Gấu trắng

10:54 27/12/2021


E. RUXACỐP (Nga)

Minh họa: Phạm Đại

- Thôi, không nhắc đến chuyện này nữa, - Khuđônôgôp cau có nhìn vợ, tuyên bố với giọng nghiêm khắc. - Nói thế đủ rồi. Vấn đề coi như đã xong. Phải, anh rất tiếc về chuyện đã xẩy ra. Anh có lỗi. Nhưng thôi, đủ rồi, không phải nói nhiều nữa, em rõ chưa?

- Rõ, - chị vợ gật đầu. - Em hoàn toàn đồng ý với anh.

- Thế là tót. Coi như chúng ta đã thỏa thuận với nhau: không nói một lời nào về chuyện này nữa!

- Được, được. Không một lời nào nữa.

- Vì dù sao chúng ta đều là những người có học cả - sau một phút im lặng người chồng nói - Không nên vì chuyện không đâu mà làm ầm ĩ lên... đúng không?

- Đúng, hoàn toàn đúng, - người vợ gật đầu - Chính em là người có lỗi - giá lúc ấy em đừng đi vào buồng... Giá em không vào... thì đã không có chuyện gì...

- Đấy, em lại nhắc đến chuyện ấy rồi!

- Không, chẳng qua em chỉ muốn nói rằng, giá như em không biết gì, giá như em không nhìn thấy gì... thì mọi việc đã êm thấm.

- Tất nhiên rồi. Nhưng dù sao cũng đã xảy ra chuyện gì đâu. Hơn nữa, em phải biết rằng... lúc đó anh đang trong trạng thái... say rượu.

- Em biết, - người vợ nói.

- Đấy! Thế thì có chuyện gì mà ầm ĩ nào? Có gì nghiêm trọng xảy ra đâu?

- Phải, không có gì cả.

- Em làm sao thế nhỉ?

- Làm sao là làm sao?

- Sao em cứ xị ra thế?

- Xin lỗi, - người vợ cười gượng. Em xin lỗi anh. Em sẽ không buồn nữa.

- Em đúng là dở hơi dở hồn! - Khuđônôgôp ôm lấy vợ và hôn vào thái dương cô một cái. - Thôi, em đừng buồn nữa. Vì em có nhìn thấy chuyện gì khủng khiếp đâu...

- Thôi, anh đừng nói nữa, - người vợ ngắt lời.

- Anh và cô ta... chỉ hôn nhau có một cái thôi...

- Thôi, em xin anh đừng nói nữa! Chính anh vừa đề nghị là không nhắc đến chuyện này nữa cơ mà!

- Tất nhiên rồi, với lại, thực ra cũng chẳng có chuyện gì phải nói cả.

Người vợ thở dài đánh sượt.

- Sao em cứ thở dài thế? - Khuđônôgôp bực mình gắt lên, - Em cứ làm cái bộ mặt sầu não như thế để làm gì?

- Xin lỗi, em không thế nữa.

- Thôi nhé, chấm hết! Không nhắc đến chuyện này nữa, - sau khi im lặng một chút anh chồng lại lên tiếng - Không một lời nào nữa! Chuyện không có gì cứ nhắc đi nhắc lại hoài... bực cả mình.

- Thôi được, thôi được.

- Giá bảo như xảy ra chuyện gì nghiêm trọng cơ. Như anh phản bội em chẳng hạn... lại là chuyện khác, - Khuđônôgôp bắt đầu lý luận. - Đằng này hoàn toàn chưa có chuyện gì cả.

Chị vợ im lặng.

- Sao em im lặng thế? - Khuđônôgôp lại bắt đầu thấy bực.

Thì chúng ta vừa thỏa thuận... không nói gì về chuyện này nữa cơ mà!

