Chuyện ở rừng mai vàng

16:21 21/07/2010
HỒ NGỌC DIỆPKhông biết ai đã trồng rừng mai ở làng Đông Dương nầy lúc nào? Khi chúng tôi lớn lên thì đã thấy nó. Ngày trước, cứ đến tết xuân sang, người Ba Đồn lên, người Hướng Phương xuống, người Quảng Hợp, Quảng Kim vào, cứ theo sở thích mà cắt, mà chặt mai đưa về cắm độc bình. Cứ thế, mai mỏi mòn, xơ xác. Có cây chỉ trơ lại gốc. Có cây chỉ còn thân, cằn cỗi, khẳng khiu.

Minh họa: Bửu Chỉ

Đúng ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây đầu tiên, cô giáo dạy cấp I chúng tôi đưa chúng tôi đến trồng tại rừng mai đó.

Bọn con gái thì đào hố bỏ phân và tưới nước. Bọn con trai chúng tôi thì đi bứng những cây mai con mà hạt già rụng xuống ở những kẻ đất ẩm mọc lên đưa đến trồng và then che, rào dậu. Rồi ngày ngày, theo sự phân công của cô giáo, chúng tôi đã thay phiên nhau tưới nước, vun xới cho mai. Khi chúng tôi học lớp cuối cùng của cấp III trường huyện thì mai đã ra hoa lượt đầu tiên. Đã thôi rồi lối chặt mai bừa bãi như những năm trước đây. Những cây mai vừa lớn bên những cây mai cổ thụ đan thành rừng mai. Mùa xuân đến, mai nở vàng trời, mai rụng vàng đất. Cánh mai chấp chới trong gió như hàng ngàn hàng vạn cánh bướm vàng. Hương mai nồng nàn, ngào ngạt. Đứng dưới rừng mai tưởng như đang đứng ở một chốn thần tiên! Làng Đông Dương vì thế mà có người gọi là làng "Hoàng Mai" (Làng mai vàng). Có một người hay thơ yêu một cô gái trong làng "Hoàng Mai" và để kỷ niệm nơi bắt đầu của một tình yêu giàu chất thơ mộng, anh đã ký dưới những bài thơ tình yêu nổi tiếng của mình với bút danh: Mai Liên (Rừng mai đã kết tất cả lại). Chúng tôi rất yêu thơ Mai Liên, vì trong đó có rất nhiều hương sắc của rừng mai vàng chúng tôi.

Không hiểu vì sao cô giáo của tuổi nhỏ chúng tôi không lấy chồng. Có một độ xuân chín, mai nở vàng rực, cô đã lên công sự cùng dân quân ở rừng mai nhả đạn vào máy bay Mỹ đang bắn phá một địa điểm của đơn vị bộ đội ra-đa đóng gần đó. Phát hiện được hỏa lực lợi hại, giặc Mỹ đã trút đạn xuống rừng mai. Khi biết tin cô giáo hy sinh trong cuộc chiến đấu đó, chúng tôi đến thăm thì mai đã rải thảm vàng nấm mộ. Rừng mai đã ôm ấp, chở che cho giấc ngủ ngàn năm của cô. Và từ đó, đi đâu xa về, chúng tôi đều ghé đến thăm cô. Hương trầm quyện trong hương mai gợi biết bao nỗi niềm của người đang sống với người đã khuất. Chúng tôi đã đọc và chép cho nhau bài thơ "Hương mai" của Mai Liên. Nhà thơ đã viết tặng hương hồn cô giáo chúng tôi với một niềm rung cảm sâu xa, tha thiết nhất.

Những ngày tột cùng tội ác của chiến tranh phá hoại Giôn-xơn, một bệnh viện đã đến trú ngụ dưới rừng mai vàng làng Đông Dương này. Những ngôi nhà chôn mình trong cát. Rừng mai xanh, sáng chiều tỏa bóng ôm trọn những mái nhà. Dưới rừng mai đó, bao sinh linh đã sống lại. Dưới rừng mai đó, bao em bé đã oa oa chào đời. Cô bạn gái học cùng lớp tuổi nhỏ của tôi bấy giờ là y tá của bệnh viện này. Cô có cái tên rất đẹp: Thùy Mai.

