Đầu xuân đi tìm ông Di Lặc

16:30 16/09/2008
BẢO NHÂNỞ nước ta, Huế được xem là kinh đô của Phật giáo, không phải bởi vì ở đây có nhiều chùa tháp, đông đảo tín đồ theo Phật hay từng có một thời là cái rốn của Phật giáo Việt , biệt xuất nhiều bậc cao tăng đương đại. Theo chúng tôi, nói như nhà viết kí Hoàng Phủ Ngọc Tường, bởi vì tính cách Huế, không phải Nho, mà chính là Thiền.

Đối với tín đồ Phật giáo, đón Tết mừng xuân gắn liền với ý niệm về một vị Bồ Tát có tên Di Lặc. Di Lặc là hiện thân của mùa xuân, tâm xuân miên viễn, của hạnh phúc viên mãn mà ai ai cũng luôn ý hướng đến.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Xuân của đất trời tự nhiên có tháng có năm nên có khứ có lai, đắp đổi vô thường tuần hoàn vần vũ: xuân qua hè đến, đông hết xuân về. Xuân của cõi lòng thì không như thế. “Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm. Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu. Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều. Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng…” (Xuân Diệu – Xuân không mùa). Có hạnh phúc thì có mùa xuân. Hạnh phúc thật sự của con người cũng không phải từ bên ngoài đến, mà từ sự buông xả ở ngay nội tâm. Nụ cười hồn nhiên rạng rỡ của ông Di Lặc là biểu hiện của hạnh phúc tràn đầy, của tâm xuân bất diệt ấy.
Di Lặc Bồ Tát - một vị Phật tương lai.

Bồ Tát Di Lặc là nhân vật lịch sử, nhưng cũng mang đầy tính huyền thoại. Lúc Phật Thích Ca còn tại thế, vị Bồ Tát này xuất thân trong một gia đình dòng dõi Bà la môn ở nam Ấn Độ. Di Lặc (Maitreya) là họ, Trung Hoa dịch nghĩa: Từ thị. Tên của Bồ Tát là A Dật Đa (Ajita), Trung Hoa dịch: Vô năng thắng. Sở dĩ mang họ Từ là vì có thuyết cho rằng khi mang thai, mẹ của Bồ Tát khởi lòng từ bi, phát nguyện ăn chay, bố thí, không sát sanh. Di Lặc từng gặp Phật Thích Ca, xuất gia thọ giới Bồ Tát, tu hạnh từ bi hỉ xả, ít người hơn được, thế nên gọi là Vô Năng Thắng. Ông đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sàkyamuni) thọ kí sẽ làm Phật ở đời vị lai trong cõi Ta Bà (Sahà) này.
Theo đó Di Lặc sẽ là vị Phật thứ năm(1) và cuối cùng xuất hiện trên trái đất này, hành trạng có nhiều nét giống Đức Phật Thích Ca trong lịch sử. Hiện nay, Bồ Tát đang thuyết pháp giáo hóa ở nội điện của cung trời Đâu Suất (Tushita) - tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục.
Trong truyền thống đại thừa, Di Lặc cùng với Văn Thù Sư Lợi, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Vô Tận Ý, Bảo Đàn Hoa, Dược Vương, Dượng Thượng là tám vị Bồ Tát - đại đệ tử của Đức Phật. Bồ Tát Di Lặc thường xuất hiện trong các kinh điển nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa như Diệu Pháp Liên Hoa, Duy Ma Cật, Hoa Nghiêm, Viên Giác, v.v… Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, ở phẩm Tựa Thứ nhất có đề cập đến tiền thân của Di Lặc qua lời kể lại của Văn Thù Sư Lợi về Cầu Danh và Diệu Quang Bồ Tát. Diệu Quang là tiền thân của Văn Thù Sư Lợi còn Cầu Danh chính là Di Lặc Bồ Tát. Song ở đây câu chuyện mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. Di Lặc là tượng trưng cho Thức(2) - vốn điên đảo mê lầm còn nhiều mắc kẹt giới hạn, còn Văn Thù Sư Lợi ẩn dụ cho trí tuệ viên minh. Thế nên, khi có điềm lành hi hữu, thức không thể suy lường hết được, phải nương vào trí, nên Di Lặc phải thay mặt đại chúng hỏi Văn Thù Sư Lợi. Đồng thời cũng vì thức vốn “quen mất nết” dong ruổi theo danh tướng trần cảnh như thế mà Cầu Danh học đâu quên đó, trần đọa lao đày, nhiêu khê lắm nỗi. Nếu có sự hồi quang phản tỉnh thì thức kia mới chuyển thành trí. Cho nên không ngẫu nhiên mà Cầu Danh phải nhờ Diệu Quang Bồ Tát hướng dẫn.

