HÀ VĂN LƯỠNG
Trong thể loại tự sự, người trần thuật giữ một vai trò quan trọng, góp phần làm nên giá trị nghệ thuật tự sự của tác phẩm văn học.
Ảnh: internet
Ở thể loại truyện ngắn của Haruki Murakami, cùng với các yếu tố khác của trần thuật như điểm nhìn, giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật, hình tượng người trần thuật thể hiện một cách khá rõ và linh hoạt tài năng của nhà văn. Qua các tập truyện ngắn của H. Murakami đã được dịch ở Việt Nam, chúng tôi khảo sát hình tượng người trần thuật trên hai bình diện: trần thuật ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.
Trong nền văn học Nhật Bản đương đại vài chục thập niên trở lại đây, Haruki Murakami nổi lên như một hiện tượng văn học đặc sắc, mới lạ được đông đảo bạn đọc trong nước và nhiều nước trên thế giới đón nhận với sự ngưỡng mộ, thán phục. Tài năng văn chương của ông không chỉ thể hiện trong các tiểu thuyết, mà còn ở thể loại truyện ngắn. Trong truyện ngắn của H. Murakami, bên cạnh các yếu tố khác làm nên giá trị tác phẩm như kết cấu, cốt truyện, không gian và thời gian nghệ thuật…, thì nghệ thuật trần thuật giữ một vị trí quan trọng. Bởi vì: “Trần thuật là phương diện cấu trúc của tác phẩm tự sự thể hiện mối quan hệ chủ thể - khách thể trong loại hình nghệ thuật này. Nó đánh dấu sự đổi thay điểm chú ý của ý thức văn học từ hệ thống sự kiện “thắt nút”, “mở nút”, sang chủ thể thẩm mỹ của tác phẩm tự sự.”(1)
Trên cơ sở khảo sát truyện ngắn của H. Murakami trong các tuyển tập ngắn (Sau cơn động đất, Đom đóm, Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, Bóng ma ở Lexingtơn, Người tivi), chúng tôi chỉ ra hình tượng người trần thuật và khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Trong thể loại tự sự, người trần thuật (hay người kể chuyện) là một khái niệm trung tâm của lý thuyết tự sự học. Người trần thuật trong tác phẩm là một người hư cấu hoặc có thật mà văn bản tự sự thể hiện thông qua hành vi và ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Nhìn chung, người trần thuật thực hiện nhiệm vụ trần thuật, truyền đạt, chỉ dẫn, bình luận… những vấn đề được mô tả hoặc được kể trong tác phẩm. Thông thường, người ta chia người trần thuật trong tác phẩm tự sự thành hai dạng chủ yếu: người trần thuật lộ diện (ngôi thứ nhất) và người trần thuật ẩn tàng (ngôi thứ ba).
Ở các truyện ngắn của H. Murakami, hầu hết người trần thuật được đặt ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Mỗi truyện được kể ở một ngôi nhất định, nhưng cũng có truyện, tác giả đan xen giữa hai ngôi kể chuyện. Điều đó một mặt, khai thác sâu sắc hơn thế giới nội tâm nhân vật, mặt khác chính sự kết hợp nhiều ngôi kể chuyện góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng của tác phẩm, khẳng định phong cách của H. Murakami.
Theo thống kê của chúng tôi, trong 63 truyện ngắn của H. Murakami được dịch ở Việt Nam và in trong 5 tuyển tập, thì có 43 truyện kể ở ngôi thứ nhất, 11 truyện kể ở ngôi thứ ba và 9 truyện được kể xen kẽ ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba. Như vậy, kể chuyện ở ngôi thứ nhất chiếm số lượng nhiều hơn cả (trên 70%) so với các ngôi kể khác. Điều đó hoàn toàn đúng với phong cách nghệ thuật tự sự của truyện ngắn H. Murakami. Nhưng sự thay đổi người trần thuật trong các truyện của nhà văn không phải là một sự tùy tiện mà chính là do chủ ý của tác giả khi sáng tác và không hề làm mất đi tính khách quan, giá trị chân thực của tác phẩm.
