Hoa bên trời

16:19 11/02/2009
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGĐã lâu tôi không hề nhắc đến hoa, và tôi cảm thấy tôi đã có lỗi đối với những người bạn tâm tình ấy dọc suốt một quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Thật ra, những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh qua rồi có nhiều cái tôi đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ của tôi thành những vết sẹo.

Hoa păng-xê

Trước hết tôi phải nói về bông hoa phù dung, mà tôi đã gặp bên một đường đồi ở Đà Lạt trước ngày tôi bỏ phố lên rừng. Thú thật là từ trước đến nay, tôi không ngờ có một loài hoa oái oăm đến thế: màu trắng buổi sáng, thì tưởng như không có vật gì ở trên đời trắng hơn, màu hồng vào buổi trưa lại quyến rũ như màu má giai nhân; và màu tím vào buổi chiều luôn luôn khiến ta đau xót, như một niềm thương tiếc khôn nguôi. Cứ ba màu như thế nối tiếp nhau, và trải qua chỉ trong một ngày. Hoa phù dung biểu lộ với tôi tấm lòng ham thích cuộc sống của nó, mặt khác, hình như nó đã phải sống hụt một đời hoa. Thậm chí, có khi ngồi buồn, tôi nghĩ rằng trong thế giới này nếu có một vật gì có vận tốc nhanh nhất thì vật ấy chính là cuộc đời của hoa phù dung. Thấy đóa hoa trắng muốt từ vườn nhà ai đổ nghiêng ra bên đường quá đẹp, tôi muốn hái về làm quà tặng cho cô bạn gái, nhưng chợt nhớ ra tôi còn bận chút việc ở phố, bèn tự nhủ đợi lúc đi phố về hẵn hái. Trưa hôm ấy, tôi gặp việc bất ngờ không trở về lối vườn cũ như đã hẹn. Mãi đến lúc chiều xế, tôi mới trở lại, với quyết tâm hái cho được bông hoa trắng gặp bên đường hồi sáng về tặng cô bạn gái nhân ngày sinh nhật. Nào ngờ tìm mãi, chỉ thấy một bông hoa tím bầm héo rũ trên cành, tôi cứ nghĩ là mình đã gặp một bông hoa khác. Sau này tôi mới hay rằng chính nó là bông hoa trắng hồi sáng, và nó tên là hoa phù dung. Từ đó mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy một cảm giác rờn rợn như đối với một số phận đầy bi thảm. Như thể rằng nó không phải là một loài thực vật, mà là một thiếu nữ.

Một thứ hoa khác mà tôi không thể không nhắc đến mỗi lần nói về hoa, là hoa ngũ sắc. Nó như một thứ quà tặng mà thiên nhiên dành cho tuổi thơ của tôi, hay nói cách khác, chính là nhờ hoa ngũ sắc mà tuổi thơ đầy ràng buộc trong sự giáo dục nghiêm khắc của cha tôi, tôi vẫn cảm thấy tuổi nhỏ của tôi có đôi phần hoang dại. Hoa ngũ sắc mọc hoang bên đường đi, mỗi đóa hoa chỉ lớn bằng đồng xu, với những cánh hoa nhỏ xíu có năm màu đỏ, gạch, vàng, trắng, xanh; trái kết thành chùm khi chín màu đen sẫm, có vị ngọt. Tôi có cái thú mỗi khi đi học về, thường tha thẩn bên những trái chín hoặc hút chất mật ngọt cuối những cánh hoa. Trước khi lên rừng, hình ảnh thân yêu của thành phố hiện ra đầy tâm trí tôi. Lúc tôi thong thả bước qua cầu Trường Tiền là hình ảnh của những bông hoa ngũ sắc, mọc hồn nhiên trên nền đổ nát của những cung điện hoang phế. Chúng sặc sỡ bên đường như một bầy trẻ con đang ríu rít chào tôi. Trong một nỗi lưu luyến như tuồng không phải đối với những bông hoa, tôi thầm thì với những bông ngũ sắc: "Tạm biệt nhé! Tạm biệt tuổi thơ của ta!".
Hai loài hoa nói trên tuy không thuộc về thế giới khói lửa của tôi nhưng chúng đã giữ một vai trò quan trọng trong tâm hồn tôi, và thường xuyên có mặt giữa những tổ hợp hoa đã cấu trúc nên thế giới tình cảm của tôi trong chiến tranh; vả lại tôi cũng e rằng tôi không còn dịp nào khác để nói về chúng.