Một buổi sáng, từ hầm mổ bước ra sau một đêm phục vụ cho ca mổ đẻ một người mẹ hở van tim được mẹ tròn con vuông, thì Thùy Mai cùng các bác sĩ tiếp tục đón tiếp mấy cái băng ca nữa ùn ùn chuyển tới. Đêm qua, loạt bom tọa độ dội xuống một làng bên bến phà Gianh. Cả sáu người trong một gia đình bị sập hầm chết nghẹn, chỉ cứu được cháu gái chưa tròn năm. Có lẽ người mẹ đã ôm chặt con vào lòng nên cháu gái chỉ bị chấn thương nhẹ. Người ta đã nuôi cháu bằng sữa bò và bột dinh dưỡng. Nhưng bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có một người mẹ mới có thể đảm bảo cuộc sống lâu dài. Thùy Mai đã nhận nuôi đứa bé. Khi lên ba, bé gái đã biết bập bẹ gọi: "Mẹ! Mẹ Thùy Mai!".

Đầu năm 1972, có một chuyến xe quân sự từ chiến trường Tây Nguyên ra Bắc, vượt được phà Gianh độ mười cây số, xe hỏng nặng. Người lái xe cho biết: ít ra đến hết đêm nay anh mới có thể chữa xong xe. Trung úy bộ binh Dương Trúc sau khi được đoàn trưởng đồng ý đã đi tắt đồng cát từ quốc lộ I để đến rừng mai làng Đông Dương. Nhà anh giờ sơ tán cách chỗ xe dừng không xa; ở hướng Đông nhưng anh lại đi thẳng hướng Tây. Anh đã nói với đoàn trưởng của mình: "Tôi đến đó để thăm mộ một cô giáo cũ. Chính cô đã giúp cho tôi…" Anh không nói hết ý nhưng đoàn trưởng đã hiểu.

Anh cất mũ, đứng lặng yên trước nấm mộ cô giáo ngày tuổi nhỏ dưới rừng mai. Đang độ xuân, mai rắc vàng lên vai anh, lên lớp cỏ xanh phủ trên nấm mộ. Hương mai thoảng đưa trong gió, gợi những nỗi niềm nhớ thương… Nếu không có tiếng ru con à ơi vọng ra từ một nhà hầm gần đó thì không biết trung úy bộ binh Dương Trúc sẽ đứng trầm ngâm như thế trong bao lâu.


Tiếng ru con à ơi… đã làm anh bừng tỉnh. Không! Không thể nào khác được, đó là tiếng ru con của Thùy Mai! Anh bước tới phía nhà hầm. Qua khe cửa sổ, dưới ánh đèn phòng không tù mù đặt kín đáo ở góc nhà, anh nhận ra được Thùy Mai đang nhẹ nhàng đẩy võng ru con.

- Hãy gõ cửa - Anh nghĩ.

- Đừng! - Một tiếng nói khác từ trong anh dõng dạc vang lên.

Anh đã cố quên đi cô gái ấy, cô gái lần đầu tiên đã làm cho trái tim anh rung động. Tình bạn học cũ đã chuyển sang tình yêu từ bao giờ anh chẳng rõ nữa. Đêm trước lúc anh lên đường nhập ngũ, Thùy Mai đã đến với anh với những nỗi xao xuyến, ngập ngừng. Anh đã đặt chiếc hôn đầu tiên lên môi người yêu khi Thùy Mai ngả người vào ngực anh, ngay dưới rừng mai này. Lúc đó những cánh mai trong gió khẽ đưa hương, báo tin bắt đầu từ ngày mai, xuân bước vào độ chín. Bảy năm trời, anh không nhận được một lá thư nào của Thùy Mai. Có lẽ vì ở chiến trường anh không có một địa chỉ rõ ràng. Nhưng tin đầu tiên về Thùy Mai đến với anh qua lời một đồng chí trong đơn vị mới hành quân từ Bắc vào là dòng tin dữ dội: "Thùy Mai đã lấy chồng, vì tôi thấy cô ấy đã có con".

