NGÔ ĐÌNH HẢI
Hắn làm bảo vệ đêm. Sáu giờ chiều tới bệnh viện nhận ca trực. Bệnh viện thuộc hạng sang nhất thành phố. Bệnh nhân ở đây toàn là những kẻ có tiền.
Minh họa: Tô Trần Bích Thúy
“Nhà giàu đứt tay, bằng ăn mày đổ ruột”. Hắt hơi, sổ mũi cũng ghé qua cho bác sĩ Tây, ngó tới ngó lui, xí xô vài tiếng, có cớ mà xài tiền. Buồn buồn, ở lại vài đêm, lấy cái không khí, cho nó yên lòng, mắc tiền hơn ở khách sạn năm sao một chút. Nhiêu đó đủ làm bệnh viện không lúc nào ngơi khách. Xe cộ ra vô nườm nượp, một người bệnh, vài chục người vô thăm, vài chục xe chở quà cáp là thường. Nhiệm vụ của hắn gắn liền với cái cổng, đứng đó ngăn không cho bán hàng rong, vé số hay ăn mày lén vô. Đứng đó chỉ để cho người bệnh và người nhà có cảm giác an toàn. Hắn biết và không hề ảo tưởng về cái sự thật trong công việc của mình. Bệnh viện thì có cái quái gì phải bảo vệ? Cứ gọi gác-dan hay gác cổng như cũ còn dễ nghe hơn. Có điều giờ này có cái để làm, có miếng ăn mà bỏ vô miệng là may cho hắn lắm rồi.
Từ chiều, hắn đứng ở cổng, nhìn thiên hạ, cho mọi người thấy có mình. Lúc vắng người ra vô, hắn lại ngóng lên tán cây me gần đó, coi mấy con chim quyên đã về tổ chưa. Thứ chim chỉ có hai màu, hắc bạch phân minh. Đầu trắng, lưng đen, bụng trắng. Mùa hè ở rừng, mùa thu kéo nhau về phố, không biết để làm gì. Dân thành thị hay lầm đỗ quyên với con cuốc gọi hè. Cuốc lủi trong bụi rậm, kêu trong đêm mùa hè. Đỗ quyên khác. Quyên ở trên cây, hay hót vào buổi sớm mai mùa thu. Quyên hót như tiếng rít, âm thanh bén và cao vút, xôn xao một vùng lá, không lẫn với loài chim nào khác. Là nghe mấy người ở rừng nói vậy. Đóng quân ở rừng nhiều ngày, với hắn, tiếng đỗ quyên nghe như tiếng ru con, tiếng gọi chồng tha thiết, của những người phụ nữ sống lặng lẽ trong căn nhà lá đơn sơ ven rừng. Căn nhà vắng bóng đàn ông và nước mắt nhiều hơn nụ cười. Cởi áo lính về làm thằng phó thường dân Nam bộ, hắn mang theo luôn tiếng hót đỗ quyên, mang theo màu đen trắng mộc mạc của loài chim, như mang theo cái tình cảm, cái hơi ấm chở che của rừng...
Tới hơn 10 giờ, khi lão Tự, tay bảo vệ bên cổng cấp cứu mở thêm đèn sáng rực, hắn đóng cổng bên này, cầm theo cây đèn pin, bắt đầu dạo một vòng quanh khuôn viên bệnh viện. Soi đèn vào từng ngóc ngách, bụi cây. Khi biết chắc không có gì lạ, mọi thứ đâu ở chỗ nấy. Hắn về leo lên chiếc ghế bố, bên dưới gốc cây me lớn gần cổng, nằm chập chờn tới sáng! Bác sĩ, y tá hay bất kỳ ai có gì cần tới hắn, cứ ra đó mà gọi.
