1. Cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Sông Hương năm 2024 đã khép lại. Ban Tổ chức đã chọn được vào Sơ khảo 63 tác phẩm dự thi đến từ nhiều vùng, miền. Điều này cho thấy sức hấp dẫn, uy tín của giải, uy tín của Tạp chí cũng như uy tín của văn học nghệ thuật vùng đất Cố đô Huế. Đây cũng là chỉ dấu đầu tiên cho thấy sự thành công của giải lần này. Với độ dài thời gian một năm, cuộc thi là cánh cửa rộng mở để các tác giả có nhiều cơ hội thăm dò trữ năng của mình. Số lượng 63 tác phẩm là minh chứng cho điều đó. Và số lượng tác phẩm cũng cho thấy truyện ngắn vẫn là thể loại giàu tiềm năng, có sức thu hút. Ở đó, có nhiều tác giả muốn thử sức, muốn bộc lộ, khát khao khẳng định, khát khao cống hiến. Sự góp mặt của đông đảo đội ngũ tác giả cũng làm nên bức tranh truyện ngắn đa hương, đa sắc, với những phong cách có tương đồng, có dị biệt, một số cây bút ít nhiều thể hiện được cá tính, bản sắc.
2. Điều dễ nhận thấy nhất là phần lớn các tác phẩm đều đi sâu khai thác vẻ đẹp của hiện thực đời sống, của văn hóa, lịch sử và con người xứ Huế. Trước hết vẫn là vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng, với những con đường đầy hoa nắng, với những cơn mưa buồn nhớ xa xăm, với những đầm phá sông ngòi, cù lao và biển... Cùng với đó là một xứ Huế thần kinh xưa cũ, được gọi lại trong từng khoảnh khắc của hiện tại - nơi tác giả lắng mình trong một phút bừng ngộ nào đó về những nỗi niềm quá vãng xa xưa; nơi có những đền đài u tịch; những bức tường thành lan man chạy trong tiếng dạ của một thiếu nữ đức hạnh. Đấy là thế giới của những điệu Nam Ai, Nam Bình, của những khúc nhã nhạc, của những cuộc binh đao, của phận người từ bậc quyền quý đến bình dân thấp bé, biết bao thân phận, biết bao nỗi niềm, những hạnh phúc và tan vỡ của tình yêu, nỗi hồi sinh sau từng chết chóc.
Đêm rằm tháng bảy của Thảo Giang kể về những mối tình dở dang. Thực ra sự dở dang của cả hai mối tình đều quen thuộc, không có gì đặc sắc. Cái đặc sắc là ở chỗ không phải hai người trẻ trở lại với nhau, mà cô gái đã bắc nhịp cầu cho hai người già. Truyện lấy bối cảnh đêm rằm tháng bảy ngụ ý nói về lòng hiếu thảo, nhưng ý nghĩa của nó đi xa hơn, đánh thức lòng nhân văn, đánh thức những giá trị nhân bản. Huế - Réunion của Bảo Thương kể về hành trình tìm lại quê hương nguồn cội, tìm lại các giá trị Huế của một người con tha hương, có gốc gác hoàng tộc. Cốt truyện nhẹ nhàng, nhiều bí ẩn, mở ra nhiều khoảng lặng để người đọc ngẫm ngợi. Bản sắc Huế được thể hiện khá rõ nét. Dấu hiệu hậu hiện đại thể hiện trong cấu tứ, trong chi tiết và trong lối kể chậm rãi, giọng điệu đều đều trầm lặng. Ngôn ngữ có bản sắc. Nếu chọn một tác phẩm viết về Huế một cách đâm đặc nhất, theo một lối đi riêng