Tại Trung Quốc, khi pháp môn Tịnh độ chưa thịnh hành, thì tín ngưỡng Di Lặc là xu hướng khá phổ biến. Đọc Đại Đường Tây vực kí, chúng ta biết trên đường thỉnh kinh, Huyền Trang thường niệm danh hiệu Di Lặc cầu sự yểm trợ cho tai qua nạn khỏi từ vị Bồ Tát này và nguyện lúc lâm chung được thác sanh lên cung trời Đâu Suất để thị phụng Bồ Tát. Ở Tây Tạng, Di Lặc vẫn được thờ cúng rộng rãi. Chúng ta có thể hình dung tôn tượng của Di Lặc trong Phật giáo Tây Tạng qua dự án pho tượng Di Lặc bằng đồng cao nhất thế giới (cao 152m) tại Kushinagar, Uttar Pradesh, bắc Ấn Độ.
Những người theo truyền thống Phật giáo đông độ còn biết đến Di Lặc qua truyền thuyết về ba nhân vật lịch sử độc đáo của Thiền tông: Phong Can, Hàn Sơn, Thập Đắc và đặc biệt hơn, là qua giai thoại về Bố Đại hòa thượng.

Bố Đại hòa thượng (? – 916)
Bố Đại hòa thượng, tự Khế Thử, biệt hiệu Trường Đinh Tử, là vị thiền tăng Trung Hoa sống vời đời Lương (Ngũ Đại: 907 – 960), ở đất Minh Ba, huyện Phụng Hóa, Châu Ninh (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
Bên cạnh nhiều thiền thoại siêu ngôn ngữ của một bậc đã đạt đạo như thường thấy ở các ngữ lục, xung quanh hành trạng của vị hòa thượng này có nhiều nét khác người khá nổi bật. Các thư tịch thường miêu tả Sư là người có vóc dáng thấp lùn, mập mạp, bụng phệ da đen, vẻ mặt nhân từ hay mỉm cười vui vẻ, nói năng tự tại thất thường, ăn ngủ tùy tiện, tính tình hài hước ngược đời, xuất xử lạ lùng mang tư chất cuồng thiền. Đặc biệt, Sư thường dùng một cây gậy quảy trên vai một túi vải lớn, trong có đựng bình bát, theo sau có năm sáu đứa trẻ, dạo khắp thôn quê thị thành, thấy ai có vật gì cũng xin, ai cho gì cũng đều nhận tất. Khi túi đã đầy thì vác đến một gốc cây, quy tụ trẻ con và người nghèo… rồi phân phát hết cho họ. Cứ “sớm vác túi đi tối vác về” như thế, nên thiên hạ hài hước “ban” thêm cho Sư một cái tên Bố Đại hòa thượng (hòa thượng vác túi vải). Nhưng với thần thông và tài tiên tri thấu thị thời tiết sau thì ai cũng phải lạy Sư là Hoan Hỷ Phật. Người nào được Sư khất thực thì hôm ấy mua may bán đắt. Gia đình nào có Sư đến hóa duyên thì năm ấy làm ăn thịnh vượng, trên thuận dưới hòa. Tính hay nằm đất mà mình không lấm bụi nhơ. Ngồi ngoài mưa hay trên tuyết nhưng không hề ướt áo. Khi đang nắng mà bỏ dép đi guốc thì trời sắp mưa. Đêm nào ngủ ngoài đường thì sáng mai ắt trời phải khô và nắng đẹp. Viên tịch rồi, người ta vẫn thấy Sư đang rong chơi ở nơi khác.