Đêm bệnh viện yên ắng, hắn nằm ngửa mặt lên nhìn qua tán lá, bầu trời đêm ở đây mỗi đêm mỗi khác, không đêm nào giống đêm nào. Có trăng, không trăng. Mây dày, mây mỏng. Nhiều sao, ít sao... khác nhau. Nhưng lại rất giống trời đêm của những lần hành quân, của những đêm gác ngày xưa. Bầu trời làm hắn nhớ. Đêm nhắc nhở hắn những kỷ niệm. Đêm mang lại cho hắn hoảng loạn. Nỗi lo âu và sợ hãi ngày nào, chỉ khoác lên người tấm áo khác, còn thì vẫn nguyên vẹn. Lâu lắm rồi, hắn không có được một giấc ngủ tròn. Mấy năm sau này, hắn mang ơn thằng bạn học cũ, đã xin cho hắn chỗ làm này. Không phải chỉ vì miếng ăn, nó còn làm cho hắn đỡ băn khoăn vì chứng mất ngủ, giúp cho hắn thoát được những cơn ác mộng chết chóc, luôn chờ đợi hắn nhắm mắt lại là kéo nhau tới. Cây me của bệnh viện, làm bạn với hắn hằng đêm, từng kể cho hắn nghe rất nhiều chuyện, cho hắn rất nhiều thứ, cả cái cảm giác được cảm thông và chia sớt của tình bạn.
Buổi sáng, mặt trời lên. Trước khi về, hắn luôn nấn ná lại dưới gốc cây một lát, để chờ nghe trên đầu cành vài tiếng hót đỗ quyên, chờ nhìn thấy cuộc chia tay bịn rịn của vợ chồng chim, rời tổ đi kiếm mồi. Hắn cũng đã từng có một cái tổ ấm như vậy, cho đến khi cái bần hàn, khốn khó, không còn giữ chân con chim mái được nữa. Buổi chiều hắn về trong cái tổ trống hoác, mấy đồng bạc góp nhặt, sau một ngày bán sức lao động với chiếc xích-lô trên đường. Hắn không trách ai, hắn chỉ buồn mình. Hắn lặng lẽ sống trong cái cô đơn hằng đêm và dỗ giấc ngủ bằng người bạn mới: rượu...
Đêm tới đã lâu. Hắn khép hai cánh cổng lại. Phía xa, trên băng ghế đá, hình như vẫn còn có người ngồi. Hắn đi về phía đó. Một phụ nữ trong bộ đồ bệnh nhân. Cô im lặng, đưa mắt nhìn hắn, cặp mắt thẫn thờ trên gương mặt xanh xao. Chỉ một thoáng, ánh mắt lại hướng về hai cánh cổng đang đóng. Hắn gật đầu chào, rồi bỏ đi. Gần nửa đêm, vòng lại chỗ cũ, vẫn thấy cô ngồi, sương xuống ướt băng ghế đá nghe lành lạnh. Hắn nhắc:
- Khuya rồi...
Cô như choàng tỉnh khỏi cơn mơ, uể oải đứng dậy đi về phía dãy phòng nằm của mình. Hắn đi theo, cho đến khi người y tá trực nhìn thấy, chạy vội ra đón. Hắn dừng lại trước cánh cửa kính nhìn theo cô. Nội quy bệnh viện không cho phép hắn vô bên trong, không phải việc của một tên gác cổng!
Đêm sau, đêm nữa. Hắn lại gặp cô ở chỗ ngồi cũ. Hắn lại nhắc khuya rồi, và cô lại lững thững đi về phòng mình không nói tiếng nào. Hắn không biết và cũng không muốn tìm hiểu, gia cảnh cô ra sao, mà không có ai bên cạnh vào buổi tối. Cô bệnh gì, nằm ở phòng nào? Hắn chỉ đoán chừng, chắc cô bệnh nặng và giàu có lắm, mới chịu nỗi chi phí dài hạn của cái bệnh viện này. Nói tóm lại, là mọi chuyện của cô chẳng liên quan gì tới hắn, ngoài cái khoảng cách sang hèn dài thượt của hai cuộc sống mà hắn cảm thấy được. Cho đến một đêm cô lên tiếng, lúc hắn nhắc:
- Khuya rồi, cô lên phòng nghỉ đi, ngoài này lạnh...
