trong thân thể mình những mảnh đạn, mảnh bom. Những mái tóc bạc trắng, những mái tóc pha sương nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt. Trong điệu nhạc dặt dìu của bản Mùa xuân đầu tiên họ ngồi xuống bên nhau và cùng ôn lại những ngày bom rơi đạn nổ. Họ cùng đọc cho nhau những vần thơ ngợi ca tình đồng chí, cùng hát lên những bản hùng ca tô thắm cho màu cờ của non sông.
Nhưng họ không thể che dấu được những vết nhăn buồn phiền trên khuôn mặt của họ. Non sông đã thống nhất, hòa bình đã được xác lập trên quê hương nhưng trong họ vẫn còn đó những nỗi lo, những ước vọng. Lo là lo cho tiểu đoàn của mình sẽ bị rơi vào quên lãng bởi sự bào mòn của thời gian và của lòng người. Ước vọng là ước vọng về một sự xác lập, định danh cho tên tuổi của K4 trong lòng người dân xứ Huế.
Ước vọng của họ không phải là những gì quyền quý cao sang, ước vọng của họ không xây trên đền đài tráng lệ mà đó chỉ là những ước vọng để hướng tới cứu rỗi sự biến mất của tiểu đoàn. Hiện nay trên địa bàn thành phố Huế, trong khuôn viên của Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Huế có dựng bia Tổ quốc ghi công, trên bia ghi rõ: “Nơi đây ghi nhận hai chiến công oanh liệt Mậu Thân năm 1968, giải phóng Huế 26 - 3 - 1975. Các chiến sỹ giải phóng Miền Nam chiếm kho bạc đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.” Trong những người lính đã ngã xuống đó chắc chắn có những người lính của K4. Theo các đồng chí Lại Văn Bán (nguyên là tiểu đoàn trưởng), đồng chí Nguyễn Xuân Linh (nguyên là Chính trị viên phó tiểu đoàn), đồng chí Vương Đăng Khiết (nguyên là Chính trị viên đại đội 3) thì những người lính K4 vẫn mong muốn có được một dấu móc cụ thể, hay một tấm bia tưởng niệm ghi danh cụ thể để minh chứng cho những chiến sĩ K4 đã từng chiến đấu nơi đây. Ước vọng đó cũng là ước vọng để xứng đáng với anh linh của những người đã ngã xuống vì dân tộc và để thế hệ hôm nay nhìn vào đó mà ý thức sứ mệnh mới của mình trong tương lai.
Tất cả rồi sẽ ở lại với thời gian. Tất cả rồi sẽ trở thành lịch sử, nhưng phải là những trang lịch sử chói ngời và vĩnh cửu. Tiểu đoàn 804 là lịch sử, bởi nó đã hiện tồn mãi mãi với thời gian, những người lính đã ngã xuống hay những người lính 804 hôm nay sẽ mãi mãi như những bản tình ca ngợi ca về một thời oanh liệt.
Tuổi trẻ hôm nay không thấu cảm hết được những mất mát của cha ông, của những người đã đánh đổi tuổi xuân đời mình trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nhưng tuổi trẻ hôm nay phải ý thức mình đang gánh vác sứ mệnh vì độc lập, vì hòa bình vì một non sông vững chắc không có tiếng súng, tiếng bom. Vì một điều mà ai cũng biết:
“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa...”
V.P (269/07-11)
............................... Hiện nay Ban LLCCB K4 kêu gọi các đồng chí ai biết được, ai viết được gì về những kỷ niệm của tiểu đoàn trong những năm từ 1964 đến 1981 thì gửi cho Ban LLCCB K4 để tiểu đoàn tập hợp thành cuốn kỷ yếu về tiểu đoàn 804 anh hùng. Và cũng thông qua kỷ yếu đó để tiểu đoàn tồn tại vĩnh cữu với thơi gian và để con cháu mai sau biết về tiểu đoàn.
