Hai người lính - Gùi hàng của các Víp - Chuyện riêng của hắn

08:48 17/10/2008
THANH QUẾ(Chùm truyện mini)


Hai người lính

Hiền nằm đó, máu trào thành vũng. Anh bị thương vào cột sống. Đội du kích bị đánh dạt, không kịp khiêng anh theo. Anh nhìn chung quanh: làng đang bốc cháy, có nhà đã thành đống tro, có nhà đang bốc lửa hừng hực, thỉnh thoảng có những tiếng nổ lục bục của kèo cột bằng tre. Bất ngờ, nghe có tiếng rên, anh nhìn sang bên cạnh. Một tên lính Bảo an đang nằm kề. Anh thấy hắn quen quá. Anh chợt nhớ ra, lên tiếng:
- Mồ cha thằng Đằng, đồ bán nước.
Tên lính nguỵ quay lại phía anh:
- Ê, thằng Hiền, tên du kích...
Tức thì, hai người đồng loạt chửi nhau:
- Đồ liếm gót giày Mỹ.
- Đồ bu theo đít Cộng sản.
Chửi nhau một lúc, hai người thấm mệt, nằm im. Chợt Đằng thều thào:
- Gì thì gì chớ tao với mày sắp chết, không đánh nhau được nữa rồi. Chúng mình hoà bình rồi.
- Ừ hoà bình rồi. Hiền phụ hoạ.
Im lặng. Một lúc sau, Hiền lên tiếng:
- Làng mình cháy hết rồi.
- Ừ, cháy hết rồi - Đằng nói - Kỷ niệm tuổi thơ tao với mày không còn gì nữa.
- Ừ, không còn gì.
Lại im lặng...
- Ê Hiền, có cái bi đông nước nằm sát bên tay mày đó, mày đẩy sang tao, tao khát nước quá.
- Uống đi - Hiền ráng sức đẩy bi đông nước sang phía Đằng - uống để máu chảy cho nhiều, cho mày mau chết. 
- Ừ, uống rồi chết. Mày có khát không?
- Khát, uống xong đẩy lại cho tao, tao cũng uống rồi chết.
Lúc đó họ nghe một ngôi nhà gần đấy đổ ầm ầm trong ngọn lửa bốc cao...

Gùi hàng của các Víp

Tôi gặp hắn ở đầu mối đường dây xã hội chủ nghĩa với đường dây Khu. Tôi và hắn ở cùng làng, cùng học xong phổ thông thì đi bộ đội rồi cùng vào chiến trường. Tôi công tác ở cơ quan hậu cần còn hắn làm bảo vệ cho các víp ở cơ quan Víp. Chúng tôi đã nhận hàng xong, hai đứa trên đường quay về. Tôi cõng một gùi vũ khí khá nặng, đi lại thật vất vả. Còn hắn cõng một thùng thiếc rất to nhưng chẳng biết bên trong đựng thứ gì mà hắn đi có vẻ thong dong lắm.
- Mày cõng thứ gì mà nhẹ thế? Tôi hỏi.
- Chả biết nữa - Hắn nói - Đó là hàng gửi cho các ông víp ở cơ quan tao.
- Này - tôi rỉ tai hắn - mở xem thử đi.

Hắn cười. Hai đứa tôi vốn trẻ tuổi lại ưa nghịch ngợm nữa. Tôi lật chiếc thùng thiếc nằm ngang lấy cái dao con mà người chiến sĩ nào cũng có rạch một đoạn đáy thùng rồi nạy ra. Lập tức từ bên trong rơi ra một hộp nhỏ hình chữ nhật. Chúng tôi thận trọng mở hộp lôi ra những bao cao su nho nhỏ như những cái bong bóng chưa thổi. Chúng tôi vốn ở nông thôn nên chẳng biết nó là thứ gì. Hắn bốc một cái đưa lên miệng thổi, còn tôi thì cho ngón tay rồi ngón chân cái vào, cười thích thú. Bây giờ, sau mấy chục năm thì tôi biết nó là bao cao su để tránh thai hay đề phòng HIV khi sinh hoạt tình dục. Nhưng lúc đó chúng tôi không biết là của quí gì từ hậu phương gửi vào cho các víp nên vội nhét vô thùng rồi dùng một bao giấy bóng hơ lửa trít lại chỗ đã rạch. Rồi chúng tôi cùng cõng hàng đi.

