NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Chữ di sản ở đây xin đọc với nghĩa rộng, bao gồm di sản vật thể, phi vật thể, thiên nhiên, tôn giáo tín ngưỡng… Di sản luôn hiện lên với vẻ ngoài dễ xác định, cho dù có bị hư hoại đi nhiều qua thời gian.
Đình làng Vỹ Dạ - Ảnh: wikipedia
Có thể dùng chuyên môn, các tri thức khoa học (sử học, văn học, ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa học, sinh học, khoa học kiến trúc, khoa học vật liệu, địa chất học, khảo cổ học, nhân học, tôn giáo học, thậm chí kinh tế học…) để khảo nghiệm, đánh giá di sản, xác định giá trị di sản. Nhưng những giá trị đó dẫu sao cũng chỉ là những giá trị “thường nghiệm” do con người qua nhiều thế hệ suy xét đặt ra, đã tạo thành những thước tấc duy lý, logique, buộc người đi sau phải tuân theo như một mệnh lệnh tiền định.
Nhưng tri thức duy lý không đủ làm ra di sản văn hóa. Ngay cả những người đầu tiên làm nên di sản cũng không thể chỉ bằng tri thức và cần lao. Họ làm việc bằng cả tâm hồn. Đây là nói những gì đáng gọi là di sản.
Chính tâm hồn đã hoàn chỉnh giá trị di sản, trả di sản trở lại cho con người dù là một tòa kiến trúc dột nát hay một ngọn núi lặng lẽ.
Thông qua sự bắt gặp của tâm hồn các thế hệ, di sản đã có mặt, gia nhập vào đời sống con người, làm nên nỗi vui buồn kỳ lạ cho sinh tồn của nhân loại. Mối quan hệ của di sản và con người luôn luôn là mối quan hệ hai chiều: con người làm ra di sản, gửi buồn vui thân phận của mình lên di sản, làm cho di sản giàu thêm trí tuệ, hương hoa, trở thành người bạn không thể thiếu vắng của chính họ và con người các thế hệ mai sau; ngược lại, vẻ đẹp, sự bình an của di sản luôn nuôi dưỡng điều cao quý và phẩm hạnh của chính con người. Giữa con người và di sản luôn diễn ra một cuộc đối thoại sâu nặng về các giá trị đời sống, hướng tới những giá trị chân thiện mỹ, hoàn thiện vẻ đẹp con người. Con người gắn mình với di sản và di sản luôn là biểu tượng vẻ đẹp của con người. Nếu mất di sản con người sẽ bơ vơ biết bao. Nếu di sản hiện hữu mà người vắng bóng liệu ai có thể biết được những điều sâu kín quý giá trong linh hồn di sản!
Khi trở lại kinh thành Thăng Long đã hoang tàn qua thời gian và binh lửa, Bà Huyện Thanh Quan ngậm ngùi viết:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Chỉ những người từng gắn bó lâu dài với Thăng Long như nữ thi sĩ mới có thể nhận ra cái “hồn thu thảo” ấy sâu nặng đến như thế nào. Những câu thơ viết cách đây hơn hai thế kỷ còn làm những người sống hôm nay thảng thốt giật mình.
Vì sao vậy? Vì ta luôn sống trong hiện tại với những nhu cầu hàng ngày, cho đến cách nghĩ cách làm cũng chỉ chọn lấy những gì thuận tiện, quen mắt quen tay, rất dễ bằng lòng với các tiêu chuẩn thông dụng của xã hội, ta không nhớ đằng sau lớp ngữ nghĩa bề mặt của thế giới quanh ta còn có lớp ngữ nghĩa thâm sâu, uyên áo được ẩn kín trong hệ thống di sản cực kỳ đa dạng và phong phú giúp chúng ta bắt gặp linh hồn sống động của cha ông. Ngày nay khả năng đọc thấu tâm hồn con người được coi là một thiên tư mà người ta cố xác định với bảng chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) hoặc nhờ vào nếp sống gắn bó, “ăn chịu” hết lòng với di sản mà bắt được ngôn ngữ ảo diệu của nó. Đọc thấu linh hồn di sản không dễ nhưng đó là con đường duy nhất phải đi qua để tiếp cận di sản.
Một số người trẻ ngày nay được học hành nhiều, tiếp cận sớm văn minh AI, mở rộng giao thiệp quốc tế nhưng không đọc được lớp ngữ nghĩa thứ hai của di sản - những điều thầm kín sâu xa, tấc lòng của người sáng tạo ngày trước, sẽ rất dễ bỏ quên, vô cảm trước di sản, thậm chí làm méo mó di sản. Một thái độ như thế không những có hại cho di sản mà còn rất có hại cho tâm hồn thế hệ kế tục.