Cô chần chừ, lấy trong túi áo tờ 500 ngàn, đưa về phía hắn:
- Anh giúp tôi một việc được không?
Thấy tiền, hắn hơi ngại và thoáng chút tự ái:
- Không cần đâu. Cô nói đi, nếu tôi làm được...
Cô cười, nụ cười héo hắt và gượng gạo:
- Tôi xin lỗi. Tôi chỉ muốn nhờ anh mua giùm. Ở cuối đường TKH có một quán ăn bán ban đêm. Anh cứ ghé đó, nói bán một đĩa mì xào cho cô Quyên là họ biết. Anh làm ơn...
À! Hắn biết tên cô rồi. Nó giống tên một loài chim hắn yêu thích. Cái tên làm cho hắn thấy dễ chịu và gần gũi hơn. Hắn lúng túng cầm lấy tiền:
- Được, có ai hỏi, cô đừng trả lời là xong...
Ra đến nơi, hắn mới biết. Quán đông nghẹt toàn ca sĩ và nhạc sĩ, họ ghé đây ăn sau buổi diễn. Cuộc sống về đêm sau ánh đèn. Cuộc sống lòe loẹt xiêm áo, đầy những cách biệt và ngộ nhận. Cái ưu ái của đồng tiền, làm một vài người trong số họ, trở nên kệch cởm và lố bịch. Chắc cô trước đây, cũng là một trong số họ...
Cô vẫn ngồi trên băng ghế đá. Hắn đặt mì và tiền thối trước mặt cô. Cô lí nhí cảm ơn, mắt dán chặt vào hộp mì đã mở nắp còn nóng hổi. Sợ cô ngại, hắn đứng lùi ra xa một chút, chờ thử coi cô có nhờ thêm gì không. Không, không có gì. Cô gần như quên mất hắn. Cô ngồi bất động, chỉ có ánh mắt chợt sáng lên rồi vụt tắt. Nụ cười nở ra chưa kịp tròn đã biến mất. Để cho cô yên với những cái rất riêng, hẳn là cô đang nhớ tới nhiều thứ. Hắn lẳng lặng về chỗ của mình. Hắn châm điếu thuốc, giấu nó trong lòng bàn tay, thở thật chậm những hơi khói nhẹ, vì bệnh viện cấm. Tối nay hắn mặc kệ, có nó hắn thấy nhẹ lòng đi phần nào...
Chừng hắn quay lại, cô đã đi mất. Hộp mì và tiền thối còn nằm đó. Thì ra nhờ hắn mua, không phải cô muốn ăn, mà cô chỉ muốn nhìn cho đỡ nhớ! Hắn cất tiền, định bụng mai sẽ đưa lại cho cô, rồi gọi lão Tự đưa cho lão hộp mì. Gác cổng bên cấp cứu, ít đi lại, nhưng nhiều đêm có bịnh, lão thức suốt, cực hơn bên hắn nhiều...
Đêm sau, một thôi thúc không cưỡng được. Từ cổng, hắn cứ phải ngó chừng về phía băng ghế, coi có cô không! Lúc đi hết một vòng, ngang qua thấy trống trơ, hắn ngồi luôn lên đó như để chắc chắn mình không lầm, đêm nay cô không xuống. Hắn chờ, không biết tại sao chờ và chờ để làm gì?
Đúng hắn vừa dợm đứng dậy thì cô xuất hiện. Cô nói với hắn, nhẹ mà rõ ràng:
- Tôi muốn ra ngoài...
Hắn nhìn cô, hơi khác đêm qua. Hình như cô vừa trang điểm xong, khuôn mặt thanh tú bớt đi nét xanh xao thường ngày. Hắn ngập ngừng:
- Cô không thể mặc đồ bệnh nhân đi được. Cô...
Cô cười tinh nghịch, hé cho hắn coi lớp áo bên trong:
- Có sẵn rồi...
