Đạo Phật ở Huế và vấn đề văn hóa xã hội

14:54 12/12/2019

GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI

(Hòa Thượng Thích Thiện Siêu(*) trả lời phỏng vấn của Người Sông Hương)

Hòa Thượng Thích Thiện Siêu - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Người Sông Hương: Kính bạch Hòa Thượng, lần đầu tiên Phóng viên TCSH được Hòa Thượng tiếp, nhân dịp này xin Hòa Thượng cho biết cảm tưởng về TCSH trong những năm qua?

Hòa Thượng Thích Thiện Siêu: Tôi không có dịp đọc thường xuyên Tạp chí Sông Hương, nên không có cảm tưởng chính xác và sâu sắc, nhưng theo sự nhận xét của một số thân hữu không có tính cách toàn diện thì Tạp chí "Sông Hương" cũng như dòng sông Hương trong giai đoạn sau này hầu như tiến triển có vẻ "lững lờ yếu yếu".

Người Sông Hương: Dư luận xã hội đang lo lắng về tình hình mê tín dị đoan đang lan tràn khắp nơi, xin Hòa Thượng cho biết nguyên nhân vì sao mê tí dị đoan lại phát triển như thế?

HT. Thích Thiện Siêu: Có phải thật có tình hình mê tín dị đoan đang lan tràn khắp nơi không? Theo tôi dư luận xã hội đang lo lắng về tình hình mê tín dị đoan đang lan tràn khắp nơi thì ít mà lo lắng về tình hình xa hoa trụy lạc, tham ô nhũng lạm, ức hiếp, mất dân chủ và nạn thất nghiệp gia tăng thì nhiều. Vì những thứ sau này mới tác hại nặng nề cho đất nước, cho con người.

Còn mê tín dị đoan hay không mê tín dị đoan, cần phải phân tích mới khỏi nói hồ đồ. Theo tôi có hai lối tín ngưỡng, một tín ngưỡng của tôn giáo và một tín ngưỡng của dân gian: Tín ngưỡng tôn giáo căn cứ trên nền đạo lý, học thuyết bởi một đấng giáo chủ khởi xướng, có hệ thống từ nội dung đến hình thức, có quy cũ học hỏi, hành trì như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo... còn tín ngưỡng dân gian là lối tín ngưỡng thông thường theo trình độ dân trí của mỗi địa phương, nơi này có lối tin này, nơi khác có lối tin khác, không có căn cứ lý trí, chỉ cốt thỏa mãn tình cảm, cầu an, tai qua nạn khỏi hay cầu phúc lợi hiện thời. Trong lối tín ngưỡng dân gian này lắm lúc có thứ làm cho suy nhược tinh thần, tính mạng, tài sản, chẳng hạn như đốt vàng mã, uống tàn nhang, nước thải để chữa bệnh... Như vậy xã hội có lo lắng chăng là lo lắng cho lối tín ngưỡng dân gian mang nhiều hình thức mê tín này, nhưng không phải là trầm trọng lắm. Còn dị đoan là chữ của đạo Nho tự cho mình là chính đạo, còn đạo Dương, đạo Mặc không phải là đạo mà chỉ là một lối tín ngưỡng, học thuyết khác mà thôi. Đạo Nho đã dùng câu "Công hồ dị đoan" có nghĩa là công kích đạo Dương, đạo Mặc, từ đó ta mới quen dùng chữ dị đoan ghép chung với chữ mê tín để chỉ cho lối tín ngưỡng vô căn cứ và khác với điều tín ngưỡng của mình. Sở dĩ có tình trạng mê tín dị đoan, trước hết phải nói là vì tập truyền kém hiểu biết, tiếp đó là tâm hồn bất an vì nội tâm cuồng vọng, vì cuộc sống xã hội bấp bênh, ngang trái, mất lòng tin...

Người Sông Hương: Dư luận cũng lo lắng về tình hình "đạo đức xuống cấp", nhất là giới thanh niên. Theo Hòa Thượng muốn giải quyết vấn đề này, xã hội - đặc biệt là báo chí, cần phải làm những việc gì?

