Huế - thành phố xanh

08:24 14/10/2014

LÊ VĂN LÂN 

Khi nói đến xây dựng và phát triển Huế, không ai không nghĩ đó là một “thành phố xanh”. Đó không chỉ là suy nghĩ của những nhà đô thị hiện đại mà là một chuỗi trăn trở từ những người đầu tiên xây dựng Huế, những người dân bản địa đến các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, du khách đến Huế trong và ngoài nước.

Ảnh: internet

Ông Amadu-Mata M’Bô - Tổng Giám đốc Unesco nhận xét: Thành phố Huế là một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị. Ông viết: “Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố đều bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên gần gũi. Thành phố Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm”… “Cách cấu tạo tượng trưng của các khoảng không gian khác nhau làm cho Huế trở nên thành phố của sự hài hòa tuyệt diệu. Huế thực hiện được sự tổng hợp đạo và đời trong kiến trúc, tổng hợp được cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống với thành phố trẻ mới ngày nay… Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động - ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu và hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”…

Đó là ý kiến của chuyên gia, còn đối với du khách thì sao? Và đây là cảm nhận của nhà báo Đoàn Bích Nga (Gia Lai): “Tôi đã đến Huế nhiều lần… chưa lần nào cảm nhận thật sâu, thật rõ ràng về vùng đất và con người nơi đây để có thể gọi thành tên cho cảm xúc của mình. Huế trong mắt tôi luôn hiền hòa và dễ thương. Huế có nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, nhiều di sản văn hóa lịch sử, nhiều đền đài lăng tẩm, nhiều công trình kiến trúc nhuốm màu thời gian, nhiều món ăn ngon đặc trưng và đặc biệt, con người xứ Huế dịu dàng có giọng nói ngọt ngào thân thiện”… Và nhà báo Mỹ Huệ (Quảng Bình): “Tôi có một khoảng thời gian gắn bó với Huế tuy không dài nhưng đủ để nhớ Huế da diết khi xa… Tôi thích nhất là không gian xanh của sông, hồ, đồi, núi, cỏ cây xứ Huế. Mỗi góc vườn có một nét đẹp riêng nhưng cuốn hút hơn cả, làm mê đắm lòng người là những khu nhà vườn rộng, cổ kính ở Nam Giao và các vùng ngoại ô thành phố. May mắn thay dù đang trong cơn lốc đô thị hóa, Huế vấn giữ được nét xưa để rồi mỗi lần đến Huế lại muốn đi hết mọi ngóc ngách trong di tích Tử Cấm Thành, muốn chạm tay vào lầu son gác tía trong Đại Nội và thong thả dạo trên những tuyến đường, góc vườn đẹp như tranh”.

Quả vậy, Huế là một thành phố xanh, màu xanh phủ dài từ rừng xuống biển, từ sông hồ đến đầm phá, màu xanh của đô thị như hòa mình cùng thiên nhiên… nhưng đó mới là những gì thiên nhiên, cha ông để lại.

Thế giới quan niệm về thành phố xanh

Xây dựng Huế trở thành “thành phố xanh” đã được đề cập nhiều trong những năm gần đây. Nhưng thế nào là một thành phố xanh vẫn là điều mù mờ nếu chưa nói là thông hiểu một cách thấu đáo.

Các đô thị lớn trên thế giới hằng năm tiêu thụ 75% năng lượng toàn cầu và sản sinh 80% các khí gây hiệu ứng nhà kính. Một thành phố xanh mà thế giới quan niệm là thành phố không có khói bụi, không dùng năng lượng hóa thạch... Người ta xây dựng nhiều tiêu chí bằng nhiều đề án để bảo đảm giảm thiểu của biến đổi khí hậu cũng như ứng phó với nó như vận tải, không gian xanh đô thị, chất lượng không khí, chất lượng môi trường ít tiếng ồn, quản lý và xử lý rác thải, nước thải, vấn đề tái chế… Và mục tiêu hàng đầu là đảm bảo nguồn nước sạch. Người ta cho rằng một nền văn hóa với sự hiện diện rõ nét của các yếu tố thiên nhiên không chỉ trong cấu trúc của một đô thị truyền thống mà còn tham gia vào việc xây dựng các thành phố hiện đại. Nếu ngày hôm qua, phát triển đô thị đã thay thế người đi bộ và đẩy lùi thiên nhiên thì nay các thành phố xanh đưa người đi bộ và thiên nhiên về đúng vị trí ưu tiên của nó. Tư duy xây dựng và phát triển thành phố dựa trên nền tảng cuộc sống toàn diện của con người chứ không chỉ đặt nặng mục tiêu kinh tế.