Thời kỳ ở rừng, sáu tháng đầu, tôi vẫn được hưởng tiêu chuẩn "khách mời" của thành phố Huế. Có một đêm tôi theo cơ quan tản ra một địa điểm xa khỏi nơi đóng trụ sở để đề phòng địch mở cuộc càn quét. Địa điểm ấy là một cánh rừng thưa thuộc vùng giáp ranh, mặt đất phẳng khá rộng và mọc đầy một giống hoa địa lan lạ, trước nay tôi chưa hề thấy. Hoa gồm có một cọng dài, trên đầu nở hai tầng hoa màu khác nhau: tầng trên các cánh hoa có màu trắng, tầng dưới màu vàng cháy. Em trai tôi đi hái chừng 5 cọng hoa cắm vào một ống giang có đuôi được vạt nhọn để cắm xuống đất, mang đến đặt cạnh võng tôi. Đó là bình hoa đầu tiên em tôi tặng tôi ở Trường sơn, khi tôi đi xa chiếc bàn viết "mộng dưới hoa" của tôi ở thành phố. Sáng hôm sau, tôi thức dậy trong tiếng chim rừng và tiếng suối reo. Tôi xiết bao ngạc nhiên khi thấy cành địa lan gần tôi đã thay đổi màu từ bao giờ. Màu vàng cháy phía dưới đã dâng cao lên ngọn, và tầng hoa trắng phía trên bị thu hẹp lại. Nhìn thật kỹ, tôi chợt phát hiện rằng cành lan mà lúc đầu tôi tưởng rằng có hai màu khác nhau, hoá ra chỉ có một màu trắng, và khi càng về già, những cánh hoa trắng đều ngả sang màu vàng cháy. Tôi cảm ơn em trai tôi đã mang tặng tôi chút dư vang thân thiết của thành phố trong những ngày tôi đi "đánh bạn với lau lách" ở rừng Trường Sơn. Tôi còn phải sống nhiều năm với tình bạn ấy và sau này tôi nghiệm ra rằng đấy là những năm tháng mang tất cả ý nghĩa của cuộc đời tôi. Những tháng năm ấy giống như ý niệm hạt nhân của nguyên tử, mang toàn bộ trọng lượng của đời tôi và nếu như loại trừ những tháng năm ấy ra khỏi đời mình thì mọi biến cố còn lại của tôi sau này sẽ trở nên hụt hẫng mất trọng lượng như những vật thể ở ngoài không gian.

Tôi xin nói tiếp về một loài hoa khác.
Một hôm, tôi đi lạc vào một cánh rừng rộng đầy những cây mây song. Tôi nằm áp mặt xuống đất, dòm nghiêng dưới chân những bụi mây, cố tìm dấu vết của những con heo rừng thường ẩn nấp trong đó. Ở một bụi cây, tôi tình cờ phát hiện một loại cây chi mà lá phiến tròn cuống dài trông như bụi rau má; biết đâu nếu quả là rau má thì tốt quá; những năm này chúng tôi đang đói. Tôi nhổ một bụi cây nhỏ và lùi ra khỏi gốc mây, mân mê nhìn kỹ. Dưới chân những cuống lá, có một đám hoa vàng chói; hình như những chiếc lá cố tình vươn lên cao để giấu kín hoa. A, đúng là hoa păng-xê, nhưng ở đây hoa không có màu tím than mà trở nên vàng chói; tuy nhiên trông nó vẫn tinh khiết và cao sang lạ lùng. Hoa păng-xê có tên trong danh sách những loài hoa quý mà những người yêu nhau thường tặng cho nhau để thay lời nhắn nhủ: "Đừng để ai biết chúng mình yêu nhau" . Ở giai đoạn bắt đầu, người ta thường có thói quen giấu kín người khác về tình yêu của mình; có lẽ vì vậy mà người ta gọi tâm hồn con người là một "khu vườn bí mật". Nhiều cô gái ở thành phố vẫn thích ghim một biểu tượng hoa păng-xê trước ngực áo; để hé mở một chút về "khu vườn bí mật" của mình, như vậy, trông lại càng quyến rũ.

