Dạy văn là dạy cái hay, cái đẹp của văn chương

09:46 20/08/2019

LÊ TIẾN DŨNG

(Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)

Ảnh: hcmussh.edu.vn

Thực tiễn giảng dạy văn chương hiện nay ở phổ thông cũng như đại học đang có tình trạng người giảng dạy ít chú ý đến phân tích cái hay cái đẹp của văn chương, mà thường thiên về nêu lên những nội dung xã hội, quan điểm, lập trường... Thực ra, giảng dạy văn chương mà phân tích nội dung xã hội, quan điểm lập trường không có gì sai trái. Nhưng dạy văn mà chỉ dừng lại ở đó thôi, thì xem như chưa giảng dạy gì về văn chương cả. Bởi lẽ, những nội dung ấy, cũng có thể tiếp nhận được ở nhiều bộ môn khoa học xã hội khác. Do thiên lệch này, mà nhiều giờ giảng văn, người học có cảm giác nó cũng giống như giờ chính trị, giờ lịch sử, hay giờ đạo đức... Trong một giờ thao giảng bài "Đồng chí" của Chính Hữu, một giáo viên dạy giỏi sau khi nêu chủ đề của bài thơ đã phân tích như sau: I- Cơ sở của tình đồng chí ; 1) Hoàn cảnh xuất thân. Ở phần này giáo viên phân tích rằng: hoàn cảnh xuất thân của đồng chí là giống nhau: quê hương đều nghèo (quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá), thành phần gia đình đều thuộc bần cố nông (vì: Áo anh rách vai, quần tôi có hai mảnh vá)... Từ đó kết luận rằng: hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh quê hương giống nhau đã tạo nên tình đồng chí keo sơn.... Thật là một cách giảng thô thiển, mang nặng tính chất xã hội học dung tục. Ở một trường khác, khi giảng bài "Đất quê ta mênh mông" của Dương Hương Ly có nhiều giáo viên đã phân tích bài thơ ở mục I là "Sức mạnh Việt Nam" rồi thao thao bất tuyệt về sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt trường kỳ lịch sử, mà chẳng đề cập gì nghệ thuật của bài thơ....

Có thể dẫn ra đây khá nhiều trường hợp tương tự. Qua những hiện tượng ấy, chúng ta thấy rằng: dạy văn của chúng ta đang có khuynh hướng giảng dạy những điều ngoài văn chương, đạo đức hóa, chính trị hóa các giờ văn... Và như thế về thực chất là đánh rơi bản chất đích thực của văn chương. Phần phân tích nghệ thuật tác phẩm, thường được người dạy tách riêng ra với kiểu phân tích đại loại như: bằng nghệ thuật đối lập, bằng nghệ thuật ẩn dụ, bằng cách nói ví von so sánh, bằng cách dùng từ giàu hình ảnh... Nghĩa là chỉ nêu lên đặc điểm nghệ thuật của văn chương nói chung, chứ không phân tích cái đẹp của từng bài văn cụ thể. Và như vậy là chưa giảng gì về nghệ thuật cả.

Ở phía người học cũng có tình trạng tương tự. Học sinh khi phải bình giảng một bài văn, bài thơ nào đó nói những nội dung xã hội, những quan niệm lập trường thì rất thạo, còn vì sao bài văn ấy bài thơ ấy hay thường không nói được gì. Đề thi tuyển sinh vào đại học năm 1986 có câu: Hãy giải thích hai câu thơ Tố Hữu:

Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.


Khi làm bài này, rất nhiều thí sinh đã quay sang giải thích một hiện tượng khí hậu ở Trường Sơn vì sao Đông nắng mà Tây lại mưa, chứ không phân tích được ý nghĩa mưa nắng mà hình tượng biểu đạt.

Việc dạy văn và học văn ở bậc đại học cũng có những thiên lệch tương tự. Chúng ta dạy Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu cũng na ná giống nhau. Ông này yêu nước thương dân, thì ông kia cũng yêu dân thương nước, ông này đau đời thì ông kia cũng băn khoăn lẽ xuất xử ở đời... Đã có học sinh nói rằng: chỉ cần học một ông rồi tìm các dẫn chứng khác thế vào là hiểu được tất cả những người khác. Trong khi đó một phương diện quan trọng là nhà văn với tư cách là những cá tính sáng tạo độc đáo lại ít được chúng ta đề cập. Nghĩa là văn chương của từng người cụ thể chưa được giảng dạy một cách thấu đáo, và do đó chưa tạo nên được chân dung riêng cho từng người.