Hắn chưa kịp phản ứng. Cô đã kéo tay áo hắn nói luôn:
- Là đi với anh... Anh chở tôi đi...
Hắn gật như cái máy. Đã nói cái gì hắn làm được cho cô hắn đều làm, đã định bụng không từ chối bất cứ điều gì cô đề nghị rồi mà. Hắn đưa cô lại chỗ khuất sau gốc me, đợi cô cởi bỏ bộ đồ bệnh viện, tiện tay giấu luôn nó vào cái hốc trên thân cây, rồi dắt cô ra cổng, dặn:
- Cô ra trước đợi. Tôi lấy xe ra liền.
Hé cổng cho cô ra xong, hắn đóng ập lại, vội vã chạy qua phía lão Tự:
- Coi chừng giùm, tôi về nhà có chuyện gấp, lát vô...
Lão Tự cười sằng sặc:
- Vợ con không có, chó mèo cũng không, chuyện mốc gì! Đi đi, để tao coi. Lát vô nhớ mang theo cái gì ăn là được.
Hắn dắt chiếc Dream tàu ra ngoài, cô đã đứng đợi sẵn trong chiếc váy hai màu đen trắng. Đã quá nửa đêm, xe cộ thưa thớt, vài cơn gió lạnh thổi tốc qua chiếc váy đẹp và sang trọng. Hắn đắn đo, lôi dưới yên xe cái áo khoác cũ, hôi nồng mùi mồ hôi đưa cho cô:
- Cho bớt lạnh...
Cô khoác áo, nhảy lên xe ngồi, ôm ngang hông hắn tỉnh bơ:
- Đi anh, chỗ nào cũng được...
Hắn chở cô ra trung tâm, vòng qua mấy phòng trà, tụ điểm ca nhạc. Giờ này, người ta đã ra về hết, đâu còn ai, chỉ có mấy tấm bảng hiệu đèn nhấp nháy, chập chờn trên những cái tên và tấm hình quảng cáo.
Chỗ nào, cô cũng kêu hắn dừng lại. Cô nói:
- Em hát ở đây... Ở đây nữa... Đây nữa nè... Chỗ này là vui nhất... Đông lắm... Đêm nào cũng vậy...
Ngang qua đường Duy Tân, cô đòi xuống đi bộ, hắn cũng chiều, dắt luôn chiếc xe lên lề, để đi với cô. Cô tựa hẳn người vào hắn. Những bước đi chậm và nhẹ êm. Cô đang về với tháng ngày qua của mình, còn hắn lọt thỏm vô vùng trời kỷ niệm ngày mới lớn. Không ai nói với ai tiếng nào. Có thể hắn đang trở thành một người khác, một ai đó với cô, và ngược lại!
Tới Hồ Con Rùa, cô vùng chạy lại ngồi lên trên bờ gạch, hai chân nhúng vào trong nước đong đưa, tay ngoắt ngoắt:
- Lại đây, em cho coi cái này.
Hắn dựng xe, ngồi xuống bên cạnh. Cô lấy điện thoại trong chiếc bóp nhỏ, bấm mấy cái rồi áp nó vào tai hắn:
- Nghe đi, em hát đó! Hay không?
Không cần nghe hắn cũng gật. Cái gật đồng tình hơn là công nhận. Cô xích lại sát hắn, cất tiếng hát theo. Giọng cô nhỏ và khản đặc, khác xa với tiếng hát trong máy. Hắn xót, chưa tìm được câu nào để nói, thì cô đã ôm chầm lấy hắn, tay cô kéo mặt hắn lại thật gần mặt cô, khuôn mặt ửng hồng và nụ cười làm duyên:
- Coi nè, em giờ xấu lắm phải không? Phải không?
