Đoàn tàu vận chuyển những tâm hồn

08:30 30/06/2016

NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI

Một ngày của kẻ cô đơn! Vẫn là tự đèo mình trên chiếc xe cà tàng vận chuyển tâm hồn quanh thành phố, bao giờ cho đầy, cho đủ…

Ảnh: internet

Những người đã đứng lâu trong nắng gắt, họ thèm một cơn mưa. Những người đã dầm lâu trong cơn mưa, họ thèm một tia nắng. Những người đã chán nắng và mưa, họ thèm một chút âm u, thịnh nộ của đất trời. Ta tự hỏi mình cần chi? Trong những tháng ngày mê mải nơi thành phố nhỏ.

Chiều cuối tuần mây mù và buồn tênh, tôi lại một mình trên đường phố, kiếm tìm và gom nhặt những yêu thương vụn vặt mà kẻ đời đã bỏ lại phía sau. Một vài nhánh hoa, cỏ dại hay chỉ là những tấm báo còn in nguyên bao lời thơ mà những người bán hàng rong cắt ra để gói bọc, xong chúng nằm lại đó cùng bao vết giày… Có những ngày con người ta thờ ơ như thế! Và có những người nhạy cảm đến mệt lòng là tôi, khi suốt ngày cô đơn và bận rộn vì cái cô đơn đó.

Mỗi lần xuống phố, tôi phải thả hết con dốc và đi qua cầu. Mà nơi thành phố này, kẹt xe cũng hiếm hoi, thứ duy nhất làm con người miễn cưỡng dừng lại trong đông đúc chỉ có thể là những đoàn tàu. Dựng xe gần đường ray, đường ray quen thuộc và chẳng hề đổi thay từ hồi nào đến giờ, cũng như chỉ có tâm hồn này là mê mải chân thành với đơn côi… Lòng đường đâu có rộng, bao nhiêu người, bao nhiêu còi xe inh ỏi và những hơi thở dài đằng đẵng như năm tháng… Ai cũng than, ai cũng bực, ai cũng hối thúc cho đoàn tàu nhanh qua khi các thanh chắn đã được kéo mà tiếng còi đằng xa vẫn còn chưa vọng lại. Hình như duy chỉ có một kẻ khờ này, dẫu phía sau thanh chắn tàu kia chuông báo hiệu vào học đã reo hay những cuộc cà phê đang gọi; lòng vẫn chững lại như những dấu lặng trong bản nhạc, từng nhịp và lặng mình trong cái mong mỏi đoàn tàu. Tàu không mang đến những cuộc vui và công việc phía sau thanh chắn, nó mang đến điều gì đó, như một-sự-trở-về huyên náo. Đoàn tàu với tôi, luôn là một sự trở về. Tiếng còi tàu như một sợi dây dật cho thời gian gấp rút đầy tiếc nuối, khi nhìn những ô cửa trên tàu lướt qua, đầu người lướt qua, tiếng nói oang oang và những âm thanh sinh hoạt trên tàu của những con người. Phần lớn đó là những con người đang trở về nhà, đang trở về với cái xứ ẩm thấp mà nhỏ bé này. Trong những tiếng thở dài của đường phố, tôi còn nghe thấy những tiếng reo vui vì đã thấu nhà… Khi nghĩ đến lí do tại sao lại mong mỏi những đoàn tàu, trước mắt tôi là những gì rất xa!