Cuốn Song Lâm Phó Đại Sĩ Ngữ Lục Hành Thế ghi rằng: “Đến niên hiệu Trinh Minh năm thứ ba, tháng ba, mồng ba, Sư ngồi trên một tảng đá lớn sau chùa Nhạc Lâm thuyết một bài kệ:
Di Lặc chơn Di Lặc
Hóa thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân giai bất thức

(Ta đây thiệt Di Lặc, hóa ra ngàn vạn thân. Thường đứng trước người đời, người đời chẳng ai biết). Từ đó người ta xem Bố Đại hòa thượng là hóa thân của Bồ tát Di Lặc.
Ông nhịn ăn để mặc – theo cách gọi dân gian
Có thể nói bốn kiểu ảnh vẽ và tượng của Di Lặc như thường thấy ở các chùa đều được gợi cảm hứng từ chân dung của Bố Đại hòa thượng. Thứ nhất, dáng người đứng dang chân, hai tay giơ lên trời, miệng cười to, vẻ mặt rạng rỡ; thứ hai, đứng vác một bao to trên vai; thứ ba, đứng trên một chiếc bao to và thứ tư là kiểu mẫu thường thấy nhất: ngồi cười thoải mái, có năm sáu đứa trẻ vây quanh, đứa chọc mắt, đứa khoáy tai, đứa móc miệng, đứa sờ rốn, v.v. Mỗi kiểu, mỗi dáng đều được tiền nhân tạc theo những ý nghĩa riêng nào đó. Đáng chú ý nhất là kiểu dáng thứ tư. Ở đây sáu đứa bé là tượng trưng cho lục tặc như người Việt ta vẫn thường bảo tam bành lục tặc(3). Di lặc là bậc trí tuệ đã không còn bị phiền não mê hoặc, tự tại chuyển hóa được sáu “nhóc ranh” thành sáu bạn thân để chơi đùa. Thế nên dù chưa thành Phật, ông vẫn hạnh phúc tràn trề. Nhưng dù thể hiện Di Lặc dưới kiểu dáng nào thì mẫu số chung vẫn là những nét độc đáo: người mập đến nỗi không thấy cổ, miệng cười rộng đến cả mép tai, đặc biệt là cách ăn mặc thoải mái luôn trìa cái bụng phệ to tướng cho thiên hạ cười. Nhiều người vẫn bảo rằng cái bụng ấy ngoài ý nghĩa là kho Như Lai tạng vô tận dung chứa tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh còn tượng trưng cho hạnh tri túc “thà nghèo mà giữ đạo nhà”. Nụ cười tràn đầy hoan hỷ mà chúng ta vẫn thường gọi nụ cười sung cười sướng thứ 36 ấy là biểu hiện của đời sống nội tâm sung mãn của một người đã buông xả hoàn toàn mọi cố chấp, vướng mắc. Có người miêu tả cái bụng vô tâm và nụ cười hạnh phúc ấy một cách văn vẻ và khéo léo hơn:
Đại đổ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự
Từ nhan vi tiếu, tiếu thiên hạ khả tiếu chi nhân

(Cái bụng lớn có thể dung chứa, dung chứa những việc khó dung chứa của thế gian
Nét mặt từ bi chúm chím cười, cười những người đáng cười trong thiên hạ).

