ĐẶNG ANH ĐÀO
Đã từng có một cô gái Huế trong thơ, có lẽ không một địa phương nào, đặc biệt là chốn đô thị kinh kỳ nào lại có thể in hình người phụ nữ của mình vào thơ đậm đến thế.
Ảnh: internet
Đây là một hiện tượng đặc biệt mà cho tới nay ta chưa lý giải. Hình ảnh “Cô gái Huế” có lúc được sưu tầm lại hẳn thành một tập thơ về những cô gái Huế, mà gốc tích của họ đã được các tác giả xác nhận.
Dường như chỉ cần gọi tên nàng lên, là thế giới của Đẹp và Thơ đã xuất hiện “Học trò xứ Quảng ra thi - Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Câu thơ dân gian đã chứa đựng một nét nghệ thuật khá quen thuộc: ở nhiều bài thơ khi nói đến cô gái Huế, rất ít khi nàng được miêu tả trực diện. Có thể vì cách biểu hiện ấy thích hợp với phong cách cô gái Huế chăng? Điều lạ lùng là tuy được gợi lên qua bao nét bút khác nhau, nhưng chúng ta vẫn giữ được một ấn tượng chung về cô gái Huế.
Có thể do tính chất cô đọng, ước lệ, qui phạm, mã hóa và khả năng bảo tồn tiếng nói dân tộc qua ngôn từ nên thơ đã bảo tồn lại cho ta chân dung, phong cách của con người và cái hồn dân tộc.
Trước hết, đó là một màu áo. Đoàn Phú Tứ giải thích sắc Huế của bài Màu thời gian là do câu “Màu thời gian tím ngát”. Nhưng điều đáng lưu ý là thơ lại thường giữ lại màu trắng ở tà áo cô gái Huế chứ không phải cái màu đã được gọi là “tím Huế” ấy. Huy Cận xếp bài thơ Áo trắng vào tập thơ về Huế, còn Nguyễn Bá Trạc ở tận California nhớ về Huế cho tới bây giờ vẫn gợi lại “…bọn học trò áo trắng mùa thu”, cũng như Nguyễn Duy vào những thập kỷ này vẫn khắc khoải:
Tôi về xứ Huế mưa sa
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
Tôi về xứ Huế chiều mưa
Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu (1)
Một màu áo, và cùng một vẻ đẹp. Có lẽ không ai tả màu áo trắng và vẻ đẹp của cô gái Huế độc đáo bằng Hàn Mặc Tử, có thể bởi vậy, mà hình ảnh của thơ ông (thôn Vĩ) đã làm tiêu đề cho cả một tập thơ về Huế. Một gương mặt nhìn không rõ, cả tà áo cũng vậy, thế mà tất cả bóng hình của cô gái Huế đã hiển hiện:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
(…)
Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Tà áo trắng ấy huyền ảo tới mức không còn sắc màu khi Hàn Mặc Tử mộng thấy nàng Thương Thương, người tình chưa từng gặp “Bàn tay mềm mại nên thơ quá - Tà áo lung linh dày tợ sương”… Còn đoạn thơ trên là để tặng một người đẹp có tên thật và đã giáp mặt ! Gương mặt thấp thoáng sau cây lá kia tiêu biểu cho một vẻ đẹp của cô gái Việt Nam cổ xưa, chẳng phải chỉ vì "lá trúc che ngang"... Tôi ngờ rằng ngày nay ta chỉ còn ca ngợi vẻ đẹp của khuôn mặt trái xoan, chứ nét trên thì không thấy. Hàn Mặc Tử đã tạo cho ta một khuôn mặt độc đáo có lẽ vẻ đẹp của gương "mặt chữ điền" đặc biệt phù hợp với khăn vành giây mà quê hương của nó chính là chốn cố đô. Một cô gái bới tóc trễ như trong tranh của Tô Ngọc Vân phải có một gương mặt trái xoan.
