Con người Phong Lê qua văn

08:56 26/12/2008
TÔN PHƯƠNG LAN1. Phong Lê là người ham làm việc, làm việc rất cần cù. Anh là người suốt ngày dường như chỉ biết có làm việc, lấy công việc làm niềm vui cho bản thân và gia đình. Anh sống ngăn nắp, nghiêm túc trong công việc nhưng là người ăn uống giản đơn, sinh hoạt tùng tiệm.

Ngày còn ở chung khu tập thể với gia đình anh, khi anh đi công tác xa sắp về, chúng tôi cứ đưa mắt cho nhau mà cười khi thấy việc đầu tiên chuẩn bị đón “bố” (cách mà chị Vân thường dùng để gọi anh) là mấy mẹ con táo tác lên lau dọn cửa nhà. Hầu như chẳng mấy khi gặp anh ngồi nhậu lai rai nơi quán xá hay ở một restaurant sang trọng. Đến chơi nhà ai, dù thân, chẳng mấy khi anh ngồi thật lâu. Nằm viện, anh cũng ôm vào bao nhiêu là tài liệu, sách vở, để khi không có bác sĩ hay nhân viên y tế đi kiểm tra là anh tranh thủ viết. Một lần đi công tác vào Vinh, khi chúng tôi giở món “dưa lê” ra “buôn” thì thấy anh lẳng lặng lôi một tập bản thảo ra ngồi cắm cúi viết, dường như tách mình khỏi cuộc sống xung quanh mặc dù chúng tôi cố lôi anh vào chuyện. Nhiều lần đến chơi nhà hay vào phòng làm việc, thấy mặt anh bạc phếch nhưng vẫn lại ngồi vào bàn hí hoáy trên những trang bản thảo chi chít dấu dập xóa, chúng tôi can, anh chỉ cười: nếu bắt mình nghỉ thì chắc mình còn ốm hơn.

2. Có lẽ Phong Lê không nói quá. Tôi thấy anh tận dụng mọi thời gian để đọc, để viết. Và sức viết dường như ngày càng dẻo dai. Vượt qua cái hạn của một trận ốm thập tử nhất sinh hơn chục năm về trước, nhiều năm nay sức anh khá lên và dường như tuần nào, tháng nào anh cũng có bài, chí ít là bài báo ngắn. Nhưng nếu chỉ biết có cắm mặt trên “trang giấy trước đèn” thì dẫu “ra phố” năm chục năm rồi, nét chất phác của con người miền Trung vẫn còn lưu đậm ở anh dễ có cơ biến anh thành một người gàn. Ở Phong Lê, tuy chú mắt vào con chữ, trang sách hoặc trang bản thảo, nhưng anh vẫn nghe, vẫn dành tâm trí cho bè bạn, gia đình. Thời buổi kinh tế thị trường cái tình người không còn được mặn mà, đằm thắm như hồi bao cấp nhưng nhìn mối quan hệ của anh với đồng nghiệp các thế hệ trong cơ quan, đặc biệt với những người thuộc thế hệ đàn em, với học trò, nơi anh có ngót dăm chục năm công tác thì thấy không hẳn thế. Anh có sự cảm thông, chia sẻ với những ai có hoàn cảnh khó khăn và dành sự ưu ái cho những ai gặp điều không may mắn.

Căn phòng làm việc được cơ quan phân cho sau khi anh nghỉ quản lí, một thời gian dài là nơi “tá túc” cho nhiều nghiên cứu sinh tỉnh xa về không có điều kiện thuê nhà nghỉ gần thư viện mà lại cũng không muốn làm phiền đến họ hàng. Sự thân mật, xuề xòa trong ứng xử thường ngày đã tạo nên cảm giác dễ chịu cho những ai mới gặp. Nhiều mối quan hệ thân tình với đồng nghiệp không chỉ là chỗ dựa hàng ngày trong đời sống tinh thần mà thực tế đã đưa lại những cảm xúc tươi mới và hắt bóng lên nhiều trang sách của anh. Xưa nay cái khó của người làm văn học cổ là chỉ làm việc trên văn bản, nhưng cái dễ nhiều khi cũng lại nằm ở đó. Với văn học hiện đại, cái dễ nhưng cũng là cái khó cũng lại không chỉ làm việc ở trên văn bản bởi đằng sau mỗi tác phẩm là con người cụ thể của nhà văn với bao nhiêu buồn vui trong nghề viết, trong suy nghĩ, sinh hoạt của đời thường mà quan niệm và các mối quan hệ của nhà văn chắc chắn sẽ cho người nghiên cứu, phê bình văn học đương đại nhiều cơ hội để đi sâu hơn vào tác phẩm của họ. Vì vậy mà trải bấy nhiêu năm qua trong công việc, với bản tính nhiệt tình, quí mến và thông hiểu công việc lao động viết lách, anh đã có nhiều mối quan hệ thân tình với nhiều nhà văn và đồng nghiệp. Điều đó đã in dấu rất rõ trong Người trong văn - tập chân dung và tiểu luận do Nhà xuất bản Văn hóa Sài gòn mới phát hành. Người đọc đã cảm nhận được đằng sau những gì toát lên từ con chữ mà anh rút ra từ văn bản tác phẩm là cái tình người hồn hậu, là sự trân trọng mà từ một người vắt kiệt sức mình trong nghề, anh dành cho những người cũng một đời trần lực trên trang giấy với bao mong mỏi, khát khao... trong số đó không ít người kém may mắn, hoặc ra đi khi tài năng đang vào độ chín.

