Con hổ

09:55 16/06/2010
LTS. S. Rajaratnam thuộc thế hệ những nhà văn cũ của Singapo. Ông có thời làm Bộ trưởng Ngoại giao của Singapo. Truyện ngắn của ông mang chất thơ và tính nhân bản cao. Sông Hương xin giới thiệu một trong những truyện ngắn hay của Rajaratnam.

Ảnh: iseas.edu.sg

S. RAJARATNAM


Con hổ


Phachima đắm mình vào dòng sông lạnh buốt, đục ngầu. Những dải nước dường như thoáng rực lên dưới ánh mặt trời đang tắt dần, nhẹ nhàng ôm lấy cơ thể nàng. Phachima tiến lại gần bờ, nơi nước chỉ ngập đến thắt lưng, Tấm xà rông ẩm ướt dán chặt vào cơ thể nâu bóng đầy đặn làm hẳn rõ bộ ngực và cái bụng căng tròn của người phụ nữ thai nghén. Gương mặt có gò má cao, không vẻ u ám thường thấy ở những phụ nữ Thái Lan, cặp mắt đen tuyền phảng phất nỗi buồn dường như đang nhìn xoáy vào chính bản thân mình, nơi mà một cuộc sống mới đang bắt đầu cựa quậy. 

Phachima lắc nhẹ đầu, xoã mớ tóc đen nhấp nhánh rồi hong nó trước làn gió nhẹ. Chỗ cô đứng là một khoảng đất nhỏ, được che phủ kín bằng những bụi cây và các cây đại thụ. Không một âm thanh nào có thể lọt ra khỏi đây. Trước mặt Phachima trải rộng tấm thảm cỏ xanh mướt, rậm rạp. 

Buổi chiều thật yên tĩnh. Bầu không khí như ngưng lại, không chuyển động. Thỉnh thoảng vẳng lại tiếng kêu khàn khàn của bầy cò cô độc. Tiếng đập cánh hung dữ của lũ cú bị đánh thức. Tiếng sóng vỗ oàm oạp và những con chuột đồng thi nhau ngụp lặn trong nước. Đâu đây xào xạc trong bụi cây, đám cỏ tiếng động của một loài thú nhỏ nào đó. Mùi hoa đồng nội, mùi cỏ và mùi đầm lầy xông lên thơm ngát. Phachima đột ngột có cảm giác cô độc, như bị lãng quên, dường như cô đang sống trong thời kỳ hỗn mang tiền sử, khi mà trái đất còn tràn ngập đầm lầy cùng bầy thú dữ gớm ghiếc.

Vì vậy tiếng gầm gừ nho nhỏ của con hổ mà Phachima bỗng nghe thấy chỉ làm tăng thêm ảo ảnh. Cho đến lúc con thú dữ rống lên, Phachima mới hiểu đó là thực tại. Cái đầu to tướng của nó nhô ra khỏi cỏ, nằm sát đất. U vai của nó cách cô gái khoảng 20 ácdơ. Mặt trời làm rõ ánh hung dữ trong cặp mắt vàng chăm chú. Đôi tai căng ra nghe ngóng. Con hổ quay đầu, khẽ gầm, lộ cái lưỡi đỏ hỏn với những chiếc răng vàng óng. 

Phachima cứng người vì sợ hãi trước cái nhìn sáng loáng của con thú hướng về cô. Sự im lặng bất ngờ trước khả năng hình dung của cô gái. Cô không dám nhúc nhích khỏi chỗ, đôi mắt dán chặt vào con thú. Con hổ, đến lượt mình, cũng lặng yên sửng sốt trước sự xuất hiện của con người. 

Phachima nhìn con hổ với sự khủng khiếp. Con thú ngắm nhìn lại cô với dáng vẻ nghi ngờ. Tiếng gầm gừ nhỏ dần và nó không lộ ý đồ tấn công cô gái. Lát sau, con thú bớt hẳn vẻ để ý đến cô. Những cái móng vuốt to lớn của nó cắm ngập sâu vào cỏ. Hình như không có điều gì làm con thú để ý, chỉ khi Phachima khẽ động đậy, ngay lập tức nó căng thẳng trở lại. Cặp mắt con hổ không sáng lóng lánh lên nữa mà bỗng thoáng buồn bã u uẩn, ngày một rõ hơn. Cô gái nhận ra sự thay đổi cảm xúc của con thú.

