Giấc chiêm bao cuối cùng

10:29 10/04/2009
BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

Số là từ lâu rồi, giáo sư Lê Khương mắc một cái tật, có thể cũng là một thứ bệnh, hễ cứ đặt lưng ngủ là lập tức thấy chiêm bao. Không mấy đêm không thế. Thậm chí cả ban ngày cũng thế. Có khi ông chỉ ngồi dựa vào ghế, chợp mắt ít phút buổi trưa, chiêm bao đã đến liền. Nhưng điều tệ hại là ông chỉ toàn chiêm bao thấy lặp lại những việc trong cuộc sống trần trụi hàng ngày vốn đã làm ông cực kỳ mệt mỏi, chẳng hạn, một vụ cãi lộn vì tem phiếu giữa một bà cụ già với một cô mậu dịch viên có bộ mặt câng câng ở quầy bán thịt. Hoặc một vụ con chửi bố thậm tệ ở căn hộ tầng trên, một vụ giết người man rợ bằng xăng đốt chỉ vì tranh chấp chèn lấn nửa mét ban công ở ngôi nhà bên kia phố. Ông còn chiêm bao thấy lại những cảnh đời trẻ, song không phải những cảnh thơ mộng mà toàn những cảnh căng thẳng tột độ, khi ông là một anh vệ quốc đoàn hoạt động ở vùng sau lưng địch, bị Tây đuổi bắn hụt bao nhiêu lần. Không thiếu gì những cơn chiêm bao thấy mình bị phục kích, bị bom sập hầm, bị khui hầm bí mật, bị bắt trói vào cây cột gỗ trước một hàng lính giương súng nhằm bắn. Bao giờ cũng vậy, khi choàng tỉnh, người ông đẫm mồ hôi. Đưa tay rờ lên vầng trán mồ hôi râm rấp lạnh, ông mới hay rằng mình không chết, chỉ là chuyện trong chiêm bao mà thôi.

Nhiều lúc ông điên tiết trước sự nghiệt ngã của số phận, cứ một mực săn đuổi ông cả tận trong giấc mơ, bằng những cảnh đời dữ dội, rùng rợn và tẻ ngắt. Ông đã đối phó bằng cách làm việc thật nhiều, ngủ thật ít, nhưng chẳng ăn thua. Trong những giấc ngủ ngắn ngủi, tình trạng tệ hại kia vẫn cứ lặp lại. Như sớm nay, khi vừa chợp mắt được mấy giây, ông đã chiêm bao thấy tái diễn cảnh tuần trước được mời đi dự tiệc. Người mời là một cô học trò cũ của ông, hiện đang làm viện trưởng ở một viện lớn. Cô ta vừa được nhận một giải thưởng quốc tế nhờ công trình khoa học thứ bốn mươi mấy gì đó trong đời, bèn mở tiệc mừng. Ông đã hết sức cố từ chối, bởi hơn ai hết ông biết rõ cô học trò của mình. Cô ta chỉ là một kẻ bấæt tài vô đức, chỉ giỏi nịnh trên, đè dưới, dùng quyền thế và thủ đoạn cướp công những nhà khoa học chân chính làm việc dưới quyền, trâng tráo đứng tên chủ biên các công trình mà cô ta không hề góp một chút nhỏ công sức nào. Thế nhưng, ông không sao từ chối được, cô viện trưởng học trò đích thân đi xe Vonga tới nhà chèo kéo đến gần như “áp giải” ông ra xe. Tính cả nể đã đẩy ông vào một cảnh huống khó xử. Tại bữa tiệc sang trọng, ê hề, ngay phút đầu tiên khi mọi người cùng nhau đứng dậy nâng cốc chúc mừng nữ viện trưởng, nhìn vẻ mặt hân hoan vừa chân thành, vừa giả dối của họ, ông bỗng không kìm được cơn buồn nôn và nôn thốc nôn tháo lên bàn tiệc trước sự kinh hoàng của tất cả thực khách - toàn những nhân vật quan trọng, các nhà khoa học, các nhà chính trị. Chính lúc ấy, ông bừng tỉnh, mới vỡ lẽ rằng lại một giấc chiêm bao nhờm tởm nữa hành hạ ông.