Tôi nhớ hoạ sĩ Đinh Cường có vẽ tặng tôi bức sơn dầu "Bản giao hưởng bỏ dở" trong đó vẽ một lọ hoa păng-xê đặt trên một chiếc dương cầm với chiếc ghế ngồi bỏ trống. Có một dạo tôi rất mê hoa păng-xê. Cô em gái của tôi bèn nhổ trộm cây hoa ấy trong vườn hoa của bà hiệu trưởng định mang về tặng tôi. Chẳng may sự việc bị phát giác và cô bé tội nghiệp suýt bị đưa ra toà án về tội ăn cắp. Hoa păng-xê đã để lại một kỷ niệm cay đắng như thế trong tâm hồn tôi, nên tôi chợt vui mừng vô kể khi gặp lại nó giữa chốn hoang vu này. Dù nó không phải màu tím nhưng tôi cứ tin rằng nó là hoa păng -
xê thứ thiệt; biết đâu hoa păng-xê cũng có một màu khác, giống như kỷ niệm có nhiều màu. Tôi nghĩ rằng nhiều thứ hoa thường thấy đều là hoa trang trí nội thất, trong khi păng-xê lại là hoa trang trí tâm hồn. Tôi yêu hoa păng-xê vì nó là dấu hiệu của nội tâm thầm kín, nó mang trả cho tôi những ngày rong chơi tha hồ khi còn ở thành phố. Tôi tình cờ phát hiện ra nó ở một cánh rừng hoang dại mà tôi chỉ đi qua có một lần, đưa nó ra ánh sáng từ một mặt đất ẩm ướt, dưới chân tối mờ và gai góc của một bụi mây song. Tôi ao ước một ngày chấm dứt chiến cuộc để tôi đi lang thang trên những nẻo đường rụng đầy lá vàng tươi, hoặc ngẩn ngơ đứng nhìn giòng sông mượt mà trôi đi với những con đò áo trắng, và tôi sẽ hoàn toàn hạnh phúc trong thành phố của tôi, với một biểu tượng của hoa păng-xê trên ngực. Mặt khác, tôi biết rằng tôi còn phải đánh bạn với lau lách trong nhiều năm; vật mà tôi luôn có bên mình, chính là khẩu súng, không phải là hoa, và còn lâu mới đến hoa păng-xê. Và đến bao giờ thì những bạn bè tri kỷ của tôi hiện ở phố biết được rằng chính tôi đã khám phá ra một loài hoa păng-xê màu vàng từ trong lòng một cánh rừng Trường Sơn? Ngày đó, thì chắc tôi đã già. Lau lách trên núi cũng già. Nhưng hoa păng-xê thì mãi mãi vẫn giữ riêng một điều gì thầm kín.