Một thực tiễn giảng dạy văn chương như thế là đáng báo động. Nguyên nhân của nó có lẽ là nhiều. Có thể do người giảng dạy còn non tay, có thể chương trình thiếu chọn lọc... Nhưng không thể nói đến những nguyên nhân chính trị xã hội cũng có những tác động không nhỏ đối với việc dạy và học văn. Người dạy văn chúng ta trong một thời kỳ dài được chăm sóc khá kỹ về quan điểm lập trường. Nỗi lo lắng của người dạy văn là sợ nói sai quan điểm, sai lập trường, chứ không phải ở chỗ là không nói được cái hay, cái đẹp của văn chương. Một giáo viên nói trật lập trường một chút thì có vấn đề, chứ giảng dạy thô thiển, diễn nôm tác phẩm, không hiểu nghệ thuật thì cũng chưa sao cả. Mặt khác, bản thản việc giảng dạy, nói cho được cái hay cái đẹp không phải dễ, cho nên thường quay sang diễn nôm tác phẩm. Mà đã diễn nôm thì chủ yếu là chú ý đến khía cạnh nội dung là tất nhiên.

Từ thực tiễn giảng dạy như vậy, hướng khắc phục như thế nào đây. Xin được nhắc lại đây ý kiến của Chủ tịch Phạm Văn Đồng trong bài nói chuyện "Dạy văn là một quá trình rèn luyện toàn diện" tại Bộ Giáo Dục ngày 8 tháng 9 năm 1973: "Trong một bài văn, ta có thể dạy cái hay, cái đẹp của văn, đồng thời có thể dạy bao nhiêu cái hay, cái đẹp khác trong đó về tâm hồn, về tư tưởng, về lẽ sống v.v... Cho nên chọn một bài văn là rất quan trọng"(1).

Như vậy, theo Chủ tịch Phạm Văn Đồng dạy văn là dạy cái hay cái đẹp của văn. Điều đó rất đúng. Một nội dung tư tưởng sâu nhưng không được thể hiện trong một hình thức tương xứng thì nội dung tư tưởng ấy cũng không có nghĩa về mặt văn chương là bao. Các buổi bình văn. Các cụ tâm đắc với những câu hay, từ đắt, nhãn tự... cũng là tâm đắc với chính cái hay cái đẹp của văn. Bây giờ đọc những bài phê bình văn chương, chúng ta tâm đắc với những lời bình hay. Thế thì tại sao lại không dạy văn cho học sinh bắt đầu từ cái hay cái đẹp của văn. Để rồi từ đó mà nói đến cái hay cái đẹp của tâm hồn, của tư tưởng, của lẽ sống... Tố Hữu đã có lần tự phân tích đoạn thơ mở đầu bài Mẹ Tơm như sau:

"Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta, ngân nga tiếng hát...