Hoàng hôn từ từ xuống. Mọi vật mờ nhạt dần, bao phủ một mầu xám xịt. Trời chuyển một cách rõ nét sang tối thẫm. Từ mặt sông, cất lên một làn sương khói kéo dài lê thê đến sát bờ. Lũ ve sầu kêu đinh tai và vẳng tiếng rít của bầy dơi báo tin màn đêm đang xuống. 

Sau này, Phachima nhớ lại, lúc đó một cảm giác mệt lữ xâm chiếm toàn bộ cơ thể. Cô run rẩy vì đói và suy sụp tinh thần. Con hổ không hề có ý định bỏ đi. Người thiếu phụ đặt tay lên bụng và cảm giác về một cơ thể sống đang tồn tại giẫy giụa bên trong. Điều đó dẫn cô đến một quyết định không kiềm chế nổi là phải chạy trốn. 

Phachima chăm chú nhìn vào con hổ đang lẫn dần vào bóng đêm và cảm thấy nó đang bắt đầu rời mắt khỏi cô. Cô gái chờ đợi, toàn thân căng ra, tràn ngập một sức lực chưa từng có. Bất ngờ, bằng một chuyển động tuyệt vọng, Phachima ngụp xuống và lặn cho tới sát đáy. Cô gái bơi tới bờ đối diện, nơi có cái làng nhỏ, và chỉ ngoi lên khi cảm thấy phổi sắp nổ tung vì thiếu không khí. Ở khoảng giữa con sông, cô gái đánh mất phương hướng, nhưng khi nghe tiếng gầm gừ, cô cảm thấy sợ hãi hơn khi ở bên con hổ. Cô bơi như điên cuồng bằng cả chân và tay cho đến khi nhìn thấy những ánh đèn dầu nhấp nhánh trong làng. 

Sau đó, bà mẹ Phachima đã tô điểm thêm nhiều chi tiết ly kỳ, rùng rợn vào câu chuyện, sự kinh hoàng bào trùm khắp làng. Những người đàn bà ôm chặt con vào lòng, chốt tất cả các cánh cổng và gào lên ầm ĩ rằng cánh đàn ông cần phải làm điều gì đó với con hổ giết người. Trai tráng trong làng còn mải mê chăn dắt lũ dê, bò, còn những người già ngồi chậm rãi nhai trầu và cố tìm hiểu tầm quan trọng của câu chuyện. 

Phachima mệt lả nằm trên cái chiếu lúc các bô lão trong làng kéo theo đám đông hiếu kỳ đến tìm cô để biết cụ thể địa điểm con hổ xuất hiện.  Bà mẹ cô lại có thêm dịp thêm thắt kể lể về những chi tiết của cuộc gặp gỡ của con gái mình với ông ba mươi.

Một cụ già với vẻ cương quyết của mình đã làm bà ta phải im miệng. Sau đó, ông ta bắt đầu hỏi Phachima. Cô gái trả lời ông một cách không hào hứng. Không hiểu sao, cô không muốn con hổ bị bắt và giết chết. Cụ già cau mày. Thánh Ala ! - Bà già thốt lên để lôi kéo sự chú ý - Chính thánh Ala bằng sự dịu dàng của mình đã cứu con gái tôi ra khỏi móng vuốt "ông ba mươi". Nói rồi bà giơ hai cánh tay nhăn nheo, nâu nhám lên trời. Ông già nhún vai.

- Cứ cho là như vậy đi - Ông ta nói - nhưng lần sau Ala có thể không có sự dịu dàng đó nữa. Không hay ho gì khi có một con hổ thèm thịt người rình rập quanh làng. Để giữ an toàn cho phụ nữ và trẻ nhỏ, chúng ta cần giết chết nó càng nhanh càng tốt. 

Ông già nhìn những người đàn ông đang trầm lặng và căng thẳng. Mỗi người trong họ đều biết rõ nguy hiểm như thế nào khi đi săn con hổ vào ban đêm, đặc biệt là ở bãi cỏ, nơi có ưu thế hơn về tấn công nhanh mà không phát ra tiếng động. 

- Thế nào? Người già hỏi.