- T-u-y-ệ-t! - Anh chồng mặt hằm hằm đi đi lại lại trong phòng. - "Chúng ta đã thỏa thuận"! Theo em, như thế là chúng ta sẽ hoàn toàn không nói gì với nhau nữa à? Không nói đến chuyện ấy nữa, có nghĩa là không còn chuyện gì khác để nói hay sao? Khô-ô-ông. Chúng ta sẽ nói chuyện khác.

- Ừ, thì nói chuyện khác - chị vợ uể oải gật đầu.

Họ không bật đèn, nên trong buồng mỗi lúc một tối. Qua cánh cửa mở hé ngoài ban công, những âm thanh ngoài phố lọt vào trong buồng: tiếng chó sủa xa xa, tiếng người cười, tiếng gió thổi, tiếng cành lá xào xạc, tiếng một chiếc xe máy rú qua.

Người vợ vẫn ngồi thu lu hai chân co sát vào nhau trong góc đi văng. Dáng người bé nhỏ, mắt to, mặc chiếc váy giản dị màu vàng, trong bóng tối trông chị ta giống như một cô bé con ốm yếu, sợ sệt.

Khuđônôgôp - người cao to, vai rộng, tóc dày, có khuôn mặt và dáng dấp của một thủ trưởng lớn - vẫn đi đi lại lại trong căn phòng.

- Hôm nay ở cơ quan anh lại gặp chuyện khó chịu, - anh cố gắng lái câu chuyện sang hướng khác.

- Chuyện gì?

- Bên giao hàng chúng nó lừa anh... Quỷ tha ma bắt chúng đi. Anh đang lo quý này chưa đưa phân xưởng hai vào hoạt động được. Đúng là bọn đểu! Có khi anh phải đích thân lên Cục... hay thậm chí lên thẳng Bộ.

- Việc gì phải lên ngay Bộ? - chị vợ tỏ vẻ ngạc nhiên một cách hờ hững.

- Không thế thì không thể nào bắt chúng nó nhúc nhích được.

Chị vợ lại im lặng.

- Sao em không nói gì cả? - Khuđônôgôp vừa hỏi vừa cố quan sát nét mặt của chị trong bóng tối.

- Em đang nghe anh đây.

- "Đang nghe!"? Đ-a-ng ngh-e!... Trong khi lẽ ra có thể nói một câu gì đó, - anh chồng tức khí. - Cô còn định kéo dài cái trò này bao lâu nữa hả? Vì tôi thấy rõ là cô vẫn chỉ nghĩ đến cái chuyện ấy...

- Em không thế nữa, - chị vợ nói. - em sẽ cố không nghĩ đến chuyện ấy nữa.

- Với lại chẳng có vấn đề gì phải nghĩ ngợi cả.

- Tất nhiên, anh nói đúng, - chị vợ tán thành. - Em sẽ không nghĩ nữa.

- Không, anh nói nghiêm túc đấy: không một lời nào về chuyện nấy nữa nhé, em rõ chưa?

- Rõ... - chị vợ lí nhí đáp.


Khuđônôgôp dừng lại. Anh đang đứng giữa phòng, như viên thuyền trưởng đứng dạng chân trên boong tàu, hai tay đút túi quần. Anh nhìn vợ - và dường như không nhìn thấy chị. Chị ở chỗ nào?... Chị đang cười hay đang khóc? Trong góc đi văng chỉ thấy lờ mờ khuôn mặt của chị và đôi mắt to sẫm.

Bỗng nhiên anh cảm thấy vừa thương chị vừa giận chị. Anh muốn giúp đỡ người phụ nữ mảnh mai yếu đuối mà ngày xưa anh đã từng yêu và bây giờ, trong giây phút buồn tẻ này, anh bỗng nhớ lại những ngày xa xưa và những tình cảm ban đầu - tự dưng anh muốn ra an ủi chị ngay lập tức, vuốt ve, âu yếm chị, nói chuyện bông đùa làm cho chị vui.

