Giọt nước trần tục

10:00 01/04/2009
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Làng chồ in hình xuống màu nước run rẩy tĩnh lặng. Đáng lẽ phải cố gắng đứng lên,nhưng bà chỉ có thể ngước nhìn căn vách nơi những cái nồi kho cá treo la liệt. Chúng treo lẫn lộn giữa giấy tờ và các bức ảnh đóng khung. Bà lão thì thầm với đỉnh núi Sơn, mắt vuốt một đường lên cái mỏm thừa như một tam giác nhỏ chếch về hướng Bắc. Đỉnh núi nhắc bà việc quan trọng nhất phải làm. Phải đi cất những chiếc nồi này ngay bây giờ, trước khi sóng lừng sủi bọt vùi dập chúng xuống đáy biển thành rác rưởi. Bà không đủ sức để đi cất chúng nó mỗi ngày như hồi trước. Những cái nồi đã nằm yên lặng từ lâu trên bức vách nhà chồ. Ngay cả cô vũ nữ đang múa trong sóng biển màu đỏ trên thân cái nồi bằng đồng chạm trổ tỉ mỉ cũng đã phủ nhiều lớp bụi mờ. Khi bà nấu món cá tươi có rưới món sốt quả chà là Mã Lai, thì chiếc nồi đồng có thể phát ra một điệu nhạc vui tai từ phía chiếc vòi thoát hơi, và cô vũ nữ càng ẻo lả tinh quái khi bị bao phủ giữa làn hơi nước lờ mờ. Chiếc nồi đồng Sói biển đem về trong một chuyến buôn xuống phương Nam. Vợ Sói biển làm chủ một căn nhà mười hai gian, tách biệt hẳn xóm nhà chồ. Khi thuyền cập bến,chỉ có tiếng lão thét vợ chỉ huy người khuân hàng hoá quà cáp về nhà, riêng lão ôm cái nồi đồng làm phao,bơi liền một mạch từ biển vào cửa sông, tiến thẳng đến căn nhà chồ cuối cùng và làm cả làng điếc tai vì điệu nhạc từ chiếc nồi có thể hú lên từ lúc mờ sáng hay giữa đêm khuya thanh vắng.

Đã lâu bà cũng không còn đứng nơi căn vách cân nhắc nên chùi thật bóng cái nồi nào trước khi ra ngoài bãi cát đón người đàn ông của mình. Trong tiếng gầm gào vang động của biển khơi,bình minh mới hé mi mắt, rải lên bầu trời một ánh vàng mong manh nhìn xuống tạo vật óng ả đang lượn cùng những dợn sóng ngầm tận đáy đại dương. Trong lòng nước, tóc người đàn bà xoã dài, cặp môi nhiều đam mê hé mở, cặp đùi sải rộng đón sóng. Khi con thuyền đầu tiên xuất hiện ở chân trời lúc tinh mơ, làng cá nín thở trong giấc ngái ngủ giả dối, nặng trĩu cô đơn. Cửa sập im ỉm. Những bà vợ ngư dân tức tối lăn lộn tròng trành trên giường ngủ nhà mình như nằm trên sóng. Biển hú lên đồng loã đưa người đàn ông thuộc về bà ra khỏi thuyền, lặn một mạch vào chỗ những con sóng đập vào bờ thật dữ dội trong ánh mắt mở rộng đắm đuối ngưỡng mộ của người phụ nữ đang yêu. Bây giờ, mỗi buổi sớm, khi vợ người đánh cá hàng xóm treo trên đòn tay ngay chỗ bà ngồi một con cá, bà chỉ đủ sức cầm cái cây cời tro khều khều cái nồi bất kỳ nào đó và đặt nó lên bếp lửa, khác hẳn cả một đời bà luôn cẩn trọng khi lựa chọn một chiếc nồi để nấu món cá tươi cho người đàn ông sẽ ăn sáng cùng bà. Các bà vợ ngư dân trong làng lần lượt đem cá đến, ngậm chặt mẩu thuốc rê ướt đẫm nước miếng, họ cố nhìn thật kỹ từ cặp mắt sùm sụp, đến cặp mũi khoằm, đường môi trề ra không biết vì vui hay vì buồn của bà lão. Trong lúc giơ cây khều một cái nồi, bà lão ho khục khục vuốt dọc sống mũi mình một cái duy nhất.