Trời đất, tình cảnh này mà hỏi hắn chuyện đẹp xấu, ngặt thiệt chứ. Ánh sáng của ngọn đèn đường hắt lại. Hắn nhìn thật sâu vào mắt đó, môi đó, vào tất cả những nồng nàn còn sót lại trên đó. Lâu lắm rồi, hắn mới tìm lại được cái thanh thản, êm đềm khi nhìn ngắm một khuôn mặt. Hắn lắc đầu lia lịa:
- Không, không xấu! Đẹp, đẹp mà...
Lần này thì hắn nói thật, rất thật. Cô cười, hắn nghĩ cô đang vui. Cô lại bấm bấm, rồi chìa ra trước mặt hắn, tấm hình quảng cáo cho một buổi ca nhạc. Hắn thấy hình cô với những người khác, và cái tên: ca sĩ Đỗ Quyên! Cô tiếp:
- Chương trình này lớn lắm, hay lắm! Em hát đầu tiên. Anh coi chưa? Thấy em hát chứ hả?...
Lâu lắm rồi, hắn không quan tâm tới mấy thứ này, tới ba cái ca hát trên tivi hắn còn làm biếng coi, nói gì tới nó. Nhưng nhìn vẽ phấn khích của cô khi hỏi, hắn không nỡ:
- Có... có! Em tuyệt lắm...
Cô cười lớn:
- Dóc... dóc tổ! Không có em, em bệnh, không diễn được. Em bệnh, biết chưa?...
Đang cười, cô bật khóc. Khóc nức nở. Gục mặt trên vai hắn mà khóc. Khóc ngon lành như một đứa trẻ. Hắn ngồi đơ ra, chịu trận...
Gần sáng hắn mới đưa cô về tới bệnh viện. Tay y tá trực nhào ra đón:
- Ở đâu... mà... mà...
Hắn không trả lời, đứng nhìn theo cô được dìu đi khuất. Nghe như vừa đánh mất một thứ gì quý giá của mình...
Một tối, hai tối, ba tối, không thấy cô. Tới bữa thứ tư, thì hắn chịu đựng hết nổi. Tự nhiên hắn đâm lo, cái lo lắng vô cớ. Cái sợ hãi cho một chuyện không may. Hắn mặc cho mình bộ đồ tươm tất hơn thường ngày và đi làm sớm. Mở cửa, bước vào phòng bệnh. Tay y tá trực thấy hắn, ngạc nhiên hất hàm có ý hỏi hắn chuyện gì? Hắn thản nhiên hỏi lại:
- Cô Quyên... Cô Đỗ Quyên nằm phòng nào?
- Phòng 1, lầu 2, khoa Lây...
- Bệnh gì? Cô sao rồi?
- Phổi! Nặng lắm! Trở bệnh mấy ngày. Chắc khó qua khỏi đêm nay...
Hắn vùng chạy về phía cầu thang, mặc tay y tá kêu ê... ê!...
Phòng cô đông nghẹt người. Mùi dầu thơm, mùi son phấn sực nức. Những bộ quần áo đắt tiền lố nhố vây quanh. Cô nằm dán chặt xuống giường, rất nhiều những chiếc ống cắm lên trên. Không thắc mắc, không cần biết trong số những người ở đây có ai là người nhà, là bạn, là người yêu, là chồng cô, hay không. Mặc kệ họ nghĩ gì, nói gì. Hắn luôn miệng xin lỗi, rồi chen vào. Hắn đứng lặng nhìn cô, im ắng bao trùm. Hắn cúi xuống sát mặt cô gọi khẽ, chỉ cho mình cô nghe:
- Cô Quyên... Cô Quyên...
Hắn gọi và gọi, gọi trong niềm hy vọng nhỏ nhoi cô còn nghe được. Và cô mở mắt, cô nhìn thấy hắn, môi cô mấp máy, tay cô run rẩy. Không dằn được, quên luôn mọi người chung quanh đang nhìn mình. Hắn ngồi ngay xuống mép giường, ôm choàng lấy cô, người hắn đổ ụp xuống, đè lên những cái ống. Không nghe được cô nói gì. Hai cánh tay yếu ớt của cô đã không còn sức để ôm lấy hắn như đêm nào. Những ngón tay cố bấu chặt vào vòng tay hắn. Những giọt nước mắt ứa ra, lăn trên mặt cô. Hắn nghe mắt mình cũng cay xè. Hắn gục đầu và bất động...