- Ôi, em đáng thương của anh, - anh đến gần chị và ngồi xuống bên cạnh. - Em đang suy tư gì thế, em bé bỏng của anh? Em nghĩ gì mà nghĩ hoài vậy?... Chao ôi, giá anh chia sẻ được những lo toan của em...

- Anh đừng giận em, - mủi lòng trước cử chỉ dịu dàng âu yếm của anh, chị nói giọng như khóc, - Em đã cố không nghĩ đến chuyện ấy... nhưng không được, em đã hết sức cố... nhưng không ăn thua gì. Anh đừng trách em.

- Sao em lại nói thế, em bé bỏng của anh. - Anh vuốt nhẹ đầu chị như vuốt ve đứa bé. - Em hãy bình tĩnh, đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa

- Em đã cố không nghĩ rồi... nhưng không được... không được! Em càng tự nhủ mình không được nghĩ đến chuyện ấy bao nhiêu, thì lại càng nghĩ về nó bấy nhiêu...

Rồi chị sụt sịt khóc. Khuđônôgôp không nhìn thấy nước mắt của chị, nhưng những giọt nước nóng bỏng cứ chảy thành dòng xuống bàn tay anh.

- Anh hiểu, - anh ôm chặt chị vào mình, dùng mu bàn tay lau nước mắt cho chị. - Không muốn nghĩ... nhưng vẫn cứ nghĩ đến... anh hiểu... Em có biết không, nó cũng giống như trò chơi của trẻ con ấy: thi trong vòng mười phút không nghĩ đến con gấu trắng...

- Nghĩa là thế nào? - Chị vợ chưa hiểu.

- Đấy nhé, em thử đi - tôi không nghĩ đến gấu trắng. Em cứ thử không nghĩ đến gấu trắng xem. Em sẽ không thể làm được và lúc nào trong đầu em cũng chỉ nghĩ đến nó thôi. Nào... em cứ thử xem nào!

Họ im lặng khoảng nửa phút.

- Chịu... Em không sao nghĩ được con gấu trắng nào như thế cả, - chị vợ nói và thút thít khóc. - Em toàn nghĩ đến chuyện khác.

Khuđônôgôp phì cười, kéo sát chị vào người mình, ôm chặt đôi vai mảnh khảnh của chị - và hai người cứ ngồi im lặng như thế vài phút.

Trong phòng đã tối hẳn.

Cả hai đều không muốn nói gì nữa.

Lòng thương hại vợ vừa thoáng qua trong anh đã nhanh chóng tan biến... nhưng Khuđônôgôp chưa muốn đứng lên vội. Anh muốn dỗ dành cho vợ nguôi hẳn, nên anh tiếp tục ngồi bên chị, ôm chặt chị và dịu dàng vuốt ve chị.

Anh cố nghĩ về chị, về người vợ đáng thương, anh cố nghĩ đến chuyện chị bị cô đơn quá, nhưng anh không tài nào nghĩ như thế được, và không hiểu sao anh cứ toàn nghĩ đến con gấu trắng.

Còn vợ anh, lặng lẽ, và nhút nhát, và gần như đã nguôi ngoai, thì cố gắng nghĩ về con gấu trắng, nhưng tiếc thay, chị cũng không sao làm được chuyện đó.

Thái Hà dịch
(TCSH50/07&8-1992)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LTS: Henri Troyat (1-11-1911_4-3-2007) sinh tại Matx-cơ-va, định cư ở Pháp kể từ 1920, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Pháp từ 1959, một trong những cây bút viết khỏe nhất của văn học Pháp hiện đại. Chuyên viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Ngoài ra, nghiên cứu về Đốtx-tôi-ép-xki, Tôn-xtôi, Lét-mông-tốp, Ô-la, Ban-zắc… Truyện ngắn của ông giàu nét dí dỏm, ký họa.

