Đình trong phố - còn và mất

16:04 29/09/2015

Văn hóa đình làng từng có một vị trí hết sức quan trọng trong cộng đồng người dân sống ở chốn kinh kỳ Thăng Long - Kẻ Chợ xưa kia. Theo thống kê, ở khu phố cổ hiện nay vẫn còn hơn 60 ngôi đình trong tổng số 112 công trình tôn giáo tín ngưỡng từng có tại đây. Số phận những ngôi đình đó giờ ra sao, trong thời buổi kinh tế “mặt tiền thành tiền mặt”?

Đình Cổ Vũ (85 Hàng Gai) thờ thần Bạch Mã và thần Linh Lang còn giữ được cây đa cổ thụ trước cửa. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Một thời vàng son

Khu phố cổ được hình thành từ hệ thống các bến chợ nằm xen lẫn với các làng nông nghiệp. Theo dấu vết của những bản đồ cổ về Hà Nội, có thể thấy rất nhiều ao hồ, kênh rạch với các công trình tín ngưỡng như đình, chùa, đền cũng đã được xây dựng xung quanh đó. Ngôi đình làng trở thành một trung tâm không thể thiếu trong không gian của các cộng đồng làng nghề quần tụ với nhau trong suốt nhiều thế kỷ. Chức năng chính của các ngôi đình trong khu phố cổ là thờ thành hoàng - vị thần bảo hộ cho người dân trong khu vực. Có nhiều ngôi đình thờ chính các vị thần được tôn vinh là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long như thần sông Tô Lịch, thần rừng Thiết Lâm...; lại có những ngôi đình thờ nhân thần là các vị vua, vị quan hay những người có công cai quản, trị vì đất nước như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, vua Lê Lợi, đại thần Nguyễn Trung Ngạn hay tướng quân Trần Lựu... Ngoài ra, một phần rất lớn các ngôi đình được lập nên để thờ tổ nghề của các làng nghề tứ trấn lên đất kinh thành lập nghiệp.

Đến nay, còn nhiều ngôi đình thờ tổ nghề nổi tiếng vẫn còn giữ được như đình Hàng Quạt (thờ tổ nghề quạt), đình Lò Rèn (thờ tổ nghề rèn), đình Kim Ngân (thờ tổ nghề vàng bạc), đình Hoa Lộc Thị (thờ tổ nghề nhuộm vải), đình Hà Vĩ (thờ tổ nghề sơn), đình Tú Thị (thờ tổ nghề thêu), đình Trang Lâu (thờ tổ nghề mộc), đình Hàng Thiếc (thờ tổ nghề thiếc), đình Kiếm Hồ (thờ tổ nghề vôi), đình Phả Trúc Lâm (thờ tổ nghề da), đình Hài Tượng (thờ tổ nghề giấy), đình Nhị Khê (thờ tổ nghề tiện)... Các ngôi đình thờ tổ nghề đó đã trở thành ngôi nhà chung, nơi kết nối, hội tụ những người cùng họ tộc, quê quán, góp phần tăng thêm tính gắn kết của các mối quan hệ cộng đồng.

Về mặt chức năng, các ngôi đình trong khu phố cổ vẫn thờ Thành hoàng, thờ tổ nghề… nhưng có thể nhận thấy, về mặt vóc dáng qui hoạch kiến trúc và cấu trúc không gian, chúng lại có những đặc điểm hết sức khác biệt so với những ngôi đình truyền thống ở các vùng quê Bắc Bộ.

Nhìn chung, các ngôi đình đều không có hồ nước cũng như sân đình rộng rãi trước mặt. Do đặc điểm của đô thị nên các ngôi đình thường có hình ống đặc trưng, diện tích hạn chế với mặt tiền nhỏ hẹp. Tuy vậy, theo điều tra nghiên cứu, cũng như qua lời kể của các thủ từ, nhiều ngôi đình đều có hướng quay mặt về phía sông, hồ hay nguồn nước đã từng tồn tại trước kia.

Không những bị thu hẹp về qui mô, giản lược về cấu trúc mà nghệ thuật kiến trúc, trang trí của các ngôi đình làng trong phố cổ cũng không quá đặc sắc ở mức tuyệt tác như nhiều ngôi đình ở miền quê (như Đình Bảng, Tây Đằng, Chu Quyến). Tuy nhiên, sự khéo léo, tinh xảo của nghệ thuật chạm khắc dân gian vẫn còn lưu dấu rất đậm nét trên các bức cửa võng, cuốn thư, hương án cũng như trên các chi tiết kết cấu mái gỗ của đình. Có lẽ chính sự hài hòa giữa tỷ lệ ngôi đình với kích thước của thế đất cũng như các công trình kiến trúc phố phường xung quanh mới là yếu tố tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng của khu phố cổ.

