Giọt nước trần tục

10:00 01/04/2009
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Làng chồ in hình xuống màu nước run rẩy tĩnh lặng. Đáng lẽ phải cố gắng đứng lên,nhưng bà chỉ có thể ngước nhìn căn vách nơi những cái nồi kho cá treo la liệt. Chúng treo lẫn lộn giữa giấy tờ và các bức ảnh đóng khung. Bà lão thì thầm với đỉnh núi Sơn, mắt vuốt một đường lên cái mỏm thừa như một tam giác nhỏ chếch về hướng Bắc. Đỉnh núi nhắc bà việc quan trọng nhất phải làm. Phải đi cất những chiếc nồi này ngay bây giờ, trước khi sóng lừng sủi bọt vùi dập chúng xuống đáy biển thành rác rưởi. Bà không đủ sức để đi cất chúng nó mỗi ngày như hồi trước. Những cái nồi đã nằm yên lặng từ lâu trên bức vách nhà chồ. Ngay cả cô vũ nữ đang múa trong sóng biển màu đỏ trên thân cái nồi bằng đồng chạm trổ tỉ mỉ cũng đã phủ nhiều lớp bụi mờ. Khi bà nấu món cá tươi có rưới món sốt quả chà là Mã Lai, thì chiếc nồi đồng có thể phát ra một điệu nhạc vui tai từ phía chiếc vòi thoát hơi, và cô vũ nữ càng ẻo lả tinh quái khi bị bao phủ giữa làn hơi nước lờ mờ. Chiếc nồi đồng Sói biển đem về trong một chuyến buôn xuống phương Nam. Vợ Sói biển làm chủ một căn nhà mười hai gian, tách biệt hẳn xóm nhà chồ. Khi thuyền cập bến,chỉ có tiếng lão thét vợ chỉ huy người khuân hàng hoá quà cáp về nhà, riêng lão ôm cái nồi đồng làm phao,bơi liền một mạch từ biển vào cửa sông, tiến thẳng đến căn nhà chồ cuối cùng và làm cả làng điếc tai vì điệu nhạc từ chiếc nồi có thể hú lên từ lúc mờ sáng hay giữa đêm khuya thanh vắng.

Đã lâu bà cũng không còn đứng nơi căn vách cân nhắc nên chùi thật bóng cái nồi nào trước khi ra ngoài bãi cát đón người đàn ông của mình. Trong tiếng gầm gào vang động của biển khơi,bình minh mới hé mi mắt, rải lên bầu trời một ánh vàng mong manh nhìn xuống tạo vật óng ả đang lượn cùng những dợn sóng ngầm tận đáy đại dương. Trong lòng nước, tóc người đàn bà xoã dài, cặp môi nhiều đam mê hé mở, cặp đùi sải rộng đón sóng. Khi con thuyền đầu tiên xuất hiện ở chân trời lúc tinh mơ, làng cá nín thở trong giấc ngái ngủ giả dối, nặng trĩu cô đơn. Cửa sập im ỉm. Những bà vợ ngư dân tức tối lăn lộn tròng trành trên giường ngủ nhà mình như nằm trên sóng. Biển hú lên đồng loã đưa người đàn ông thuộc về bà ra khỏi thuyền, lặn một mạch vào chỗ những con sóng đập vào bờ thật dữ dội trong ánh mắt mở rộng đắm đuối ngưỡng mộ của người phụ nữ đang yêu. Bây giờ, mỗi buổi sớm, khi vợ người đánh cá hàng xóm treo trên đòn tay ngay chỗ bà ngồi một con cá, bà chỉ đủ sức cầm cái cây cời tro khều khều cái nồi bất kỳ nào đó và đặt nó lên bếp lửa, khác hẳn cả một đời bà luôn cẩn trọng khi lựa chọn một chiếc nồi để nấu món cá tươi cho người đàn ông sẽ ăn sáng cùng bà. Các bà vợ ngư dân trong làng lần lượt đem cá đến, ngậm chặt mẩu thuốc rê ướt đẫm nước miếng, họ cố nhìn thật kỹ từ cặp mắt sùm sụp, đến cặp mũi khoằm, đường môi trề ra không biết vì vui hay vì buồn của bà lão. Trong lúc giơ cây khều một cái nồi, bà lão ho khục khục vuốt dọc sống mũi mình một cái duy nhất.