Một lúc sau, chúng tôi nghe ngay trên đầu mình có tiếng ì ì như ai xay lúa. B52 rồi, coi chừng nó ném bom xuống đường giao liên. Hai đứa tôi cõng hàng chạy dạt ra hai bên đường. Lập tức tôi nghe những tiếng nổ ran chung quanh mình, trên đầu mình. Người tôi chao lắc, bị bốc lên khỏi mặt đất, ném sang bên cạnh...
Khi máy bay đi rồi, tôi tìm hắn nhưng không thấy. Một số anh em ở các đơn vị khác cùng đi trên đường cũng mất tích như hắn. Chúng tôi, những kẻ sống sót, không ai bảo ai, cùng đứng lặng cúi đầu rồi cõng hàng lên đường. Tới lúc ấy, tôi mới sực nhớ không biết cái thùng thiếc mà hắn cõng về cho các víp ở cơ quan Víp có còn không?

Chuyện riêng của hắn

H
ắn cõng thằng bạn trên lưng. Bạn hắn bị thương nặng lắm. Anh ta mê man không biết gì. Từ phía sau hắn, một toán địch vừa nổ súng vừa la ó đuổi theo. Hắn cảm thấy mỗi lúc bạn hắn càng đè nặng trên lưng hắn. Làm sao đây? Bỏ thằng bạn lại ư? Bỏ nó lại về đơn vị sẽ hạch hỏi đủ chuyện, có khi còn bị kỷ luật nữa. Còn cõng nó thì mình chạy không kịp, địch sẽ bắt sống hoặc bắn chết mất... Cuối cùng hắn quyết định: phải bỏ thằng bạn lại thôi. Ai biết mình bỏ nó để thoát thân đâu. Hắn đặt thằng bạn xuống một lùm cây ven đường rồi phóng về phía trước. Đang chạy, hắn bất ngờ vấp ngã vào ai đó đang lom khom đi tới. Tỉnh trí, hắn nhận ra có mấy anh em cùng tiểu đội đứng bên hắn...
- Phần đâu? Một người cao lớn hỏi hắn.
- Bị thương nặng...
- Sao cậu không cõng về?!
- Mình cõng về chứ - hắn thanh minh - Địch đuổi gấp quá, mình đoán các cậu sẽ quay lại yểm trợ nên giấu Phần trong một bụi cây để đi đón các cậu, đánh địch xong sẽ đưa cậu ấy về luôn.
Bọn họ đã đánh đuổi được toán địch. Bây giờ thì chúng chạy vãi đái. Sau đó, hắn cùng đồng đội làm cáng khiêng thằng bạn về.
- May quá! - người cao lớn lại nói - nhờ cậu chạy đi tìm bọn mình gấp, nếu  không thì đơn vị không kịp cứu Phần đâu.
- Ừ. Hắn cúi đầu nói nho nhỏ…
T.Q

(nguồn: TCSH số 220 - 06 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN BẢN

    Anh vừa ngồi xuống đi-văng, bỗng giật mình:

    - Hello, things, all right? (1)

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

    Có ai đó đã quẳng vào hiên nhà tôi một con khỉ bị thương. Vốn là bạn chí thiết của ông chủ quán "cầy tơ bảy món", tôi liền nghĩ ngay đến món giả cầy bằng thịt khỉ.

  • NGUYỄN THÙY HOÀI DUYÊN  

    Uyên lại thức giấc lúc nửa đêm, cô nhìn vào những vệt sáng yếu ớt của đèn đường chiếu qua lớp kính cửa sổ. Uyên nhìn những giọt nước đang cố bám mình trên tấm kính nhưng cuối cùng chúng đều phải trượt xuống rồi vỡ tan trên mặt đất.