  • Atiq Rahimi sinh năm 1962 tại Afghanistan, nhưng đến sống ở Pháp vào năm 1984. Tại Pháp ông trở thành một nhà văn, nhà làm phim tài liệu và phim truyện nổi tiếng. Tiểu thuyết của ông “The Patience Stone - “Nhẫn thạch” được giải thưởng danh giá Prix Goncourt năm 2008. Phim dựa trên tiểu thuyết của ông “Earth and Ashes - Đất và Tro” được tuyển chọn chính thức tại liên hoan phim Cannes năm 2004 và được một số giải thưởng.

  • IVAN XÔCHIVESNgười chồng lý tưởng - đấy là tôi. Mẹ vợ, vợ tôi và đa số bạn gái của nàng đều gọi tôi như vậy.

  • LTS: Nhà văn Xô-viết Alêchxây Marinat là tác giả nổi tiếng của một số tiểu thuyết và kịch. Nhưng những tác phẩm làm cho ông nổi tiếng trước hết đối với tất cả các độc giả là những truyện ngắn hài hước. Tính hài hước trong các truyện ngắn của ông rất nhẹ nhàng nhưng sắc sảo. “Hoa tặng Ka-lum-ba” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Alêchxây Marinat.

  • LTS: Vaxin Bưcốp sinh năm 1924 tại làng Tsê-rê-pốp-si-na, vùng Vi-tép-xcơ, nước cộng hòa Bêlôruxia. Ông từng đứng trong hàng ngũ quân đội Xô Viết chiến đấu chống phát-xít Đức. Tác phẩm của ông bắt đầu được xuất bản từ năm 1956. Ông thuộc một trong những tác giả viết về chiến tranh nổi tiếng của Liên Xô. Những tác phẩm của ông được nhiều người biết đến là: Phát tên lửa thứ ba, cuộc hành quân núi An-pơ, những người chết không biết đến xấu hổ, những con chó sói… ông đã nhận giải thưởng quốc gia của Liên Xô, giải thưởng I-a-cúp Kô-la-xơ của nước cộng hòa.

  • LTS: William Somerset Maugham (1874 - 1965) là một nhà văn Anh nổi tiếng, viết nhiều, với bút pháp hiện thực sắc sảo, soi rọi những khía cạnh mâu thuẫn nghịch chiều của cuộc sống, phác hiện những nét sâu kín của bản tính con người. Lối văn của ông trong sáng, khúc chiết, ông lại có biệt tài dẫn truyện hấp dẫn, lý thú, đặc biệt phong cách của ông thường hài hước, sâu cay.Là nhà văn đa tài, ông vừa là tiểu thuyết gia có tiếng, vừa là người viết truyện ngắn bậc thầy, và cũng là một kịch tác gia thành công.

  • NOBUKO TAKAGI(Tiếp theo Sông Hương số 256 tháng 6 - 2010)

  • LTS: Tên tuổi Azit Nê-xin đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Là tác giả của tập truyện châm biếm nổi tiếng “Những người thích đùa” đã được dịch ra tiếng Việt, ông là trưởng đoàn nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ dự hội nghị BCH Hội Nhà văn Á Phi và cuộc gặp gỡ các nhà văn Á Phi ở nước ta vào tháng 10-1982.

  • A-đa-mô-vích sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ trong làng công nhân ở Gơ-lu-sa, tại Bi-ê-lô-rút-xi-a. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nhà văn mới 14 tuổi nhưng đã theo mẹ và anh tiếp tế cho du kích quân.

  • LGT: Bóng cây phong lan được trích từ tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản có nhan đề chung Bên trong do Nhà xuất bản Kodansha tuyển chọn và giới thiệu, được Nhà xuất bản Thuận Hóa (Huế) tổ chức dịch ra tiếng Việt và phát hành ở trong nước. Tuyển tập gồm 8 truyện ngắn của 8 nhà văn nữ với đề từ chung: Phụ nữ Nhật viết về phụ nữ Nhật. Bên trong là nhan đề, mà cũng là chủ đề của tất cả các truyện: Phía trong tâm hồn và phía trong thân thể của người phụ nữ.