Ngay sáng hôm ấy đến tận chiều tối, làng chài bé nhỏ rung chuyển trước cái tin bà lão Hàm sáng nay đã vuốt một cái dọc sống mũi vì cảm thấy một cơn ngứa không chịu nổi dậy sóng suốt từ đỉnh mũi chạy lên giữa đầu.Bọn đàn bà vội vã chạy ra chợ đòi nợ, mua thêm gạo, muối, đi tìm trẻ con ngủ quên trong các xó xỉnh khắp làng. Những người dũng mãnh và lãng mạn nhất vẫn đi biển. Sau một ngày chay tịnh, với điếu thuốc rê trên môi họ chậm rãi vòng vèo qua những chiếc cầu của xóm Chồ, phả khói hôi nồng vào các cánh cửa sổ bằng gỗ tạp, đến cửa nhà bà họ thả xuống nước một hình trái tim nặn bằng bột dẻo có phết màu mới mua trong cái lọ bán kẹo rẻ tiền đầu xóm dùng để neo vía và ung dung lên thuyền. Đám đông còn lại leo lên nóc nhà, chằng chống lại mấy tấm tôn lủng trong tiếng càu nhàu nguyền rủa tục tĩu không dứt của mấy bà vợ.

Bà lão vẫn lim dim nơi đòn tay nhìn ra biển, nơi đợt sóng non đầu tiên bắt đầu giận giữ xô đẩy những con thuyền gỗ tí hon mỏng mảnh đập vào nhau và vỡ tan ra như trò đùa. Phía trên đỉnh  ngọn sóng bạc bà thấy những người đàn ông của mình đang nhìn vào bờ cát bằng cặp mắt buồn rầu. Hai mươi bốn người ngồi chật mảnh thuyền vỡ. Những bức ảnh đen trắng của họ treo lẫn lộn giữa những cái nồi kho cá trên vách nhà chồ. Hai mươi bốn mộ gió trên đỉnh núi Sơn. Mỗi lần biển nổi giận, họ nương nhờ những con sóng chân dài khổng lồ lần về được đến chân núi này để bà nhìn thấy. Và chỉ có thế. Cơn bão biển nhanh chóng vỡ như bọt xà phòng, không đủ sức để nâng họ lên tận đỉnh ngọn núi, nơi mỗi người được bà xây cho một ngôi mộ thật đẹp, nắn nót một hình nhân theo đúng trí tưởng tượng bay bổng chợt loé sáng trong lúc cùng họ vật lộn như kẻ thù trên nền cát mặn và ẩm mỗi buổi tinh mơ.

Ngư dân biệt danh Sói biển nổi tiếng khắp dải miền Trung vì lão bắt cá, lẫn bắt người, khi lão đi vào lòng biển, bà đặt vào mộ gió của lão một dải lụa đỏ rực xé từ chiếc yếm lão đã mua về biếu bà trong chuyến buôn xuống phương nam và khóc thật lâu trước khi đêm xuống bà ngả vào tay lão ngư dân hàng xóm lúc nào cũng gọi nhầm tên bà. Chính lúc tên hàng xóm đang nhầm lẫn tên của bà và những người phụ nữ khác thì óc bà chợt loé lên ý nghĩa của cơn ngứa mũi buổi sáng mà bà thấy nó giống hệt cảm giác ngứa ngáy như lúc bà lên ba tuổi, ngồi trên đỉnh ngọn sóng cao mười mét đi từ biển vào giữa làng chài, dừng lại trên nóc một mái nhà có gắn con gà trống bằng gỗ của ông nội Sói biển. Con gà gợi sự chú ý đặc biệt và cô bé đã ôm ngay lấy cổ nó, ở lại vĩnh viễn với rẻo đất xa lạ. Không ai biết cô bé từ đâu đến. Các bà vợ ngư dân mất chồng trong cơn bão đứng trong lớp bùn non ngập đến nửa ống chân vừa khóc vừa xem con bé đang ngủ trên nóc nhà duy nhất còn lại giữa làng, tay vẫn ôm chặt chú gà gỗ bị sóng bẻ gãy đầu.