Ông gầy rộc đi trông thấy.
Tuy nhiên, số phận dường như cũng không đến nỗi quá tai ác với ông. Lúc gần nữa đêm nay, rà lại xong máy chục trang cuối tập bản thảo, ông ngủ thiếp đi và mơ thấy một giấc mơ khác hẳn. Ông gặp lại người yêu đã chết từ hai mươi năm trước. Nàng bước vào phòng ông, bình thường như vừa đi mua sắm ngoài phố về, ngồi trên chiếc ghế ông vẫn ngồi làm việc, nhìn quanh phòng rồi hỏi:
- Thì ra anh ở đây à? Em đi tìm anh mãi.
Ông bật dậy khỏi giường, chồm tới ôm lấy nàng, nắn tay, nắn chân nàng, véo mạnh vào người nàng khiến nàng phải la lên, và véo mạnh vào chính mình, ông thấy đau rõ rệt.
- Thực em đây ư? Em còn sống ư?-Ông thảng thốt hỏi.
- Anh hỏi gì lạ thế? Em đang sống, như anh thấy đó, anh véo em đau chết khiếp lên được, đồ quỷ ạ...

Ông nhìn nàng, bán tính, bán nghi. Sao nàng vẫn tươi trẻ thế? Vẫn rõ ràng là một cô gái hai mươi bốn tuổi, khi họ chia tay nhau, nàng đi vào chiến trường. Vô lý! Hai mươi năm đã trôi qua kia mà...
Như đoán được ý nghĩ của ông, nàng nhìn lên chỗ ông đặt bàn thờ và bật cười với tấm chân dung mình dựng sau một bình hương nhỏ. Tiếng cười của nàng trong trẻo làm sao. Nàng bẹo má ông:
- Chắc anh đang nghĩ tại sao lại có giấy báo tử gửi về cho bố mẹ em phải không? Dễ hiểu thôi, hoàn toàn là một sự nhầm lẫn thường xảy ra trong chiến tranh. Chúng em bị bom vùi, hàng chục người nát bấy lẫn lộn vào nhau. Riêng em ngoi lên được mà không ai biết, vì lúc ấy mọi người tan tác hết, sợ nó ném bom đợt mới. B52 rải thảm mà. Rồi em lạc đơn vị... Thế đấy...

Ông ôm nàng thật chặt, sao vẫn trẻ thế, y như hai mươi năm trước? Ông thì thầm vào tai nàng. Nàng vẫn không đáp, chỉ bật lên cười vui sung sướng, vẫn cái giọng cười thật trong, thật vô tư. Ông lập tức nhớ lại giây phút đầu tiên ông biết nàng. Tại nơi ở cũ, cửa sổ phòng ông mở ra trông thẳng sang cửa sổ ngôi nhà hàng xóm chỉ cách nhau khoảng bốn, năm mét. Một hôm, ông đang ngồi đọc sách bên cửa, chợt thấy buồn buồn trên đầu, đưa tay rờ thử. Một chiếc phi tiêu gấp bằng giấy vương trong tóc. Ông rời trang sách, ngẩng lên. Cùng lúc đó, từ cửa sổ nhà bên vang lên một chuỗi cười thật trong. Ông còn kịp nhận ra một khuôn mặt thiếu nữ thật xinh tươi trước lúc biến mất sau khung cửa. Khuôn mặt đã biến đi nhưng tiếng cười trong trẻo vẫn chưa dứt... Nàng nghịch ngợm thế đấy. Và như thể có một sự sắp đặt của tạo hoá, cái tính nghịch ngợm ấy khiến hôm sau hai người bắt chuyện được với nhau qua cửa sổ... Nàng là sinh viên năm thứ ba Đại học Y, còn ông khi ấy là cán bộ giảng dạy ở một trường đại học khác.

