Đôi điều về việc dạy và học tiếng Nga ở Huế

09:18 07/11/2012

VŨ YẾN SƠN

Ngoại ngữ vừa là phương tiện vừa là cầu nối quan trọng giúp các dân tộc xích lại gần nhau, hiểu biết nhau hơn trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa… So với các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga được dạy và học ở Huế muộn hơn, chỉ được bắt đầu từ năm học 1978 - 1979.

Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, việc dạy và học tiếng Nga phản ánh khá rõ nét mối quan hệ thăng trầm giữa Việt Nam và Liên Xô (cũ) trước đây và nước Nga hiện nay. Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng 10 Nga, bài viết ghi lại đôi điều nhớ lại và suy nghĩ về việc dạy và học tiếng Nga ở Huế như một kỷ niệm đối với thầy cô, đồng nghiệp, các bạn sinh viên và tất cả những ai đã, đang và sẽ yêu tiếng Nga.

Thời kỳ tiếng Nga được dạy và học nhiều nhất ở Huế là vào những năm 80 thế kỷ XX. Tiếng Nga được dạy và học chủ yếu ở hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học) ở tất cả các hình thức đào tạo chính quy, chuyên tu và các trung tâm ngoại ngữ. Sách báo tiếng Nga rẻ, và nhiều loại được biếu nên việc học tiếng Nga khá thuận lợi. Sinh viên khoa tiếng Nga tốt nghiệp ra trường được dạy học ở các thành phố lớn. Các giảng viên có năng lực được cử đi đào tạo ở Nga và sau này trở thành những nhà khoa học, những nhà quản lý của Đại học Huế. Rất nhiều bạn trẻ học tiếng Nga để đi xuất khẩu lao động. Có thể nói đây là thời kì hoàng kim của việc dạy - học tiếng Nga ở Huế.

Vào những năm 90 thế kỷ XX, sau khi Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu sụp đổ, đây là thời kì khó khăn của việc dạy - học tiếng Nga. Các trường phổ thông ở khu vực miền Trung lần lượt bỏ việc giảng dạy tiếng Nga. Giảng viên tiếng Nga ở Đại học Huế và giáo viên tiếng Nga ở các trường phổ thông, một số chuyển nghề, số còn lại đi học bằng 2 tiếng Anh theo thuật ngữ “chuyển tay lái” để tiếp tục được ở lại giảng dạy. Cuộc sống mưu sinh vất vả và phải đi học thêm nghề mới nhưng tất cả giáo viên và sinh viên tiếng Nga đều đứng vững và dần dần khẳng định được vị trí của mình ở các trường đại học, các trường phổ thông và tất cả những cơ quan công tác mới. Có lẽ nền văn hóa và văn học Nga đầy tính nhân văn và tinh thần lạc quan đã giúp đỡ rất nhiều những người từng gắn bó với tiếng Nga vượt qua mọi khó khăn trong giai đoạn đó.

Từ tháng 7 năm 2004 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Huế được thành lập. Cán bộ giảng dạy 2 khoa tiếng Nga của trường Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học sáp nhập làm một. Do nhu cầu xã hội, do quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và nước Nga ở mức vừa phải, việc dạy và học tiếng Nga ở Huế gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, lãnh đạo Đại học Huế, lãnh đạo trường Đại học Ngoại ngữ và sự cố gắng của thầy trò khoa tiếng Nga, việc giảng dạy tiếng Nga tiếp tục được duy trì. Trong thời gian này “Hội hữu nghị Việt - Nga tỉnh Thừa Thiên Huế” thực sự là chỗ dựa tinh thần cho khoa tiếng Nga. Những buổi giao lưu gặp gỡ với các đoàn đại biểu đến từ nước Nga, những suất học bổng của Hội dành cho sinh viên tiếng Nga là nguồn động viên to lớn giúp các em học tập tốt hơn. Hai năm gần đây quan hệ Việt - Nga phát triển lên một tầm cao mới, hằng năm đều có sinh viên của khoa đi thực tập tại Liên bang Nga. Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế quyết định giảm 50% học phí đào tạo tín chỉ cho sinh viên tiếng Nga, tạo điều kiện tốt hơn cho việc tuyển sinh đầu vào “Ngôn ngữ Nga (chuyên ngành song ngữ Nga - Anh du lịch)”. Đặc biệt, khách Nga đến Huế nhiều hơn, có những thời điểm thiếu hướng dẫn viên du lịch tiếng Nga.

Dạy và học tiếng Nga ở Huế không chỉ là sự ghi nhận những gì thầy trò tiếng Nga đã làm được góp một phần nhỏ làm bức tranh văn hóa Huế đa dạng, phong phú hơn, mà còn là lời cảm ơn những tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ, đã dành tình cảm, đã gắn bó với việc dạy và học tiếng Nga như một ngoại ngữ.

V.Y.S
(SH285/11-12)
 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Trần Quang Tuyết - Minh Hằng - Đặng Thị Thùy Dương - Kim Oanh

  • CAO THỊ HƯƠNG KHANH

    Đến Mat vào một ngày hè giao thời chuẩn bị sang thu, ánh nắng yếu ớt rải trên tán lá vàng óng ả đang dần rơi xuống trên những nẻo đường. Thật không có gì tả nổi vẻ đẹp thú vị của mùa thu Nga!

  • TRẦN QUANG TUYẾT

    (Để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn Thầy - Giáo sư Vladimia Alecxayevich Mescheryakov)

  • Từ khi tạp chí Sông Hương triển khai Chương trình Phát triển Không gian Văn hóa vào đầu năm 2009, bạn bè văn nghệ trên thế giới về Huế gặp gỡ, giao lưu khá nhiều. Trong số những người khách ghé lại, có một đoàn khách khiến Sông Hương hết sức cảm động, đó là đoàn các nhà văn Nga do nhà thơ Vadim Fedrovic Terekhin - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga dẫn đầu, cùng các nhà văn Bavuwkin Oleg Mtrofanovic - Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga, Buktop Alexecvic Linnic - Tổng Biên tập báo Ngôn Từ, nguyên Tổng Biên tập báo Pravda(Sự Thật)... ghé thăm tạp chí vào ngày 25/2/2011.

  • Kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Sông Hương dành một số trang cho những tâm tình của những người yêu nước Nga, những người đã có những kỷ niệm đẹp đẽ trong đời với những người bạn Nga hồn hậu. Đây không chỉ là hoài niệm và nhớ về, ở đây còn có lòng yêu mến và sự tri ân dành cho những tâm hồn nhân hậu nơi xứ sở tuyết trắng...

    LÊ TIẾN DŨNG
         (Phó Chủ tịch - Thư ký Hội)

  • Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam

    TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN
                Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
          Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế