Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Có lần, mẹ nâng gương mặt tèm lem của tôi lên, nhìn sâu vào mắt: “Con gái xinh đẹp của mẹ, đừng khóc, mẹ thương.” Thế là nín bặt, tôi chạy ù vào nhà, đứng trước tủ kiếng quan sát một con nhỏ đầu bù tóc rối, mặt tròn quay, mắt mí lót, mũi tẹt, miệng rộng. Có thiệt tôi đẹp không? Mẹ dạy văn nên thường kể cho tôi nghe nhiều chuyện hay. Tôi vẫn nhớ hoài truyện tranh “Quạ tìm con”. Có một chị Quạ bị lạc mất con, dáo dác kiếm tìm. Chị bay vào khu rừng, gặp ai cũng hỏi: “Cô có thấy con tôi đâu không?” “Bác có thấy con tôi đâu không?” “Chú có thấy…” Các thú rừng rất quan tâm đến chị: “Con của chị trông như thế nào?” “Con của tôi đẹp lắm, đó là con chim đẹp nhất trong tất cả các loài chim”. Cuối cùng, nhờ bác Cú giúp đỡ, chị Quạ đã tìm được con: “Ôi đứa con xinh đẹp của tôi đây rồi”. Tranh vẽ một con quạ nhỏ xíu, lông măng lởm chởm, chân cẳng đen sì. Tôi ngạc nhiên: “Mẹ ơi, quạ con xấu xí quá, sao quạ mẹ lại khen đẹp?” Mẹ vuốt tóc tôi: “Trong mắt các bà mẹ, không có đứa con nào xấu cả, con ạ”. Lớn lên, lập gia đình, tôi mới cảm nhận được lời mẹ. Trong mắt tôi, hai đứa con mình sinh ra thật tuyệt vời! Con gái Cẩm Tú tuy làn da hơi đen nhưng hồng hào mạnh khoẻ, mắt sáng, mày thanh, mũi không được cao lắm nhưng rất hợp với cái miệng rộng có duyên. Cẩm Tú học rất giỏi, chưa bao giờ biết từ “thi rớt” là gì, mới ra trường là tìm được việc làm ngay. Con trai Thanh Tuấn thì khỏi nói, thông minh vượt bực, tài trí hơn người, tuy hơi thấp một chút nhưng hề gì, chiều cao của người đàn ông phải tính từ vầng trán trở lên. Hiện Tuấn đang làm trưởng phòng thiết kế của một công ty lớn, đúng là tuổi trẻ đáng gờm! Nghĩ là nghĩ trong lòng thôi, chưa bao giờ tôi đem con ra khoe như các bà bạn trong nhóm. Chúng tôi gồm những nữ sinh của một “thời Đồng Khánh mộng mơ”, nay gặp lại giữa Sài Gòn náo nhiệt khi tuổi đã U50, nhưng nhiệt huyết vẫn tràn đầy. Thế là lập thành nhóm, thỉnh thoảng gặp nhau đi mua sắm, uống café, nghe nhạc… cùng ôn lại kỷ niệm xưa. Vài tháng một lần, nhóm họp nay nhà người này, mai nhà người khác, cùng trổ tài nấu nướng, tổ chức những buổi tiệc nhỏ trong phạm vi gia đình. Và, chính lúc này, tôi có cảm giác các cô bạn của tôi biến thành những chị Quạ trong truyện tranh thời thơ ấu, tranh nhau đánh bóng, nâng những đứa con mình lên tít tầng mây. Nào là: “Thằng Ti Tô (con trai Tuyết Nga) của tôi vừa đẹp trai vừa có giọng hát siêu phàm, vừa rồi định đăng ký dự thi Tiếng Hát Truyền Hình, Sao Mai Sao Hôm gì đó, nhưng rồi bận quá, bị trễ hạn. Uổng thiệt, nếu không, chắc chắn được giải nhất rồi”; hay: “Thu Hương (con gái Thu Lan) nhà tôi hoa hậu còn thua xa, nhiều đạo diễn mời đóng phim nhưng nó không nhận lời”; hoặc: “Minh Châu (con gái Minh Ngọc) nhà mình giỏi ba, bốn ngoại ngữ, con trai Việt Nam chả đứa nào xứng với nó.” Rồi thì: “Thằng Hùng (con trai Như Huệ) mình đào hoa hết biết, các cô sắp hàng dài dài. Vừa có tiền vừa có sự nghiệp, ai mà chẳng ham. Nhưng chơi qua đường thì được, còn việc chọn vợ thì mình phải làm quân sư thôi.” Đùng một cái, quân sư đến tìm tôi: - Vân ơi Vân, chuyện động trời, chuyện động trời!!! - …? - Thằng Hùng nhà mình tuyên bố “lấy vợ”. - Vậy là tốt chớ sao. Nó đâu còn nhỏ nữa. Như Huệ nói như hét vào tai tôi: - Nhưng nó đòi cưới ai, Vân biết không? - Ai rứa? - Con gái của Thu Lan. Tôi cười: - Tưởng ai. Nhỏ Thu Hương đẹp quá rồi, Huệ còn muốn gì nữa? - Đẹp cái gì chớ. Vân có biết nó học hành tới đâu không? Lại đố. Tôi lắc đầu. Huệ thở dài ngao ngán: - Nó chưa qua nổi lớp 10, suốt ngày chưng diện. Tôi an ủi: - Cưới đâu cần học cao làm gì, miễn sao nó hiền lành, con nhà tử tế. Huệ trợn mắt: - Vân nói vậy mà nghe được à. Mình không muốn cháu nội mình sau này mang gène “học ngu”. Tôi giật thót mình. Vừa thương vừa giận. Như Huệ nói mà không chịu nhớ lại ngày xưa đi học, nó và Thu Lan cùng “kỳ phùng địch thủ”, bất phân thắng bại trong việc xếp hàng vào top ten tính từ dưới đếm lên! Vậy thì bây giờ, biết ai “ngu” hơn ai? Đúng là ỷ giàu, phát ngôn bừa bãi quá. Hy vọng lời nói gió bay, đừng đến tai Thu Lan mà sinh ra phiền toái. Tưởng gả được con gái vào cửa đại gia là điều may mắn, nào ngờ, hôm gặp Thu Lan ở siêu thị, nó phản ứng dữ dội: “Vân biết không? Con gái mình bị điên rồi, nó đòi lấy cho được con trai của Như Huệ”. “Ủa, thằng Hùng ngon lành lắm mà”. Cặp mắt Thu Lan liếc dài: “Ngon chi mà ngon. Con gái mình đẹp như tiên… thiệt là uổng”. Thời buổi bây giờ, “con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy”, dù hai họ trai gái không hài lòng, đám cưới vẫn được cử hành trọng thể. Con gái Thu Lan về làm dâu được một tháng thì cuốn gói về nhà mẹ, vài ngày sau, con trai Như Huệ qua năn nỉ đón về… nàng bỏ đi, chàng lại đón về… cứ thế, giống như cái video clip, phát đi phát lại cả chục lần, kết quả là hai bà sui giận nhau. Lỗ tai chúng tôi lùng bùng giọng điệu than van nuối tiếc của Thu Lan: “Con gái xinh đẹp của tôi thật vô phúc, lấy phải cái thằng chồng cù lần, phim không biết xem, nhạc không biết thưởng thức, suốt ngày ôm cái máy vi tính…”; lời nói khắt khe chì chiết của Như Huệ: “Thằng Hùng nhà tôi ham sắc đẹp nên rước cái của nợ về. Con gái chi mà vụng về khê thúi, kho nồi cá mặn chát, nấu nồi cơm hóa thành nồi bánh đúc…”
Nhóm chúng tôi bắt đầu gặp khủng hoảng, không khí những lần họp mặt tẻ nhạt, buồn chán. Lan không nhìn Huệ, Huệ không nhìn Lan. Minh Ngọc ngâm nga: - Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo, Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi. Tuyết Nga ngước mặt lên trời than: - Bài học nhớ đời! - rồi nói chắc như đinh đóng cột - tuyệt đối đừng kết sui gia với bạn bè. Rút kinh nghiệm, nghe chưa quí bà? Có lý. Vì con cái mà bạn bè