Điếu văn tại lễ truy điệu nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Lợi

09:41 03/06/2008
Hôm nay, cùng với bà con thân quyến nghệ sĩ lão thành Nguyễn Khoa Lợi, các nghệ sĩ nhiếp ảnh và những người hoạt động Văn học Nghệ thuật ở Thừa Thiên-Huế họp mặt tại căn nhà phố Hàn Thuyên - nơi từng in dấu chân nhiều thế hệ nhiếp ảnh Huế, để tiễn đưa nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khoa Lợi (NSNANKL) đến nơi an nghỉ cuối cùng với lòng tiếc thương vô hạn.

NSNANKL sinh ngày 15 tháng 7 năm 1907 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình viên chức dòng dõi họ Nguyễn Khoa nổi tiếng, từ tuổi thanh xuân, chàng thanh niên Nguyễn Khoa Lợi đã sớm có thiên hướng nghệ sĩ, say mê tìm đến cái đẹp và lấy việc đem cái đẹp đến cho mọi người làm niềm vui của cuộc đời mình. Những năm vào sống với người chú làm canh nông ở Quảng Ngãi, rồi có dịp theo chân một chuyên gia địa chất đến nhiều vùng đất nước, sang cả hai nước Lào và Căm-pu-chia, vẻ đẹp của cuộc sống, sự kỳ diệu của tạo hóa đã cuốn hút chàng trai họ Nguyễn Khoa, đưa chàng tìm đến với nghệ thuật nhiếp ảnh - bộ môn nghệ thuật có phép mầu nắm bắt được những khoảnh khắc đặc biệt của vạn vật và lưu giữ nó cho muôn đời sau.
Với niềm say mê ấy, cộng với công phu tìm tòi nghiên cứu qua sách vở, chàng thanh niên họ Nguyễn Khoa đã trở thành nhà “phô tô” nổi tiếng ở đất kinh kỳ. NSNANKL là “chủ soái” của nhóm các nghệ sĩ nhiếp ảnh cự phách ở Huế gồm Tôn Thất Dung, Lê Quang, Trần Nguyên Cáo, Võ Viết Đức... Có thể nói, đây là tiền thân của Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên-Huế hiện nay. Điều đặc biệt, ông đến với nhiếp ảnh như là một thú chơi - một thú chơi tao nhã mà công phu và có ích cho mọi người, chứ không phải là một nghề kiếm sống, tuy rằng có thời gian ông đứng tên mở hiệu ảnh Hương Mỹ trước Khách sạn Hương Giang. Ông mở hiệu ảnh, chủ yếu là thực hiện lời hứa với anh Nguyễn Hải Châu (em ruột nhà lý luận mác-xít nổi tiếng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn) giúp chị Dung - vợ anh, nuôi con sau khi anh Hải Châu rời Huế đi kháng chiến. NSNANKL còn có những đóng góp vào việc trùng tu các di tích ở Cố đô Huế, khi ông vào làm việc ở Ty Kiến thiết Thừa Thiên trong khoảng từ năm 1950 đến 1963. Nhiều bức ảnh đẹp về phong cảnh và di tích ở Thừa Thiên-Huế như Tùng Thế miếu, Túy Vân vọng cảnh, Lăng Tự Đức, Lăng Cô, Bạch Mã...vân vân đã được ông chụp trong thời gian này.