"Cô ấy đã có con", anh nửa tin nửa ngờ. Nhưng trước mặt anh giờ đã là sự thật, không thể ngờ mà phải tin. Và Thùy Mai thì đang chao võng và cất tiếng à ơi… kia:

Trúc với Mai, Trúc đi Mai nhớ!
Trúc trở về, Trúc nhớ Mai chăng?

Một câu hát ru đã được cải biên lời. Anh nhớ rất rõ mẹ anh đã ru anh thuở nhỏ, chính câu hát phải thế này:

Trúc với Mai, Mai về Trúc ở
Trúc trở về, Mai nhớ Trúc không?

Trung úy bộ binh Dương Trúc cứ đứng như vậy để nghe những lời hát ru của cô gái vọng ra. Chợt anh nghĩ, nếu có một người nào đó từ đâu tới và thấy anh đứng đây, người ta sẽ cho anh là một đứa kẻ trộm đang nghe ngóng, rình mò, và sẽ lôi thôi hơn nữa nếu chồng Thùy Mai ở đâu đó bước về, chạm mặt anh đang đứng lặng ở đây.

Anh xóa dấu dày rồi khẽ quay gót. Khi anh trở lại quốc lộ I, xe cũng vừa chữa xong. Mới quá nửa đêm, xe rồ máy thẳng hướng đèo Ngang, chồm tới.

Cuối mùa đông năm này, tình cờ tôi lại gặp nhà thơ Mai Liên tại Hà Nội. Anh vừa bước ra từ trụ sở một nhà xuất bản với nét mặt rạng rỡ. Anh kéo tôi ngồi xuống ghế đá ở một vườn hoa gần đó, giọng rất hể hả:

- Nếu không có anh, chưa hẳn tôi đã hoàn thành tiểu thuyết đầu tay này. Với những gì tôi đã biết về rừng mai vàng ở quê vợ, và câu chuyện tình dưới rừng mai vàng ấy của bạn anh: Thùy Mai và Dương Trúc mà anh đã hồ hởi kể cho tôi nghe 5 năm về trước lúc tôi đang theo học lớp đại học hàm thụ văn khoa, tôi đã soạn, đã viết, mãi hôm nay mới hoàn thành. Cảnh thực, người thực, việc thực bước vào trang sách… như thực. Tên bài thơ "Hương Mai" dạo trước tôi đã lấy làm nhan đề cuốn tiểu thuyết này.

Rồi với những phấn chấn mới mẻ, anh tiếp lời mình một cách say sưa:

- Nhân vật của tôi: Dương Trúc và Thùy Mai, sau đó đã thông hiểu nhau, xây dựng hạnh phúc sau ngày đất nước thống nhất. Ngày cưới của họ đúng độ xuân chín, mai vàng cắm đầy bàn giữa hai họ, hương bay ngào ngạt. Đứa con nuôi là đứa con chung của họ. Cô ấy sẽ là một bác sĩ nổi tiếng trong tương lai.

- Rất đáng tiếc, cuộc đời của họ không như anh tưởng tượng. Tôi ngắt lời anh.

Nhà thơ Mai Liên sửa lại đôi kính cận, há mồm nghe những lời chậm rãi của tôi sau đây:

- Họ không gặp lại nhau và không bao giờ lấy nhau. Sau ngày đất nước thống nhất, không hiểu do đâu mà Thùy Mai có rất nhiều bạn bè, loại người chuyên bán buôn, móc nối. Ít lâu sau thì Thùy Mai tự bỏ nghề và đi buôn. Cô ta đã lấy một anh chàng thợ may chết vợ, giàu sụ nhưng nát rượu. Họ chửi nhau suốt ngày, Thùy Mai sẵn sàng làm bất kỳ điều gì, miễn hái ra tiền. Mùa xuân năm ngoái chính cô ta đã đến rừng mai vàng làng Đông Dương cùng một bọn xấu khác trộm cành mai đưa về bán ở chợ Ba Đồn, bị công an phát hiện, giữ lại mấy hôm.

- Thế còn anh Dương Trúc? Nhà thơ Mai Liên sốt ruột hỏi tôi.