Có thể nói những thành phố xanh tiêu biểu trên thế giới đều nỗ lực rất lớn theo các tiêu chí trên. Ví dụ như Amstesdam (Thủ đô Hà Lan) được coi là thiên đường của những người bảo vệ môi trường bởi phần lớn phương tiện giao thông ở đây là xe đạp, họ còn phát minh cả taxi đạp. Thành phố Chicago (Mỹ), các nóc nhà phủ màu xanh của cây và các máy phát điện chạy bằng sức gió. Thành phố Feiburg (Đức) là thành phố năng lượng mặt trời, người ta xây dựng nhiều hệ thống sản xuất điện, mái nhà người dân chính là nơi đặt những tấm pin mặt trời rộng lớn. London (Anh), nơi mật độ giao thông cao, chính quyền nảy ra sáng kiến thu phí tắt đường ở trung tâm đông xe, kết quả mức độ giao thông giảm đáng kể. Đảo quốc Sư Tử, chính quyền ở đây xây dựng các tòa nhà có mức tiêu thụ điện bằng không bởi các tấm pin mặt trời được thiết kế để tạo ra năng lượng hơn mức tiêu thụ của cư dân. Ở các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, người ta bắt đầu xây dựng thành phố chỉ dành cho người đi bộ, sử dụng hoàn toàn năng lượng có thể tái sinh, với mạng lưới đường xá thu hẹp, nhiều bóng râm, các phương tiện di chuyển công cộng với khoảng cách 200m/trạm. Đây là thành phố không Cacbon, không chất thải đầu tiên trên thế giới.

Để Huế thật sự là “thành phố xanh”

Huế có những tiền đề thuận lợi để xây dựng một thành phố xanh. Đó là di sản đô thị mà cha ông để lại.

Tất nhiên để Huế trở thành một thành phố xanh không là một vấn đề đơn giản, phải có những đề án cụ thể và phải thực sự quyết liệt. Thực tế cho thấy do nôn nóng đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và nguồn lực có hạn nên nhiều đô thị hiện nay không chỉ riêng Huế phát triển vẫn bằng phương châm mở đường chia lô, nguồn lực chủ yếu dựa vào quỹ đất, hiện tượng này ngày càng tỏ rõ sự lạc hậu, dẫn đến sự phát triển manh mún, nham nhở và không kiểm soát được.

Trước hết, Huế cần xây dựng bộ tiêu chí phấn đấu về thành phố xanh. Bộ tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở hiện trạng và những nỗ lực mới nhằm thay đổi thật sự cho việc phát triển đô thị bền vững. Những tiêu chí ấy bao gồm những vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó. Vấn đề quản lý và xử lý rác thải, nước thải, khơi thông dòng chảy và đẩy lùi ô nhiễm trên các dòng sông, hồ, hào… chất lượng không khí, ô nhiễm tiếng ồn, tầm nhìn, mở rộng không gian xanh đô thị, phương án lựa chọn giao thông…

Một thách thức không chỉ đối với Huế mà các đô thị Việt Nam là ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải. Các đô thị phát triển kéo theo rác thải đô thị ngày càng lớn, các chất thải phải được xử lý trước khi đưa vào môi trường, rác độc hại phải được thiêu đốt hoặc chôn theo một quy trình nghiêm ngặt; rác phải được xử lý, tái chế đưa vào cuộc sống. Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất là khơi thông hệ thống thoát nước trong thành phố. Huế là thành phố sông ngòi, hồ, hào chằng chịt, hệ thống đầm phá điều hòa mặt nước. Thế nhưng, thành phố mới mưa đã lụt và giải pháp cho vấn đề chưa phải là ưu tiên hàng đầu trên các bàn hội nghị, do vậy tính phức tạp ngày càng lớn, sự tốn kém ngày càng cao, và chậm ngày nào môi trường sống càng bị đe dọa… Vấn đề lo ngại nhất đối với người dân thành phố là vấn đề phát triển hệ thống thủy điện, trên đầu thành phố đang bị uy hiếp của những túi nước khổng lồ với nhiều câu hỏi chưa được trả lời cặn kẽ. Hàng trăm, hàng nghìn hecta rừng bị tàn phá đã được trồng mới bổ sung như thế nào? Lũ chồng lũ do thủy điện gây ra thì ai là người bồi thường thiệt hại cho dân? Những điều đang diễn ra mà ai cũng thấy là ô nhiễm môi trường trên sông Hương và dòng sông chung quanh, làm sao để khơi chảy sông Hương và các sông phụ cận, các hồ hào vẫn chưa có bài toán cụ thể. Làm sao để bảo đảm lưu lượng dòng chảy trên sông Hương ở mức độ chấp nhận được, đặc biệt trong mùa khô vẫn chưa được đề cập… Đô thị phát triển như thế nào để tăng lượng xanh và không bị bê tông hóa, làm sao để hạn chế lượng xe cơ giới ngày càng cao ở đô thị trung tâm.