3. Phụ đề là Chân dung và tiểu luận nhưng nội dung cơ bản của tập sách vẫn là chân dung và trong chân dung có hàm tiểu luận. Với 30 bài với 31 tên người, có thể nói, diện bao quát về văn học hiện đại của Phong Lê là rộng. Và sâu. Anh viết về các nhà văn, nhà thơ. Anh viết về các nhà phê bình, nghiên cứu. Anh viết về các nhà dịch thuật. Có người là bậc đàn anh, là thủ trưởng một thời dìu dắt anh như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Vũ Đức Phúc, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông. Có người là thầy như Hoàng Như Mai, là đồng nghiệp như Hà Minh Đức, Ninh Viết Giao. Có những tên tuổi lớn như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, “những người muôn năm cũ” như Vũ Đình Liên, hoặc gắn bó, gần gũi với anh một thời như Lê Khả Kế, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Trung Đức. Hai phần sách - hai mảng chân dung: phần I là các nhà văn, phần II là các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, dịch thuật - mỗi chân dung đều được Phong Lê khắc họa một cách sắc nét vóc dáng, thần sắc của họ trong lao động nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, đời thường. Điều toát lên ở mỗi chân dung là sự giản dị trong cuộc sống, là sự nỗ lực tìm tòi theo cách của mình để làm nên chính gương mặt riêng của mỗi người, cũng là đóng góp của họ trong nền văn học hiện đại. Cũng có thể nói rằng chính qua những gương mặt mà Phong Lê phác họa bằng kĩ năng và tâm thức của mình ta thấy được bóng dáng nhà phê bình nhưng cũng qua đây người đọc có thể có một cách hình dung về văn học hiện đại.

Tôi đã đọc Nguyên Hồng, đọc nhiều bài viết về ông, tôi từng tâm đắc với nhận xét của Nguyễn Minh Châu khi ông nói rằng “Nguyên Hồng là nhà văn của thập loại chúng sinh”, đã “từ trong lòng cái xã hội thập loại chúng sinh ấy bước ra cầm lấy cây bút sắt, chấm vào mồ hôi, máu và nước mắt của mình mà viết ra văn chương của riêng mình”; nhưng đọc Phong Lê, tôi cũng đồng cảm với nhận xét xác đáng của ông về nhà văn này: “Sống với những khổ đau của nhân vật đến có thể luôn luôn, lúc nào cũng có thể rưng rưng mà khóc vì họ, băn khoăn đến hốt hoảng vì họ, không ăn không ngủ được vì họ, như một người mẹ mang thai, có lẽ chỉ riêng Nguyên Hồng mới có”. Nhà văn đó chỉ có nỗi đam mê là “viết và viết. Viết từ trẻ đến già. Viết cả trong nhà tù và trong cái đói thường trực. Tựa như dốc cạn cuộc đời ra mà viết. Tựa như vắt kiệt mình ra mà viết. Viết với tất cả tín niệm thiêng liêng cao cả của nghề. Không viết không sống nổi”. Tôi đọc Võ Quảng - một đời văn cho thiếu nhi với sự xúc động sâu sắc khi hình dung ra trước mắt cảnh sống cô đơn, vắng lặng, không mấy tiện nghi ở cái tuổi ngoài tám mươi, trong buổi chiều ba mươi Tết của nhà văn khi vợ ông nằm viện, một mình ở nhà, ông mở đài ra nghe nhưng không biết tắt; và cùng Phong Lê điểm lại những trang viết chứa chan tình người tình đời, những trang văn mà theo anh là “rồi sẽ trở thành hành trang tinh thần cho lớp lớp thế hệ tuổi thơ” của ông - một con người cần mẫn, lặng lẽ trong cuộc đời lao động sáng tạo của mình.

