Di sản mộc bản đang tiêu tán từng ngày…

15:31 14/08/2015

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Lê Quốc Việt, hoàn cảnh lịch sử cùng cách bảo tồn còn hời hợt khiến những kho mộc bản quý giá một thời đang ngày càng mai một và im lìm.

Nhà nghiên cứu/họa sĩ Lê Quốc Việt đang khắc tranh lấy cảm hứng từ phương thức in mộc bản tại Bảo tàng Văn minh Châu Á tại Singapore năm 2009. Ảnh: ACM

Với giới nghiên cứu văn bản, mộc bản có vai trò rất quan trọng bởi với một tác phẩm, mộc bản là cơ sở đối chiếu, so sánh với các phiên bản được in hoặc chép tay sau này. Mộc bản cũng giống như bản gốc của một quyển sách, là tổng hòa của nhiều giá trị. Bên cạnh những giá trị nội dung về tôn giáo, triết học, lịch sử và văn học…, nó còn phản ánh cả một nền văn minh vật chất.

Có thể chia hệ thống tàng bản1 làm ba loại: tàng bản của triều đình, tàng bản của tư nhân và tàng bản của tự viện. Do tác động của lịch sử, những tàng bản của triều đình và tư nhân đã tiêu tán. Hiện nay chỉ còn tàng bản của tự viện là được bảo vệ với số lượng tương đối lớn. Xưa nay, trong giới Phật giáo, người ta coi tàng bản là pháp bảo, bên cạnh hai vật báu khác là Phật bảo và Tăng bảo. Pháp bảo – hay những lời dạy của Phật, bao gồm kinh văn, giáo lý nhà Phật - được lưu giữ thông qua sách hoặc ván in.

Tuy nhiên, do sự dịch chuyển từ việc sử dụng chữ Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ dưới tác động của chương trình Bình dân học vụ vào năm 1945, những kinh văn, giáo lí nhà Phật hiện nay đều được viết và truyền bá bằng chữ Quốc ngữ. Vô tình điều này đã tạo ra sự lãng quên, sa mạc hóa nhiều kho tác phẩm Hán Nôm vốn một thời được coi là pháp bảo. Với đa số những người xuất gia không sử dụng chữ Hán, kho mộc bản từng rất hữu ích giờ chỉ là những di cảo đã “chết”, dùng để thờ, để bầy chứ không còn được sử dụng nữa. Thậm chí, không ý thức được giá trị của các mộc bản, qua những biến động về kinh tế-xã hội, nhiều nơi đã chẻ ra làm củi hay để mối, mọt.

Ngay cả những nhà chùa biết chữ Hán, hiểu những mộc bản mình đang lưu giữ là pháp bảo cũng không thể giúp chúng “sống” lại vì họ không còn sử dụng công nghệ in cũ. Công nghệ in mới đã dẫn đến sự phá sản của tất cả những làng nghề thủ công truyền thống từ nghề làm giấy, làm mực cho đến nghề khắc in. Vì vậy, những nghệ nhân biết khắc chữ và đóng sách theo lối cổ hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam cùng việc thiếu ý thức bảo quản và sử dụng, những mộc bản cũng như những quyển sách không bao giờ được giở cứ im lìm, bị phủ bụi và bị mối mọt khiến di sản này tiêu tán hằng ngày.