Huế có nhiều phương án, đề án lựa chọn để xây dựng thành phố xanh, có những phương án nếu được đề cập sẽ mở ra những khả năng mới nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ phương án khơi thông dòng chảy trên sông Hương và các dòng sông, đẩy lùi ô nhiễm trên các dòng sông cùng với việc cải thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Đối với khu vực Thành nội, Huế cần mở rộng các tuyến phố đi bộ, hạn chế mạnh mẽ xe cơ giới, tiến tới là một đô thị dành cho người đi bộ, xe đạp và xe điện. Ở những khu đô thị mới, cần hướng đến những tòa nhà có mức tiêu thụ điện bằng không bởi sử dụng các tấm pin mặt trời… như ở Singapo người ta đã làm. Và song hành với nó là phải có thiết kế đô thị, đây là một khoảng trống trong phát triển đô thị hiện nay ở nước ta khiến đô thị nào cũng lổn chổn, nham nhở, đường phố bị nhiều chấp vá… Làm được điều này Huế mới thực sự là một thành phố hạnh phúc.

Tất nhiên để Huế trở thành một thành phố xanh đòi hỏi phải có một quyết tâm chính trị lớn, phải có tiềm lực kinh tế, ý chí, sự chia sẻ tri thức cũng như sự quản lý, hỗ trợ và thể chế, quy chế để các tiêu chuẩn về bền vững và thân thiện môi trường luôn được đề cao trong các quyết sách, các dự án cũng như các chương trình phát triển của địa phương. Và phải hành động thật sự quyết liệt.

L.V.L  
(SDB14/09-14)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Di tích lịch sử Đình Dương Xuân Hạ nằm ở khu vực thuộc làng cổ Dương Hóa, với bề dày lịch sử trên dưới 500 năm.

  • HOÀNG NGỌC CƯƠNG

    LGT: Trong quá trình tìm hiểu về sự nghiệp trước tác của Thái sư - Tuy Thịnh Quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865)(1), chúng tôi đã phát hiện ra bài tựa Ninh Tĩnh thi tập tự [寧靜詩集序: Bài tựa Tập thơ Ninh Tĩnh]; được in trong sách Trương Quảng Khê công văn tập [張廣溪公文集: Tap văn của ông Trương Quảng Khê], từ tờ 29a - 30a, tập sách hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, dưới ký hiệu R.315.

  • TÔN THẤT BÌNH

    Kim Long (còn được gọi là Kim Luông) vốn là đất các chúa Nguyễn chọn nơi lập phủ từ năm 1636 đến 1687. Năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Trăn mới dời phủ về Phú Xuân, cách Kim Long chỉ 3 cây số, dọc theo bờ Sông Hương.

  • CAO THỊ THƠM QUANG

    Kinh thành Huế là tòa thành ở Cố đô Huế, nơi đóng đô của vương triều Nguyễn trong suốt 140 năm từ 1805 đến 1945. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 29 tháng 3 năm 1993.

  • TRẦN VĂN DŨNG   

    Vừa qua, sau khi tấm hình chụp về Ngọ Môn không có 8 bộ mái lợp ngói thanh lưu ly ở lầu Ngũ Phụng xuất hiện trên các trạng mạng xã hội đã lôi cuốn một lượng lớn độc giả quan tâm tìm hiểu, đã có nhiều ý kiến bình luận đưa ra khác nhau.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Nhà vườn truyền thống là di sản đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa Huế, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách, tâm hồn của con người xứ Huế.

  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Triều Sơn, một tên làng đã vào dạ người Huế bao đời nay, qua câu hò ru em vời vợi. Nhiều người Huế nghĩ rằng làng Triều Sơn chuyên buôn bán, với cụm từ “Triều Sơn bán nón” có trong bài hò ru em phổ biến.

  • THANH HOA - LÊ HUỆ

    Chợ Đông Ba có vị trí đắc địa khi nằm ở trung tâm thành phố Huế, dọc bờ sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía Bắc. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Huế mà còn là nơi để du khách tìm hiểu văn hóa vùng đất Cố đô.