- Dương Trúc bạn tôi, đã trở về quê hương sau ngày Thùy Mai lấy chồng. Nhưng chiến tranh đã cướp của anh một bàn chân phải trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1972. Anh chưa lấy vợ, nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ ở rừng mai vàng quê anh, ở đó còn có nấm mồ cô giáo tuổi nhỏ của chúng tôi.

Vẫn bằng giọng chậm rãi, tâm tình, tôi kể tiếp cho anh nghe:

- Đứa con nuôi của Thùy Mai năm nay là một học sinh giỏi văn của trường phổ thông Trung học Ba Đồn. Cháu vẫn ở với Thùy Mai, mặc dầu có người chú ruột ở Huế tha thiết muốn đưa cháu vào sống với gia đình mình. Lần gặp lại cháu gần đây, cháu đã nói với tôi: "Cháu không thể từ bỏ người đã nuôi cháu từ cái ngày gia đình cháu gặp điều bất hạnh, mặc dầu người đó hiện nay cháu chẳng thích tí gì. Nhưng nhất định mọi cái tốt đẹp sẽ lại đến, nhất định sẽ lại đến!"

Nhà thơ Mai Liên đứng dậy, lững thững đi bên tôi dọc hàng cây cơm nguội. Bỗng dưng nét mặt rạng rỡ, hả hê, phấn chấn của anh lúc nãy biến mất. Anh trầm ngâm, thỉnh thoảng đưa tay lên sửa lại đôi kính cận. Tôi đoán, chắc lúc đó anh đang nghĩ về trang sách anh đã viết và con người thực ngoài đời.

Tôi chia tay anh để còn chuẩn bị thêm mấy thứ cho chuyến trở lại quê hương trong dịp xuân mới này, khi con tàu Thống nhất độ hai giờ nữa sẽ rú còi rời ga Hàng Cỏ. Tôi sẽ đến rừng mai vàng làng Đông Dương quê tôi mà ngắm hoa nở, mà ngửi hương say, mà nhìn cánh mai, như trăm nghìn cánh bướm vàng vờn trong nắng ấm. Tôi sẽ đem đến cho bạn tôi, anh thương binh Dương Trúc một chiếc chân giả loại mới có những thiết bị tự động mà tôi mua từ nước ngoài về với một giá khá đắt. Với chiếc chân giả có những thiết bị tự động này, anh ấy có thể dễ dàng đi trên cát rừng mai vàng và đến từng nấm mồ liệt sĩ nhổ từng cây cỏ, kẻ lại dòng mộ chí, trong đó có nấm mồ cô giáo tuổi nhỏ của chúng tôi. Và chắc chắn, các cháu học sinh của trường cơ sở Quảng Phương dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo sẽ đến trồng thêm những cây mai trên đồng cát, đan thêm dày rừng mai như chúng tôi trước đây đã đến trồng trong ngày tết trồng cây nhớ Bác Hồ.

H.N.D
(2/8-83)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NHẬT PHI  

    Dazai Osamu - đó luôn là câu trả lời của anh mỗi khi tôi hỏi về những nhà văn mà anh ngưỡng mộ nhất. Mặc dù tôi biết đối với những người khác, anh có thể nói đó là Hemingway, O’Henry, Mạc Ngôn, Lỗ Tấn, hay - với một vài cô gái đang khúc khích cười - Haruki Murakami - và thường thì họ sẽ tiếp tục che miệng khúc khích cười sau đó.

  • NGUYỄN VĂN TOAN  

    Tôi bắt đầu viết nhật ký khi vừa qua một đêm. Cuốn sổ của tôi, chép lại những giấc mơ sau mỗi giấc ngủ ám ảnh. Tôi bắt đầu làm việc này sau khi giải mã được giấc mơ cứ lặp đi lặp. Giấc mơ mà ông lão tôi đã vẽ ông luôn hiện về.

  • HỒ TRẦN

    Bàn thờ nhà anh được che tấm vải đỏ xẻ chính giữa. Tấm vải cũ mèm bụi bám, chuyển qua màu sậm. 

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Hắn câu cá bên bờ sông, trên một dải đất vươn ra lởm chởm đá, mọc vài cây bạch dương thưa thớt, có thể đứng vài người, nhưng lúc ấy chỉ có mình hắn.