trở mặt với nhau quả không hay chút nào. Nhưng… mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, có những việc xảy ra không theo ý muốn của mình. Hôm sinh nhật tôi, ông xã bận đi công tác, hai đứa con thay ba đưa mẹ đi ăn rồi đi uống cà phê nghe nhạc. Quán sân vườn rộng rãi thoáng mát, không khí ấm cúng, nhạc nhẹ nhàng khiến lòng tôi rất dễ chịu. Tuấn nói nhỏ: “Mẹ ơi, mẹ có yêu cầu bài gì không ạ?” Tôi như sống lại tuổi đôi mươi: “Mẹ muốn nghe bài Tạ Từ của Tô Vũ, có được không?” Tú nhanh nhẩu ghi vào tờ giấy: “Dạ được.”, rồi chạy vào trong sân khấu. Tôi ngạc nhiên nhìn Tuấn, nó cười: “Quán này là chỗ quen mẹ à.” Cô MC trong tà áo dài tha thướt bước ra: - Thể theo lời yêu cầu, ca sĩ Vũ Minh sẽ trình bày một ca khúc tiền chiến - bài Tạ Từ của nhạc sĩ Tô Vũ… Tiếng vỗ tay vang dội. Dáng chàng trai cao dong dỏng xuất hiện với bộ vest màu xanh dương lịch sự. Mái tóc bồng bềnh, gương mặt khôi ngô, hàng mày rậm với đôi mắt đầy thiện cảm hướng về phía… tôi, cất cao tiếng hát: …Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh, gió dâng khúc đàn thanh bình… Chất giọng trầm ấm, điêu luyện đưa tôi về miền ký ức đẹp đẽ thời áo trắng học trò …Tình anh như thông đầu non, vời cao trong mây buồn đứng, muôn kiếp cô liêu, nghìn năm còn reo… Bài hát đã hết nhưng tiếng rung vẫn còn ngân vang… Tuấn ghé vào tai tôi thì thầm: “Đúng bài mẹ thích không ạ?” Tôi siết chặt tay con trai, nhẹ gật đầu, nghe tâm hồn thư thái bình yên. Không thấy Cẩm Tú, tôi hỏi: “Em đâu rồi con?” Tuấn chỉ tay về phía quầy giải khát, Cẩm Tú đang đi về phía tôi, bên cạnh anh chàng ca sĩ Vũ Minh. Tôi chưa bao giờ thấy nụ cười con gái tươi tắn đến thế. Vũ Minh vòng tay lễ phép: - Cháu chào bác. Cẩm Tú nhanh nhẩu: - Mẹ ơi, bạn con hát được không mẹ? - Bạn con? - Tôi không dấu được nỗi bàng hoàng… - Kìa mẹ… Tôi sực tỉnh: - Ờ, cháu hát hay lắm. Bác rất thích. Tuấn nói: - Vũ Minh thuộc rất nhiều bài hát xưa, mẹ có ưa nghe thêm không? Vũ Minh nhìn tôi, vẻ ân cần. Cũng mái tóc đó, gương mặt đó, nụ cười đó… nhưng sao giờ đây tôi nghe lòng bải hoải, chán chường. Tôi muốn hét to lên rằng, tôi không thích con gái tôi kết bạn với ca sĩ, rồi lòng bỗng dấy lên nỗi sợ hãi bâng quơ, liệu chúng nó có yêu nhau không? - Mẹ… đủ rồi. Mẹ hơi mệt. Mẹ muốn về. Vũ Minh sốt sắng: - Để cháu đưa bác về. - Thôi khỏi, để gọi taxi. Tú ôm vai tôi: - Mẹ kỳ quá, anh Vũ Minh có xe mà. Ngồi trong chiếc xe hơi bóng lộn, tôi mất hết sức lực, lả người trong tay Tuấn. Cẩm Tú lo âu: “Anh Tuấn ơi, em nghi mẹ bị trúng gió” Vũ Minh lái xe chậm lại: “Vậy anh đưa bác vào bệnh viện nhé.” Tôi khoát tay: “Không sao đâu, bác khỏe rồi.” Đường về nhà trời lất phất mưa. Mưa rơi trên phố vắng, mưa len vào giấc ngủ châm chích thịt da làm tôi thao thức hoài. Lời bạn bè phê bình tôi: “Cẩm Vân là vua thành kiến” quả không chệch tí nào! Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng. Người tình đầu của tôi là một nhạc sĩ, đã đem đến cho tôi bao trăn trở muộn phiền, đến nỗi bây giờ tôi bị bệnh dị ứng với... nghệ sĩ. Dù rất thích nghe nhạc, xem phim… nhưng không bao giờ tôi muốn làm quen với những người hoạt động trong môi trường nghệ thuật. Vậy thì hà cớ gì tôi lại cho phép con gái tôi kết thân với Vũ Minh? Phải cấm thôi. Chưa kịp tỏ uy quyền làm mẹ, tôi đã nhức đầu chóng mặt khi nghe Cẩm Tú báo tin: “Mẹ, con và Vũ Minh sẽ… đám cưới!” Tôi làm khó: “Vũ Minh? Trời đất, nó chưa hề đến nhà mình một lần, chưa hề…” “Mẹ đừng bắt lỗi nữa mà, dù sao thì mẹ cũng đã gặp mặt anh ấy rồi, lại còn được nghe anh hát, được…” Tôi nổi tức: “Được nó đưa về chớ gì? Xin lỗi, tôi có tiền đi taxi mà.” Cẩm Tú vuốt nhẹ ngực tôi: “Mẹ yêu ơi, bớt giận. Chiều nay dì Tuyết Nga sẽ qua thăm mẹ”. Tôi tròn mắt. Sao Tuyết Nga lại dính vào chuyện này? Tú bồi thêm phát súng ân huệ: “Vũ Minh chính là Ti Tô, con dì Tuyết Nga, bộ mẹ không biết sao?” Tôi thiếp đi không biết bao lâu, đến khi mở mắt, khung trời ngoài cửa sổ đã tối đen. Tuyết Nga ngồi nơi mép giường, nhìn tôi lo lắng: - Sao rồi Vân, đỡ mệt chưa? Cháu Tuấn có mời bác sĩ đến thăm bệnh cho Vân. Huyết áp Vân hơi cao một chút, nhưng không sao. Nghỉ ngơi vài bữa là khỏe thôi. Tôi nhìn đăm đăm Tuyết Nga, chợt nhớ lời nói chắc nịch của cô bạn hôm nào. - Nga ơi, tại sao Nga lại qua đây? Nga không nhớ… Tuyết Nga ngắt lời: - “Bài học nhớ đời” chứ gì. Quên đi Vân ơi, chúng nó yêu nhau mình làm sao cản nổi. Vả lại, mình cũng thích Cẩm Tú nhà Vân lắm, thật là thùy mị nết na. Như có một làn gió mát thổi qua. Đầu óc tôi thanh thoát, trí não tôi nhẹ nhàng, bao nhiêu bức xúc tan biến khi nghe cô bạn trìu mến nhắc đến đứa con gái cưng. Dĩ nhiên là Tú của tôi thùy mị nết na rồi, lại còn học giỏi nữa. Tim tôi bỗng đập chậm nửa giây, liệu thằng Ti Tô có xứng với con gái tôi không? Tuấn nói vào: “Mẹ sao thành kiến quá. Bây giờ đâu còn quan niệm xướng ca vô loài nữa, mà trái lại, không có nghề nào giàu bằng làm ca sĩ, tiền chảy vào nhà còn hơn thác lũ. Như Vũ Minh đó, chưa là ngôi sao gì mà đã sắm được nhà, mua được xe. Hơn nữa, nó có ăn học đàng hoàng, lại con nhà tử tế…” Thôi cũng đành chấp nhận, nhưng phải làm cao một chút: “Nga à, mình muốn phải có đủ 3 lễ, chạm ngõ, đính hôn và đám cưới”. Mặc cho bà sui Tuyết Nga lăng xăng sắm sửa, tôi đủng đỉnh nhàn hạ cho đến ngày Tú bước lên xe hoa. Con gái tôi đã tìm thấy hạnh phúc bên Vũ Minh. Tôi cảm nhận được niềm vui này vào những lúc vợ chồng Cẩm Tú về chơi, ánh mắt con gái tôi long lanh hơn trước, da dẻ mượt mà và nụ cười tươi tắn bình yên. Mừng là không có điều tiếng gì trong nhóm bạn bè tôi, trái lại, toàn là những tin tốt lành. Thứ nhất, Tuyết Nga cưng con dâu như trứng mỏng; thứ hai,Vũ Minh nghe lời vợ răm rắp; thứ ba… Vào một ngày đẹp trời, Tuyết Nga chạy qua nhà: “Vân