trên chính nền cảnh Huế quen thuộc, có lẽ phải kể đến Dạ quỳnh (Lê Vi Thủy). Với nguồn cảm hứng bắt đầu từ nghề thêu - một nghề có truyền thống lâu đời và đã ghim vào văn hóa Huế như một thứ đặc sản trên cả hai bình diện vật thể và phi vật thể, Lê Vi Thủy dẫn người đọc đến với một không gian đậm đặc Huế trong một cốt truyện xuyên không với vô vàn chi tiết thực hư trộn lẫn, tạo ấn tượng nhất vẫn là sự am hiểu một cách sâu sắc về thêu thùa - một thứ công việc góp phần quan trọng làm nên cái nhẫn nại, cái dịu dàng của xứ Huế, của người con gái Huế - xứ sở của những trang phục long phụng, của những “Thất sư hý cầu”, “Đêm trăng Vỹ Dạ” hay “Bộ kinh kim cương”... Và, thú thật là tôi rất có thiện cảm với cách tiếp cận Huế của Nhảy qua bóng mình (Lê Vũ Trường Giang). Không có đền đài, không có lăng tẩm, không sông Hương núi Ngự, Nhảy qua bóng mình mở ra không gian Bạch Mã, trong cái nhìn của ngày nay, và bằng liên văn bản, mở ra cả không gian xa xưa, huyễn hoặc, hư ảo và ly kỳ, trong một kết nối tự nhiên. Chính từ lựa chọn ấy mà tác phẩm có những dòng viết khá giàu kinh nghiệm trong việc tạo nên một bức tranh hoang sơ liêu tịch, như một bờ tiền sử1, rất phù hợp để kết nối hiện tại với huyền thoại xa xưa: “Những bông lau đã nở trắng, mùa chim động, biển xanh, những bọt sóng vỗ dưới chân đèo và sương mù. Từ lâu, Bóng khao khát rừng xanh như con nai thèm cỏ mùa khô, chỉ vì tôi đã giam lỏng, dẫu biết Bóng bức bối nơi bìa lú khốn khổ. Bóng bám theo chiếc xe chạy lòng vòng qua những con đường cong. Hôm đó màu nước ánh lên sắc bạc của chút nắng kiêu hãnh tưới lên gương mặt rất đậm của biển. Gió từng hồi đùn nhau như muốn leo lên tới đỉnh núi. Dãy Bạch Mã hiên ngang cứ xoải chân trước thách thức từng bọt sóng. Và mớ tóc rối bù không đội mũ bảo hiểm của em, dường như cũng muốn thách thức cả núi (...). Em hỏi tôi tại sao núi lại có tên là Bạch Mã. Bóng có biết không nhỉ, nhưng mà tôi biết đấy. Bạch Mã có mối lương duyên thuần khiết với mây, đến cái tên gọi cũng bắt nguồn từ những áng mây quanh năm quần vũ trên chóp núi. Tích xưa kể rằng...”. Ngoài ra, một vài tác phẩm, với tọa độ khởi đầu là Huế, mở ra một không gian nửa bên kia trái đất, là nước Pháp hay Algeria..., nơi có những mối quan hệ chặt chẽ với Huế, về văn hóa, về lịch sử và cả con người (Những đôi mắt giấu mình trong đêm, Huế - Réunion...). Tôi không biết người viết đang sống ở Việt Nam hay nước ngoài, và đó có phải là vùng hiện thực quen thuộc của họ không, nhưng, mang đến cho thế giới truyện ngắn dự thi những không gian ấy đồng nghĩa với việc mang đến một cái khác. Đấy là điều cần thiết cho một cuộc thi văn chương mà phần lớn tác phẩm đều hướng đến một hiện thực đã ổn định, nhiều khi gây cảm giác nhàm chán.