Bố Đại hòa thượng chỉ là một trong nhiều hóa thân của Bồ Tát Di Lặc nhưng không hiểu vì sao từ khi Bố Đại hòa thượng xuất hiện, người xưa lại chọn vị thiền tăng “hài hước” này làm nguồn cảm hứng chính để khắc họa chân dung Di Lặc? Phải chăng đây là một sự bổ sung thêm một hạnh tu hoan hỷ, hòa nhã, buông xả bên cạnh hạnh tu nghiêm túc, đoan chánh, mẫu mực. Người Việt , trong thiểu số tính cách dân tộc, có óc hài hước. Cứ nhìn vào kho tàng truyện cười, truyện trạng, thơ văn trào phúng, thơ bút tre và cách nói năng bông đùa hằng ngày thì sẽ thấy. Bởi thế, dẫu không phải là môn đồ của tín ngưỡng Di Lặc, nhưng họ rất thích tượng Di Lặc. Tất nhiên, ở tình huống thắc mắc “ngon ơ” này, họ không “vắng mặt”! Người Việt đã tiên phong giải mã và đưa ra cách gọi in đậm phong cách riêng của mình: Đức Phật Thích Ca lục niên khổ hạnh qua tượng Tuyết Sơn là ông nhịn ăn để mặc, còn Bồ Tát Di Lặc ở những bức tượng to béo, bụng phệ là ông nhịn mặc để ăn(4).

Xung quanh tượng ông “nhịn mặc để ăn” và luôn đem lại sự may mắn này, có người đã “bật mí” nhiều câu chuyện khá thú vị. Trước cửa nhiều ngân hàng của người Hoa thường có tượng ông Di Lặc. Đặc biệt, hầu hết các sòng bạc tại Hoa Kỳ, nơi có đông cư dân gốc Á Châu, trước cửa thường để tượng Di Lặc ngồi. Người ta tin là lấy tay xoa rốn Ông trước khi vào sòng bài sẽ gặp nhiều may mắn. Kinh Phật không hề dạy như vậy, nhưng niềm tin dân gian này đã thành huyền thoại và lây sang cả nhiều người da trắng. Theo một bản tin trên báo O. C. Register hai năm trước, một phụ nữ da trắng Hoa Kỳ trúng số độc đắc đã giải thích, mỗi khi mua vé số tại tiệm tạp hóa quen thuộc ở Huntington Beach, Quận Cam, bà luôn luôn lấy tay xoa bụng tượng Phật Di Lặc trên quầy tiệm này. Không hề gì, Phật Di Lặc không hề kỳ thị tôn giáo.
Vì sao mồng một tháng giêng âm lịch là ngày vía Di Lặc?

Cho đến bây giờ người ta vẫn không biết Di Lặc sanh và viên tịch ngày nào? Nhưng Phật tử không ai không biết ngày Tết Nguyên đán là ngày vía của Di Lặc. Ai đã chọn mồng một tháng giêng âm lịch làm ngày vía Di Lặc?
Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy, trong đó tôi thích nhất lời giải thích rằng: Ngày đầu một năm thật quan trọng. Tất cả mọi việc làm, cử chỉ phải thật nhẹ nhàng, thận trọng. Giận ai chi lắm cũng bỏ qua. Gặp nhau niềm nở chúc nhau những điều tốt đẹp. Từng tiếng nói lời ăn phải vui vẻ, hòa nhã. Tập quán đó nói lên lòng ao ước một năm may mắn, an vui, cát tường như ý. Thế nên, ngày mồng một Tết còn là ngày mang ý nghĩa tương lai và một lời chúc chân tình cũng là một lời hứa. Các tín đồ Phật giáo lấy ngày này làm ngày vía Di Lặc - vị Phật tương lai – là để tự hứa hẹn với lòng mình nỗ lực tu hành nhằm xây dựng cõi đời – cõi người hạnh phúc an lạc và rồi mai kia cũng sẽ thành Phật như Ngài.
                                                Huế, những ngày mùa đông bão lụt
                        B.N

(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)

 



