Đêm rừng lạnh

09:55 21/04/2014

NGUYÊN QUÂN

Về lại trên cái vùng đất xưa nổi tiếng là ma thiêng nước độc và hiện tại tuy vẫn rất heo hút nhưng cũng mang đầy đủ sinh khí của một vùng dân cư, tôi vẫn không tin rằng có một thứ quyền lực siêu nhiên nào đó đã nhúng tay vào chơi trò mộng du với những cô gái thanh niên xung phong thời ấy. Nhưng cũng chẳng giải tỏa được sự tồn nghi trong lòng, dù sau nhiều năm dài vẫn cố đi tìm lời giải…

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Đó là sau một thời gian dài đằng đẵng hàng chục năm trời.

Những người đàn ông, đàn bà luống tuổi, ngồi xếp bàn, quây thành một vòng tròn trên cái chỏm đồi bằng phẳng, dần xích sát vào nhau. Những cái đầu đã bạc trắng cúi thấp như đang thành kính mặc tưởng.

Giọng người đàn ông đang kể chuyện vẫn trầm trầm…

Cái chóp đồi khá bằng phẳng đã trở thành nương ngô, rẫy sắn xanh ngút mắt. Nhưng vào thời điểm câu chuyện kỳ bí quái huyễn xảy ra, thì trên đỉnh đồi và dọc bốn phía sườn dốc xuống vẫn còn phủ lấp dưới tán rừng nguyên sinh. Những cây cổ thụ hai ba vòng tay ôm xoát không kín, vươn cao hàng chục mét. Dưới tầng thấp của rừng già lại ken dày những vạt rừng trúc Lan Anh. Trên bầu trời luôn ào ạt tiếng đập cánh của từng đàn chim Bồ Nông khổng lồ, dưới mặt đất thì vương vãi vô số mảnh vỡ ché chum, chén đĩa, mộ táng - dấu tích của một nền văn minh khá rực rỡ của cư dân bản địa đã từng sinh cư nơi đây.

Tôi vẫn chủ quan suy diễn hiện tượng xảy ra trên ngọn đồi này, vào những đêm lạ lùng của ba mươi bảy năm trước; là biểu hiện của sự ám tưởng do quá suy nhược tinh thần và hệ quả từ nếp sống kham khổ, nhọc nhằn của những cô gái đang tuổi mộng tuổi mơ, quen nếp sống đầy đủ tiện nghi tay ngà ngón ngọc chốn phố thị, phải dấn thân đến một vùng rừng núi ma thiêng nước độc, ăn kham uống khổ, lao động chân tay quần quật dưới sự áp đặt thứ kỷ luật tập thể khá hà khắc. Một phương rừng, già cỗi thâm u, đầy xác lá vàng úa ngập và di chỉ tâm linh của người xưa, in hằn chi chít dấu chân thú dữ. Tất cả cảnh vật hiện diện trên mặt đất, trên bầu trời vừa hoang sơ, huyền bí vừa thơ mộng. Tất cả hoàn toàn lạ lẫm đến rợn người.

Người đàn ông đang kể chuyện, bỗng dừng lại, thả cái nhìn u tịch, bần thần đầy vết rạn thời gian hằn sâu đuôi mắt xuống phía xa xa. Dưới chân ngọn đồi là một con khe nhỏ, nước trong vắt nhìn tận đáy. Dọc theo bờ khe vẫn còn đâu đó những khoảnh đất bằng, dấu tích lán trại đơn vị nữ của trung đoàn thanh niên xung phong từ một thành phố xa lắc non ngàn cây số lặn lội lên đây giúp dân xây dựng vùng kinh tế mới.

Trong trí nhớ mù mờ. Ở những khoảnh bằng phẳng, ngập ngụa cỏ dại đó, chắc hẳn vẫn còn in đậm vô vàn tàn tích của lũ con trai thường tranh thủ giờ nghỉ, liều lĩnh rập rình quanh cái thiên đường con gái. Liều lĩnh thật sự, vì cái quy định nghiêm khắc cấm “trai gái” của Ban chỉ huy trung đoàn. Nhưng khó thể quản lý chuyện tình cảm dù với bất cứ hình thức kỷ luật nào, nếu vẫn duy trì tình trạng ăn chung mâm ở chung lán.

Tránh tình trạng ắt đủ và có điều kiện xảy ra chuyện yêu đương, rồi ăn cơm trước kẻng, Ban chỉ huy trung đoàn quyết định tách hơn trăm thanh niên nữ ra khỏi các đơn vị, thành lập riêng một đại đội toàn nữ đưa vào hiện trường mới, cách khá xa nơi trú đóng các chàng thanh niên đang hừng hực sức sống, tình yêu.