  • VÕ QUANG YẾN

    Tạp chí Sông Hương đã có nhiều lần đề cập đến vấn đề sông Hương và cầu Trường Tiền, nhất là về năm xây cầu: Phan Thuận An, Phụ trương đặc biệt số 2; Quách Tấn, số 23; Hồ Tấn Phan, Nguyễn Thị Như Trang, số 29.

  • “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” là bộ sưu tập 11 chiếc áo dài xưa, bảo vật của gia đình Tiến sĩ Thái Kim Lan, gồm long bào Vua Khải Định, áo dài gấm the, áo mệnh phụ, áo lụa vàng, áo dài Hoàng thái hậu, áo mệnh phụ công nương, áo gấm xanh rêu, áo xiêm, áo dài lụa vân xanh... Được sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Hà Nội lần này bộ sưu tập được đưa từ CHLB Đức về trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Huế,  từ 18/5 đến 12/6/2016. Nghệ sĩ sắp đặt Veronika Witte, cũng từ CHLB Đức, trực tiếp thực hiện trong một không gian vô cùng lý tưởng. Tại phòng trưng bày chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh chủ nhân bộ sưu tập.

  • PHẠM HỮU THU

    Những ai đã từng qua lại con đường Ngô Quyền, hẳn sẽ mừng vui khi thấy nơi này vừa xuất hiện một công trình mà nhiều người quen gọi là Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế. Đây là mô hình xã hội hóa được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Y tế và Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên của cả nước (trong số 18 bệnh viện) được Chính phủ cấp tín dụng ưu đãi nhằm hiện thực hóa chủ trương này.

  • LÊ QUANG THÁI

    Một thời trong quá khứ xa gần, người phương Tây đã từng gọi và như đặt tên cho Đô thành Phú Xuân Huế là “thành phố quan lại”.

  • Một số thông tin chung

    Một trong những bài viết nêu vấn đề Hội Quảng Tri - Huế có thể bị xóa bỏ đã được báo Tuổi Trẻ nêu lên trong bài “Huế xóa bỏ dấu tích nơi cụ Phan Bội Châu từng diễn thuyết?” ngày 26/11/2015. Trong đó có cho biết:

  • Một số thông tin chung

    Một trong những bài viết nêu vấn đề Hội Quảng Tri - Huế có thể bị xóa bỏ đã được báo Tuổi Trẻ nêu lên trong bài “Huế xóa bỏ dấu tích nơi cụ Phan Bội Châu từng diễn thuyết?” ngày 26/11/2015.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU

    Hội quán Quảng Tri hiểu một cách nôm na ý nghĩa về cái tên của hội quán này là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật... nhằm mở rộng sự hiểu biết. 

  • LTS: Trong thời gian qua, báo chí trong nước đã phản ảnh về việc Hội Quảng Tri - nơi diễn ra các hoạt động khai trí ở Huế đầu thế kỷ 20 - được đề xuất phá dỡ, xây mới để làm …trụ sở UBND phường.
    Đề xuất này khiến người dân Huế và những người yêu Huế nói chung, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ Huế nói riêng lo lắng, nhiều ý kiến đề nghị cần cẩn trọng.

  • ĐỖ XUÂN CẨM

    TƯỞNG HAI LÀ MỘT, NHƯNG MỘT MÀ HAI

    Nhắc tới cây Bồ đề, hầu như đa phần người dân xứ Huế có cảm giác rất thân thuộc.

  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Từ năm 1917, tạp chí B.A.V.H đăng bài “Cầu ngói Thanh Thủy” của R.Orban. Trong bài nghiên cứu này ngoài phần khảo tả cầu ngói, tác giả đã công bố bản dịch đạo sắc do vua Lê Hiển Tông ban khen bà Trần Thị Đạo, người có công đóng góp tiền của xây dựng cầu ngói Thanh Thủy.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Năm 1776, trong sáu tháng làm quan ở Huế, có điều kiện ghi chép những điều mắt thấy tai nghe, đọc kỹ văn thơ ở vùng đất Thuận Hóa để viết tập bút ký Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã đưa ra một nhận định mang tính tổng kết: Đây là vùng đất “văn mạch một phương, dằng dặc không dứt, thực đáng khen lắm!”.

  • Ở thời điểm năm 1987, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên nêu quan điểm cần đổi mới tư duy lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử và thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi, trong đó có vấn đề xem xét lại nhà Nguyễn và thời Nguyễn.