Cho tới khi hắn nghe thấy tiếng khóc, tiếng ồn ào và người y tá nhẹ nhàng gở tay cô ra khỏi hắn. Hắn mới chịu buông cô ra, loạng choạng đứng dậy. Hắn thất thểu rời khỏi phòng như một người mộng du.
Ngoài sân đã tắt nắng. Hắn đứng dưới gốc me thẩn thờ. Không còn tiếng lao xao gọi nhau của bầy đỗ quyên trên cành. Hắn mơ hồ thấy chúng đã bỏ nơi này, bỏ hắn, mà về với rừng. Về và không bao giờ quay lại nữa. Những sớm mai, sẽ không còn ai nghe được, tiếng hót ríu rít của loài chim đỗ quyên gọi bạn. Tự nhiên mọi thứ với hắn bỗng trở thành xa lạ và buồn hiu hắt. Hắn lôi bộ quần áo bệnh của cô, đã cất trong hốc cây đêm nào, cuộn nhỏ lại, nhét vào trước ngực sau áo. Hắn đã có cô, vẫn còn cô ở trong người. Hắn sẽ mang cô về, về với vùng trời của hắn. Ngoài nơi đó, cô có là gì của thiên hạ cũng không liên quan gì tới hắn!
Hắn nhìn cánh cổng và tay bảo vệ sáng đang chờ hắn tới thay thế. Hắn dắt xe ngang qua mặt gã và... không dừng lại. Ngày mai, cây me già sẽ trơ trọi vì thiếu những người bạn, Đỗ quyên và... hắn!
Hắn chạy chậm. Giờ này không còn sớm, ngoài đường đã thưa người. Bóng đêm đổ ụp xuống những con đường. Sáng tối nhập nhoạng. Hắn chui vào dòng xe cộ, không nhìn ai, không thấy ai, người hắn trôi về phía trước. Những chiếc xe vụt xuống, vụt lên, chập chờn chung quanh hắn như những bóng ma. Có ai đó, mang hắn đi và đi, rồi dừng lại ở một nơi, tình cờ thành quen thuộc đêm nào. Chỗ ngồi trên bậc thềm cũ bỏ trống. Hồ Con Rùa vắng tanh. Gió thổi nhẹ, vài chiếc lá rơi ngang mặt, đậu lại trên áo. Hình như trời vẫn còn thu. Mùa thu lần quẩn trong hắn. Mùa thu chưa qua, lá vẫn còn vàng, mà cánh chim Đỗ quyên đã vội vã rời xa. Hắn lắc đầu, lẩm bẩm một mình: “Làm gì có thu, làm gì có tiếng chim quyên nào...”.
Trong đám tang của cô, lúc xếp dọn đồ đạc, lẩn trong những bộ quần áo thời trang lộng lẫy, người ta thấy một chiếc áo khoác cũ đã bạc màu, được xếp cẩn thận, bên dưới cái váy màu đen trắng. Cái áo khoác đàn ông...
N.Đ.H
(TCSH371/01-2020)
NGUYỄN XUÂN HOÀNGĐêm dường như đã xuống từ lâu lắm. Chỉ nghe lao xao tiếng nước suối chảy như một khúc đàn cầm. Nguyễn ngồi một mình trong thư phòng. Đôi cánh tay dài quá gối để hờ hững lên thành ghế tựa được làm từ mây rừng Côn Sơn. Ông hướng đôi mắt sâu thẳm nhìn xoáy vào bóng rừng chập chùng một màu đen nhức mắt. Xa lắc trên cao vầng trăng thượng huyền nhỏ và mỏng như một nét mày duyên nợ.