Muôn kiểu biến hình

Hiện nay, trong quá trình đô thị ồ ạt, cộng với hệ quả từ những bất cập trong quản lý, việc duy trì và gìn giữ không gian kiến trúc cũng như chức năng gốc của những ngôi đình gặp không ít khó khăn. Một vấn đề lớn mà các công trình truyền thống, trong đó có những ngôi đình, đang phải đối mặt là sức ép về mặt dân số, nhu cầu về nhà ở, nhu cầu mở rộng kinh doanh của cư dân phố cổ.

Trong quá trình thực hiện dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, tôi đã chụp bộ ảnh ghi lại hiện trạng mặt tiền các ngôi đình trong khu phố cổ. Quá trình đó diễn ra trong một thời gian dài và giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về câu chuyện của những ngôi đình và lịch sử của thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Tôi đã chụp được hiện trạng của hơn 60 ngôi đình trong phố cổ, trừ một số ít ngôi đình thực sự vẫn giữ được vẻ cổ kính xưa kia, phần lớn các ngôi đình còn lại đã bị biến đổi hình thù và công năng. Có ngôi đình chỉ còn lại một phần trên tầng hai, có ngôi đình chỉ còn lại phần hậu cung, hoặc có ngôi đình đã bị gộp chung vào không gian của đền, chùa. Sự biến hình của những ngôi đình trong phố cổ, có lẽ nếu không thực hiện dự án nghệ thuật này, tôi cũng khó mà hình dung ra được muôn vàn hình trạng của nó.

Phần lớn các ngôi đình đã bị biến đổi hình thù và công năng. Có ngôi đình chỉ còn lại một phần trên tầng hai, có ngôi đình chỉ còn lại phần hậu cung, hoặc có ngôi đình đã bị gộp chung vào không gian của đền, chùa. Chỉ còn khoảng hơn 20 ngôi đình có thể nhận ra bằng mắt thường với những dấu hiệu về kiến trúc cổ đặc trưng, còn phần lớn đã thay hình đổi dạng thành những ngôi nhà tư, thành trụ sở này hay cơ quan nọ...
Chỉ còn khoảng hơn 20 ngôi đình có thể nhận ra bằng mắt thường với những dấu hiệu về kiến trúc cổ đặc trưng, còn phần lớn đã thay hình đổi dạng thành những ngôi nhà tư, thành trụ sở này hay cơ quan nọ... khó mà tưởng tượng ra hình dáng thuở ban đầu của chúng nữa. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về chỗ ở sinh hoạt buôn bán ngày càng gia tăng, không gian của đình - những ngôi nhà chung - bỗng trở thành những vị trí đắc địa, béo bở, nhất là khi nền kinh tế đô thị của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi mô hình “kinh tế vỉa hè, mặt phố”, “mặt tiền thành tiền mặt”… Những hậu quả từ chính sách di dân và phân phối nhà cửa thời bao cấp, cộng với giá trị kim tiền gia tăng chóng mặt thời hậu Đổi mới đã trở thành những cơn sóng dữ, liên tiếp tấn công, xâm thực nốt những di sản còn sót lại của một thời.

Rất nhiều lần trong quá trình tiến hành dự án, tôi cảm thấy chán nản và vô vọng khi những mảnh vỡ từ quá khứ ngày càng trở nên mờ nhạt trước sự xâm chiếm hết sức mạnh mẽ và áp đảo của “hiện thực đời sống”. Tôi có cảm giác như mình vừa phải chạy đua với thời gian trước sự tan biến nhanh chóng của những dấu vết cổ còn sót lại, vừa phải “khéo léo” ứng xử để những người dân sinh sống ở các địa chỉ đó không quá “để ý” đến công việc “nghiên cứu” của mình. Nhiều lần, ở những địa chỉ như đình Hà Vĩ (phố Hàng Hòm), đình Lò Rèn (phố Lò Rèn), đình Tú Thị (phố Yên Thái)..., “quần chúng nhân dân” tỏ ra hết sức dò xét khi tôi cố gắng tiếp cận thông tin với chiếc máy ảnh trên tay. “Đi đi, đóng cửa rồi!”, “Chụp ảnh làm gì thế?”, “Có việc gì, mùng Một hay Rằm hẵng quay lại” là những câu tôi thường được nghe từ những người dân sinh sống bán hàng trước cửa và trong đình. Thực tế, ở nhiều ngôi đình thờ tổ nghề còn sót lại, các hộ dân hiện diện và bành trướng khắp nơi, rất khó để tìm một lối đi lách vào phía trong đình nếu không có sự hợp tác từ phía họ.

May mà vẫn còn những điểm sáng

Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng lại thấy được một số tín hiệu đáng mừng từ những khảo sát của mình... Chẳng hạn, trong quá trình điền dã lấy tư liệu, tôi đã may mắn gặp được những người trông giữ đình tốt bụng muốn chia sẻ những hiểu biết, thông tin quý giá của họ. Cụ thể như ở đình Thanh Hà (số 10 Ngõ Gạch, một ngôi đình có tuổi đời thuộc dạng cổ nhất thờ tướng quân Trần Lựu), hay đình Bích Lưu (18 Thợ Nhuộm)..., tôi đã được cung cấp thêm những tài liệu quý để xác thực cũng như được nghe thêm những câu chuyện về lịch sử của những ngôi đình. Cụ ông trông đình Bích Lưu đã dẫn tôi ra 66 Hai Bà Trưng (trước là đình Bích Du, nay trở thành một cửa hàng chuyên bán đồ loa đài điện tử) và 33 phố Thợ Nhuộm (trước đây không lâu còn là đình Anh Mỹ), để kể cho tôi nghe câu chuyện về những người dân làng Lưu Truyền, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, mấy trăm năm trước đã lên đất Kẻ Chợ lập phường nghề nhuộm như thế nào.

Bên cạnh đó, tôi được biết, hơn 10 năm qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã cùng với thành phố kết nghĩa Toulouse của Pháp lập kế hoạch cải tạo trùng tu phục hồi nguyên trạng một số ngôi đình trong phố cổ hết sức công phu như đình Đồng Lạc (Hàng Đào), đình Đông Thành (Hàng Vải), đình Phả Trúc Lâm (Hàng Hành), đình Kim Ngân (Hàng Bạc), đình Quán Đế (Hàng Buồm)... Không những thế, hoạt động văn hóa nghệ thuật như hát chầu văn, triển lãm thư pháp, triển lãm nghệ thuật sắp đặt... mang sắc thái vừa hiện đại vừa truyền thống cũng bắt đầu được đưa vào những ngôi đình đó, làm cho không gian đình làng trở lại là trung tâm văn hóa cộng đồng. Đình Quán Đế hiện giờ còn là trung tâm cung cấp thông tin về di sản trong phố cổ.

Có lẽ đó chính là một số điểm sáng trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đó có không gian văn hóa đình làng trong phố cổ. 

Theo Nguyễn Thế Sơn* - Tia Sáng

---------------------
* Tác giả bài viết đã tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh Nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Trung ương, Bắc Kinh; hiện giảng dạy tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Một số triển lãm thời gian gần đây của anh về Hà Nội, gắn kết những ký ức trong quá khứ của thành phố với nhịp sống đang dần thay đổi của hiện tại, thu hút rất nhiều sự quan tâm của công chúng như: Hà Nội - một bảo tàng sống (tháng 5-6/2015), Nhà Tây biến hình (tháng 10/2013), Nhà mặt phố (tháng 3/2012).  

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN NHÃ TIÊN                         Bút ký"Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ. Hưng tộ diên trường ức vạn xuân". Nghĩa là: đất nước Hồng Lam sau ta năm trăm năm sẽ là một thời kỳ hưng thịnh vạn mùa xuân.Không hiểu những tương truyền về "sấm ký" Trạng Trình "ứng nghiệm" đến dường nào, đâu là nguyên bản và thực hư ra sao? Có điều, chúng tôi đang viếng thăm làng quê Trung Am xã Lý Học huyện Vĩnh Bảo - quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đúng vào cái khoảng thời gian "sau năm trăm năm" ấy, và nhất là vào giữa cái kỳ gian mà đất nước đang từng ngày" Hưng tộ diên trường ức vạn xuân".

  • TRẦN HOÀNGTrong tiếng Việt, từ "Văn vật" là một từ thuộc nhóm từ gốc Hán và cùng tồn tại song song với các từ: Văn hoá, Văn hiến, Văn minh. Người xưa thường dùng từ này để nói, viết về truyền thống văn hoá của một vùng đất, hoặc của một địa phương. Chẳng hạn, lâu nay, cư dân đồng bằng Bắc bộ đã có câu: "Thăng Long là đất ngàn năm văn vật". Song có lẽ từ "Văn vật" xuất hiện nhiều nhất trong các cụm từ "làng văn vật", "danh hương văn vật". Điều này cho thấy từ xa xưa, tổ tiên ta đã rất quan tâm đến "văn hoá làng" và "làng văn hoá".