3. Viết về thiên nhiên, về những trầm tích văn hóa Huế, nhiều tác phẩm cũng nỗ lực miêu tả, khái quát về con người Huế. Dưới ngòi bút của các tác giả, con người xứ Huế hiện lên khá sinh động, chân thật dù rằng chưa thực sự phong phú. Trước hết, đó là những con người lam lũ, chịu khó, phần nhiều gắn với sông biển, đầm phá... (dĩ nhiên, nếu viết về con người phố thị thì thật khó để mô tả cái nhọc nhằn lam lũ, cái nghèo khốn, và vì thế, khó để làm bật nổi được tình người với những trắc ẩn, yêu thương). Tôi nhớ hình ảnh con người lam lũ, vật vạ trong thiên tai cũng từng xuất hiện khá phổ biến trong nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi thơ trên Tạp chí Sông Hương năm 2023. Đấy là một lão ngư với cái - gọi - là - mái - nhà (tôi nhấn mạnh), là một thiếu nữ lớn lên trong mặc cảm của đói nghèo, của thân phận quá lứa lỡ thì hay con thêm vợ lẽ... Nhưng, điều mà các tác giả cố tình nhấn mạnh không chỉ là chỗ đó. Dường như mỗi cây bút, với những tầm mức khác nhau, đều cố gắng khắc họa hình tượng con người nơi đây với những phẩm hạnh truyền thống, cố hữu. Người Huế ở đây không phóng khoáng, không hào sảng, họ “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó” nhưng luôn đong đầy yêu thương, họ sẵn sàng mở lòng giúp đỡ, cứu vớt những người cùng đường tuyệt lộ, nhưng là sự giúp đỡ lặng lẽ, trong một thứ tình thương lặng lẽ, đôi khi dè dặt, đôi khi âm thầm. Vì thế, ở những con người này, người ta không nhìn thấy những ồn ào của kiếm khách hay hiệp sĩ. Họ là biểu tượng tính cách của người Huế: khiêm nhường, điềm đạm, nhẫn nại trong cả việc hành hiệp trượng nghĩa. Đấy là ông Dự của Những dòng sông miên man chảy; là lão Thới của Bắc một nhịp cầu; là lão ngư trong Sứ mệnh của sóng. Phải nói rằng, viết về tình người xứ Huế, có một số truyện khiến lòng người cảm động.
Nhưng con người xứ Huế không chỉ cần cù, không chỉ đầy chung thủy, yêu thương và trắc ẩn như những ví dụ về tính cách, đạo hạnh. Họ còn là những người lãng mạn. Chẳng thế mà những câu chuyện về tình yêu, những câu chuyện về các nghệ sĩ được kể một cách say sưa và những trăn trở về nghệ thuật cũng thể hiện bởi không ít cây bút. Nhưng đây là một chủ đề khó, có lẽ dành để nói sau. Phổ biến, dễ chịu và khó chịu nhất vẫn là những mối tình. Dễ chịu bởi chúng mang đến thế giới nghệ thuật của tập hợp tác phẩm một không khí lãng mạn bay bổng, và trẻ. Còn khó chịu? Bởi hình như nhiều tác giả vẫn chưa thoát khỏi sự trì níu của quá khứ. Những câu chuyện tình với nội dung khá quen thuộc, vẫn là ngang trái do lễ giáo, do hiểu nhầm, vẫn là sinh ly tử biệt do chiến tranh, do một điều gì đó ngẫu nhiên vụng về, thậm chí, có khi, tác giả muốn làm mới câu chuyện bằng việc bổ sung một tình huống khác lạ, thì lại là tình huống hết sức khiên cưỡng... Ở khu vực này, sự phân định giá trị chủ yếu căn cứ vào cách hành văn. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là phủ nhận tất cả. Vẫn có những truyện lóe sáng bằng một thứ tình huống và lối viết đầy sự say mê và sáng tạo, nhất là những truyện được viết theo phong cách hiện đại, hậu hiện đại.
Và còn đó một con người xứ Huế với tinh thần gia trưởng. Những trải nghiệm văn hóa và cả đời sống mách bảo ta rằng các tác giả hoàn toàn không có gì nhầm lẫn về điều này. Một xứ sở đã từng tôn nghiêm bởi là kinh đô của cả nước, bởi những gia đình công hầu khanh tướng, và lễ giáo là một thứ gì đó chảy thường xuyên trong huyết mạch mỗi người, thì sức sống của tinh thần gia trưởng (cho dù đôi khi có vẻ không còn hợp thời nữa) cũng không hẳn là cái gì trái với lẽ thường. Chính tinh thần gia trưởng đã níu kéo được những đổ vỡ nhưng cũng chính tinh thần gia trưởng đã gây nên đổ vỡ. Tôi hiểu tinh thần gia trưởng đậm đặc như một nét tính cách văn hóa đặc hữu của nơi này (Từ đường - Lệ Hằng, Đêm rằm tháng bảy - Thảo Giang, Thánh vật - Mạc Yên...) Tất nhiên, với bản chất đa nghĩa của các văn bản nghệ thuật, tôi hiểu rằng một vài tác phẩm trong đó không chỉ nói về tinh thần gia trưởng, mà là một cái gì đó sâu xa hơn nữa, như là thói mụ mị trước thần tượng hay sự nô thuộc vào quá khứ... Riêng điểm này, tôi chú ý nhiều đến Thánh vật.