VÕ THỊ XUÂN HÀTặng cậu tôiTập truyện thứ X bộ truyện "Những trang viết lạ" vừa phát hành, nhiều người đã gọi điện đến hỏi, cái truyện ngắn "Chuốc mấy nậm trường" moi ở đâu ra vậy? Tác giả Trần Sao là ai vậy? Nghe chừng có vẻ là tay viết trẻ mới xuất hiện? Hay thằng cha nhà văn nào chán đời núp bóng tên con để xả sú?
HOÀNG NHẬT TUYÊN(Chùm truyện ngắn mini)
PHẠM XUÂN PHỤNG(Tặng Hoạ sĩ Trần Hữu Nhật)Hắn là một hoạ sĩ.Gay cấn hơn, hắn còn là một hoạ sĩ trẻ!
XUÂN ĐÀIChúng tôi làm việc cho ông Gofhua-Marino đến nay đã là 12 năm 3 tháng. Ông người Mỹ này tuyển người không giống ai. Quảng cáo vỏn vẹn có mấy dòng trên báo: Cần hai chuyên viên giúp việc, tuổi từ bốn lăm đến năm lăm, viết và nói tiếng Anh, tiếng Pháp, thông thạo...
HƯƠNG LAN(Tặng mẹ)Mẹ tôi mất trong một lần sinh khó. Mấy tháng sau, đứa em gái bất hạnh của tôi cũng không sống nổi vì thiếu sữa mẹ. Năm ấy tôi mới được sáu tuổi. Rồi thầy tôi (tôi gọi cha bằng thầy) đi thêm bước nữa. Cũng như những phụ nữ muộn chồng khác, người mẹ kế của tôi tính tình luôn cau có khó chịu, hình như đó là tâm lý chung của họ.
NGUYỄN TRƯỜNGMưa. Màn mưa giăng giăng trắng đục cả bầu trời. Mưa dầm dề suốt tháng không có lấy một ngày tạnh ráo.Trong ngôi nhà gỗ ba gian tối tăm ẩm ướt những giọt nước mưa từ nóc cứ men theo đám rui mèn đã rũ mục rơi tí tách xuống nền nhà thành từng đám loang lổ nom đến chối mắt.
NGUYỄN KHẮC PHÊSân ga ngày giáp Tết đông đúc và huyên náo khác thường. “Tàu S3 xin đường rồi!” Tiếng ai đó thốt lên. Thế là đám người trên sân ga như được tiêm thuốc kích thích. Trước hết là các chàng xe thồ, xích lô, rồi người đưa kẻ đón chạy qua chạy lại, í ới gọi nhau.
NGUYỄN THỊ LÊ NA Chiếc Suzuki chồm lên trên con dốc ngoằn nghoèo ghồ ghề đất đá. Người đàn ông cố giữ lấy tay lái dù vậy vẫn không tránh khỏi quệt vào đám cây cỏ dại ven đường. Xe chạy chậm dần và dừng hẳn trước ngôi nhà tranh thấp lè tè nép bên ngọn đồi heo hút. Người đàn ông khoác chiếc túi xách căng phồng rồi đi thẳng vào nhà vừa lúc ánh chiều sắp tắt.
VIỆT HÙNGChuyện ghen tuông của phụ nữ ư? Có gì lạ đâu nhỉ? Vậy mà lúc nào cũng có thể trở nên những câu chuyện thời sự nóng hổi. Người ta túm năm tụm bảy; người ta quên ăn quên uống, quên cả công việc, nhiều khi cũng chỉ để ngồi mạn đàm tào lao quanh chuyện ghen bóng gió của ả A hoặc ả B nào đó.
NGUYÊN QUÂN Chiếc roi mây lên nước thời gian bóng loáng, vẫn im lìm trên vách tường ố vàng màu vôi cũ. Chính sự im lìm của nó đã vô tình làm hằn lên số phận tôi một chuỗi dài bấp bênh cay đắng... Thầy ơi! nếu ngày xưa thầy cứ nhẫn tâm quất xuống, dù chỉ một roi thôi thì giờ đây cuộc đời đâu thể quất lên người con lắm vết đau xé bầm tím...