Chiến tranh càng kéo dài, những kháng chiến quân thành phố càng bị đẩy dần lên cao trên Trường Sơn; ở đó là rừng già, và hoa dại càng trở nên hiếm hoi. Thỉnh thoảng, tôi lại gặp một cây tùng độc lập, với những con đại bàng viễn du ghé lại ăn trái tùng, hoặc những đêm ngủ rừng, thức giấc tôi nghe cả tiếng đười ươi hú...
Tôi rất ít gặp hoa nhưng âm thầm trong lòng, tôi vẫn nhớ chúng. Cơ quan di chuyển nhiều nơi, tôi vẫn lích kích mang theo ba lô một mảnh gỗ mục có bám mấy sợi rễ phong lan, đem về treo lủng lẳng ở chỗ làm việc. Cái giống phong lan thật lạ đời, sống không cần đất và nước, thường thì trông xấu xí, cục mịch và im lìm đến độ tưởng rằng nó đã chết. Nhưng cứ đến mùa thì nó lại bất ngờ ra hoa, hoa đẹp và kỳ lạ không thể tưởng. Cành phong lan của tôi cũng thế. Một mùa xuân, nó đã nở ra cho tôi hai giò hoa đầy những hoa vàng với những chấm tím. Chính nhờ có nó mà tôi biết rằng mùa xuân đã về, vì theo thói quen, tôi làm việc không hề nhìn đến quyển lịch. Nó khiêm tốn và kiên cố như một chân lý, cứ đúng lúc lại xuất hiện.

Những lần công tác, tôi thường men theo giòng sông Hương chảy trên rừng. Lần ấy có Khoa cùng đi với tôi. Chúng tôi đi dạo dọc theo bờ sông Hương đúc bằng một dải đá liền xa đến mút mắt, lô nhô những hòn đá nhoi cao hơn như hình những nhà sư ngồi thiền định bên sông, cạnh những ục nước mà khi thủy triều rút xuống, còn để lại ít nước và những con cá sao chạy loăng quăng từ ục này sang ục khác. Trình thường đi công tác ghé qua đây, dùng súng AK bắn thẳng vào những ục đá lớn để vớt những con cá sao nổi lềnh bềnh đem về nấu canh với lá giang. Ở những ục đá nhỏ hơn mà nước sông đã kịp khô đi trong ngày, tôi tìm thấy một cây gì không biết, lớn bằng que tăm với ba sợi rễ bám vào mặt đá, mỗi cây nhỏ xíu ấy đều đội một đóa hoa nhỏ và đỏ thắm trên đầu. Nhìn kỹ nhiều bông hoa chung quanh, tôi hiểu ra mỗi cây này chỉ sống và nở hoa trong một ngày rồi chết, cả hoa và cây đều cùng chết một lần. Tôi chỉ cho Khoa xem hiện tượng ấy, nói với Khoa rằng cây hoa này giống như con người, sống để dâng hiến cho cuộc đời một trái tim đỏ thắm, rồi im lặng chết. Hãy học bài học của bông hoa này, sống để hoàn thành hành động dâng hiến trái tim mình cho Tổ quốc, một lần thôi. Khoa chia tay tôi lội qua sông một mình, chiếc gùi mang nặng trên lưng. Tôi nhìn theo Khoa cho đến lúc cái bóng nhỏ của Khoa lần khuất trong rừng già, thầm nghĩ rằng đã hết những ngày vui vẻ trên nương rẫy, chuyến về vùng sâu lần này của Khoa là hành động nở hoa của cây cỏ dại.