C nữ. Nhiều khi những thằng con trai... bây giờ đã là ông ngoại, ông nội vẫn đầy phấn khích khi có dịp được ngồi nhâm nhi cốc bia, kể chuyện liều mình đột nhập vào cái thiên đường bị cấm tiệt ấy. Bất chấp bị cắt tiêu chuẩn phép, bị đưa lên trại quản chế, nơi có một tay trại trưởng sắt đá chẳng ngần ngại việc đấm đá tắp lự lũ “vô kỷ luật”.

Riêng các tiên nữ của thiên đường nơi trần thế khổ ải ấy… giờ đây, tóc bạc quá nửa mái đầu vẫn cảm thấy bẽn lẽn, xúc động bởi những kỷ niệm hiếm hoi được nhìn xa xa trên hiện trường lao động, hay xâm mình lén lút hẹn hò chớp nhoáng với người tình trong mộng ở góc rừng, xó núi… trong những giây phút được giải lao hiếm họa.

Phía xa hơn bên kia bờ khe, trước kia là vùng đầm lầy lau lách, lồi lõm dấu chân dã thú, đan xen với từng cụm rừng Dầu cổ thụ, chạy ngút tầm mắt; giờ đây cũng đã trở thành những cánh đồng ruộng nước, nham nhở hầm hố đào giật cấp theo phương pháp cắt lớp của nhiều đoàn khảo cổ đến thám sát, khai quật, từ lúc một số người dân trong lúc đào giếng lấy nước, đã phát hiện được nền móng những công trình kiến trúc đền, tháp cùng nhiều hiện vật thờ tự, tùy tán cổ xưa.

Trở lại với đêm đầu tiên xảy ra cái hiện tượng không thể giải mã bằng lý trí, nhưng có lẽ nó đã trở thành thứ ký ức kinh hoàng nhất của hầu hết những cô gái đã bị tham gia vào trò chơi kỳ bí đáng sợ ấy. Rất nhiều người tuy bây giờ không còn nhớ cụ thể thời điểm chính xác đầu đuôi sự chuyện, nhưng chẳng thể nào quên được nó.

Hồi đó, quy định về giờ giấc sinh hoạt ban đêm được áp dụng rất chặt chẽ. Đúng tám giờ ba mươi tối, một hồi xúp lê vang lên từ lán ban chỉ huy là tất cả doanh trại ngừng mọi sinh hoạt.

Đêm bắt đầu sự chuyện cũng bình thường như tất cả mọi đêm. Sau tiếng hiệu lệnh, mấy cô gái thôi buôn chuyện tâm tình, dừng viết nhật kí để giăng màn, tắt đèn đi ngủ.

Cả vùng núi rừng lại rơi vào bóng tối và tĩnh mịch thinh lặng.

Vào đúng nửa đêm, khoảng rừng quanh trại nữ bỗng bị một màn sương quánh đục bốc lên từ mặt đất, rồi từ từ lan rộng phủ choàng lên toàn khu vực đóng quân, tiếng chim cú rúc từng hồi rờn rợn. Những cô gái của tiểu đội đóng sát chân đồi cứ từng người, từng người thức giấc, lặng lẽ chuồi mình ra khỏi mùng màn, không ai rủ ai cứ âm thầm khoác áo mưa, vác cuốc đi ngược lên đỉnh đồi...

Sáng hôm sau, khi nhận được thông tin, một tiểu đội nửa đêm đi cuốc đất. Tay đại đội trưởng, một sĩ quan quân đội biệt phái về cầm trịch đơn vị thanh nữ liền triệu tập những cô gái chơi trò mộng du lên xét hỏi.

- Hình như… có những đốm lửa xanh chập chờn… đứa nào cũng mắt nhắm tít vung cuốc cật lực… rồi ngồi ôm nhau khóc… Về lán lúc nào cũng không biết. - H., một cô gái tỉnh táo nhất đám, bị ban chỉ huy truy vấn đã lúng túng giải thích, còn những cô khác thì lơ ngơ lắc đầu tỏ ý không biết, không nhớ gì.

Khó có thể tin vào câu chuyện mang tính hão huyền vô căn cứ do mấy cô gái kể. Tay đại đội trưởng dùng đủ mánh khóe tra hỏi riêng rẽ từng người suốt cả ngày trời, cũng chỉ được câu trả lời duy nhất. Đành phải quy kết đó là một hành động “quậy phá cho vui của mấy cô gái thành phố vốn trái tính trái nết”, nên chỉ lớn tiếng răn đe, cảnh cáo. Tái phạm là cho vác ba lô ra quản chế tất. Mấy cô nàng tuy bị kết tội oan rất ấm ức nhưng đành ngậm bồ hòn chẳng một lời phân bua trước viễn cảnh bị “đi đày” ra khu quản chế, nơi mà bọn nam thanh niên sừng sỏ ngang bướng nhất trung đoàn, nghe thấy cũng ớn lạnh, sởn da gà.