Ngay sáng hôm ấy đến tận chiều tối, làng chài bé nhỏ rung chuyển trước cái tin bà lão Hàm sáng nay đã vuốt một cái dọc sống mũi vì cảm thấy một cơn ngứa không chịu nổi dậy sóng suốt từ đỉnh mũi chạy lên giữa đầu.Bọn đàn bà vội vã chạy ra chợ đòi nợ, mua thêm gạo, muối, đi tìm trẻ con ngủ quên trong các xó xỉnh khắp làng. Những người dũng mãnh và lãng mạn nhất vẫn đi biển. Sau một ngày chay tịnh, với điếu thuốc rê trên môi họ chậm rãi vòng vèo qua những chiếc cầu của xóm Chồ, phả khói hôi nồng vào các cánh cửa sổ bằng gỗ tạp, đến cửa nhà bà họ thả xuống nước một hình trái tim nặn bằng bột dẻo có phết màu mới mua trong cái lọ bán kẹo rẻ tiền đầu xóm dùng để neo vía và ung dung lên thuyền. Đám đông còn lại leo lên nóc nhà, chằng chống lại mấy tấm tôn lủng trong tiếng càu nhàu nguyền rủa tục tĩu không dứt của mấy bà vợ.

Bà lão vẫn lim dim nơi đòn tay nhìn ra biển, nơi đợt sóng non đầu tiên bắt đầu giận giữ xô đẩy những con thuyền gỗ tí hon mỏng mảnh đập vào nhau và vỡ tan ra như trò đùa. Phía trên đỉnh  ngọn sóng bạc bà thấy những người đàn ông của mình đang nhìn vào bờ cát bằng cặp mắt buồn rầu. Hai mươi bốn người ngồi chật mảnh thuyền vỡ. Những bức ảnh đen trắng của họ treo lẫn lộn giữa những cái nồi kho cá trên vách nhà chồ. Hai mươi bốn mộ gió trên đỉnh núi Sơn. Mỗi lần biển nổi giận, họ nương nhờ những con sóng chân dài khổng lồ lần về được đến chân núi này để bà nhìn thấy. Và chỉ có thế. Cơn bão biển nhanh chóng vỡ như bọt xà phòng, không đủ sức để nâng họ lên tận đỉnh ngọn núi, nơi mỗi người được bà xây cho một ngôi mộ thật đẹp, nắn nót một hình nhân theo đúng trí tưởng tượng bay bổng chợt loé sáng trong lúc cùng họ vật lộn như kẻ thù trên nền cát mặn và ẩm mỗi buổi tinh mơ.

Ngư dân biệt danh Sói biển nổi tiếng khắp dải miền Trung vì lão bắt cá, lẫn bắt người, khi lão đi vào lòng biển, bà đặt vào mộ gió của lão một dải lụa đỏ rực xé từ chiếc yếm lão đã mua về biếu bà trong chuyến buôn xuống phương nam và khóc thật lâu trước khi đêm xuống bà ngả vào tay lão ngư dân hàng xóm lúc nào cũng gọi nhầm tên bà. Chính lúc tên hàng xóm đang nhầm lẫn tên của bà và những người phụ nữ khác thì óc bà chợt loé lên ý nghĩa của cơn ngứa mũi buổi sáng mà bà thấy nó giống hệt cảm giác ngứa ngáy như lúc bà lên ba tuổi, ngồi trên đỉnh ngọn sóng cao mười mét đi từ biển vào giữa làng chài, dừng lại trên nóc một mái nhà có gắn con gà trống bằng gỗ của ông nội Sói biển. Con gà gợi sự chú ý đặc biệt và cô bé đã ôm ngay lấy cổ nó, ở lại vĩnh viễn với rẻo đất xa lạ. Không ai biết cô bé từ đâu đến. Các bà vợ ngư dân mất chồng trong cơn bão đứng trong lớp bùn non ngập đến nửa ống chân vừa khóc vừa xem con bé đang ngủ trên nóc nhà duy nhất còn lại giữa làng, tay vẫn ôm chặt chú gà gỗ bị sóng bẻ gãy đầu.