Trong khuôn khổ của hai kì báo Văn nghệ, Phong Lê đã có một cách thể hiện chân dung Ma Văn Kháng với những đóng góp đặc sắc, sự lao động bền bỉ và thuộc trong số những người đứng ở vị tí tiền tiêu của công cuộc đổi mới. Đó là những trang viết của một người không chỉ đọc kĩ các sáng tác rồi đặt nó vào bối cảnh chung mà cân nhắc, mà những trang viết ấy Phong Lê còn kết hợp được trong đó con người và tính cách Ma Văn Kháng mà anh nhìn ra, cảm thấy trong hàng ngày khi giữa nhà văn và anh có mối tình cảm thân thiết tự bao nhiêu năm nay, thuở hai gia đình đều có chung niềm vui được phân nhà ở khu tập thể Thành Công. Văn và người, văn và đời còn hòa quyện làm nên sự tươi mát, thấu tình, những trang văn không nặng chất hàn lâm khi viết về Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng... Đó là những nhà văn mà hơn một lần anh có bài viết về họ nhưng mỗi lần họ lại được anh soi chiếu ở những góc khác nhau và càng về sau chân dung các nhà văn này càng trở nên cụ thể, gần gũi. Các nhà phê bình thường chọn tiêu điểm ở tác phẩm để từ đó triển khai vấn đề. Nhất quán trong logic cấu trúc, nhưng có bài viết vẫn gợn cho người đọc cảm thấy nó có điều gì đó hơi “nghề”. Trong các viết trước đây, lắm khi Phong Lê cũng có làm văn. Nhưng ở tập sách này, nhất là những bài viết trong khoảng thời gian dăm mười năm trở lại đây, đọc anh thấy dường như anh đã hóa thân vào tác phẩm, sống với nỗi đau trở dạ của nhà văn, của những lao động nhọc nhằn; đồng cảm hơn với những bất hạnh, rủi ro do tai nạn nghề nghiệp hay số phận đưa lại cho nhà văn.

Bài viết Ở tuổi 85 nhà nghiên cứu và lí luận Vũ Đức Phúc Phong Lê đã cho độc giả hiểu hơn con người ông “một người, cho đến bây giờ vẫn là người bị mang tiếng là “thích sát phạt”, là “lính gác” nhưng đó là một con người “dứt khoát đến rạch ròi trong tranh luận”, “người có chính kiến, cũng là người không định kiến”, lành, “là người thẳng thắn, trung hậu không có thù dai, không hay để bụng”, “không lựa đón, không quay quắt”. Lời thanh minh ấy, tôi nghĩ là chân thành, nghiêm túc vì anh là người cộng tác gần gũi với GS Vũ Đức Phúc nhiều năm, chắc chắn không ít lần anh đã chịu những cơn nóng lạnh thất thường của ông. Và tôi biết đó cũng là suy nghĩ, tình cảm của riêng tôi và nhiều người khác trước đây từng làm việc với ông nhưng chưa có dịp nói ra. Với Lặng lẽ chân dung Lê Khả Kế Phong Lê đã phác thảo hình ảnh một nhà khoa học thực tài, thực tâm: “yên lặng, ít nói, một chút cô đơn, không muốn làm phiền ai”... Bài viết với số trang không nhiều nhưng chân dung một con người nhẫn nhịn trong ứng xử, miệt mài rất đáng kính trọng trong công việc và cô đơn trong cảnh già hiện ra trước mắt ta đầy thương cảm. Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện, Quang Dũng, Nguyễn Mạnh Hào với những nỗ lực phi thường để vượt lên sự xô đẩy của hoàn cảnh, vượt lên những rủi ro của số phận đã thành nơi Phong Lê muốn gián tiếp thắp sáng lòng tin cho những ai còn yếm thế, chưa đủ sức vươn lên. Trong những bài viết về Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hà Minh Đức, Ninh Viết Giao, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Trung Đức... Phong Lê đều nêu bật lên được những đóng góp đặc sắc của họ, và các phác thảo chân dung này trở nên sinh động hơn khi ông lồng ghép vào đó bao kỉ niệm của tình đồng nghiệp, đồng hương, của tình người khiến người đọc có cảm giác rằng càng trải nghiệm theo tháng năm, dường như cái tình đó trong anh càng đằm thắm. Qua văn để hiểu người và qua người càng hiểu văn hơn. Đó là cảm giác rõ nhất khi đọc tập chân dung và tiểu luận này.