  • ĐÀM QUỲNH NGỌC

    Y trở về làng sau hơn mười năm lang thang khắp nơi để tìm kế sinh nhai vào một buổi chiều mùa đông rét lắm. Nhiệt độ không khéo xuống 5oC cũng nên. Vậy mà y đi như không hề cảm thấy cái rét như kim châm đang đuổi hết dân làng vào ngồi bên bếp lửa.

  • TRẦN TRUNG CHÍNH

    Tại sao tôi lại không thể tự do làm việc theo ý mình, phiền đến ai đâu, có thể ích lợi là đằng khác!

  • PHẠM NGỌC TÚY

    1.
    Không biết từ lúc nào chị mất đi khuôn mặt thật của chính mình. Nó chỉ còn là chiếc bóng.

  • ĐỖ QUANG VINH

    Tôi đang ở trên một con thuyền nhỏ giữa đại dương với một cột buồm duy nhất. Cánh buồm rũ xuống một cách thảm hại vì không bắt được một cơn gió nào.

  • Lưu Hồng Cúc sinh năm 1955 tại Sài Gòn - Tham gia phong trào SVHS năm 1970. Học Trường kịch nghệ Sài Gòn năm 1971. Vào bưng và ra học tiếp Trường NTSK Hà Nội năm 1974. Đã công tác tại Báo Phụ nữ Thành phố HCM.

  • TẠ DUY ANH

    Một hôm viên chánh án của tòa án nọ nhận được lá đơn kiện kỳ lạ chưa từng có. Để độc giả đỡ sốt ruột, người kể xin miễn miêu tả nét mặt viên chánh án khi đọc xong đơn.

  • VŨ THANH LỊCH

    Tin thông báo, chuyến bay vê- nờ-hai-năm-tám của hãng hàng không... dự kiến khởi hành vào mười sáu giờ ba mươi phút sẽ khởi hành vào mười tám giờ năm lăm phút do thay đổi kế hoạch bay...”.

  • NGUYỆT CHU

    Chị gục xuống bên cạnh bàn tay nhỏ xíu của đứa con gái bé bỏng. Những ngón tay mảnh mai dường như vẫn đang run lên trong những cơn đau vô hình.

  • HOÀNG THỦY XUÂN

    Đó là một mảnh giấy nhỏ ông nhặt được. Một mảnh giấy cỡ bằng một bàn tay nhỏ, một mảnh giấy trắng nhưng đã bị nước mưa và bụi bẩn biến thành màu vàng nhạt. Một mảnh giấy chỉ bằng một bàn tay nhỏ và hoàn toàn trống trơn, không có bất cứ một chữ viết hay một hình vẽ nào trên đó.

  • NGUYÊN QUÂN  

    Quán cà phê nằm bạ dưới gầm cầu, một con đường nhỏ hẹp chạy ngang qua quán.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ

    1. Nàng quyết định không rời khỏi căn phòng hẹp của mình. Nàng chán cái cảm giác phải kéo tấm rèm mỗi ngày cạnh cửa sổ đầu giường, lúc mười hai giờ, khi nàng tỉnh giấc.

  • TRU SA

    Tặng Người Ăn Gió

    Sự ngon giấc, nguy hại hơn trái nổ trong túi ngực. Náu mình vào giấc ngủ, con người mất cảnh giác và đoạn tuyệt với mọi cảnh quan ngoài thế giới.

  • PHẠM THANH HÀ

    Mùa hè ập đến đột ngột và tỏ ra khắc nghiệt ngay từ những ngày đầu tiên. Mặt đường nhựa như bị đun cho đến nóng chảy dưới chân, nóng đến nỗi sự xuất hiện của những nụ hoa loa kèn trắng xanh và e ấp cũng chẳng đem lại được một ấn tượng gì đáng kể.

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

       Tưởng nhớ Phan Quang Định

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH     
           
        (Tặng mùa Vu Lan hiếu hạnh)

  • TRẦN BẢO ĐỊNH   

    1.
    - Đại vương! Muốn làm chuyện lớn phải biết bỏ qua chuyện nhỏ!
    Giáo Phép dùng cách dạy học trò, cố thuyết phục đại vương làm theo ý tưởng của mình.