DƯƠNG QUYẾNHuệ là một hoa khôi. Đài các, cao sang, quí tộc, tài năng, giàu có và hoang dã. Đó là nét đẹp trời sinh ban phát cho nàng.Huệ học rộng, đủ chất "cầm kỳ thi họa". Bốn môn cổ xưa ấy, môn nào Huệ cũng xuất sắc. Cô đỗ hai bằng đại học sử học, vi tính. Ngoài ra, cô còn đoạt luôn một bằng tiếng Anh tại Anh Quốc.
VŨ QUỲNH HƯƠNGLGT: Vũ Quỳnh Hương, tên thật là Nguyễn Vũ Quỳnh Hương, sinh năm 1957 tại Huế, hiện sống và làm việc tại San Jose, California (Hoa kỳ), đã có nhiều sáng tác thơ, văn trên các tạp chí Văn, Văn học và nhiều tuyển tập thơ văn ở hải ngoại. Tiêu biểu trong số đó là CUNG THỨC CÙNG THƠ MỘNG (thơ, in chung với Trân Sa, Lê Thị Huệ), MIỀN VĨNH PHÚC (truyện vừa)...
TRẦN THÙY MAIChúng tôi đến bản Tok, trời đã quá trưa. Người bản làm nương chưa về.. Dưới giàn bí, cô gái bản nằm ngủ hồn nhiên trên chiếc võng.
HỒNG NHU1.Ở độ cao ngọn núi trên một nghìn mét này, trong rừng sâu có lẽ chưa ai bước chân tới, dưới gốc một cây trâm già to cỡ hai người ôm tỏa bóng vòm hình thang chéo mỗi khi mặt trời chiếu thẳng góc, có một túp lều nhỏ lợp bằng tranh săng đã cũ trông như một cái nơm úp chụp xuống đất.
TRẦN THÙY MAIKhi mới vào tu học, tôi được giao chăm sóc vườn hoa trước chùa. Tên vườn là Vô Ưu, nghĩa là không phiền não. Vậy mà tôi đã bắt đầu ưu phiền từ đó. Tiết mạnh xuân, thầy tôi cho dựng thêm mấy nếp nhà cỏ men hồ. Đệ tử dạo này đã hơn mười người, phải có chỗ để tĩnh tâm, tụng niệm. Mỗi nếp nhà được đặt một cái tên. Nhà tôi ở ngay bên khóm hoa súng tím, gọi là Lăng Hoa Cốc.
DƯƠNG ĐỨC KHÁNHCho đến thời buổi này, cái chợ làng Thanh vẫn đông một khúm lèo tèo dưới tán cây sen cổ thụ vào buổi chiều xế. Vẫn làng tàng, xập xệ như cái tên gọi xưa nay: Chợ Kệ!. Cái tên chẳng ăn nhập gì đến tên làng, tên đất nhưng nó gắn liền với bản chất xuề xòa, nhân hậu của những lớp người quê bao đời nghèo khó.
LINH CHI Quê Hoàng, một làng quê chiêm trũng miền Trung, đẹp và yên bình. Hoàng rất yêu quê nhà không chỉ bởi vì đó là nơi chôn nhau cắt rốn, mà bởi đó còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ hoang tưởng non nớt thuở xa xôi của Hoàng.
NGUYÊN QUÂNNhững buổi chiều nắng ráo, gã thường ra ngồi ở đây, dọc theo hai triền sông, nở đầy những bông hoa dại - loài hoa vươn dài, xòe những chiếc lông màu tím như cái đuôi chồn. Trong bóng chiều dần dần ngả màu tối, gã vẫn ngồi ngắt từng cánh... từng cánh hoa ném xuống dòng sông.
VĂN ANMặt trời đã khuất sau rặng núi xa xa, bầu trời chỉ còn sót lại những vệt sáng yếu ớt như những chiếc nan quạt hắt lên từ phía chân trời.