Tôi đã bỗng nhớ đến một người yêu Huế thiết tha! Vẫn bồn chồn mỗi khi nhớ lại ngày nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trở lại đất Thừa Thiên, khoảng thời gian mà có lẽ đã là lần cuối ngước nhìn cái màu trời tím của Huế. Rồi khí hậu nơi đây lại làm người trở bệnh, người đến đây bằng máy bay và trở vào Sài Gòn bằng xe cấp cứu. Tôi chợt thèm một lần đón người ở ga tàu. Thấy người đi xuống từ cánh cửa sắt vương bao nhiêu hương sắc của tháng năm. Bởi cảm giác ngồi trên đoàn tàu bao giờ cũng thật bối rối. Khi tôi là một cô gái mười bảy tuổi, vẫn đôi lần chán Huế mà du lịch khắp miền Nam, đi đến các hòn đảo. Nhưng cứ mỗi lần trở về, ngồi trên tàu, lòng chỉ nơm nớp chờ để thấy nhà. Nhà đâu phải là cái căn tiện nghi ta mua để sống? Chỉ là một cái biển hiệu địa phận thành phố Huế, đủ để ta biết từ đó trở đi ta và cả cỏ hoa đều thuộc về đất mẹ… đó đã là nhà. Thì ra tất cả những gì chúng ta cần chỉ có thế. Trở về Huế để mà miệt mài cô đơn, miệt mài tìm kiếm những góc đời bé nhỏ đâu đó trong thành phố, đi một mình ra sông Hương hay lên đồi Vọng Cảnh, ngồi cà phê bờ sông và lật hoài một tờ báo. Thậm chí có ngày sự đơn độc lớn dậy đến thèm được dừng lại trước những cột đèn giao thông. Người nghệ sĩ nào cũng có lúc lạc lõng đến độ đi thật chậm rãi để ngưng lại trước đèn đỏ, để không ai phát hiện mình đang cô đơn một cách tự nhiên. Mà thiệt kì lạ, mình cứ thích những gì thiên hạ muốn tránh, mình cứ thích chờ tàu và chờ số giây của cột đèn giao thông, bởi dừng xe lại đôi chút đó để cảm nhận được rằng cuộc đời mình có chút gì đó bấu víu, thành phố này có phải bao giờ cũng xôn xao? Tôi chợt nhớ ánh mắt Hoàng Phủ nhìn Huế rất đỗi đong đầy, chưa bao giờ ngừng yêu, cuộc đời có những sự chung thủy đến kì lạ. Dù ở nơi xa, có rộng lớn và đầy đủ hơn thì cái chốn bé nhỏ này vẫn cứ to hoài trong tư tưởng, trong đôi mắt gầy chưa bao giờ thôi nghĩ đến những chuyến về Huế. Tôi không hỏi nhưng tôi tin, người thèm lắm một đoàn tàu, một chiếc vé dù chỉ được đứng để chờ phút giây cập bến. Máy bay sẽ cho người thấy mây, xe hơi sẽ cho người một chỗ ngồi êm ái và quyền lực; duy chỉ có đoàn tàu là cho người những xô bồ, cho người cái cảm giác chìm mình trong số những con người đang khao khát về nhà. Một sự về nhà đúng nghĩa, đúng với thân tâm và cả tâm hồn người. Những đoàn tàu đang đến đây, chở theo bao con người mà tôi không bao giờ biết được họ đã trở về từ đâu. Huế tất bật và rộn ràng cho mùa festival, công viên vẫn còn đó nhiều hoa cỏ, con đường đi bộ tuy đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn giữ nguyên mùi của lá phượng xanh xao mà hao gầy. Mọi thứ vẫn đó, để đón những người con trở về. Tôi tự hỏi bao giờ người lại về đây? Có thể không? Nếu một lần tôi đón người trước ga và cúi đầu chào người như cách ta đón một người trở về từ những nhớ thương…

Sau tất cả, thứ ta cần hơn cả vẫn là tình yêu cùng mảnh đất này, và sự trông chờ những đoàn tàu trở về nhà. Nếu người không về nữa! Tôi gửi cho người một ít cỏ dại để lót dưới đôi chân trần có được chăng?

N.T.K.T
(TCSH328/06-2016)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • HUỲNH Ý NHI   

    Chuyện xảy ra cũng khá lâu rồi, khi tôi còn là cô bé 12 tuổi. Hồi đó tôi ở cùng bố mẹ và bà ở Huế. Cuộc sống cứ trôi êm ả và thanh bình.

  • HỒ NGUYỄN DẠ THẢO

    Ngày xửa ngày xưa có hai anh em sống rất hòa thuận với nhau trong một ngôi nhà tranh cũ gần con suối nhỏ xinh. Họ siêng năng chăm bón mảnh vườn cha mẹ để lại, cùng nhau nuôi gà nuôi vịt. Cuộc sống tuy giản dị nhưng lại rất đầm ấm.

