Hai đạo sắc phong cho người có công trị thủy ở làng Bàn Môn xã Lộc An huyện Phú Lộc, TT. Huế

16:18 08/02/2010
TRẦN VĂN QUYẾNTrong quá trình đi điền dã thu thập tư liệu Hán Nôm ở huyện Phú Lộc Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã được tiếp cận hai đạo sắc phong cho người có công trị thủy ở từ đường dòng họ Lê Kim, thôn Đông, làng Bàn Môn, xã Lộc An.

Từ hai đạo sắc, tìm lại trong các nguồn sử địa phương và của triều Nguyễn, chúng tôi thấy được vào những năm 60 của thế kỷ XIX ở huyện Phú Lộc, đã diễn ra quá trình trị thủy đầy kiên nhẫn và hiệu quả của nhân dân. Trong công cuộc trị thủy đó, người có công lớn nhất là Dinh Điền Sứ Trần Đình Túc và Suất Đội trưởng Lê Dõng (người được triều đình phong thần trong hai đạo sắc).

1. Công cuộc trị thủy ở huyện Phú Lộc phủ Thừa Thiên những năm 60 của thế kỷ XIX

Tổ tiên ta từ xa xưa đã biết lợi dụng nước sông lên để đưa nước vào đồng ruộng. “Với nghề nông, người ta hiểu rằng khi giành được quyền chủ động trị thủy cho cây lúa thì điều đó sẽ đưa đến bao nhiêu đổi mới trong cuộc sống”(1). Hệ thống thuỷ lợi nhằm ngăn ngừa nước lụt ở các sông lớn, đưa nước vào ruộng cao, làm cho bãi biển bồi lắng và hết mặn, liên lạc giữa các hệ thống sông lớn với nhau để khiến cho thế nước được quân bình.

Đất đai nông nghiệp ở huyện Phú Lộc trước đây hàng năm thường bị nhiễm mặn do sự ăn sâu của các lưỡi nước mặn từ phá Hà Trung, đồng ruộng thường chỉ canh tác được 1 vụ, năng suất rất thấp và thường xuyên bị mất mùa. Do vậy công tác trị thủy ở đây là rất quan trọng. Vào năm 1864, khi được cử làm Dinh Điền Sứ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, Trần Đình Túc đã xin triều đình khơi sông từ Hà Trữ đến Hà Trung, đặt thêm các cửa cống để nước tiêu đi nhiều lối, đưa nước ngọt chảy vào đồng ruộng. Đồng thời đến tháng 3 năm đó, ông dâng sớ xin mộ dân lập các ấp Quý Lộc, Mỹ Thuận, Lương Tri, Lương Sơn Tây (thuộc huyện Phú Lộc), nhận khẩn ruộng như lệ năm Tự Đức thứ 6 (1853) (tức là sau 6 năm mới tính thuế) và xin cho mỗi suất đinh vay trước 20 quan tiền. Vua đều đồng ý cho làm(2). Trong thời gian này Trần Đình Túc đã hướng dẫn nhân dân làng Bàn Môn đắp đập sông Truồi (Hưng Bình giang để ngăn nước mặn, giữ nước ngọt, chủ động tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng, biến đồng ruộng một vụ thành ruộng hai vụ ở hai tổng An Nông và Lương Điền.

Trong quá trình tiến hành đắp đập Truồi ông Lê Dõng (dòng họ Lê Kim thôn Đông làng Bàn Môn) làm chức Suất Đội trưởng có vai trò quan trọng, góp phần vào sự thành công và hiệu quả của đập Truồi. Đập Truồi được đắp bằng việc lợi dụng địa hình, kỹ thuật uốn dòng, phân dòng và ngăn dòng hiệu quả.  Trên 100 năm nay đất phù sa sông Truồi được chặn lại, bồi đắp cho hàng ngàn mẫu ruộng nhất đẳng điền (ở các xứ Ba Gò, Cồn Nổi, Bàu Mới, Càng Cua, Đồng Rớ… thuộc huyện Phú Lộc ngày nay)(3).