Trong hai câu thơ sau có âm vang của gió và sóng, có cả âm vang của một tấm lòng. Nếu viết gió thổi lao xao, sóng biển rì rào thì có lẽ không còn gì. Hai câu thơ không chỉ tả cảnh mà còn tả tình trong cảnh. Nhịp điệu hai câu thơ là nhịp điệu của sóng gió và cũng là nhịp điệu của nao nức, xôn xao và biết bao sung sướng êm ái trong lòng người trở về quê cũ, nơi đã nuôi mình”(2). Ở đây chính tác giả đã bắt đầu từ vẻ đẹp của nhạc thơ toát lên vẻ đẹp của tâm hồn. Chúng tôi cho rằng giảng văn là phải giảng được những điều như thế. Nếu dạy một bài văn, mà chưa nói được cái hay cái đẹp của văn thì dù rất đúng lập trường, rất đúng quan điểm... theo chúng tôi vẫn chưa đạt. Dạy được cái hay cái đẹp của văn chương cũng là cách tạo ra sức hấp dẫn trong giờ giảng văn. Hiện nay sở dĩ học sinh không thích học văn vì một phần là do thầy giảng khô quá (Chữ khô chúng tôi dùng ở đây muốn nói chúng ta thiên nhiều về nội dung, quan điểm) mà còn ít chất văn quá. Để kết thúc mấy ý kiến ngắn này chúng tôi xin dẫn ra đây một nhận xét của nhà thơ Võ Văn Trực khi nói về phê bình thơ. Anh Võ Văn Trực viết: "Một số tác giả phê bình hầu như có thói quen khi nhận xét một tập thơ thế nào cũng có các phần tình yêu thiên nhiên, đất nước, đồng chí, tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân. Nghĩa là đầy đủ các thứ tính nhưng lại thiếu mất tính thơ. Cũng như anh con trai tán tỉnh cô con gái nào cứ khen nào là lập trường em cao, nào là công tác em tích cực nhưng quên khen một điều mà cô con gái nào cũng thích ấy là "sắc đẹp của em" (Báo Văn nghệ số 47 năm 1985). Tương tự cũng có thể nói như thế về dạy văn. Dạy văn mà không nói cái hay cái đẹp của văn cũng chẳng khác gì không biết khen cô gái đẹp. Và mong rằng, các nhà soạn sách chọn đúng những cô gái đẹp thật sự, chứ không phải những cô gái đẹp vì phấn son, áo quần.

T.P Hồ Chí Minh, 5.1988
L.T.D.
(TCSH46/04-1991)


---------------
1. Phạm Văn Đồng - Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ - In lần thứ 5 NXB Văn học HN 1983. tr. 377.
2. Tố Hữu - Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với dân ta, thời đại ta. NXB Văn học HN 1973. tr. 437.




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Văn hóa dân gian đã có nhiều biến đổi, nhưng các thành tố của nó vẫn tồn tại và tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Văn hóa ấy là tấm căn cước cho mỗi người Việt khi hội nhập thế giới, đồng thời mang lại giá trị tinh thần và cả cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ.

  • Sau hơn 20 năm xuất hiện tại Việt Nam, internet ngày càng đi sâu vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi to lớn từ thói quen hàng ngày, tới cách làm việc, giao tiếp, tương tác xã hội, quan niệm về không gian, thời gian... Những thay đổi ấy đòi hỏi xây dựng các giá trị văn hóa mới - văn hóa mạng.

  • LÊ HOÀNG TÙNG

    Vai trò của thể dục, thể thao đã được xã hội thừa nhận, đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước.

  • Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí - một bảo vật quốc gia đã bị hư hại nặng nề sau quá trình làm vệ sinh của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo quản, tu bổ, phục chế.

  • Di tích xuống cấp là một trong những vấn đề tồn tại song hành với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Hà Nội. Bên cạnh những khó khăn về nguồn kinh phí, tình trạng tùy tiện trong tu bổ, tôn tạo cũng đang là bài toán đòi hỏi có giải pháp khắc phục hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giá trị di sản.

  • Tính đến đầu năm 2019, qua 7 đợt công nhận theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang sở hữu 164 hiện vật, nhóm hiện vật được tôn vinh là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề ứng xử với các bảo vật quốc gia đang tồn tại nhiều số bất cập, nhất là tình trạng can thiệp thô bạo với không ít hiện vật khiến dư luận bất bình.

  • Dự án “Tương lai của truyền thống” vừa tổ chức buổi trò chuyện “Cảm hứng nghệ thuật Tuồng”. Với sự tham gia của NSND Mẫn Thị Thu, NSƯT Phạm Quốc Chí, NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, Nghệ sĩ Nguyễn Thành Nam một lần nữa những bất cập trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng đã được chính người trong cuộc chia sẻ.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ   

    Gọi là “Chuyện bên lề” vì chủ trương xây Khu Lưu niệm nhà thơ Tố Hữu (KLNTH) là của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi “bỗng dưng” bị lôi vào cuộc do đã viết bài “Ngày Xuân thăm quê nhà thơ Tố Hữu” đăng trên báo Văn nghệ số Tết Mậu Tuất - 2018.

  • Phát biểu tại hội nghị kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại địa bàn TP.HCM ngày 20/4/2019, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Văn hóa TPHCM đã phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng”.