Quá trưa, nó mở mắt nhìn lên bầu trời chang chang nắng, trong vẻ hoảng hốt hiện lên nơi màu mắt sâu thẳm kỳ lạ, dân làng giật mình đếm thấy làng chài vơi nửa số đàn ông. Cô bé trôi giạt được cho ở góc nhà chồ cuối làng, đặt tên Hàm, nghĩa là ơn biển. Theo lệnh chồng,đàn bà trong làng lần lượt đem cá tươi đến nuôi nó. Họ ghét cay ghét đắng cặp mắt mở rộng nằm dưới cặp lông mày đen nhánh vòng cung ngạo nghễ chẳng ánh lên chút ngây thơ, sống mũi thanh tao hênh hếch, nước da vàng óng mật ong non. Con thổ dân lạc loài. Con yêu tinh. Vợ các ngư dân bước ra khỏi lều nhổ phẹt nước miếng có lẫn sợi thuốc rê xuống cát và lẩm bẩm giống hệt nhau khi họ nhớ đến cặp mắt một mí của con cái. Chẳng biết từ bao giờ,cả làng tin rằng cô bé đi khỏi nơi này thì làng sẽ gặp hoạ từ biển cả.Từ lúc ấy đến giờ bà Hàm chỉ còn ngứa mũi thêm có năm lần. Sau mỗi lần như thế bà phải xây vài ngôi mộ gió trên đỉnh núi Sơn. Phụ nữ trong làng không ai cản trở từ lúc bà chỉ huy việc khuân gạch ngói đến khi tên của người đàn ông được kẻ ngay ngắn trên bia mộ. Họ cũng không tò mò bà đã đặt cái gì vào ngôi mộ mang tên chồng, tên cha họ. Trong lúc bà làm tất cả những việc ấy,họ sai anh em,con cái đặt một chiếc bàn gỗ mỏng trên cát, bày hương hoa, chạy khắp làng tìm kiếm nải chuối bé tí và xanh ngắt còn sót lại sau cơn bão. Rồi vẫn im lặng như thế, mắt đẫm nước họ vái ra phía biển. Phụ nữ làng chài tin rằng đàn ông của họ nằm trong lòng biển kia đã thanh thản. Vậy thì cứ để mọi việc đúng như thế, như lúc người đàn ông còn sống,còn đi biển, chà đạp lên luật lệ để đến nhà con yêu nữ vào lúc chập tối, trước khi lên thuyền và không bao giờ trở về.