Ở một quãng nào đó của sông Hương trên rừng, chúng tôi đi len lỏi trong vài tiếng đồng hồ liền giữa một loài cây dại có lá và hoa rất đẹp: lá thuôn thả hình con mắt lá răm, mặt lá bóng láng phản chiếu ánh mặt trời và hoa có năm cánh xòe ra, màu hồng thắm đẹp và nhiều giống như hoa phượng. Chúng tôi quen gọi là cây rì rì, tên Cà Tu của nó là Arui, cũng thường dùng để đặt cho những cô gái. Cây rì rì mọc sát bờ nước, và thường lan ra ôm choàng kín những vầng đá giữa giòng sông. Lần ấy chúng tôi đi công tác về ngang qua bãi rì rì bên sông, bèn dừng lại tắm sông. Tôi bơi ra xa, níu cho kỳ được một cây rì rì đứng an nhiên trên một tảng đá giữa lòng sông. Giữa lúc ấy thì trực thăng Mỹ chợt đến. Tôi chẳng biết chạy đi đâu bèn đứng im, cầm một cành hoa rì rì đỏ che trên đầu. Bạn bè tôi đều lo cho tôi, nhưng chỉ thấy tôi vẫn tiếp tục cười nói với họ, với cành hoa đỏ trên tay. Trực thăng đi qua, khẩu đại liên ở cửa máy bay chỉ cách đầu tôi một quãng ngắn. Nhưng hình như tên xạ thủ súng máy mãi chăm chú nhìn vào ven sông nên chẳng nhìn thấy tôi đứng dưới máy bay. Máy bay đi qua, tôi đứng ngật ngưỡng trên tảng đá, nhìn bao quát cả tầm mắt một dải bờ sông, hoa rì rì nở thắm cả dặm dài, giống như hoa phượng trên những đường phố. Ít ai ngờ rằng trong chiến tranh, có một lần tôi đã sững sờ đứng ngắm những bông hoa dại này.

Tôi không thể nào không nhắc đến loài hoa núi ấy mà KanLen đã hái tặng tôi lúc chia tay. Thú thật rằng đến bây giờ tôi vẫn không biết tên nó là gì, và có lẽ cả KanLen cũng không biết tên; mãi mãi nó là một bông hoa rừng vô danh. Nó lớn bằng một đóa hoa hồng, có nhiều cánh, màu xanh nước biển (suốt một thời gian dài ở Huế tôi chưa hề gặp một loài hoa nào có màu xanh cả, ngoại trừ những bông hoa cỏ, màu xanh da trời). KanLen đã hái nó từ một bụi bờ nào đó đưa cho tôi, và nói bằng giọng huyền thoại: "một nghìn năm hoa này mới nở một lần".

Cuối ngày làm việc, tôi ra thung lũng chuyện trò với KonLài. Như thường lệ, ông cùng cô con gái KanLen của ông ngồi chơi trong một chiếc nốn rộng bên bờ suối Tà Lơng của thôn A Dài. Bãi cỏ ở nơi đây rộng ngút ngàn, chạy dài suốt thung lũng, thỉnh thoảng điểm những cây ổi đầy những trái chín. Ông KonLài có vẻ là một nhà bảo vệ văn hóa Kà Tu bằng cách đi đâu cũng lăn theo một chiếc nốn thay thế giường chiếu, và dùng một chiếc ống vố nặn bằng đất sét nung với cái đuôi mây dài và đánh lửa bằng đá. Ông có một bộ dụng cụ đánh lửa rất đặc biệt. Ông dùng một lưỡi dao nặng bằng sắt quẹt mạnh vào một hòn đá rắn; tia lửa bắn vào một nhúm bùi nhùi kèm theo; tiếp theo, ông thổi mạnh vào nhúm bùi nhùi làm lửa bùng lên thành ngọn cháy lan sang một đoạn dây thừng làm bằng sợi đoác ngâm bùn và châm thuốc bằng sợi dây thừng ấy.