4. Từ một góc nhìn khác, có thể nhận thấy các nhóm đề tài chính được đề cập trong 63 tác phẩm gồm: đề tài về văn hóa, đề tài về đời sống và con người trong tính chất hiện thực của nó, đề tài quá khứ (bao gồm cả những truyện hư cấu có liên quan đến Huế) và đề tài chiến tranh, đề tài về nghệ thuật với nghệ sĩ (dĩ nhiên đây chỉ là sự phân loại tương đối và tên gọi các đề tài cũng chỉ mang tính chất ước định). Ở mỗi đề tài, đều có thể “chỉ mặt”, “gọi tên” các tác phẩm ưu trội hơn, và có những đóng góp thực sự. Viết về đời sống đương đại, tôi đặc biệt chú ý đến một số tác phẩm mà ở đó, người viết đã thoát khỏi những ám ảnh về nội dung và tiêu chí ưu tiên của cuộc thi, để trình hiện những suy tư mãnh liệt về đời sống trên tinh thần của cái phi lý, nỗi cô đơn, tình trạng lưu đày của con người trong lối viết nghiêng về hiện đại hay hậu hiện đại. Nhảy qua bóng mình (Lê Vũ Trường Giang) như một cuốn sách tập hợp một liên văn bản, của huyền thoại, của cổ tích, của văn chương, triết học và âm nhạc, của phương Đông và phương Tây, của thiên tạo và nhân tạo trong một đối thoại không rõ hình hài, như một trò chơi vô tăm tích; Vết sẹo (My Tiên) viết về một hạnh phúc mong manh, trong một cuộc tình mong manh, lý tưởng và bí ẩn với những khoảng cách vời vợi ngăn cách những khát vọng chia sẻ. Thông qua những giấc mơ, tai ương và khoảng cách, truyện còn là cuộc kiếm tìm bản thể con người, kiếm tìm mục đích cuối cùng và sứ mệnh đích thực của nghệ thuật. Truyện viết hiện đại, yếu tố kỳ ảo, giấc mơ được sử dụng đắc địa ngoài việc tạo nên độ hấp dẫn của tình huống và không gian truyện còn, và quan trọng hơn là nhấn mạnh trạng thái vô thường của thế giới và nỗi cô đơn, lưu đày của con người. Đò nước chiều hôm (Đinh Thành Trung) kể về kiếp sống vạ vật của những người lao động nghèo khó nhưng chân chính - những thân phận bên lề theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng họ hào hiệp và ấm áp tình người. Truyện cũng nói về nghệ thuật và bản lĩnh sống bằng đam mê. Không có cốt truyện mạch lạc, chỉ là những dòng viết tưng tửng, khô khốc rất đời nhưng giấu sau đó, giấu trong đó là những nỗi niềm khiến người ta cảm động, những câu hỏi thật khó trả lời. Rốt cuộc người ta sống vì cái gì? Người ta sống vì lẽ gì? Đời người, sinh mệnh nghệ thuật, những ước mơ, những giá trị... sẽ đi về đâu. Cái kết khá bất ngờ và mở ra khoảng trắng mênh mông để người đọc tiếp tục suy tư. Nanh rắn (Lê Quang Trạng) viết về chủ đề văn hóa truyền thống trên cơ sở miêu tả những kỳ bí xa lạ của núi rừng, về nguy cơ tàn phai, tuyệt tích của văn hóa các tộc người bởi sự xâm lấn của nền văn minh hiện đại, và cả của những ham mê danh vọng, mặt trái của khát vọng nghệ thuật khi tác động một cách tàn nhẫn lên đời sống, nhất là đời sống tinh thần nguyên sơ của các tộc người.