Quá trưa, nó mở mắt nhìn lên bầu trời chang chang nắng, trong vẻ hoảng hốt hiện lên nơi màu mắt sâu thẳm kỳ lạ, dân làng giật mình đếm thấy làng chài vơi nửa số đàn ông. Cô bé trôi giạt được cho ở góc nhà chồ cuối làng, đặt tên Hàm, nghĩa là ơn biển. Theo lệnh chồng,đàn bà trong làng lần lượt đem cá tươi đến nuôi nó. Họ ghét cay ghét đắng cặp mắt mở rộng nằm dưới cặp lông mày đen nhánh vòng cung ngạo nghễ chẳng ánh lên chút ngây thơ, sống mũi thanh tao hênh hếch, nước da vàng óng mật ong non. Con thổ dân lạc loài. Con yêu tinh. Vợ các ngư dân bước ra khỏi lều nhổ phẹt nước miếng có lẫn sợi thuốc rê xuống cát và lẩm bẩm giống hệt nhau khi họ nhớ đến cặp mắt một mí của con cái. Chẳng biết từ bao giờ,cả làng tin rằng cô bé đi khỏi nơi này thì làng sẽ gặp hoạ từ biển cả.Từ lúc ấy đến giờ bà Hàm chỉ còn ngứa mũi thêm có năm lần. Sau mỗi lần như thế bà phải xây vài ngôi mộ gió trên đỉnh núi Sơn. Phụ nữ trong làng không ai cản trở từ lúc bà chỉ huy việc khuân gạch ngói đến khi tên của người đàn ông được kẻ ngay ngắn trên bia mộ. Họ cũng không tò mò bà đã đặt cái gì vào ngôi mộ mang tên chồng, tên cha họ. Trong lúc bà làm tất cả những việc ấy,họ sai anh em,con cái đặt một chiếc bàn gỗ mỏng trên cát, bày hương hoa, chạy khắp làng tìm kiếm nải chuối bé tí và xanh ngắt còn sót lại sau cơn bão. Rồi vẫn im lặng như thế, mắt đẫm nước họ vái ra phía biển. Phụ nữ làng chài tin rằng đàn ông của họ nằm trong lòng biển kia đã thanh thản. Vậy thì cứ để mọi việc đúng như thế, như lúc người đàn ông còn sống,còn đi biển, chà đạp lên luật lệ để đến nhà con yêu nữ vào lúc chập tối, trước khi lên thuyền và không bao giờ trở về.

 Cơn bão tan. Bà Lão Hàm không tham dự lễ mừng thọ tám mươi tuổi tổ chức cho bà và mười sáu bà cụ khác. Bà không biết gì về những người cùng thời, dù bà đã sống cùng với họ từ lúc mới ba tuổi đến tận bây giờ. Bà không biết suốt một cuộc đời họ chỉ dùng khoảng năm cái nồi để nấu món cá. Một cái để kho mặn, thật mặn kiểu ăn của ngư dân mùa biển động. Những cái khác nồi nào có việc nấy.Trong căn bếp nhà bà, mỗi cái nồi là của riêng một người đàn ông không thể lẫn lộn. Bà đã ngưng mua nồi cách đây bốn mươi năm, sau một cơn ngứa mũi khủng khiếp suốt từ tối đến tận sáng tinh mơ, bà ngứa mũi đến độ anh chàng ở trong nhà chồ đêm ấy phải dìm đầu bà vào chum nước đến nổi bong bóng lên mới thả. Anh ta chưa kịp chạy đi báo tin cho làng chài biết cô Hàm bị một cơn ngứa mũi thì bầu trời đã bị xé toạc bởi những tiếng gầm rú không đến từ lòng biển, mà từ bên kia rặng núi phía Bắc chạy vào. Những căn nhà chồ chới với cuối sông đầu biển như muốn bay ngược ra đại dương mênh mông dưới cánh hàng chục chiếc trực thăng quần đảo đỉnh núi.Vào một đêm sáng trăng, cô Hàm luồn vào cái áo dài trắng và cứ thế mỏng mảnh sương khói tiến lên đỉnh núi ấy. Áo trắng cô Hàm lướt qua được tất cả hàng rào dây thép gai,những họng súng vô hình trong công sự. Từ trong bụi lau thưa ở độ cao một nghìn sáu trăm năm mươi mét so với mặt biển, cô dõi mắt về phía đường chân trời xa thẳm phía Nam, nơi xuất phát của cơn bão biển đã đẩy cô bé ba tuổi vào làng chài này trong một ngày không có mưa. Đỉnh núi bị xâm chiếm bởi một cơn gió lạnh lẽo nặng mùi, giống như mỗi lần biển động, cô Hàm loay hoay trên bãi cát gom xác cá trong tiếng kêu khóc khắp làng.Một mình cô Hàm nướng cá cho bọn trẻ ăn. Trẻ con làng chài ăn cá ươn vật vã ói mửa, rồi lại ăn, hít hà cái mùi nặng nề toát ra từ bàn tay người đẹp.