Một tà áo, một gương mặt, một bóng dáng, nhòa phai, duyên nhiều hơn là đẹp. Cái vẻ “nhìn không ra”, “mờ nhân ảnh” ấy được lặp lại ở tất cả những bức tranh về cô gái Huế. Tố Hữu nói đến “Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng - Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai” đã ghi lại một nét duyên của cô gái Huế chiếc nón khiến ta nhìn không rõ mặt. Có ai cười như cô gái Huế? Nữ sĩ Quỳnh Dao còn lại được với ngày nay có lẽ chỉ do một câu thơ:
Một hàng Tôn nữ cười trong nón…
E lệ, bởi vì cổ kính. Muốn tìm vẻ đẹp của Thị Bằng, của giai nhân cố đô, nhà thơ chỉ có cách:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Bởi thế, có lẽ không nên lấy lập trường giai cấp ra để trách một số nhà thơ, hễ tả Huế lại cứ mường tượng những cái thời:
Ngày xưa không lạnh nữa, Tần phi
…
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
(Đoàn Phú Tứ)
Hoặc:
Gió cầu vương áo nàng Tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ
…Mơ mộng giai nhân buông mắt nhìn
Lâu đài cung điện bóng in xa…
(Đông Hồ)
Và:
Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen
(Nguyễn Bính)
Có thể gọi đó là những ước lệ, những “mã” về xứ Huế nhiều hơn là tư tưởng. Cái buồn, đó cũng là một hình ảnh của Huế đã mã hóa. Bởi thế, dù là giai nhân, cung tần, mỹ nữ, “gái hộ lăng”, vóc dáng của họ từ ấy đã tạc trên nền của một dòng sông, một bầu trời, một mùa thu và những ngày “mưa ở xứ Huế sao buồn thế”… (vẫn Nguyễn Bính). Có lẽ thơ tả cô gái Huế cười, chỉ còn lại một câu thơ của Quỳnh Dao nói trên, mà thực ra đó là nét duyên hơn là nét vui. Niềm hân hoan ở cuối bài Cô gái sông Hương của Tố Hữu mãi mãi là một viễn cảnh, bởi từ đấy không có bài thơ nào nổi tiếng về niềm vui của cô gái Huế. Đến cả bóng dáng người con gái lao động cũng đơn côi:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
(Hàn Mặc Tử)
Bởi người con gái ấy là một số phận. Trong thơ Lưu Trọng Lư, người tình xưa là một cô gái Huế “nằm trong nhung lụa”, theo như giai thoại, người ta còn nói rằng tên nàng trùng với tên bông hoa của mùa thu (Giống như Hoàng Cúc của Hàn Mặc Tử). Song “tiếng thu” cũng là một khúc nhạc buồn, và “gái trong song cửa” cũng vẫn chỉ là “Người em sầu mộng của muôn đời”. Con thuyền - một hình tượng gần như ước lệ gắn với cô gái Huế - lại cũng là một biểu tượng của số phận, từ thời ca dao:
Thuyền về Đại Lược,
noốc(2) ngược Kim Luông
Đây là ngả rẽ của đôi dòng…
Bởi thế nên dù là tần phi, tôn nữ hay người lao động thì số phận của họ cũng được biểu tượng qua những mã chung với “người kỹ nữ” con thuyền, dòng sông, khúc hát và cả vầng trăng nữa. Xuân Diệu dệt bởi tất cả những gì đã bắt đầu từ ca dao đến Thơ Mới với Lời Kỹ Nữ đã làm bất tử hình ảnh nàng, nâng thành biểu tượng:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt
Người con gái sông Hương đó là một khúc ca đứt đoạn “Vì nghe nương tử trong câu hát - Đã chết đêm rằm theo nước xanh”… Đến đây chúng ta hiểu được vì sao cô gái Huế lại là thơ: bởi nàng là nhạc. Song thể hiện nàng bằng âm thanh, có lẽ phải nhờ nhạc sĩ Văn Cao với hai câu thơ toàn vần bằng êm dịu kết hợp với giọng nói Huế, mà nhịp phách là canh trời điểm bằng sao rơi:
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
…
Thuyền xuôi về bến mô thuyền hỉ
Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà
Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi
Số phận của người suốt đời là “con gái” quả không có gì vui song không phải chỉ có người kỹ nữ phải mang cái bệnh cô đơn ấy. Những “gái hộ lăng” một hình tượng Huế - may mắn thay giờ không còn nữa - nhờ nhà thơ Xuân Tâm mà vận mệnh của họ được ghi lại. Những người… “trải qua hai thế kỷ - sóng thời gian gội tóc bạc phau phau” vẫn cứ là trinh nữ.