Những truyện viết về quá khứ cũng chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong cuộc thi này. Có những truyện được xây dựng như những huyền thoại (Truyền thuyết phượng hoàng - Nguyễn Anh Tuấn, Nguyệt quế hoa - Ngô Tú Ngân...), có những truyện bắt đầu từ một nhân vật, một sự kiện lịch sử (Ức cố nhân - Trần Quỳnh Nga, Sóng gió quan trường - Nguyễn Anh Tuấn, Lửa Hoàng Nghiêu - Mai Xuân Thắng...). Đây là một đề tài khó. Văn chương hiện đại viết về lịch sử không chỉ thuần túy là việc kể lại một câu chuyện lịch sử, mà nó phải đối thoại với lịch sử hoặc gợi nghĩ về hiện tại trong sự tôn trọng tính chính xác của những sự kiện lịch sử - dù người viết có thể sáng tạo, bổ sung những nét về tính cách, phẩm hạnh, ngôn ngữ, suy tư của nhân vật. Khó, vì đã có một số tác giả viết rất thành công ở đề tài này như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Khánh, Lưu Sơn Minh, Uông Triều... Bởi thế mà không nhiều tác phẩm của cuộc thi, viết về quá khứ, có thể đáp ứng tầm đón đợi của công chúng hôm nay. Tôi ấn tượng mạnh với Ức cố nhân, nơi xuất hiện một Nguyễn Trãi cô đơn, một nhà khảo cổ cô đơn với những suy tư về giá trị trong cốt truyện song tuyến với kỹ thuật viết khá điêu luyện.
Chiến tranh, cho đến nay, cụ thể là với cuộc thi này, vẫn là đề tài nóng. Tất nhiên đại đa số các cây bút đã có ý thức viết về chiến tranh không để ngợi ca, mà là để đau đớn về nó. Nhưng đây cũng không phải là điều mới mẻ, thế nên có cảm giác như người viết vẫn chủ yếu đi vào một con đường rất quen thuộc mà cả đội ngũ người viết và đông đảo công chúng đã nhiều lần đi qua. Trong không khí ấy, Người lính trở về của Nguyễn Ngọc Lợi và Tháng ba hoa gạo đỏ của Vi Hợi có thể coi là những tác phẩm có một cách tiếp cận đề tài khác với phần còn lại với lối viết “có nghề”.
Có đến 63 tác phẩm của 63 tác giả được chọn vào vòng sơ khảo, nhưng, như đã nói, hình như đại đa số tác giả tự giới hạn mình trong những yêu cầu (chắc chắn là chỉ có tính chất tương đối - như một tiêu chí ưu tiên) của cuộc thi, nên chủ đề, đề tài chưa thực sự phong phú. Thú thật, với những người đọc chuyên nghiệp, có lẽ sẽ không thực sự tìm được khoái cảm thẩm mỹ trong những loạt truyện say sưa với tình yêu (trong một mô típ khá chung là tan vỡ do hiểu nhầm, do chiến tranh, do không được sự đồng ý của hai gia đình), về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực, với công chúng, về lịch sử, về chiến tranh với sự trình hiện một lối viết thiếu sức sống của sự bứt phá... Chọn một nội dung để được ưu tiên hay chọn một lối khác để trình hiện chính mình quả là thử thách khắc nghiệt dành để kiểm chứng bản lĩnh của ngòi bút tác giả.