Vì vậy, nói đến bảo vệ di sản, trước hết phải nói đến bảo vệ tâm hồn con người đang từng ngày đụng chạm cái thế giới vật chất xô bồ của xã hội hiện đại.
Nhưng xây dựng và bảo vệ tâm hồn con người như di sản của di sản lại là trách nhiệm to lớn và khó khăn của cả một xã hội, của các cấp chính quyền, của các bậc trí thức chứ không một cơ quan bảo vệ di tích đơn phương nào có thể làm được. Điều đó đòi hỏi một sự đánh thức trên quy mô xã hội.
Vỹ Dạ, ngày 13/6/2023
N.K.Đ
(TCSH413/07-2023)
NGUYỄN VŨ MINH - NGUYỄN VĂN MẠNH
PHAN THANH HẢI
Bình phong là một công trình không thể tách rời với các kiến trúc truyền thống ở Huế. Dù xuất hiện ở nhiều nơi như phủ đệ, am miếu, đình làng, nhà ở… nhưng bình phong trong kiến trúc cung đình vẫn đặc sắc, cầu kỳ hơn hẳn.
MAI KHẮC ỨNG
Trong khung cảnh một công viên rất mơ và rất thơ bởi những bàn tay của những con người Việt Nam đầu thế kỷ XIX làm nên hồ, suối, núi, đồi, hoa, trái, lầu, tạ, đình, quán... Và, trong một khoảng không gian có giới hạn được tạo nhập rất tự nhiên vào cõi vô cùng, lăng của hoàng đế Minh Mạng quả là một khoảng trời thơ.
NGUYỄN PHƯỚC QUÝ KHANH
Musée Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) được thành lập vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định với nhiệm vụ “tập hợp các tác phẩm nghệ thuật biểu hiện đời sống xã hội, nghi lễ và chính trị của nước Đại Nam”1.
PHAN THANH HẢI
THƠM QUANG - NGUYỄN DUYÊN
NGUYỄN THẾ
Bút ký dự thi
Trước năm 1975, tôi học ở Trường Quốc Học Huế. Khi chuyển từ lớp đệ tứ (đệ nhất cấp) lên lớp đệ tam (đệ nhị cấp), tôi đăng ký vào học ban C (phân ban văn chương và ngoại ngữ).
PHẠM XUÂN PHỤNG
Bút ký dự thi
Huyện Phú Vang có tên chính thức từ sau năm 1558, thời điểm Chúa Tiên - Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa.
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Sống giao thời giữa hai thế kỷ, từ sáng tác thơ ca bằng chữ Hán chuyển sang chữ Quốc ngữ, thi ca của Á Nam Trần Tuấn Khải thuộc một hệ hình thẩm mỹ đặc biệt, có phần “lưu luyến” với trường thẩm mỹ cổ điển, lại có phần bắt nhịp với hơi thở của những không gian thẩm mỹ mới.
VĨNH PHÚC
Hát Ả đào, còn gọi là Ca trù, dùng để chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Theo các thư tịch thì khái niệm hát Ả đào sớm nhất so với các khái niệm ca trù, nhà trò, cô đầu,...
LÊ VĂN THUYÊN
Trường Quốc Học Huế (QH Huế) là một trong những trường trung học ra đời sớm nhất ở Việt Nam, chỉ sau Collège Chasseloup-Laubat thành lập năm 1877 (nay là trường trung học Lê Quý Đôn, TP HCM) và Collège de My Tho thành lập năm 1879 (nay là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho).
TRẦN VĂN DŨNG
Trong dòng chảy lịch sử, Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng miền để trở thành một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo của Việt Nam.
VŨ HÙNG
Hiện nay, tại nhà thờ tộc Chế làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, lưu giữ một thanh đá dài khoảng 1,2 m, khá vuông, mỗi cạnh khoảng trên 20 cm, trong đó có một cạnh khắc kín chữ còn khá rõ nét.
THƠM QUANG
Xưa kia các vị hoàng đế thường chỉ sống trong kinh thành, thỉnh thoảng mới đi tuần thú địa phương, còn việc công du thăm nước ngoài là chuyện hiếm. Vậy mà cuối triều Nguyễn vua Khải Định đã thực hiện được điều này; sự kiện được ghi chép một cách khá rõ trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.