 Ngọn gió nặng mùi trộn trong ánh sáng vàng lạnh bao bọc những người đàn ông trên cái bãi rộng nơi đỉnh núi.Họ không giống như cô mường tượng khi người đàn ông thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng trong lòng biển. Những người đàn ông này trắng nhợt, bị bụi đất ở khắp mọi nơi hút cạn máu. Cả bãi xác người nằm đủ tư thế. Người thì cứ muốn tiếp tục bỏ chạy. Người như đang ôm chặt trong vòng tay người đàn bà duy nhất của đời mình.Dưới ánh trăng mờ lạnh giữa đêm,người ta mở ổ bụng các xác chết,dọn dẹp lục phủ ngũ tạng bỏ gọn vào một cái túi nhựa màu đen và dán nó lại. Xác chết được đẩy sang bên cạnh, một cái bóng khác lặng lẽ ngồi may ổ bụng mở tanh banh đó lại bằng mũi kim cực lớn và sợi chỉ không có màu. Cuối cùng những người đàn ông đã nằm yên trong hòm kẽm, linh hồn bị bó chặt dưới những ngôi sao li ti màu trắng chẳng còn ý nghĩa gì trước cái chết. Người ta lẳng lặng khiêng những chiếc hòm tươm tất lên lại chiếc trực thăng phành phạch vỗ cánh tất bật nhào ra biển. Cô Hàm núp trong bụi lau thưa xem người ta lựa cho xác chết một cái chân bị thiếu trong đống xác người mới đổ xuống nơi sườn núi. Cặp mắt đen như đêm tối thăm thẳm u uất theo bóng chiếc trực thăng mất hút ở đường chân trời. Cô Hàm không hiểu cơn ngứa mũi của mình có liên quan gì với bãi mổ xác người dã chiến cách vùng chiến sự đến ba trăm cây số.Trong màn sương lạnh, thiếu phụ buông mình ngả người lên cành lau mềm mại. Mãi mãi về sau cô Hàm bị vây bọc trong nỗi trống trải kể từ khi cô nhìn thấy nhiều người đàn ông đẹp đẽ nằm ngửa, nằm sấp bất lực trong cái chết trẻ trên đỉnh núi Sơn trước khi vượt Thái Bình Dương trong một đêm trăng huyền ảo. Chỉ lúc ấy nỗi cô đơn khủng khiếp đè nặng lên cuộc đời được nuôi dưỡng bởi cá tươi và những người đàn ông vay mượn chợt vỡ. Cô Hàm nhỏ một giọt nước mắt trần tục lên sườn núi, không tự lý giải điều gì nữa. Áo trắng xuống núi, vượt qua tất cả những bảng cấm quân sự bằng nhiều thứ tiếng chẳng một ai thấy. Áo trắng bay chờn vờn trong trăng lạnh, như có cả trăm linh hồn cùng ve vuốt hàm ơn người đàn bà duy nhất lên được tận đỉnh núi Sơn chảy xuống một giọt nước mắt tiễn đưa.

