Gửi đóa mai vàng thuở ấu thơ

08:30 08/03/2010
NGUYỄN TRỌNG TẠOKim Mai thân nhớ,Ngày giáp Tết, tôi về miền thơ ấu. Cây đa cổ thụ, ngôi miếu rêu phong vẫn đứng giữa đồng quê như đợi như chờ từ vạn kỷ.

Con đường đất, vẫn con đường đất vắt qua đồng như một chiếc khăn màu cát sáng dẫn tôi về xóm làng xưa. Gặp những cô bé, cậu bé tung tăng theo mẹ đi chợ Tết, tôi chạnh nhớ tới Mai của bốn mươi lăm năm trước. Hồi ấy tôi và Mai cùng lên bảy, cùng theo mẹ đi chợ Tết, cùng đòi mẹ mua trống trận trống bỏi, kèn gà đất, hoa giấy và bánh mứt. Trên đường về, đứa đánh trống, đứa thổi kèn cứ inh ỏi cả một vùng quê. Bỗng cái trống của tôi bị thủng, tôi tiếc quá, khóc òa. Mai dỗ dành tôi, cho tôi cái trống của Mai, tôi không chịu, và Mai cũng khóc theo. Thế là hai bà mẹ phải đưa chúng mình quay lại chợ mua mấy cái trống nữa cho hai đứa hết khóc mới thôi.

Đấy là kỷ niệm về cái Tết cuối cùng của Mai ở làng quê.

Tết năm sau không còn gia đình Mai. Ngôi nhà bên cạnh nhà tôi, một gia đình khác đến ở. Mẹ tôi lại mua trống mua kèn cho tôi, nhưng tôi thấy buồn, con gà đất và cái trống bỏi như cũng buồn theo. Sau này đọc thơ Nguyễn Hồi Thủ, thấy thơ của một người xa nước khá hay, thế mà tôi chỉ thuộc được vài câu:

            Nhà tôi lài lý thơm về tối
            Em bỏ tôi đi mười ba tuổi
            Mà sao còn nhớ tóc em dài

Mai đã bỏ tôi, bỏ làng mà đi từ năm lên tám tuổi. Rồi đất nước chia cắt. Rồi chiến tranh liên miên. Người bạn gái ấu thơ của tôi biệt mù tăm tích. Những đứa bạn học "Khai trừ" Mai ra khỏi đội nhi đồng, dù biết rằng nếu không "khai trừ" thì Mai cũng chẳng còn ở quê để mà sinh hoạt đội.Bạn bè coi Mai như một vết nhơ làm mờ nhòa truyền thống. Mai theo gia đình vào chung sống dưới một chế độ khác. Lớn lên, đứa vào đại học trong nước, đứa đi du học Đông Âu, đứa ở lại làng quê, và hầu hết là vào bộ đội đi giải phóng miền . Có lúc tôi đã tìm Mai ở xứ mai vàng. Nhưng thời gian dâu bể, cá nước chim trời. Nghe người nói gia đình Mai đã chết trong loạn lạc đạn bom, kẻ lại bảo Mai theo chồng du học ở tận bên Pháp hay bên Mỹ. Rồi lại nghe nói chồng Mai là một sĩ quan của chế độ Sài Gòn cũ, giờ ở tận Cali tham gia một tổ chức chống cộng và trong một cuộc dạ hội đã dương lên lá cờ tam tài. Năm ngoái tôi lại được một thông tin khác hẳn: chồng Mai là một công chức hiền lành không tham gia đảng phái nào, sống yếm thế như người tu hành. Còn Mai là một tiến sĩ toán đã thiết kế thành công một loại "nhà chống bão" cho những vùng dân cư luôn bị bão lụt...Nói chung, thông tin về Mai từ con số không đến sự nhiễu loạn, tôi chẳng biết đâu mà lần ra cái múi tơ vò ấy.