Ông ghì siết nàng chặt hơn, sợ nàng biến mất. Ông đinh ninh chiến tranh đã cướp nàng đi vĩnh viễn, ngờ đâu...
Hương vị chiếc hôn đầu xa xưa bỗng ôm trùm hai người. Nàng ngồi gọn trong lòng ông nhún nhảy như một đứa trẻ và nhoai người nghịch ngợm các thứ trên bàn.
Nàng lật lật các tờ bản thảo:
- Gì đây anh? Anh mới làm xong à?
- Ừ, mới làm xong. Hoá ra nó được hoàn thành để mừng em trở về, mừng ngày chúng mình sum họp.
Nàng đọc nhan đề tập bản thảo: “Về sự tha hoá bởi quyền lực”. Nàng vò đầu ông:
- Anh ương bướng thế, toàn chui đầu vào những việc chết người.
- Thế còn em thì sao? Ông âu yếm vặn lại nàng.
- Em sao nào?
- Em đi B, đi vào chốn thập tử nhất sinh...
- Có gì đâu, tất cả những người có lương tri bình thường đều làm như em. Em là bác sĩ, mà ở chiến trường bao nhiêu người bị thương, ốm đau!
-Thì anh cũng vậy thôi. Anh là người bắt mạch các căn bệnh xã hội. Biết bao người đang bị quyền lực làm cho tha hoá.
- Cứ viết mãi những đề tài này, không khéo anh bị người ta theo dõi đấy.
- Ôi dào. Thôi dẹp chúng nó lại, chúng mình đi chơi.
Họ sánh bước ra khỏi nhà. Trời cuối thu chớm lạnh nhưng đầy nắng. Ông mặc thêm chiếc áo khoác mỏng, kỷ vật còn sót lại từ thời học đại học ở Matxcơva và thường mặc đi chơi với nàng trước khi nàng đi chiến trường.
Nhiều người trên phố nhìn họ với cặp mắt tò mò đượm chút khó chịu. Một ông già và một cô gái đáng tuổi cha con, khoác tay nhau đi như cặp nhân tình. Nhưng hai người không hề để ý đến điều đó. Họ chỉ biết có nhau.
Đang đi, chợt nàng níu ông lại chỉ tay lên cao:
- Gì vậy em?
- Đám rêu đẹp quá!

Theo tay nàng chỉ, ông nhận ra trên một thân cây cổ thụ sần sùi, một đám rêu còn đẫm hơi ấm của trận mưa đêm qua đang xanh ánh lên trong nắng vàng. Một làn hơi mơ hồ toả nhẹ từ những cánh rêu, có thể thấy được, khiến cái chất nắng thu vàng mơ mơ cứ rung khẽ như cánh bướm non. Giá có thể hôn lên đám rêu kia. Nhưng nó ở quá cao.
Hai người thong thả dạo về phía hồ Tây và tìm thấy chiếc ghế đá quen thuộc ven bờ. Thuở nàng chưa đi chiến trường, họ vẫn thường ngồi bên nhau đến khuya trên chiếc ghế đá này. Chính là ở chiếc ghế đá này đây, một đêm thu, họ đã trao nhau chiếc hôn đầu trong đời.
Vừa toan ngồi xuống ghế thì ông đưa tay cản nàng lại. Nàng đưa mắt nhìn ông dò hỏi. Ông không nói gì, chỉ cúi xuống xem xét kỹ chiếc ghế đá.

Rồi ông đưa nàng ngồi xuống, nhưng nét mặt chưa hết băn khoăn. “Có mùi gì thôi thối. Có lẽ ở dưới gầm ghế”- Ông lẩm bẩm. “Vâng em cũng thấy thế”- Nàng bảo. Ông kéo nàng đứng lên: “Ta sang ghế khác, em”.
Ở chiếc ghế khác, họ vẫn chạm phải cái mùi khó chịu kia. Ông đưa nàng tới một gốc liễu nhưng chỉ được mấy giây, ông lại bảo nàng:
- Em chịu khó đứng đây chờ anh, anh đi đằng này một lát.
Ông bước tới khuất mình sau cái hàng rào ruối cách nàng một quãng xa. Ông ngờ rằng do mình vô ý, cái áo khoác ngoài đã quệt phải một thứ gì đó rất bẩn. Ông cởi áo, ném vào bụi ruối rồi bỏ đi một quãng nữa.
Nhưng ông vẫn không thoát nổi cái mùi hôi thối ấy. Bây giờ thì ông xác định không phải mùi phân mà ông vẫn ngỡ do bọån trẻ con nghịch ngợm thường bôi lên các ghế đá công viên, mà là mùi xác chết. “Ở đâu đây có một xác chết lâu ngày chưa chôn đi được” - Ông lẩm bẩm, định trở lại để báo cho nàng biết cái điều mình vừa phát hiện.