HT. Thích Thiện Siêu: Muốn giải quyết vấn đề này, xã hội - đặc biệt là báo chí nên làm những việc sau đây:

a. Đả phá tinh thần bài bác Tôn giáo, đạo giáo một cách mù quáng và quá khích;

b. Truyền bá đứng đắn các quan điểm vật chất, tinh thần, hiện thực và siêu thực, lối sống lịch sự, văn minh, đạo đức;

c. Khuyến khích, cổ võ lớp tuổi trẻ tránh xa những nơi ăn chơi trụy lạc, trái lại nên đến những nơi giáo dục đạo đức, bất cứ ở đâu: ở đoàn thể, ở học đường, ở Tôn giáo. Nếu thấy một khi lớp tuổi trẻ đến đó có thể thay đổi được thói hư tật xấu, thì không ngần ngại gì mà phải ngăn cản. Mặt khác phải làm hạn chế sự phát triển ồ ạt các loại hàng cà phê, quán nhậu, các điểm chiếu vidéo có ảnh hưởng đến sự sa sút đạo đức của thanh thiếu niên;

d. Gương mẫu đạo đức phải có và có từ tư tưởng đến lời nói và việc làm. Về địa hạt báo chí, người chủ báo, làm báo cho người khác đọc, khi viết về đạo đức, thì người chủ báo, làm báo phải có đạo đức thực, thì báo mới tránh khỏi bệnh nói suông.

Người Sông Hương: "Tu" theo đúng nghĩa từ này là góp phần làm lành mạnh hóa xã hội. Hòa Thượng cho biết cuộc vận động chính của Phật giáo hiện nay để góp phần xây dựng đời sống văn hóa của xã hội.

HT. Thích Thiện Siêu: Phát xuất từ tinh thần từ bi và trí tuệ, Phật giáo chế lập ba môn học là Giới học, Định học và Tuệ học để xây dựng cho con người từ mặt đạo đức, trí tuệ, hùng lực, vô ngã vị tha, từ thấp lên cao thoát ly dần tính hữu ngã cố chấp hẹp hòi để đạt đến tính vô ngã vị tha rộng lớn. Những ai muốn có một cuộc sống ý nghĩa sẽ tìm thấy ở Phật giáo những điều giúp cho họ mở rộng lòng, rộng trí, để biết sống chan hòa với mọi người, mọi vật. Từ lâu Phật giáo luôn luôn phát huy lý tưởng đó thông qua việc phổ biến kinh sách báo chí, hành thiện, diễn giảng giáo lý, tổ chức những buổi tu học không những cho lớp người lớn tuổi mà cả đến lớp tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt để giáo dục tín ngưỡng đạo đức cho lớp tuổi thanh thiếu niên, con cháu trong những gia đình tin Phật, Phật giáo đã quy tụ các cháu lại trong "Gia đình phật tử" để giáo dục cho thích hợp theo tuổi trẻ và đã thu hoạch kết quả rất tốt. Biết bao gia đình đã gửi con em mình đến Gia đình phật tử nhờ sự giáo dục mà mình có được những người con có hiếu đạo, biết yêu người thương vật, kính trên nhường dưới, trung thành với Tổ quốc, tránh cho gia đình cũng như xã hội biết bao điều tai hại. Song đáng tiếc, những việc làm này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nên đã làm giảm đi phần lớn sự đóng góp của Phật giáo vào việc xây dựng thanh thiếu niên lành mạnh, xây dựng xã hội đạo đức lành mạnh.
 

Viếng cảnh chùa - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Người Sông Hương: Hòa Thượng có nhận xét gì về hiện tượng đồng bào miền Bắc "đi hành hương xứ Huế" ngày càng đông, những người ấy có nguyện vọng gì; và các chùa đã có những sinh hoạt gì để thỏa mãn yêu cầu của những người đi hành hương? Ngành du lịch Huế có thể hợp tác với các chùa để tổ chức cho đồng bào vào Huế hành hương không?

HT. Thích Thiện Siêu: Không những đồng bào miền Bắc mà cả đồng bào miền Nam gần đây đi hành hương tại Huế ngày càng đông, theo tôi nghĩ có nhiều lẽ:

a. Huế ở vào vị trí chính giữa hai miền đất nước đã từng một thời làm trung tâm của lịch sử, chính trị, văn hóa, Phật giáo, thế nhưng đã nhiều năm tháng chiến tranh gặp phải trở ngại nên đồng bào miền Bắc, Nam khó đi hành hương đến Huế được. Ngày nay nước nhà thống nhất, Nam Bắc một nhà đường giao thông thuận lợi, nên đồng bào ước vọng đi đến Huế để tận mắt nhìn thấy một vùng đất quê hương mang nhiều tính đặc thù như vừa nói trên.