 Cơn bão tan. Bà Lão Hàm không tham dự lễ mừng thọ tám mươi tuổi tổ chức cho bà và mười sáu bà cụ khác. Bà không biết gì về những người cùng thời, dù bà đã sống cùng với họ từ lúc mới ba tuổi đến tận bây giờ. Bà không biết suốt một cuộc đời họ chỉ dùng khoảng năm cái nồi để nấu món cá. Một cái để kho mặn, thật mặn kiểu ăn của ngư dân mùa biển động. Những cái khác nồi nào có việc nấy.Trong căn bếp nhà bà, mỗi cái nồi là của riêng một người đàn ông không thể lẫn lộn. Bà đã ngưng mua nồi cách đây bốn mươi năm, sau một cơn ngứa mũi khủng khiếp suốt từ tối đến tận sáng tinh mơ, bà ngứa mũi đến độ anh chàng ở trong nhà chồ đêm ấy phải dìm đầu bà vào chum nước đến nổi bong bóng lên mới thả. Anh ta chưa kịp chạy đi báo tin cho làng chài biết cô Hàm bị một cơn ngứa mũi thì bầu trời đã bị xé toạc bởi những tiếng gầm rú không đến từ lòng biển, mà từ bên kia rặng núi phía Bắc chạy vào. Những căn nhà chồ chới với cuối sông đầu biển như muốn bay ngược ra đại dương mênh mông dưới cánh hàng chục chiếc trực thăng quần đảo đỉnh núi.Vào một đêm sáng trăng, cô Hàm luồn vào cái áo dài trắng và cứ thế mỏng mảnh sương khói tiến lên đỉnh núi ấy. Áo trắng cô Hàm lướt qua được tất cả hàng rào dây thép gai,những họng súng vô hình trong công sự. Từ trong bụi lau thưa ở độ cao một nghìn sáu trăm năm mươi mét so với mặt biển, cô dõi mắt về phía đường chân trời xa thẳm phía Nam, nơi xuất phát của cơn bão biển đã đẩy cô bé ba tuổi vào làng chài này trong một ngày không có mưa. Đỉnh núi bị xâm chiếm bởi một cơn gió lạnh lẽo nặng mùi, giống như mỗi lần biển động, cô Hàm loay hoay trên bãi cát gom xác cá trong tiếng kêu khóc khắp làng.Một mình cô Hàm nướng cá cho bọn trẻ ăn. Trẻ con làng chài ăn cá ươn vật vã ói mửa, rồi lại ăn, hít hà cái mùi nặng nề toát ra từ bàn tay người đẹp.

 Ngọn gió nặng mùi trộn trong ánh sáng vàng lạnh bao bọc những người đàn ông trên cái bãi rộng nơi đỉnh núi.Họ không giống như cô mường tượng khi người đàn ông thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng trong lòng biển. Những người đàn ông này trắng nhợt, bị bụi đất ở khắp mọi nơi hút cạn máu. Cả bãi xác người nằm đủ tư thế. Người thì cứ muốn tiếp tục bỏ chạy. Người như đang ôm chặt trong vòng tay người đàn bà duy nhất của đời mình.Dưới ánh trăng mờ lạnh giữa đêm,người ta mở ổ bụng các xác chết,dọn dẹp lục phủ ngũ tạng bỏ gọn vào một cái túi nhựa màu đen và dán nó lại. Xác chết được đẩy sang bên cạnh, một cái bóng khác lặng lẽ ngồi may ổ bụng mở tanh banh đó lại bằng mũi kim cực lớn và sợi chỉ không có màu. Cuối cùng những người đàn ông đã nằm yên trong hòm kẽm, linh hồn bị bó chặt dưới những ngôi sao li ti màu trắng chẳng còn ý nghĩa gì trước cái chết. Người ta lẳng lặng khiêng những chiếc hòm tươm tất lên lại chiếc trực thăng phành phạch vỗ cánh tất bật nhào ra biển. Cô Hàm núp trong bụi lau thưa xem người ta lựa cho xác chết một cái chân bị thiếu trong đống xác người mới đổ xuống nơi sườn núi. Cặp mắt đen như đêm tối thăm thẳm u uất theo bóng chiếc trực thăng mất hút ở đường chân trời. Cô Hàm không hiểu cơn ngứa mũi của mình có liên quan gì với bãi mổ xác người dã chiến cách vùng chiến sự đến ba trăm cây số.Trong màn sương lạnh, thiếu phụ buông mình ngả người lên cành lau mềm mại. Mãi mãi về sau cô Hàm bị vây bọc trong nỗi trống trải kể từ khi cô nhìn thấy nhiều người đàn ông đẹp đẽ nằm ngửa, nằm sấp bất lực trong cái chết trẻ trên đỉnh núi Sơn trước khi vượt Thái Bình Dương trong một đêm trăng huyền ảo. Chỉ lúc ấy nỗi cô đơn khủng khiếp đè nặng lên cuộc đời được nuôi dưỡng bởi cá tươi và những người đàn ông vay mượn chợt vỡ. Cô Hàm nhỏ một giọt nước mắt trần tục lên sườn núi, không tự lý giải điều gì nữa. Áo trắng xuống núi, vượt qua tất cả những bảng cấm quân sự bằng nhiều thứ tiếng chẳng một ai thấy. Áo trắng bay chờn vờn trong trăng lạnh, như có cả trăm linh hồn cùng ve vuốt hàm ơn người đàn bà duy nhất lên được tận đỉnh núi Sơn chảy xuống một giọt nước mắt tiễn đưa.