Và rồi, đêm sau và những đêm kế tiếp tình trạng ấy vẫn tái diễn, không chỉ riêng mấy cô gái ở lán trại gần chân đồi, như một phản ứng dây chuyền. Hành động vô thức, ngớ ngẩn thức dậy mặc áo mưa giữa đêm hanh khô nóng nực, kéo nhau lên đồi cuốc đất rồi ôm nhau khóc càng lúc càng trầm trọng. Cứ sau mỗi đêm lại có thêm vài cô bị cuốn vào hiện tượng ma quái ấy.

Báo cáo lên trung đoàn, thì không thể. Vì tính chất sự vụ hoàn toàn vô căn cứ, còn nếu để tình trạng “bị ma nhập” của đơn vị nữ kéo thêm nhiều lời đồn đoán lan rộng, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần lao động của cả trung đoàn trong giai đoạn nước rút hoàn tất một số hạng mục hạ tầng để đưa dân vào.

Dù đã được ban chỉ huy đại đội áp dụng biện pháp cách ly, tăng cường thêm tự vệ, đóng chốt ngăn cấm lũ con trai của đơn vị nam hẻo lánh đến gần hiện trường và khu lán trại của nữ, nhưng câu chuyện đồn đại C nữ bị ma ám cũng len qua được cái hàng rào được bảo vệ nghiêm ngặt suốt ngày đêm…

Thời điểm ấy tôi đang ở ban quy hoạch của công trường, nghe phong thanh chuyện kì lạ ấy; một chút tò mò của tuổi trẻ, một chút gan lỳ bạo dạn cố hữu, cứ thôi thúc, tôi quyết định sẽ đột nhập thiên đường con gái xem thử thực hư.

Từ nơi toán quy hoạch trú đóng, vào đến cái đỉnh đồi có hiện tượng mộng du tập thể kì bí huyễn hoặc, nếu cứ đi theo con đường mòn duy nhất đã được toán quy hoạch khai mở, phải mất ba, bốn giờ sải bước mới đến nơi. Đi ban ngày thì sợ không qua lọt mấy trạm gác tự vệ Trung đoàn cắt đặt ngăn cấm bọn con trai bén mảng đến C nữ. Đi vào ban đêm thì cũng hơi ớn lũ thú dữ chờ chực, nhưng có vẻ an toàn hơn phải lẻn qua các chốt của mấy tay tự vệ trung đoàn. Không thể rủ rê được ai cùng tham gia cái trò chơi mạo hiểm với rừng đêm, với thú dữ và với tay trại trưởng quản chế thích trò nắn gân, nên tôi phải một mình chui lủi qua những cánh rừng đêm mù mờ ánh trăng, thỉnh thoảng đâu đó lại vang lên tiếng gầm gào hoang thú.

Dù vẫn có cảm giác sờ sợ, nhưng cái sờ sợ ấy lại được trấn an bằng con dao rừng cầm lăm lăm trên tay, và thật sự con đường mòn cũng quá quen thuộc với những bước chân của tôi trong suốt mấy tháng cắt núi vạch đường quy hoạch cho rừng rú thành phường phố tương lai.

Lúc chiếc đồng hồ dạ quang đeo tay chỉ đúng mười một giờ đêm, tôi đã đến được địa phận đóng quân của C nữ. Dưới ánh sáng mờ mờ của con trăng thượng tuần vắt ngang bầu trời, cả cánh rừng và dãy lều trại được lũ con trai mệnh danh thiên đường nơi khổ ải vẫn trầm chìm trong giấc ngủ.

Kiếm được một gốc cây lớn đầy vè rễ che chắn chung quanh, tôi ẩn mình, chờ đợi. Dù đã cẩn thận thoa khắp người loại thuốc phòng trừ sên vắt, muỗi mòng của quân đội còn sót lại từ thời chiến tranh, cũng không tránh khỏi bị lũ muỗi đeo bám cắn đốt, ngứa ngáy khắp người. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua trên chiếc kim đồng hồ, gần mười hai giờ đêm, khu rừng và lán trại vẫn im lìm, chỉ thỉnh thoảng vọng lên một tiếng cú rúc rời rã, buồn nản.