b. Huế có nhiều chùa danh tiếng, lại có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa của dân tộc, đồng bào Nam Bắc đến thăm Huế để thấy rõ nét xây dựng của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của quá khứ, đồng thời chiêm bái Phật tổ, thăm các vị cao tăng mà họ quen biết, thăm chùa Từ Đàm - nơi phát xuất cuộc đấu tranh Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, thăm các ngôi chùa dù trải qua nhiều biến thiên vẫn giữ được nét cổ kính cũng như vẻ canh tân hòa nhịp với vẻ thiên nhiên của sông núi.

c. Huế là đất bàn đạp để mở rộng biên cương của Tổ quốc. Tôi từng nghe có các đồng bào miền Nam khi đi hành hương đến Huế thổ lộ rằng: "Chúng tôi biết tổ tiên xa xôi của chúng tôi từ miền Trung đi vào Nam lập nghiệp nên chúng tôi ước ao trong đời mình có một lần đến Huế thăm". Họ đã nói với tôi câu đó trong vẻ vui mừng xúc động khi gặp tôi tại chùa Từ Đàm trên đất Huế.

d. Và như một cán bộ ở Bắc đến Huế công tác đã trên 10 năm, hôm nọ dẫn thân hữu đến Từ Đàm thăm, trong lúc nói chuyện, vị cán bộ ấy giới thiệu với bạn mình rằng "Người Huế rất lịch sự, ăn nói dịu dàng". Lại một lần khác, tôi nhờ một phật tử Huế dẫn mấy người khách từ xa đến Huế, đi chợ Đông Ba. Khi khách hỏi mua khăn, chủ quán lấy khăn xuống cho họ xem, vì thấy khăn mỏng, không ai mua. Chủ quán vui vẻ treo khăn trở lại không nói gì. Mấy người khách đã nhận xét: "Chị bán khăn tử tế quá. Khi chúng tôi không mua mà trả lại, lòng rất hồi hộp, vì nghĩ thế nào chị ta cũng nói đôi câu nặng nhẹ hoặc vài tiếng mắng như ở xứ chúng tôi, nhưng chị bán khăn này lại tỏ vẻ tự nhiên vui vẻ...".

Đó phải chăng cũng là những biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa mà người Huế đã có được. Vậy nguyên do từ đâu người Huế có được cách xử thế đó, thiết tưởng Sông Hương nên tìm hiểu và phát huy rộng rãi.

Vì lẽ ấy, nên khi có đoàn hành hương nào đến chùa xin tá túc, chúng tôi đều hoan hỉ chấp nhận, dù chùa rất thiếu tiện nghi cho một số đông người ăn ở. Chúng tôi hướng dẫn họ lễ Phật, kể sơ lai lịch và giảng cho họ ít điều Phật pháp vì họ không có rộng thì giờ để sinh hoạt nhiều. Tôi chưa nghĩ đến việc hợp tác với ngành du lịch để tổ chức cho đồng bào đến Huế hành hương, nhưng tôi mong rằng khi các đồng bào đến Huế hành hương luôn gặp được sự đối xử dễ dàng lịch sự của mọi người, mọi giới để tạo niềm thông cảm giữa Huế và các bạn phương xa.

Người Sông Hương: Tạp chí Sông Hương của Huế - Thành phố cố đô và cũng là trung tâm Phật giáo lớn ở Việt nam, theo Hòa Thượng, Sông Hương nên có những nội dung gì để thỏa mãn phần nào yêu cầu của bạn đọc trong đó có nhiều người theo đạo Phật, trong thời gian sắp đến?