Sau cơn bão, sau cả buổi lễ mừng thọ thiếu nhân vật chính, làng chài lại lần nữa náo động. Vẫn một cơn ngứa mũi dậy sóng mà bà cảm thấy không gì có thể ngăn cản được nó nổi lên xoáy mãi như muốn chạy vào tới tai,tới não. Nhưng lần này không ai chú ý chuyện ấy vì tất cả nháo nhào lên trong nỗi mừng vui dọn làng. Bãi nhà chồ dềnh dàng bẩn thỉu, lô nhô cọc nhọn và ván đen xỉn, nơi ẩn náu của cả nghìn con người suốt vài trăm năm qua được dọn sạch như nơi đi qua của sóng thần, trả lại cho bờ biển vẻ đẹp hoang sơ đầy thèm muốn. Đến buổi chiều, sau lúc ngắm đến chán mắt cả trăm căn nhà trệt, mái tôn bằng, giống nhau đến nhức mắt được xây biếu không cho làng chài, hơn chục phụ nữ đi tìm bà lão Hàm, thấy bà vẫn ngồi im ở doi đất nơi con sông đổ ào ra đại dương. Họ cố làm cho bà thức tỉnh khi khiêng đến trước mặt bà đống nồi cao ngất bằng đồng và bằng nhôm, gõ lên những âm thanh buồn buồn của điệu cầu ngư. Nhưng bà lão Hàm đã hoàn toàn lạc lối giữa cái trí nhớ kém cỏi của tuổi già trong lúc cố sức tìm ra sự liên quan nào đấycủa sự kiện dọn làng với cơn ngứa mũi buổi sáng. Bà không nhận ra đám phụ nữ đều là con cái của những người đàn ông từng rất yêu thương bà và ngoan ngoãn đi với họ về làng mới. Bà lão quanh quẩn chơi với những cái nồi, gõ gõ lên đáy, lắng tai nghe ngóng biển đang rầm rì ở hướng nào. Từ đó đến lúc vào lòng đất, bà không còn dịp nào lên thăm những ngôi mộ gió, nơi người ngoại quốc có thể ngủ một đêm trong căn nhà nhại kiểu nhà chồ của làng chài, được xây ngay nơi ngày xửa ngày xưa cô Hàm đã nhỏ xuống giọt nước mắt trần tục.

Đ.B.H
(241/03-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN

    - "Hãy dẹp cái lối tự ái thỏn mỏn ấy đi"- Tôi tự dằn lòng mình bằng một câu như thế, trước khi đạp xe đi đến nhà hắn. Phải mất cả đêm thức trắng tôi mới có được cái quyết tâm như thế. Thực ra, cũng chẳng còn cách nào khác.

  • NGUYỄN KIÊN

    Tôi có anh bạn tên là Trứ, có phòng riêng ở một khu tập thể. Chúng tôi thân nhau từ hồi còn học phổ thông. Sau nhiều năm lang bạt mỗi đứa một phương, nay gặp lại, tình bạn giữa chúng tôi có phần còn thắm thiết hơn xưa.

  • LÊ MINH PHONG 

    Trong chợ, những người ăn xin vẫn lết đi theo cách thức riêng biệt của họ. Thỉnh thoảng lại có những đồng tiền lẻ rơi xuống trên những vũng nước đen sì và những người ăn xin lại tranh nhau nhặt chúng rồi xỉ vả nhau cũng bằng thứ ngôn từ riêng biệt của họ. Không biết không gian này có phải là trong ảnh hay không.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG  

    Nó đến vào buổi chiều, cuối mùa hè, khi tôi chơi thả diều trên cánh đồng gần sông với Hà và mấy đứa bạn. Tôi và Hà cùng mười tuổi, sắp vào lớp năm. Nó đến bất thần. Ngang thắt lưng.

  • NGÔ DIỆU HẰNG 

    Ngày ngày nhìn qua cửa sổ, thấy bạn bè tung tăng đến trường, những tà áo trắng bay thướt tha trên đôi bánh xe đạp xinh xinh tôi lại ngồi co rúm mình vào góc phòng.

  • NHỤY NGUYÊN

    Cô hướng dẫn viên trẻ, giọng mềm và nhẹ, cho hay động Thiên Đường được phát hiện nhờ một người dân tộc. Từ thời điểm động được đưa vào khai thác, những hang động khác giảm hẳn lượng du khách. Người ta chỉ muốn đến thiên đường. 

  • ĐÔNG HÀ

    Dịu nói nàng sẽ đi.
    Tôi ậm ừ qua chuyện. Tôi nhủ Dịu rời nơi này cả chục bận, lần này thứ bao nhiêu, tôi không buồn đếm, nhưng biết chắc nàng chưa đủ can đảm bước đi, dẫu chỉ là bước thứ nhất. Chặp đâm ra chỉ biết ậm ừ.