Bảng thống kê các ngôi kể chuyện trong 5 tập truyện ngắn của H. Murakami
STT |
Các tuyển tập truyện ngắn |
Số lượng truyện |
Kể ngôi thứ nhất |
Kể ngôi thứ ba |
Xen kẽ các ngôi |
1 |
Ngày đẹp trời để xem Kangaroo |
18 | 15 | 0 | 03 |
2 |
Bóng ma ở Lexingtơn |
14 | 10 | 01 | 03 |
3 | Người tivi | 14 | 07 | 05 | 02 |
4 | Đom đóm | 11 | 11 | 0 | 0 |
5 | Sau cơn động đất | 06 | 0 | 05 | 01 |
|
Tổng cộng |
63 |
43 |
11 |
09 |
Mặt khác, trong các tập truyện, người trần thuật ở các ngôi cũng có số lượng khác nhau. Trên bảng thống kê cho chúng ta thấy, ở tập truyện ngắn Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, Haruki Murakami sử dụng chủ yếu là kể chuyện ở ngôi thứ nhất (15 truyện/18 truyện), không kể ở ngôi thứ ba mà có sự xen kẻ giữa hai ngôi trên, nhưng số lượng rất ít (3 truyện/18 truyện). Các tập truyện ngắn khác, tỷ lệ kể ở ngôi thứ nhất chiếm đa số, thậm chí tất cả đều kể ở ngôi thứ nhất (Đom đóm). Nhưng ở tập truyện Sau cơn động đất, thì chỉ kể ở ngôi thứ ba (5 truyện) hoặc xen kẽ ngôi thứ nhất và thứ ba (01 truyện). Sự thay đổi vị trí người trần thuật có số lượng khác nhau như trên trong các truyện, các tập truyện của Haruki Murakami là nhằm hướng đến thể hiện những vấn đề cụ thể mà nhà văn quan tâm và nằm trong hệ thống thủ pháp của tác giả. Qua khảo sát các tập truyện, chúng tôi sẽ chỉ ra hình tượng người kể truyện ở ngôi thứ nhất, thứ ba và các ngôi xen kẽ trong truyện ngắn H. Murakami.
1. Người trần thuật ngôi thứ nhất
Truyện kể ở ngôi thứ nhất là câu chuyện được kể lại do một người kể chuyện hiện diện (lộ diện) như một nhân vật trong truyện. Với hình thức này, người kể chuyện trực tiếp tham gia vào câu chuyện và hiện hữu trong thế giới mà nhân vật hoạt động. Chính ngôi kể chuyện này tạo cảm giác cho người đọc có độ tin cậy cao về những sự việc và con người được nói đến trong truyện. Mặt khác, việc nhân vật xưng “tôi” ở ngôi thứ nhất giúp người kể đi sâu khám phá thế giới nội tâm, những mối quan hệ, những diễn biến phức tạp của tâm lý nhân vật. Khi đề cập vấn đề người trần thuật trong truyện, trong một lần trả lời phóng vấn, H. Murakami nói rằng: “Khi viết ở ngôi thứ ba, tôi có cảm giác mình như Chúa trời. Mà tôi không thích làm Chúa trời. Tôi không thể biết tuốt, không thể viết về tất cả mọi thứ. Tôi chỉ là chính mình thôi. Tôi viết cái gì đó từ chính bản thân mình. Tôi không có ý nói tôi là nhân vật chính, nhưng tôi phải mường tượng được những gì nhân vật chính của mình chứng kiến và trải nghiệm. Viết giúp tôi khám phá tiềm thức của bản thân. Đó cũng chính là quá trình tôi kể chuyện. Đó cũng là điều hấp dẫn nhất mà tôi từng làm. Với tôi, kể một câu chuyện cũng giống như là những gì xẩy ra khi xuống phố. Tôi yêu đường phố nên mỗi khi xuống đường, tôi quan sát, nghe và cảm nhận mọi thứ. Khi làm như vậy, bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi của thế giới theo một cách riêng”(2). Sự biến hóa, “nhập vai” của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” trong các