Trong bối cảnh đó, giới nghiên cứu lại được đào tạo theo kiểu “bút sắt”, thiếu mẫn cảm khi tiếp xúc với thư tịch cổ. Một hạn chế phổ biến của họ là tước văn bản khỏi bối cảnh của nó. Ví dụ, khi tìm hiểu một thư tịch cổ trong tay, họ chỉ xem tác phẩm này viết gì, tập trung phân tích về mặt nội dung chứ hoàn toàn bỏ qua nơi đã xuất bản ra nó. Tên nhà in được ghi trên các đầu sách không khiến họ tò mò về nhà in đó ở đâu, đã xuất bản những đầu sách nào, số lượng bao nhiêu, quy trình in ra sao. Bỏ quên bối cảnh trong tìm hiểu văn tự cũng giống như nghiên cứu một xác chết mà bỏ qua môi sinh của nó. Phương pháp nghiên cứu phiến diện hiện nay đã tạo ra những luận án, dự án hời hợt, chưa thực sự chạm vào những giá trị cốt tủy của di sản. Tôi e đó chỉ là cách làm đối phó trong việc bảo tồn hệ thống mộc bản. Chính vì vậy, các cơ quan, viện nghiên cứu mới chỉ bảo quản được về mặt vật thể bằng cách xây dựng những kho lưu trữ để hút ẩm, khô ráo chứ chưa tạo điều kiện để những di sản có thể phát huy những giá trị về mặt vật thể và phi vật thể, điển hình là những kĩ nghệ thủ công từng có mối quan hệ mật thiết với nguồn gốc của những mộc bản không hề được ghi lại hay bảo lưu và những người có nhu cầu nghiên cứu, yêu thích Hán Nôm cũng chỉ được tiếp cận những kho mộc bản trong các thư viện một cách hạn chế.


Hiện tại phải xác nhận một thực tế đó là, dẫu nỗ lực của Viện nghiên cứu Hán Nôm và các thư viện quốc gia, tỉnh và các tự viện có ý thức lưu giữ ván và sách nhưng hai cái đó không khớp nhau (tức là ván và sách đều thiếu, không thể tập hợp lại thành một bộ kinh nguyên vẹn). Người ta có thể phục hồi vật chất chứ không thể khôi phục được giọng văn, cách viết của thời xưa, nhất là khi những mộc bản đó lại là độc bản và thời điểm ra đời cách đây nhiều thế kỉ. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều khi tôi gặp tình trạng đau xót là tác phẩm chỉ còn lại mấy ván in (tương đương với vài ba trang sách). 

Bên cạnh đó, do không nắm được kĩ nghệ in truyền thống và cũng không tham vấn các chuyên gia, một số học giả đã trực tiếp góp phần hủy hoại những di sản vừa được tái khám phá. Họ dùng sơn phết lên những mộc bản để in lại nội dung những tác phẩm thay vì phết mực như lối cổ. Những ván in bị két sơn, không rửa được nên không thể in chữ được nữa. Kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) gồm hơn 3.000 ván in vừa được UNESCO ghi nhận là di sản ký ức đã bị hỏng hoàn toàn, không còn sử dụng được. Cách đây chưa lâu, bảo tàng của tỉnh Bắc Giang cũng áp dụng lối “in sơn” làm hỏng hơn 2.000 ván của chùa Bổ Đà. Ngoài hai kho mộc bản kể trên, kho ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và kho ở chùa Hoa Lâm (Khê Hồi, Thường Tín) cũng đã bị “phá hủy” với lối in không đúng cách.

Sự giàu nghèo của di sản là do thái độ của cộng đồng. Quan trọng nhất là tất cả các cá nhân, tập thể cần phối hợp với nhau, cảnh tỉnh, đánh động trước nguy cơ di sản biến mất và tái phục hồi chúng. Với những kĩ nghệ truyền thống, cần quay video, nghiên cứu và ghi chép cẩn thận để thế hệ sau này muốn tìm hiểu, nghiên cứu có thể dựa vào đó để phục hồi. Giống như ở các nước phương Tây, những kỹ nghệ truyền thống có thể mất đi nhưng không bị thất truyền vì chúng đều được ghi chép lại cẩn thận. Giới nghiên cứu hoàn toàn có thể căn cứ vào hình ảnh, phim tư liệu, diễn giải để khôi phục lại một kỹ nghệ. Hơn nữa, các nghiên cứu và tư liệu nên được công bố cho những người có nhu cầu nghiên cứu tiếp cận chứ đừng để chúng bị “biển thủ” thành tài sản của cá nhân hoặc cơ quan. Bên cạnh đó, không nên nghĩ rằng, việc gìn giữ di sản là việc của những cơ quan bảo tồn, lưu trữ, việc của ngành tôn giáo mà bất cứ ai cũng cần có thái độ và ứng xử đúng đắn với di văn của tổ tiên, dù không thể làm nó “sống lại”, cũng cần bảo quản để nó có thể phát huy được giá trị tối thiểu. 