HT. Thích Thiện Siêu: Không những Huế mà hầu hết các thành phố, các tỉnh trong cả nước, số người theo đạo Phật cũng không ít. Còn muốn nói Huế là một "Trung tâm Phật giáo lớn ở Việt Nam" cũng có thể nói như thế được. Nhu cầu muốn thỏa mãn về đạo Phật của nhân dân Huế hiện tại quá lớn, e Sông Hương do nội dung hạn chế của nó khó lòng làm thỏa mãn yêu cầu của bạn đọc nói chung và bạn đọc Phật tử nói riêng. Nếu thỉnh thoảng đăng một vài bài liên hệ tới Phật giáo mà không được thẩm định cẩn thận hoặc có lúc thiên lệch thì chỉ gây nên tai hại, làm mất tin tưởng vào thái độ vô tư, chín chắn của một cơ quan ngôn luận có trách nhiệm nói lên những hiểu biết đứng đắn và phản ánh trung thực sự hiểu biết và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Ví dụ cụ thể: Tôi còn nhớ một số Sông Hương có đăng truyện với cái đầu đề rất Phật giáo là: "Niết Bàn bốc cháy". Độc giả đọc bài đó nhiều người thấy bực mình và đã có người muốn góp ý, gởi bài nhận định phê bình cho rộng đường dư luận, thì Sông Hương không đăng. Vì sao? do thái độ thiên lệch hay do không sáng vấn đề. Nếu quả là Sông Hương có thái độ thiên lệch thì khó gây nổi lòng tin của đa số bạn đọc đối với nó, khi muốn cho nó là một tạp chí vì lợi ích của toàn dân. Đó là tôi chưa đề cập đến việc truyện "Niết Bàn bốc cháy" đã dựng thành phim và trước khi đem chiếu rộng rãi có chiếu thử tại trụ sở công ty phát hành phim và vidéo trung ương 2 tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 3-2-90 cho các đơn vị đại diện chính quyền thành phố và đại diện Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo xem thử. Tại đây đều có ý kiến của các vị đại diện nhắc nhở, đề nghị phải thận trọng xét lại kiến thức về Phật giáo thiếu nghiêm túc của cốt truyện, thế nhưng sau đó cuốn phim vẫn được chiếu nơi này nơi khác. Như vậy chỉ gây sự ngộ nhận về Phật giáo nơi những người chưa biết hoặc chỉ biết mù mờ về đạo Phật và rất dễ làm người dân - nhất là Phật tử nghi ngờ tinh thần trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.

Người Sông Hương: Mong rằng những ý kiến chân tình, thẳng thắn của Hòa Thượng sẽ được tác giả "Niết bàn bốc cháy" cũng như những nhà văn nhà báo nghiên cứu tiếp nhận để những bài viết liên quan đến Phật giáo tránh được những sai sót đáng tiếc. Xin cám ơn Hòa Thượng.

N.S.H thực hiện
(TCSH47/05-1991)

-------------
(*) Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN kiêm trưởng ban giáo dục tăng ni toàn quốc, đại biểu Quốc hội khóa VIII.

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ XUÂN CẨM 

    Thành phố Huế khác hẳn một số thành phố trên dải đất miền Trung, không chỉ ở các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, thành quách… mà còn khác biệt ở màu xanh thiên nhiên hòa quyện vào các công trình một cách tinh tế.

  • KỶ NIỆM 130 CHÍNH BIẾN THẤT THỦ KINH ĐÔ (23/5 ẤT DẬU 1885 - 23/5 ẤT MÙI 2015)

    LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Huế, trong lịch sử từng là vùng đất đóng vai trò một trung tâm chính trị - văn hóa, từng gánh chịu nhiều vết thương của nạn binh đao. Chính biến Thất thủ Kinh đô 23/5, vết thương lịch sử ấy ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ người dân Cố đô.

  • KIMO 

    Café trên xứ Huế bây giờ không thua gì café quán cốc ở Pháp, những quán café mọc lên đầy hai bên lề đường và khi vươn vai thức dậy nhìn xuống đường là mùi thơm của café cũng đủ làm cho con người tỉnh táo.

  • LTS: Diễn ra từ 10/6 đến 22/6/2015, cuộc triển lãm “Thừa Thiên Huế: 90 năm báo chí yêu nước và cách mạng” do Hội Nhà báo tổ chức tại Huế, trưng bày các tư liệu báo chí hết sức quý giá do nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu sưu tập, đã thu hút đông đảo công chúng Huế. Nhiều tờ báo xuất bản cách đây hơn thế kỷ giờ đây công chúng được nhìn thấy để từ đó, hình dung về một thời kỳ Huế đã từng là trung tâm báo chí của cả nước. Nhân sự kiện hết sức đặc biệt này, Sông Hương đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

  • MAI KHẮC ỨNG  

    Một lần lên chùa Thiên Mụ gặp đoàn khách có người dẫn, tôi nhập lại để nghe thuyết minh. Nền cũ đình Hương Nguyện trước tháp Phước Duyên được chọn làm diễn đài.