ơi, chúng mình sắp lên chức bà nội, bà ngoại rồi”. Sáu tháng sau, lại thêm một tin vui: “Vân ơi, Cẩm Tú siêu âm rồi! Con trai, ôi, mình sắp có cháu đích tôn, tuyệt vời quá!” Bé Ti Nô ra đời nặng 3 kí hai, khôi ngô, bụ bẫm. Tuyết Nga dành hết mọi việc như tắm rửa, mặc áo, thay tã, nựng nịu hôn hít thằng bé… công việc chăm sóc sản phụ thì giao cho y tá đến nhà phục vụ mỗi ngày. Tôi là bà ngoại mà cứ như người dưng nước lã, chỉ đứng xa xa nhìn, có muốn ẵm bồng cháu cũng khó khăn. Buổi họp nhóm, tôi đem chuyện này ra bàn bạc thì Tuyết Nga giả lả: “Thôi vuốt giận, tại bà nội sợ bà ngoại mệt thôi mà.” Bạn bè xúm vào hòa giải làm tôi phải nuốt cục tức vào trong. Cho đến ngày đầy tháng Ti Nô, trong khi bạn bè xúm quanh nôi chúc mừng thằng bé thì Tuyết Nga hiện nguyên hình một chị Quạ giảo hoạt nhất. - Các bạn thấy cháu đích tôn của mình dễ thương không? Đúng là cái trán của Ti Tô nhà mình, vừa cao vừa rộng, mắt cũng vậy, hai mí rõ ràng chứ đâu có mí lót như Cẩm Tú, chỉ tiếc là cái mũi bị tẹt giống hệt bên ngoại, chán ơi là chán. Giống hệt bên ngoại!!! có nghĩa là Tuyết Nga không nể tôi rồi. Vậy thì tôi ngại gì mà không chanh chua: - Nga có chê cái mũi của con gái mình thì cũng nên cầu trời cho thằng Ti Nô có cái đầu giống mẹ nó. Nếu rủi mà giống ba nó thì mất công thi Đại học cả chục lần vẫn trượt vỏ chuối! Tuyết Nga tái mặt. Bạn bè giật mình. Lần hòa giải này thất bại hoàn toàn. Minh Ngọc giả giọng em bé: “Bà ngoại Vân ơi, bà nội Nga ơi, cho cháu xin mà”. Tôi đứng bật dậy, đi ra cổng một nước. Tuấn chạy theo: “Để con đưa mẹ về”. Ngồi sau xe Tuấn, gió thổi vù vù bên tai xua tan nỗi bực dọc, tôi thở một hơi dài: “Bài học nhớ đời! Thà làm sui với người lạ còn đỡ tức hơn” Tuấn dừng xe, ngoái nhìn tôi: “Mẹ nói gì? Không được đâu. Con đang quen với Minh Châu, con của dì Minh Ngọc đó”. Tôi lắc đầu thương hại: “Con nhỏ đó giỏi nhiều ngoại ngữ lắm, dì Minh Ngọc đang kén rể Âu Mỹ, không tới lượt con đâu”. “Mẹ lầm rồi, chúng con yêu nhau lắm. Con định tuần tới sẽ đưa Châu về ra mắt ba mẹ…” Hình như tôi bị trúng gió… T.A (265/3-11) |
ĐỖ KIM CUÔNG
(Kính viếng các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh giữ đảo Trường Sa)
CHÂU TOÀN HIỀN
Cát bước vội những bước cuối cùng rồi dừng lại bên chiếc bục gỗ. Một cái gì đó đang bị dồn nén lại trong người anh, chỉ chờ lúc bung ra. Anh đặt cả hai tay lên tập hồ sơ trên bục, rồi quả quyết xoay người lại.
HỒ TRUNG LIÊN
Cô thủ quỹ của đoàn nhắc:
- Nhớ ghé quán cơm Âm Phủ ăn cho biết bác tài ơi.
- Chưa tới đâu. Đoàn tối nay sẽ ăn muộn đấy.
- Nghe nói quán đã chuyển chỗ sang trọng hơn?
- Vẫn địa chỉ cũ, gần sân vận động.
THÁI BÁ TÂN
1
Ở công ty S.B, khi được hỏi ai là điển hình tốt của công nhân đèn biển những năm gần đây, mọi người nhất trí nêu tên Nguyễn Thiếu Sơn, đảo trưởng đảo đèn Hòn mực. Sau đây là một số ý kiến nhận xét về anh ta.