truyện ngắn của H. Murakami rất đa dạng. Trong truyện Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, nhân vật “tôi” trong vai vợ chồng đi đến sở thú để xem một chú Kangaroon mới ra đời: “Tất nhiên là vợ chồng tôi nhắm đến chuyện xem bé Kangaroo mới sinh. Ngoài ra, không nghĩ ra được con vật nào khác cần xem cả. Vợ chồng tôi từ một tháng trước đã đọc trên báo mà biết có bé Kangaroo mới sinh… Sáng 6 giờ, vợ chồng tôi thức giấc, mở màn cửa sổ ra thì xác định được tức thì hôm ấy là ngày đẹp trời, để đi xem Kangaroo…”(3). Nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện mà vợ chồng anh ta đã trải qua, đó là ngày đẹp trời đi xem con Kangaroo bé nhỏ mới ra đời. Vì thế, những sự kiện và nhân vật được kể trong truyện đều được nhà văn đặt trong dấu ngoặc kép (tức câu chuyện đã xảy ra). Ở đây, lời dẫn của nhân vật “tôi” hiện diện trong truyện vừa là người dẫn dắt, giới thiệu diễn biến của truyện và cũng là người trực tiếp tham gia vào nội dung chuyện kể. Sự kết hợp linh hoạt việc kể chuyện này là sự đan xen giữa thời gian hiện tại và thời gian quá khứ cùng đồng hiện trong hiện tại. Đom đóm là câu chuyện về mối quan hệ chằng chịt, không phân định chập chờn như đom đóm của ba nhân vật “tôi, hắn và em”. Nhưng nhân vật “tôi” vẫn giữ vai trò chủ yếu. Những day dứt, niềm vui nỗi buồn đan xen tuổi yêu đương thời sinh viên đưa nhân vật “tôi” rơi vào cảm giác cô đơn, lạc lỏng trước những cảnh xa hoa, tráng lệ, những cảnh sa đọa của đời thường để rồi cố tìm về với những gì xưa cũ, thân quen, những giá trị truyền thống ngày xưa. Nhân vật tôi trong Đom đóm đã rất hối tiếc về những gì tươi đẹp đã qua: “Đom đóm đã bay mất rồi, nhưng quỹ tích ánh sáng của đom đóm vẫn còn lưu lại trong tôi rất lâu. Trong bóng tối dày đặc của mắt tôi đang nhắm lại, đom đóm nhỏ nhoi ấy lạc lỏng hoài như một mảnh linh hồn lạc mất lối về. Tôi vài lần thử rón rén vươn tay vào khoảng tối ấy, nhưng nhón tay tôi không chạm được gì. Đốm sáng nhỏ nhoi ấy lúc nào cũng cách một khoảng vô cùng ngắn trước đầu ngón tay tôi.”(4)
Như trên chúng tôi đã thống kê, tất cả 11 truyện trong tập Đom đóm đều được kể ở ngôi thứ nhất. Nhân vật “tôi” xuất hiện trong tất cả các truyện với vai trò chủ thể, người chứng kiến, người kể lại câu chuyện dưới các “vai” khác nhau. Đó là chuyện của “tôi và nàng” do tôi kể lại (Đốt nhà kho), nhân vật tôi và người lùn (Người lùn nhảy múa), nhân vật tôi và người em họ (Cây liễu mù và cô gái ngủ), chuyện nhân vật tôi đột nhập vào tiệm bánh mỳ (Tái tập kính tiệm bánh mỳ), chuyện của nhân vật tôi và cô em góa (Chuyện trong nhà)… Mở đầu truyện Chuyện trong nhà, nhà văn viết: “Không hiểu có phải là chuyện thường tình trên đời không, ngay từ buổi đầu, tôi đã không thể nào ưa được anh chàng vị hôn phu của em tôi. Rồi về sau, ít nhất tôi lại còn ôm thêm nghi vấn về việc em tôi quyết tâm kết hôn với chàng ta. Thật tình tôi đã thất vọng về việc ấy”(5). Và toàn bộ diễn biến của truyện được kể lại ở ngôi thứ nhất (nhân vật người anh).