  • LÊ QUANG THÁI

    Việt Nam giữ một vị thế trọng yếu ở ngã tư giao lưu với các nước của bán đảo Ấn Hoa và miền Viễn Đông châu Á.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                            Tùy bút

    Mối cảm giao với Túy Vân khởi sự từ sự tạo sinh của đất trời trong lớp lớp mây trắng chảy tràn, tuyết tô cho ngọn núi mệnh danh thắng cảnh thiền kinh Cố đô.

  • PHẠM THÁI ANH THƯ

    Trong giai đoạn 2004 - 2013, nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) đạt mức tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đồng hành với mức tăng trưởng đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.

  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Một số nhà nghiên cứu đã chú tâm tìm kiếm nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du ở Huế, sau khi ông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820).

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN 

    Sông Hương vừa là cột mốc làm chứng vừa là biểu tượng cho dáng đẹp sương khói, “áo lụa thinh không” của lịch sử thăng trầm về hình bóng Huế.

  • ĐỖ XUÂN CẨM

    1. Đôi điều tản mạn về Liễu
    Người Á Đông thường coi trọng luật phong thủy, ngũ hành âm dương, họ luôn chú trọng đến thiên nhiên, cảnh vật và xem đó là một phần của cuộc sống tinh thần.

  • TRƯỜNG PHƯỚC  

    Đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới phát triển đã 40 năm. Những thành tựu là có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, muốn phát triển, công cuộc đổi mới cần được thúc đẩy một cách mạnh mẽ có hiệu quả hơn nữa.

  • LƯU THỦY
     
    KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ (26/3/1975 - 2015)

  • LÊ VĂN LÂN

    Một mùa xuân mới lại về trên quê hương “Huế luôn luôn mới” để lại trong tâm hồn người dân Huế luôn trăn trở với bao khát vọng vươn lên, trả lời câu hỏi phải tiếp tục làm gì để Huế là một thành phố sáng tạo, một đô thị đáng sống. Gạt ra ngoài những danh hiệu, kể cả việc Huế chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề đặt ra đâu là cái lõi cái bất biến của Huế và chúng ta phải làm gì để cái lõi đó tỏa sáng.

  • THANH TÙNG

    Ở Việt Nam, Huế là thành phố có tỉ lệ tượng lớn nhất trên diện tích tự nhiên và dân số. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, phong phú về đề tài, loại hình, phong cách thể hiện.

  • ĐỖ MINH ĐIỀN

    Chùa Hoàng giác là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất xứ Đàng Trong, được đích thân chúa Nguyễn Phúc Chu cho tái thiết, ban sắc tứ vào năm 1721. Tuy nhiên, vì trải qua binh lửa chiến tranh chùa đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Dựa trên nguồn sử liệu và kết quả điều tra thực tế, chúng tôi cố gắng để phác thảo phần nào nguồn gốc ra đời cũng như tầm quan trọng của ngôi chùa này trong đời sống văn hóa cư dân Huế xưa với một nếp sống mang đậm dấu ấn Phật giáo.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Cách đây đúng 500 năm (1514 - 2014), tại ngôi làng ven sông Kiến Giang “nơi cây vườn và dòng nước cùng với các thôn xóm xung quanh hợp thành một vùng biếc thẳm giữa màu xanh mênh mông của cánh đồng hai huyện”(1) thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cậu bé Dương Văn An, sau này đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Thượng thư được sinh ra đời.

  • DƯƠNG ĐÌNH CHÂU – TRẦN HOÀNG CẨM LAI

    Danh lam thắng cảnh, nơi cảnh đẹp có chùa nổi tiếng, khái niệm này càng rõ hơn ở Huế.

  • PHẠM HẠNH THƯ

    Du lịch Huế xưa
    Du lịch Huế có một lịch sử thơ ca dân gian gắn liền với những bước phát triển của mình.

  • LÊ VĂN LÂN 

    Khi nói đến xây dựng và phát triển Huế, không ai không nghĩ đó là một “thành phố xanh”. Đó không chỉ là suy nghĩ của những nhà đô thị hiện đại mà là một chuỗi trăn trở từ những người đầu tiên xây dựng Huế, những người dân bản địa đến các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, du khách đến Huế trong và ngoài nước.