Đám đàn ông im lặng dán mắt xuống nền nhà. Mặt cau lại, cụ già chuẩn bị mắng lũ đàn ông vì sự hèn đớn của họ thì Mamút với khẩu súng trên vai bước vào. Gương mặt chàng trai đỏ rực vì bị kích động.

- Cháu nghe tin Phachima suýt bị hổ vồ. Đúng không ạ? Anh ta sốt ruột hỏi. 

Trong khi ông già kể một cách ngắn gọn về câu chuyện, Mamút mân mê khẩu súng hai nòng với sự nôn nóng của khát vọng săn bắn bị đánh thức. 

- Cụ đã kể xong rồi - Mamút nói - Cần phải suy nghĩ về phụ nữ và trẻ em. Họ thật đáng thương và không thể rời nhà nửa bước. Nghĩa vụ của đàn ông chúng ta là phải bảo vệ họ. Ai sẽ đi với tôi? Tôi sẽ không phải là con trai của mẹ tôi nếu không mang xác nó về trước lúc bình minh. Nhưng tôi cần trợ thủ.

Sau phút dao động, chừng một chục đàn ông bị kích thích bởi những lời lẽ của Mamút và vinh quang của người thiện xạ, đã đồng ý ra đi. 

- Tuyệt - Mamút thốt lên - Tôi biết là các anh không phản bội tôi. 

Đám đàn ông ra đi. 

- Hãy nghe này, con gái - Mẹ Phachima nói khi khép cửa lại - Thằng Mamút này cũng dã man không kém con hổ. 

Phachima ngồi trên chiếu và ngắm trăng qua khung cửa sổ hẹp. Mặt trăng bị những chiếc lá cọ rung rinh cắt thành từng thỏi bạc. Xung quanh tràn ngập một thứ ánh sáng dịu dàng huyền diệu. Những người đàn ông gọi nhau bằng tiếng thầm thì lo lắng. Họ đã kết thúc công việc chuẩn bị cho chuyến đi săn. Phachima rầu rĩ nhìn theo họ. Thoáng cái, đám đàn ông mất hút, chỉ còn cây cối xám xịt với tiếng rì rào của đám lá sau từng trận gió. Phải căng tai ra, Phachima mới nghe thấy tiếng sóng vỗ nhè nhẹ xa vời của dòng sông.

Con hổ mà Phachima suy nghĩ về nó suốt chiều giờ đang ở đâu đó. Thật là tốt nếu nó bỏ đi xa và những người đi săn không theo kịp. 

- Ôi Ala - bà mẹ lầm bầm khi bỏ hạnh đào vào cối giã - Đêm nay là đêm của chết chóc. Hãy thử nghĩ về những người đang lần mò săn bắn con mãnh thú trong bóng tối. Nó ranh ma bằng một trăm con cáo và có thể xác định chính xác cự li trong bóng tối. Rồi con sẽ thấy, chưa hết đêm, trong xóm sẽ có tiếng khóc người chết. 

- Cũng có thể không cần động chạm đến con thú - Phachima nói, không rời cửa sổ. 

- Mày nói vớ vẩn cái gì thế? Bà già càu nhàu - Cần phải giết nó trước khi nó cắn chết chúng ta. Đành phải vậy.

- Có thể nó sẽ bỏ đi. 

- Nếu con hổ vào gần làng thì nó sẽ chẳng đi đâu cả khi chưa thực hiện được ý định- Bà già lẩm bẩm. 

- Ai mà chẳng biết hổ hay ăn thịt người thường lẩn quẩn gần làng.

- Nhưng con hổ này không thuộc loài ăn thịt người. Phachima nhắc lại.

Bà già không nói, chỉ khịt khịt mũi một cách khinh bỉ. 

- Con hổ chỉ cách con có 20 ácdơ và rất dễ vồ con. - Phachima nhận xét - Nhưng nó đã không làm gì cả. Tại sao? Mẹ có thể giải thích điều đó không? Con và nó theo dõi nhau. Lúc đầu, mắt nó cứ rực lên, rồi sau đó trở thành hiền lành và buồn bã. Nó nhìn con chẳng có vẻ gì là hung ác. 

- Đấy, con đang nói những điều ngu xuẩn hệt như bố con ngày xưa. Bà mẹ tức giận rũ mạnh hồ đào. Ông ấy tin rằng gió hát khe khẽ những bài ca. Lạy trời tha tội cho con, nhưng ngày còn sống, ông ấy giống hệt một tay đại gàn.