Để in một bộ kinh gồm hàng chục đến hàng trăm quyển, ngoài quy mô của triều đình thì khó ngôi chùa nào có thể đảm trách hết được. Chính vì thế, họ thường phân công mỗi chùa khắc in từ một đến vài quyển rồi trao đổi với nhau. Quy trình công nghệ in cổ ở các tự viện bao gồm những bước sau:

Khi một tác giả hoàn thành bản thảo, nhà chùa sẽ thuê một người thợ viết chữ sao chép lại bằng một phông chữ thông dụng và dễ khắc nhất, đồng thời dàn lại dòng, trang đảm bảo số lượng chữ trên mỗi trang đều bằng nhau. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng cử ra một hội đồng kiểm duyệt gồm khoảng bốn người, là những bậc hòa thượng, đại sư đắc đạo để kiểm duyệt sao cho đúng với Kinh Phật.

Qua bước này, nhà chùa có thể tính được số lượng ván, số lượng giấy in và từ đó ước lượng số tiền cần chi. Sau đó, thợ mộc sẽ xẻ ván và ngâm trong nhiều năm để tránh mối mọt (ván thường được làm bằng gỗ thị vì loại gỗ này dẻo và mềm nên dễ khắc) và họ bào sẵn, phơi khô. Sau đó, họ dán các trang giấy lên ván gỗ (khổ ván bằng đúng khổ giấy) bào phần không có chữ đi, nhờ vậy mà chữ nổi lên. Một ván gỗ thường được khắc hai mặt, tương đương hai trang sách.

Sau khi in xong thì họ xếp trang, xén, đóng gáy, phết sơn ta vào gáy sách cho chắc, làm cậy (bìa cứng), đóng cậy và hoàn thiện một vài chi tiết gắn với quyển sách. Sau khi hoàn thiện, sách sẽ được dùng để cúng cầu siêu hoặc phát cho các sư hành trì.
Cả cuốn sách được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và tiết kiệm tận cùng: chỉ khâu sách tận dụng từ giấy xén thừa xoắn lại, bìa cũng từ giấy viết hỏng rồi phết sơn đỏ xung quanh, sơn ta cũng được khai thác từ một số loại cây.


Theo Hảo Linh - Tia Sáng

***

1 Tàng bản còn đồng nghĩa với nhà in, nhà xuất bản sử dụng lối in khắc gỗ.

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Hoạt động đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam mới đang ở buổi bình minh. Buổi đấu giá nghệ thuật chính thức đầu tiên được tổ chức cách đây chưa đầy hai năm bởi Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt tại Hà Nội hồi tháng 5/2016.

  • Nhiều biểu hiện cho thấy nhận thức của xã hội đối với sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Người dân chưa hình thành ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại.

  • Tăng mức giảm giá sách lên tới 80% và không hạn chế số lượng ngày được giảm giá trong năm là những kiến nghị mà Hội Xuất bản VN vừa gửi lên Bộ Công thương.

  • Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, lễ hội nói chung và lễ hội dân gian nói riêng là những sản phẩm tinh thần đặc biệt, đáp ứng nhu cầu văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bên cạnh những hiệu quả, những năm qua việc tổ chức và hoạt động lễ hội bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập.

  • Cho rằng lễ Vu lan dần trở nên vững bền, sâu sắc hơn trong văn hóa Việt, tuy nhiên nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trao đổi với Tiền Phong rằng cần xem lại nếu các nghi lễ đó quá trọng hình thức, tổ chức tràn lan theo phong trào.

  • Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 vừa chính thức bế mạc bằng lễ trao giải, tại Thanh Hóa. Theo đó, BTC đã trao 23 HCV, 20 HCB và 2 giải diễn viên trẻ triển vọng là Dương Thị Mai Linh (Nhà hát Chèo Nam Định), Nguyễn Đoàn Thiên Sinh (Nhà hát Chèo Ninh Bình).