Trong tập Bóng ma ở Lexingtơn, có 10/14 truyện được kể ở ngôi thứ nhất (Chuyện bà cô nghèo, Thông báo Kangaroo, Vườn cỏ buổi chiều cuối cùng, Con chó nhỏ của nàng trong lòng đất, Bóng ma ở Lexingtơn…). Sau khi kể hết câu chuyện mà mình đã từng chứng kiến, nhân vật “tôi” trong truyện nói: “Thỉnh thoảng, tôi lại nhớ đến những bóng ma ở Lexingtơn. Lũ ma bí hiểm đã mở tiệc huyên náo giữa khuya trong phòng khách của ngôi nhà xưa cũ của Casey… Tôi chưa hề kể chuyện này cho ai nghe. Nghĩ cho cùng thì hẳn là chuyện kỳ dị thiệt đấy, thế nhưng có lẽ vì cảm giác xa xôi vời vợi ấy mà tôi chẳng thấy gì là kỳ dị cả.”(6)
Ở tập truyện Người tivi, trong 14 truyện thì có 7 truyện kể ngôi thứ nhất, số còn lại ngôi thứ ba và xen kẻ hai ngôi. Nếu trong truyện Người tivi, người kể chuyện nhân danh “tôi” kể về người tivi, nhân vật tôi - tác giả trong Truyền thuyết dân gian của thời đại chúng tôi, nói về thời đại đất nước Nhật Bản những thập niên 60 của thế kỷ XX, người kể chuyện xưng “tôi” trong Giấc ngủ nói về chứng mất ngủ và mơ màng của anh ta thì truyện Quần cộc kiểu Đức, Người đàn ông đi tắcxi, Cho nữ hoàng đã mất, nhân vật từ kể về những kỷ niệm hoặc những chuyện, những việc liên quan đến mình trong quá khứ. Dường như đó là những hồi tưởng của nhân vật được kể lại ở ngôi thứ nhất. Trong truyện Giấc ngủ, mở đầu tác phẩm, tác giả viết: “Tôi không ngủ được đã đến ngày thứ 17 rồi… Trong một tháng ấy, không một lần nào tôi ngủ cho ra ngủ. Đêm đến, vào giường nằm, nghỉ là ngủ đi thôi. Và thế là, cứ như phản xạ mà tỉnh như sáo ngay. Cố gắng mấy cũng không ngủ được… Đầu óc tôi lúc nào cũng mơ hồ mù sương. Không phán định chính xác được sự ly, chất lượng hay cảm xúc của sự vật…”(7). Trong truyện Đốt nhà kho, nhân vật “tôi” đã được nhân vật “chàng” kể lại câu chuyện đốt nhà kho táo bạo và rất mạo hiểm. Hành động đó ám ảnh nhân vật “tôi” và anh ta tỏ ra hoài nghi: “Quả thật, có đôi lúc tôi nghĩ thay vì kiên trì chờ đợi chàng ta đốt nhà kho, chi bằng tự mình quẹt diêm đốt quách đi thì đỡ thấp thỏm hơn… Vấn đề thực tế là tôi không bao giờ đốt nhà kho. Đốt nhà kho là chàng ta kia mà. Có lẽ chàng đã đổi ý, định đốt nhà kho ở khu vực nào khác rồi. Hay có lẽ là bận bịu quá chưa tìm ra thì giờ để đi đốt nhà kho”(8). Ở Người lùn nhảy múa, nhân vật “tôi” kể về một giấc mộng kỳ bí vừa thực vừa hư về người lùn nhảy múa trong rừng: “Tôi đắm mình vào điệu nhảy ấy cảm thấy được rõ ràng chuyển động của tinh tú, những đợt lên xuống của thủy triều, những còn bay của gió… Trong túi tôi, quả cầu ánh sáng màu bàu bạc trắng lại bắn tung ra những tia sáng rực rỡ theo mỗi vòng xoay ấy”(9).