Sau cơn bão, sau cả buổi lễ mừng thọ thiếu nhân vật chính, làng chài lại lần nữa náo động. Vẫn một cơn ngứa mũi dậy sóng mà bà cảm thấy không gì có thể ngăn cản được nó nổi lên xoáy mãi như muốn chạy vào tới tai,tới não. Nhưng lần này không ai chú ý chuyện ấy vì tất cả nháo nhào lên trong nỗi mừng vui dọn làng. Bãi nhà chồ dềnh dàng bẩn thỉu, lô nhô cọc nhọn và ván đen xỉn, nơi ẩn náu của cả nghìn con người suốt vài trăm năm qua được dọn sạch như nơi đi qua của sóng thần, trả lại cho bờ biển vẻ đẹp hoang sơ đầy thèm muốn. Đến buổi chiều, sau lúc ngắm đến chán mắt cả trăm căn nhà trệt, mái tôn bằng, giống nhau đến nhức mắt được xây biếu không cho làng chài, hơn chục phụ nữ đi tìm bà lão Hàm, thấy bà vẫn ngồi im ở doi đất nơi con sông đổ ào ra đại dương. Họ cố làm cho bà thức tỉnh khi khiêng đến trước mặt bà đống nồi cao ngất bằng đồng và bằng nhôm, gõ lên những âm thanh buồn buồn của điệu cầu ngư. Nhưng bà lão Hàm đã hoàn toàn lạc lối giữa cái trí nhớ kém cỏi của tuổi già trong lúc cố sức tìm ra sự liên quan nào đấycủa sự kiện dọn làng với cơn ngứa mũi buổi sáng. Bà không nhận ra đám phụ nữ đều là con cái của những người đàn ông từng rất yêu thương bà và ngoan ngoãn đi với họ về làng mới. Bà lão quanh quẩn chơi với những cái nồi, gõ gõ lên đáy, lắng tai nghe ngóng biển đang rầm rì ở hướng nào. Từ đó đến lúc vào lòng đất, bà không còn dịp nào lên thăm những ngôi mộ gió, nơi người ngoại quốc có thể ngủ một đêm trong căn nhà nhại kiểu nhà chồ của làng chài, được xây ngay nơi ngày xửa ngày xưa cô Hàm đã nhỏ xuống giọt nước mắt trần tục.

Đ.B.H
(241/03-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.

  • PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.

  • MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.

  • MAI NINH- Rối, Rối ơi! Dậy đi nào. - Nằm mãi đây cũng đừng hòng có ai lượm xác đem chôn. - Dậy đi! Rối ơi.

  • ANH DƯƠNGCòn sống đến nay, ông tôi phải hơn trăm tuổi. Trước ngày chết, ông kể cho tôi câu chuyện thương tâm này.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG1. Từ Huệ nằm thiêm thiếp bên cạnh án thư. Tóc râu chàng bạc trắng. Đêm qua, ngoài trời mưa gió to quá. Chàng không làm sao ngủ được. Từ Huệ sợ mưa, sợ phải nghe thấy những âm thanh cuồng nộ của trời đất. Điệu luân vũ ấy là nỗi ám ảnh khi chàng còn là một anh khóa vô danh.