Phachima cau có nhìn qua cửa sổ và nghe ngóng. Làng xóm bao trùm một không khí im lặng chết chóc. Mỗi nhà như đang có tang.

Cô gái nhìn vào đêm tối sâu thẳm, cố gắng nghe lấy âm thanh nào đó.  Trái tim cùng nhịp với tiếng chày trong xóm. Bỗng nhiên trong người cô gái nhói lên cơn đau. Cô ôm chặt lấy bụng.

- Con làm sao thế, Phachima - Bà mẹ hỏi. 

- Không, có sao đâu - Cô gái lí nhí qua kẽ răng. 

- Ra khỏi chỗ gió lùa và nằm xuống

Phachima cảm thấy cơn đau lúc tăng lúc giảm. Cô nhắm mắt lại và một lần nữa thấy con hổ xuất hiện trước mắt. Cặp mắt nó thoạt tiên đỏ ngầu máu lóng lánh rồi sau đó trở nên mệt mỏi, yên ả, thoáng buồn bã. 

Bỗng một tiếng súng vang lên. Tiếng nữa. Phachima rùng mình như chính cô bị bắn. Giây lát vang lên tiếng rống của con hổ. Tiếng rống tràn ngập nỗi đau và tức giận. Tiếng kêu của con thú giẫy chết khá lâu,  trong một vài giây làm cô gái tê liệt. Cô dường như muốn trả lời lại tiếng kêu cứu đó. Gương mặt Phachima căng thẳng vì cơn đau, cơ thể vã mồ hôi. Từ trong lồng ngực phát ra tiếng rên rỉ: 

- Ối giời! - bà già kêu lên - Con ốm à? Sao thế? Đi nằm ngay.

- Mẹ, con chuyển dạ - Phachima thở hắt ra, thều thào.

Bà mẹ dìu đứa con ra chiếu, bắt nằm xuống.

- Thật là chọn đúng lúc để mà đẻ - Bà già lo lắng lẩm bẩm - Con cứ nằm đây, để mẹ đi nấu nước nóng. Chưa cần gọi bà đỡ làm gì khi bọn đàn ông chưa trở về. Thật không may cho mụ già này. 

Phachima nằm thiêm thiếp trên chiếu, mắt nhắm nghiền. Bà mẹ đun nước và lẩm bẩm điều gì đó. 

- Nghe này - Bỗng bà cụ bảo - Hình như mọi người đang trở về. Tao nghe thấy giọng họ. 

Trong làng văng vẳng tiếng thì thào băn khoăn của đàn ông và đàn bà.  Mụ già cẩn thận hé cửa, gọi ai đó. 

- Mamút cừ lắm, bác ơi - Một chú bé chạy vọt vào nhà - Anh ấy đã giết được con hổ rồi. Họ đang khênh nó về đây. Nó khỏe lắm, chống cự đến ghê! Trúng hai phát súng vẫn sống, sau đó người ta phải đâm chết nó bằng lao và mác. 

Phachima chăm chú nhìn chú bé. Mụ già không giấu được vẻ nôn nóng.

- Rồi sao nữa? 

- Khi giết con hổ xong, người ta nghe tiếng kêu nho nhỏ meo meo gần đấy. Soi đèn lên, hóa ra là ba con hổ con, bé tí tẹo, chưa mở mắt. . . Mamút bảo nó mới sinh được mấy tiếng. Con hổ mẹ đang che chở lũ hổ con. Mamút bảo hổ con bán rất được giá.

Phachima bắt đầu rên vì cơn đau. Trán lấm tấm mồ hôi.

- Mẹ - cô kêu lên. 

Mụ già đẩy chú bé về phía cửa: 

- Chạy đi gọi bà đỡ, mau! 

Đứa bé trố mắt, kêu ối chà ngạc nhiên, rồi chạy vụt đi gọi bà đỡ. 