Nhưng ông cứ đi loanh quanh mãi, không tài nào tìm ra lối trở lại với nàng. Càng tìm, ông càng lạc. Và, ông đâm hoảng. Ông cảm thấy rất rõ cái mùi rùng rợn ấy bốc ra từ các gốc cây, các cụm hoa, từ thảm cỏ mịn, từ mặt nước hồ. Ông nhìn kỹ các cặp tình nhân đang qua lại, xem họ có cảm thấy sự rùng rợn ấy như ông không. Song ông chỉ thấy họ đắm đuối ép sát vào nhau, không tỏ một phản ứng gì.
Còn ông càng lúc càng thấy nghẹt thở vì vòng vây vô hình của cái mùi kia. Ông cuống cuồng tìm cách thoát mà không sao thoát nổi để trở lại với nàng. Nàng đã về cùng ông, đang đứng kia đợi ông, trong vầng nắng thu vàng mơ mơ...
Giấc chiêm bao lần này của giáo sư Lê Khương kéo dài triền miên, khác thường, hết đêm rồi ngày, hết ngày lại đêm.
Cứ thế, ông nằm thiêm thiếp trên giường, vật lộn để mong thoát khỏi cái mùi xác chết vây bủa tứ bề mà ông sợ đã nhiễm vào da thịt mình. Cứ thế, cho tới hai mươi sáu năm sau thì ông qua đời.

Ấy vậy mà bọn trẻ con trong khu nhà tập thể lại quả quyết với mọi người rằng, chúng vẫn thấy ông Khương còn sống. Đêm đến là ông lại ra đứng ở cột đèn, dáng lỏng khỏng cao gầy không quần không áo, cúi xuống cào hai ống chân vuốt ngược lên. Bọn trẻ không biết đấy chính là động tác giáo sư Khương ra sức tự lột da mình trong giấc chiêm bao cuối cùng kéo dài hai mươi sáu năm của ông.
B.M.Q

(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HỒNG NHUMai Chi nữ cử nhân, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đang theo dõi bệnh tôm sú nuôi trên cát của một doanh nghiệp tư nhân ở An Bằng thì được lệnh bằng điện thoại di động của trưởng phòng về cơ quan gấp. Cô vội vàng phóng xe máy qua cầu Trường Hà ra đường quốc lộ 1.

  • HỒNG NHUỞ vồng cau giữa của khu vườn nhà tôi cạnh gốc vả có một vũng nước nhỏ, rộng chỉ bằng cái mẹt, không biết có từ khi nào và do ai đào, gọi là cái "giếng loạn".

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGChị Hà cùng tuổi với tôi, tuổi Thìn. Chị bảo nam Thìn nữ Tỵ nên đời chị sẽ lận đận long đong, đời tôi sẽ hanh thông.  Mới mười hai tuổi mà chị như người lớn, lúc nào cũng gọi tôi bằng cậu, cậu em.

  • Thu TrangTâm ngồi thái hành, một đống hành tây, củ to màu vỏ vàng nhạt, mà bây giờ mỗi lần trông thấy là Tâm nhăn mặt. Bản thông tin 10 giờ đang nói về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống (1).

  • TRẦN CÔNG TẤNTôi có hai người bạn gái học cùng một trường, ngồi chung một bàn. Tôi ngồi giữa. Bên trái là Kim Mai, bên phải là Hồng Trinh. Tính nết hai cô khác nhau: Trinh luôn nói, cười. Mai thì lặng lẽ. Chỉ giống nhau ở chỗ cả hai cùng xinh đẹp và yêu mến tôi.

  • NGUYỄN AN CƯVừa mới ra giêng, bà Năm đã lăng xăng chuẩn bị đám giỗ cha chồng vào cuối tháng tư tới. 

  • NGUYỄN NHÃ TIÊNQuyên ra phố một thời gian thì về. Hằng năm cứ vào đầu tháng tám là Quyên đinh ninh phải về. Quyên bảo với bọn trẻ nhỏ trong làng: “Chị đi đám giỗ ít bữa thì về”. Lũ trẻ nhỏ trong làng thì lại bảo là: “Chị Quyên đi đám giỗ chồng chị ấy”.

  • NGUYỄN VĂN CHƯƠNGÁnh nắng ban mai chiếu vào mắt làm chú mèo con mở choàng. Nó nhìn ra sân, thấy một bầy lóc nhóc gà, vịt, ngan, cún, ỉn đang cười đùa. Mèo con nhảy phóc ra, xù lông, giương mắt, "meo" một tiếng rồi gườm gườm nhìn lũ nhóc.