…Để đêm đông lạnh buốt đơn hương lửa
Đến ngày lầu son nát trước lòng son
Cô gái Huế, đâu có phải chỉ là áo trắng, nón bài thơ… Họa chăng người ở Đàng ngoài mới tưởng rằng:
Chỉ thiếu chiếc kiềng vàng
Con thành “cô gái Huế”
(Nguyễn Thị Thiếu Anh)
Cho đến trong ký ức, nơi quê mẹ gắn với tuổi nhỏ, hình ảnh cô gái Huế mới lớn qua thơ Nguyễn Bá Trạc vào những thập kỷ này vẫn cứ phảng phất buồn:
Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành
Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi
Khi tóc em vừa mới chớm xanh
Như vậy, cả nỗi buồn nữa, cũng là một cái “mã” của Huế. Ta hiểu được vì sao hình ảnh cô gái Huế đậm nét nhất chính là trong thơ trước 1945. Vả chăng, có hai điều kiện khiến thơ ca ngày nay không còn ghi lại hình ảnh cô gái Huế trước hết là lối sống có phần giống hệt nhau giữa các địa phương ở Việt Nam sau 1975. Còn một điều kiện thứ hai có thể chưa rõ nét ở Việt Nam, song cũng sẽ tất yếu góp phần xóa mờ màu sắc địa phương: lối sống ở xã hội công nghiệp. Những siêu chợ, những phương tiện thông tin đại chúng sẽ khiến ngay cả thị hiếu, thời trang cũng xích lại gần nhau: Ngày nay, mọi cô gái đều diện quần bò, áo phông… Thơ ca, với những mã của nó - mà chốn cố đô chính là nơi được quy phạm, được ước lệ, được mã hóa rõ rệt nhất - sẽ bảo tồn, mãi mãi vẻ đẹp và nỗi buồn của thời xưa một đi không trở lại.
Đ.A.Đ
(TCSH44/01-1991)
--------------------
(1) Ở đây xin miễn chú thích xuất xứ bài thơ để khỏi làm dứt mạch cảm hứng thơ.
(2) Tiếng Huế, cũng có nghĩa là thuyền.
NGUYỄN TÚ
Nhân đọc bài "Sứ mệnh kẻ sĩ trước nghĩa Cần Vương'' đăng trong Tạp chí Sông Hương số 4, tháng bảy - tám 92, tôi xin có một ý kiến nhỏ gọi là góp phần tìm hiểu.
PHAN NGỌC
Nói đến văn hóa ở thời đại kỹ thuật là nói đến biện pháp kinh doanh văn hóa, đổi mới văn hóa để làm đất nước giàu có, phát triển.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Câu hỏi trên đây, từ trước đến nay đã làm bận tâm không ít những người hằng quan tâm đến tương lai tiếng Việt, và mối bận tâm ấy đã được vài ba tác giả đề cập trên báo.
HUỲNH THẠCH HÀ
Mau lẹ, hung hãn, đáng sợ, quyến rũ, có lẽ là những từ thường dùng khi nói về loài hổ. Hổ còn có nhiều tên gọi khác như cọp, ông Ba mươi, ông vằn, chúa sơn lâm…
VŨ NHƯ QUỲNH
Tác phong, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức cảm hóa, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Tầm nhìn chiến lược của Người vô cùng to lớn, đặc biệt đối với ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay, là tuyến đầu đang trực tiếp chiến đấu với đại dịch Covid-19.