LÊ THỊ KIM SƠN
(Cho những điều hạnh ngộ ngắn ngủi)
TRẦN THÚC HÀ
Tặng H.T.V
Ông đã về hưu. Ông có căn phòng làm việc rộng rãi đầy đủ tiện nghi tại nhà riêng, khi cần thì ông ngồi vào bàn.
NGÔ THÚY NGA
1.
Làng yên bình gối đầu lên chân một mỏm núi mà thở nhẹ nhàng. Làng cười nhẹ như gió bên nhánh sông thầm thì lời bìm bịp gọi nhau. Làng tôi đấy! Có núi, có sông, có cánh đồng mà đàn cò dang cánh, rộng thênh thang. Có tuổi thơ của chị em tôi và những chị em khác nữa.
HẠO NGUYÊN
1.
- Thế mà đã chín mùa hoa văn nở. Tôi năm nay bốn mươi chín tuổi. Ở cái tuổi này, một vài người đã biết rõ con đường mình đi sẽ về đâu.
LÊ HÙNG VỌNG
Vừa đặt bàn tay lên cái nắm đấm và một thoáng nhìn vào bên trong phòng khách qua lần cửa kính, tôi chợt nhận ra là vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời này tôi đã không hề gặp may.
NGUYỄN QUANG LẬP
Rốt cuộc ông đã bật nẩy được hai hòn đá lớn, một vuông một tròn, nằm kẹp chặt cái hũ gạo nhỏ như quả bầu khô đã hơn hai năm nay.
Ảo hóa
Người lữ khách đi qua sa mạc, thấy một chiếc kèn nằm lăn lóc nhưng chói sáng giữa nắng trời gay gắt. Ông dừng lại, lấy nước uống, nghỉ chân, nhặt chiếc kèn lên xem.
HUỲNH MAI
Ở một con sông lớn, nước xanh trong, mát lạnh và dòng chảy hiền hòa. Tôi nằm ngửa, dang hai tay, thuỗn đôi chân không quẫy đạp, thế mà toàn thân cứ trôi bềnh bồng.
NGUYỄN QUANG TUYẾN
Phi trường Huế phải ngưng hoạt động sáu tháng để tu sửa. Đường băng được kéo dài theo chuẩn phi trường Quốc tế để máy bay lớn, lên xuống đón lượng du khách số đông đến du lịch Cố đô Huế.
NGUYÊN QUÂN
Về lại trên cái vùng đất xưa nổi tiếng là ma thiêng nước độc và hiện tại tuy vẫn rất heo hút nhưng cũng mang đầy đủ sinh khí của một vùng dân cư, tôi vẫn không tin rằng có một thứ quyền lực siêu nhiên nào đó đã nhúng tay vào chơi trò mộng du với những cô gái thanh niên xung phong thời ấy. Nhưng cũng chẳng giải tỏa được sự tồn nghi trong lòng, dù sau nhiều năm dài vẫn cố đi tìm lời giải…
LÊ VI THỦY
Ánh sáng màu đỏ. Đỏ như máu đang ngoạm dần lấy thân thể. Những đứa trẻ khóc thét, ngón tay bám víu gần như tuyệt vọng rời khỏi bố mẹ chúng. Những ngọn đồi trồi lên mặt đất, to dần, to dần, mặt đất rung vỡ.
ĐOÀN LÊ
Em dắt dẫn tôi vào chuyến đi đột ngột này. Tôi biết. Ra sân bay lúc ba rưỡi sáng, tôi một mình bước trên những đường phố Hà Nội vắng ngắt, lành lạnh sương đêm.
HẠO NGUYÊN
1.
Em đi loanh quanh ngôi nhà của tôi, nhìn mọi đồ vật với vẻ mặt ngạc nhiên. Em đứng lại trước một bức tranh. Đó là bản sao bức “Tiếng thét” của Edvard Munch. Khuôn mặt em biểu cảm một nỗi cô đơn không tả xiết.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
Bà Thu đứng trước chiếc gương lớn. Bà nhìn hai bờ ngực còn căng mộng, phớt chút màu hồng phấn được khéo léo trang điểm trước lúc đi đám cưới, bà tâm đắc với của nả đang có của mình.
QUẾ HƯƠNG
Truyện ngắn
VĨNH QUYỀN
Không ai biết chàng từ đâu đến, tên họ thế nào. Bản thân chàng cũng không có gì đặc biệt để cư dân kinh kỳ vốn quen chạm mặt khách tứ phương phải quan tâm.