  • PHAN TUẤN ANHLớp Lý trong một chiều nhốn nháo. Vài đứa con gái ngồi sụt sùi cho nhân vật nữ trong phim trên ti vi chết sớm và nguyền rủa đạo diễn như một tay giết người. Những đứa con trai thì tiếc rẻ cho một vài pha bóng hụt tối qua, để lại hậu quả là mất hẳn một "tháng lương" mà nhẽ ra đã có thể lĩnh sáng nay tại... chủ quán.

  • NGUYỄN VIỆT HOÀLGT: Khi ánh sáng phản chiếu từ mặt trái đồng tiền ùa vào cánh cửa làng mở rộng, “sức nóng” của nó gần như thiêu rụi mọi nền tảng đạo đức một bộ phận không nhỏ đám thượng lưu gồm cả quan viên hương lý. Căn bệnh mà tác giả Nguyễn Việt Hoà mổ xẻ trong truyện ngắn dưới đây, dẫu chưa cao tay để diệt bằng hết những vi-rút-làng, song việc ngăn chặn một đại dịch bắt đầu là có thể...S.H

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Người đàn ông đang huơ rìu. Liên tục những bi củi tươi bị xé phanh, toang toác. Gió lạnh một buổi tàn đông, sắp Tết nhưng trên khuôn ngực mồ hôi loang lổ như mưa. Xóm lò heo. Buổi sáng chưa mở mắt đã hỗn độn, mù trời hơi nước. Cái thế giới được khoanh vùng bằng tiếng kêu bi thiết các con vật thảm tử. Mùi phân chuồng phát tán, nghẹt thở. Tiếng người lê la trả giá, mặc cả. Tiếng cười rộ lên đắc ý trộn lẫn tiếng chửi thề tục tằn đe doạ. Đâu đó, mơ hồ giọng trẻ con khóc và tiếng ru hò ngái ngủ xa xôi…

  • NGUYỄN NGỌC LỢITôi diện bộ "téc gan" quân nhu, dắt súng vào người, dặn dò cậu lái xe rồi hoà vào dòng người đi ra sân bay. Được giao nhiệm vụ về nước sắm hàng, gặp một sự kiện quan trọng, tôi không muốn bỏ lỡ dịp được chứng kiến. Thị xã Lộc Ninh năm 1973 đã trở thành thủ đô của chính phủ cách mạng.

  • THÁI BÁ TÂN…Con chim hung dữ màu đen là trọng tâm của bức tranh, được ông giành hết tâm sức miêu tả rất sống động. Trong tranh, nó đang bám chân vào ngực Prômêtê, xoè hai cánh giữ thăng bằng, chiếc mỏ khoặm ngậm một miếng tim vừa moi từ lồng ngực khổng lồ của chàng…

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNMọi người đến Huế với những lí do khác nhau. Riêng các văn nghệ sĩ thì thường đến để tìm cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên ý tưởng của mỗi người thì mỗi khác, chẳng ai giống ai. Họa sĩ Vĩnh Trung và nghệ sĩ Hải Lý là một trong những trường hợp như vậy.

  • XUÂN ĐÀIChuyện thằng Thanh con cô Ngoan ở làng Đông cuối tháng này tổ chức đám cưới với con Thuý con cô Lâm ở làng Nổi, dân xã Vĩnh Sơn ai cũng tỏ tường. Cái đận cô Lâm có chửa, điều tiếng khắp làng, người ta đoán già đoán non về cha của đứa bé. Đoán vụng đoán trộm, thì thầm nhỏ to sau lưng, chứ thấy bóng cô đi ngang qua là họ im bặt. Nó mà nghe được nó tế cho! Nó vén mồm, vén váy, réo tên cúng cơm ba đời nhà mình ra mà chửi.