--------------
[1] Năm vị Phật thuộc Hiền kiếp: 1. Câu lưu tôn, 2. Cân na hàm mâu ni, 3. Ca diếp, 4. Thích ca mâu ni, 5. Di lặc
2 Phật giáo quan niệm rằng Tâm của con người khi tỉnh táo giác ngộ là Trí, còn khi vọng động mê mờ là Thức. Có tám loại Thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức, a lại da thức. Năm thức đầu thuộc về nhận thức của các giác quan. Thức thứ 7 - mạt na thức – gần giống với vô thức theo quan niệm của S. Freud. Tu hành là sự chuyển Thức thành Trí.
3 Tam bành: Bành Sư, Bành Kiển, Bành Chất. Theo quan niệm dân gian, đây là ba vị thần ở trong mỗi người, thường hay xúi giục người ta làm bậy, đến ngày Canh Thân cuối mỗi năm lại còn “mách lẻo” với ông Trời để cho người ta mau chết, các ông khỏi phải ngày đêm canh giữ! Lục tặc: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu cơ quan cảm giác (sáu căn) này khi tiếp xúc với màu sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm, kí ức (sáu trần), thói thường vẫn hay điều khiển con người hành động theo bản năng mê muội để rồi phiền não với thương ghét vui buồn bất an, tự đánh mất sự tỉnh táo, trí truệ của mình. Thế nên chúng được gọi là sáu tên giặc cướp.
4 Xem Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt , Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 254

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HẢI TRUNGSông chảy vào lòng nên Huế rất sâuBản hùng ca của dãy Trường Sơn đã phổ những nốt dịu dàng vào lòng Huế, Hương Giang trở thành một báu vật muôn đời mà tạo hóa đã kịp ban phát cho con người vùng đất này. Chính dòng Hương đã cưu mang vóc dáng và hình hài xứ Huế. Con sông này là lý do để tồn tại một đô thị từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và sau này là Kinh đô Huế, hình thành phát triển đã qua 700 năm lịch sử.

  • HÀ VĂN THỊNH Nhân dịp “Kỷ niệm 50 năm Đại học Huế (ĐHH) Xây dựng và Phát triển”, ĐHH xuất bản Tạp chí Khoa học, số đặc biệt – 36, 4.2007.

  • NGÔ ĐỨC TIẾNNăm 1959, nhân dịp vào thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đến gian trưng bày hiện vật và hình ảnh đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”.

  • NGUYỄN KHẮC MAITháng 3 –1907, một số sĩ phu có tư tưởng tiến bộ của Việt Nam đã khởi xướng thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội với mục đích “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” hô hào xây dựng đời sống mới mà giải pháp then chốt là mở trường học, nâng dân trí, học hỏi những bài học hoàn toàn mới mẻ về dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân trí, cả về sản xuất kinh doanh, xây dựng lối sống văn minh của cá nhân và cộng đồng.

  • HỒ THẾ HÀ Thật lâu, mới được đọc tập nghiên cứu - phê bình văn học hay và thú vị. Hay và thú vị vì nó làm thỏa mãn nhận thức của người đọc về những vấn đề văn chương, học thuật. Đó là tập Văn chương - Những cuộc truy tìm(1) của Đỗ Ngọc Yên.

  • ĐOÀN TRỌNG HUY

    Huy Cận có một quãng đời quan trọng ở Huế. Đó là mười năm từ 1929 đến 1939. Thời gian này, cậu thiếu niên 10 tuổi hoàn thành cấp tiểu học, học lên ban thành chung, sau đó hết bậc tú tài vào 19 tuổi. Rồi chàng thanh niên ấy tiếp tục về học bậc đại học ở Hà Nội.

  • NGUYỄN KHẮC THẠCHTrước hết phải thừa nhận rằng, từ ngày có quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học Nghệ thuật cho các Hội địa phương thì các hoạt động nghề nghiệp ở đây có phần có sinh khí hơn. Nhiều tác phẩm, công trình cá nhân cũng như tập thể được công bố một phần nhờ sự kích hoạt từ quỹ này.

  • THẠCH QUỲTrước hết, tôi xin liệt kê đơn thuần về tuổi tác các nhà văn.

  • TÙNG ĐIỂNLTS:  “Phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa” là chủ đề cuộc tập huấn và hội thảo của các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại thành phố Nha Trang đầu tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, ngoài nội dung đó, các đại biểu còn thảo luận, đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong mấy năm gần đây.Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nhiều tham luận sâu sắc chân thành đã được trình bày tại Hội nghị.Sông Hương xin trích đăng một phần nội dung trên trong giới hạn của chuyên mục này.

