Hai người lính - Gùi hàng của các Víp - Chuyện riêng của hắn

08:48 17/10/2008
THANH QUẾ(Chùm truyện mini)


Hai người lính

Hiền nằm đó, máu trào thành vũng. Anh bị thương vào cột sống. Đội du kích bị đánh dạt, không kịp khiêng anh theo. Anh nhìn chung quanh: làng đang bốc cháy, có nhà đã thành đống tro, có nhà đang bốc lửa hừng hực, thỉnh thoảng có những tiếng nổ lục bục của kèo cột bằng tre. Bất ngờ, nghe có tiếng rên, anh nhìn sang bên cạnh. Một tên lính Bảo an đang nằm kề. Anh thấy hắn quen quá. Anh chợt nhớ ra, lên tiếng:
- Mồ cha thằng Đằng, đồ bán nước.
Tên lính nguỵ quay lại phía anh:
- Ê, thằng Hiền, tên du kích...
Tức thì, hai người đồng loạt chửi nhau:
- Đồ liếm gót giày Mỹ.
- Đồ bu theo đít Cộng sản.
Chửi nhau một lúc, hai người thấm mệt, nằm im. Chợt Đằng thều thào:
- Gì thì gì chớ tao với mày sắp chết, không đánh nhau được nữa rồi. Chúng mình hoà bình rồi.
- Ừ hoà bình rồi. Hiền phụ hoạ.
Im lặng. Một lúc sau, Hiền lên tiếng:
- Làng mình cháy hết rồi.
- Ừ, cháy hết rồi - Đằng nói - Kỷ niệm tuổi thơ tao với mày không còn gì nữa.
- Ừ, không còn gì.
Lại im lặng...
- Ê Hiền, có cái bi đông nước nằm sát bên tay mày đó, mày đẩy sang tao, tao khát nước quá.
- Uống đi - Hiền ráng sức đẩy bi đông nước sang phía Đằng - uống để máu chảy cho nhiều, cho mày mau chết. 
- Ừ, uống rồi chết. Mày có khát không?
- Khát, uống xong đẩy lại cho tao, tao cũng uống rồi chết.
Lúc đó họ nghe một ngôi nhà gần đấy đổ ầm ầm trong ngọn lửa bốc cao...

Gùi hàng của các Víp

Tôi gặp hắn ở đầu mối đường dây xã hội chủ nghĩa với đường dây Khu. Tôi và hắn ở cùng làng, cùng học xong phổ thông thì đi bộ đội rồi cùng vào chiến trường. Tôi công tác ở cơ quan hậu cần còn hắn làm bảo vệ cho các víp ở cơ quan Víp. Chúng tôi đã nhận hàng xong, hai đứa trên đường quay về. Tôi cõng một gùi vũ khí khá nặng, đi lại thật vất vả. Còn hắn cõng một thùng thiếc rất to nhưng chẳng biết bên trong đựng thứ gì mà hắn đi có vẻ thong dong lắm.
- Mày cõng thứ gì mà nhẹ thế? Tôi hỏi.
- Chả biết nữa - Hắn nói - Đó là hàng gửi cho các ông víp ở cơ quan tao.
- Này - tôi rỉ tai hắn - mở xem thử đi.

Hắn cười. Hai đứa tôi vốn trẻ tuổi lại ưa nghịch ngợm nữa. Tôi lật chiếc thùng thiếc nằm ngang lấy cái dao con mà người chiến sĩ nào cũng có rạch một đoạn đáy thùng rồi nạy ra. Lập tức từ bên trong rơi ra một hộp nhỏ hình chữ nhật. Chúng tôi thận trọng mở hộp lôi ra những bao cao su nho nhỏ như những cái bong bóng chưa thổi. Chúng tôi vốn ở nông thôn nên chẳng biết nó là thứ gì. Hắn bốc một cái đưa lên miệng thổi, còn tôi thì cho ngón tay rồi ngón chân cái vào, cười thích thú. Bây giờ, sau mấy chục năm thì tôi biết nó là bao cao su để tránh thai hay đề phòng HIV khi sinh hoạt tình dục. Nhưng lúc đó chúng tôi không biết là của quí gì từ hậu phương gửi vào cho các víp nên vội nhét vô thùng rồi dùng một bao giấy bóng hơ lửa trít lại chỗ đã rạch. Rồi chúng tôi cùng cõng hàng đi.

Một lúc sau, chúng tôi nghe ngay trên đầu mình có tiếng ì ì như ai xay lúa. B52 rồi, coi chừng nó ném bom xuống đường giao liên. Hai đứa tôi cõng hàng chạy dạt ra hai bên đường. Lập tức tôi nghe những tiếng nổ ran chung quanh mình, trên đầu mình. Người tôi chao lắc, bị bốc lên khỏi mặt đất, ném sang bên cạnh...
Khi máy bay đi rồi, tôi tìm hắn nhưng không thấy. Một số anh em ở các đơn vị khác cùng đi trên đường cũng mất tích như hắn. Chúng tôi, những kẻ sống sót, không ai bảo ai, cùng đứng lặng cúi đầu rồi cõng hàng lên đường. Tới lúc ấy, tôi mới sực nhớ không biết cái thùng thiếc mà hắn cõng về cho các víp ở cơ quan Víp có còn không?