  • Bản quyền, quyền tác giả, thẩm định thật giả đối với tác phẩm nghệ thuật… lại là vấn đề nóng trong dư luận những ngày qua.

  • “Đã qua rồi cái thời ca sĩ phải lệ thuộc quá nhiều vào ngoại hình và kể cả danh xưng. Nhiều giọng ca nổi tiếng, trụ được lại đến giờ ở ta, thử hỏi mấy ai mạnh về sắc vóc. Cuối cùng thì thời gian vẫn luôn đưa ra câu trả lời công tâm nhất cho những chân giá trị” - NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ, trước đêm nhạc “Danh ca Việt Nam” tôn vinh 4 giọng ca nam thuộc 4 dòng nhạc (diễn ra tối 16.7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội).

  • Theo một số chuyên gia văn hóa, cần xem xét lễ hội chọi trâu dưới nhiều góc độ: văn hóa, du lịch, kinh tế... để có cách ứng xử hợp lý.

  • Hơn 90% người đến tham dự buổi nói chuyện “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” là thanh niên. Theo Ths Tâm lý học Nguyễn Lan Anh: đó là tín hiệu đáng mừng!

  • Việt Nam có nguồn lực văn hóa dồi dào, với các di sản vật thể và phi vật thể đa dạng. Nếu có chính sách hợp lý, chúng ta có thể đưa văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển hài hòa và bền vững.

  • "Chúng ta được hứa hẹn về một xã hội hoàn hảo, nhưng rồi chỉ nhận lại những trò chơi khăm, tin tức giả và một sự sụp đổ rõ ràng của sự lịch thiệp." Đó là một trong những nhận định thú vị được nêu ra tại bài viết của cây bút Josh Quittner, Giám đốc biên tập của trang tin Flipboard.

  • Suốt hơn 2 tháng qua, chuyện cấp phép biểu diễn ca khúc là đề tài nóng của công luận. Đặc biệt hơn sau sự việc Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) mới đây cập nhật danh sách hơn 300 bài hát thuộc diện được phổ biến rộng rãi, trong đó có nhiều ca khúc cách mạng đã thành giai điệu nằm lòng của nhiều thế hệ khán giả, thì câu chuyện quản lý cấp phép đã làm “nóng” cả hành lang nghị trường.

  • Việc làm của Cục Nghệ thuật biểu diễn tạo ra bức xúc không đáng, làm tổn thương dư luận - đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng nhận định.

  • HẠ NGUYÊN

    Câu chuyện dưới đây không hề là của trí tưởng tượng của bất kỳ cây bút hậu hiện đại nào bởi vì nó có thực.

  • Cộng đồng mạng đang dấy lên làn sóng tranh luận về văn hóa thưởng thức nghệ thuật - giải trí của khán giả, khi gần đây liên tục nhiều nghệ sĩ bị ném đồ vật lên sân khấu trong lúc đang biểu diễn.

  • Thời gian qua, vụ việc nữ sinh Phương Anh, học sinh trường THPT Phan Bội Châu (TP. Vinh, Nghệ An) tố cáo giám thị chép bài đưa cho thí sinh trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

  • Cơ quan nọ mời một tiến sĩ đến nói chuyện với cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần nâng cao nghiêp vụ. Đó là người nổi tiếng trong một lĩnh vực, được rất nhiều nơi mời lên lớp, diễn thuyết.

  • Băn khoăn quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước 1975 bị cấm lưu hành còn chưa có hồi kết, thì vừa mới đây dư luận lại thêm một lần ngạc nhiên đến… không tin nổi vì ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay chưa được cấp phép phổ biến. Sự ngạc nhiên ấy hoàn toàn có cơ sở bởi ca khúc này hiện đang được sử dụng trong chương trình SGK môn Âm nhạc lớp 9 - bậc THCS. Và khi dư luận ồn ào thì ca khúc lại được cấp phép biểu diễn.

  • Nhà văn Bùi Anh Tấn nổi tiếng hiền lành, ai nói gì ông thường cười cho qua. Thế nhưng mới đây, tác giả Một thế giới không có đàn bà đã tỏ rõ sự bực bội vì chuyện nhuận bút.