  • EDWARD D. HOCHGần như ngay từ ngày cưới của họ cách đây 17 năm, William Willis đã căm ghét vợ mình, nhưng chưa một lần nào anh ta nghĩ đến chuyện giết người. Anh ta sẵn lòng ở ngoài suốt cả ngày, lái xe tới cơ quan mỗi sáng, quay trở về nhà mỗi tối, và đơn giản là bỏ ngoài tai cái giọng lải nhải đều đều của vợ.

  • LTS. S. Rajaratnam thuộc thế hệ những nhà văn cũ của Singapo. Ông có thời làm Bộ trưởng Ngoại giao của Singapo. Truyện ngắn của ông mang chất thơ và tính nhân bản cao. Sông Hương xin giới thiệu một trong những truyện ngắn hay của Rajaratnam.

  • DANIEL BOULANGERĐó là mùa thu ở Concile, thành Rome mang mọi vẻ Rome và ở đó người ta đã không còn kiếm được nơi cho thuê phòng nữa.

  • Corrado AlvaroThời gian như muốn chững lại. Hơi nóng vẫn còn hừng hực, bầu trời mờ mờ hơi nước, những con ve kêu rả riết, ở phía tây, chân trời quang hơn, vài cụm mây như bị một nét bút quệt xuống. Cơn mưa hẳn là ở mãi xa nên người ta bắt đầu hái nho.

  • GABRIEL GARCIA MARQUEZ (COLUMBIA) Ngài nghị sĩ Onesimo Sanchez trước cái chết của ngài có sáu tháng và mười một ngày để đi khi ngài tìm thấy người phụ nữ của đời ngài.

  • Paul William Gallico (1897-1976) là một nhà văn, phóng viên thể thao nổi tiếng của Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình, có tác phẩm đã đạt giải Oscar. Cha ông người Ý, mẹ người Áo, bản thân ông đã nhiều năm sống ở châu Âu. Là người đa tài và viết khỏe, ông có hàng chục đầu sách: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim truyền hình, thể thao. Những tác phẩm nổi tiếng của Gallico là: Ngỗng tuyết, Tình yêu của bảy con búp bê, Cuộc phiên lưu Poseidon.

  • ANTONIO TABUCCHIAntonio Tabucchi (sinh năm 1945) là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất và dịch nhiều nhất hiện nay của Italia, bậc thầy nổi tiếng về truyện ngắn tâm lý.

  • IVAN BUNHINLúc ông ta đội mũ, đi trên phố hay đứng trong toa tàu điện ngầm không thấy rõ mái tóc cắt ngắn hung hung đỏ có những sợi lóng lánh, qua vẻ tươi tỉnh của gương mặt gầy, nhẵn nhụi, thân hình cao xương xương cứng đơ trong chiếc pan- tô không thấm, có thể đoán ông không quá 40. Chỉ cặp mắt xám nhạt luôn chứa một nỗi buồn khô khốc nói lên rằng ông là một người đã nếm trải nhiều trong cuộc đời.

  • LTS: Anatoli Kudraves là một nhà văn Beloruxia tài năng. Phần lớn các tác phẩm của ông thể hiện cuộc sống của những người nông dân, người chủ chân chính, giàu bản sắc riêng và chân thành của chính quê hương mình. Tác giả đã dẫn dắt nhân vật của mình trải qua công việc tập thể hóa nông nghiệp, trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cả thời kỳ kinh tế đổ nát sau chiến tranh cho đến ngày hôm nay.

  • BỒ TÙNG LINHLang Mỗ quê ở Bành Thành, con nhà học thức. Ngày nhỏ đã được nghe cha nói đến các sách quý và các sách khác trong nước, lại thường được nghe cha luận bàn với các bạn bè của ông về các loại sách và các nhà thơ cổ đại.