KanLen hôm nay diện một chiếc áo sơ mi màu đen có hoa văn trắng, và một chiếc váy màu xanh; ý chừng hai cha con sang dự hội làng ở thôn A Dài này. Trông cô thật trẻ trung và đầy sức sống. Tôi thì theo cơ quan qua nhận một tấm rẫy cũ do đồng bào ở thôn A Dài tặng. Ngồi nói chuyện gẫu với già KonLài một chốc, KanLen đưa mắt ra hiệu bảo tôi vào rừng. Chúng tôi đến một bãi cỏ rộng với nền đất ẩm mọc đầy một loài hoa cỏ dại, gần giống như hoa tường lan ở Huế; màu trắng ngà và có năm cánh. Bãi đất này chúng tôi rất thích ngồi chơi với nhau mỗi lần có việc rẫy phải qua A Dài. Tôi vừa được cơ quan gọi về làm hết mọi việc thay thế cho anh em trong tòa soạn triển khai xuống đồng bằng phát động phong trào nhân dịp địch đang hoang mang sau chiến dịch Nam Lào. Trước mắt tôi, đám hoa cỏ trắng ríu rít trong gió núi, gợi cho tôi những bông hoa ngũ sắc ngày xưa. Tôi đùa KanLen rằng tôi sắp phải về vùng sâu công tác và phải xa nàng ít lâu. KanLen rơm rớm nước mắt vì sợ tôi sẽ chết. Thời buổi ấy vùng sâu đầy ắp bọn bình định nông thôn. KanLen bảo tôi, giọng thật tội nghiệp:
- Nếu anh hy sinh, em sẽ dành cho anh một loài hoa khác để cắm trên mộ liệt sĩ hoặc trên một mô đất nào đó ở nghĩa trang xã. Còn nếu anh vẫn sống, lại đi yêu người khác thì em cầu nguyện cho những bông hoa trắng này chết đi, và em sẽ chẳng bao giờ trở lại đây nữa.
         Huế ngày 28 - 12 -2004
               H.P.N.T

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Sông Hương xứ Huế đã bao đời miệt mài làm nên những nét tinh tế và độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó là dòng chảy giao hòa và dung hợp của nét văn hóa truyền thống dân gian với văn hóa cung đình với những con người Huế với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào về giọng nói, tiếng cười, điệu hò và những món ăn Huế hấp dẫn.

     

  • ILIA ÊRENBUA
            Trích hồi ký

    Tôi đã viết, tôi đón đợi đại hội các nhà văn Xô-viết hệt như một cô gái đón đợi buổi vũ hội đầu tiên trong cuộc đời. Nhiều trong số những niềm hy vọng ngây thơ của tôi, có thể đã không được thực hiện, nhưng đại hội vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi như một ngày hội lớn, kỳ lạ.

  • HOÀNG LONG 

    Đây là một tiểu thuyết cực tiểu, gồm năm thiên. Và không có tên. Cũng như mọi thứ trên đời này đều như vậy. Tự thân không có tên. Chúng ta đặt tên cho chúng và ban cho vạn vật một ý nghĩa nào đó với chúng ta. Tất cả là do tâm tạo tác. Cái vọng tưởng đó của ta chẳng liên quan gì đến thế giới. Vì thế giới vận hành trong sự không tên.

  • NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7/2013

    HỒNG NHU
              Bút ký

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                            

    Vừa mới hôm nào nhận thư Phong Sơn báo tin năm nay sẽ được mùa lớn. Lúa phơi màu rất đẹp.

  • VÕ NGỌC LAN

    Đi trong thành phố xanh này, ở đâu cũng thấy một màu xanh dịu mát. Có lẽ nhờ thế mà mưa nắng cứ đến rồi đi, cỏ hoa cứ bốn mùa làm xanh thêm cuộc hành trình mưa nắng.

  • BẢO CƯỜNG 

    Tiếng sáo làm bạn với con người ngay từ tuổi ấu thơ. Tiếng sáo gợi hồn quê hương dân tộc. Chỉ với một ống trúc giản dị, mục đồng đã chế tạo thành một ống sáo để thổi. Những ngày lùa trâu ra đồng các em ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo nghe réo rắt, vang xa đến tận cuối làng.

  • MAI VĂN HOAN

    Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa yêu cảnh thiên thiên đẹp). Có thể nói thiên nhiên tràn ngập trong thơ xưa - đặc biệt là mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông… Riêng về cỏ, các nhà thơ xưa rất ít nhắc đến.

  • NGUYỄN KIM CƯƠNG  

    Những ngày đầu Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tấn công và nổi dậy khắp các thành thị miền Nam, buộc lực lượng Mỹ và quân đội Sài Gòn phải phân tán đối phó.