Chuyện riêng của hắn

H
ắn cõng thằng bạn trên lưng. Bạn hắn bị thương nặng lắm. Anh ta mê man không biết gì. Từ phía sau hắn, một toán địch vừa nổ súng vừa la ó đuổi theo. Hắn cảm thấy mỗi lúc bạn hắn càng đè nặng trên lưng hắn. Làm sao đây? Bỏ thằng bạn lại ư? Bỏ nó lại về đơn vị sẽ hạch hỏi đủ chuyện, có khi còn bị kỷ luật nữa. Còn cõng nó thì mình chạy không kịp, địch sẽ bắt sống hoặc bắn chết mất... Cuối cùng hắn quyết định: phải bỏ thằng bạn lại thôi. Ai biết mình bỏ nó để thoát thân đâu. Hắn đặt thằng bạn xuống một lùm cây ven đường rồi phóng về phía trước. Đang chạy, hắn bất ngờ vấp ngã vào ai đó đang lom khom đi tới. Tỉnh trí, hắn nhận ra có mấy anh em cùng tiểu đội đứng bên hắn...
- Phần đâu? Một người cao lớn hỏi hắn.
- Bị thương nặng...
- Sao cậu không cõng về?!
- Mình cõng về chứ - hắn thanh minh - Địch đuổi gấp quá, mình đoán các cậu sẽ quay lại yểm trợ nên giấu Phần trong một bụi cây để đi đón các cậu, đánh địch xong sẽ đưa cậu ấy về luôn.
Bọn họ đã đánh đuổi được toán địch. Bây giờ thì chúng chạy vãi đái. Sau đó, hắn cùng đồng đội làm cáng khiêng thằng bạn về.
- May quá! - người cao lớn lại nói - nhờ cậu chạy đi tìm bọn mình gấp, nếu  không thì đơn vị không kịp cứu Phần đâu.
- Ừ. Hắn cúi đầu nói nho nhỏ…
T.Q

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÊ MINH PHONG

    Cô lại đu mình theo những điệu nhạc mê lú đó. Không biết đã bao lần cô đu mình và quên lãng theo những điệu nhạc.

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    “Vì thế ta không nói ra thành ngữ kia, vì thế ta để cho ngày tháng lãng quên ta, kẻ ngồi trong bóng tối.” (Jorge Luis Borges, Văn tự của thượng đế).


  • HỒNG NHU

  • TỐNG PHƯỚC BẢO

    Tòn về thình lình, khi nắng tháng Tư trổ xanh ngọc bích giàn bông ven bờ kinh. Mé sàn lãng chiều hôm ai gội đầu nghe rào rạo tiếng xối nước. Chiếc ghe nhỏ trôi theo dòng rồi neo lại bến cũ. Tòn chẳng vội lên chái bếp, ngồi nhìn chiều tròng trành theo nhịp sóng gợn của con kinh Thất Ngàn.

  • CHÂU SA

    Tôi ngủ nhiều hơn từ khi thời tiết vào thu. Trong mơ, tôi thấy mình đang chạy trên cánh đồng mùa lạnh. Tôi trèo lên gò đất, nhìn ra xa và thấy một đàn chuột nối đuôi nhau bò về phía rìa cánh đồng.


  • ĐÀO QUỐC MINH

  • QUÁCH THÁI DI

    Hai tháng nghỉ phép cộng với số tiền thưởng khá lớn, tôi lên đường đi du lịch. Tôi dự định sẽ dừng chân ở Helsinki để thăm đứa em gái rồi sẽ đi tiếp.

  • TRU SA

    Tôi và Đán tìm được chỗ nghỉ chân tạm thời. Đấy là một thị trấn nhỏ. Nền công nghiệp vẫn chưa hoàn toàn khống chế nơi này nên tôi có thể yên tâm với các lọ nước mắm, cá tươi không dán bao bì.

  • NGUYỄN HOÀNG MAI

    Nắng vàng lấp lóa trải khắp mặt biển, cậu bé với mái tóc xoăn đen nhánh cứ đi bộ trên bờ cát dài nhấp nhô.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG

    Xưa, về phương Nam có một chàng trai, mặt mày thanh tú, tính nết hồn hậu, tuổi trạc đôi mươi. Chưa có người gá nghĩa trăm năm nên cây xanh còn lẻ bóng. Tên chàng là La Hồng Phượng.

  • NGUYÊN NGUYÊN

    Nếu như ở P vào những năm 20 thế kỷ trước, khi đó, tôi hãy còn là tên bồi bàn ở La Closerie des Lilas, nơi Ernest thường qua lại uống rượu và ngồi viết văn.

  • NGUYỄN THỊ ẤM

    Một lần tôi quá bộ đến nhà một viên bác sĩ. Ông vốn là bạn cũ, nay làm việc tại một bệnh viện lớn trong thành phố. Ông kể một câu chuyện như sau:

  • BẠCH LÊ QUANG

    1.
    Trà nương Nguyên Xuân nhìn xa, nhìn thật xa, nơi có mấy dặm sơn khê mây phủ... Nắng chiều phủ bóng mảnh vườn hong hanh mùi hương Nguyệt Quế sau mưa, sau những dòng tuế nguyệt thênh thang ở xứ này, hai mùa mưa và nắng.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

    1.
    “Từ khi tôi được sinh ra”.

  • LÊ THỊ KIM SƠN

    Những đầm đìa sương gió đó nào ai biết cho chăng? Mà có biết cũng chả để làm gì, bởi tự ta hiểu, tự dòng sông và chiếc đò này hiểu.


  • HOÀNG THU PHỐ

  • TỐNG PHÚ SA

    Bây giờ lão nằm đó, thiêm thiếp trên tấm phản bằng bìa của những cây xoan mà lão tự đóng bằng chiếc dao cùn gỉ. Tấm thân gầy trơ xương dán bẹp xuống manh chiếu cói đã rách bươm.

  • THANH TÙNG

    Thân yêu tặng đồng đội nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Sư đoàn

  • LÊ MINH PHONG

    Thêm một lần nữa những người đàn ông đó lại đến nhà. Họ nói với tôi về tình yêu, về lòng trắc ẩn và về những sự vụ nằm ngoài tầm kiểm soát của lý  trí.