Gia phả dòng họ Trần Đình ở thôn làng Bàn Môn còn ghi rõ sự việc này như sau: Trong khoảng năm 1860 - 1865 ông (Trần Đình Túc) đã về định cư ở làng Bàn Môn (tức Truồi hiện nay) cùng với các con cháu lập thêm làng An Hà xã Lộc An… Thời gian ở Truồi ông giúp đỡ nhân dân làng Hà Trung, Hà Trữ (huyện Phú Vang) và các làng Mục Bài, Bàn Môn, An Hà… (huyện Phú Lộc) thau chua rửa mặn, đắp đập, be bờ, tạo thêm hàng ngàn mẫu ruộng đất mới(4).

Trong bài “Ký sự tự châm” Trần Đình Túc có đoạn viết:

“... Bút nghiên về với xóm làng/ Sớm hôm cần mẫn điểm trang ruộng vườn/ Bạn bè cùng với lão nông/ Đào sông ngăn đập thỏa lòng bấy nay/ Dạy con cháu, nhắc tớ đầy/ Đứa chom hói nọ, đứa cày ruộng kia/ Tiếng chim thánh thót quanh hè/ Cá tung tăng nhảy dưới khe lững lờ/ La ông (*) lụm khụm chào thưa/ Ruộng xưa ta đắp bây giờ đã nên/ Hơn năm trăm mẫu thành điền/ Công dân mọn mọn nhờ quyền cao cao/ Xin dâng dưỡng lão chốn nào/ Kẻo lòng trên dưới ước ao những ngày
(**)Biết tình cố cựu xưa nay/ Ơn vua ban cấp, lộc đầy chung thân/ Chi phiền của lính công dân/ Lảnh lòng ruộng ấy xin dâng lại làng... ”(5)

Để có được hơn 500 mẫu tự điền đó, ngoài công lao của Dinh Điền Sứ Trần Đình Túc, nhân dân làng Bàn Môn cũng không bao giờ quên công ơn của Suất Đội trưởng Lê Dõng. Ông có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hành chỉ đạo đắp đập Truồi cùng Dinh Điền Sứ Trần Đình Túc. Ngoài ra, Lê Dõng còn phối hợp với cụ Lang ở Hà Trung (huyện Phú Vang) trong nhiều năm huy động nhân lực, tài lực đắp đập từ Bàu Trong tới Bàu Đước, khai hoang hàng trăm mẫu ruộng cạn, sau này chia cho con cháu trong họ. Lê Dõng vừa là người trực tiếp thi công, vừa là người đôn đốc và tự xuất tài lực ra để đắp đập đem lại lợi ích cho dân cho nước (6).

Với những đóng góp như vậy, khi cụ Lê Dõng mất, nhân dân làng Bàn Môn và các làng lân cận đã xây miếu thờ ông ở Xứ Cồn Nổi (ngay sát đập Truồi ngày nay). Lê Dõng được hai lần vua ban sắc phong: Đạo sắc phong ngày mồng 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 phong là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù; Đạo sắc phong đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 3 nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh của vua Khải Định phong thêm là Đoan Túc Tôn Thần. Lê Dõng còn được dân làng kính trọng, được đặc cách thờ ở đình làng Bàn Môn (một điều rất hiếm ở làng xã xứ Huế xưa). Hằng năm cứ vào ngày giỗ, ngày xuống đồng, lên đồng nhân dân đều tổ chức cúng tế, dâng cơm mới ở đình làng và miếu ở Xứ Cồn Nổi để luôn ghi nhớ tới công lao của một nhân thần có công với làng với nước.

2. Hai đạo sắc phong cho Suất Đội Lê Dõng làng Bàn Môn

Hai đạo sắc phong cho cụ Lê Dõng được lưu tại nhà thờ dòng họ Lê Kim, thôn Đông làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước đây được thờ ở đình làng nhưng do không có điều kiện bảo quản và an ninh nên làng đã đưa về để họ Lê Kim thờ và bảo quản. Khi đến ngày giỗ và lễ tế của làng, sắc được rước từ Từ đường ra đình rồi lại được rước về.