  • Để hạn chế bạo lực học đường, có ý kiến cho rằng, bên cạnh kiểm soát, ngăn chặn những clip độc hại, bạo lực trên mạng xã hội, cần đưa giá trị sống và kỹ năng sống đến học sinh và giáo viên, qua đó tạo môi trường giáo dục thân thiện hơn, khiến học sinh hạnh phúc hơn.

  • 5 năm kể từ khi Ngày Sách Việt Nam ra đời, khắp các địa phương trên cả nước, hoạt động cổ vũ cho văn hóa đọc được tổ chức rộng rãi. Tại các hệ thống giáo dục đào tạo, phong trào đọc sách cũng lan tỏa mạnh mẽ.

  • Thần tượng là một nhu cầu thiết yếu của thế hệ trẻ, nó cần thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày. Có phải chăng xã hội chúng ta đang thiếu vắng những anh hùng, những con người bình thường, những sự việc bình thường đã trở nên quý hiếm, được nêu gương khiến thế hệ trẻ tìm đến những kẻ giang hồ cộm cán, những kẻ tìm mọi cách để gây sốc trong đời sống và trên mạng xã hội?

  • Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Xây dựng trường mầm non hạnh phúc và nói không với bạo lực học đường, diễn ra sáng 9.4, chuyên gia giáo dục Đan Mạch, PGS. Jette Eriksen khẳng định, để đẩy lùi bạo lực học đường, chúng ta phải xây dựng một nền giáo dục với những phương pháp sư phạm đầy nhân văn và thân thiện với trẻ, kết hợp quan điểm của trẻ em trong tất cả những gì chúng ta làm.

  • Thông qua cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, các em đã có những cảm nhận hết sức tuyệt vời về vai trò của đọc sách, của văn hóa đọc.

  • NGUYỄN THANH TÙNG

    Trong số ra ngày 25 tháng 11 năm 1990, một tờ báo chủ nhật xuất bản ở Hà Nội đăng bài "Giáo dục gia đình - S.O.S" của bạn đọc Lê Hòe.

  • Chúng ta đã nói quá nhiều về sự xuống cấp đạo đức cá nhân và xã hội mà chưa chỉ ra được căn nguyên sâu xa của nó là gì, nằm ở đâu và phải làm gì, tháo gỡ như thế nào… Sức mạnh đến từ nhiều thiết chế xã hội, trong đó có báo chí với vị thế và tầm ảnh hưởng rộng lớn.

  • Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật trong đó có nghệ thuật sân khấu đã được triển khai thực hiện hơn 20 năm nay… Tuy nhiên, theo họa sĩ - NSND Lê Huy Quang, quá trình này với sân khấu vẫn đang như một vòng tròn quẩn quanh chưa xác định được hướng đi cụ thể.

  • Đi dạo trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bắt gặp nhiều biển hiệu đề bằng tiếng nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta đón lượng khách du lịch kỷ lục là 15 triệu lượt/người trong năm 2018 thì điều này không chỉ chứng tỏ chủ các cửa hàng, công ty thiếu tự tôn văn hóa dân tộc mà còn vi phạm quy định pháp luật.

  • Xã hội phát triển, các khu đô thị mọc lên ngày một nhiều. Dạng nhà chung cư cao tầng, nhà ống, nhà liền kề, biệt thự phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về sinh hoạt của người Việt. Từ đó dẫn đến thay đổi đáng kể về vị trí, vai trò và chức năng của Ban (bàn) thờ gia tiên…

  • Câu hỏi khá táo bạo, tương tự như khi người ta tính chuyện bứng một gốc cây cổ thụ ngàn năm, rễ của nó đã lan rộng cả dải đất hình chữ S, tán của nó xòe cả bầu trời vùng biển đông, toan ngắt cành ngắt lá đem trồng đi chỗ khác, hoặc chừng như muốn xem bói một quẻ nhờ vào lời thần thánh hoặc tìm nhà bác học phán cho một câu điều chỉnh. Tôi thì tôi không dám nói chuyện điều chỉnh – hai chữ rất thời thượng của thời… hậu cách mạng bứng gốc, nay bớt lại chỉ điều chỉnh thôi nhưng điều chỉnh cái gì, ai điều chỉnh?