5. Nhưng dù sao, cũng không thể phủ nhận rằng, cuộc thi đã thu hút được ít nhiều cây bút có bản lĩnh. Đó là những người đã mạnh dạn thoát ly những ràng buộc nói trên, để tìm kiếm những chủ đề, những đề tài, những vùng hiện thực ngoài Huế, ngoài chiến tranh, ngoài quá khứ, ngoài những câu chuyện tình yêu và thân phận gắn với một hiện thực cụ thể. Họ đặt mình trong vùng thẩm mỹ nóng bỏng của hiện tại và cảm nhận được một cách sâu sắc tình thế của con người trong hiện tại, của sự tồn - tại - trong - thế giới. Họ cảm thấy được, đánh giá được về nỗi hoang mang của con người trong một thế giới tẻ nhạt, quẩn quanh, vô vị, phi lý, thường trực đối diện với nỗi lưu đày và cái chết. Họ không nhốt chặt con người của mình trong cái chật hẹp của cuộc mưu sinh, của những tranh chấp về vật chất hay những cuộc ẩu đả về tinh thần. Con người trong sáng tác của họ, tất thảy đều là nạn nhân và mãi mãi đều là kẻ thất bại. Đấy chính là sự khái quát chính xác về tình thế sống của con người hiện đại. Với cảm quan hiện đại và hậu hiện đại ấy về con người, các tác giả cũng trình hiện những lối viết mang đến những khoái cảm về cái mới, cái lạ của văn xuôi. Các thủ pháp như sử dụng kỹ thuật dòng ý thức, giấc mơ, huyền thoại hóa, phi logic hóa, miêu tả cái vắng mặt được sử dụng cơ bản nhuần nhuyễn và có thể thấy rõ hiệu quả nghệ thuật của chúng.
6. Khắc nghiệt là từ có thể dùng cho mọi cuộc đua. Cũng như những cuộc thi khác, cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Sông Hương sẽ khép lại, với những niềm vui nỗi buồn. Nhưng vui buồn vốn dĩ là nghiệp của người cầm bút. Điều quan trọng là, từ đây, sẽ có những tài năng mới được phát hiện. Nhưng những tài năng mới được phát hiện ấy có đủ nội lực và đam mê để tiếp tục hành trình? Cũng có người sẽ phát hiện lại chính mình và biết mình đang ở đâu trên con lộ văn chương. Tất cả những gặt hái nghệ thuật hay thành tựu bị bỏ lỡ đều để lại ấn tượng trong công chúng, giúp họ có một đời sống mới hơn, dù là trường cửu hay chỉ là khoảnh khắc.
L.T.N
(TCSH56SDB/03-2025)
-----------------------
1 Chữ dùng của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà.
Sau khi đắc quả A-la-hán, Tôn giả Mục-kiền-liên vận thần thông đi khắp các cõi tìm người mẹ đã khuất. Thấy mẹ đang chịu đói khát khổ sở trong kiếp ngạ quỷ, Ngài đau lòng vô cùng, vội dâng lên mẹ bát cơm. Lòng bỏn sẻn tham lam chưa dứt, bà sợ chúng ma cướp giật nên đưa tay che bát cơm. Nhưng cơm đã hóa thành lửa đỏ!
Tại nhiều trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, sự nghèo nàn về đầu sách, không gian đọc khiến nhiều học sinh (HS) không có hứng thú đến thư viện. Cộng với sự phát triển các thiết bị công nghệ số, càng khiến các em hờ hững với tài nguyên sách.
Chiều ngày 24/7, một người bạn gửi tin nhắn qua zalo thông báo việc thành phố Đà Nẵng mới phát hiện một người nhiễm Covid trong cộng đồng. Tôi bán tín bán nghi và cũng thầm hy vọng đó là tin giả. Mặc dù những tin nhắn giả đã được hạn chế rất nhiều từ khi bùng phát dịch lần 1 nhưng việc tin lan truyền trên mạng cũng chưa chắc đã là đúng.
Những khó khăn từ đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm còn chưa kịp khắc phục, ngành xuất bản trong nước đang phải đối diện với đợt dịch tái bùng phát. Giải pháp nào cho ngành xuất bản trong giai đoạn hiện nay?
Thị trường tổ chức biểu diễn cải lương tại TPHCM những năm gần đây sôi động hẳn vì sự xuất hiện của nhiều đơn vị xã hội hóa cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng nhiều chương trình, vở diễn, thu hút được sự quan tâm của khán giả mộ điệu.