Phiên âm:

Sắc: Thừa Thiên phủ Phú Lộc huyện Bàn Môn xã, phụng sự bản xã Hưng Bình giang đê vệ nông Suất Đội Lê phủ quân chi thần, nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần. Chuẩn y cựu phụng sự.
Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Duy Tân thất niên thập nguyệt sơ bát nhật.
                        (Sắc mệnh chi bửu)

Dịch nghĩa:

Sắc cho: Thần họ Lê làm chức Suất Đội có công trong việc đắp đê vệ nông ở sông Hưng Bình được phụng thờ ở bản xã thuộc Bàn Môn, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Thần đã từng linh ứng rõ rệt, từ trước đến nay chưa được dự phong. Nay ứng theo mệnh sáng, nghĩ đến công lao che chở của thần nên phong thần là: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù. Chuẩn cho như cũ mà phụng thờ.
Thần hãy giúp Trẫm che chở cho nhân dân.
Kính đấy!
Ngày mồng 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (5-11-1913)

Phiên âm:

Sắc: Thừa Thiên phủ, Phú Lộc Huyện, Bàn Môn xã tòng tiền phụng sự ,nguyên tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù, bản xã Hưng Bình Giang đê vệ nông Suất Đội Lê phủ quân tôn thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị, Trẫm Tứ Tuần Đại Khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Đoan Túc Tôn Thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
            Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
                                                (Sắc mệnh chi bửu)

Dịch nghĩa:

Sắc cho tôn thần họ Lê làm chức Suất Đội có công trong việc đắp đê ở sông Hưng Bình thuộc bản xã, vốn được phong tặng là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù, trước đến nay được phụng thờ tại xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên, bảo vệ đất nước che chở cho nhân dân, từng linh ứng rõ rệt, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Nay gặp ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh Tiết của Trẫm, đã vâng bảo chiếu ra ơn, long trọng ghi vào cấp bậc, bèn tặng thêm Đoan Túc Tôn Thần, chuẩn cho phụng thờ, để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ phép tắc thờ tự.
Kính đấy!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (25-8-1924)

Hai đạo sắc hiện được dòng họ Lê Kim bảo quản trong tình trạng tốt. Nhận thấy đây là một tư liệu có ý nghĩa trong việc tìm hiểu lịch sử địa phương cũng như công cuộc trị thủy thủy lợi ở Thừa Thiên Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945) nên chúng tôi đã tiến hành giới thiệu và biên dịch.

T.V.Q
(252/02-2010)


--------------------
(1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1985), Ai đã đặt tên cho dòng sông, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr 158.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn (1977), Đại Nam thực lục, tập XXX, Viện Sử học dịch, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 58.
(3) Hoàng Xuân Nhu (1990), Bàn Môn một di tích lịch sử - văn hóa, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 13 - 14.
(4) (5) Gia phả dòng họ Trần Đình (Bản chữ Hán và bản dịch) lưu giữ tại từ đường dòng họ Trần Đình thôn làng Bàn Môn, xã Lộc An, Huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(6) Hoàng Xuân Nhu (1990), Bàn Môn một di tích lịch sử-văn hóa, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 14.


 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  •  (SHO)- Theo Quyết định ngày 9/9 của Bộ VHTTDL, có thêm 5 di sản được ghi tên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

  • (SHO) – Việt Nam vừa nhận 2 giải thưởng bảo tồn di sản văn hóa 2013. Năm nay, Giải thưởng Bảo tồn di sản văn hóa do Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức đã kết thúc với 11 giải thưởng trong tổng số 47 đề cử của 16 quốc gia trong khu vực.

  • (SHO). Bộ VHTTDL vừa có văn bản số 3146/TB-BVHTTDL thông báo bàn giao Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, và bảo đảm xây dựng Nhà Quốc hội như phương án đã được phê duyệt, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO.
     

  • (SHO). Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch.

  • HẢI TRUNG

    Cách đây không lâu, khi hợp tác với Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc thực hiện cuốn sách “Báu vật triều Nguyễn ở Việt Nam”, chúng tôi đã có dịp tranh biện với các nhà chuyên môn của bảo tàng này về cách dịch sang tiếng Anh khái niệm “vua” của triều Nguyễn.

  • NGUYỄN HUY KHUYẾN     

    Năm 1960, theo dự thảo của ông Bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục cho biết Đà Lạt được tổ chức thành một thành phố du lịch, thì nên lập tại đây một Viện Bảo Tàng để thêm phần hấp dẫn du khách ngoại quốc. Với khí hậu khô ráo quanh năm của Đà Lạt, thì nơi này có thể bảo quản được nhiều tài liệu quý hiếm của triều Nguyễn được đưa từ Huế lên.