  • PHẠM PHÚ PHONGMột đặc điểm tương đối phổ biến của các tác giả sáng tác ở miền Nam trước đây là hầu hết các nhà văn đều là những nhà văn hoá, tác phẩm của họ không chỉ thể hiện sự am hiểu đến tường tận các lĩnh vực văn hoá, mà trong một đời văn lực lưỡng của mình, họ không chỉ sáng tác văn chương mà còn sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu nhiều lĩnh vực văn hoá như lịch sử, địa lý, địa chí, ngôn ngữ, dân tộc học, văn học và văn hoá dân gian, như các tác giả từng toả bóng một thời là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam... trong đó có Bình Nguyên Lộc.

  • PHAN KHÔILời dẫn Bài mà tôi giới thiệu dưới đây thuộc một giai đoạn làm báo của Phan Khôi còn ít người biết, − giai đoạn ông làm báo trên đất Thần Kinh, tức thành phố Huế ngày nay, những năm 1935-1937; khi ấy Huế đang là kinh đô của triều Nguyễn, của nước Đại Nam, nhưng chỉ là một trung tâm vào loại nhỏ xét về báo chí truyền thông trong toàn cõi Đông Dương thời ấy.

  • PHONG LÊÔng là người cùng thế hệ, hoặc là cùng hoạt động với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong... Cùng với họ, ông có truyện trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật trong những năm 1941-1945. Cùng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc đầu Cách mạng tháng Tám, và tham gia xây dựng văn nghệ kháng chiến, làm tờ Tạp chí Văn nghệ số 1 - tiền thân của tất cả các cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam.

  • TRẦN VĂN SÁNGCó thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc.

  • TRẦN THỊ MAI NHÂNNgười ta kể rằng, ở Ấn Độ, trong cái nhộn nhịp của cuộc sống, con người thường nghe văng vẳng tiếng gọi: “Hãy chở ta sang bờ bên kia”. Đó là tiếng gọi của con người khi “cảm thấy rằng mình còn chưa đến đích” (Tagore).

  • HOÀNG THỊ BÍCH HỒNGKhái niệm “Lạ hoá” (estrangemet) xuất hiện trong những năm 20 của thế kỷ XX gắn với trường phái hình thức Nga. Theo Shklovski thì nhận thức của con người luôn có xu hướng tự động hoá để giảm bớt năng lượng tư duy, “người ta thường dùng những từ quen thuộc đến sờn mòn”(1).

  • VÕ THỊ THU HƯỜNGTrời đất bao la mênh mông, ẩn chứa thật nhiều những bí mật mà con người chúng ta không ngừng khám phá mỗi ngày và cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu mới mẻ và kỳ lạ.

  • TZVETAN TODOROV Lời dẫnNền văn chương đang lâm nguy (La littérature en péril)(1), đó là tựa đề cho cuốn sách mới nhất, vừa được xuất bản ở Pháp của nhà lý luận văn học nổi tiếng: Tzvetan Todorov - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa cấu trúc, tác giả của nhiều công trình khoa học tầm cỡ.

  • LẠI NGUYÊN ÂN 1. Phạm trù chủ nghĩa cá nhân (individualisme) của tư tưởng phương Tây được Phan Khôi (1887-1959) đề cập từ cuối những năm 1920 đầu những năm 1930, khi mà một trong những đề tài thu hút ngòi bút viết báo của ông chính là vấn đề thời sự của đời sống văn hoá tư tưởng đương thời: trạng thái và số phận của những tư tưởng cổ truyền phương Đông trước một xu thế đang diễn ra trên chính phương Đông, được gọi là xu hướng “Âu hoá”.

  • HỒ THẾ HÀPhân tâm học ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức những vấn đề thầm kín, vi diệu nhất của tâm sinh lý con người. Nó trở thành khoa học phân tích tâm lý chiều sâu của mọi hành vi trong đời sống ý thức và vô thức của mỗi cá thể người.

  • TRẦN THỊ THANH NHỊ “Tôi bị thôi thúc bởi một thứ khao khát hiểu biết có liên quan đến những quan hệ giữa người với người hơn là với các đối tượng tự nhiên.”(Sigmun Freud)