  • Hằng năm, theo lệ thường, Nhà Thiếu nhi Huế đã phối hợp với Liên hiệp các hội VHNT, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi Cây bút tuổi hồng để từ đó lựa chọn những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho phong trào sáng tác văn chương trong lứa tuổi học sinh từ cấp 1 đến cấp 2 tiếp tục tham gia trại sáng tác nhằm cổ vũ tình yêu văn chương nghệ thuật, tinh thần sáng tạo nghệ thuật trong thành phố.


  • Khôi Nguyên - Mai Văn Hoan - Nguyễn Ngọc Phú - Lý Uyên - Đặng Công Xê

  • PHƯƠNG NGẠN  

    Tôi ba mươi sáu tuổi, cái tuổi chẳng còn đủ trẻ để ngồi háo hức đồng dao mà cũng chưa đủ già để chép miệng thèm thuồng khoảnh khắc tuổi thơ bơi lội trong mùa khói rạ ngút đồng, tháng ba chim trời mang mang, tu hú gọi bầy, con sâu gầy tổ và lũ trẻ bày trò mùa hạ, nhiều trò, nhiều lắm lắm!

  • LÊ TẤN QUỲNH

    Công viên nằm dọc bờ sông của thành phố trầm mặc cứ hiện ra như một khoảng lặng kỳ lạ của thời gian. Nơi mà chỉ cần chút khói lụa bồng bềnh dẫu chưa đủ kịp cho một nỗi say sưa cũng đủ đã là đong đưa cả buổi chiều ngầy ngật. 


  • NGUYỄN VĂN THANH

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI  

    Ta sinh ra, đầy đủ tay chân, được quẩn mình trong chăn trắng mềm mại, được người ta coi trọng sức khỏe. Vậy là sự tiếp đón của thế giới dành cho ta cũng thật làm ta thực sự muốn sống tốt.

  • LÊ PHƯƠNG LIÊN 
            Truyện ngắn

    Mùa xuân này mẹ cho tôi về Huế. Ngồi trên máy bay mà thấp thỏm không yên, thỉnh thoảng tôi lại ngó ra cửa sổ, muốn nhìn xuyên qua làn mây trắng để chờ đợi giây phút Huế sẽ hiện ra những hình sông dáng núi và thành quách cổ xưa…

  • LTS: Bài văn dưới đây nhận được điểm tuyệt đối, đứng nhất vòng sơ loại cuộc thi Cây bút tuổi hồng 2014 (dành cho học sinh từ 7 đến 16 tuổi trên toàn quốc). Nguyễn Trương Khánh Thi đã nhìn ngược về những tháng ngày mình chưa trải qua, nhưng đó là những rung cảm thật sự, mở ra chiều tưởng tượng phong phú về một tương lai rất gần.

  • NGUYỄN TRỌNG ĐỒNG

    Con ốc đảo Lý Sơn

  • NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI
                                        Tản văn

    Bây giờ? Tôi sống như chiếc lá, cứ mỗi ngày qua đi là một không gian giấu vào khoảng lặng.

  • NHẬT CHIÊU

    Khỉ con ngồi trên cành lá, nhìn sao đầy trời mà tự hỏi: Có cách nào để gần được một vì sao?

  • VĂN LỢI

    Trích "Đi từ quả trứng" - Nhà xuất bản Thuận Hóa

  • ĐỒNG XUÂN LAN

    Trên đường chuyển về vườn thú, các con vật như Gấu, Nai, Vẹt, Họa mi cùng ngồi chung một chỗ trong toa xe lửa. Muốn được nhìn cảnh núi rừng lần cuối cùng và ngắm bầu trời, các con vật đề nghị nâng cửa kính toa xe lên một tí nữa.


  • LÊ KÝ THƯƠNG

  • ANH THƯ

    Nghé rất thích mèo. Chỉ cần được nhìn thấy con vật bé nhỏ ấy là Nghé đã mê tít rồi chứ chưa nói là chơi đùa với nó, sờ đuôi nó, vuốt bộ lông mềm mại của nó và áp sát nó vào người.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

    (Mạn đàm với nhà văn Quang Huy về Hội nghị quốc tế IBBY 86)