Sau ngày Huế được giải phóng, tuy tuổi đã cao sức yếu, NSNANKL vẫn hăng hái tham gia các hoạt động Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh, cùng các bạn trẻ trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, đi thực tế sáng tác tận những vùng xa như Cửa Tùng ( Bến Hải), nông trường Tân Lâm... thường xuyên có tác phẩm đăng trên Tạp chí Sông Hương.
Hơn nửa thế kỷ lao động sáng tạo, NSNANKL đã tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước, từng được giải thưởng ở Osaka Nhật Bản, hai Huy chương vàng và một Huy chương bạc tại các cuộc triển lãm trong nước. Với những cống hiến đặc sắc cho nền nghệ thuật nhiếp ảnh của Thừa Thiên-Huế cũng như của cả nước, năm 1997, ông đã được Uy ban toàn quốc các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương cao quý “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật”.
Cho đến những năm cuối đời, khi đã ngoài 90 tuổi, niềm say mê nghệ thuật nhiếp ảnh của ông vẫn không vơi cạn. Trong trận lũ lịch sử năm 1999, hầu hết bộ sưu tập phim ảnh quý giá của ông đã bị nhấn chìm trong nước bạc. Cùng với con cháu trong gia đình, ông đã hết lòng chăm lo cứu vớt, phơi phong từng tấm ảnh, từng thước phim ghi dấu những chặng đường nghệ thuật của mình. Thật may mắn là “tiếng lành đồn xa”, “hữu xạ tự nhiên hương”, nhà nghiên cứu và sưu tầm nhiếp ảnh Pháp François Salem đã tìm đến căn nhà nhỏ ở phố Hàn Thuyên này, giúp ông “phục chế” những thước phim quý giá đã bị ố vàng vì nước lũ. Có thể nói đây là niềm vui lớn, là liều thuốc thần diệu đã giúp ông sức sống vượt qua giao thừa thế kỷ và khi được tin 59 bức ảnh được in ra từ những thước phim vớt lên từ nước lũ ấy triển lãm tại Pháp tháng 4 năm 2001, rồi được tận mắt thấy cuốn sách ảnh in từ Pháp gửi sang, ông đã nở nụ cười mãn nguyện.
Như vậy là cùng với những tác phẩm đã in trên Tạp chí Sông Hương, cuốn sách ảnh của NSNANKL vừa được hai người bạn Pháp giúp hoàn thành đã biến những khoảnh khắc kỳ diệu của cuộc sống mà người nghệ sĩ nắm bắt được trên những chặng đường lãng du của mình thành những giá trị văn hóa vĩnh cửu. Nhưng cũng như mọi người, cuộc đời người nghệ sĩ là hữu hạn. Do tuổi đã cao, sức yếu, NSNANKL đã từ trần hồi 16 giờ 15 phút ngày 14 tháng 10 năm 2001, tức ngày 28 tháng Tám Tân Tỵ, hưởng thọ 94 tuổi.
Một tuần qua, tin nghệ sĩ lão thành Nguyễn Khoa Lợi từ trần đã gây niềm xúc động sâu sắc tới bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với các cơ quan và bạn bè thân thuộc ở Huế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từ Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh Thành phố Đà Nẵng, nghệ sĩ Đào Hoa Nữ từ Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi vòng hoa đến viếng NSNANKL.