  • CÁI NẾT  

    Trên cánh đồng lúa Mụ Dâu ngút ngàn, lạ thay, người ta không thấy màu xanh non của mạ, chỉ thấy một rừng hoa dài đến tận chân trời…

  • NGUYỄN THỊ THÁI  

    Bao lâu rồi dã quỳ nồng nhiệt, dã quỳ rủ rê, dã quỳ khắc khoải, dã quỳ đớn đau. Tây Nguyên thấp thỏm màu vàng, mỗi người có một lần đợi mong, người thiếu phụ mang trong ngực tháng mười mơ ước, nhập vào sắc hoa hoang dại mênh mang thương và nhớ.

  • NGUYỄN DƯ

    Đi đâu mà vội mà vàng
    Mà vướng phải hố, mà quàng phải xe

    Ngày nay, nhiều người sợ đi ngoài đường. Khác ngày xưa…

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

    Chiều hôm ấy mưa to lắm…
    Được cô cho nghỉ sớm, tôi rời lớp học thêm vật lý và đi dạo cùng đứa bạn thân. Thấy lề đường ướt sũng mà trái tim tôi cũng ướt theo. Nhìn qua thấy đứa bạn đang nói chuyện điện thoại với cha của nó… thì ra, hơn nửa tuổi thơ này… tôi đã không có cha! Trời hôm nay thật lạnh nhưng chỉ lạnh bằng một góc nào thật nhỏ của tháng ngày trước, cái ngày mà cha tôi ra đi… nỡ để lại trước mắt đứa con gái bé nhỏ của ông một cái xác không hồn…

  • HOÀNG HỮU CÁC

    Tiếng chân giày của trung tá Nguyễn Đình Sơn bước bồn chồn trên nền đất ẩm của căn hầm kiên cố dùng làm sở chỉ huy của đoàn B15 bộ binh là âm thanh duy nhất tôi nghe được ở đây trong chiều hôm nay.

  • THÁI KIM LAN

    Con thương yêu,
    Mẹ đang ở Huế, ngồi trong nhà của ngoại viết thư cho con. Con ơi, rời mùa Thu Munich về đây, lại thấy Huế cũng Thu.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
                  bút ký

    Hồ Tịnh Tâm lại đã đến mùa sen nở. Những cánh sen trắng khiêm tốn lấp ló giữa bạt ngàn lá xanh dịu. Mới đó, năm ngoái, sau cơn bão số 8, ngôi nhà lục bát trên hòn đảo giữa hồ bị đổ nát, cảnh hồ thật tiều tụy. Quy luật xoay vần của thiên nhiên quả là kỳ diệu.

  • TỐNG TRẦN TÙNG

    Xin được giải thích ngay cụm từ “đi mót” ở đây. Theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa thứ hai của từ mót là “nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót”.  Tuy vậy, ở quê tôi, khi nói đến đi mót thì người ta nghĩ ngay đến đi mót ngày mùa, mùa gặt lúa, mùa cày khoai, mùa nhổ lạc…

  • THÍCH CHƠN THIỆN
                            Tùy bút

    Kinh Pháp Cú (Dhammapada), một bản kinh phổ biến nhất trong các nước Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền (Phật giáo thế giới) ghi: “Những người có đủ 36 dòng ái dục, họ mạnh mẽ rong ruỗi theo dục cảnh, người có tâm tà kiến hằng bị những tư tưởng ái dục làm trôi giạt hoài”. (câu 339)

  • NGUYỄN KHẮC THẠCH  

    Trên bàn tay Phật pháp vô biên hẳn còn nhiều hướng đi khác tích cực hơn và Tạ Thị Ngọc Thảo đã chọn phương pháp Vòng Thời Gian (hay Đạo pháp Calachakra) trong Mật giáo.

  • VIỆT HÙNG

    “Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu, anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao...”*- Câu hát từ thời chống Mỹ, đã trở nên xa xăm, song giờ đây, thỉnh thoảng nó vẫn vang lên trên các sóng phát thanh...