(Phỏng vấn nhà nghiên cứu phê bình văn học HOÀNG NGỌC HIẾN)
PHẠM PHÚ PHONG
Thi pháp là mỹ học của nghệ thuật ngôn từ, hay nói đúng hơn là cái đẹp của nghệ thuật văn chương. Nghĩa là toàn bộ những yếu tố cấu thành hệ thống nghệ thuật của một hiện tượng văn học.
PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU
Giai đoạn 1900 - 1945 là giai đoạn có “một thời đại mới trong thi ca” xuất hiện. Cùng với Sài Gòn và Hà Nội, xứ Huế ở thời điểm này trở thành một trong ba trung tâm báo chí, xuất bản của cả nước, nên không thể đứng ngoài hoặc không chịu tác động chi phối bởi những âm vang thời đại.
LÊ QUANG THÁI
Không hẳn nghĩa Cần Vương phát sinh từ khi kinh thành Huế thất thủ sau ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885). Sở dĩ người ta thường quen gọi phong trào chống Pháp từ khi vua Hàm Nghi xuất bôn và xuống chiếu kêu gọi toàn dân chiến đấu chống thực dân xâm lược từ năm 1885 - 1888 là phong trào Cần Vương, bởi lẽ vua Hàm Nghi là linh hồn của cuộc kháng chiến trong thời cao điểm chống Pháp.
PHAN HỨA THỤY
Sau Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh là một tác giả lớn của xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVIII, không những thế, Nguyễn Cư Trinh còn là một nhà hoạt động chính trị, quân sự có tài đã có những đóng góp cho lịch sử dân tộc.
NGUYỄN KHOA ĐIỀM
(Giới thiệu, dịch thơ)
Miên Triện có tự là Quân Công, hiệu Ước Đình, là nhà thơ, nhà soạn tuồng tên tuổi của nước ta vào cuối thế kỷ XIX.
PHẠM PHÚ PHONG
(Nhân đọc “Thơ vua & Suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung)
Một bộ óc thông minh có giá trị hơn một bộ óc chứa đầy chữ
(Montaigne)
VÕ XUÂN TRANG
Dạy tiếng Việt cho học sinh bản ngữ nên dạy cái gì? Câu hỏi này đặt ra tưởng như thừa lại hết sức cần thiết và cho đến nay các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà giáo dục học văn chưa trả lời được một cách rõ ràng và dứt khoát.
MAURICE BLANCHOT
Những Nhân ngư: dường như họ thực sự hát, nhưng theo một cách dang dở, cái cách mà chỉ cho một dấu hiệu về nơi những nguồn gốc thực sự và hạnh phúc thực sự của bài ca mở ra.
ANDREW HAAS
Khi virus corona mới xuất hiện, tôi bắt đầu dạy tác phẩm Phaedo của Plato [đối thoại nổi tiếng của ông bàn về sự bất tử của linh hồn - ND].
PHÙNG TẤN ĐÔNG
Nhà báo, học giả Lê Dư, còn có tên Lê Đăng Dư, Lê Kính (1884 - 1967)(1), hiệu Sở Cuồng (người Cuồng nước Sở), sinh quán tại làng Nông Sơn (nay thuộc xã Điện Thọ) huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
TRẦN ĐÌNH HƯỢU
Chúng ta đều đã biết sự thay đổi đột ngột trong cách đánh giá Tự Lực văn đoàn.
YẾN THANH
Dân tộc học (Ethnologie) là một địa hạt kén người nghiên cứu, bởi bước chân vào đó nếu muốn có kết quả đáng tin cậy, đôi khi phải đánh đổi cả đời người, cả nghiệp bút, chứ không thể “ăn xổi ở thì” với những dự án ngắn hạn.