NGUYỄN THIÊN VIỆT dịch
(Qua bản tiếng Nga)

(142/12-00)



 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LGT: Irving Stone (1903-1989), nhà văn Mỹ hiện đại, nổi tiếng trong nước và trên thế giới nhờ những kịch bản phim lịch sử, những tác phẩm về tiểu sử các nhân vật nổi tiếng, nhất là những cuốn “Khát vọng cuộc sống” (Lust for Life) viết năm 1934, về Vincent van Gogh, danh hoạ Hà Lan, “Tê tái và Đê mê” (The Agony and the Ecstasy) viết năm 1961, về Michelangelo, danh hoạ và nghệ sĩ điêu khắc Italy, “Thuỷ thủ trên lưng ngựa” (Sailor on Horseback) về Jack London, nhà văn Mỹ lừng danh...).

  • LTS: Henri Troyat (1-11-1911_4-3-2007) sinh tại Matx-cơ-va, định cư ở Pháp kể từ 1920, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Pháp từ 1959, một trong những cây bút viết khỏe nhất của văn học Pháp hiện đại. Chuyên viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Ngoài ra, nghiên cứu về Đốtx-tôi-ép-xki, Tôn-xtôi, Lét-mông-tốp, Ô-la, Ban-zắc… Truyện ngắn của ông giàu nét dí dỏm, ký họa.

  • Atiq Rahimi sinh năm 1962 tại Afghanistan, nhưng đến sống ở Pháp vào năm 1984. Tại Pháp ông trở thành một nhà văn, nhà làm phim tài liệu và phim truyện nổi tiếng. Tiểu thuyết của ông “The Patience Stone - “Nhẫn thạch” được giải thưởng danh giá Prix Goncourt năm 2008. Phim dựa trên tiểu thuyết của ông “Earth and Ashes - Đất và Tro” được tuyển chọn chính thức tại liên hoan phim Cannes năm 2004 và được một số giải thưởng.

  • IVAN XÔCHIVESNgười chồng lý tưởng - đấy là tôi. Mẹ vợ, vợ tôi và đa số bạn gái của nàng đều gọi tôi như vậy.

  • LTS: Nhà văn Xô-viết Alêchxây Marinat là tác giả nổi tiếng của một số tiểu thuyết và kịch. Nhưng những tác phẩm làm cho ông nổi tiếng trước hết đối với tất cả các độc giả là những truyện ngắn hài hước. Tính hài hước trong các truyện ngắn của ông rất nhẹ nhàng nhưng sắc sảo. “Hoa tặng Ka-lum-ba” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Alêchxây Marinat.

  • LTS: Vaxin Bưcốp sinh năm 1924 tại làng Tsê-rê-pốp-si-na, vùng Vi-tép-xcơ, nước cộng hòa Bêlôruxia. Ông từng đứng trong hàng ngũ quân đội Xô Viết chiến đấu chống phát-xít Đức. Tác phẩm của ông bắt đầu được xuất bản từ năm 1956. Ông thuộc một trong những tác giả viết về chiến tranh nổi tiếng của Liên Xô. Những tác phẩm của ông được nhiều người biết đến là: Phát tên lửa thứ ba, cuộc hành quân núi An-pơ, những người chết không biết đến xấu hổ, những con chó sói… ông đã nhận giải thưởng quốc gia của Liên Xô, giải thưởng I-a-cúp Kô-la-xơ của nước cộng hòa.

  • LTS: William Somerset Maugham (1874 - 1965) là một nhà văn Anh nổi tiếng, viết nhiều, với bút pháp hiện thực sắc sảo, soi rọi những khía cạnh mâu thuẫn nghịch chiều của cuộc sống, phác hiện những nét sâu kín của bản tính con người. Lối văn của ông trong sáng, khúc chiết, ông lại có biệt tài dẫn truyện hấp dẫn, lý thú, đặc biệt phong cách của ông thường hài hước, sâu cay.Là nhà văn đa tài, ông vừa là tiểu thuyết gia có tiếng, vừa là người viết truyện ngắn bậc thầy, và cũng là một kịch tác gia thành công.

  • NOBUKO TAKAGI(Tiếp theo Sông Hương số 256 tháng 6 - 2010)

  • LTS: Tên tuổi Azit Nê-xin đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Là tác giả của tập truyện châm biếm nổi tiếng “Những người thích đùa” đã được dịch ra tiếng Việt, ông là trưởng đoàn nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ dự hội nghị BCH Hội Nhà văn Á Phi và cuộc gặp gỡ các nhà văn Á Phi ở nước ta vào tháng 10-1982.