Những người bạn ấu thơ của ta giờ cũng đã ngả bạc mái đầu. Năm mốt đứa tuổi Đinh Hợi trong làng giờ chỉ còn hăm mốt. Ba mươi đứa đã ngã xuống trong chiến tranh, hoặc bị ung thư mà qua đời. Tết nào cũng gặp lại ở làng mươi đứa. Cái cậu "Trúc Bút chì" hồi nhỏ chắc Mai còn nhớ chứ? Nó gầy cao và đầu nhọn như một cái bút chì dựng ngược ấy mà. Hồi đó nó hay chọc ghẹo Mai, bị tôi gõ cho một cái sưng đầu, giờ gặp lại, nó cứ nhắc Mai hoài. Thế là cả bọn lại nhớ về Mai và thấy buồn cười cho cái trò "khai trử" đội viên trẻ con ngày xưa. Trúc Bút chì giờ đã thành ông nội rồi, "ông nội" ước: "Nếu bà Mai đưa nhà chống bão về làng mình, tôi sẽ xin một cái". Nói vậy thôi chứ nhà Trúc Bút chì cao đến 4 lầu ở giữa Hà Nội. Anh ta là phó tiến sĩ vật lý đấy.

Mấy ngày Tết ở quê nhà, đi mỏi chân, nói mỏi miệng, và uống ruợu uống bia bụng căng như cái trống. Mấy bà bạn ngày xưa chân lấm tay bùn giờ áo hoa váy đầm đến đâu là đường làng ngõ xóm cứ sáng choang rực rỡ. Những người từ thành phố về quê ăn tết không những ăn diện rất bảnh mà "túi" cũng căng lắm. Những đồng tiền mừng tuổi không còn nhàu nát và nhỏ bé như thời thơ ấu mà cứ mới toanh "cạo râu" được. Ba nhà thờ họ trong làng bị đạn bom tàn phá trong chiến tranh, giờ được xây dựng to đẹp hơn nhiều. Trống tế, trống chầu cứ lùng tùng khắp làng trên xóm dưới thay cho tiếng pháo.

Ấy vậy mà khi tạm biệt làng quê, đi qua cánh đồng có cây đa cổ thụ, ngôi miếu rêu phong ngào ngạt hương khói, tôi lại thấy buồn khi nghĩ tới Mai và những bạn bè xa vắng. Tất cả các thông tin về Mai đều như trong một giấc mơ. Mai đang ở đâu? Chẳng lẽ đóa Mai vàng của tuổi thơ đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời này, lìa xa ngôi làng ấu thơ với những kỷ niệm vàng son của tuổi nhỏ? Tôi lại "nói dại" rồi. Bởi trong lòng tôi luôn tin rằng, Kim Mai vẫn còn đâu đó, trong trò chơi trốn tìm rúc rích phía làng quê.

N.T.T
(132/02-2000)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • ÐÔNG HÀ

    Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau.

  • CHẾ LAN VIÊN

    Hồi ký về Đoàn Nghệ thuật Xây dựng (Huế 1946)

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                              (Bút ký)

    Ông Lê nguyên giám đốc sở Văn hoá Bình Trị Thiên, một lần về Thủy Dương lấy  tài liệu viết tuyên truyền cho vụ lúa mùa, đã cụng đầu với ông bí thư xã.

  • TẠ QUANG BỬU
                    (Hồi ký)

    Tôi đã học ở trường Quốc Học bốn năm từ năm 1922 đến 1926, cách đây đúng 60 năm.
     

  • TRỊNH BỬU HOÀI

    Đất trời đang mặc chiếc áo mới cho trần gian. Con người cũng thay chiếc áo mới cho mình. Chiếc áo khoác trên đôi vai sau một năm oằn gánh công việc. Chiếc áo phủ lên tâm hồn ít nhiều khói bụi thế nhân.

  • NHỤY NGUYÊN

    Một câu trong Kinh Cựu ước: Khởi thủy là lời. Tôi không dám khoác thêm bộ cánh mới, mà chỉ muốn tìm cho nó một mỹ từ gần gũi: Khởi thủy là mùa Xuân.

  • ĐÔNG HƯƠNG

    Trí nhớ tôi tự dưng quay trở về với tuổi thơ, tuổi ba mẹ vừa cho đi học. Ờ! Lâu quá rồi, cái Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, trí nhớ lơ mơ trở lại khoảng đời thơ ấu, có lẽ đẹp nhất trong đời của mỗi con người của chúng ta.

     

  • TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)

    Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU (Bút ký lịch sử)

    Nhiều năm men theo dấu chân của nàng Huyền Trân, công chúa nhà Trần mở đất Ô, Lý, hễ có dịp là tôi lại hành hương đất Bắc. Viếng đền thờ các vua nhà Trần ở làng Tức Mặc - nơi ấy nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

  • HÀ THÚC HOAN

    Những ai đã từng là học sinh trường Quốc Học - Huế đều có Một thời Quốc Học(1). Thời Quốc Học của tác giả bài viết này là ba năm học tập ở các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12), từ năm 1956 đến năm 1959.

  • TRẦN HUY MINH PHƯƠNG (Tùy bút)

    Thoáng một cái, xài hết ba trăm sáu mươi lăm ngày mà hổng biết. Bao dự tính giằng co rồi dang dở, chưa kịp nghĩ thấu, chưa xiết làm xong, phân vân nhiều nốt lặng, yêu người chưa sâu nặng, nợ người chưa trả xong… ngày giũ vội qua đi. Ngẩn ngơ, mùa về!

  • THIẾU HOA Hắn! Một vị khách không mời mà đến. Hắn đến viếng nhà tôi trong một đêm mưa to gió lớn. Cả nhà ai cũng biết sự có mặt của Hắn. Đêm đầu tiên cứ nghĩ Hắn chỉ trốn mưa tạm thời rồi hôm sau sẽ đi. Nhưng đến nay đã qua một mùa xuân, Hắn vẫn còn ung dung tự tại ở trong nhà, lại ở đúng trong phòng của tôi như một thành viên chính thức trong gia đình.

  • PHAN QUANG                Trích hồi ký ... Đến thị xã Sơn La chiều hôm trước, sáng hôm sau trong khi chờ đến giờ sang làm việc với Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - mà các đồng chí gần gũi đều quen gọi bằng tên thân mật: anh Thao - cho mời chủ nhiệm nhà khách của khu tới.

  • VÂN NGUYỄN                 Tùy bút “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...” (Trịnh Công Sơn)

  • PHAN THỊ THU QUỲ Ba tôi - liệt sĩ Phan Tấn Huyên, Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Thừa Thiên - thường dặn tôi mấy điều: dù khó khăn đến mấy cũng không được ngừng nghỉ phấn đấu học hành bởi tri thức là sức mạnh; dù như thế nào đi nữa cũng phải giữ cho được bản sắc văn hóa Huế rất đỗi tự hào của mình...

  • TẤN HOÀI Một khung trời mây Một dải gương lung linh cuộn quanh hoàng thành cổ kính. Trầm mặc và ưu tư. Tưởng chừng như thế!...

  • XUÂN HOÀNG Tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi thăm hai nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri đúng vào những ngày đầu xuân Mậu Thân, sôi động.

  • HỮU THU & BẢO HÂN                                     Ký   Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh hãi hùng mà cơn bão mang tên Cecil tàn phá vào cuối tháng 10 của năm 1985 ở miệt phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

  • PHẠM THỊ CÚC Thầy dạy lớp Nhì Thầy dạy lớp Nhì tên Thanh. Người thầy roi roi, hơi thấp và nhỏ con. Bù lại, thầy rất nhanh nhẹn và vui vẻ, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi.

  • VĨNH NGUYÊN Biết sở Ngoại thương có đến năm ông vua, tôi tặc lưỡi - chà, thời buổi này tiếng vua quan nghe có vẻ mai mỉa làm sao ấy? Nhưng lên được ngôi vua đâu phải đơn giản? Dẫu vua ác, vua hiền, vua tài ba hay bất lực, vẫn là vua một thời và khối kẻ mong ước được "một ngày tựa mạn thuyền rồng"...