  • PHẠM THỊ XUÂNChị Xoan trở mình nhè nhẹ, sợ làm đứa cháu giật mình thức giấc. Chị quay mặt  vào tường như cố tránh cái ánh sáng xanh dịu phát ra từ ngọn đèn ngủ. Chị nhắm kín mắt nhưng vẫn không sao ngủ được. Đầu óc chị rối bời bao ý nghĩ. Có một cái gì day dứt, một cái gì tiếc nuối, một cái gì hẫng hụt vừa đi vào cuộc đời chị. Chị bỗng thấy lòng mình trống trải đến vô vị...

  • PHẠM THỊ XUÂNLGT: Ấn tượng của một nữ tác giả mới lần đầu tiên gửi tác phẩm đến cho TCSH thật khá đậm đà. Ấy là Phạm Thị Xuân, một phụ nữ ở độ tuổi đã qua thời thanh xuân, đang công tác tại một đơn vị y tế huyện Quảng Điền.

  • QUÝ THỂCó ai đến nhà chơi, bà cụ Tuần chỉ mép tấm phản gỗ mời ngồi, bà nói:- Giang sơn của "bầy choa" (chúng tôi) chỉ có chừng ni. Không ghế bàn, xa lông, sập gụ tủ chè chi cả, chịu khó ngồi đỡ, ông bà mô áo quần trắng trẻo sạch sẽ sợ dơ, thì ngồi lên đây. Bà cụ xoè cái quạt giấy cũ đã rách, lộ ra mấy cái nan tre lót cho khách ngồi. Nhưng không ai nỡ ngồi lên cái quạt giấy của cụ.

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO...Sáng hôm ấy bà con xóm đạo đi lễ rất đông. Người ta nhìn thấy một vệt sao băng vào lúc trời tảng sáng. Họ cho rằng Chúa thấu hiểu được nỗi đau đang dày xéo trên thân thể Xoan. Nhưng cũng chính vì thế mà bố cô lại quay về làm chính con người liêm khiết hồi xưa. Thiên đường cũng có những con đường riêng để người ta sám hối.

  • XUÂN ĐÀI 1. Mỗi lần từ quê trở về Sài Gòn, sống bên chồng và hai đứa con, tôi không nguôi nhớ đến chị. Năm nay chị đã ngoài bốn mươi, không chồng, không con, lủi thủi ra vào trong ngôi nhà một gian hai chái. Ngôi nhà vừa được xây dựng cách đây gần ba năm bằng số tiền chị tằn tiện, chắt bóp mười mấy năm và tiền vợ chồng tôi phụ giúp chút đỉnh. Vài ba năm, vợ chồng con cái chúng tôi mới về thăm chị một lần. Chị mừng, chị vui, trò chuyện với các cháu suốt ngày. Chị quấn quýt lũ trẻ, lũ trẻ cũng quấn quýt chị.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNGNgày trăng tròn lẻ. Tháng Trung Thu năm Đại Bảo thứ 3.Người hai lưỡi bảo là ngày Sao Thổ phạm vào Thái Âm.Người ngắn lưỡi nói Sao Chổi mọc ở phương Tây.Người dài lưỡi bảo có tinh vượn đen ăn mặt trời, ngày Nhật thực, nếu không yểm kỹ sông Nhị đang nảy vàng ròng sẽ ngừng.Động đất.

  • VIỆT HÙNGTrước đây, anh là người lừng danh, một tay "cua - rơ khét tiếng" trên xa lộ. Đã một thời anh chỉ biết chiến thắng. Người ta từng mệnh danh, anh là người sinh ra để đua xe đạp, anh không hề có đối thủ. Anh xem thường sự chiến thắng của mình, cho nó là điều hiển nhiên. Anh coi ánh hào quang của vòng nguyệt quế chỉ có tác dụng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của mình mà thôi. Bởi, không có nó, anh vẫn là một thần tượng chẳng gì "khuất phục nổi".