  • HỒ VĨNH

    Để điều hành đất nước, từ năm 1802-1906, nhà Nguyễn đã thiết lập 6 bộ là: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công.

  • VĨNH PHÚC

    Nhã nhạc được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại không chỉ với thiết chế cổ xúy và ty trúc (Đại nhạc, Tiểu nhạc) như hiện nay.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGTìm cách để sử dụng tốt các ngành nghề thủ công cổ truyền là phương hướng đúng đắn để giải quyết không những vấn đề kinh tế của mỗi địa phương mà còn tạo điều kiện để duy trì và phát triển những vốn quý của dân tộc.

  • THANH TÙNGNgày 18-3-2010, tại Hà Nội, VACNE tổ chức hội thảo Vinh danh Cây di sản Việt Nam. Việc tổ chức công nhận Cây di sản Việt Nam còn có ý nghĩa bảo vệ đa dạng sinh học, hưởng ứng Năm Quốc tế Đa dạng Sinh học 2010.

  • PHAN THANH HẢILà một linh vật có mặt ở hầu khắp các nền nghệ thuật của nhân loại nhưng con rồng Việt Nam vẫn được xem là có những đặc điểm riêng độc đáo, khó lẫn lộn với rồng của các dân tộc khác.

  • PHAN THUẬN ANMặc dù con rồng là một con vật tưởng tượng đầy tính siêu nhiên, nhưng bóng dáng của nó đã trở thành rất phổ biến trong đời sống xã hội nước ta, và cũng đã tiềm ẩn trong tâm thức sâu thẳm của mọi người dân Việt.

  • NGUYỄN ĐÌNH THẢNGTương truyền, Khổng Tử, ông thánh chí tôn của đạo Nho, đã từng đến xin học “lễ” với Lão Tử, được Lão Tử thụ giáo nhiều về môn đạo đức học, một môn học mà Khồng Tử cho là khó nhất. Đạo của Khồng Tử được truyền lại cho hậu thế, chủ yếu là qua chữ “lễ” mà ngài được giáo huấn từ Lão Tử. Nó đã trở thành khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn” cho bao thế hệ học trò.

  • ĐOÀN MINH TUẤNĐã mấy mùa xuân, Tuấn Minh - biên dịch tiếng Pháp ở Công ty phục vụ người nước ngoài thành phố ta, nhà ở quận 3, có trao đổi với tôi một số tài liệu viết về con rồng trong cuốn “Các động vật của thế giới”. Nay chờ đến năm Thìn qua sổ tay ghi chép có dịp soạn lại cho bạn đọc làm quà xuân.

  • LÊ VIẾT THỌ“Đối với tôi, nghệ thuật là một trạng thái của linh hồn”                                                  Marc Chagall.

  • TÔN THẤT BÌNH Ca Huế là loại nhạc cổ truyền được phát sinh và phát triển lâu đời. Tuy nhiên, tìm hiểu nguồn gốc và thời điểm phát sinh thì có nhiều ý kiến khác nhau.

  • NGUYỄN ĐẮC XUÂN Huế là Kinh đô của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam . Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Huế đã đứng dậy làm cuộc Cách mạng Tháng tám thành công, chấm dứt thời đại quân chủ đã tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta và chuyển qua chế độ dân chủ cộng hoà. Đánh dấu sự kiện lịch sử vẻ vang ấy là việc vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho phái đoàn đại diện Chính phủ VNDCCH do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu.

  • TRẦN VĂN KHÊChương trình Văn hóa của Unesco trong hai năm tới (2000 - 2001).Tôi vừa dự xong cuộc thảo luận về Chương trình lớn số III, trong dịp Unesco họp Đại hội tại trụ sở Paris, từ ngày mùng 8 đến ngày 11 tháng 11 dưng lịch năm nay (1999) với tư cách Thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc.

  • NGUYỄN SINH DUYMỹ Sơn: thung lũng các vua thánh

  • LTS: Liên tiếp trong hai ngày 30 tháng 9 và 1 tháng 10 năm 2009, tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Quan họ Bắc Ninh và Ca Trù của Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách di sản văn hóa của nhân loại. Quan họ Bắc Ninh được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại; Ca trù được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.