Mọi liên lạc xin gửi về: Lại Văn Bán, số nhà 2A2, ngõ 6 Ngô Quyền, phường Quang Trung, quận Hà Đông , Hà nội.- ĐT: 0985431043
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần đã sản sinh trong đời sống, quá trình lao động và sáng tạo của đồng bào dân tộc cư trú từ vùng Tây Bắc trải dài dọc Trường Sơn đến tận cùng phía Nam của tổ quốc.
Bốn tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình, 25 triệu người dân Việt Nam bước vào năm 1946, năm mở đầu kỷ nguyên Dân chủ - Cộng hòa, bằng một sự kiện vang động lịch sử: Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước, vào ngày 6/1/1946.
Từ một hòn đảo hoang vu chưa được nhiều người biết đến, bỗng một ngày đầu thế kỷ 20, Phú Quý được cả người trong nước lẫn người Phú-lãng-sa (Pháp) phải chú ý đến mảnh đất này.
Năm 1790 có một sự kiện ngoại giao tốn nhiều giấy mực, tâm sức của những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà giai đoạn Tây Sơn, mà chính sử triều Nguyễn gọi: Giả vương nhập cận.
Không có tư liệu thì không có lịch sử. Nhưng, nếu có tư liệu mà tư liệu thiếu sót, bất nhất và không chắt lọc kỹ thì cũng dễ dẫn đến chỗ nhầm lẫn khi viết lại quá khứ.
Đình làng Phú Xuân từng được các triều vua Nguyễn “quan tâm đặc biệt” và nay được cấp bằng di tích lịch sử quốc gia. Ở đình, dân làng Phú Xuân thờ một số thiên thần, nhân thần như các làng ở Thuận Hóa, ngoài ra còn thờ một số nhân thần bổn thổ là những nhân vật lịch sử thuộc triều Lê, triều Tây Sơn và triều Nguyễn.
LTS: Từ lâu, việc giải mã nơi đặt lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, cung điện Đan Dương là những vấn đề khoa học được giới nghiên cứu trong nước chú ý tìm tòi. Tuy nhiên, tất cả các công việc chỉ nằm trên những bài viết, chưa có sự khảo sát thực địa, khai quật để hiển lộ những kiến giải và cả nghi ngờ.
Nội dung của bài này chỉ nhằm khiêm tốn khơi gợi lại một số di tích tại chốn kinh sư liên quan đến các nhân vật lịch sử, làng xã, chùa quán mà nhà văn lớn Hà Đình Nguyễn Thuật đã ưu ái dành nhiều cảm xúc quan tâm trong sáng tác thơ văn.
Thời gian gần đây các học giả, các nhà nghiên cứu đã bước đầu đánh giá, nhìn nhận lại công lao của các chúa Nguyễn đối với dân tộc, làm sáng vai trò của các chúa Nguyễn trong sự nghiệp mở mang đất nước vào thế kỷ 17, 18.
Ngày nay, quá trình đô thị hóa trên toàn thế giới đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Nếu như năm 1800 có 29,3 triệu người sống ở các đô thị (chiếm 3,2% tổng số dân thế giới) thì con số này vào năm 2000 là 3,35 tỉ người (chiếm 51%), dự báo đến năm 2025 là 5,2 tỉ (chiếm 61%).
Hương thơm của đức hạnh và tiếng tăm tài ba vị Trạng nguyên tân khoa Mạc Đĩnh Chi vang sang tận thiên triều. Vua tôi nhà Nguyên ở Yên Kinh xôn xao muốn thử tài xem hư thực ra sao liền gửi thông điệp cho vua nhà Trần yêu cầu cử đích danh Mạc Đĩnh Chi sang sứ Trung Quốc.
Hà Nội âm trầm rồi ào ạt chuẩn bị kỷ niệm 200 năm chiến thắng - Đống Đa, Xuân Lửa diệu kỳ Kỷ Dậu 1789 mà giới quân sự học hiện đại có thể gọi là Chiến dịch Thăng Long, giải phóng kinh thành, miền Bắc...