  • TRẦN HOÀNG VY   

    Nàng thức dậy với cặp mắt đỏ hoe. Nàng lại tiếp tục với những cơn ho, khi những cơn ho kéo tới nàng lấy tay bưng mặt và cố kìm nén những cơn ho nhưng không thể.

  • NGUYỄN HẢI YẾN

    Cuộc gọi ấy đến lúc 20 giờ 15 phút. Gã biết chắc chắn điều đó vì cái đồng hồ Pháp cổ gia truyền ba đời treo ngoài phòng khách nhà gã vừa thong thả buông đúng tám tiếng.

  • THU LOAN

    Anh mất vì một tai nạn giao thông. Đang dừng ở ngã tư, chờ đèn xanh thì bất ngờ một chiếc ôtô đâm sầm vào.

  • NGUYỄN HẢI YẾN

    Lão Sếnh lệt sệt lê đôi dép tổ ong qua quãng đường nổi nhựa đen sì dưới nắng vào phòng vé. Đang nghênh nghênh như trâu cày ruộng cạn thì một cái bóng lù lù nhảy bổ từ đâu ra chặn ngang trước mặt lão: “Úi thầy!”…

  • NGUYÊN QUÂN   

    Biển vẫn hồn nhiên quẫy động những con sóng bạc đầu, vỗ đập vào bờ vỡ vụn thứ âm tầng hàng trăm năm thân thuộc.

  • NGÂN HẰNG

    Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ. Làng tôi quanh năm ràn rạt gió lào, cái thứ gió rát bỏng làm đen đúa nước da con gái, những đôi tay thô kệch úa đi vì nắng như những gốc rạ trơ trốc sau mùa gặt.

  • NGUYỄN LUÂN   

    Nhà của Nhếnh ở chân núi Khún, một gò đất hẹp nằm lấp sau những bụi cây chồi lên giữa sống đá. Mỗi buổi sáng thức dậy, Nhếnh lại nghe tiếng đập cánh rào rào của bầy chim vọng về từ trên vách núi mịt mù sương.

  • TRẦN NHẬT  

    Cúi xuống thật gần, Phương ơi, em hãy cúi xuống thật gần, em sẽ ngửi thấy được mùi của đất và nước, em đừng khóc, ở đây anh có đồng đội, anh không cô đơn…”.

  • THÁI HẠO   

    Cô đứng lại thật lâu dưới chân cầu thang sau khi tiếng trống vào lớp đã gõ liên hồi từ cuối dãy hành lang.

  • ĐINH NGỌC TÂM

    Mỗi sáng, với khuôn mặt còn ngái ngủ, nàng thường hỏi tôi thích ăn gì: bún, mì, phở hay hủ tíu. Nếu tôi nói gì cũng được, nàng sẽ bực dọc bảo rằng tôi ba phải, ngay cả thứ đơn giản nhất như bữa sáng cũng không tự đưa ra được lựa chọn.

  • HOÀI NAM  

    Ý niệm về nghề giáo trong tuổi thơ của tôi thật mơ hồ!

  • NGUYỄN ĐỨC SƠN

    Nắm chặt cái thư mỏng trong tay, Lan biết chắc chắn cái việc nàng lo từ hai ngày nay đã bất thành một cách thảm hại. Lan muốn cắn lưỡi tự vận.

  • LÊ THỊ KIM SƠN  

    Đấy là vụ kiện đầu tiên của những người bán những giấc mơ. Bỗng dưng thấy giấc mơ của mình được viết lại.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO    

    Khi biết nhớ là khi trái tim tôi đã đong đầy cảm xúc. Cảm xúc được sống với chính mình bằng những niềm vui bé nhỏ nhất.

  • HẠO NGUYÊN   

    “Đành để hồn theo nước trôi không màu”
                                  - Lời nhạc Phạm Duy