Bác Nguyễn Khoa Lợi ra đi, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thừa Thiên-Huế mất một hội viên lão thành, một người thầy, một người bạn đáng kính, gia đình mất một người chồng - người cha -người ông - người cố vô vàn thân thiết. Bác Nguyễn Khoa Lợi ra đi, nhưng tấm gương lao động nghệ thuật và những tác phẩm mẫu mực của bác còn mãi với các thế hệ mai sau.
Xin phép được thay mặt anh chị em nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo bạn bè văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên-Huế cầu chúc bác thanh thản về nơi an nghỉ cuối cùng và một lần nữa, xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình NSNANKL.

(Sau đây là phút mặc niệm...)

(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế) được Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi danh là di sản tư liệu thế giới, ngày 08/5/2024.

  • Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Sáu. Hội viên nhiếp ảnh quốc tế FIAP, nguyên chi hội trưởng chi hội NSNA-VN Thừa Thiên Huế, hội viên hội VHNT-TT. Huế, cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Sông Hương.


  • Văn Đình Huy - Hoàng Phước


  • Lê Đình Hoàng - Ngô Thanh Minh


  • Ngô Thanh Minh - Phạm Bá Thịnh

  • NGUYỄN MINH HÒA

    Nguyễn Minh Hòa là một tay máy trẻ thuộc thế hệ 8X ở Huế. Tác phẩm của Hòa từng tham gia các triển lãm ảnh khu vực Bắc miền Trung. Anh có một sự say mê đặc biệt dành cho macro photography.

  • NGUYỄN XUÂN HOA

    Do đặc điểm của vị trí địa chính trị là cửa ngõ nhìn ra biển Đông, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có điều kiện tiếp cận rất sớm với nghệ thuật nhiếp ảnh.

  • DO YÊN

    Hoa đăng, biểu tượng trí huệ trong quan niệm nhà Phật, từ lâu đã tồn tại trong sinh hoạt văn hoá tâm linh của xứ thần kinh.

  • LÊ VIỄN PHƯƠNG  

    Tuy văn chương và nhiếp ảnh mỗi lĩnh vực đều có cách tư duy nghệ thuật riêng biệt, được thiếp lập trên những phương tiện, chất liệu riêng biệt nhưng giữa chúng có điểm chung đó là đều thể hiện được cái nhìn của người nghệ sĩ về con người, về cuộc đời, về thế giới khách quan và thế giới chủ quan.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Một người Huế là ông tổ của nền nhiếp ảnh Việt Nam   
    Ngày 14/3/1869 là dấu mốc vàng đáng nhớ của lịch  sử nhiếp ảnh Việt Nam khi cụ Đặng Huy Trứ khai trương  hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà (Hà Nội). 

  • PHẠM VĂN TÝ

    Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế đến nay đã trải qua chặng đường gần 30 năm hình thành và phát triển. Thuở ban đầu chỉ là những bước đi chập chững, số lượng hội viên đếm được trên đầu ngón tay, đến với nhau bằng tình yêu nghệ thuật nhiếp ảnh đơn thuần, tự mày mò nghiên cứu, trao đổi học tập, sáng tác và triển lãm.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng và người nghệ sĩ nhiếp ảnh được mệnh danh là “người vẽ ánh sáng”.

  • HOÀNG HỮU TƯ

    Ngày đầu nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam chủ yếu là chụp ảnh chân dung con người, mục đích phục vụ cho vua quan sau đó lan rộng đến tầng lớp giới thượng lưu. Giữa thế kỷ 20 những người cầm máy đã có xu thế hướng ống kính vào thế giới tự nhiên.

  • PHẠM BÁ THỊNH

    Từ vốn sống của người cầm máy
    Từ lâu nhiếp ảnh đã trở thành một loại hình nghệ thuật và cùng với những loại hình nghệ thuật khác đóng góp nhiều thành tựu tích cực vào kho tàng văn hóa nhân loại.

  • LTS: Mỗi loại hình nghệ thuật để có “sức công phá” lớn đều phải xây dựng, bồi đắp quanh mình hệ thống lý luận định hình cho phương pháp sáng tạo. Chủ nghĩa hậu hiện đại (dẫu vẫn còn nhiều tranh về sự tồn tại) đã để lại nhiều dấu ấn trong văn học, hội họa, kiến trúc,... và đã được Sông Hương đón nhận, quảng bá trong chuyên đề “Dấu ấn hậu hiện đại” vào số tháng 6/2011.

  • Huế, vùng đất màu mỡ cho thơ, nhạc, họa cùng nhiều ngành nghệ thuật khác thỏa sức sáng tạo. Năng lực dồi dào của giới nhiếp ảnh khá đông đảo ở đất Cố đô đã cho ra đời nhiều tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật cao, phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống vượt khỏi sự “chiêm nghiệm” của vùng miền, nhận nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế.

  • PHẠM BÁ THỊNH

    Bất kỳ một tác phẩm văn học nghệ thuật nào cũng có mối quan hệ hữu cơ giữa hai mặt cốt lõi là hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Đó cũng chính là mối quan hệ của cái biểu đạt và cái được biểu đạt.