  • THÁI NGỌC SAN

    Người đàn ông ôm cái cặp da to tướng bước nhanh vào phòng khách vận nhà ga. Cái cặp to gần bằng nửa người ông ta so với chiều cao. Thế nhưng mọi động tác của ông đều nhanh nhẹn, linh hoạt đến láu lỉnh. Có lẽ đó là đặc tính bẩm sinh của những người lùn.

  • VŨ MẠNH LẬP

    Cây ngô cao vồng lên giữa bãi, lạ lắm.
    Già A-nông thầm đặt cho nó cái tên: cây ngô chướng.

  • VÕ MẠNH LẬP 
                 Truyện ký 

    Ông nội tôi nghèo của, nhưng giàu con. Ông có những hai mươi hai người con, tài sản của những ba bà. Tất cả theo nghiệp con trâu đi trước cái cày theo sau. May mắn thầy tôi rẽ ngang theo con đường học chữ Hán, chí thú tìm thầy học bạn, mở hiệu bán thuốc bắc, bắt mạch, đoán bệnh.

  • PHẠM PHƯƠNG  

    Đỉnh núi dựng đứng, lởm chởm cây bụi và những vỉa rêu xõa xượi dưới không gian trầm buồn sương. Buổi sớm, con chó to lớn tập tễnh bước trên đường.

  • HOÀNG NHẬT TUYỀN

    - Nhắn chú ấy chiều nay vào ngay. Vào ngay đây! Tôi chẳng sống được mấy ngày nữa đâu thím Đóa à!

  • NGUYỄN THỊ KIM THOA

    Em có cái tên mộc mạc như củ khoai củ sắn, như trái thơm trái cà ở nhiều vùng quê thôn dã: Lê Thị Sim.

  • NGUYỄN LAM THỦY

    Người Hung gọi chị ta là “thiếu phụ quàng khăn đỏ”. Nhưng chị ta chẳng bao giờ quàng khăn đỏ, bởi tên chị ta là Piroska. (Piroska tiếng Hung khi còn bé gọi một cách trìu mến có nghĩa là “cô bé quàng khăn đỏ”, khi lớn lên đi lấy chồng thì gọi “thiếu phụ quàng khăn đỏ”).

  • DẠ NGÂN

    Tờ giấy màu vàng rơm. Đã khá xa cái thời giấy hoàn toàn tái chế, thỉnh thoảng ngòi viết vấp phải một ít cặn bột cứng sảng. Thùy vẫn nhớ độ thô vàng vàng của tờ giấy, như nhớ một kỷ niệm buồn, nhớ mùi vị ngậm ngùi từ ký ức xộc ra. Tờ thư là dấu hiệu của nghèo khó nhưng nó có cái uy của sự áp đặt. Thô và vàng. Không chỉ thư mời, nó có hơi hướm giấy triệu tập hơn.
     

  • LÊ MINH KHUÊ

    Xe vừa dừng thì từ phía ghế lái phụ có tiếng đập cửa gấp gáp. Vĩnh chồm dậy, mắt nhắm mắt mở. Nhưng không. Có phải báo động máy bay đâu? Vĩnh quay sang tôi nhe răng cười và mở cửa.

  • ĐINH DUY TƯ

    Tin ông Khòa từ chức bay ra như một ổ mối cánh lúc trời mưa. Người này nói với người kia, truyền vào tai nhau lượng thông tin nóng hổi nhất. Họ đánh giá, phân tích và bình phẩm, kèm theo những kết luận theo cách nhìn nhận của mình.

  • PHẠM DŨNG

    Thay xong bộ đồ ngủ, định đi nằm thì Diễm Trinh thấy trên bàn có một tờ giấy đánh máy.

  • ĐỖ HÀN

    Bân trằn trọc mãi không ngủ được. Thế là lại mất toi con hổ mang nữa. Bữa trước vợ Bân cho rắn ăn, quên không đóng cửa chuồng. Một cặp hổ mang và một con hổ chúa bò ra ngoài. Dân làng đi xem văn công về, nhìn thấy một cặp rắn, họ kêu ầm lên. Bố con Bân phải vất vả lắm mới túm được đôi hổ mang. Con chúa chuồn đi mất.

  • LÝ THỊ MINH CHÂU

    Con đường len lỏi qua những cánh rừng nối các buôn bản vùng cao lại với nhau giống như con rắn khổng lồ trên lưng có vệt vảy trắng.