  • SƠN “Em có nhớ anh không?”“Em nhớ cả ngôi nhà nữa!”“Em sẽ trở về chứ?”“Em!… em!…”“Anh sẽ chờ.”***

  • LTS: Trong năm 2009, rải đều trong các số Sông Hương đã có khá nhiều truyện ngắn đạt chất lượng như: Lấm lem thanh xuân, Đêm của bướm, Làng thời mở cửa, Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa, Duỗi thẳng chân ở thiên đường, Hoa gạo đỏ, Một bước sau quận công, Cái chết của Rối, Bến vạc, Một lát cắt... Nếu đứng chung, những tác phẩm kể trên sẽ là một tập truyện ngắn đầy ấn tượng với nhiều phong cách truyền thống có, huyền ảo có, triết luận có... “Mở hàng” cho năm mới, xin giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn Tiếng vọng làng Thòi, hy vọng sẽ có thêm một năm thành công ở thể loại truyện ngắn trên Sông Hương.S.H

  • DƯƠNG DUY NGỮỞ làng chúng tôi có lệ vào ngày ông Táo chầu trời, tức hăm ba tháng chạp hàng năm, con cháu các dòng họ ở xa, ở gần nô nức về làng đi tảo mộ.

  • NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG Tối rằm trăng sáng tịnh không một gợn mây. Hương ngọc lan dậy thơm một góc vườn. Theo chiều gió hương thơm lan tỏa khắp khoảng sân bày la liệt chậu cảnh tỉa uốn đủ hình dạng.

  • HỒNG HOANGBữa ăn sáng ở phòng chờ xuất viện đã đến hồi kết, mọi người dự cuộc vẫn lưu luyến.Trước khi vào điều trị ở bệnh viện tâm thần này họ đều là những thành viên tốt của xã hội.

  • ĐẶNG THIỀU QUANGĐó là một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử, trong suốt nhiều năm trở về trước, cho đến tận sau này, bây giờ, khi cô đã trở thành một bà già ốm yếu, đó vẫn là một mùa đông lạnh giá nhất mà cô từng trải qua. Cô nhớ lại khi đó, nhiệt độ xuống đến không độ, máu đông lại trong huyết quản, đôi chân nặng như chì, còn những đầu ngón tay cô như thể đang bị hàng ngàn mũi kim đâm vào, xuyên qua đôi găng tay len, buốt giá.

  • VŨ ĐẢMChiếc xe trâu chở cát ì ạch đi trên con đường làng, con đường bị xuống cấp nghiêm trọng nên mỗi khi mưa xuống có nhiều đoạn lầy lội đến mắt cá chân. Ngồi trên xe, anh Chấn hò hét mãi mà con trâu sứt vẫn không vượt qua được đám sình lầy.

  • HOÀNG THÁI SƠN        Đời bắt nguồn từ những hoàn cảnh không ngờ tới (LOUIS ARAGON)Từ bên này con lạch, Sung bước chậm rãi, thỉnh thoảng anh lại đưa mắt ngó qua bên kia. Nhiều lúc anh bước quá chậm, hay dừng hẳn lại khiến An phải kêu lên.

  • NGUYỄN PHƯỚC THỊ LIÊNKhông ai ngờ trước kia nơi đây chỉ là bến đậu tự phát của mấy tên thương hồ tứ xứ tới lui mua bán, ngủ nghỉ trong những căn lều che chắn tạm bợ. Và quán cóc. Nay đã thành một công viên sông, có con đường lát gạch khá rộng chạy ra tới biển mà bên dưới là bờ kè bảo vệ, bên trên là thành lan can inox chắn giữ.

  • DẠ NGÂNLúc ấy đã gần trưa. Những thời khắc cam go nhất của một ngày đang sắp qua đi. Một ngày ở đây bắt đầu từ rất sớm với những phập phồng quen thuộc.

  • BẠCH NHẬT PHƯƠNGNgày ấy, vào năm 1981!Rời phiên tòa ra về, thiếu phụ cảm thấy quãng đời còn lại như một cuộc thách đố. Nàng không buồn phiền nhiều mà cảm thấy bực bội và vô cùng lo lắng. Nàng bực vì thái độ nhỏ nhen của người đàn ông mà nàng đã từng là vợ trong suốt 13 năm qua. Nàng lo lắng vì 3 đứa con của nàng từ nay trông cậy vào chỉ một mình nàng!

  • NHẤT LÂMTrời về tối lúc tạnh lúc mưa, lại có gió nên càng mịt mờ như khuya khoắt, nhà nào cũng ăn cơm lúc chập choạng, bởi mưa gió chẳng biết làm gì. Tháng mười chưa cười đã tối. Mùa mưa miền Trung vốn tự cổ xưa đã não nề, những năm chiến tranh càng buồn hơn.