  • A-đa-mô-vích sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ trong làng công nhân ở Gơ-lu-sa, tại Bi-ê-lô-rút-xi-a. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nhà văn mới 14 tuổi nhưng đã theo mẹ và anh tiếp tế cho du kích quân.

  • LGT: Bóng cây phong lan được trích từ tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản có nhan đề chung Bên trong do Nhà xuất bản Kodansha tuyển chọn và giới thiệu, được Nhà xuất bản Thuận Hóa (Huế) tổ chức dịch ra tiếng Việt và phát hành ở trong nước. Tuyển tập gồm 8 truyện ngắn của 8 nhà văn nữ với đề từ chung: Phụ nữ Nhật viết về phụ nữ Nhật. Bên trong là nhan đề, mà cũng là chủ đề của tất cả các truyện: Phía trong tâm hồn và phía trong thân thể của người phụ nữ.

  • EDWARD D. HOCHGần như ngay từ ngày cưới của họ cách đây 17 năm, William Willis đã căm ghét vợ mình, nhưng chưa một lần nào anh ta nghĩ đến chuyện giết người. Anh ta sẵn lòng ở ngoài suốt cả ngày, lái xe tới cơ quan mỗi sáng, quay trở về nhà mỗi tối, và đơn giản là bỏ ngoài tai cái giọng lải nhải đều đều của vợ.

  • DANIEL BOULANGERĐó là mùa thu ở Concile, thành Rome mang mọi vẻ Rome và ở đó người ta đã không còn kiếm được nơi cho thuê phòng nữa.

  • Corrado AlvaroThời gian như muốn chững lại. Hơi nóng vẫn còn hừng hực, bầu trời mờ mờ hơi nước, những con ve kêu rả riết, ở phía tây, chân trời quang hơn, vài cụm mây như bị một nét bút quệt xuống. Cơn mưa hẳn là ở mãi xa nên người ta bắt đầu hái nho.

  • GABRIEL GARCIA MARQUEZ (COLUMBIA) Ngài nghị sĩ Onesimo Sanchez trước cái chết của ngài có sáu tháng và mười một ngày để đi khi ngài tìm thấy người phụ nữ của đời ngài.

  • Paul William Gallico (1897-1976) là một nhà văn, phóng viên thể thao nổi tiếng của Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình, có tác phẩm đã đạt giải Oscar. Cha ông người Ý, mẹ người Áo, bản thân ông đã nhiều năm sống ở châu Âu. Là người đa tài và viết khỏe, ông có hàng chục đầu sách: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim truyền hình, thể thao. Những tác phẩm nổi tiếng của Gallico là: Ngỗng tuyết, Tình yêu của bảy con búp bê, Cuộc phiên lưu Poseidon.

  • ANTONIO TABUCCHIAntonio Tabucchi (sinh năm 1945) là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất và dịch nhiều nhất hiện nay của Italia, bậc thầy nổi tiếng về truyện ngắn tâm lý.

  • IVAN BUNHINLúc ông ta đội mũ, đi trên phố hay đứng trong toa tàu điện ngầm không thấy rõ mái tóc cắt ngắn hung hung đỏ có những sợi lóng lánh, qua vẻ tươi tỉnh của gương mặt gầy, nhẵn nhụi, thân hình cao xương xương cứng đơ trong chiếc pan- tô không thấm, có thể đoán ông không quá 40. Chỉ cặp mắt xám nhạt luôn chứa một nỗi buồn khô khốc nói lên rằng ông là một người đã nếm trải nhiều trong cuộc đời.

  • LTS: Anatoli Kudraves là một nhà văn Beloruxia tài năng. Phần lớn các tác phẩm của ông thể hiện cuộc sống của những người nông dân, người chủ chân chính, giàu bản sắc riêng và chân thành của chính quê hương mình. Tác giả đã dẫn dắt nhân vật của mình trải qua công việc tập thể hóa nông nghiệp, trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cả thời kỳ kinh tế đổ nát sau chiến tranh cho đến ngày hôm nay.

  • BỒ TÙNG LINHLang Mỗ quê ở Bành Thành, con nhà học thức. Ngày nhỏ đã được nghe cha nói đến các sách quý và các sách khác trong nước, lại thường được nghe cha luận bàn với các bạn bè của ông về các loại sách và các nhà thơ cổ đại.