4. Phong Lê đã có ngót năm mươi năm “sống với thời gian hai chiều” (như cách nói của Vũ Tú Nam) trong văn chương của nước nhà thế kỉ XX, từ buổi đầu của công cuộc hiện đại hóa đến những thập niên cuối đầy vật vã, tìm tòi, quẫy cựa trong việc thoát ra khỏi một thói quen, một cơ chế để đưa văn chương hội nhập với thế giới. Đổi mới mình trong nghiên cứu, phê bình cũng là góp phần vào đổi mới diện mạo văn học. Hành trình của Phong Lê đã cho thấy điều đó. Và Người trong văn là một trong những biểu hiện sinh động cái lực, cái tâm của anh với văn chương và con người vào cái tuổi gần thất thập. Ở đây ngoài tiếng nói tri âm, tri kỉ, ta còn thấy cả tấm lòng biết ơn của anh đối với những gương mặt anh xiết bao yêu mến, kính trọng mà tấm lòng ấy sẽ còn được anh tiếp tục trong thời gian tới với những nhà văn mà anh tìm thấy sự đồng cảm từ trong trang viết, từ cuộc sống đời thường như anh tâm sự trong lời nói đầu của cuốn sách.
 Quan Nhân nửa đầu tháng 7 - 2006
T.P.L

(nguồn: TCSH số 211 - 09 - 2006)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trong lời Nhỏ to... cuối sách Thi nhân Việt   (1942), Hoài Thanh - Hoài Chân viết:  “Tôi đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này, mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi”.

  • Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":

  • Ông Eđuar Điujacđen là một nhà thơ có tài và có thể nói là được hâm mộ trong số các nhà thơ thuộc thế hệ già - người vẫn giữ được tình cảm và sự khâm phục cuồng nhiệt của lớp trẻ, đã mở đầu một cuộc thảo luận về thơ.

  • Việc mở rộng phong trào giải phóng tư tưởng trên văn đàn thời kỳ mới, lãnh vực phê bình và lý luận văn nghệ đã xuất hiện cục diện vô cùng sống động.

  • "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).

  • Phê bình văn học là giải minh cho văn chương. Văn chương hay hoặc dở, giản đơn hay phức tạp, nó được thiết lập trên thi pháp này hay thi pháp khác, thể loại này hay thể loại khác, thời này hay thời khác v.v... đều phải được làm sáng tỏ bằng những lập luận khoa học chứ không phải bằng cảm tính của người phê bình.

  • LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.

  • LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
    SH

  • Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.

  • Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.

  • (Trao đổi với nhà lý luận Nguyễn Dương Côn)

  • "Thượng đế dằn vặt tôi suốt đời" (Đôxtôiepxki)

  • Mười năm thơ thập thững vào kinh tế thị trường cũng là mười năm những nhà thơ Việt phải cõng Thơ leo núi.

  • Từ lâu, người ta đã nói đến cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới.

  • Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

  • Khi sử dụng một khái niệm cơ bản, nhất là khái niệm cơ bản chưa được mọi người hiểu một cách thống nhất, người ta thường giới thuyết nó.

  • Tô Hoài, trong hơn 60 năm viết, thuộc số người hiếm hoi có khả năng thâm nhập rất nhanh và rất sâu vào những vùng đất mới. Đây là kết quả sự hô ứng, sự hội nhập đến từ hai phía: phía chuẩn bị chủ quan của người viết và phía yêu cầu khách quan của công chúng, của cách mạng.

  • Sóng đôi (bài tỉ, sắp hàng ngang nhau) là phép tu từ cổ xưa trong đó các bộ phận giống nhau của câu được lặp lại trong câu hay đoạn văn, thơ, làm cho cấu trúc lời văn được chỉnh tề, rõ rệt, nhất quán, đồng thời do sự lặp lại mà tạo thành nhịp điệu mạnh mẽ, như thác nước từ trên cao đổ xuống, hình thành khí thế của lời văn lời thơ.

  • LTS: Trên Sông Hương số tháng 10 - 2007, chúng tôi đã giới thiệu về công trình “La littérature en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy) củaTzvetan Todorov - nhà triết học, mỹ học và nhà lý luận văn học nổi tiếng của Pháp.