Như vậy, dù có sự “biến ảo” và linh hoạt trong ngôi kể thứ nhất, được phủ dưới một hình thức trực tiếp, hiện thực, hay dưới những yếu tố kỳ ảo, trong giấc mơ ly kỳ…, nhưng nhìn chung, sự việc và con người trong truyện ngắn của H. Murakami phần lớn đều được kể với nhân vật “tôi” hoặc vai “tôi”.
2. Người trần thuật ngôi thứ ba
Trong văn học cổ và văn học trung đại, chủ yếu là người trần thuật ở ngôi thứ ba. Nhưng đến thế kỷ XIX bắt đầu ở châu Âu và về sau lan rộng ra trong văn học thế giới cho đến nay, hình thức kể chuyện ngôi thứ nhất mới thịnh hành. Tuy thế, trong văn xuôi tự sự, bên cạnh trần thuật ngôi thứ nhất vẫn còn không ít nhà văn để cho nhân vật trần thuật ở ngôi thứ ba. Ngôi thứ ba cho phép người kể có thể kể về nhiều chuyện, nhiều người, cả những bí mật trong tâm hồn con người. Ngôi kể này mang tính khách quan và tự do nhất. Loại người trần thuật ẩn tàng (hay còn gọi theo ngôi thứ ba) cho phép nhà văn có cơ hội quan sát toàn diện cuộc sống cũng như số phận con người và phản ánh nó vào tác phẩm một cách cụ thể, khách quan. Với ngôi thứ ba, người thuật chuyện dường như là người “toàn thông” sắm vai “thực tế” để “phán xét” về mọi điều.
Trong truyện ngắn của H. Murakami, người trần thuật ở ngôi thứ ba chiếm số lượng không nhiều. Theo thống kê trên của chúng tôi thì trong số 63 truyện ở 5 tuyển tập truyện ngắn của nhà văn thì chỉ có 11 truyện được kể ở ngôi thứ ba, chiếm tỷ lệ khoảng 1/6. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm của H. Murakami về viết truyện ngắn. Trong hai tập truyện ngắn Sau cơn động đất và Người tivi, đặc biệt là Sau cơn động đất, H. Murakami chủ yếu để người trần thuật ở ngôi thứ ba. Nếu ở Người tivi chỉ có 5/14 truyện kể ở ngôi thứ ba, thì trong Sau cơn động đất có đến 5/6 truyện được trần thuật theo ngôi này. Ở các truyện trên, ngôi kể thứ ba rất linh hoạt, góp phần vào việc khai thác, mổ xẻ tâm lý nhân vật một cách sâu sắc, cụ thể. Người trần thuật dường như đứng độc lập, khách quan kể và miêu tả về mọi việc trong tác phẩm. Mô tả một anh nhân viên bán hàng và cuộc sống của anh ta, trong truyện Đĩa bay đáp xuống Kushiro, H. Murakami viết: “Người dong dỏng cao, rành ăn mặc và giỏi cư xử. Hồi còn độc thân, Komura có rất nhiều bạn gái… trong 5 năm nay sau ngày kết hôn, anh không ngủ với người đàn bà nào ngoài vợ. Không phải vì không có cơ hội; anh hoàn toàn không còn thấy hứng thú gì trong quan hệ trai gái qua đường nữa. Thay vào đó, anh muốn mau sớm về nhà cùng vợ thong thả dùng bữa, rồi chuyện trò trên ghế dài phòng khách, xong vào giường nghỉ ngơi, ân ái”(10). Với ngôi kể chuyện này, nhân vật được thể hiện không chỉ qua chân dung, cử chỉ mà cả cuộc sống nội tâm và sở thích của anh ta. Ở truyện Phong cảnh có bàn ủi, khi nói về cuộc gặp gỡ vào đêm khuya tại bờ biển, nhà văn tái hiện cảnh đốt lửa, uống rượu với một giọng văn khách quan, từ sự quan sát bên ngoài: “Junko tiếp lấy bình rượu, rót vào nắp bình, rồi nhắm rượu từng chút một. Cô nghiêm mặt dõi theo cảm giác đặc thù của giòng chất lỏng ấm ấp chảy từ thực quản xuống dạ dày… Đến phiên ông Miyake nhẹ nhàng uống một ngụm rồi Keisuke lại tu một ngụm lớn. Bình rượu sang tay từ người này sang người kia. Lửa nhóm không hấp tấp mà từ từ bốc lên thành ngọn lửa đỏ rực… Lửa ấy như chỉ để sưởi ấm lòng người”(11). Với ngôi kể thứ ba, H. Murakami thể hiện sự tinh tế trong cách mô tả các chi tiết và hành động của các nhân vật. Từ cách uống rượu đến ngọn lửa được thắp sáng trong đêm, thể hiện sự gắn bó giữa ba nhân vật và nói lên cuộc sống bình dị, chân chất của con người thấm đẫm tình đời, tình người. Ở một số truyện trong tập Sau cơn động đất (Thái Lan, Các con của thượng đế đầu nhảy múa, Bánh mật ong…), và tập Người tivi (Sân bóng chày, Buồn nôn 1979, Bên hồ bơi, Xác ướp…), nhà văn cũng tường thuật chủ yếu ở ngôi thứ ba.
Bên cạnh người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, H. Murakami đồng thời xen kẻ các ngôi kể một cách khá nhuần nhuyễn và linh hoạt. Trong các tập truyện ngắn của nhà văn, mặc dù chỉ có 9/63 truyện được tác giả kết hợp xen kẽ ngôi kể chuyện, nhưng cũng phần nào phản ánh tính chất đa dạng, phong phú trong nghệ thuật trần thuật. Hầu hết các truyện kết hợp nhiều ngôi kể (thứ nhất và thứ ba) đều tập trung chủ yếu trong hai tập Ngày đẹp trời để xem Kangaroo và Bóng ma ở Lexingtơn.
Là một phương diện của nghệ thuật tự sự, hình tượng người trần thuật trong truyện ngắn H. Murakami đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo nên phong cách tự sự đặc sắc của nhà văn.
H.V.L
(SH294/08-13)
.............................................
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004, đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr365.
2. Dẫn lại theo http://www.blog36.yahoo.com/nhanam
3. H. Murakami (2006), Ngày đẹp trời để xem Kangaroo, Nxb. Đà Nẵng, tr16-17.
4. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Nxb. Đà Nẵng, tr52.
5. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Sđd, tr218.
6. Haruki Murakami (2007), Bóng ma ở Lexingtơn, Nxb. Đà Nẵng, tr216-217.
7. Haruki Murakami (2007), Người tivi, Nxb. Đà Nẵng, tr106-107.
8. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Nxb. Đà Nẵng, tr75-76.
9. Haruki Murakami (2006), Đom đóm, Sđd, tr111.
10. Haruki Murakami (2006), Sau cơn động đất, Nxb. Đà Nẵng, tr18.
11. Haruki Murakami (2006), Sau cơn động đất, Nxb. Đà Nẵng, tr57-58.
Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết: “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.
Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":
Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.
Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.
"Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).
Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.
LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.
LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
SH
Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.
Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.
(Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)
"Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)
1. Trong số những người đi tiên phong.
Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.
Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.
Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.
Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.
Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.
LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.