Trót nhúng chàm thì phải chịu, tôi vừa cào gãi sồn sột vừa thầm trách mình nhẹ dạ tin vào ba cái chuyện ma quái vớ vẩn để chịu khổ. Nhìn đồng hồ, hai chiếc kim dạ quang đã trượt qua khỏi lằn mốc mười hai giờ. Theo lời đồn đại thì cứ đúng mười hai giờ khuya lại xảy ra hiện tượng ma quái. Tôi ngán ngẩm quyết định rút lui, may ra khi về đến ban quy hoạch, còn kịp ngủ một chút lấy sức…

Lớp sương nhàn nhạt bắt đầu ứa ra từ khoảnh rừng Lan Anh ven chân ngọn đồi. Trong hình dạng một cái cột dựng thẳng đứng từ mặt đất lên, vạt sương dần dần quánh đặc và nở bung phần trên như một cây nấm không lồ. Cả khu rừng bỗng vỡ òa âm thanh chết chóc của loài chim báo tử. Cây nấm sương càng quánh đặc, càng lan rộng, tiếng cú rúc càng dồn dập.

Một cơn lạnh khủng khiếp mọc ra từ phía sau gáy, chạy dọc xương sống rồi lan tỏa dần. Tôi run lên bần bật, nổi đầy gai ốc, cảm giác tê dại, đờ cứng cũng lan nhanh toàn thân theo tốc độ phủ choàng của cây nấm sương…

Trong đôi mắt đùng đục tuổi già của người đàn ông kể chuyện chợt ánh lên một thoáng hoảng loạn, thất thần. Đã nhiều năm trôi qua rồi nhưng hình như nỗi sợ hãi đêm đó vẫn còn nguyên vẹn. Ông đốt thêm một điếu thuốc, rít sâu và thở ra một vòng khói trắng. Những người đàn ông đàn bà đang ngồi quây thành một vòng tròn lại cố xích sát vào nhau hơn. Cái vòng tròn như tai nấm…

Cái tán nấm khổng lồ đã bao phủ lên toàn bộ lán trại C nữ. Từ tán nấm, từng vạt sương lờ nhờ tỏa buông chầm chậm xuống, toàn khu vực trại nữ mỗi lúc mỗi mù mịt màu trắng đục. Tôi tự cấu véo thật mạnh vào người để trấn tĩnh rồi tự nhủ “Chỉ là một hiện tượng thiên nhiên kì thú của núi rừng”.

Tìm được biện chứng hợp lý cho một hiện tượng, là tôi đã phần nào lấy lại được bình tĩnh. Ngồi ở đây xa quá, chẳng thể nhìn thấy gì qua tấm màn sương quánh đục, tôi nghĩ phải đến gần hơn nữa. Chuồi người ra khỏi đám vè rễ, tôi cẩn trọng lội qua con khe, làn nước lạnh tanh ngập ngang gối cũng giúp thêm chút tỉnh táo.

Từ trong màn sương trắng đục, trong tiếng cú rúc liên hồi, bỗng nháng lên từng đốm lửa xanh lè, chúng bay lờ lững, tạo thành những hình thù kì quái bằng ánh sáng trên những mái lán lợp tranh...

*

Người đàn ông kể chuyện khẽ khàng bật lửa. Cong… thanh âm thánh thót như tiếng chuông đồng vang lên từ chiếc bật lửa Zippo khiến người kể chuyện hơi khựng lại một chút, ngọn lửa xanh phù phập lung lay trên bàn tay đã nhuộm đầy vết chàm thâm…

Sự hốc hác xanh xao cùng nỗi hoảng hốt hiển hiện rõ rệt trên từng khuôn mặt của hầu hết những cô nàng trong đơn vị mỗi buổi sáng thức dậy, khiến tay đại đội trưởng mặt sắt và ban chỉ huy đại đội cũng rất hoang mang. Có người còn góp ý phải cho chị em cúng vái cầu xin. Khổ nỗi cái việc mang tính tâm linh đó bị nghiêm khắc phê bình kiểm điểm…

Người đàn ông lại bật lửa, ánh lửa xanh xao, làn khói trắng mỏng quyện loang… Cái hiện tượng huyền hoặc mộng du tập thể của những cô gái, những tiếng kêu rờn rợn của loài chim huyền thuyết báo tử, chiếc nấm sương quánh đục và những đốm lửa ma trơi lan tỏa phủ chụp...

Trên chỏm đồi đã được cày xới, gieo trồng, không còn những vạt rừng Lan Anh tù mù ảm đạm những tàn tích cổ mộ âm u hoang lạnh. Người đàn ông kể chuyện vẫn liên tục đốt thuốc. Những người đàn bà luống tuổi lúc này xích lại sát vào nhau, tiếng thì thào dần biến mất dành chỗ cho những hơi thở phấp phỏng… Đêm tồn nghi của gần bốn mươi năm trước hình như đang lẩn quất trở về.

N.Q  
(SH302/04-14)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

  • NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

  • LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

  • HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.