Covid-19 là gì? Nếu có người hỏi tôi câu ấy, tôi sẽ trả lời là chấp nhận và thích nghi.
Nhan Hồi là đệ tử giỏi của Khổng Tử. Một lần đang khi Nhan Hồi nấu cơm trong bếp, Khổng Tử đi ngang qua, ông nhìn thấy Nhan Hồi múc cơm ăn vụng.
Đại dịch Corona đang tác hại một cách khủng khiếp. Từ mức tử vong 3.331 tại Trung Quốc vào đầu tháng 4-2020, theo thống kê chính thức, chỉ sau một thời gian ngắn - tính đến ngày 29-4-2020 - con số này đã vọt lên 217.596 người tử vong; tổng số ca nhiễm tăng đến 3.134.199 người (1).
Tương truyền, trong văn hóa Việt Nam xưa, khi gặp nhau, chào nhau các cụ ta thường úp hai bàn tay vào nhau nắm chặt và xá người đối diện. Còn cái “vụ bắt tay” mà chúng ta thường thấy lâu nay là chỉ có từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta(!)
VŨ NHIÊN
Những ngày giáp Tết, giữa rộn ràng bánh mứt, chợ hoa, giữa những cơn mưa phùn nhè nhẹ và chút gió xuân hây hẩy gợn mình, đây đó trên mặt báo đã có những tin tức về loại dịch mới khi ấy gọi là Corona bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Người Bhutan không làm việc kiếm tiền suốt cả ngày. Đủ sống là được rồi. Họ dành nhiều thời gian rảnh để tận hưởng các niềm vui khác trong cuộc sống…
Lại một mùa Phật đản trở về trên quê hương chúng ta trong bối cảnh tín đồ sẽ có thể không đến chùa dự các lễ kính mừng ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn, ngày Vesak Liên Hiệp Quốc - sự kiện văn hóa tâm linh của nhân loại, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…
Trong một lần xem bộ phim Cuộc đời Đức Phật, tôi còn nhớ loáng thoáng lời Ngài dạy rằng “nhìn vào trong một chiếc lá bồ-đề mà thấy được mặt trăng, mặt trời…”.
Ngày thứ 4 của hai tuần triệt để ở nhà “stay home” thế giới bên ngoài hầu như sa mạc...
Cảm ơn bạn đã hỏi thêm câu mình nói hôm trước: Thời buổi “Cô-vi 19” hoành hành khắp thế giới này, thì với những người đã có “tuổi hơi cứng” như tụi mình nên thực hành các hạnh Độc cư, Thiền định, Kham nhẫn, Tri túc mà Phật đã dạy từ hơn hai ngàn sáu trăm năm trước để có một nếp sống An Lạc và Hạnh Phúc.
Khi tác giả viết những dòng này, đại dịch Corona đang tiếp diễn khốc liệt trên thế giới. Châu Âu đang ở cao điểm của dịch bệnh, số tử vong tại Ý đã cao hơn so với Trung Quốc.
Đọc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nhiều người thích đi tìm xung đột, đi tìm bài học thời sự, đi tìm bài học có tính dự báo và vô số những bài học giá trị khác.
Việt Nam có một khối lượng đồ sộ các di sản đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, công tác quản lý di sản ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập.
Khắp mọi nơi trên thế giới, các sự kiện văn hóa đang bị hủy bỏ vì dịch coronavirus. Một số phòng hòa nhạc đang cố gắng chống chọi lại xu hướng này bằng cách vẫn tiếp tục biểu diễn trong khán phòng trống khán giả và chia sẻ buổi hòa nhạc trực tuyến.
Nhiều phụ huynh lo lắng giá sách giáo khoa sẽ tăng khi thực hiện chủ trương xã hội hóa. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giá sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông mới không vượt giá sách hiện hành. Điều này mang lại niềm vui cho phụ huynh nhưng lại khiến các nhà xuất bản “đứng ngồi không yên”. Trước tình hình này, có ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng thẩm định giá sách.