  • TÔ VĨNH HÀTrong lịch sử loài người, có những bức tranh, những pho tượng lấp lánh toả ánh hào quang lặng im của chúng trong sự lâu bền của năm tháng. Có những ký ức có thể thi gan cùng vĩnh cửu. Nhưng có lẽ, ngôn từ có sức mạnh riêng mà không một thách thức nào, dù là của không gian hay thời gian có thể làm nhạt nhoà những âm vang của nó. Tất nhiên, một khi nó đã đi vào trái tim và khối óc của con người. 1034 chữ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một trong những áng ngôn từ có sức sống bền vững với thời gian như thế.

  • TRẦN QUỐC TOẢN Tôi sinh ra và lớn lên giữa làng Hến bé nhỏ bên bờ sông La xã Đức Tân (tức Trường Sơn ngày nay) huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh. Qua sự nhọc nhằn của cha, vất vả của mẹ đã đút mớm cho tôi từng thìa nước hến, bát cháo hến để rồi tôi lớn dần lên.

  • HỒ TƯNằm trên dải cát ven phá Tam Giang, từ xưa làng tôi cũng đã có một ngôi đình. Đến năm 1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân triệt phá ngôi đình để tránh cho Tây khỏi làm nơi trú đóng.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Đất nước ta, miền Bắc và miền nối liền nhau bằng một dải đất dài và hẹp gọi là miền Trung. Dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới phía Tây như một cột sống vươn những chi nhánh dài ra tận biển Đông, làm thành những đèo, trong đó hiểm trở là đèo Hải Vân.

  • PHẠM TIẾN DUẬT1.Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, khi nghiên cứu về dân tộc học, có luận điểm cho rằng, trong quá trình định cư dần dà từ Bắc vào Nam, các cộng đồng, một cách tự nhiên, hình thành từng vùng thổ âm khác nhau.

  • PHAN THUẬN AN.Nhiều người từng đến Lăng Cô hoặc nghe nói đến địa danh Lăng Cô, nhưng ít ai biết rằng vua Khải Định là người phát hiện ra khu du lịch nghỉ mát này.Có thể nói vua Khải Định là ông vua thích du lịch nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn (1802- 1945). Trong đời mình, nhà vua đã đi du lịch nhiều nơi tring nước và cả nước ngoài nữa.

  • Thiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.

  • Anh tôi đang giàu lên với nghề nuôi rắn độc, bị con hổ mang hỏi thăm vào tay. Mấy tiếng đồng hồ cáng tắt qua các cánh rừng đến bệnh viện huyện được cứu sống, nhưng vết thương bị hoại tử, hơn tháng sau mới xuất viện, tiêu tốn hơn chục triệu. Năm sau anh tôi lại bị chính con hổ mang ấy hỏi thăm ở tay kia. Lần này thì tôi đánh xe đi mời thầy thuốc rắn bản Lúng.

  • Đó là làng Lệ Mật thuộc xã Việt Hưng, (thị trấn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Làng này có nghề nuôi bắt rắn, tới nay đã qua 900 năm.

  • Các hoàng đế nước Việt xưa phần lớn giỏi chữ Hán, biết thơ văn, trải Lý, Trần, Lê, Nguyễn đời nào cũng có các tác phẩm ngự chế quý giá. Nhưng tất cả các tác phẩm ấy đều nằm trong quỹ đạo Nho Giáo, dùng chữ Hán và chữ Nôm để diễn đạt cảm xúc về tư tưởng của mình.

  • "Sang Xuân ta sẽ ăn Tết khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng".     Vì sao vua Quang Trung dám tuyên bố cả quyết như trên trước mặt ba quân? Tất cả bí mật của cuộc hành binh khôi phục Thăng Long đều được "gói trọn" trong một chiếc bánh chưng.

  • LGT: Nhà văn Thái Vũ với những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như Cờ nghĩa Ba Đình, Biến động - Giặc Chày Vôi, Huế 1885... nay đã gần 80. Tuổi già sức yếu song ông đã hoàn thành tập Hồi ức, gồm 4 phần dày dặn. Trong đấy phần II: HUẾ - QUẢNG NGÃI VÀ LK5 là những trang hồi ức đầy “xốn xang” trước và sau CM tháng Tám.Sông Hương xin trích đăng một phần nhỏ gửi tới bạn đọc nhân kỷ niệm ngày CM tháng Tám thành công và Quốc khánh 2 – 9. 

  • Nếu kể cả những công trình nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử có đề cập đến các địa danh ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì xưa nhất phải kể đến “ Ô Châu cận lục” của Dương Văn An đời Mạc chép về sông núi, thành trì, phong tục của  xứ Thuận Quảng, từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Kế đến là “ Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn tập hợp những tài liệu về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa trong thời gian làm đô đốc xứ Thuận Hóa cuối thế kỷ 18.